SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM B – 2020: KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA
Tác giả : Eugene Lobo,
SJ, Bangalore, Ấn Độ
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn
Trung
Từ: msjnov.wordpress.com
WHĐ (17.12.2020) – Các bài đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật cuối cùng trước Lễ Giáng
Sinh nói về những sự chuẩn bị mà Thiên
Chúa đã thực hiện để Con của Người ra đời giữa chúng ta và như một người trong
chúng ta. Chúng ta chờ đợi sự xuất hiện của Ngài trên trần thế và
trong cuộc sống của chúng ta. Có một điều Thiên Chúa đã hứa với mỗi người
về sự hiện diện cá nhân của Ngài khi Ngài kêu gọi họ vào công việc phụng sự
Ngài. Thiên Chúa không bao giờ yêu cầu họ làm bất cứ điều gì cho Ngài mà
không thực hiện lời hứa này. Đó là nguồn sức mạnh và sự động viên, tin tưởng
lớn nhất của họ và Ngài sẽ không bao giờ làm họ thất vọng. Đó là một lời hứa đơn giản nhưng là một lời
hứa tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng và với điều này, Ngài vẫn gần gũi với chúng
ta. Với sự gần gũi này đối với con người, Thiên Chúa không thay đổi nhưng
Ngài cho phép chúng ta thay đổi và trở thành một với Ngài. Trong bài đọc
thứ nhất, Vua Đavít muốn xây một ngôi nhà cho Thiên Chúa tốt hơn ngôi nhà của
mình. Vua tìm cách nào đó để tạ ơn Chúa vì tất cả những gì ông đã nhận được
từ Ngài. Nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng đổ đầy cuộc đời ông bằng các phúc
lành. Trong bài đọc hai, thánh Phaolô nói về mầu nhiệm cứu độ sắp được mạc
khải và ngạc nhiên trước kế hoạch Thiên Chúa và thánh nhân tôn vinh Thiên
Chúa. Trong Tin Mừng, chúng ta có đoạn Truyền Tin quen thuộc, Thiên Thần
nói với Mẹ rằng Mẹ đã được Thiên Chúa ban ơn và loan báo căn tính thần linh của
đứa trẻ mà Mẹ Maria sắp cưu mang nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.
Trong Bài Đọc Thứ Nhất trích từ quyển Thứ Hai của
sách Tiên tri Samuen, chúng ta nghe nói về việc Thiên Chúa mang lại hòa bình
cho xứ sở khi Đavít được phong làm vua dân Do Thái. Nhờ Đavít, Thiên Chúa
đã giải cứu dân tộc khỏi mọi kẻ thù. Cảm kích trước sự vĩ đại của việc
Chúa là Thiên Chúa chiến thắng kẻ thù của Ngài, vua Đavít đã đến gặp tiên tri
Nathan, bày tỏ mối quan tâm của ông rằng đang khi ông sống trong một ngôi nhà bằng
gỗ tuyết tùng đẹp đẽ, thì Đức Chúa là Thiên Chúa lại ngự trong một căn lều. Một
chiếc lều có thể phù hợp với Thiên Chúa khi dân Ngài phải di chuyển khắp nơi vì
bị bắt bớ. Nhưng bây giờ nhà của họ đã được xây dựng và chiến thắng của họ
đã được bảo đảm một cách chắc chắn, Thiên Chúa xứng đáng có một điều gì đó tốt
hơn là một cái lều. Đavít muốn có một Đền thờ tráng lệ cho Thiên Chúa, nơi
Hòm Giao ước sẽ được cất giữ. Nghe lời mong muốn của Vua Đavít về một nơi ở
cho Thiên Chúa, tiên tri Nathan nói với vua rằng Thiên Chúa ở cùng vua. Như vậy, vua nên làm bất cứ điều
gì lòng vua lên tiếng để làm cho Thiên Chúa một nơi xứng đáng với Ngài trong
dân của Ngài. Nhưng, Thiên Chúa có kế hoạch khác. Đêm đó, Ngài nói
chuyện với Nathan, bảo ông hãy nhắn cho Đavít rằng hãy làm cho Ngài một nơi ở xứng
đáng với Ngài. Cuối cùng một ngôi đền tráng lệ được xây dựng, không phải bởi
Đavít mà bởi con trai của ông là Salômon và sau đó là một ngôi đền tráng lệ hơn
nữa bởi Hêrôđê Đại đế. Tuy nhiên, ngôi nhà mà Đavít được yêu cầu xây là một kiểu
nhà khác - đó là Nhà Đavít, triều đại Đavít, bao gồm tất cả con cháu và thần
dân của ông. “Ta sẽ xây cho ngươi một nhà.
