SỰ ĐÓNG
GÓP CỦA THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’ VÀO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH
Hồng
y Peter Kodwo Appiah Turkson
Trong một bài thuyết trình tại Taizé ngày 23/9/2017, tác giả nêu bật sự liên tục và mới mẻ của thông điệp Laudato si’ trong toàn bộ Giáo huấn xã hội của Hội thánh, đặc biệt là lối tiếp cận vấn đề môi sinh cách toàn diện: việc bảo vệ môi trường cần được gắn liền với việc bảo vệ phẩm giá con người, nhất là người nghèo. Tác giả là Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình từ năm 2009, và với cuộc cải tổ giáo triều của ĐTC Phanxicô, ngài được đặt đứng đầu Bộ thăng tiến con người kể từ ngày 1/1/2017.
NHẬP ĐỀ
Thông điệp Laudato
si’ của Đức Thánh Cha về việc chăm sóc ngôi nhà chung đã được hoan hỉ
tiếp nhận trong giới hàn lâm, chính trị gia, các phong trào môi sinh. Liền sau
khi được ban hành, ông Dale Jamieson, giáo sư sinh-thái-học tại đại học New
York đã ca ngợi thông điệp như là văn kiện quan trọng nhất về môi trường trong
thế ký XXI[1]. Xem ra Laudato si’ có
âm vang ở bên ngoài Giáo hội nhiều hơn là ở trong cộng đồng Công giáo!
Một điều xem ra ít được
quan tâm là sự đóng góp của Laudato si’ cho GHXH. Chính ĐTC
Phanxicô đã nhắc đến trong dẫn nhập của thông điệp: “từ nay văn kiện này được
thêm vào toàn bộ Giáo huấn xã hội của Hội thánh” ( Laudato si’,
15). Thông điệp[2] – một trong những hình thức cao cấp
nhất của huấn quyền giáo hoàng, chỉ đứng dưới Tông hiến – được gắn vào truyền
thống chặt chẽ của hơn 125 năm GHXH, khai mào với thông điệp đầu tiên Rerum
Novarum của ĐTC Lêô XIII năm 1891. Trong Laudato si’ ĐTC
Phanxicô đóng góp thêm vào những giáo huấn trong lãnh vực chăm sóc loài thụ tạo.
Ngài viết: “Sự phát triển của GHXH trình bày một tổng bộ các đạo lý về các vấn đề
xã hội, và giáo huấn này được mời gọi bổ sung thêm với những đáp trả cho các
thách đố mới” (63).
Trong bài này, tôi sẽ cố gắng lồng Laudato si’ trong bối cảnh của GHXH. Tôi muốn chú trọng ở một vài điểm nổi bật của GHXH được đưa vào thông điệp, nhằm nêu bật sự liên tục cũng như sự mới mẻ và tiến triển. Tôi chỉ giới hạn vào bảy đề tài cho thấy sự đóng góp của Laudato si’ vào GHXH, đó là: 1) Laudato si’ là một đáp trả cho các “dấu chỉ thời đại”; 2) nó bén rễ trong Thánh kinh; 3) nó tiếp nối huấn quyền Giáo hội; 4) việc theo đuổi thiện ích chung; 5) đề cao nhân phẩm; 6) ưu tiên chọn lựa người nghèo; 7) cái nhìn toàn diện về thực tại. Dĩ nhiên là danh sách còn có thể kéo dài thêm nữa.
I. ĐỌC VÀ ĐÁP TRẢ CÁC DẤU
CHỈ THỜI ĐẠI
Đọc và đáp trả các “dấu
chỉ thời đại” là trọng tâm của GHXH Công giáo. Nguồn gốc của ý tưởng này
khởi đầu từ chính Đức Giêsu, khi Người trách các nhà lãnh đạo đường thời, tức
là các Pharisêu và kinh sư, bởi vì họ không có khả năng nắm bắt “dấu chỉ thời đại”
(Mt 16,3). Thuật ngữ này trở nên phổ thông kể từ thời công đồng Vaticanô II, và
chiếm một chỗ quan trọng trong thông điệp xã hội Populorum progressio của
ĐGH Phaolô VI.
Rerum novarum, thông điệp xã hội đầu tiên, là một cố gắng can đảm của giáo hoàng Lêô
XIII trong việc đọc và đáp lại tiếng kêu cứu của đám đông các thợ thuyền
đang khổ cực do những biến đổi mau lẹ của việc kỹ-nghệ-hóa lao động do chủ
nghĩa tư bản gây ra. Cái tài của Đức Lêô XIII là nhận ra những thách đố mới mẻ
cho phẩm giá con người trong các “điều mới” (res novae) đang nổi lên
trong lãnh vực kinh tế và xã hội, và cố gắng đáp trả hữu hiệu. Rerum
Novarum (Về Tư bản và Lao động) không những đụng tới những điều kiện
tang thương của các công nhân mà còn đề cập đến các quyền lợi bất khả nhượng của
con người. Từ đó, GHXH đã tác dụng như là những la bàn luân lý hướng dẫn việc sống
đức tin Kitô giáo trong bối cảnh của cuộc sống nhân bản và xã hội.
Trong thông điệp Laudato
si’, giáo hoàng Phanxicô nói đến “kỷ nguyên mới” của nhân loại (102) và tìm
cách đáp trả với một trong những thách đố lớn nhất của thời này, đó là tình trạng
báo động của ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài viết trong thông điệp: “Đứng trước
sự suy sụp của môi sinh, tôi muốn ngỏ lời với mỗi người sống trên hành tinh này
… Tôi muốn đối thoại với tất cả mọi người về ngôi nhà chung của chúng ta” (3).
Như ngài đã viết trong nhập đề của thông điệp, việc bảo vệ ngôi nhà chung của
chúng ta là một “thách đố khẩn cấp” (13).
Tình trạng bấp bênh của
địa cầu, một hoàn cảnh “chưa từng có” (17) mà chúng ta phải đối diện, là khởi
điểm của thông điệp, với tựa đề chương thứ nhất là “điều đang xảy ra cho
ngôi nhà chung của chúng ta”. ĐTC bắt đầu bằng việc mô tả cuộc khủng hoảng của
ngôi nhà chung, dựa trên những nghiên cứu khoa học ngày nay” (15)[3].
Trong Laudato si’ ĐTC cung cấp một tổng hợp về những biểu hiện
của cuộc khủng hoảng sinh thái đương thời: ô nhiễm, chất thải, biến đổi khí hậu,
khan hiếm nhiên liệu, đặc biệt là nước, và mất đa dạng sinh thái. Một vài khía
cạnh của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay (15) trở thành điều mà đức
Phanxicô gọi là những “rạn nứt trong hành tinh mà chúng ta đang sống” (163).
Theo ĐTC, “chỉ cần nhìn thẳng thắn vào các sự kiện, chúng ta thấy rằng ngôi nhà
chung của chúng ta đang rơi vào tình trạng hư hỏng trầm trọng” (61).
Ngài nói thêm, vấn đề
nằm ở chỗ những biến đổi nhanh chóng này là do chính hành động của con người
gây ra cho sự bền vững của ngôi nhà chung. “Cho dù sự thay đổi là một phần động
lực của các hệ thống phức tạp, song cái tốc độ áp chế trên hành động con người
hôm nay đi ngược lại nhịp tiến hóa sinh học vốn có những bước tiến triển tự
nhiên rất chậm chạp”[4].
(18)
Vì thế Laudato
si’ cảm thấy mình cũng nằm trong truyền thống của GHXH khi phải tìm
cách đáp trả lại một thách đố trầm trọng và mới mẻ, đó là tình trạng bấp bênh của
ngôi nhà chung của chúng ta hôm nay. Về phương diện này, thông điệp rất gần với
thông điệp Pacem in terris của đức Gioan XXIII hồi năm 1963,
trong đó vị “giáo hoàng tốt lành” kêu gọi hòa bình thế giới, vào lúc hành tinh
đang trên bờ vực của chiến tranh hạt nhân. Ngày nay, chúng ta đang ở trên bờ vực
của cuộc thách đố toàn cầu liên quan đến tình trạng bền vững của ngôi nhà chung,
gây ra băn khoăn cho tương lai của văn minh nhân loại. Thực sự chúng ta đang
đánh cược về ngôi nhà chung, và rút cuộc là với vận mệnh và sự tồn vong của
chúng ta. Những hành động của chúng ta hôm nay sẽ quyết định không những tương
lai của các thế hệ hiện tại mà còn của các thế hệ hàng ngàn năm về sau.
