SỨ VỤ CARITAS TRONG GIÁO HỘI

Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, O.P.

Bác ái (caritas) là một phần quan trọng làm nên bản chất và sứ vụ của Giáo hội. Thực vậy, bản chất Giáo hội được thể hiện qua một trách nhiệm bao gồm ba hoạt động: rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria) cử hành các Bí tích (leiturgia), phục vụ bác ái (diakonia). Những hoạt động này lệ thuộc nhau và không thể tách rời nhau[1]. Đức giáo hoàng Phanxicô nói rõ hơn: “Bác ái là một phần thiết yếu của Giáo hội. Nếu không có bác ái thì không có Giáo hội. Bác ái thể hiện tình yêu của Giáo hội, và Giáo hội tự thể hiện qua bác ái”[2]. Trong Giáo hội, mọi thành phần đều có trách nhiệm thực thi bác ái, nhưng Caritas là tổ chức được Giáo hội giao vai trò đại diện Giáo hội trong lãnh vực này.

Mục lục

1. Lịch sử. 1

       a. Vài sự kiện. 1

       b. Từ cứu đói đến cổ võ hòa bình. 2

       c. Từ chuyển giao đến phát huy nội lực. 3

2. Tổ chức mạng lưới Caritas. 4

3. Caritas Việt Nam.. 4

4. Caritas hiện nay. 5

5. Mong ước


1. Lịch sử

a. Vài sự kiện

Tổ chức Caritas địa phương đầu tiên được Linh mục Lorenz Werthmann (1858-1921) thiết lập  tại Koln nước Đức vào ngày 9 tháng 11 năm 1897 và mang tên là "Hiệp hội bác ái Công giáo Đức" (Charitasverband für das Katholische Deutschland). Năm 1916, tổ chức này được hội đồng giám mục Đức công nhận là Liên hiệp các tổ chức bác ái giáo phận. Tháng 7/1924 tại Đại hội Quốc tế Thánh Thể tại Amsterdam, và để minh họa mầu nhiệm dưỡng nuôi của Bí tích Thánh Thể, Hiệp hội Bác ái Công giáo được thành lập, lấy cơ sở là Caritas Thụy Sĩ, văn phòng đặt tại Lucerne.

Tháng 12/1951, với sự hỗ trợ của Toà thánh, Liên đoàn  (Confederatio) Caritas được thành lập và đặt trụ sở tại Roma và mang tên là Caritas internationalis. Mười ba thành viên sáng lập là Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Caritas đã có những hoạt động mang tầm mức quốc tế như hỗ trợ nạn nhân lũ lụt tại Italia, Hà Lan, và Bỉ (1954), và dần dần vượt ra khỏi ranh giới châu Âu, đến Etiopia, Trung Hoa, và Việt Nam (1955-1958). Trong cuộc chiến tại Việt Nam, Caritas kêu gọi giúp đỡ cho người dân cả hai miền Nam Bắc (1965-66). Thời điểm khai mạc Vatican II, Liên đoàn Caritas có 74 thành viên.

Năm 1967, Đức Phaolô VI ban hành thông điệp Phát triển các dân tộc (Populorum progressio) trong đó ngài đề nghị mỗi người phải nghe được tiếng kêu của anh chị em mình, và phải đáp ứng bằng tình yêu; ngài cũng nhìn nhận và giới thiệu tổ chức Caritas quốc tế là của Giáo hội và đang hoạt động khắp nơi (s. 46). Năm 1968, trong cuộc nội chiến tại Biafra (một quốc gia phía Đông Nigeria chỉ tồn tại trong vòng ba năm 1967-70), Caritas đã tham gia cầu không vận dân sự lớn nhất cho đến thời điểm đó, nhằm cung cấp hàng cứu trợ cho các nạn nhân nội chiến. Đây là một bước tiến trong lịch sử hoạt động ứng phó nhân đạo của Caritas qua việc phối hợp với các cơ quan viện trợ khác. Năm 1970, sau trận lốc xoáy làm thiệt mạng hàng trăm nghìn người tại Bangladesh và khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, Caritas nhận thấy việc chỉ tập trung vào cứu trợ khẩn cấp là không đủ, nhưng cần đầu tư vào các công trình giúp người dân tránh thiên tai như các khu neo đậu cho tàu bè tránh bão... Đây là kinh nghiệm phòng chống thiên tai, không chỉ khắc phục hậu quả mà còn nỗ lực giải quyết những nguyên nhân hoặc ít là tránh những hậu quả đáng tiếc. Cũng trong chiều hướng đó, để công việc phòng chống và ứng cứu khi gặp thiên tai được hiệu quả hơn, năm 1981, Caritas xuất bản tập sổ tay ứng cứu khẩn cấp. Tài liệu này thu hẹp khoảng cách giữa cứu trợ khẩn cấp và việc phát triển con người toàn diện.