Vì thế tôi tớ Ngài đủ can đảm dâng lên Ngài lời cầu nguyện ấy. Giờ đây, lạy
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân
lý, và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy. Vậy giờ đây, cúi
xin Ngài giáng phúc cho nhà của tôi tớ
Ngài, để nhà ấy được tồn tại mãi trước nhan Ngài. Bởi vì, lạy ĐỨC CHÚA là
Chúa Thượng, chính Ngài đã phán, và nhờ
Ngài giáng phúc mà nhà của tôi tớ Ngài sẽ được chúc lành mãi mãi” (2
Samuen 7: 27-29). Điều Thiên Chúa ám chỉ là không một người nào có thể xây được
một ngôi nhà cho Thiên Chúa ngự. Một ngôi nhà không đủ tốt và không ai ngoài Thiên Chúa có thể xây dựng
được một Vương quốc vĩnh cửu.
Trong Bài đọc thứ hai từ Thư gửi tín hữu Rôma,
thánh Phaolô bày tỏ sự ngạc nhiên trước kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng
ta khi nói rằng Thiên Chúa có thể củng cố chúng ta trong Thần Chân lý. Thánh
Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người
trong chúng ta bây giờ là đền thờ của Thiên Chúa, của Thánh Thần trong Chúa
Giêsu. Trong Giao ước mới không còn xây dựng đền thờ nào nữa, nhưng
như thánh Phaolô nói, chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, là nơi thờ phượng mà
mỗi người là một phần cấu thành. Qua sự dạy dỗ, Thiên Chúa đã cho chúng ta
biết những mầu nhiệm của Ngài. Thiên
Chúa, bằng một cách thiêng liêng, sắp sẵn tâm trí của những tín hữu nghe lời
công bố của Chúa Giêsu, là Đấng mặc khải những mầu nhiệm của Thiên Chúa đã được
giữ bí mật trong nhiều thế kỷ và nay đã được bộc lộ. Kiến thức và sự
hiểu biết về sự khôn ngoan thần linh trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa qua
Chúa Kitô đã được mọi người trên thế giới biết dựa theo Thánh ý Thiên
Chúa, để đưa mọi người đến chỗ vâng phục Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa
Kitô. Vì sự vinh hiển đời đời thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Nói cách
khác, Thánh Phaolô đang nói, lắng nghe và tuân theo lời của Chúa Giêsu
Kitô. Vì nhờ Chúa Giêsu mà sự cứu độ
nhân loại đã đến với tất cả mọi người, vì chương trình của Thiên Chúa bao gồm tất
cả mọi người, dân Do Thái và dân ngoại. Những người quy phục trong đức
tin được cứu độ. Nước Thiên Chúa đã đến trên trần gian cũng như trên Trời,
“Danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha
mau đến. ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mátthêu 6:9-10). Đó
không phải là một Vương quốc có thể nhìn thấy mà là một Vương quốc tâm
linh. Qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy lời hứa của Thiên Chúa đối với các
tiên tri được ứng nghiệm trọn vẹn.