Trong thông điệp Laudato
si’, Đức Phanxicô thúc giục Giáo hội Công giáo, các cộng đồng Kitô hữu khắp
thế giới, các tín đồ của các tôn giáo, và tất cả mọi người thiện chí, hãy
nghiêm chỉnh bắt tay vào việc chăm sóc ngôi nhà chung đang bị rạn nứt. Làm như
thế, ngài đã thúc đẩy Giáo hội đừng đứng bên lề cuộc dấn thân cho sinh thái
nhưng hãy tiến vào trọng tâm của cuộc tranh luận.[5] Đây
có lẽ là một điều mới mẻ của thông điệp. Trong khi GHXH về tạo dựng trong các
thập niên gần đây tuy quan trọng nhưng hiếm hoi – chúng ta có thể nhắc đến hai
sứ điệp của giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI nhân ngày Hòa bình thế
giới[6] và
chương X của Tóm lược giáo huấn xã hội của Hội thánh mang tựa
đề “Bảo vệ môi trường” – lần đầu tiên trong lịch sử của GHXH chúng ta có một
thông điệp, thông điệp dài nhất, hoàn toàn dành cho đề tài chăm sóc ngôi nhà
chung. Quả thật thông điệp là sự đáp trả hợp thời cho “dấu chỉ thời đại”.
II. ĐÂM RỄ TRONG KINH THÁNH
Tuy vốn mở rộng cho
những vấn đề mới nhưng GHXH được đâm rễ trong Kinh thánh. Trong Laudato
si’, Đức Phanxicô đã dành nguyên một chương để xây dựng việc chăm sóc loài
thụ tạo trên nền tảng Kinh thánh. Tựa đề chương hai của thông điệp rất có ý
nghĩa “Tin mừng tạo dựng”. Thông điệp khẳng định rằng việc tạo dựng thật là
“Tin mừng” (evangelion). Thông điệp nhắc nhở một chân lý căn bản của
đức tin Kitô giáo, đó là thế giới tự nhiên này tiên vàn là một cuộc tạo dựng,
và vì thế là “tin vui”. Laudato si’ thật là độc đáo không chỉ như
giáo huấn xã hội mà còn xét như thần học về tạo dựng, Theo Carmody Grey, chỉ
riêng với câu nói “Tin mừng tạo dựng” mà thôi, Đức Phanxicô “đã khai trương một
kỷ nguyên mới trong lối tiếp cận của Hội thánh Công giáo về thế giới tự nhiên.
Thế giới của động vật, cây cối, núi non và sông biển là thành phần của tin mừng
của Thiên Chúa dành cho chúng ta; chúng biểu lộ và tham dự vào lịch sử cứu độ.”[7]
Trong Laudato
si’, Đức Phanxicô đã vẽ ra một bản phác họa tuyệt đẹp về thần học tạo dựng
dựa trên Cựu ước và Tân ước. Ngài bắt đầu với trình thuật tạo dựng của sách
Sáng thế và nêu bật sự tốt đẹp của muôn loài thụ tạo. “Thiên Chúa đã thấy mọi sự
Người làm ra, và quả là rất tốt” (St 1,31) (65). Theo Đức thánh
cha, “vũ trụ này không xuất hiện như là kết quả của quyền năng độc đoán, biểu
dương lực lượng hoặc ước muốn khẳng định bản thân. Sự tạo dựng nằm trong hệ
tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa là động lực căn bản nằm ở trong muôn vật được
tạo thành” (77).
Trong Laudato
si’, Đức Phanxicô móc nối thần học tạo dựng và GHXH với việc chăm sóc các
thụ tạo. Chúng ta có thể trưng dẫn hai thí dụ. Thứ nhất, liên quan đến giá trị
nội tại của mọi thụ tạo: ngoài ích lợi cho con người sử dụng, chúng có giá trị
xét như được Thiên Chúa tạo dựng. Nếu Thiên Chúa tạo dựng thế giới, thì thế giới
và mọi loài trong đó, dù là sinh vật hay không, đều có giá trị. Thông điệp viết:
“Mỗi cơ thể, xét như là do Thiên Chúa tạo dựng, đều tốt lành và đáng thán phục;
điều này lại càng đúng đối với toàn thể hài hòa các cơ thể hiện hữu trong một
không gian nào đó và hoạt động như một hệ thống” (140).
Thứ hai, Đức Phanxicô
còn đi xa hơn và gợi lại điều được đặt tên là “thần học thống trị” đã làm hoen ố
mối tương quan giữa loài người với thế giới thiên nhiên qua bao thế kỷ.
Sách Tóm lược giáo huấn xã hội của Hội thánh vẫn còn nhắc đến
thần học ấy khi trích dẫn hiến chế Gaudium et Spes của công đồng
Vaticanô II.
Con người, “được dựng
nên theo hình ảnh Thiên Chúa, đã nhận được mệnh lệnh chế ngự trái đất và mọi
loài trong đó, và cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện, và khi nhìn
nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, con người quy hướng về Người
chính bản thân mình cũng như muôn vật. Như thế, khi vạn vật đã được con người
thu phục, thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu.”[8]
Theo Đức Phanxicô, bởi
vì “địa cầu là của Chúa” (Tv 24,1) và muôn vật trong vũ trụ đều thuộc
về Người” (Đnl 10,14), cho nên tất nhiên chúng ta không phải là chủ
nhân của địa cầu. “Trái đất hiện hữu trước chúng ta và được trao tặng cho chúng
ta” (67). Ý thức căn bản này “cho phép chúng ta trả lời cho cáo buộc rằng tư tưởng
của Do-thái giáo và Kitô giáo, dựa trên trình thuật của sách Sáng thế, đã mở cứa
cho con người thống trị trái đất (x. St 1,28), đã khuyến khích
việc khai thác thiên nhiên cách vô độ, biến nó thành kẻ chiếm đoạt và phá hủy”
(67)[9].
ĐTC đã tuyên bố rõ ràng rằng “đó không phải là cách giải thích Kinh thánh đúng
đắn theo Giáo hội”, và thêm rằng “chúng ta phải loại bỏ ý tưởng cho rằng việc
được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và chế ngự trái đất biện minh cho một
sự thống trị tuyệt đối trên các thụ tạo khác” (67). Ngài nhắc nhở rằng việc “chế
ngự” cần được hiểu theo nghĩa là cai quản có trách nhiệm”[10] (116).
Laudato si’ còn mang một dấu ấn Kitô-luận. Đức Phanxicô nhắc chúng ta rằng
“theo tư tưởng Kitô giáo về thế giới, vận mệnh của muôn loài thụ tạo đều gắn liền
với Đức Kitô, đã hiện diện ngay từ nguyên thủy như là ‘mọi vật đều được tạo dựng
nhờ Người và cho Người’ (Cl 1,16)” (99). ĐTC nhắc chúng ta rằng Trái đất là
ngôi nhà không chỉ của nhân loại và cộng đồng các sinh vật. Nó còn là ngôi nhà
của Thiên Chúa, nơi mà Lời “đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga
1,14). “Một Ngôi của Tam vị đã đi vào vũ trụ được tạo dựng, đã chia sẻ thân phận
với nó, kể cả thập giá. Ngay từ đầu vũ trụ, nhưng đặc biệt là nhờ cuộc Nhập thể,
mầu nhiệm của Đức Kitô đã hoạt động cách kín đáo trong vũ trụ xét như một tổng
bộ” (99).
Chương bàn về “Tin mừng
tạo dựng” kết thúc với “cái nhìn của Đức Giêsu”. Đức Phanxicô đã nêu bật nhiều
yếu tố nơi cái nhìn của Đức Giêsu khi còn tại thế, và tương quan âu yếm của Người
với thế giới (100). Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ về tình yêu của Chúa Cha chăm
sóc mọi thụ tạo và mỗi vật đều quý giá trước mặt Cha: “Năm con chim sẻ chỉ bán
được hai hào phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Chúa”
(Lc 12,6). “Hãy nhìn chim trời: chúng không gieo không gặt không thu, thế mà
Cha trên trời đã nuôi chúng” (Mt 6,26) (96). Đức thánh cha cũng nói rằng Đức
Giêsu “đi ngang qua cánh đồng, Người dừng lại để ngắm nhìn vẻ đẹp mà Chúa Cha
đã gieo trồng, và mời gọi các môn đệ hãy nhận ra sứ điệp của Thiên Chúa trong vạn
vật” (97). Người không khinh thường “thân thể, vật chất và những sự việc thế trần”
(98). Người đã trải qua phần lớn cuộc đời để “làm việc với đôi bàn tay, tiếp
xúc hàng ngày với vật chất do Thiên Chúa tạo thành, và Người nặn hình nhờ tài
thủ công của mình” (98).
