Kỳ 1: Câu hỏi đầy đau đớn
Nhiều người bị choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra trong thời đại chúng ta: sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân túy dối trá, chủ nghĩa số đông, nền chính trị cánh hữu bạo động với những chính sách dân tộc hiếu chiến, sự nghèo khổ cùng cực, tình trạng di cư bắt buộc, tình trạng nghèo đói do đại dịch COVID, các thế lực “toàn năng” xây dựng đế chế của mình bằng xương máu những người bị bóc lột, những thảm hoạ môi trường đang lan rộng. Sau tất cả, con người điếng lặng trước “sự thinh lặng” đáng sợ thường thấy của Thiên Chúa, khiến họ phải thốt lên tiếng kêu đau đớn như tiếng kêu của ngôn sứ Habacúc.:
“Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: “Bạo tàn!” mà Ngài không cứu vớt? Tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt chửng người chính trực hơn mình?” (Hab 1:2, 13). Người ta tự hỏi tất cả những điều này có ý nghĩa gì?
Sự thinh lặng của Thiên Chúa là một thách đố lớn cho con người. Ảnh: Canva
Trong bài viết này, tôi không có ý giải quyết một vấn đề thần học truyền thống và đặc thù vốn xoay quanh vòng luẩn quẩn không đi tới đâu của ba vấn đề: 1) Thiên Chúa tốt lành, nhưng không toàn năng, do đó sự dữ tồn tại; 2) Thiên Chúa toàn năng, nhưng không tốt lành, do đó sự dữ tồn tại; 3) Sự dữ khách quan không tồn tại; hoặc sự dữ là do thiếu vắng sự thiện, hoặc là sự dữ chỉ là suy nghĩ chủ quan.
Lập trường thứ tư cho rằng Thiên Chúa cho phép con người lạm dụng tự do gây ra sự dữ và đau khổ. Cũng có lập trường thứ năm dựa trên bản văn kinh thánh Đệ Nhị Luật 11:13-17, giải thích sự dữ và đau khổ là hành động đáp trả của Chúa đối với sự bất tuân của con người. Tuy nhiên, Gioan 9:2-3 lập luận dứt khoát chống lại những cách giải thích như thế. Dựa trên những lập trường trên, tôi sẽ phản tỉnh về “sự thinh lặng của Chúa” vốn có thể cảm nhận được trong thời đại chúng ta, không phải là suy đoán về nó cho bằng đề nghị một số cách thức hiệu quả để phản ứng trước vấn đề này.
Sự thinh lặng có thể cảm nhận được của Chúa
Kinh nghiệm sống động về sự thinh lặng của Chúa trong một số biến cố bạo lực và tàn ác nhất của lịch sử khiến con người phải thốt lên: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” (Tv 22,1). Thật ra, chính Con Thiên Chúa cũng không ngoại lệ. Với những thụ tạo vốn phải hư mất thì còn phải như thế nào nữa? Vì thế, chúng ta thấy những lời kêu than của Gióp: “Con kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp, con trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm” (G 30, 20), và Thánh vịnh gia cũng kêu lên: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời! Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên” (Tv 22, 1-2).
Trong tất cả những điều trên, tình huống tệ nhất là chúng ta hình dung Chúa như một đấng xa lạ, vô cảm trước đau khổ của thụ tạo của Ngài. Ở đây ta thấy có vấn đề nghiêm trọng về sự không tương hợp giữa tình yêu Chúa và sự thinh lặng của Chúa.
Một số giải đáp
Trong truyền thống Kitô giáo, có hai cách tiếp cận để hiểu tương quan giữa Thiên Chúa và loài người: 1) Cách tiếp cận thứ nhất là Thiên Chúa hoàn toàn khác, tuyệt đối tối cao, bất biến và không thể vượt qua; 2) Cách tiếp cận thứ hai có chiều kích Thánh Kinh, đặc biệt trong các Thánh vịnh kêu cầu, ở đó con người kêu cầu với Chúa: cầu xin Chúa thương xót đồng thời thừa nhận mình có tội, nhưng lại đòi một lời giải thích khi họ dường như không đáng chịu nỗi đau đớn, thống khổ. Mặc dù có sự chống đối Thiên Chúa trong những bản văn như thế, sự phản kháng đó cùng tồn tại với niềm tin tưởng sâu sắc vào sự quan phòng của Thiên Chúa.[1] Trong khi cách tiếp cận mang tính kinh viện không thực sự để tâm đúng mức về sự nhập thể, một số mô tả trong Kinh thánh có nguy cơ nhân cách hóa Thiên Chúa quá mức.