Năm 1984, Caritas tham gia cứu trợ nạn đói tại Etiopia khiến một triệu người chết đói và ảnh hưởng đến 8 triệu người khác. Năm 1994, cuộc chiến tranh diệt chủng tại Ruanda khiến hơn 800.000 người thiệt mạng chỉ trong vòng ba tháng. Trong khi giúp đỡ những nạn nhân của các cuộc xung đột này, Caritas ý thức rõ hơn vài trò cổ võ hòa bình và được coi như cách thức tốt nhất để xóa bỏ những nguyên nhân của các thảm trạng đối với người dân nghèo.

Năm 1997, trong một nỗ lực quốc tế nhằm chống biến đổi khí hậu, nghị định thư Kyoto được thông qua. Caritas tổ chức các chiến dịch vận động chăm sóc thiên nhiên, vì việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Năm thánh 2000, Caritas tham gia chiến dịch xóa và giảm nợ cho các nước nghèo. Năm 2004, Đức Gioan Phaolô II, trong một lá thư gởi Ban điều hành Caritas Quốc tế, đã công nhận tư cách pháp nhân theo giáo luật của Caritas Quốc tế và nhìn nhận những đóng góp của Liên đoàn Caritas.

Năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI trong thông điệp đầu tiên tựa đề Deus Caritas est công nhận vai trò hàng đầu của Caritas trong công tác bác ái của Giáo hội (s. 31). Năm 2012 Bản Quy chế và Quy tắc mới của Liên đoàn Caritas được Tòa thánh phê chuẩn. Caritas Quốc tế được xác nhận thay mặt Tòa thánh điều phối các hoạt động nhân đạo của các Caritas địa phương. Năm 2015, thời hạn để đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Caritas kêu gọi cộng đồng quốc tế cam kết hoàn thành công việc đã bắt đầu với Tuyên bố Thiên niên kỷ (9/2000) là giúp mọi người, nam cũng như nữ và trẻ em, thoát khỏi các điều kiện sống đói nghèo và vô nhân đạo.

b. Từ cứu đói đến cổ võ hòa bình

Hầu hết các tổ chức Caritas được thành lập để đáp ứng nhu cầu trước mắt là cung cấp lương thực và ứng cứu các trường hợp khẩn cấp trong ranh giới quốc gia mình. Dần dần, Caritas tại các nước phát triển bắt đầu hỗ trợ các quốc gia khác, nhưng vẫn tập trung vào nhu cầu của những người gặp tình trạng khẩn cấp do thiên tai, chiến tranh và xung đột sắc tộc. Đứng trước sự gia tăng những thảm họa này, việc tham gia vào các chương trình cứu trợ khẩn cấp và phục hồi là điều hết sức cần thiết. Vì thế, trong thập niên 1960, hoạt động của Caritas chủ yếu tập trung vào việc chuyển giao tài nguyên từ các nước giàu cho các nước nghèo, hay nói theo nguyên tắc của một số tổ chức phi chính phủ là trả lại cho người nghèo phần của họ. Các chương trình phát triển tập trung vào các dịch vụ y tế, giáo dục và hệ thống nước sạch.

Sang thập niên 1980 và đặc biệt trong những năm 1990, với nỗ lực xác định và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của bất công nghèo đói, Caritas hướng đến việc tôn trọng quyền lợi chính đáng của người nghèo, giúp họ có cơ hội lên tiếng chống lại những bất công. Đây là một bước tiến trong việc cải tạo và xây dựng một xã hội công bằng hơn, nhằm xóa bỏ nguyên nhân xung đột.