Đức Giêsu tại thế, được
chỗi dậy và hiển vinh, đang “hiện diện qua vạn vật nhờ quyền Chủ tể hoàn vũ,
giao hòa muôn vật với mình” (x. Cl 1,19-20) (100). Như chúng ta đọc thấy
trong thông điệp: “Chúa Kitô đã thu nhận thế giới vật chất vào trong mình, và
bây giờ, sau khi đã phục sinh, Người hiện diện thâm sâu trong mỗi vật, bao phủ
nó bằng tâm tình và thâm nhập nó bằng ánh sáng của Người” (221). Vì vậy chúng
ta “cần hướng mắt nhìn về lúc tận cùng của thời gian, khi Chúa Con sẽ trao lại
mọi sự cho Chúa Cha, ngõ hầu Thiên Chúa ‘có toàn quyền trên mọi loài’ (1Cr
15,28)” (100). Cái nhìn của Đức Giêsu đã thay đổi sâu xa toàn thể vạn vật.
Bởi vậy, các thụ tạo
của trần thế này không còn xuất hiện thuần túy dưới bộ mặt tự nhiên nữa, bởi vì
Đấng Phục Sinh đã bao toả chúng cách nhiệm mầu và hướng chúng đi về cùng đích
viên mãn. Cũng những bông hoa đồng nội và muông chim đó, mà Người đã nhìn chúng
với đôi mắt phàm nhân đầy thán phục, giờ đây được chan hoà sự hiện diện rạng rỡ
của Người (100).
III. LIÊN TỤC VỚI HUẤN QUYỀN
Tuy dù đáp ứng với những
“dấu chỉ của thời đại” và đâm rễ trong Kinh thánh, nhưng GHXH tiến triển trong
sự liên tục với truyền thống lâu dài của Huấn quyền. Đang khi vạch ra những hướng
mới trong việc chăm sóc vạn vật, Đức Phanxicô đã dành nhiều trang để cho thấy Laudato
si’ có sự liên tục với các vị giáo hoàng tiền nhiệm, các giáo phụ và
tiến sĩ Hội thánh.
Trong dẫn nhập vào
thông điệp, Đức Phanxicô trình bày văn tắt huấn quyền của Giáo hội trong lãnh vực
chăm sóc các vật thụ tạo. Trước hết ngài nhớ đến các vị tiền nhiệm, bắt đầu với
ĐGH Phaolô VI, một người đã “nói đến mối quan tâm với môi sinh như là một hậu
quả bi đát của hành động thiếu cân nhắc của con người”. Ngay từ năm 1971, Đức
Phaolô VI đã cảnh báo rằng: “Do việc lạm dụng khai thác thiên nhiên cách vô tội
vạ, con người có nguy cơ huỷ diệt thiên nhiên và chính mình trở thành nạn nhân
của sự tàn phá này”[11] (4).
ĐGH Gioan Phaolô II vốn
nhạy cảm với vấn đề môi sinh và ngay từ năm 1979 đã đặt thánh Phanxicô
Assisi làm mẫu gương của những nhà bảo vệ môi sinh[12]. Đức
Gioan Phaolô II đã để lại một gia sản phong phú về huấn giáo liên quan đến
tương quan giữa con người với thế giới tự nhiên được tóm tắt trong Laudato
si’ mà chúng tôi xin trích dẫn một đoạn.
“Thánh Gioan Phaolô
II tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Ngài ghi nhận trong thông điệp đầu
tiên của mình: “Con người xem ra thường chỉ nhìn môi sinh tự nhiên hoàn toàn
như một vật dụng để dùng và tiêu thụ ngay”[13].
Kế đó, ngài kêu gọi toàn thế giới hãy làm một cuộc hoán cải môi
sinh[14].
Nhưng đồng thời ngài cũng cho biết, con người dấn thân quá ít “cho việc bảo tồn
những điều kiện luân lý cho một Môi-sinh nhân-bản”[15] .
Phá huỷ môi-sinh nhân-bản là điều vô cùng đáng lo ngại, bởi vì Thiên Chúa không
những uỷ thác thế giới cho con người, mà Người còn ban tặng chính sự sống
vốn phải được bảo vệ, bằng mọi cách không để nó bị tiêu diệt. Mọi nỗ lực bảo vệ
và làm đẹp thế giới chỉ có thể thực hiện, đặc biệt khi ta “đổi mới (tận gốc)
các lối sống, các phương cách sản xuất và tiêu thụ, và các cơ cấu quyền lực mọc
rễ đã và đang chế ngự các xã hội ngày nay”[16] (5).
ĐGH Bênêđictô XVI đã
lớn tiếng bảo vệ các thụ tạo trong suốt triều đại của ngài đến nỗi được gán là
“giáo hoàng xanh”. Với sự phân tích thần học tinh tế, Đức Bênêđictô XVI đã vạch
cho thấy rằng những gốc rễ sâu xa của cuộc khủng hoảng sinh thái nằm ở chỗ tiếm
quyền cho mình làm trung tâm, và không chấp nhận thẩm quyền nào cao hơn. Theo
ngài, “việc lạm dụng loài thụ tạo bắt đầu kể từ khi chúng ta không còn chấp nhận
một thẩm quyền cao cấp hơn chính chúng ta, khi chúng ta không nhìn thấy cái gì
khác ngoài chính mình ra”[17] (6)
Đức Phanxicô nêu bật lối tiếp cận toàn diện của vị tiền nhiệm trong những vấn đề
môi sinh khi trích dẫn những lời sau đây:
Ngài [Đức
Bênêđictô] lưu ý, ta không thể phân tích được thế giới, nếu chỉ nhìn nó dưới một
khía cạnh đơn độc mà thôi, bởi vì “cuốn sách Thiên Nhiên chỉ là một và không thể
phân chia”, nó bao gồm môi sinh, sự sống, tính dục, gia đình và các tương quan
xã hội. Vì thế, “phá vỡ thiên nhiên […] cũng dẫn tới phá hoại văn hoá, vốn là yếu
tố tổ chức việc sống chung của con người”[18].
Đức Bênêđictô XVI yêu cầu chúng ta hãy nhìn nhận rằng hành động thiếu trách nhiệm
của chúng ta đã tạo ra quá nhiều thương tổn cho môi sinh tự nhiên. Cả môi sinh
xã hội cũng bị nhiều thương tổn. Tất cả chỉ vì một cái xấu duy nhất, đó là quan
điểm cho rằng không có chân lý tuyệt đối nào hướng dẫn cuộc sống của ta, và do
đó tự do của con người là vô giới hạn (6).
Thật có ý nghĩa khi Đức
Phanxicô không chỉ giới hạn vào việc quy chiếu vào các vị tiền nhiệm trong việc
phát triển GHXH về việc chăm sóc thụ tạo. Trong dẫn nhập của Laudato
si’, ngài cũng nêu bật sự đóng góp của Đức thượng phụ chính thống
Bartôlômêô I, mang danh hiệu là “Thượng phụ xanh” vì những dấn thân cho các vấn
đề sinh thái từ non một phần tư thế kỷ. ĐTC đã dành hai đoạn văn dài để trình
bày một vài trực giác sinh thái của Đức Bartôlômêô chẳng hạn như khái niệm về tội
sinh thái, sự cần thiết phải thống hối, những cội rễ tâm linh và thần học của vấn
đề, và tầm quan trọng của khổ chế để đáp trả cuộc khủng hoảng này. ĐTC nhìn nhận
tầm quan trọng của giáo huấn đức Thượng phụ về tội sinh thái, bởi vì sự lạm dụng
vật thụ tạo về phía nhân loại quả thật là một tội chống lại nhân loại và chống
lại chính Đấng Tạo hóa. Bởi vì “phạm trọng tội chống lại thế giới tự nhiên là một
tội chống lại chính chúng ta và một tội chống lại Thiên Chúa”[19] (8).
Ngoài huấn quyền của
các vị tiền nhiệm và của Đức thượng phụ Bartôlômeô I, còn một nguồn mạch nữa mà
Đức Phanxicô muốn kín múc, đó là những tuyên ngôn của các Hội đồng giám mục khắp
thế giới trong những thập kỷ gần đây liên quan đến sự tàn phá sinh thái và tầm
quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên. Đức Phanxicô đã muốn cho huấn quyền của
giáo hoàng được bồi đắp bởi giáo huấn của các anh em giám mục khắp thế giới, một
điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của GHXH. Laudato si’ đã
trích dẫn hai mươi mốt đoạn văn của các hội đồng giám mục quốc gia và đại lục,
rải rác khắp năm châu.
