SỰ THÁNH THIỆN CỦA KI-TÔ HỮU HỆ TẠI ĐIỀU GÌ?
Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (23.02.2021) – Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta đã nói “Mỗi chúng ta phải nên một Giê-su”. Quả thật, đây là một câu nói ngắn
gọn, nhưng rất súc tích và đầy ý nghĩa. Quả vậy, chúng ta chẳng những phải nên giống Chúa mà còn phải nên là một Giê-su khác, mỗi Ki-tô hữu là
một “Alter Christus”. Chính Chúa đã mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”
(Mt 3,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6, 36)
Từ khi tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su Ki-tô qua và
nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta trở nên một tạo vật mới, được gọi là Ki-tô hữu.
Và ơn gọi Ki-tô hữu khẳng định “chúng ta
là người tin theo Đức Ki-tô trong mọi sự. Đời ta là một đời tận tình nhất quyết
kết hợp với Đức Ki-tô, đi theo và bắt chước Đức Ki-tô, Anh Cả, Vị Cứu Tinh, đồng
thời là Chúa mọi người. Ki-tô hữu sống động bởi Đức Ki-tô. Đức Ki-tô là gương mẫu
của họ về mọi phương diện, trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, khi vui cũng như lúc
buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi gặp nguy hiểm cũng như lúc bị
cám dỗ và trong lúc sầu khổ của giờ chết, Ki-tô hữu đều có thể nhìn lên Đức
Ki-tô đã đi trước và dạy cho họ biết cách thức đi tới Thiên Chúa.”[1]
Do đó, việc noi gương Chúa Ki-tô để trở nên
thánh thiện như Ngài kêu gọi đối với mỗi người Ki-tô hữu chúng ta là một bổn phận
ưu tiên hàng đầu không thể miễn trừ cho bất kỳ một ai nếu chúng ta muốn được
vào Nước Trời, muốn vĩnh viễn thuộc về Thiên Chúa, muốn được hưởng sự sống đời
đời. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã phán: “Các
ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng
Thánh” (Lv 19, 2). Đức
Giê-su khi rao giảng về Tin Mừng Nước Thiên Chúa, cũng kêu gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em
trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
Mặc dù trong đời sống tại thế này, mỗi người
chúng ta chưa thành toàn, chưa phải là một thánh nhân, nhưng ít ra chúng ta
cũng phải phản ánh được phần nào dung nhan thánh thiện của Chúa Giê-su như lời
Chúa mời gọi: “Chính anh em là ánh sáng
cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy
những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên
trời.” (x. Mt 5, 14-16)
Như vậy, việc nên thánh của chúng ta theo ý
Thiên Chúa là một đòi hỏi cấp bách, khẩn thiết. Đó cũng trở thành bổn phận và
nhiệm vụ quan trọng mà mỗi tín hữu phải triệt để quan tâm thi hành.
Thực vậy, “Đời sống thánh thiện không dành riêng
cho cá nhân hay cho cộng đoàn đặc biệt nào trong Giáo Hội. Hiến Chế Tín Lý Về
Giáo Hội Lumen Gentium của
Công Đồng Vatican II (1962-1965) dành một chương về chủ đề thánh thiện (LG
39-42). Công Đồng nhấn mạnh đến sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa được Đức
Giê-su diễn tả và Người trở nên mẫu gương cho con người trên bình diện cá nhân
cũng như cộng đoàn. Công Đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của thánh thiện theo 'đấng
bậc mình' và minh định: ‘Mọi Ki-tô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống
nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn
lành, tùy theo con đường của mỗi người’ (LG 11). Tất cả mọi người được mời gọi không ngừng hoán cải để
ngày càng trở nên thánh thiện hơn.” [2]
Trong Tông Huấn “Gaudete et Exsultate” (Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ) về ơn gọi nên
thánh trong thế giới ngày nay, ĐTC
Phan-xi-cô đã viết như sau:
“Để nên
thánh, không nhất thiết cứ phải là giám mục, linh mục, hay tu sĩ. Chúng ta vẫn
thường bị cám dỗ để nghĩ rằng, sự thánh thiện chỉ được dành riêng cho những người
có khả năng tránh xa những công việc quen thuộc để dành nhiều thời gian cho việc
cầu nguyện. Thực ra không phải như vậy. Tất
cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, bằng cách là chúng ta sống trong Đức
Ái, và làm chứng trong cuộc sống hằng ngày của mình, ở bất cứ nơi nào chúng ta
hiện diện.
Bạn là tu sĩ nam nữ? Hãy nên thánh bằng cách sống cuộc đời dâng hiến của
mình với trọn niềm vui.