Trong bài
Tin Mừng hôm nay, chúng ta có trình thuật Truyền tin. Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy ở đây là sáng kiến cho toàn bộ sự kiện đến từ Thiên Chúa. Chúng ta cũng
được cung cấp những chỉ dẫn rằng việc này không giống như bất kỳ điều gì theo
truyền thống có liên quan đến sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Người nữ được chọn cho công trình vĩ đại của
Thiên Chúa là một trinh nữ rất trẻ đầy niềm tin, quê ở một thị trấn thậm chí
không được nhắc đến trong Cựu Ước. Quả thực đó là cách Thiên Chúa làm. Khi
Luca mô tả sự thông báo của Thiên Chúa qua Tổng lãnh thiên thần cho Mẹ Maria về
sự ra đời của Chúa Giêsu, phần lớn những gì ông viết đều liên quan đến các lời
tiên tri. Việc truyền tin cho Mẹ Maria là một đoạn song song với đoạn trước
đó, khi Tổng lãnh thiên thần Gabriel thông báo cho Dacaria về sự ra đời của
Gioan Tẩy giả. Có sự giống nhau về cấu trúc: thông báo được đưa ra, người
nhận gặp rắc rối bởi sứ điệp được công bố, người nhận thông báo được yêu cầu đừng
sợ và một dấu hiệu được đưa ra xác nhận thông báo. Trong cả hai trường hợp,
Tổng lãnh thiên thần trỏ vào một dấu hiệu và sau đó mở rộng ý nghĩa của
nó. Tác dụng của lời giải thích là làm rõ rằng đứa trẻ do Mẹ Maria sinh ra
thì trổi vượt hơn đứa trẻ sinh ra bởi bà Isave. Gioan Tẩy giả là tiền hô của
Đấng Mêsia. Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa. Khi Luca mô tả
thông điệp cho Dacaria, ông đưa ra nhiều chi tiết, trong khi trong lời truyền
tin cho Mẹ Maria, chúng ta chỉ thấy đề cập đến thời gian và địa điểm. Thiên
thần đến với Dacaria trong những bức tường dát vàng của Đền thờ tại Giêrusalem,
nhưng lại ở trong ngôi nhà khiêm tốn của Nadarét sáu tháng sau đó để mang sứ điệp
đến cho Đức Maria. Thiên thần đến với Dacaria khi có một đám rất đông người
nhưng lại xuất hiện riêng tư với Mẹ Maria.
Với Mẹ
Maria, lời chào của thiên thần bắt đầu bằng cách gọi bà là người được Thiên
Chúa ưu ái. Tôn vinh Thiên Chúa bằng cả con người của mình, Mẹ Maria đã tỏ
lộ những gì mang lại ý nghĩa cho một con người đầy ân sủng. Lời tuyên bố của
thiên thần rằng Thiên Chúa ở cùng Mẹ Maria, lời tuyên bố đó đến từ Chúa, có ý
nói đến một vị trí quan trọng đặc biệt dành cho Mẹ. Hơn cả sự hiện diện của Chúa với Đavít, Thiên Chúa ở cùng Mẹ theo đúng
nghĩa đen. Mẹ là Hòm Bia Mới, vượt quá mọi mong đợi có thể. Mẹ là người
đầu tiên có thể nói về Chúa Giêsu, “Đây
là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (Stk 2:23). Không có gì lạ
khi cô gái giản dị này gặp rắc rối lớn. Không giống như Dacaria sợ hãi khi
chứng kiến thiên thần hiện ra, Mẹ Maria chỉ lo lắng trước lời nói của thiên
thần. Tổng lãnh thiên thần Gabriel hiểu sự bối rối của Mẹ và gọi tên Mẹ để
trấn an. Sau đó thiên thần tiếp tục cùng với lời hứa rằng Mẹ Maria sẽ thụ
thai và sinh một con trai. Theo truyền thống Do Thái, đây là một phúc lành
từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Mẹ Maria đặt câu hỏi việc này xảy ra như thế nào
bởi vì Mẹ được cho biết rằng đứa trẻ mà Mẹ sinh ra sẽ là con của Thiên Chúa và
Mẹ không có quan hệ gì với người nam. Đáp trả của thiên thần là tất cả sẽ
được hoàn thành bởi Chúa Thánh Thần, “Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”
(Luca 1;35). Vị Thần hiện diện
trong buổi sáng tạo đầu tiên, vị Thần đã biểu lộ vinh quang trên Đền thờ, và vị
Thần đã biểu lộ sự hiện diện thần linh trên thế giới, giờ đây vị Thần đó sẽ đem
lại sự sáng tạo mới trong Mẹ. Mẹ đã hiểu tất cả và nói lời xin vâng với
Thiên Chúa và mầu nhiệm Thiên Chúa làm người đã diễn ra ở đó.