Theo triết gia Do Thái Martin Buber, Đấng Tuyệt Đối (Thiên Chúa) không truyền đạt bất kỳ lời nói hoặc luật lệ cụ thể nào cho con người. Những biến cố trong cuộc sống thường ngày là cách Thiên Chúa giao tiếp thực sự với con người, trong đó người ta phải biết tự quyết định; và những quyết định của con người trong những biến cố như thế chính là cách họ đáp lại Thiên Chúa. “Những biến cố xảy ra cho con người là…những dấu hiệu không thể giải thích được về việc con người nhận được thông điệp; những gì người ta làm hoặc không làm cho thấy họ đón nhận hoặc không đón nhận (thông điệp – ND).”[2]
Theo lập luận vừa nêu trên, sự mặc khải của Thiên Chúa thực sự cho con người thấy chính họ, trong và qua cách họ phản ứng với những biến cố trong cuộc đời mình. “Mạc khải không nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa mà đề cập đến cuộc sống con người. Và nó đề cập đến cuộc sống của con người như thể là người ta có thể sống và nên sống trong sự hiện diện của mầu nhiệm Thiên Chúa ”[3]
Tuy nhiên, theo Buber, vị Thiên Chúa như thế dường như vĩnh viễn thinh lặng và không có chỗ cho việc mặc khải về bất cứ điều gì thực sự đúng về Thiên Chúa. Vì thế, sự thinh lặng của Thiên Chúa là điều đáng mong đợi, hay nói một cách tích cực hơn, sự thinh lặng đó tạo ra một không gian cho con người đáp lời.
Rõ ràng, bất cứ ai tin vào sự mặc khải trong Kinh thánh nói chung và trong mầu nhiệm nhập thể nói riêng đều khó chấp nhận quan điểm của Buber. Từ góc độ hữu thần, sự thinh lặng của Thiên Chúa có thể cho con người cơ hội để tiếp tục cam kết với Thiên Chúa trong tình yêu và tự do đích thực. Vì, nếu Thiên Chúa lên tiếng dứt khoát, con người sẽ cảm thấy buộc phải đáp lại Thiên Chúa vì sợ bị phạt hoặc mong được khen thưởng, chứ không phải vì tình yêu và tự do đích thực. Ngoài ra, cảm thức về sự thinh lặng của Thiên Chúa có thể tạo nên sự kiên vững nơi người đang chịu đau khổ và tình liên đới với những người đau khổ khác.[4] Có thể chúng ta vẫn cần một cuộc thanh luyện sâu sắc để chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa (Dt 12:10).
Tuy nhiên, không lời giải thích nào trong những điều kể trên có thể nâng đỡ hoặc làm nhẹ bớt gánh nặng thực tế nơi các tín hữu do sự thinh lặng của Chúa gây ra. Và vì thế, “không rõ làm thế nào người ta có thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng cho phép những kinh nghiệm gây thất vọng về sự thinh lặng của Chúa”[5] Trong số những phản ứng khác nhau, việc xuất hiện não trạng có tính khải huyền là điều bình thường. Chúng tôi sẽ cố gắng phác thảo một vài đặc tính quan trọng của não trạng này.
Khó có thể tìm thấy lời giải thích thoả đáng cho sự thinh lặng của Thiên Chúa. Ảnh: Canva
Sự bất lực và não trạng khải huyền
Trong truyền thống Do Thái-Kitô giáo, thế giới quan khải huyền được dùng để giải thích những tình huống thảm hoạ và bách hại đến nỗi dường như tuyệt vọng. Mặc dù trong từ điển tiếng Anh Oxford, từ “khải huyền” có một nghĩa đó là “sự phá huỷ hoàn toàn vào ngày tận cùng của thế giới”, và ngạc nhiên thay, ý nghĩa của nó lại nhắm đến việc “vén mở” (từ gốc Hy Lạp apokalypsis) và “khải huyền”. Điều này giúp giải thích những thảm hoạ trong thời đại chúng ta như là những cơ hội để mạc khải khơi niềm hy vọng. Kinh Thánh có nhiều ví dụ tương tự.
Một đánh giá quan trọng về thế giới quan khải huyền
Hoàn cảnh dẫn đến việc xuất hiện của văn chương khải huyền là thời kỳ bị bách hại và đau khổ, cộng với sự tuyệt vọng hoàn toàn để vượt qua những đau khổ và bách hại đó. Khi đó, những người bị bách hại kêu xin Chúa can thiệp để chấm dứt sự bách hại cũng như khiến những kẻ bách hại phải trả lẽ công bằng. Trong khi thái độ trả thù theo kiểu có vay có trả có lẽ không thấy nơi những tiếng kêu van, nhưng chúng ta cũng có thể thấy thái độ đó trong một số bản văn.[6]
Những lý do thường được giải thích cho việc đưa các văn bản nói đến tìm cách trả thù vào Kinh Thánh, bao gồm từ việc chỉ sao chép lại nguồn tài liệu có sẵn cho đến việc khiến người đọc sợ hãi, khiến họ phải sống một cuộc sống đạo đức ngay thẳng; từ việc mang đến sự giải phóng cảm xúc cho những độc giả đang đau khổ bất lực để có thể đưa họ đến niềm hy vọng vào thời kỳ cuối cùng mà ở đó sự can thiệp bạo lực của Chúa sẽ sửa chữa những việc sai trái; từ việc thực sự mong muốn thông qua sự trừng phạt của Thiên Chúa, lòng dạ của những kẻ hành hạ được thay đổi[7] cho đến việc kêu gào một cách tự nhiên đòi lẽ công bằng. Do đó, thế giới quan khải huyền có thể được nghiên cứu dưới các quan điểm luân lý, tâm lý xã hội, thần học và chính trị.