Bạn đã lập gia đình? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc chồng
hay vợ mình như Chúa Giê-su đã thực hiện cho Giáo hội.
Bạn là một công nhân? Hãy nên thánh bằng cách thực hiện công việc của
mình trong sự phục vụ những người anh chị em với sự ngay thực và với kiến thức
chuyên môn.
Bạn là cha, là mẹ, là ông hay là bà? Hãy nên thánh, bằng cách dưỡng dục
con cái mình trong sự kiên nhẫn để chúng noi gương Chúa Giê-su.
Bạn đang mang một trách nhiệm? Hãy nên thánh bằng cách chiến đấu cho niềm
hạnh phúc chung và khước từ những mối quan tâm riêng của bạn.” (số 14) [3]
Trở lại vấn đề đã nêu trên, chúng ta tự hỏi: Sự thánh thiện của người Ki-tô hữu hệ tại điều
gì? Hay nói cách khác: Làm sao để biết
một người thánh thiện hay không?
Đây là một câu hỏi khá phổ biến nhưng đối với
nhiều người thì lại không dễ trả lời chính xác. Bởi có lẽ phần đông trong chúng
ta thường nghĩ: một người thánh thiện là người hiền lành, ngoan ngoãn, siêng đi
nhà thờ, năng đọc kinh, năng xưng tội và rước lễ thường xuyên, đi đứng thì chu
chu chắm chắm, không dám nhìn ngang, liếc dọc vv… Nghĩ như vậy, tức là chúng ta
chỉ nhìn theo vẻ bề ngoài mà chưa nhìn sâu xa đến toàn bộ con người và cuộc sống
của họ. Đọc sách hạnh các thánh, chúng ta sẽ nhận ra nơi các vị sống thánh giữa
đời một tấm gương sáng chói về một đức tin sâu xa, một tấm lòng khiêm tốn thẳm
sâu và một đức ái bao la tuyệt vời. Như trường hợp của cha thánh Gio-an Ma-ri-a
Vianney, thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, Mẹ thánh Tê-rê-xa thành Calcutta, Đức
thánh GH Gio-an Phao-lô II v.v…
Ngày Chúa nhật 20-2-2011, ĐTC Phan-xi-cô đã chia
sẻ một bài huấn từ ngắn về chủ đề “Hãy
nên hoàn thiện” đề cập đến điều thiết yếu của tất cả và từng người Kitô hữu,
đó là trở nên con cái Thiên Chúa.[4]
Trong bài chia sẻ này, ĐTC đã nhấn mạnh:
“Nơi Chúa
Giêsu, Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm để trở nên người thân cận với chúng ta và
tỏ lộ tình yêu vô tận cho chúng ta; nếu chúng ta lắng nghe lời dạy của Chúa
Giêsu, chúng ta lại tìm thấy lời mời gọi trên đây với cùng một mức độ mãnh liệt
và táo bạo, Ngài nói: ‘Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng
hoàn thiện’ (Mt 5,48).
Ai có thể trở nên hoàn thiện? Sự
hoàn thiện của chúng ta là sống lòng khiêm nhường như con cái Thiên Chúa và thi
hành thánh ý của Người cách cụ thể. Thánh Ci-pri-a-nô từng viết: ‘Cách hành
xử của con cái Thiên Chúa phải tương hợp với tình phụ tử của Thiên Chúa bởi vì
Thiên Chúa được tôn vinh và ca tụng từ những việc tốt lành của con người (De
zelo et livore, 15: CCL 3a, 83).’ Như thế, con người có thể trở nên hoàn thiện
khi sống tròn đầy cương vị làm con cái Thiên Chúa, ngoài ra chúng ta còn có một mẫu gương cụ thể của
Người làm Con Thiên Chúa.
Chúng ta có thể bắt chước Chúa Giêsu như thế
nào? Chính
Chúa Giêsu đã nói: ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời’
(Mt 5, 44-45). Ai đón nhận Thiên Chúa trong đời sống mình và yêu mến Người hết
lòng, người ấy có khả năng bắt đầu một chặng đường mới, có thể chu toàn thánh ý
Thiên Chúa hầu hiện thực hoá một hiện hữu mới được nuôi sống bởi tình yêu và hướng
đến sự vĩnh cửu. Thánh Phaolô tông đồ nói thêm rằng: ‘Nào anh em chẳng biết rằng
anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em
sao?’ (1Cr 3,16). Nếu chúng ta thực sự ý thức được thực tế này, và đời sống
chúng ta được xây dựng cách vững chắc trên nền tảng ấy, khi đó chứng tá của
chúng ta trở nên rạng ngời, hùng hồn và hữu hiệu.”