Bạo lực bao giờ cũng là tội ác và không giải quyết được tận căn các cuộc xung đột, cho dù là xung đột sắc tộc hay ý thức hệ. Trước thực trạng đó, Caritas nhận ra một trọng tâm mới: hoạt động vì hòa bình và hòa giải. Đối với Giáo hội Công giáo, hòa bình là điều kiện tiên quyết để phát triển. Hòa bình là kết quả của công lý và dựa trên tình đoàn kết được thể hiện trong cuộc sống. Từ đây, Caritas gặp được những giáo huấn cụ thể của Đức thánh cha Phanxicô trong hai Thông điệp Laudato Si, và Fratelli tutti. Trong đó, Đức thánh cha tố cáo những nguyên nhân căn bản nhất của các cuộc xung đột và cổ võ mối tương quan huynh đệ giữa con người với nhau và với thế giới thụ tạo.

c. Từ chuyển giao đến phát huy nội lực

Trong những năm 1950 và 1960, Caritas tập trung vào việc chia sẻ nguồn tài nguyên từ các nước giàu cho các nước nghèo. Hầu hết nguồn tài trợ đều đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Các tổ chức Caritas châu Phi, châu Á, Nam Mỹ… thường phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, từ những năm 1970 và 1980, một bước ngoặt lớn được thực hiện đối với Caritas, đó là Caritas tại các quốc gia nghèo bắt đầu đảm nhận vai trò thực hiện các dự án quan trọng tại địa phương, với sự tài trợ của chính phủ sở tại. Điều này thật đúng lúc, vì từ những năm 1990, các Caritas châu Âu phải đối mặt với những thách thức về vấn đề nguồn lực, nhất là tài chánh. Nguồn tiền từ các tổ chức tôn giáo đã giảm rất nhiều do ảnh hưởng của phong trào thế tục hóa, do đó khả năng trợ cấp tài chánh cho các khu vực khác cũng bị hạn chế. Ngoài ra, ở châu Âu, các tổ chức Caritas còn phải công khai chịu trách nhiệm và minh bạch hơn trong các dự án, nên họ cũng gặp khó khăn trong việc hỗ trợ các dự án tại các nước nghèo nếu không đáp ứng được các điều kiện khắt khe. Hơn nữa, việc khan hiếm kinh phí buộc họ phải tìm kiếm nguồn tài trợ từ chính phủ. Đổi lại, họ phải đáp ứng những điều kiện rất chặt chẽ trong việc phê duyệt cũng như kiểm toán các dự án được họ tài trợ. Điều này gây khó chịu cho các tổ chức đón nhận sự trợ giúp, nhưng cách nào đó, lại trở thành nhân tố tích cực trong việc các Caritas địa phương nhận viện trợ dần dần buộc phải tìm cách phát huy nội lực của mình hơn.

Trong nội bộ liên đoàn Caritas cũng vậy. Trước đây, một thực tế không hợp lý là tại các cuộc họp bàn về các vấn đề của những nước nghèo, hầu hết tham dự viên lại đến từ châu Âu và Bắc Mỹ, đại diện nước nghèo chỉ là khách mời! Sau Đại hội năm 1999, Caritas chuyển đổi các cuộc họp vùng về từng khu vực, với chương trình nghị sự do khu vực liên quan thiết lập; từ đó, cán cân quyền lực trong nội bộ Caritas đã thay đổi để mang tính địa phương hơn.

2. Tổ chức mạng lưới Caritas

Hiện nay liên đoàn Caritas (web: https://www.caritas.org) gồm có 164 thành viên là các Caritas quốc gia hiện diện tại 200 nước. Bốn năm một lần các đại diện Caritas quốc gia họp đại hội đồng bầu ra Ban điều hành nhiệm kỳ 4 năm để điều hành các hoạt động của liên đoàn. Ban điều hành gồm bảy thành viên, ba vị do Toà thánh bổ nhiệm, ba vị do Đại hội đồng bầu và một vị do Ban điều hành bầu ra. Chủ tịch và đại diện Toà thánh hiện nay là Hồng y Luis Antonio Tagle người Philippines, đắc cử năm 2015 và 2019. Đứng đầu ban điều hành là vị Tổng thư ký, Aloysius John, 64 tuổi người Ấn Độ, nhiệm kỳ từ tháng 5/2019. Văn phòng Tổng Thư ký đặt tại Vatican, có trách nhiệm tổ chức các cuộc ứng phó khẩn cấp, vận động và truyền thông, liên lạc với các Caritas quốc gia, và nâng cao năng lực cho các thành viên thuộc liên đoàn. Ngoài ra, Caritas còn có đại diện tại Liên hợp quốc ở New York và ở Geneva. 

