SỰ PHỤC SINH CỦA
ĐỨC KITÔ THEO THÁNH PHAOLÔ
Gerald O’Collins SJ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính dịch từ thinkingfaith.org
Là văn sĩ Kitô giáo sớm nhất hay ít ra cũng là một
văn sĩ Kitô giáo đầu tiên mà văn bản còn lưu lại cho đến thời chúng ta, Thánh
Phaolô mở toang cánh cửa để nhờ đó ta có thể thấy được những Kitô hữu đầu tiên
đã tin và thực hành những gì. Qua các thư của ngài, chúng ta có thể thoáng thấy
họ rao giảng và tuyên xưng những gì cũng như thờ phượng như thế nào.
Đặc biệt Phaolô đã hé cánh cửa sổ về đức tin của
họ vào sự phục sinh của Đức Giêsu chịu đóng đinh. Đồng thời vị đại tông đồ cũng
đã tham gia đóng góp thêm chứng từ về Đức Giêsu phục sinh và giải thích chân lý
phục sinh. Để hình dung nhiệm vụ kép này của Phaolô, xin được đưa ra bốn chủ đề
riêng biệt về sự phục sinh: (1) những cuộc hiện ra thời hậu-phục sinh của Đức
Kitô sống lại; (2) Căn tính của Thiên Chúa như là Chúa của sự phục sinh; (3) Mối
liên kết giữa Thánh Thể và sự phục sinh; và (4) triển vọng của vũ trụ nơi sự phục
sinh của Đức Kitô.
Những cuộc hiện ra thời hậu-phục sinh của Đức
Kitô sống lại
Trong một bức thư viết năm 54 AD, Phaolô trích dẫn
một công thức ngắn gọn về sự phục sinh mà ngài đã lãnh nhận khi gia nhập cộng
đoàn Kitô giáo vào khoảng năm 35 AD. Ngài nhắc lại cho các tín hữu Côrintô về
chứng từ chung này đã có từ thời nguyên thuỷ của phong trào Kitô giáo: “Trước hết,
tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức
Kitô đã chết vì tội lỗi
chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ
ba đã trỗi dậy, đúng như lời
Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1Cr
15,3-5). Hai động từ tạo nên tâm điểm của công thức cổ xưa này: “đã chết” và “đã trỗi dậy”. Công thức tập trung vào cái chết và phục sinh của đức
Kitô và trình bày những biến cố này như những biến cố đã được xác nhận với những
bằng chứng trong lịch sử và Kinh Thánh. Xét theo lịch sử, cuộc táng xác Đức
Kitô là một thực tại minh chứng cho cái chết của ngài: Ngài thực sự “đã chết và chịu táng xác”. Những cuộc hiện
ra với Phêrô và rồi với nhóm hạt nhân gồm các môn đệ nguyên thuỷ của Đức Giêsu
(nhóm mười hai) đã tạo nên chân lý về sự phục sinh. Hơn nữa, cái chết và sự phục
sinh xảy ra “theo như lời Kinh Thánh”.
Những ai nghiền ngẫm kỷ lưỡng Kinh Thánh được linh hứng mà họ thừa hưởng từ Do
Thái giáo (Cựu Ước của chúng ta) sẽ dẫn đưa đến việc chấp nhận sự phục sinh của
Đức Giêsu chịu đóng đinh. Công thức không trích dẫn bất kỳ bản văn Kinh Thánh đặc
biệt nào, nhưng chúng ta nên nghĩ về những đoạn mà ta biết rằng những Kitô hữu
đầu tiên rất coi trọng, chẳng hạn như đoạn về cái chết của người tôi tớ Chúa
(Is 52,13 – 53,12) và đoạn về “Chúa tôi” được hiển dương bên hữu Thiên Chúa (Tv
110,1).