Như vậy sự thánh thiện của Ki-tô hữu không tùy
thuộc vào bề ngoài như vóc dáng, ngoại hình, sức khỏe, hay vào những tài năng,
kiến thức, sở trường, bằng cấp, địa vị, chức quyền này nọ, mà trái lại căn cứ
trên phẩm chất đạo đức qua các nhân đức đối thần, dõi theo con người và cuộc sống
của Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa làm người, như thánh Phao-lô đã nói: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức
Kitô” (1Cr 11, 1).
Do đó có thể khẳng định rằng, “các thánh là người
có thể trở thành ‘những mẫu gương trung gian’; với đời sống các ngài, với những
cuộc chiến đấu của các ngài và với sự ngoan ngoãn của các ngài đối với Thánh Thần,
các ngài dạy chúng ta cách thế bước theo và bắt chước Chúa Giêsu. Do mối dây
liên kết giữa các ngài với Chúa Giêsu, các thánh xứng đáng được nhìn nhận là những
mẫu gương.” [5]
Noi gương thánh của Chúa Giê-su, các thánh tỏ ra
cho ta thấy hai đặc điểm tiêu biểu sau đây: 1- Các ngài hết lòng yêu kính Cha trên trời đồng thời hết lòng yêu thương anh em như chính mình;
2- Các ngài tích cực sống theo tinh thần
Tám Mối Phúc.
1.- Các thánh là những người hết lòng yêu kính Cha trên trời
và hết sức yêu thương anh em như chính mình
Các thánh trước hết là những người thấm nhuần lời
dạy của Chúa Giê-su về giới luật yêu thương, tức là lòng Mến Ki-tô giáo (Agapê/
Thuần ái). Đó là tình mến Chúa song song với lòng yêu người.
“Lòng Mến Agapê là tiếng Hy Lạp được Thánh Kinh
và văn chương Ki-tô giáo sử dụng để diễn tả tình yêu mang tính thần linh, hoàn
toàn nhưng không, vô vị lợi và dám hy sinh chính mình cho người mình yêu. Chỉ
mình Thiên Chúa mới có thể yêu bằng tình yêu này (x. Ga 15, 9; 14, 31; Ga 3,
16).
“Tuy nhiên, con người cũng được mời gọi và ban cho khả năng yêu thương
như thế (x. Ga 21, 15-19; Ga 5, 22). Đây là tình yêu của những ai yêu mến Thiên
Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (x. Dnl 6, 5-6; Mt 22, 37. 39) và
không chỉ “yêu người như chính mình”, nhưng còn yêu như Chúa Giê-su đã yêu họ
(x. Ga 13, 34).” [6]
Trong Tin Mừng thánh Mat-thêu, Chúa đã tuyên bố
điều răn trọng nhất: “Khi nghe tin Đức
Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp
nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người
rằng: ‘Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?’ Đức
Giê-su đáp: ‘Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn
ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều
răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như
chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều
răn ấy.’ ”(Mt 22, 34-40), (cf. Mc 12, 28-34; Lc 10, 25-28)
Có thể nói, trong suốt cuộc đời tại thế của
Ngài, Đức Giê-su với tình yêu mến thẳm sâu, lúc nào cũng nghĩ về Cha, hiệp
thông với Cha, liên kết với Cha, hành động vì Cha và nói cho người ta biết về
Cha mình. Đó là mạc khải quan trọng vào bậc nhất của Tân Ước. Thiên Chúa là Cha
của Đức Giê-su Ki-tô, Người cũng là Cha của mọi tín hữu chúng ta. Chính Chúa đã
đích thân dạy chúng ta Kinh Lạy Cha, để chúng ta hằng ngày được cầu nguyện với
Cha mình.
“Vậy, anh
em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm
cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất
cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho
chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng
để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng
sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng
nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho
anh em.” (Mt 6, 9-14)
Chúng ta cũng biết rằng: “Mạc khải lớn nhất của
Chúa Giêsu là Thiên Chúa Cha có một người con duy nhất cũng là Thiên Chúa. Người
con ấy chính là người. Những người khác, tức chúng ta, là con trai con gái của
Thiên Chúa tình yêu. Mạc khải quan trọng nhất này được viết trong các sách Phúc
Âm.