Có thể suy ra rằng yếu tố chính dẫn đến sự xuất hiện của thế giới quan khải huyền chính là sự “thinh lặng của Chúa” trong bối cảnh đau khổ và bách hại, khi những kẻ gây ra tai họa vẫn không bị trừng phạt. Những quan sát này trở nên quan trọng vào thời điểm nhiều nhóm Kitô hữu đã hình thành nên não trạng khải huyền, khiến họ trở thành những khán giả thụ động trước những tiêu cực đang xảy ra. Ngược lại, một số người có thể đã bắt đầu “cuộc truyền giáo” cực kỳ hung hăng, nếu ta có thể thực sự gọi đó là truyền giáo. Những thái độ như thế cũng có thể được tìm thấy trong các tín đồ của các tôn giáo khác với những đặc thù riêng của các tôn giáo đó. Không có thái độ nào trong số những điều vừa nêu có thể tạo nên phản ứng hiệu quả đối với các tình huống hiện thời trong hoàn bối cảnh châu Á và cũng như bối cảnh toàn cầu.
Kỳ 2: Ngôn ngữ của sự thinh lặng
Sự thinh lặng của Chúa trong Kinh Thánh
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói nhiều hơn là thinh lặng. Trong khi có khoảng 1882 động từ và danh từ diễn tả lời nói của Thiên Chúa, chỉ có 29 động từ và danh từ rõ ràng diễn tả sự thinh lặng của Thiên Chúa.[8] Tuy nhiên, sự thinh lặng của Thiên Chúa và sự than vãn của con người xét như hệ quả là một khía cạnh chính của truyền thống Do Thái-Kitô giáo. Trong Thánh vịnh 94,17 và 115,17, nghĩa của từ tiếng Do Thái “dumah” (im lặng) gắn liền với sự chết. Tình trạng đó diễn tả sự đổ vỡ hoàn toàn trong việc giao tiếp giữa Thiên Chúa và con người.[9]
Sự thinh lặng của Thiên Chúa hàm chứa một sự giao tiếp. Ảnh: Canva
Tương tự như trên, Israel than khóc vì thiếu vắng lời ngôn sứ, mặc dù lời các ngôn sứ thường là lời phê phán gay gắt về sự bất trung của họ đối với Thiên Chúa (Mk 3:6-7). Sách các Vua quyển thứ nhất, chương 19, kể về cuộc gặp gỡ giữa ngôn sứ Êlia với Thiên Chúa. Ông tìm thấy Thiên Chúa trong một “tiếng nói nhỏ nhẹ” (qol demamah daqqa) (c.12). Nó gần như là sự thinh lặng so với cơn gió mạnh, lửa cháy dữ dội và trận động đất ồn ào đã xảy ra trước đó. Sự thinh lặng này bao gồm hoặc theo sau bởi việc Thiên Chúa xuất hiện.[10] Thomas Martin, dựa trên nhiều nghiên cứu học thuật, đưa ra một cái nhìn thú vị về sự tương phản giữa “tiếng nói lớn” và “tiếng nói nhỏ nhẹ” được nhắc đến trong sách Khải huyền. Theo đó, “tiếng nói nhỏ nhẹ” của Thiên Chúa (1V 19, đặc biệt là câu 12 và các câu tiếp theo), nếu hiểu rằng Thiên Chúa nói bằng “tiếng nói không ồn ào” trong Kh 1:1-8 hoặc 21:5tt, cho thấy người thuật chuyện đã nghe thấy sự phá huỷ của những “tiếng nói lớn” ở trên trời, vốn được nhắc đến nhiều lần trong sách Khải huyền. Người thuật chuyện đã nhầm lẫn chúng với tiếng nói của Thiên Chúa; và người được cho là tác giả đã phê phán về người thuật chuyện đó.[11] Lỗi của người thuật chuyện là liên kết những âm thanh ồn ào mang tính thống trị (việc xây dựng hình ảnh hay quảng bá công khai là thực hành phố biến trong đế chế La Mã) với tiếng nói từ trời. Thật vậy, Gioan, người thuật chuyện, được yêu cầu không viết gì khi ông nghe thấy tiếng của “bảy tiếng sấm” (10:2tt), chứng tỏ không có sự mặc khải nào nơi chúng. Nói cách khác, người thuật chuyện đã sai lầm khi mong đợi Chúa ra tay “ồn ào” như hoàng đế La Mã với hy vọng chấm dứt nỗi thống khổ của các Kitô hữu. Thế nhưng người được cho là tác giả của sách Khải huyền lại cho thấy một Thiên Chúa khác, một Đấng nói bằng giọng nhỏ nhẹ, gần như thinh lặng. Điều chúng ta thấy ở đây là “lời nói” của Chúa không nhất thiết phải ồn ào và náo động; lời Chúa có thể nhẹ nhàng như chính sự thinh lặng.