Sau khi nhắc lại công thức chủ yếu này về sự phục
sinh của Đức Kitô từ cõi chết mà ngài đã nhận lãnh, Phaolô vội vã đi đến những
câu tiếp theo (1 Cr 15,6-7) để liệt kê những cuộc hiện ra khác của Đức Kitô sống
lại mà ngài đã biết đến. Cuối cùng, ngài thêm những chứng từ của riêng mình:
“Sau cùng, ngài đã hiện ra với chính tôi” (1 Cr 15,8). Cuộc gặp gỡ với đức
Giêsu sống lại đó đã biến đổi cách mà Phaolô suy nghĩ về Thiên Chúa và về chính
mình. Đó chính là giây phút ân sủng mà vị tông đồ đã trân trọng trong suốt cả
cuộc đời mình. Thế nhưng cuộc gặp gỡ này giống như thế nào?
Trong Tông Đồ Công Vụ, Luca đã ba lần nói đến cuộc
gặp gỡ của Phaolô với Đức Giêsu trên đường Đamát. Thế nhưng chính Phaolô vẫn
kín đáo và kiệm lời. Ngài nói rất ít khi phải đề cập đến kinh nghiệm về Đức
Giêsu sống lại đã thay đổi cuộc đời mình.
Chúng tôi chỉ trích một câu ngắn, “Ngài (Đức
Giêsu) cũng đã hiện ra với tôi”. Ở phần đầu của chính bức thư này, thay vì diễn
đạt vấn đề bằng những từ ngữ như Đức Kitô sống lại “tỏ mình ra” hoặc “để cho
mình được nhìn thấy”, Phaolô nhắc lại cuộc gặp gỡ đã biến ngài thành tông đồ rằng:
“Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa” (1 Cr 9,1). Thế nhưng “thấy” Chúa sống lại thì thấy như thế nào? Trong một bức thư khác, vị
tông đồ cũng rất kiệm lời khi quả quyết rằng Thiên Chúa đã “mạc khải” Người Con
của ngài “cho tôi” (Gl 1,16). Một lần nữa, câu chuyện mà Phaolô kể về kinh nghiệm
trên đường Đamát của mình không đi xa hơn lối diễn tả chung chung về Người Con
đã được “tỏ bày” cho ngài. Chúng ta vẫn còn một vấn vương một câu hỏi: sự mạc
khải của Con Thiên Chúa giống như thế nào?
Thế nhưng trong một bức thư khác, Phaolô đã để
chúng ta đi vào bên trong kinh nghiệm của mình về Đức Giêsu sống lại khi ngài
viết: “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối
tăm!’ Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho
thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô”
(2 Cr 4,6). Hãy nhớ lại rằng, trong Kinh Thánh, “vinh quang” thường lẫn với “cái
đẹp”, nên chúng ta có thể nói rằng trong một hành động sáng tạo mới, gợi
lên việc sáng tạo nên ánh sáng của thời sáng thế, Thiên Chúa đã để cho Phaolô
thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa trên khuôn mặt của Đức Kitô. Đức Kitô tuyệt mỹ
đã chiếm lĩnh sự hiện hữu của Phaolô, đã trở thành tình yêu vĩ đại của ngài, và
mãi mãi biến đổi sự hiện hữu của ngài. Sau cuộc diện kiến với vị Thiên Chúa sống
lại và đẹp ngời ấy, Phaolô đã bị thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất: loan truyền
khắp nơi tin mừng về Đức Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại.