Luca chắc chắn có ý định để cho câu chuyện về việc
truyền tin cho Đức Maria mang một ý nghĩa Kitô học, chỉ ra vị trí trung tâm của
Chúa Kitô bằng cách cho biết danh tính thực sự của Ngài là Đấng Mêsia và Con
Thiên Chúa. Đức Maria có phẩm giá mới khi Mẹ được chọn trở thành Mẹ Thiên
Chúa. Luca mô tả: Mẹ đáp lại bằng cách thực hiện những gì Mẹ sẽ thực hiện ở
một số thời điểm khác trong cuộc đời, cụ thể là, Mẹ cân nhắc. Khi cân nhắc
về thông báo kỳ lạ này, Mẹ Maria nhận ra rằng, nói theo cách con người, điều đó
không có ý nghĩa gì. Mẹ đã không ở cùng với một người nam. Khi cân nhắc,
Mẹ Maria cũng nhận ra rằng đây không phải là khả năng của con người. Đó là
việc của Thiên Chúa và “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể
làm được” (Luca 1:37). Khi cân nhắc, Đức Maria cũng có thể vẫn cứ là chính
mình và đồng thời trở thành người mà Mẹ nên là, là một tôi tớ khiêm nhường của
Thiên Chúa. Là tôi tớ, Mẹ Maria sẽ
làm bất cứ điều gì cần thiết để thực hiện lời mời gọi dành cho mình. Mẹ
không cần phải hiểu lời thông báo và Mẹ không cần phải sợ bất kỳ ai. Rốt
cuộc, điều này thực sự không phải việc của Mẹ và Mẹ biết điều đó. Đó là việc
liên quan đến Người Con mà Mẹ sẽ cưu mang và liên quan đến điều thực sự kỳ diệu
sẽ diễn ra vì Người Con đó. Trong thời gian chờ đợi, Mẹ sẽ tiếp tục
làm hết sức những gì Mẹ có thể, “hằng ghi
nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Luca 2:19). Tuy
nhiên, Mẹ biết Mẹ được chọn cho công cuộc cứu độ và Mẹ đồng ý với Thiên Chúa.
Có hai chủ đề khác ở đây tương tác với
nhau. Một mặt, tất cả những gì xảy ra cho Đức Maria đều đến
từ bàn tay Thiên Chúa một cách hoàn toàn cho không. Mẹ Maria được mô tả
là “đầy ân phúc” (Luca 1:28), đầy ân
nghĩa và lòng nhân từ của Thiên Chúa, điều mà Mẹ không cách nào kiếm được. Mặt khác, Mẹ Maria thực hiện quyền tự do lựa
chọn bất khả xâm phạm của mình. Một yêu cầu được Mẹ đưa ra và Mẹ tự do
đáp lại bằng cả trái tim: “Xin vâng, tôi
đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Luca
1:38). Do đó, Mẹ Maria được trình bày như một môn đồ hoàn hảo và, trong Tin mừng
Luca, Mẹ là hình ảnh báo trước của nhiều
thân phận vô danh khác - phụ nữ, tội nhân, những người thấp hèn là những kẻ khó
lòng được coi là những ứng viên có khả năng đáp lại một cách tích cực sự mặc khải
của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu. Lời 'Xin vâng' của Mẹ Maria đã thay đổi
thế giới. Việc Mẹ tuân theo lời thì kêu gọi của Thiên Chúa đã thay đổi cuộc
đời của tất cả chúng ta - những người tin hay không tin - cách này hay cách
khác. Có lẽ ngày nay sự vâng lời không phổ biến khi người ta muốn độc lập. Sự
vâng lời được hiểu một cách chắc chắn sai lầm như là sự khúm núm thụ động. Thế
giới liên kết sự vâng lời với sự yếu đuối và không có xương sống. Sự vâng
lời đích thực đến từ sự lựa chọn tự do được thực hiện dựa trên điều gì là chân
chính và tốt lành. Sự vâng lời thực sự đòi hỏi rất nhiều dũng khí vì nó có
thể liên quan đến việc đi ngược lại làn sóng kỳ vọng của xã hội. Sự vâng lời
thực sự không nhằm mục đích tuân theo những mong đợi của những người quyền lực
hơn chúng ta một cách an toàn mà là đặt bản thân vào việc phục vụ một thứ gì đó
vĩ đại hơn chính mình. Trong bức
tranh Tin Mừng, những người vĩ đại nhất không phải là những người có quyền thống
trị cưỡng ép người khác mà là những người cống hiến nguồn lực cá nhân của họ để
phục vụ và xây dựng.