Với ngôn ngữ gần như thần bí, thư Rô-ma 8,26 nói về “những tiếng thở dài khôn tả” mà Thánh Thần của Thiên Chúa “chuyển cầu” từ bên trong chúng ta, vì “chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho đúng.” Những tiếng thở dài của Thánh Thần là cầu nối giao tiếp giữa Thiên Chúa và chúng ta, và chúng không thể được diễn tả bằng bất kỳ ngôn ngữ phàm nhân nào. Có vẻ nghịch lý nhưng những tiếng thở dài này cho thấy một sự thinh lặng hàm chứa sự giao tiếp. Chính trong và qua những tiếng thở dài “thinh lặng” này mà điều không thể diễn tả được lại có thể được truyền đạt. Thật vậy, Kinh Thánh đề cập đến chủ đề “sự thinh lặng của Thiên Chúa” theo nhiều cách khác nhau. Chính trên nền tảng này mà sự hiểu biết của Kitô giáo về sự thinh lặng này phát triển theo nhiều khía cạnh khác nhau.[12]
Những đặc nét của niềm hy vọng Kitô giáo
Trong truyền thống Kitô giáo, giữa những đau khổ và tuyệt vọng vì Thiên Chúa thinh lặng, niềm hy vọng được đặt ở vị trí hàng đầu.
Niềm hy vọng là gì? Niềm hy vọng không thể bị giới hạn chỉ bởi những mong muốn và niềm tin. Niềm hy vọng được diễn tả bằng hành động, và trong trường hợp có mục tiêu chưa đạt được, niềm hy vọng thậm chí có thể sắp xếp lại mục tiêu đó trong khi vẫn nhắm đến mục đích tốt đẹp của mục tiêu. Ví dụ, niềm hy vọng của người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất về việc được giải phóng khỏi sự áp bức của người La Mã đã được phác hoạ lại dưới ánh sáng của biến cố Chúa Kitô, từ đó niềm hy vọng cũ trở thành niềm hy vọng sâu sắc hơn về việc giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết, vốn vượt xa niềm hy vọng tự do về mặt chính trị. Hơn nữa, tất cả các xu hướng hy vọng mang tính lười biếng và sự thụ động xét như là hệ quả đều bị chỉ trích gay gắt (“Ai không muốn làm việc thì không được ăn!” 2 Tx 3:10), và một sự dấn thân tích cực với thế giới và với nhà cầm quyền đã trở thành một giáo lý nổi bật trong thời Giáo hội sơ khai. Do đó, niềm hy vọng được điều chỉnh đã biến họ thành những tác nhân của sự thay đổi.[13]
Niềm hy vọng trở thành tác nhân của sự thay đổi. Ảnh: Canva
Những suy xét trên dẫn chúng ta đến việc tìm hiểu liệu một người đang ở ranh giới của sự tuyệt vọng hoàn toàn, trong khi kinh nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa, có thực sự đã hết cách để có thể đối diện cuộc khủng hoảng hiện tại một cách tích cực hay không. Cần phải thừa nhận khả năng thất bại khi đối diện với cuộc khủng hoảng như thế. Cánh cửa đã được gõ có thể không mở ra, nhưng nhiều cánh cửa khác có thể đã mở ra mà thậm chí không cần gõ (Mt 7,7).
Hơn nữa, truyền thống Kitô giáo đưa ra một sự phân biệt quan trọng và hữu ích giữa “niềm hy vọng tự nhiên” và “niềm hy vọng như một nhân đức đối thần.”[14] Điều này có thể làm sáng tỏ vấn đề “sự thinh lặng của Thiên Chúa.” “Niềm hy vọng tự nhiên” là đam mê của con người về điều được cho là tốt đẹp nhưng khó đạt được. “Nhân đức hy vọng đối thần” đề cập đến khao khát của con người muốn được sự kết hiệp tuyệt đối với Thiên Chúa.[15] Trong trường hợp có thể là đã mất hy vọng do sự thinh lặng của Thiên Chúa giữa cơn khốn khó của con người, chúng ta vẫn không rõ liệu niềm hy vọng tự nhiên hay nhân đức hy vọng đối thần, hoặc cả hai, được nói đến.