Căn tính của Thiên Chúa như là Chúa của sự phục
sinh
Qua các thư của Phaolô, chúng ta thấy được rằng cộng
đoàn Kitô giáo đã diễn tả Thiên Chúa theo một lối mới: như là Thiên Chúa Cha đấng
đã làm cho đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết (Gl 1,1; Th 1,10). Là người Do Thái,
những Kitô hữu đầu tiên đã thừa hưởng nhiều cách nói về Thiên Chúa: chẳng hạn,
như Thiên Chúa của “Abraham, Isaac và Giacóp”, như Thiên Chúa đấng đã mang dân
mình ra khỏi đất Ai Cập. Sau khi đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, họ nhìn Thiên
Chúa qua lăng kính của Ngày Phục Sinh đầu tiên và thêm vào đó một “thuộc tính”
nữa của Thiên Chúa. Bây giờ họ nói về Thiên Chúa như là Đấng đã cho sống lại và
làm vinh quang Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Phaolô cũng đã góp phần cho lối nói này bằng cách
mạnh mẽ xác quyết rằng niềm tin vào Thiên Chúa đứng vững hay sụp đổ là tùy vào
sự phục sinh. Khi vài Kitô hữu ở Côrintô bắt đầu nghi ngờ về sự phục sinh của Đức
Giêsu thì Phaolô nhấn mạnh: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của
chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi
là những chứng nhân giả của Thiên Chúa” (1 Cr 15, 14-15). Hiển nhiên, thật thảm
thương cho những người rao giảng, và cả những thính giả của họ nữa, khi họ phải
rao giảng một điều gì đó không thật. Nghi ngờ hoặc từ chối sự phục sinh có
nghĩa là nghi ngờ hoặc từ chối Thiên Chúa. Nói cách khác, tin vào Thiên Chúa là
Đấng làm trỗi dậy Đức Giêsu đã chết và sẽ làm cho chúng ta cùng trỗi dậy với
người, đó không phải là khoảng thêm thắt tuỳ ý của Phaolô. Chính Ngày Phục Sinh
đã định hình và tô vẽ nên căn tính của Thiên Chúa.
Vài nhóm Kitô hữu ở Anh Quốc đã phản ứng lại một
quảng cáo mới đây về chủ nghĩa vô thần bằng cách trả tiền để trưng biển mang
hàng chữ: “Chắc chắn có Thiên Chúa. Vì thế hãy bắt đầu tìm kiếm và vui hưởng đời
sống vĩnh cửu”. Thánh Phaolô còn muốn nói rõ ràng hơn nữa: “Chắc chắn có Thiên
Chúa của sự phục sinh. Vì thế hãy bắt đầu tìm kiếm và vui hưởng đời sống vĩnh cửu”.
Mối liên kết giữa Thánh Thể và sự phục sinh
Sau khi được rửa tội và gia nhập cộng đoàn Kitô
giáo, Phaolô thấy các tín hữu đã cử hành Thánh Thể vào ngày của Chúa (Chúa Nhật)
như một hoạt động phụng tự chính yếu của họ. Đến lượt mình, ngài đã đưa thực
hành Thánh Thể này vào các cộng đoàn mà ngài thành lập ở Côrintô và các nơi
khác. Dưới cái nhìn của Thánh Thể, ngài không chịu đựng được óc bè phái đã làm
phân rẽ cộng đoàn Côrintô. Khi tìm cách cứu chữa những sự chia rẽ này, ngài nhắc
nhở tín hữu về những gì mà Chúa Giêsu đã làm vào bữa Tiệc Ly.
Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời
chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy,
hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."
Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu
đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng
nhớ đến Thầy." (1 Cr 11,23-25).
Sau khi nhắc lại lời và cử chỉ của Đức Giêsu
trong bữa Tiệc Ly, Phaolô rút ra ý nghĩa của Thánh Thể đối với các tín hữu ở
Côrintô: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là
anh em loan truyền cái chết của Chúa (đã phục sinh) cho đến khi Ngài đến.” (1
Cr 11,26).
Bằng cách này, Phaolô đã tóm tắt toàn bộ ý nghĩa
và sứ điệp của Thánh Thể khi rao giảng cái chết của Đức Kitô – bây giờ là vô
hình nhưng thật sự hữu hình trong vinh quang sống lại của ngài – trong niềm hy
vọng ngài sẽ trở lại trong vinh quang khi lịch sử nhân loại kết thúc. Có một
con đường thẳng đi từ những gì Phaolô đã viết cho đến lời tung hô Thánh Thể:
“Khi ăn bánh và uống chén này, chúng con tuyên xưng Chúa chịu chết cho đến khi
ngài đến trong vinh quang”.