Các Caritas quốc gia liên kết với Hội đồng Giám mục địa phương. Caritas quốc gia cam kết điều hành quản trị trong tổ chức mình theo các nguyên tắc của Caritas Quốc tế, tôn trọng tính minh bạch và có trách nhiệm giải trình với tư cách là thành viên Caritas Quốc tế. Liên đoàn Caritas được chia thành bảy khu vực: châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh và Caribê, Trung Đông và Bắc Phi, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Trong liên đoàn Caritas, mỗi đơn vị địa phương tự trị và độc lập, kể cả cấp giáo phận. Tuy nhiên, vẫn có những mối liên hệ hợp tác và bổ trợ giữa các đơn vị.

Caritas châu Á (web: caritas.asia) được thành lập năm 1999, hiện nay có 24 thành viên và chia thành bốn tiểu vùng dựa theo địa lý: Trung Á, Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. Văn phòng Caritas châu Á đặt tại Bangkok, Thái Lan, có vai trò phục vụ và hỗ trợ các Caritas trong khu vực, dưới sự hướng dẫn của Giáo hội, phù hợp với các quyết định và kế hoạch được Đại hội đồng thông qua.

3. Caritas Việt Nam

Trong những năm 50 của thế kỷ trước, một tổ chức Caritas của Hoa Kỳ (CRS) đã có những hoạt động cứu trợ tại Việt Nam, đặc biệt dành cho người di cư. Năm 1954, linh mục Joseph J. Harnett, Giám đốc dự án cứu trợ người tị nạn, tham gia thành lập một chi nhánh Caritas tại Sài Gòn. Tuy nhiên, hơn mười năm sau, với những nỗ lực của linh mục Lawson Mooney cũng thuộc Caritas Hoa Kỳ, và sự can thiệp của Đức Giám mục Phêrô Phạm Ngọc Chi, Caritas Việt Nam (CVN) mới được chính thức thành lập năm 1965, với Đức cha Phạm Ngọc Chi là Đặc trách và cha Hồ Văn Vui là Giám đốc. Trong thời gian ngắn, các Caritas Giáo phận ở miền Nam cũng được thành lập và hoạt động theo chương trình chung CVN đề ra, đặc biệt trong lãnh vực cứu trợ các nạn nhân chiến tranh và thiên tai.

Năm 1968 Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền làm Đặc trách CVN. Cùng năm đó, CVN mua 2 căn nhà số 01 đường Trần Hoàng Quân, Quận 5, gần khu chợ An Đông, để làm trụ sở. Trong giai đoạn này, CVN mở ra các hoạt động xã hội, như lớp đào tạo cán bộ sơ cấp, phòng phát thuốc, trường dạy trẻ em nghèo, dạy cắt may... Năm 1972, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được chỉ định Đặc trách CVN, ngài mở rộng hoạt động bác ái xã hội bằng việc thành lập một cơ quan điều hợp nhiều tổ chức hoạt động xã hội, gọi là Hội Hợp tác để Xây dựng lại Việt Nam, gọi tắt là COREV (Cooperation pour la Réédification du Vietnam), trong đó có sự tham gia của Caritas Việt Nam. COREV xây dựng nhiều làng định cư mới, nhiều trung tâm xã hội trong các làng di dân. Tháng 7/1974, linh mục Phêrô Trương Trãi, Gp. Nha Trang, được cử làm Giám đốc, và đến tháng 6/1976 CVN được lệnh tạm ngưng hoạt động và giao cơ sở cho chính quyền.

Trong kỳ họp Hội nghị Thường niên tháng 10/2000, HĐGMVN quyết định thành lập Uỷ ban Bác ái Xã hội. Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan được chỉ định làm Chủ tịch, ngài xin tái lập CVN. Nhờ những hoạt động tích cực cho những người nghèo, bệnh tật và những nạn nhân của thiên tai bão lụt, dịch bệnh, nghiện ngập, CVN được Nhà nước cho phép hoạt động trở lại qua quyết định số 941/TGCP-CP, ngày 02/7/2008 với tư cách pháp nhân chính thức. Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh là Chủ tịch và Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn là Giám đốc cho giai đoạn mới này.