Theo khái niệm “hiện hữu siêu nhiên”[16] của Karl Rahner, tức là nỗi khát khao hiện sinh tột bậc nơi con người về bất cứ sự thông truyền nào và sự thông truyền với Thiên Chúa, nhân đức hy vọng đối thần dường như không thể mất đi được, bởi vì nó là ơn Thiên Chúa ban cho mỗi người, và nó tồn tại trong chủ thể con người ngay cả khi người đó cố tình từ chối Thiên Chúa. “Hiện hữu siêu nhiên” là phần không thể tách rời của sự hiện hữu của con người (vì vậy nó là “hiện sinh”). Như Rahner đã chỉ rõ, sự hiện hữu này không nhất thiết phải luôn ở mức độ ý thức, vì nó là một điều kiện làm nên sự tồn tại của chúng ta. Do đó, chúng ta có lý do xác đáng để tin rằng ngay cả trong trường hợp mất hoàn toàn “niềm hy vọng tự nhiên” thì “nhân đức hy vọng đối thần” vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong chúng ta mà không cần chúng ta nhận thức rõ ràng về nó.
Cuối cùng, đúng là không phải tất cả các đối tượng của “niềm hy vọng tự nhiên” (những mục tiêu hữu hạn) đều có thể hữu ích cho việc đạt được mục tiêu của nhân đức hy vọng đối thần (sự hiệp thông với Thiên Chúa). Do đó, khi “niềm hy vọng tự nhiên” sụp đổ bởi sự thinh lặng của Thiên Chúa, điều đó cũng có thể có lợi cho ích lợi tối hậu của con người[17]
Sự thinh lặng của trời cao như một khúc dạo đầu cho một mặc khải quan trọng?
Những lời nói chỉ có ý nghĩa khi có sự thinh lặng xen vào. Lời nói và sự thinh lặng xen vào tạo nên một bài diễn văn hoàn chỉnh. Do đó, sự thinh lặng không phải là sự thiếu vắng lời nói, mà là điều làm cho lời nói trở nên có ý nghĩa, và thinh lặng cũng có ý nghĩa y như lời nói vậy. Sách Khải huyền 8,1 nói về nửa giờ im lặng khi Con Chiên mở ấn thứ bảy. Dựa vào sách Dacaria 2,13, Habacuc 2,20 và Êzêkien 3,15-16, sự thinh lặng này có thể được hiểu như một khúc dạo đầu cho mặc khải của Thiên Chúa. Mặc dù vậy, việc gán lý do như vậy cho sự thinh lặng của Thiên Chúa trước sự đau khổ của con người có thể dẫn đến việc nhân hóa Thiên Chúa quá mức. Tuy nhiên, cũng có lý khi cho rằng Thiên Chúa đang lắng nghe các tạo vật trước khi nói lời mặc khải.
Theo thuật ngữ của Rahner, chúng ta là “những người lắng nghe Lời” và cảm thấy khắc khoải vì đôi khi chúng ta không nghe thấy Lời đó khi trong thời gian gặp khủng hoảng. Những giai điệu không nghe được có thể ngọt ngào hơn cả những giai điệu được nghe; nhưng trong trường hợp này, chúng ta khao khát những giai điệu chưa được nghe vì thực tại nguyên thủy của các giai điệu này đã để lại dấu ấn không thể xóa mờ trong cách thức hiện hữu của chúng ta. Do đó, có nhiều lý do hơn để tin rằng Thiên Chúa không thể không mặc khải cho chúng ta trong chính sự thinh lặng của Người.
Liệu Thiên Chúa Ba Ngôi có thể thinh lặng không?
Các mối tương quan giữa Ba Ngôi từ trước muôn đời là Chúa Con phát xuất từ Chúa Cha, Chúa Con chủ động đón nhận bản thể từ Chúa Cha, sự phát sinh của Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần chủ động đón nhận bản thể của Ngài từ Chúa Cha và Chúa Con, có thể được coi là các “hành động ngôn ngữ” trong nội tại Thiên Chúa Ba Ngôi. Mặc dù Karl Rahner, vì ngại rằng việc giải thích sai lầm có thể dẫn đến thuyết tam vị, đã do dự trong việc đặt một mối liên hệ “Tôi-Bạn” trong tương quan nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng chừng nào đức tin Kitô giáo còn khẳng định sự phân biệt cá vị trong Ba Ngôi, thì chắc chắn chúng ta có thể nói về Chúa Con như là “Bạn” (tức là con – ND) của Chúa Cha. Vì vậy, “Thiên Chúa Ba Ngôi thật sự thinh lặng” là một thuật ngữ mâu thuẫn; bởi Ba Ngôi cơ bản là “sự giao tiếp”. Sự “giao tiếp” nội tại này của Ba Ngôi tuôn tràn dẫn đến việc tạo dựng bằng lời Chúa phán; tình yêu và sự tự do hoàn toàn của Thiên Chúa đi vào thời gian và không gian. Thật vậy, các ngẫu tượng không thể nói, nhưng Thiên Chúa hằng sống có thể nói. Lời nói của Thiên Chúa là điều mang lại sự hiện hữu và duy trì tất cả những gì hiện hữu. Vì thế, từ góc nhìn Ba Ngôi, sự thinh lặng của Thiên Chúa là do sự cảm nhận của con người chứ không phải là vấn đề từ phía Thiên Chúa.