Vào khoảnh khắc khi Đức Maria nói lời xin vâng và ý muốn Thiên Chúa được
hoàn thành nơi Mẹ, một sự kiện trọng đại đã xảy ra trong lịch sử. Con
Thiên Chúa đã mang bản tính con người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Đây thực sự
là sự mô tả tuyệt vời về hành vi yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng
ta. Lời xin vâng của Mẹ Maria là khởi đầu cho tất cả và cho mọi điều sẽ xảy
ra với Mẹ trong suốt quãng đời còn lại. Sự ưu ái của ân sủng hoạt động nơi
Mẹ Maria ngay từ đầu. Mẹ không hạn chế mình trong những thái độ hoàn toàn
cá nhân. Mẹ Maria hiểu lời Thiên thần nói với Mẹ rằng ngày càng có nhiều điều
đe dọa. Thiên thần đã nói với Mẹ rằng vị cứu tinh sẽ ở trong lòng Mẹ. Ngài
sẽ là Vua nhưng bản chất của vương quyền đó vẫn chưa rõ ràng đối với Mẹ. Nhưng
Mẹ hiểu một điều rõ ràng rằng Đấng mà Mẹ cưu mang trong mình sẽ thay đổi thế giới. Mẹ
biết đây sẽ là khởi đầu mới cho tất cả mọi người và là kết thúc quyền lực thế
gian. Nhờ Mẹ, Thiên Chúa sẽ thay đổi kết cấu của thế gian. Những gì Mẹ
cưu mang trong dạ đã đem lại cho Mẹ một tầm nhìn rộng lớn như thế giới và lâu
dài như lịch sử loài người. Nhờ lời xin vâng của mình, Mẹ không chỉ mở
lòng mình ra để đón nhận Thiên Chúa vào cuộc đời mình mà còn mở ra cho mình tầm
nhìn mới. Mẹ Maria cho chúng ta một
gương mẫu về cách thức chúng ta nên nói lời xin vâng với tiếng mời gọi của
Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Khi chuẩn bị cho sự ra đời của Đấng Cứu Độ,
chúng ta phải nhận ra rằng Thiên Chúa đang ở nhà với chúng ta và chúng ta đang ở
nhà với Ngài. Ngài là Ngôi Lời trở thành xác thịt, và là Đấng dựng lều của
Ngài ở giữa chúng ta, “Ngôi Lời đã trở
nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14a) để chúng ta trở thành
con cái của Thiên Chúa, trở thành thành viên của gia đình thần linh. Chúng
ta hãy nhìn lên Mẹ Maria, nữ tỳ khiêm nhường của Thiên Chúa. Mặc dù vô
cùng lo lắng và băn khoăn, nhưng Mẹ Maria công nhận rằng quyền năng của Thiên
Chúa có thể làm cho sự trinh khiết và son sẻ tương hợp với việc sinh
con. Do đó, Mẹ nói, “Xin Chúa cứ làm
cho tôi như lời sứ thần nói” (Luca 1:38). Nhờ sự hạ mình và khiêm nhường,
trở nên tin tưởng và cẩn trọng trong sự đơn sơ trinh nguyên của mình, Đức Maria
đã đồng ý chấp nhận Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa, được mong đợi từ lâu. Ước nguyện Mùa Vọng và Giáng Sinh của chúng
ta là, giống như Mẹ Maria, chúng ta, những người tạo nên Giáo Hội, có một lòng khiêm hạ, khiêm nhường, tin tưởng,
đơn thành, thận trọng và đức tin vâng phục rằng chúng ta được Thiên Chúa
ban cho một mái ấm. Và tin chắc rằng sự vĩ đại của Đức Vua, Đấng mà chúng ta đang chờ đợi trong niềm hy vọng
hân hoan, rất phù hợp với sự bé nhỏ của những người anh chị em nhỏ bé nhất của
Ngài, chúng ta có thể nhận ra Ngài trong họ, trong đói khát, trong cô đơn của
họ, trong nỗi bất hạnh của họ, và tạo nên một mái ấm cho họ, cho Ngài, và thực sự trở thành Giáo hội, hiệp thông, của
những người nghèo khó.