Thông điệp Laudato
si’ đã múc lấy một kho dồi dào các suy tư về môi sinh rút từ các cộng
đồng Công giáo và Kitô giáo, trong các tôn giáo khác, và trong các dữ liệu của
các khoa học thực nghiệm, nhân văn và xã hội. Thật là một lối tiếp cận thích hợp
của một thông điệp muốn đối thoại với hết mọi người thiện chí về vận mạng của
ngôi nhà hành tinh của chúng ta. Như chính Đức thánh cha đã nhìn nhận, “những
suy tư của biết bao nhà khoa học, triết học, thần học, nhóm dân sự” đã làm giàu
cho suy tư của Giáo hội về những vấn đề này” (7).
IV. QUAN TÂM ĐẾN THIỆN ÍCH
CHUNG – CHĂM SÓC TRÁI ĐẤT, NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA
Một mối bận tâm trường
kỳ của GHXH là việc theo đuổi thiện ích chung (bonum commune)[20].
Trong thông điệp này, Đức Phanxicô đã vọng lại một nguyên tắc căn bản trong hiến Gaudium
et Spes: “Thiên Chúa đã dành trái đất và tất cả những gì chứa đựng trong đó
cho mọi dân tộc và mọi quốc gia”[21] (x.
158). Mọi tài nguyên của tạo dựng được dành cho tất cả mọi người, có nghĩa là
“những thiện ích của Trái đất phải nhằm đến lợi ích của mọi người” (93). Đức
Phanxicô nhắc lại điều mà Đức Gioan Phaolô II đã viết từ năm 1991: “Thiên Chúa
đã ban trái đất cho loài người để nuôi dưỡng tất cả mọi phần tử, không
loại trừ hoặc ưu đãi ai hết”[22] (93).
Trong Laudato
si’, Đức Phanxicô phác họa một viễn tượng kinh tế và chính trị cho ngôi nhà
chung, vừa thu nhận vừa phát triển GHXH trong vòng sáu mươi năm qua của vị tiền
nhiệm. Họa theo GHXH, một tiêu chuẩn được đề ra trong Laudato si’ là
chính trị và kinh tế phải phục vụ thiện ích chung, và cách riêng là sự sống
con người.
Tiên vàn, Đức
Phanxicô lặp lại lời kêu gọi của các vị tiền nhiệm về một đường lối hoàn toàn mới
mẻ trong việc điều hành ngôi nhà chung của chúng ta. Ngày nay, trong bối cảnh của
cuộc khủng hoảng sinh thái đương thời, kinh tế học (economics, gồm bởi oikos + nomos: cai
quản căn nhà) cần được hiểu là nghệ thuật và khoa học quản trị ngôi nhà chung của
hành tinh[23].
Đức thánh cha phê bình kinh-tế-học hiện đại vì cái nhìn một chiều của họ về thế
giới tự nhiên như là kho nguyên liệu để cho con người tiêu dùng, mà không đếm xỉa
đến những quan tâm xã hội và môi trường. Ngài viết:
Nguyên tắc lợi nhuận tối đa thường che khuất các
hướng nhìn khác và nó phản ảnh một khái niệm kinh tế méo mó: Khi tăng sản xuất,
người ta ít nghĩ tới việc gia tăng đó có hại cho các tài nguyên tương lai hoặc
cho sức khoẻ của môi trường hay không; khi phá rừng để tăng sản xuất, chẳng ai
màng tới sự mất mát vì đất đai bị tàn phá, nhiều loài sinh vật bị tiêu vong hoặc
gia tăng ô nhiễm môi trường. Điều này có nghĩa là các công ty tạo lợi nhuận bằng
cách chỉ tính và chỉ trả một phần rất nhỏ các chi phí (195).
Theo ĐTC, các lý thuyết
kinh tế hiện hành về thị trường tự do thì không thích hợp chút nào cho việc bảo
vệ ngôi nhà chung của hành tinh chúng ta. Ngài trưng dẫn sách Tóm lược
Giáo huấn xã hội của Hội thánh về vấn đề này: “Việc bảo vệ môi trường
không thể nào được bảo đảm chỉ dựa trên sự tính toán các chi phí và lợi nhuận.
Môi trường là một trong những tài sản mà ta không thể bảo tồn hoặc thăng tiến
cân xứng bằng các định luật thị trường[24] (190).
Theo Đức Phanxicô, kinh tế thị trường thật là bất cập trong việc che chở thế giới
tự nhiên và bảo vệ nhu cầu của người nghèo (190). Theo Đức thánh cha, một cuộc
tái định hướng kinh tế đòi hỏi phải “định nghĩa lại khái niệm về tiến bộ”
(194). “Một phát triển kinh tế và kỹ thuật không để lại một thế giới tốt đẹp
hơn và một cuộc sống xét chung có phẩm chất hơn, thì không thể nào gọi là phát
triển được” (194).
Đối với một nền
kinh-tế-học mới – được hiểu như là nghệ thuật quản trị ngôi nhà chung – một
nền văn hóa về chính trị cũng rất là quan trọng. Như Đức Phanxicô nêu bật, “nếu
các công dân không được quyền kiểm soát quyền hành chính trị – ở cấp quốc gia,
miền vùng, và thị xã – thì không thể nào có thể kiểm soát sự tổn thất cho môi
sinh” (179).
Trong Laudato
si’, Đức Phanxicô phê bình văn hóa chính trị hiện hành. Theo ngài, các
chính sách hiện nay thường thiếu tầm nhìn dài hạn về bảo vệ môi trường, xét vì
thường bị thu hút bởi khuynh hướng tiêu dùng để hưởng thụ tức khắc. Chính sách
tiêu thụ “dành ưu tiên cho lợi lộc ngắn hạn” (184) và điều này không cổ vũ những
chính sách dài hạn cho việc che chở ngôi nhà chung của chúng ta.
Đối lại với văn hóa
chính trị đương thời chịu lệ thuộc vào những ích lợi kinh tế và góp phần vào việc
tàn phá ngôi nhà chung của hành tinh, ĐTC kêu gọi một chính sách biết phục vụ
thiện ích chung. Ngài nhắc lại, “Xã hội xét như một toàn thể, và cách
riêng là Nhà nước, có nghĩa vụ phải bảo vệ và thăng tiến thiện ích chung” (157).
Theo ĐTC, nguyên tắc bổ trợ, được đề cao trong GHXH, đòi hỏi “một ý thức trách
nhiệm lớn hơn về thiện ích chung từ phía những người nắm giữ quyền bính lớn
hơn” (196). Đức Phanxicô nhấn mạnh đến việc đưa kế hoạch dài hạn về môi sinh
vào trong kế hoạch hành động của các chính phủ (178). Theo ngài, “biệt tài lãnh
đạo được biểu lộ khi mà, vào những thời buổi khó khăn, chúng ta nắm vững các
nguyên tắc cao quý và nghĩ đến thiện ích chung dài hạn”. (178)
ĐTC còn lưu ý
trong Laudato si’ rằng “khái niệm thiện ích chung mở rộng đến
các thế hệ tương lai nữa”, “những người sẽ đến sau chúng ta”. (159). “Chúng ta
không thể nào nói đến sự phát triển bền vững mà không bao gồm tình liên kết giữa
các thế hệ. Một khi chúng ta bắt đầu nghĩ đến hình thức thế giới mà chúng ta để
lại cho các thế hệ tương lai, thì chúng ta sẽ nhìn sự việc cách khác; chúng ta
ý thức rằng thế giới là món quà mà chúng ta đã lãnh nhận không công và cần phải
chia sẻ với người khác” (159).
Xét vì cuộc khủng hoảng
môi trường thời nay mang tính toàn cầu, nên Đức Phanxicô kêu gọi một “thẩm quyền
thế giới hữu hiệu”, lặp lại tư tưởng của các vị tiền nhiệm Gioan XXIII và
Bênêđictô XVI[25]. Chúng
ta cần đến một định chế hoàn vũ “để điều hướng nền kinh tế thế giới, lành mạnh
hoá những nền kinh tế suy sụp vì khủng hoảng, ngăn ngừa khủng hoảng khỏi thêm
gia trọng và từ đó làm tăng tình trạng mất cân đối sẵn có, để thực hiện một cuộc
tài giảm binh bị toàn diện và thích hợp, cũng như bảo đảm được hoà bình và an
toàn thực phẩm, bảo vệ được môi sinh và điều hoà được những cuộc di dân” (175).
Trong thông điệp, Đức Phanxicô cũng kêu gọi một hiệp định và một cơ quan điều
phối toàn bộ những “thiện ích chung toàn cầu” tựa như các đại dương, vấn đề thải
rác trên biển, v.v… (174). Theo đức thánh cha, việc bảo vệ Trái đất, ngôi nhà
chung của chúng ta, đòi hỏi một chương trình chung giống như là một gia đình
nhân loại chung. “Sự lệ thuộc lẫn nhau đòi hỏi việc nghĩ đến một thế giới
với một chương trình chung” (164).