Kỳ 3: Mặc khải về một bức tranh rộng lớn hơn
Sự thinh lặng của Thiên Chúa và mầu nhiệm Nhập Thể
Quan điểm nhập thể về sự thinh lặng của Thiên Chúa đã dẫn đến nhiều giải thích khác nhau. Chẳng hạn, Simone Weil (1909-1943), một triết gia thần bí và là nhà hoạt động chính trị người Pháp, cho rằng khi tạo ra vũ trụ “không gian, thời gian, vật chất” xong, Thiên Chúa đã rút lui. Vì Thiên Chúa là Đấng vô hạn không thể chịu sự chi phối của không gian thời gian. Về cơ bản, chính sự rút lui này tạo ra tất cả nỗi đau của nhân loại liên quan đến “sự thinh lặng của Thiên Chúa.”
Sự thinh lặng của Thiên Chúa được cho là Ngài đã rút lui khỏi công trình sáng tạo. Ảnh: Canva
Theo quan điểm của Weil, khi rút lui khỏi thế giới, Thiên Chúa đã để thế giới vận hành theo các năng động tự nhiên, do đó có một trật tự ổn định trong công trình sáng tạo. Trong quá trình hoạt động đều đặn của các năng động này, không có sự quan phòng đặc biệt nào của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa không can thiệp và xâm phạm các quy luật tự nhiên, chẳng hạn như tiêu diệt tên bạo chúa bằng một phép lạ, hoặc vô hiệu hóa một cơn bão đang hoạt động. Phản ứng của Thiên Chúa đối với những tiếng kêu than của con người trước sự đau khổ là thinh lặng. Do đó theo Weil, thái độ lý tưởng của con người đối với đau khổ là lòng biết ơn, dù đau khổ.
Cách hiểu của Weil rõ ràng đi ngược lại với hình ảnh Thiên Chúa trong Kinh Thánh, Đấng tham gia vào các công việc của con người một cách tích cực và nhiệt tình, và cách đặc biệt nhất là trong mầu nhiệm Nhập Thể. Ở đây không có chuyện Thiên Chúa rút lui khỏi công trình sáng tạo. Thiên Chúa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Emmanuel). Ngôi Lời trở nên người phàm trong mầu nhiệm nhập thể cho thấy Thiên Chúa liên đới một cách rõ ràng nhất nơi các hành động trong lịch sử của Ngài.
Thánh Inhaxio Loyola có một cách hiểu khác về sự thinh lặng của Thiên Chúa. Trong cuốn Tự Thuật của mình, chúng ta thấy Inhaxio nhiều lần rơi vào tình cảnh khó khăn, không biết phải làm như thế nào. Có bốn kiểu phản ứng trước những tình huống như thế: 1) kiên nhẫn chờ đợi và sau đó quyết định trong tinh thần cầu nguyện vào thời điểm thích hợp, từ đó kiên nhẫn cho bản thân thêm thời gian và tin tưởng vào Thiên Chúa; 2) dâng lên Thiên Chúa tất cả mọi sự và nhiệt thành tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa qua những lời cầu nguyện, thánh lễ, hãm mình và ăn chay; 3) tìm kiếm sự giúp đỡ từ “những người thánh thiện” – việc thực hành này giảm đi nhiều kể từ sau giai đoạn ngài đi thăm Đất Thánh, và sau này gần như được thay thế bằng việc “nói chuyện thiêng liêng” với các bạn đồng hành; 4) đặt mình trong tay Thiên Chúa và cụ thể là trong tay Đức giáo hoàng.
Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng rõ ràng là người ta có thể chủ động tìm kiếm ý Chúa trong các dấu chỉ của thời đại. Thật vậy, thánh Inhaxiô bị cuốn hút bởi viễn cảnh về một “bức tranh rộng lớn hơn” trong “cuộc đời hành hương” của mình, điều vốn giúp ngài tiến lên phía trước bất chấp mọi trở ngại. Điều này có thể giúp chúng ta tìm hiểu xem liệu mình có thể được mặc khải một “bức tranh rộng lớn hơn” khi đối diện với kinh nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Mặc khải về một “bức tranh rộng lớn hơn” trong sự thinh lặng của Thiên Chúa
Mặc dù tất cả những gì ông Gióp mất đều được phục hồi gấp đôi, nhưng những câu hỏi của Gióp vẫn không được Thiên Chúa trả lời, ít nhất là theo cách trực tiếp và dễ hiểu. Nhưng trong chính sự mơ hồ đó, một “bức tranh rộng lớn hơn” được khai mở cho Gióp. Trong bức tranh đó, sự tồn tại của ông dường như trở nên nhỏ bé không đáng kể. Niềm an ủi của ông đến “dưới dạng một cảm giác choáng ngợp về sự giới hạn so với với sức mạnh và hành động động lớn lao của Thiên Chúa.”[23] Ông Gióp sẽ không thấy bức tranh lớn hơn nếu ông không trải qua đau khổ và kinh nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa trong sự đau khổ đó.