Những câu truyện thời thơ ấu của Chúa Giêsu
trong Phúc Âm theo Thánh Marcô và Thánh Luca cho chúng ta thấy niềm tin của Hội
Thánh vào nguồn gốc Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Ngay khi bắt đầu đi rao giảng,
khi Người chịu phép rửa của Thánh Gioan thì “Trời mở ra và Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ
câu, và một tiếng nói từ trời: Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”(Mt
3,17). Và trong lời cầu nguyện cuối cùng trước khi chịu chết, lời nguyện tế hiến,
Chúa Giêsu tóm kết công việc của Người là công việc của người Con của Chúa Cha
(x. Ga 17,1-5)
“Chúa Giêsu đã gọi Chúa Cha bằng tiếng gọi rất
thân thương: ‘Abba! Cha ơi!’(Mc
14,36). Người nói rằng Người rất đỗi thân thiết với Chúa Cha đến nỗi chỉ một
mình Người biết và mạc khải Cha: ‘Cha tôi
đã giao phó mọi sự cho tôi và không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha; cũng như
không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.”
(Mt 11, 27) [7]
Một người sống thánh thiện là một người luôn
luôn sống tình con thảo đối với Cha trên trời với lòng yêu mến hết lòng, hết sức, hết trí khôn. Một sự thông hiệp
sâu xa và bền chặt đến nỗi không gì có thể tách lìa họ khỏi lòng mến đối với
Thiên Chúa Cha. Như ước nguyện mà Chúa Giê-su đã từng bày tỏ: “…như
Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta (x. Ga
17, 21). Chúng ta “ở trong Cha” vì chúng ta thuộc về Người, là con cái của Người,
chúng ta không ngừng cất tiếng nguyện xin “Lạy
Cha chúng con ở trên trời!”.
Các thánh cũng là những người luôn biết kết hợp
giữa đời sống cầu nguyện và đời sống hoạt động. Có thể nói các ngài cầu nguyện
trong khi hoạt động và hoạt động nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện. Cũng chính nhờ
đời sống cầu nguyện đó mà các ngài luôn vâng phục thánh ý Cha và sẵn sàng thi
hành những gì Cha muốn. “Xin ý Cha thể hiện
dưới đất cũng như trên trời…”. Như ĐTC Phan-xi-cô đã nói ở trên: Sự
hoàn thiện của chúng ta là sống lòng khiêm nhường như con cái Thiên Chúa và thi
hành thánh ý của Người cách cụ thể.
Song song với đời sống kết hiệp với Thiên Chúa
là Cha đầy lòng thương xót, các thánh luôn luôn hướng trái tim mình về người
anh em. Họ không thể yêu mến tôn kính Cha mà không yêu thương anh em như chính
mình.
Thánh Gio-an đã nêu kinh nghiệm này, “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’
mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người
anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.
Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng
yêu thương anh em mình.” (1Ga 4, 19-21)
Các thánh là những người không yêu mến một cách
hời hợt, bằng môi bằng miệng nhưng là qua sự dấn thân trọn vẹn với cả con người
và cuộc sống mình. Mẹ Tê-rê-xa đã nói ngắn gọn thế này: “Cuộc sống nếu như không sống vì người khác thì đó không còn là cuộc sống
nữa.” ĐTC Phan-xi-cô cũng đã nhắc nhở: “Tất
cả chúng ta cần phải nhìn nhau với cặp mắt yêu thương của Đức Kitô, và phải học
cách ôm lấy những người nghèo khổ, để cho họ thấy sự gần gũi, cảm tình và lòng
yêu thương của chúng ta.”
Trong bài ca Đức Mến (1Cr 13), thánh Phao-lô
cũng đã đề cập đến tình yêu Agapê như là đỉnh cao của đời sống Ki-tô hữu. Ngài
coi đó như con đường trổi vượt hơn cả. Con đường mà nhờ đó người tín hữu ra khỏi
chính mình mà đến với tha nhân. “Đức mến
thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không
làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha
thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không
bao giờ mất được...” (1Cr 13, 4-8).
Thực vậy, đời sống của các thánh và của chúng ta
dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, phải là ngọn đèn sáng lan tỏa sự nồng ấm
của lòng mến Ki-tô giáo. Như thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu Cô-lô-xê:
“Anh em là những người được Thiên Chúa
tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm,
nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu
trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho
anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức
tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3,
12-14).
Việc nên thánh sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Thiên
Chúa một cách thâm sâu nhất, đồng thời cũng giúp ta gặp gỡ anh em mình một cách
cụ thể, chân thực nhất. Thực vậy, khi thực thi lòng mến Chúa, yêu người một
cách trọn hảo, chúng ta sẽ minh chứng việc chúng ta chu toàn bổn phận nên thánh
của mình, đồng thời đó cũng được coi là bảo chứng chắc thực chúng ta thuộc về
Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.