V. SINH THÁI NHÂN BẢN. MỐI
QUAN TÂM ĐẾN NHÂN PHẨM
Sinh thái nhân bản
(hoặc: Môi trường nhân sinh, human ecology) là một thuật ngữ được
ĐGH Gioan Phaolô II du nhập từ một phần tư thế kỷ nay[26]. Đức
Phanxicô lấy lại diễn ngữ này trong dẫn nhập vào thông điệp Laudato si’,
nhằm nêu bật mối liên hệ giữa sự suy thoái của ngôi nhà chung của hành tinh
chúng ta với sự suy thoái của môi trường nhân sinh. Theo ngài “việc tàn phá môi
trường nhân sinh thật là cực kỳ nghiêm trọng, không những bởi vì Thiên Chúa đã
ký thác thế giới cho chúng ta, nhưng còn vì đời sống con người tự nó là một quà
tặng cần phải bảo vệ nó bằng hết mọi cách, không để cho nó bị tiêu diệt”
(5).
Đức Phanxicô đã dành
chương ba của thông điệp để khảo sát những “cội rễ nhân bản” của cuộc khủng hoảng
sinh thái. Ngài ghi nhận rằng những cội rễ này có liên hệ đến một vũ-trụ-quan,
một lối quan niệm về thế giới thiên nhiên và tương quan với nó, và ngài gọi nó
là mô hình kỹ trị thống trị (dominant technocratic paradigm):
Có một lối hiểu sai về sự sống và về hoạt động của
con người, và lối hiểu sai vốn đi ngược lại thực tế này đã tới mức gây hại cho
thế giới quanh ta. Tại sao chúng ta không thể dừng lại để suy nghĩ về điểm này?
Ở đây, tôi đề nghị chúng ta chú tâm vào cái mô hình kỹ trị đang thống trị hiện
nay cũng như vào vị trí và hoạt động của con người trong thế giới (101).
Theo ĐTC, vấn đề nằm ở
chỗ việc toàn-cầu-hóa mô hình kỹ trị đang thống trị những lãnh vực khác
nhau của cuộc sống: xã hội, kinh tế, luân lý, v.v… (107) Mô hình kỹ trị đưa đến
chỗ quyết định “hình thức xã hội nào chúng ta muốn xây dựng” (107). Đức
Phanxicô đau xót ghi nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu vắng
“những chân trời luân lý đích thật, để có thể dùng đó mà quy chiếu. Cuộc sống
đang trên đà phó mặc cho các hoàn cảnh do kỹ thuật chi phối, và kỹ thuật được
xem như là chìa khóa chính để cắt nghĩa cuộc đời” (110).
Ở tâm điểm của mô
hình kỹ trị là quan niệm lấy con người làm trọng tâm (anthropocentrism),
theo đó cá nhân được suy tôn lên trên tất cả mọi vật. Theo Đức Phanxicô,
nhân-luận hiện đại dựa trên một quan điểm lệch lạc về con người và về tương
quan giữa con người với thế giới thiên nhiên: “Một sự trình bày không thoả đáng
về nhân luận Kitô giáo có thể làm ta hiểu sai về tương quan giữa con người với
môi sinh” nghĩa là một nhãn quan của Prometheus thống trị vũ trụ” (116).
Trong thông điệp, ĐTC
cảnh báo rằng chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm vũ trụ rốt cuộc sẽ gây tổn
hại cho chính con người.
Một khi con người
không biết nhận ra chỗ đứng thật sự của mình trên thế giới này, họ sẽ hiểu sai
lầm về chính họ và rốt cuộc đi đến hoạt động trái nghịch với chính mình. “Không
những Thiên Chúa đã trao cho con người trái đất, để họ sử dụng dựa trên đường hướng
sự thiện nguyên khởi được Thiên Chúa phú ban nơi họ, mà ngay chính con người
cũng là một quà tặng cho con người. Vì thế họ phải quý trọng cấu trúc tự nhiên
và luân lý đã được Chúa cài sẵn nơi mình”[27] (115).
Theo Đức Phanxicô, một
môi-sinh-luận chân chính cần đến một nhân-luận tương xứng: “Sẽ không có một cuộc
đổi mới trong tương quan của chúng ta với thiên nhiên nếu không một cuộc đổi mới
về chính nhân loại… Không có một môi sinh luận nào mà không có một nhân luận
tương xứng…” (118).
Rút từ kho dữ liệu
phong phú của GHXH, Laudato si’ khôi phục khái niệm toàn diện
của con người vừa là imago mundi (hình ảnh vũ trụ: 2) vừa
là imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa: 65). Ngay từ đầu thông điệp,
ĐTC nhắc nhở rằng: “Chính chúng ta là bụi đất (x. St 2,7); thân xác chúng ta được
làm nên bởi các yếu tố của trái đất, chúng ta thở khí của trái đất, chúng ta nhận
được sức sống và tươi mát nhờ nước của đất” (2). Nhưng đồng thời, khi ôn lại
trình thuật tạo dựng của sách Sáng thế”, thông điệp nhấn mạnh rằng “mỗi con người
được dựng nên do tình yêu và theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (x. St
1,26)” (65).
Đức Phanxicô nói đến
một cấp độ sinh-thái nhân-bản cao hơn nữa, đó là nhìn nhận một luật luân lý được
khắc ghi trong bản tính con người chúng ta. Tôn trọng toàn bộ thiên nhiên
(nature) giả thiết việc tôn trọng bản tính (nature) con người
chúng ta. Theo ĐTC, “sinh thái nhân bản hàm ngụ một thực tại khác sâu xa hơn: mối
tương quan giữa đời sống con người với luật luân lý, được ghi khắc vào bản tính
của chúng ta và cần thiết để tạo ra một môi trường xứng đáng hơn (155). Ngài
trưng dẫn ĐGH Bênêđictô XVI, người đã nói đến “sinh thái của con người”, dựa
trên sự kiện là “con người cũng có một bản tính (nature) cần được tôn trọng
và con người không được phép lèo lái nó theo sở thích”[28] (155).
Một yếu tố cốt yếu của sinh thái nhân bản là chấp nhận và chăm sóc thân thể của
chúng ta, bởi vì thân thể “thiết lập một tương quan trực tiếp với môi trường và
với các sinh vật khác” (155).
Trong Laudato
si’ Đức Phanxicô khẳng định rằng ở tâm điểm của GHXH về tạo dựng là
sinh thái nhân bản toàn diện “dựa trên sự tôn trọng nhân vị mang trong mình những
quyền lợi căn bản và bất khả nhượng, hướng đến sự phát triển toàn diện” (157).
Nguyên tắc làm nền móng của GHXH là sự tôn trọng mạng sống và nhân phẩm của mỗi
cá vị, một “phẩm giá vô biên” (65) dựa trên “giá trị không thể chuyển nhượng của
con người” (136). Gắn liền với phẩm giá bất khả nhượng là những quyền lợi căn bản,
trong đó thông điệp nhắc đến một vài quyền như là quyền có nước sạch (30), quyền
lợi của các công nhân (128), và quyền của các người dân nghèo được giữ gìn đất
đai của họ (94).
VI. VIỆC ƯU TIÊN CHỌN LỰA NHỮNG
NGƯỜI NGHÈO
Một đặc điểm của GHXH
kể từ Rerum Novarum là việc ưu tiên chọn lựa người nghèo, một
mối quan tâm họa theo Đức Kitô chăm sóc người nghèo và khốn khổ. Ngay trong nhập
đề của thông điệp, khi nhắc qua những đề tài chính (16), Đức Phanxicô đã kể ra
“mối tương quan chặt chẽ giữa người nghèo và tình trạng mong manh của trái đất”
được xếp ở hàng đầu; và mối quan tâm ấy cũng được nhắc đến trong đoạn cuối của
thông điệp, như ta có thể đọc thấy trong lời nguyện kết thúc: “những người
nghèo và trái đất đang kêu gào” (240). Việc dành chỗ ưu tiên cho đề tài này
không phải là điều ngẫu nhiên. Như Đức Phanxicô đã nói, mối quan tâm cho người
nghèo là trọng tâm của thông điệp “chính trái đất bị dẫm đạp phá hoại này hiện
thân nơi những người nghèo, họ là thành phần dễ bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ
nhất” (2). Laudato si’ là một thông điệp xã hội về sự biến đổi
khí hậu; thế mà từ “khí hậu” được nhắc đến 14 lần trong bản văn, đang khi từ
“người nghèo” được nhắc đến 59 lần[29].