Điều tương tự cũng đúng trong trường hợp Con Thiên Chúa. Tại Vườn Ô-liu, chén đắng không được cất đi nhưng một thiên thần được gửi đến để tăng sức cho Ngài (Lu-ca 22,43). Sự xuất hiện của thiên thần mở ra cả một bức tranh rộng lớn hơn. Trong Lu-ca 22,36, Chúa Giê-su đã khuyên những người không có gươm hãy mua một cái, ngay cả khi phải bán áo của mình. Tuy nhiên, sự an ủi của thiên thần dường như đã mở ra một bức tranh lớn hơn khiến gươm trở nên thừa thãi (Lu-ca 22,51; Gio-an 18,11). Gươm thuộc về một bức tranh nhỏ, một thế giới hẹp hòi. Thế giới đó giờ đây được nâng tầm trong ánh sáng của bức tranh rộng lớn hơn. Bức tranh rộng lớn hơn đảm bảo rằng không có tiếng kêu đau đớn trên thập giá, mà chỉ có sự phó thác cho Thiên Chúa (Lu-ca 23,46)
Sự thinh lặng của Thiên Chúa mở ra một bức tranh rộng lớn hơn. Ảnh: Canva
Có một sự tình cờ đó là các trình thuật của Mát-thêu và Mác-cô không đề cập đến sự an ủi của thiên thần, điều giúp khai mở một bức tranh rộng lớn hơn. Ở đây tiếng kêu trên thập giá vang lên: “… Tại sao Ngài bỏ rơi Con?” (Mát-thêu 27,46; Mac-cô 15,34). Trong những bản văn này, sự thinh lặng của Thiên Chúa mở ra bức tranh rộng lớn hơn sau cái chết: sự phục sinh, không chỉ được tỏ hiện nơi Người Con vâng phục và đã sống lại mà còn trong lời chứng của tất cả những người chứng kiến Ngài. Đó là lý do tại sao Phaolô có thể nói “dù chúng ta sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rô-ma 14,8). Đó chính là bức tranh rộng lớn hơn. Đó là nguồn của hy vọng cuối cùng của chúng ta, điều giúp chúng ta có đủ tầm nhìn cần thiết để nhìn vào tất cả các sự kiện đơn lẻ trước “sự thinh lặng của Thiên Chúa” với sự dũng cảm, tự tin và dấn thân.
Sự liên đới xét như là con đường tiến về phía trước
Trong tất cả các cuộc thảo luận về kinh nghiệm trải qua đau khổ khi đối diện với sự thinh lặng của Thiên Chúa, người ta thường quên trách nhiệm của cộng đoàn trong việc đồng hành với một cá nhân đang đau khổ. Thái độ của những người bạn của Gióp là một ví dụ điển hình. Nền thần học thưởng phạt mà họ biết trước đây khó có thể giúp họ bày tỏ tình liên đới với Gióp một cách có ý nghĩa. Nền thần học mà không có hành động liên đới là nền thần học vô ích. Ngược lại, nền thần học liên đới thấy được nền tảng cho hành động liên đới trong kinh nghiệm về sự mặc khải của Thiên Chúa. Sự liên đới của Thiên Chúa với con người được cá vị hóa ngang qua mầu nhiệm nhập thể. Điều này mời gọi các tín hữu bước theo con đường tương tự khi “nhập thể” với những nỗi đau của tha nhân. Xét về mặt căn bản, trong mỗi trường hợp tuyệt vọng và tự tử, sự thất bại của xã hội/cộng đồng cũng lớn như thảm họa của cá nhân đương sự. Cộng đồng/xã hội cần phải chịu trách nhiệm cho những bi kịch đó theo hai nghĩa: 1) vì đã đẩy cá nhân vào tình trạng tuyệt vọng ngang qua cơ chế và hệ thống vốn ngay từ đầu gây ra tuyệt vọng trong lòng của họ, và 2) vì bỏ rơi một cá nhân trong khoảnh khắc đau khổ của họ.
Một đánh giá thành thật về sự thất bại của nhiều hội nghị thượng đỉnh thế giới khi đối diện với các vấn đề sinh thái nghiêm trọng đó sẽ không bao giờ đổ lỗi cho sự thinh lặng của Thiên Chúa về các thảm họa sinh thái của thời đại chúng ta và của tương lai. Tomás Insua phát biểu: “Những bước tiến mà các nhà lãnh đạo thế giới đã thực hiện để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu vốn đe dọa tương lai của một số cộng đồng nghèo nhất thế giới có thể so sánh với việc đổ một ly nước lên một đống lửa cháy nhà.”