Chúa Giêsu thiết lập Thánh Thể để diễn tả bằng bí
tích những gì mà cái chết và sự phục sinh của ngài sẽ mang lại: có một mối dây
huynh đệ thâm sâu giữa những người theo ngài, nhờ mối quan hệ của giao ước mới
với Thiên Chúa, và tình huynh đệ này sẽ kéo dài mãi cho đến khi Nước Trời đến.
Khi giải quyết những sự chia rẽ đã huỷ hoại cộng đoàn Kitô hữu ở Côrintô,
Phaolô đi đến tận tâm điểm của vấn đề. Bằng việc cử hành Thánh Thể, họ đang
tuyên xưng với nhau và với thế giới về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu
là Chúa của mình cũng như họ mong chờ ngài sẽ đến trong vinh quang. Vậy thì làm
sao có thể dung dưỡng được sự chia rẽ đang làm tổn thương sự hiệp thông của họ
trong thân thể của Đức Kitô?
Triển vọng vũ trụ của sự phục sinh nơi Đức Kitô
Khi đọc các thư của Thánh Phaolô, chúng ta có thể
thấy một vài khai triển trong tư tưởng của ngài về sự phục sinh của Đức Kitô và
tác động của nó. Ngay trong thư đầu tiên của mình, Phaolô suy nghĩ về sự phục
sinh trong khuôn khổ mà những kitô hữu đồng bạn chia sẻ với ngài. Khi làm chứng
cho niềm hy vọng của họ về việc Đức Kitô đến trong vinh quang, họ và Phaolô chỉ
nghĩ về những thiện nam tín nữ trong các cộng đoàn Kitô hữu, những người đã chết
và những người vẫn còn đang sống vào lúc Chúa đến (1 Tx 4,13-18). Tất cả mọi tín hữu sẽ cùng được
chúc phúc vào lúc cuối cùng và sẽ sống mãi với Chúa phục sinh.
Mười năm hoặc đại loại nhiều năm sau đó, phạm vi
tư tưởng của Phaolô về sự phục sinh đã đột nhiên mở rộng ra. Bây giờ ngài hiểu
rằng sự phục sinh đang hoạt động để cho cả thế giới đã được sáng tạo này trở
nên tốt đẹp hơn, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Một thời đại mới thoát khỏi
cảnh suy tàn và sự chết đã bắt đầu rồi, và là sự nếm hưởng trước một vũ trụ
tương lai đã được biến đổi. Dầu có ý thức về điều này hay không, tất cả nhân loại và toàn thể vũ trụ thật
sự đang sống trong niềm hy vọng về một sự biến đổi vinh quang và chắc chắn sẽ đến
(Rm 8,18-25).
Đó là bốn lãnh vực mà Phaolô đã khai sáng cho
chúng ta về đức tin Phục Sinh của những tín hữu đầu tiên và những gì mà đức tin
ấy mang đến cho cá nhân ngài. Còn nhiều điều nữa về đức tin của Ngày Phục Sinh
và suy tư của Phaolô về nó, nhưng ít nhất đây là bốn lãnh vực đáng để khám phá.
Nó cho chúng ta thấy Phaolô đã đóng góp những chi tiết quý giá gì vào cuộc hội
ngộ của ngài với Chúa sống lại và cái nhìn riêng của ngài về sự phục sinh của Đức
Kitô mang lại ý nghĩa gì cho căn tính của Thiên Chúa, cho việc cử hành Thánh Thể
và niềm hy vọng Kitô giáo về toàn thể nhân loại và vũ trụ đã được sáng tạo.
Nguồn: gpquinhon.org