Trong chương thứ nhất,
Đức Phanxicô mô tả tình trạng báo động của ngôi nhà chung, qua sự ô nhiễm, biến
đổi khí hậu, kiệt quệ nguồn lợi thiên nhiên và mất đa dạng sinh thái, cùng với
tình trạng không kém lo ngại về môi trường sinh sống của anh chị em chúng
ta trên khắp thế giới. Ngài nói đến những điều kiện bất nhân của các khung cảnh
thành thị và bầu khí ngột ngạt của các đô thị nơi mà người nghèo, bị coi như
rác rưởi xã hội, đang sống (45). Ngài ghi nhận rằng sự hủy hoại môi trường và
xã hội ảnh hưởng hơn cả đến các thành phần vốn đã bị thiệt thòi” (48).
Đức Phanxicô ngậm
ngùi nhận thấy rằng trong các kế hoạch hoàn cầu, ít khi người ta để ý đến những
vấn đề liên quan đến thành phần bị bỏ rơi” (49). Những người nghèo bị quên lãng
hoặc bị gạt bỏ trong những hội nghị bàn về thời sự thế giới. Thế nhưng, những
người nghèo “lại chiếm đa số trong hàng tỉ người trên địa cầu” (49).
Chỗ đứng của họ trong
các nghị trình hành động vẫn thường xếp ở cuối bảng. Một phần là vì nhiều vị
hàn lâm, nhiều vị tạo dư luận, nhiều trung tâm thông tin và quyền lực ở quá xa
họ, thường được đặt trong các thành phố, nơi không tiếp cận trực tiếp với những
vấn đề của họ. Những vị đó có cuộc sống quá thoải mái và suy tư ở một tầng cao,
mà đại đa số người dân thế giới không với tới được (49).
Đức Phanxicô đã mạnh
mẽ bác bỏ lập luận của những người né tránh vấn đề về người nghèo trong cuộc khủng
hoảng môi sinh và đổ lỗi cho sự tăng gia dân số tại các nước đang phát triên.
Theo ĐTC, “đổ thừa cho sự tăng gia dân số thay vì cho thói tiêu thụ chọn lọc và
thái quá của một số người, là một cách để né tránh đi thẳng vào vấn đề. Đó là
cách để cố gắng biện minh cho mô hình phân phối hiện nay, trong đó một thiểu số
tự cho mình có quyền tiêu pha phung phí đến mức độ không thể nào trở thành phổ
quát được, vì nếu như vậy thì hành tinh sẽ không đủ chỗ để chứa rác thải của một
lối tiêu thụ như thế.” Việc ĐGH bảo vệ sự gia tăng dân số và phê bình sự tiêu
thụ vô độ đã gây ra nhiều chỉ trích, cách riêng từ phía những người đã tin và
tiếp tục tuyên truyên huyền thoại cho rằng cuộc khủng hoảng sinh thái bị gây ra
bởi sự đông dân tại các nước đang phát triển, mà quên rằng vấn đề đích thực là
sự tiêu thụ bừa bãi của thế giới những người giàu. Những nghiên cứu gần
đây đã ủng hộ quan điểm của ĐTC về điểm này[30]. Chìa
khóa của vấn đề là sự tiêu dùng vô độ của người giàu, chứ không phải là sự đông
đúc của người nghèo.
Một trong những đóng
góp của Đức Phanxicô là nối kết những quan tâm đến địa cầu với những quan tâm đối
với người nghèo. Đây là một khúc ngoặt trong GHXH về việc chăm sóc thụ tạo. ĐTC
nhắc nhở chúng ta rằng cuộc khủng hoảng sinh thái không hệ tại sự tiêu diệt của
các loài gấu ở Bắc cực hoặc của các gấu trúc panda, nhưng là tại nỗi thống khổ
của hàng triệu anh chị em sống cùng nhà với chúng ta: “Ngày nay chúng ta buộc
phải chân nhận rằng, một nghiên cứu môi sinh đích thật luôn
luôn biến thành một nghiên cứu xã hội, trong đó phải đưa công lý vào
trong những cuộc luận bàn về môi sinh, hầu nghe thấu được tiếng than
khóc của người nghèo cũng như tiếng rên la của địa cầu” (49, nhấn mạnh
trong nguyên bản).
Trong thông điệp, Đức
Phanxicô lên tiếng để bảo vệ một vài nhóm người bị trở thành nạn nhân của cuộc
khủng hoảng ngôi nhà chung. Một trong những nhóm ấy là các cộng đồng thổ dân.
Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn:
Trong ý nghĩa đó, cần phải đặc biệt quan tâm tới
những cộng đồng thổ dân và các truyền thống của họ… Khi họ ở lại trong lãnh địa
mình, thì chính họ là những người chăm sóc tốt nhất cho đất đai. Nhưng tại nhiều
nơi trên thế giới họ đang bị người khác áp lực chiếm đất đai, để thực hiện những
dự án khai thác mỏ cũng như các kế hoạch trồng cây và chăn nuôi, mà chẳng quan
tâm gì tới việc phá hoại thiên nhiên và văn hoá (146).
Cái nghịch lý đáng buồn
trong cuộc khủng hoảng môi sinh thời nay là nó được gây ra bởi một thiểu số người
giàu, còn những nạn nhân vô tội của nó là những thành phần nghèo khổ và dễ bị tổn
thương của gia đình chúng ta. Ý thức này đòi hỏi rằng cuộc khủng hoảng môi sinh
cần được nhìn dưới lăng kính của “công bình”. Đức Phanxicô đã nêu lên một vài
chủ đề bất công trong lãnh vực môi trường và xã hội trong thời đại chúng ta. Đề
tài quan trọng nhất là “món nợ sinh thái”. Chúng ta có thể trích dẫn chính lời
của ngài về món nợ sinh thái.
Có một “món nợ sinh thái” thực sự – đặc biệt giữa
phía bắc và phía nam – trong liên quan với nền thương mại thiếu cân đối và những
hậu quả của nó trong lãnh vực môi sinh và cả với thói quen xưa nay sử dụng tài
nguyên quá trớn nơi một số quốc gia …. Địa cầu bị hâm nóng bởi lượng tiêu thụ
khổng lồ của một vài quốc gia đã tác hại lên những vùng nghèo nhất của địa cầu,
đặc biệt ở Phi châu, nơi sự gia tăng nhiệt độ đi kèm với hạn hán đã mang lại những
hậu quả khủng khiếp trên việc thu hoạch nông phẩm (51).
Thông điệp bày tỏ mối
ưu tiên chọn lựa người nghèo, đề tài trọng tâm của GHXH, ở đoạn văn đầu của lời
nguyện kết thúc:
Lạy Thiên Chúa của những người nghèo khổ,
xin giúp chúng con,
để chúng con cứu giúp những kẻ bị bỏ rơi và bị
quên lãng trên trái đất này,
họ vốn là những thành phần quý hoá vô song trong
con mắt của Chúa.
Xin chữa lành cuộc sống chúng con,
để chúng con trở nên kẻ bảo vệ thế giới
chứ không phải là những kẻ phá hoại,
để chúng con gieo vãi cái đẹp
chứ không gieo rắc nọc độc và đổ vỡ (246).
VII. SINH THÁI TOÀN DIỆN VÀ
PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN
Một đặc trưng nổi bật
nhất của Laudato si’ là lối tiếp cận toàn diện. Điều này có lẽ
cũng là đóng góp đáng kể nhất của thông điệp cho GHXH về sự chăm sóc loài thụ tạo.
Như Đức Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta, “Chúng ta đang đối diện không phải
với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một bên là sinh thái một bên là xã hội,
nhưng là một cuộc khủng hoảng phức tạp vừa là xã hội vừa là sinh thái” (139).
Lối tiếp cận toàn diện
được áp dụng trong suốt thông điệp. Đó cũng là tựa đề của chương bốn. Đoạn văn
mở đầu của chương này cho thấy những thành tố của quan niệm về một nền sinh
thái toàn diện:
Bởi vì mọi thứ đều có liên quan với nhau và những
vấn nạn hiện nay đòi buộc phải có một cái nhìn bao quát mọi khía cạnh của cuộc
khủng hoảng toàn cầu,nên tôi đề nghị chúng ta xét tới một Môi sinh luận toàn diện
(integral ecology), biết tôn trọng các chiều kích nhân sinh và xã hội (137).