Sự thinh lặng của Thiên Chúa vô hình có thể là trải nghiệm chủ quan của một người đang trải qua đau khổ, thế nhưng người đau khổ sẽ không điếc và mù nếu cộng đoàn trước mặt họ có sự đồng cảm trong lời nói và việc làm. Giống như cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu sống cho cộng đoàn nhân loại, có thể nói rằng một Thiên Chúa có tính cộng đoàn đã làm cho Lời Chúa được nhận ra trong và qua những lời nói và hành động có sức giải phóng và nâng đỡ người khác. Thiên Chúa đã nói với nhân loại mỗi ngày ngang qua mọi hành động của nhân loại chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
Kết luận
Cảm nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa khi đang chịu khủng hoảng là một trải nghiệm kinh khủng đối với bất kỳ tín hữu nào. Đúng là không có lời giải thích nào có thể xoa dịu nỗi đau của người đang đau khổ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những hoàn cảnh như thế hoàn toàn vô nghĩa. Mỗi lời Chúa phán đều có mục đích, và mỗi khoảnh khắc thinh lặng cũng thế. Trong khi phản tỉnh, chúng ta khám phá ra nhiều cách để hiểu được ý nghĩa của những tình huống như vậy. Điều chúng ta kinh nghiệm được khi Chúa thinh lặng đó là cách chúng ta đón nhận nó như thế nào; đôi lúc chúng ta thấy và cảm nhận như thế nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta có thể có kinh nghiệm về một Thiên Chúa vắng mặt hoặc thinh lặng, ngay cả khi “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Với niềm hy vọng, chúng ta có thể khẳng định rằng không phải chúng ta đã mất tất cả. Thực sự, sự thinh lặng của Thiên Chúa cần phải được lắng nghe trong những lời nói và và việc làm liên đới với những con người đang chịu đau khổ trong cộng đoàn.
Tác giả: Joseph Lobo, SJ
Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Phạm Công Tùng, SJ
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com
Nguồn: dongten.net
[1] Neil F. Pembroke, “Two Christian Spiritualities in Suffering: Biblical Lament and Weil’s Consent”, in Studies in Spirituality 20 (2010) 6f; 14.
[2] A. D. Biemann (ed), The Martin Buber Reader: Essential Writings, New York, Palgrave Macmillan, 2002, 99.
[3] Ibid., 103.
[4] Cf. A. D. Cobb, “Hope and the Problem of Divine Silence”, in European Journal for Philosophy of Religion, 8 (2016/4), 158.
[5] Ibid., 160.
[6] Cf. A. Y. Collins, Crisis and Catharsis: The Power of the Apocalypse, Philadelphia, Westminster, 1984, 161.
[7] Cf. M. J. Gilmour, “Delighting in the suffering of others: early Christian Schadenfreude and the function of the Apocalypse of Peter”, in Bulletin for Biblical Research 16 (2006/1) 130-134.
[8] Cf. M. C.A. Korpel – J. C. de Moor, The Silent God, Leiden-Boston, Brill, 2011, 35.
[9] Cf. P. Torresan – A. Curà (ed), “Silence in the Bible”, in Jewish Bible Quarterly, 31, 3 Jul – Sep 2003, 154.
[10] Cf. T. W. Martin, “The Silence of God: A Literary Study of Voice and Violence in the Book of Revelation”, in Journal for the Study of the New Testament, 41 (2018/2) 247 f; 255f.
[11] In distinguishing between “John the narrator” and “John the implied author” Thomas Martin follows W. C. Booth, The Rhetoric of Fiction, Chicago, Chicago University Press, 1983, 151. Cf. T. W. Martin, “The Silence of God…”, op.cit., 248.
[12] Cf. A. D. Cobb, “Hope and the Problem of Divine Silence”, op. cit., 161.
[13] Ibid., 166.
[14] Cf. Thomas Aquinas, Sum. Theol., II-II. q. 17, art 1, 2, 5.
[15] Cf. A. D. Cobb, “Hope and the Problem of Divine Silence”, op. cit., 171. It should be noted that between the emotion of hope and the theological virtue of hope, there is also the natural virtue of hope, called magnanimity, which has as its object the things of this world. This moral hope is necessary in life. In the case of a Christian person, who lives in theological hope, which has God as object, moral hope, magnanimity, is not only acquired but embedded. In this way, this hope has as its object the things of this world, tamen sub Deo.
[16] See Karl Rahner, “Eine Antwort”, in Orientierung 14 (1950) 141–45. This article is republished in Cornelius Ernst’s English translation, “Concerning the Relationship between Nature and Grace”, in Theological Investigations I, Baltimore, Helicon, 1961, 297–317.
[17] A. D. Cobb, “Hope and the Problem of Divine Silence”, op. cit. 172, 174.