Vào Chúa nhật cuối cùng trước lễ Giáng sinh này
và các bài đọc nói về những sự chuẩn bị mà Thiên Chúa đã thực hiện để Chúa
Giêsu sinh ra giữa chúng ta. Chúng ta chờ đợi sự xuất hiện của Ngài trên
trần thế và trong cuộc sống của chúng ta. Khi tiếp tục cử hành Thánh Lễ,
chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang ở với chúng ta, ở đây và bây giờ, Ngài đã
thiết lập Vương quốc thần linh của Ngài tại Bêlem như Ngài đã làm vào Ngày Lễ
Ngũ Tuần.
Xin cho chúng con nhớ rằng khi tham dự Bí tích
Thánh Thể trong Nhiệm Thể hữu hình của Chúa Kitô, chúng con đang tham dự vào một
bữa tiệc trọng đại đang diễn ra trong Nước Thiên Chúa vô hình trên trần
gian. Cùng với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, bằng tất cả tấm lòng và hoàn toàn
vô điều kiện, chúng ta hãy nói với Chúa Giêsu rằng Ngài sẽ sinh ra lại trong
con hoặc thậm chí có thể sinh ra trong con lần đầu tiên. Bằng câu nói “Xin
vâng” của con, nhờ con, Chúa Giêsu cũng sẽ được sinh ra hoặc tái sinh trong những
người khác. Giáng Sinh này, chúng
ta cần phải hiểu rất rõ sự thật là những gì chúng ta thực hiện để Giáng Sinh trở
nên đặc biệt, thực ra chẳng là gì so với công trình Thiên Chúa thực hiện trong
chúng ta. Giáng sinh là công trình của Thiên Chúa, không phải của chúng
ta. Ngài đến để cứu rỗi chúng ta.
Có một câu
chuyện ngụ ngôn cổ, trong đó cây sồi hùng vĩ đã đứng vững hơn một trăm năm, nay
cuối cùng bị một cơn bão thổi bay. Cây sồi rơi xuống dòng sông, trôi xuống
hạ lưu cho đến khi nằm yên giữa đám lau sậy mọc dọc theo bờ sông. Người khổng
lồ đã bị té ngã liền hỏi đám lau sậy một cách ngạc nhiên, “Làm thế nào mà các bạn
có thể chịu được một cơn bão quá mạnh đến độ dù tôi là một cây sồi vẫn không thể
chịu đựng được?” Cây sậy trả lời: “Suốt bao năm qua, anh đã kiên cường chống
lại những cơn gió thổi qua anh. Anh đã tự hào về sức mạnh của mình đến nỗi
không chịu khuất phục, dù chỉ một chút. Còn chúng tôi đã không chống lại
những cơn gió, mà luôn luôn uốn mình theo chúng. Chúng tôi nhận ra sức mạnh
vượt trội của gió và vì vậy, gió càng thổi mạnh thì chúng tôi càng hạ mình trước
gió”.
Câu chuyện đơn giản này muốn nói tương tự như Mẹ
Maria: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng
cao mọi kẻ khiêm nhường” (Luca 1:51-52) và như thánh Phêrô: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban
ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Phêrô 5:5).