4. Caritas hiện nay

Trong văn thư xác nhận Caritas Việt Nam[3], Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, nêu lên mục đích của việc thành lập CVN: “Trong hoàn cảnh hiện nay của xã hội Việt Nam, HĐGMVN cần tổ chức Caritas Việt Nam như một Hiệp hội để giúp đỡ một cách có hiệu quả những người nghèo khổ, bệnh tật, những nạn nhân thiên tai, những nạn nhân xã hội như những người nhiễm HIV/AIDS, những người nghiện ma túy, những phụ nữ trẻ em bị lạm dụng tình dục…” Có thể nói, trong các ủy ban trực thuộc HĐGMVN, Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam có một hệ thống mở rộng nhất. Thật vậy, theo Quy chế Caritas Việt Nam, Caritas có cơ cấu tổ chức gồm văn phòng trung ương (CVN) và 27 văn phòng Caritas của 27 giáo phận. Hiện nay, Caritas Việt Nam (web: http://caritasvietnam.org) đặt trụ sở tại số 319, Quốc lộ 13, thuộc Giáo xứ Fatima Bình Triệu, TP. Thủ Đức. Ngoài ra, nhiều giáo xứ cũng có hội Caritas trực thuộc Caritas giáo phận. Caritas Việt Nam được điều hành bởi Hội đồng Quản trị và Hội đồng Đại biểu. Hội đồng Quản trị họp ba tháng một lần, gồm Đức cha Chủ tịch UBBAXH là Chủ tịch, Tổng thư ký do Đức cha chủ tịch bổ nhiệm, ba đại diện các Caritas giáo phận, hai đại diện các dòng tu, và một đại diện giáo dân. Hội đồng đại biểu họp mỗi năm một lần gồm Đức cha Chủ tịch và Tổng thư ký, đại diện của 27 Caritas Giáo phận, đại diện của các hoạt động chính, đại diện dòng tu và giáo dân.

Về nhân sự, hiện nay trụ sở Caritas Việt Nam có giám đốc do Đức cha Chủ tịch bổ nhiệm, và 15 nhân viên đa số là tu sĩ làm việc thường trực. Tại mỗi văn phòng Caritas giáo phận có Giám đốc do Đức cha Giáo phận bổ nhiệm và một số nhân viên cộng tác. Theo báo cáo năm 2019, hiện có khoảng 180 nhân viên làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian tại các văn phòng Caritas VN và Caritas Giáo phận. Ngoài ra, còn có hơn 70 ngàn người là hội viên Caritas, tình nguyện viên và cộng tác viên, là những người đóng góp lời cầu nguyện, công sức và tiền bạc cho các hoạt động của Caritas trung ương và Caritas Giáo phận.

Về hoạt động, có thể nói đến ba lãnh vực chính của Caritas Việt Nam: một là cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sinh kế sau thiên tai; hai là phát triển con người toàn diện; ba là cổ võ cuộc sống hòa bình và hòa giải trong xã hội. Trong ba lãnh vực đó, cứu trợ khẩn cấp là mục đích đầu tiên của Caritas và cũng dễ được đồng hóa với hoạt động chính của Caritas. Nhưng thực ra, lãnh vực thứ hai mới là hoạt động được đầu tư nhiều hơn, cả về nhân lực cũng như tài lực. Thực vậy, khi xảy ra thiên tai lũ lụt, có rất nhiều tấm lòng quảng đại hướng đến những nạn nhân qua những chuyến cứu trợ. Chẳng hạn trong trận lũ lụt tại miền Trung cuối năm 2020, có nhân chứng tại chỗ đã phỏng đoán khoảng 70 phần trăm chuyến xe trên quốc lộ 1 là những chuyến chở hàng cứu trợ. Tuy nhiên, sau thời gian lũ lụt cao điểm đó, các hoạt động phục hồi không được quan tâm lắm. Caritas dành nhiều hoạt động cho lãnh vực này. Hơn nữa, trong cuộc sống thường nhật, người nghèo, đối tượng phục vụ chính của Caritas, là những anh chị em thiếu cơ hội tiếp cận những phúc lợi xã hội, như việc học hành, chữa bệnh, hội nhập cuộc sống xã hội… Caritas Việt Nam cũng như các Caritas Giáo phận thường xuyên thực thi những hoạt động trong lãnh vực này như giúp các anh chị em HIV/AIDS hoặc khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng, cấp học bổng cho học sinh các cấp, chữa bệnh cho trẻ em bị bệnh tim, giúp anh chị em di dân an toàn… và rất nhiều hình thức khác nữa, nói chung là phát triển con người toàn diện. Ngoài ra, việc cổ võ con người sống hòa bình với nhau và với thiên nhiên qua những chiến dịch hành động, hoặc giới thiệu những tấm gương thầm lặng trong đời thường… cũng là một lãnh vực của hoạt động Caritas Việt Nam, tuy âm thầm nhưng có thể nói là lãnh vực giải quyết tận gốc những nguyên nhân xung đột.

