SỰ PHÙ PHIẾM LÀM THOÁI HOÁ CHÚNG TA

Đức Hồng y Felipe Arizmendi

WHĐ (21.03.2024)Chúng ta cần mang những tài năng của mình để phục vụ gia đình và cộng đoàn, đồng thời luôn học từ Lời Chúa lối sống tốt nhất, đó là tình yêu dành cho Chúa và tha nhân.

XEM

Tất cả chúng ta đều dễ bị cám dỗ bởi sự phù phiếm. Vì tôi được bổ nhiệm làm hồng y, nên thị trấn của tôi đã làm cho tôi một tượng đài, đómột bức tượng đá mà tôi không hề biết trước và cũng không hề có sự đồng ý của tôi. Điều đó có thể khiến tôi cảm thấy mình lớn lao, quan trọng và tin rằng tôi còn vĩ đại hơn mình; Vì vậy, việc đến nhìn bức tượng đó vào mỗi cuối tuần để sống với cội nguồn của mình giúp mang lại cho tôi rất nhiều điều tốt đẹp, hầu tính phù phiếm của chức danh Hồng y không chi phối tôi.

Có những người khoe khoang và coi thường người khác vì mình sử dụng điện thoại đời mới hơn, phục sức theo thời trang hơn, lái xe sang trọng hơn, ở nhà khang trang hơn, có bằng đại học với tương lai kinh tế tốt hơn, và có thân hình hấp dẫn hơn, v.v…. Bạn phải luôn tán thưởng những người đã nỗ lực vượt lên chính mình; nhưng thật đáng buồn khi vì vẻ bề ngoài hay thành tựu vật chất mà họ lại xem thường những người thiếu những thứ đó; Họ thậm chí còn xúc phạm người khác như thể những người ấy kém giá trị hơn mình. Vẻ bề ngoài có thể đánh lừa người khác và chính chúng ta. Chúng ta không có giá trị hơn vì những gì chúng ta có hoặc vì ngoại hình, nhưng là vì những gì chúng ta là.

Trong việc lãnh đạo, sự cám dỗ của thói phù phiếm này có thể làm ô nhiễm mọi thứ. Giống như những người chỉ khoe khoang về thành tích của mình, điều này có thể đúng nhưng họ lại không nhận ra những khuyết điểm, sai lầm của mình. Họ so sánh mình với người khác và loại trừ người khác; họ dễ dàng xúc phạm và tẩy chay những người bất đồng với họ.

Điều quan trọng là phải khiêm tốn và kín đáo trong những gì chúng ta làm cho người khác chứ không phô trương; Chính điều này làm cho cuộc sống của chúng ta thành công và hữu ích, ngay cả khi chúng ta không được người khác công nhận và ca ngợi.

XÉT

Chúng ta mang cơn cám dỗ này sâu thẳm trong tâm hồn, như Sách Sáng Thế kể lại: nguyên tổ của chúng ta đã xem mình như các vị thần, song vẫn trần truồng, ở bên ngoài vườn địa đàng (x. St 3,1-24). Chúa Giêsu đã vượt thắng cơn cám dỗ mà ma quỷ dụ Người gieo mình từ trên nóc đền thờ ở Giêrusalem để được ngưỡng mộ và tỏ ra đắc thắng (x. Lc 4, 9-12). Vì lý do này, Chúa Giêsu khuyên chúng ta: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Những người chỉ trích nhiều nhất là những người Biệt Phái, những người sống theo bề ngoài (x. Mt 23,5-7).

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giáo lý hằng tuần vào hôm thứ Tư ngày 28.02.2024, dạy rằng:

Thói kiêu ngạo háo danh song hành với con quỷ đố kỵ, và cả hai thói xấu này là điển hình của một người khao khát trở thành trung tâm của thế giới, tự do lợi dụng mọi thứ và mọi người, đối tượng của mọi lời khen ngợi và yêu mến. Thói kiêu ngạo háo danh là lòng tự trọng bị thổi phồng và vô căn cứ. Người háo danh có cái “tôi” cồng kềnh: họ không có sự đồng cảm và không nhận ra rằng trên thế giới này còn có những người khác ngoài mình. Các mối tương quan của họ luôn mang tính công cụ, đặc trưng bởi sự lấn áp người khác. Bản thân, những thành tích, những thành công của họ phải được mọi người nhìn thấy: họ luôn là kẻ ăn xin sự chú ý. Và nếu đôi khi những phẩm chất của mình không được thừa nhận thì họ sẽ trở nên tức giận dữ dội: Những người khác thật bất công, thiếu hiểu biết, và không đủ trình độ.

Để chữa lành tính háo danh, các bậc thầy tu đức không đề xuất nhiều phương thuốc. Bởi vì về căn bản, tính xấu kiêu ngạo cũng có cách chữa trị của nó: những lời khen ngợi mà kẻ háo danh hy vọng gặt hái được trên thế giới sẽ sớm chống lại họ. Và biết bao người, bị ảo tưởng bởi hình ảnh sai lầm của mình, đã sa vào những tội lỗi mà họ sẽ sớm phải xấu hổ!

Tính háo danh thể hiện ở sự tự tôn thái quá và vô căn cứ. Người khoe khoang—phù phiếm, kiêu ngạo—là người cho mình là trung tâm và thường xuyên đòi hỏi sự chú ý. Trong mối tương quan với người khác, họ không có sự đồng cảm và cũng không coi người khác ngang hàng với mình. Họ có xu hướng biến mọi thứ và mọi người thành công cụ để đạt được điều mình mong muốn.

LÀM

Thay vì phán xét và lên án người khác như thể mình là người hoàn hảo, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra điều tốt lành chúng ta đã đạt được và tạ ơn Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch mọi điều tốt lành. Ngoài ra, chúng ta còn cần phải cầu xin sự tha thứ vì những thiếu sót và tội lỗi, nhất là vì chúng ta tự tin thái quá và luôn cho là mình hơn người khác. Chúng ta cần mang những tài năng của mình để phục vụ gia đình, cộng đoàn và luôn học hỏi từ Lời Chúa lối sống tốt nhất, đó là tình yêu dành cho Chúa và tha nhân. Đây mới là điều khiến chúng ta trở nên có giá trị nhất.​

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: exaudi.org (06. 03. 2024)