2.- Các thánh là những người tích cực sống theo tinh thần của
Tám mối phúc (hay Hiến chương Nước Trời)
Vào ngày thứ hai 9 tháng 6 năm 2014, tại nhà
nguyện Santa Marta, ĐTC Phan-xi-cô đã có bài chia sẻ suy tư dựa vào Tin Mừng về
những mối phúc thật, theo đó ngài đã mô tả các mối phúc như một “chương trình”, như “một giấy căn cước của một Kitô hữu”. Ngài nói: “Nếu anh chị em tự hỏi mình làm thế nào tôi
có thể trở thành một Kitô hữu tốt, thì đây là câu trả lời của Chúa Giêsu, một
câu trả lời dẫn đến một thái độ đi ngược lại não trạng con người ngày nay rất
nhiều.” ĐTC tiếp tục quảng diễn từng mối phúc, như sau:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Sự giàu có không cho chúng
ta sự bảo đảm, trong thực tế khi trái tim quá đầy chật và tự mãn, nó không còn
có chỗ cho Lời Chúa.
Phúc cho ai sầu khổ vì họ sẽ được ủi an. Thế giới
cố thuyết phục để chúng ta tin rằng hạnh phúc, niềm vui và giải trí là những điều
tốt nhất trong cuộc sống; và sẽ là bất hạnh khi chúng ta có những vấn đề về bệnh
tật hoặc những nỗi đau trong gia đình. Thế giới không muốn đau khổ, nó thích lờ
đi và che đậy hết những tình huống đớn đau. Chỉ có người dám nhìn thẳng vào sự
vật, chỉ có những ai có con tim biết rơi lệ mới hiểu thế nào là hạnh phúc và sẽ
được an ủi, sự an ủi của Chúa Giêsu, chứ không phải của thế gian.
Phúc thay ai hiền lành trong cái thế giới chồng chất các cuộc chiến,
những lập luận hận thù. Chúa Giêsu nói: hãy nói không với chiến tranh, nói
không với hận thù. Hãy sống hòa bình và hiền lành. Nếu anh chị em hiền lành
trong cuộc sống, mọi người sẽ nghĩ rằng anh chị em không được khôn cho lắm. Cứ
để họ nghĩ như thế đi. Nhưng anh chị em hiền lành là bởi vì với sự hiền lành
này, anh chị em sẽ thừa hưởng trái đất.
Phúc cho những ai đói khát sự công chính. Thật là
dễ dàng để băng hoại và đổ thừa rằng: đời mà! Bao nhiêu những bất công mà não
trạng này đã gây ra; và có bao nhiêu người phải đau khổ vì những bất công ấy.
Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những ai đấu tranh chống lại sự bất công.”
Phúc thay ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Những
người có lòng xót thương là những người tha thứ và hiểu những sai lầm của người
khác. Chúa Giêsu đã không nói “phúc cho những ai tìm cách trả thù”. Phúc cho những
ai tha thứ, cho những ai đầy lòng thương xót. Bởi vì chúng ta đều là một phần của
một đội quân đông đảo những người đã từng được tha thứ! Chúng ta đã được thứ
tha. Đó là lý do tại sao phúc thay cho những ai dấn bước trên con đường tha thứ.
Phúc thay ai có lòng thanh sạch, họ là những người có một trái tim tinh khiết
đơn giản không bụi bẩn, một trái tim biết yêu một cách tinh khiết.
Phúc thay ai kiến tạo hòa bình. Nhưng thật đáng tiếc là trong chúng ta có cơ
man những nhà hoạch định chiến tranh hay thủ phạm của sự hiểu lầm! Khi ta nghe
một cái gì đó từ một người, và chỉ một giây sau đã quay sang đồn thổi cho người
khác, mở rộng, thêm thắt thành những phiên bản khác… ta đang hình thành ra thế
giới của tin đồn. Những người ngồi lê đôi mách là những người không thực hiện
hòa bình, là kẻ thù của hòa bình. Họ không được chúc phúc.
Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính. Bao
nhiêu người đã bị bách hại, và tiếp tục bị bách hại chỉ đơn giản là vì họ đã
chiến đấu cho công lý.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
Tám Mối Phúc Thật đại diện cho “một chương trình
sống” chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Tuy đơn giản nhưng rất cam go. Nếu
chúng ta muốn tìm kiếm thêm, Chúa Giêsu còn chỉ cho chúng ta một điều khác đã
được viết trong Tin Mừng thánh Mat-thêu, chương 25: “Vì xưa Ta đói, các ngươi
đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;
Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi
tù, các ngươi đã đến thăm”. Với Tám Mối
Phúc Thật và Mat-thêu 25 – người ta có thể sống một đời sống Kitô hữu thánh thiện. [8]
./.