5. Mong ước

Xin gợi ra ba mong ước. Thứ nhất, bác ái là bản chất của Giáo hội và là trách nhiệm của mọi Kitô hữu, không là đặc quyền của ai. Vai trò của Caritas là vận động được nhiều thành phần trong Giáo hội và trong xã hội tham gia vào việc xoa dịu nỗi đau của anh chị em mình. Vì thế, Caritas mong muốn phát triển phong trào tình nguyện viên sâu rộng hơn, đặc biệt cho các bạn trẻ, và có những hoạt động thiết thực cho phong trào này. Thực sự, lòng quảng đại không bao giờ thiếu nơi con người, chỉ cần có những hướng dẫn và tổ chức cụ thể. Thứ hai, hiện nay hoạt động của Caritas, nhất là các Caritas Giáo phận, rất phong phú và đa dạng, nhưng xét như là một tổ chức, những hoạt động đó cần được phối hợp để đem lại hiệu quả thiết thực hơn. Thứ ba, cần tránh quan niệm không đúng cho lắm khi nghĩ rằng Caritas cần tìm kiếm những khoản trợ cấp từ các nước để giúp đỡ người nghèo Việt Nam. Thực sự, hiện nay, nhiều chương trình của Caritas đều có một phần hỗ trợ của người Việt và một phần của nước ngoài. Có thể nói nguồn lực của Caritas Việt Nam hiện nay đến từ các cộng đoàn người Việt nhiều hơn so với các tổ chức từ thiện nước ngoài. Có lần một thành viên Caritas Đức đến thăm Việt Nam và tham dự cuộc họp gây quỹ, đã xuýt xoa vui mừng trước những sự đóng góp rất quảng đại của các mạnh thường quân Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần vận động nguồn lực Chúa ban qua những tấm lòng quảng đại đó. Hơn nữa, chúng ta cũng phải nghĩ đến việc mở rộng vòng tay cho những người anh chị em tại các quốc gia khác thiếu thốn hơn chúng ta. Mặc dù chúng ta còn nghèo, còn cần xin sự trợ giúp từ người khác, nhưng khi chúng ta xin được mười đồng thì cũng nên sẵn sàng dành một phần cho những anh chị em mình, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc… Hơn nữa, khi cho đi là đón nhận, sứ điệp của Caritas là mọi người đều vừa cho đi vừa đón nhận. Không ai chỉ có cho, mà cũng không ai chỉ có nhận.

Trích Thời sự Thần học - Số 92, tháng 05/2021, tr. 212-223, tại tsthdm.blogspot.com 

Tài liệu tham khảo:

Tổng hợp từ:

1. https://www.caritas.org/qui-sommes-nous/history/?lang=fr

2. https://www.caritas.org/wordpress/wp-content/uploads/2018/11/partenarFRA.qxd_.pdf

3. Nguyen-Marshall, V. (2009). “Tools of Empire? Vietnamese Catholics in South Vietnam”, Journal of the Canadian Historical Association20 (2), 138–159. Bản dịch Việt ngữ của Lê Văn Luận: Hoạt động cứu trợ của Công Giáo miền Nam giai đoạn 1954-1975, http://nghiencuuquocte.org/2020/05/05/hoat-dong-cuu-tro-cong-giao-mien-nam-1954-1975/



[1] x. Bênêđíctô XVI, Thông điệp  Deus caritas est, s. 25.

[2] Sứ điệp gởi Ban điều hành Caritas tháng 05/2013.

[3] Bản xác nhận của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Caritas Việt Nam, ký ngày 25/9/2008.