Ngay từ nhập đề, khi
nêu lên những chủ đề chính, thông điệp đã phát biểu xác tín rằng mọi sự trên thế
giới đều liên kết chặt chẽ với nhau (16). Đức thánh cha ghi nhận rằng sự liên kết
giữa các vật là một chân lý mặc khải đã gặp thấy ngay từ những chương đầu của
sách Sáng thế. Khi kể lại những trình thuật của Kinh thánh, ngài viết: “Những
câu chuyện cổ xưa, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, làm chứng cho niềm thâm tín của
chúng ta ngày nay rằng mọi sự đều liên kết với nhau, rằng việc chăm sóc cuộc sống
của chúng ta và mối tương quan với thiên nhiên thì không thể nào tách rời khỏi
tình huynh đệ, công lý và lòng trung tín với tha nhân” (70).
Sự kiện mọi thực tại
đều liên hệ với nhau là trung tâm của đức tin Kitô giáo, và đạo lý này đã được
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo khẳng định, được thông điệp trích nguyên
văn:
Sách Giáo lý dạy rằng: Thiên Chúa muốn có sự phụ
thuộc lẫn nhau của các loài thụ tạo. Mặt trời và mặt trăng, cây bách diệp và
đoá hoa đồng nội, chim ưng và chim sẻ – tất cả nói lên bao nhiêu là cái bất
bình đẳng và khác nhau, cho thấy không thụ tạo nào tự nó là đầy đủ cả, chúng hiện
hữu trong tương thuộc vào nhau, để phục vụ và bổ túc cho nhau[31] (86).
Cái nhìn siêu hình và
nhân bản của Laudato si’ là “loài người chúng ta không phải
hoàn toàn tự trị” (105). Đức Phanxicô vạch cho thấy những mối dây của sự hiệp
thông vũ trụ, sinh vật và nhân bản, được bao phủ bởi tình yêu Thiên Chúa. “Mọi
vật đều có tương quan, và loài người chúng ta được kết hợp với nhau trên con đường
hành hương tuyệt đẹp, được đan kết với nhau bởi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho
mỗi thụ tạo, và tình yêu ấy cũng liên kết chúng ta trong tình nghĩa thắm thiết
với anh mặt trời, chị mặt trăng, em suối và mẹ đất” (92). Ngài mời gọi nhân loại
hãy khôi phục tình hiệp thông với mọi thụ tạo, một điều hết sức căn bản cho cuộc
canh tân sinh thái.
Ở đoạn cuối, thông điệp
nhắc nhở rằng “Ba ngôi vị Thiên Chúa là những tương quan lập hữu, và thế giới,
được dựng nên theo khuôn mẫu Thiên Chúa, là một mạng lưới các mối tương quan với
nhau” (240). Trích dẫn thánh Tôma Aquinô, Đức Phanxicô viết: Các thụ tạo hướng
về Thiên Chúa, rồi tới lượt mình, mỗi sinh vật hướng về những vật khác, đến nỗi
khắp vũ trụ chúng ta có thể thấy muôn ngàn mối tương quan liên tục và kín đáo
đan quyện lẫn nhau”[32] (240).
Chính khi sống như những hữu thể có tương quan cộng đồng, có tương quan với
nhau và lệ thuộc lẫn nhau, mà con người tìm được sự thành tựu chân chính, bằng
cách “bước ra khỏi chính mình để sống hiệp thông với Thiên Chúa, với người khác
và với tất cả thụ tạo” (240).
Lối tiếp cận toàn diện
của Laudato si’ đòi hỏi chúng ta mở rộng chân trời khi bàn đến
vấn đề sinh thái. Trong quá khứ, vấn đề sinh thái thường chỉ được giới hạn vào
“môi trường” ở bên ngoài, tìm cách bảo vệ những loài động vật hiếm, hoặc hồi phục
các hệ sinh thái cổ truyền. Một xã hội mà bịt tai với tiếng kêu của người nghèo
thì cũng bịt tai với tiếng kêu của mẹ Đất. ĐTC đã cảnh báo xã hội đương đại như
sau:
Một khi chúng ta không chấp nhận giá trị của một
người nghèo, một bào thai, một người khuyết tật, chẳng hạn, thì khó mà lắng
nghe tiếng kêu của thiên nhiên; tất cả mọi cái đều liên hệ với nhau. Khi nào
con người tuyên bố độc lập … thì những nền tảng của cuộc đời bắt đầu tan rã (117).
Thông điệp nhắc nhở
chúng ta rằng sinh thái toàn diện đương nhiên bao gồm các chiều kích “nhân bản”
và “xã hội”. Về điểm này Đức Phanxicô nhớ đến một tư tưởng của vị tiền nhiệm
Bênêđictô XVI, đó là “không thể phân tích thế giới bằng cách tách riêng ra một
khía cạnh của nó, bởi vì cuốn sách thiên nhiên là một và bất khả phân[33], và bao
gồm môi trường, sự sống, giới tính, gia đình, tương quan xã hội, v.v…”
Sinh thái toàn diện
đòi hỏi sự phát triển con người toàn diện. Trong khung cảnh của sinh thái toàn
diện, việc bảo vệ thế giới tự nhiên được liên kết chặt chẽ với các khía cạnh của
đời sống con người tựa như đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa, và
mang theo những hệ luận đối với thiện ích chung. Sự thăng tiến toàn diện con
người bao gồm những chiều kích khác nhau của đời sống, gồm cả chiều kích sinh học,
xã hội, văn hóa, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, và tôn giáo. Sinh thái toàn diện mở
cửa cho “đời sống sung mãn” (Ga 10,10) mà mỗi người đều được mời gọi đến.
Đối với Đức Phanxicô,
khuôn mẫu của sinh thái toàn diện là thánh Phanxicô, bởi vì tình yêu loài thụ tạo,
tình yêu người nghèo, và tình yêu Đấng Tạo hóa, cả ba mối tình yêu đều hòa trộn
thành một. Cuộc đời của thánh Phanxicô – đơn sơ, trắc ẩn, thánh thiện, – là một
thí dụ tuyệt vời của sinh thái toàn diện cho thời đại chúng ta. Đức thánh cha
viết:
Tôi tin rằng thánh Phanxicô là tấm gương tuyệt
diệu về việc chăm sóc cho người yếu đuối và chăm sóc sinh thái toàn diện, được
thực hiện cách vui tươi và chân thành … Nơi Người, không thể nào tách rời mối
quan tâm với thiên nhiên, công lý cho người nghèo, dấn thân cho xã hội với sự
bình an tâm hồn (10).
PHỤ THÊM
1. Những văn kiện của Tòa thánh về môi trường
Vấn đề môi trường được
đề cập trong nhiều văn kiện Tòa Thánh, đặc biệt từ sau công đồng Vaticanô II.
1. Trong các thông điệp
GHXH
– ĐGH Phaolô VI,
Thông điệp Populorum progressio (1967), số 22-24; 69; Tông
thư Octogesima adveniens (1971), số 21.
– ĐGH Gioan Phaolô
II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (1988), số 25-26; 39;
Thông điệp Centesimus annus (1991), số 37-38; Tông thư Ecclesia
in America (1999), số 25.
– ĐGH Bênêđictô XVI,
Thông điệp Caritas in veritate (2009), số 48; 50.51.61.
– ĐGH Phanxicô, Thông
điệp Laudato sì (24/05/2015), một thông điệp đầu tiên được
dành hoàn toàn cho đề tài môi sinh.
2. Bên cạnh đó, còn
có những lần Tòa thánh lên tiếng tuy không trang trọng như các thông điệp,
nhưng cũng đáng chú ý.
a) Sứ điệp ngày Hòa
bình thế giới
– “Hòa bình với Đấng
Tạo hóa, hòa bình với mọi loài thụ tạo” (năm 1990).
– “Nếu muốn vun trồng
hòa bình, hãy giữ gìn trái đất” (năm 2009).
b) Phát biểu của Toà
thánh tại các Hội nghị quốc tế về môi trường
– Diễn văn của ĐTC
Gioan Phaolô II tại Trung tâm Liên hiệp quốc về môi trường, Nairobi
(18/08/1985).
– Diễn văn của ĐTC
Gioan Phaolô II cho Hàn lâm viện Khoa học của Toà thánh (12/03/1999).
– Pontifical Council
for Justice and Peace, From Stockholm to Johannesburg. An Historical
Overview of the Concern of the Holy See for the Environment 1972-2002,
(Vatican City 2002).
c) Văn kiện Toà thánh
về một vài đề tài liên quan đến môi trường
Pontifical Council
for Justice and Peace, Water, an Essential Element for Life. A Contribution
of the Delegation of the Holy See on the occasion of the 3rd World Water
Forum, (Kyoto March 22, 2003).
d) Sách Giáo
lý của Hội thánh Công giáo số 299-301; 307; 339-341; 344: 2415-2418.
e) Hội đồng Giáo
hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Giáo huấn Xã hội của Giáo hội (2004),
[Chương Mười].
