SỨC MẠNH CỦA THỨ THA
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (11.8.2021) - “Làm
thế nào để con được ơn đừng bao giờ đoán xét người lân cận?” “Bằng cầu nguyện.” “Vậy tại sao con chưa được ơn đó?” “Tại vì con không cầu nguyện đúng chỗ.” “Chỗ đó ở đâu?” “Ở trong cung
lòng Thượng Đế.” “Và con vào đó như
thế nào?” “Con phải hiểu rằng ai phạm
tội cũng đều không biết việc mình làm, nên họ đáng được thứ tha.”
Trò chuyện thiêng
liêng:
Có hai trường phái
sư phạm:
1./ Trường phái
tiêu cực nhấn mạnh những khuyết điểm hoặc điểm yếu của đương sự. Nhờ đó, chính
đương sự và người trợ giúp có những phương thế để khắc phục. Cần biết được điểm
yếu của chính mình để sửa đổi. Trường phái này thường được áp dụng khi góp ý, dạy
bảo hoặc nhắn nhủ người khác.
2./ Trường phái tích cực chú trọng đến những điểm mạnh và lợi thế của
đương sự. Lời tán dương, khen ngợi là biểu hiện thường thấy của trường phái
này. Nếu đương sự cứ phát huy sở trường của mình, đức tính tốt lành của mình
thì tự nhiên những khuyết điểm cũng sẽ giảm dần.
Khi trò chuyện với
người nước ngoài, tôi nghe họ nhận xét như sau: “Ở nước bạn, tôi ít khi nghe
người ta khen nhau. Thay vào đó, ganh tị hoặc kể lể những điều xấu của người
khác lại phổ biến.” Tôi cũng thấy nhiều người không thể tha thứ cho nhau, ngay
cả trong tương quan gia đình ruột thịt. Với vài điều chia sẻ dưới đây tôi muốn
đi vào trường phái tích cực. Nơi đó có thứ tha, tình yêu và tình người.
Những ngày tháng
giãn cách này buộc gia đình phải sống quây quần bên nhau. Vài ngày hoặc tuần đầu
thường không có vấn đề. Thế nhưng nếu sống như vậy càng lâu thì rất có thể xảy
ra đụng chạm. Sự cộng hưởng của nhiều yếu tố (tâm sinh lý, kinh tế, xã hội,
v.v.), khiến nhiều người dễ mất bình tĩnh và gây xung đột trong các tương quan.
Một trong những cách thức hạn chế bi kịch này là hãy tha thứ cho nhau.
Tha thứ đòi người
ta phải tập tành. Tha cho nhau từ những điều nho nhỏ. Khi chung sống với nhau,
chắc chắn các thành viên sẽ lộ ra những tính khí khác nhau, thậm chí là những lầm
lỗi. Nếu được tha thứ và đón nhận trong tình yêu gia đình thì chắc chắn người
ta sẽ sẵn lòng điều chỉnh lại lối sống của mình. Đừng tưởng tha thứ là dung thứ
những lỗi lầm của đương sự. Không! Thay vì soi mói hoặc xúc phạm người khác vì
lầm lỗi của họ, hãy cho họ thấy lòng rộng lượng của bạn. Chẳng hạn nếu có người
con bất cẩn làm vỡ chén thì một người cha tốt lành sẽ trấn an con: “Không sao
đâu, con đâu có cố ý, lần sau con cẩn thận hơn một chút là được.” Rồi người thì
quét dọn, người khác lấy chén mới, v.v và tiếp tục một bữa tối hạnh phúc bên
gia đình.
Người sống tình tha
thứ luôn biết biến những vấn đề phức tạp thành đơn giản, biến lỗi lầm của người
khác thành cơ hội để chia sẻ yêu thương. Mình cười người hôm trước thì hôm sau
sẽ có người cười lại mình. Còn nếu mình tha thứ, trước là cho chính mình, sau
là cho các thành viên khác trong gia đình, thì sẽ hạn chế được chuyện xích mích
ẩu đả không đáng có. Nếu tha thứ được nhân rộng, hẳn là xã hội đã bớt thù hằn
và chiến tranh. Nếu ai cũng thông cảm, đồng cảm với người khác thì chúng ta sẽ
cùng nhau vượt qua đại dịch lần này nhanh hơn, hiệu quả và an toàn hơn.
Là người Công giáo,
dĩ nhiên chúng ta thuộc lòng bài học tha thứ này từ Thiên Chúa. Mỗi người đều
có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chính mình. Trên hành trình
hoàn thiện bản thân, Thiên Chúa cũng mời gọi ta hãy tha thứ và thương xót người
khác. Chẳng phải chúng ta vẫn thường đọc lời Kinh Lạy Cha xin được tha thứ và để
tha thứ đó sao. Nói như thánh Gioan: “Nếu
ai nói, Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối;
vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến
Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,20).
Chắc bạn và tôi đều
hiểu rằng nói tha thứ thì dễ nhưng để làm được thì thật khó biết bao! Không sao,
chỉ cần mỗi ngày để ý và cố gắng thêm một chút rồi chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ
cho nhau hơn. Với sức mạnh của thứ tha, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc,
tình yêu và bình an trong tâm hồn và trong gia đình mình. Linh mục Gioan
Baotixita Phương Đình Toại, chuyên viên tâm lý, chỉ cho ta cách tha thứ như sau[1]:
- Tha thứ cần đến
lòng biết ơn. Có khi trong quá khứ, ai đó đã từng tha thứ cho tôi và chính
Thiên Chúa đã tha tội cho tôi. Hoặc nhớ lại rằng người gây tổn thương cho tôi
đã từng rất tốt với tôi.
- Thứ hai, quyết định
không trả thù. Hãy buông bỏ suy nghĩ mong điều xấu xảy ra cho người ta. Từ bỏ
khao khát oán hận.
- Thứ ba là hãy suy
nghĩ khác đi. Chắc là có lý do nào đó khiến họ làm tổn thương mình. Có thể vì
hoàn cảnh, yếu đuối, sợ hãi. Hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.
Chúng ta hãy cầu
nguyện cho nhau để có được tâm hồn dễ dàng yêu thương tha thứ cho chính mình và
tha nhân:
Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt để chúng con thấy những lần
chúng con xúc phạm và làm tổn thương nhau. Xin mở tai để chúng con nghe được những
tiếng khóc của nhau, nhất là trong lần đại dịch này. Xin mở miệng để chúng con
can đảm và khiêm nhường xin lỗi nhau. Xin mở lòng để chúng con có thể tha thứ
cho chính mình và cho các thành viên trong gia đình, dòng họ mình. Amen.
(Bài viết được tác giả gửi đến Ban Biên Tập tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)