2. Thông điệp Laudato si’ với các
văn kiện huấn quyền
Vài nhận xét bên lề
1/ Đây là thông điệp
dài nhất. Vài con số để so sánh:
Rerum novarum:088 lời
và 34 chú thích.
Gaudium et spes:111 lời
và 170 chú thích.
Centesimus annus:136
lời và 116 chú thích.
Caritas in
veritate:314 lời và 159 chú thích.
Laudato si’:950 lời
và 172 chú thích[34].
2/ Các trích dẫn của
thông điệp Laudato si’
Các giáo hoàng: 90 lần.
Phanxicô: 17 (13 lần Evangelii gaudium); Bênêđictô XVI: 30 (một nửa là Caritas
in veritate, 15 lần);Gioan Phaolô II: 37; Phaolô VI: 5. Không có giáo hoàng nào
trước đó.
Các văn kiện khác của
Giáo hội: 44 lần; trong đó 3 lần Vaticanô II (tất cả đều lấy từ Gaudium et
spes) và 22 lần của các Hội đồng giám mục khắp thế giới.
Các tác giả Kitô
giáo: 34 lần. Các Giáo phụ: 4; T. Tôma: 6; T. Phanxicô; Romano Guardini: 8 lần.
– Các tác giả ngoài Kitô giáo: 8.
3/ Phương pháp lý luận: Xem
– Xét – Làm
Kể từ Thông điệp Mater
et Magistra (số 236) của ĐGH Gioan XXIII, Huấn quyền xã hội thường áp
dụng phương pháp 3 bước: “Xem – Xét – Làm”. Thông điệp Laudato
si’ cũng theo một tiến trình ấy. Bố cục gồm 6 chương: Xem (ch.1), Xét
(ch.2-4) và Làm (ch.5-6).
a. Xem
Ngoài việc trưng dẫn
các dữ kiện do các nhà khoa học và xã hội học cung cấp, thông điệp cũng thêm “lối
tiếp cận” riêng trong việc quan sát, đó là mối liên hệ hỗ tương giữa các vấn đề
sinh thái khác nhau, cách riêng là giữa sinh thái môi trường và sinh thái nhân
bản. Ngoài ra, các sự kiện được “xem” từ vị trí của người nghèo.
b. Xét
Thông điệp sử dụng
hai tiêu chuẩn: 1/ Mặc khải (ch.2) để suy gẫm về thần học tạo dựng; 2/ Lý trí
(ch.3), đặc biệt là nhận định về sự thống trị của “kỹ trị” cũng như cái nhìn lệch
lạc về tương quan giữa con người với vũ trụ; ngoài ra chương 4 đề xướng “sinh
thái toàn diện”, liên kết sinh thái môi trường với sinh thái nhân bản.
c. Làm
Gồm hai chương cuối
cùng: Chương 5 đưa ra vài đường hướng định hướng cho các chính sách môi trường.
Chương 6 giới thiệu “linh đạo và giáo dục môi trường”.
Nguồn: catechesis.net (16.5.2022)
Trích từ nguồn: “The
contribution of Laudato sì to Catholic Social Doctrine”.
http://www.humandevelopment.va/it/risorse/interventi/2017/the-contribution-of-laudato-si–to-catholic-social-doctrine–23-.html
[1] X. Dale Jamieson, “Why Laudato Si’ Matters,” Environment: Science and Policy for
Sustainable Development 57/6 (2015), 19.
[2] “Thông điệp” (Encyclicals) là một hình
thức thi hành huấn quyền của giáo hoàng. Thông điệp đầu tiên được ban hành do
GH Bênêđictô XIV ngày 3/12/1740. Từ đó đến nay, các giáo hoàng đã viết hơn 300
thông điệp.
[3] ĐTC Phanxicô rất quan tâm đến những cảnh
báo của các nhà khoa học trong vấn đề này. Chúng ta có thể trung dẫn cuộc
nghiên cứu quan trọng về “những biên cương của hành tinh” do một nhóm chuyên
gia thuộc Stockholm Resilience Centre, trong đó có những nhà khoa học nổi tiếng
về trái đất như là Paul Crutzen và James Hansen của NASA, đoạt giải Nobel về
hóa học. Xem J. Rockström, et al., “A Safe Operating Space for Humanity,” Nature 461 (24
September 2009), 472-75. Để cập nhật tình hình nghiên cứu xem Will Steffen, et
al., “Planetary Boundaries: Guiding Human Development on a Changing
Planet,” Science 347
(8 January 2015): [DOI:10.1126/science.1259855].
[4] Chẳng hạn như việc phóng ra khí nhà kính
do hoạt động của con người đã gây ra hàng trăm lần nhanh hơn tốc độ tự nhiên.
Pontificia Academia Scientiarum, Fate
of Mountain Glaciers in the Anthropocene: A Report by the Working Group
Commissioned by the Pontifical Academy of Sciences (5 May
2011), 4.
[5] Seán McDonagh, On Care for Our Common Home Laudato
Si’: The Encyclical of Pope
Francis on the Environment (New York: Orbis Books, 2016),
xiii.
[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Hòa bình với Thiên Chúa Đấng Tạo dựng,
Hòa bình với muôn loài thụ tạo (Sứ điệp ngày Hòa bình thế
giới, 1/1/1990); ĐGH Bênêđictô XVI, Nếu
muốn vun trồng hòa bình, hãy bảo vệ loài thụ tạo (Sứ điệp ngày
Hòa bình thế giới, 1/1/2010).
[8] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa
bình, Tóm lược Giáo huấn
xã hội của Hội thánh, 456; công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes,
34: AAS 58
(1966), 1052.
[9] Ở đây thông điệp trả lời cho bài báo
lừng danh của Lynn White Jr. viết năm 1967, khi ông gán cho Kitô giáo trách
nhiệm lớn về cuộc khủng hoảng môi sinh. Xem Lynn White Jr., “The Historical
Roots of our Ecologic Crisis,” Science 155
(1967), 1203-7.
[10] X. Love for Creation. An Asian Response to the Ecological
Crisis, Tuyên ngôn của Hội thảo được bảo trợ bởi Liên hiệp các Hội
đồng giám mục Á châu (Tagatay, 31/1-5/2/1993), 3.3.2.
[17] ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn dụ dành cho hàng giáo sĩ
Bolzano-Bressanone (6/8/2008): AAS 100 (2008), 634.
[19] Diễn từ
tại Santa Barbara, California (8/11/1997); x. John Chryssavgis, On Earth as in Heaven: Ecological Vision and Initiatives of
Ecumenical Patriarch Bartholomew (New York: Bronx, 2012).
[20] Sách Tóm lược Giáo huấn xã hội của Hội thánh có
một mục mang tựa đề “Môi trường. Một tài sản chung” (các số 466-471). Khi nói
đến việc thay đổi khí hậu, sách Tóm lược nói rằng “khí hậu là một điều thiện
cần che chở” (số 470). Lưu ý của người dịch: “Bonum commune” (Common good) thường được dịch
là “công ích”, nhưng không sát nghĩa: “bonum”
là điều tốt, điều thiện xét theo luân lý; còn cái ích (utile, hữu ích) chỉ nhằm một
khía cạnh tiện lợi. Chúng tôi đề nghị dịch là “thiện ích chung”.
[21] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ
về Giáo hội trong thế giới hiện đại Gaudium
et Spes, 69.
[23] Chú thích của người dịch. Đây là một lối
chơi chữ. “Kinh tế học” (economia)
và “Sinh thái học” (ecologia)
đều có chung một từ gốc Hy-lạp là oikos:
căn nhà.
[27] ĐGH Gioan Phaolô II, thông điệp Centesimus Annus (1/5/1991),
38: AAS 83
(1991), 841. Chú thích của người dịch. Trong ngôn ngữ Âu Tây, nature vừa có nghĩa là
“bản chất, bản tính” vừa có nghĩa là “thiên nhiên, tự nhiên”. Luật “tự nhiên” (natural law) là luật luân lý
phù hợp với bản tính (nature)
của con người.
[29] X. Mike Hulme, “Finding the Message of
the Pope’s Encyclical,” Environment:
Science and Policy for Sustainable Development 57/6 (2015), 17
[30] Để có cái nhìn khái quát, xem: Joshtrom
Isaac Kureethadam, Creation
in Crisis: Science, Ethics, Theology (New York: Orbis Books,
2014), 264-65.
[34] Ildefonso Camacho Laraña S. I, “Laudato
si’: el clamor de la tierra y el clamor de los pobres. Una encíclica más que
ecológica”, in: Revista
de Fomento
social 71 (2016), 59-79. (Số lời dựa theo bản văn tiếng
Tây-ban-nha).