SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2008

Các tôi tớ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Ngày Thế giới Truyền giáo, tôi muốn mời gọi anh chị em suy tư về sự cấp bách liên tục của việc loan báo Tin Mừng ngay cả trong thời đại của chúng ta. Sứ mạng truyền giáo liên tục là một ưu tiên tuyệt đối cho tất cả những ai đã được rửa tội, được mời gọi trở nên “tôi tớ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô” vào đầu thiên niên kỷ này. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Tôi tớ Chúa, Đức Phaolô VI đã khẳng định trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng” rằng: “Rao giảng Tin Mừng là ơn huệ và ơn gọi riêng của Giáo hội, là căn tính sâu sa nhất của Giáo hội ” (EN số 14). Đặc biệt, nói về gương dấn thân tông đồ, tôi muốn giới thiệu thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại, vì năm nay chúng ta sẽ cử hành năm thánh đặc biệt dành cho ngài. Chính Năm Thánh Phaolô cho chúng ta cơ hội làm quen với vị Tông đồ xuất sắc này, người có ơn gọi loan báo Tin Mừng cho dân ngoại như Chúa đã tiên báo cho ngài: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22, 21). Làm sao chúng ta không tận dụng cơ hội Năm Thánh đặc biệt này dành cho các Giáo hội địa phương, cho các cộng đoàn Kitô và cho cá nhân Kitô hữu, để loan truyền đến tận cùng trái đất việc rao giảng Tin Mừng, quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ bất cứ ai tin vào Người (x. Rm 1,6)?

1. Nhân loại cần được giải thoát

Nhân loại cần được giải thoát và được cứu độ. Thánh Phaolô nói: chính tạo vật đang rên siết và mong chờ niềm hy vọng được bước vào tự do của con cái Chúa (x. Rm 8, 19-22). Những lời này cũng đúng trong thế giới ngày hôm nay. Tạo vật đang rên siết. Nhân loại đang quằn quại và mong chờ sự tự do đích thực, mong chờ một thế giới khác, một thế giới tốt đẹp hơn; mong chờ “ơn cứu độ”. Và sâu sa hơn, nhân loại biết thế giới mới này đang mong chờ con người mới, mong chờ của “những người con cái Chúa”. Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn về tình trạng thế giới ngày nay. Trên bình diện quốc tế, một mặt, thế giới đưa ra những quan điểm đầy hứa hẹn phát triển kinh tế và xã hội; nhưng mặt khác, nó đem đến những lo lắng nặng nề về chính tương lai của con người. Không ít trường hợp, bạo lực chỉ ra các mối liên hệ giữa các cá nhân và các dân tộc; sự nghèo đói đè nặng trên hàng triệu dân cư; những kỳ thị, đôi khi cả sự ngược đãi, vì lý do sắc tộc, văn hoá và tôn giáo, thúc đẩy rất nhiều người từ bỏ quê hương xứ sở của mình để tìm kiếm nơi cư trú an toàn khác; sự phát triển về công nghệ, khi không nhằm mục đích về phẩm giá và lợi ích của con người, cũng như không đặt sự phát triển hợp tác, đánh mất tiềm năng của con người như nhân tố của niềm hy vọng, thậm chí có nguy cơ mất quân bình và bất công từng có. Hơn thế nữa, còn tồn tại một mối đe doạ thường xuyên ảnh hưởng đến tương quan giữa con người và môi trường do sử dụng tài nguyên bữa bãi, với những hậu quả về sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần của con người. Và rồi tương lai của con người bị đặt vào nguy cơ từ các cuộc tấn công vào cuộc sống của con người, mà những cuộc tấn công đó gồm nhiều hình thức và những cách thức khác nhau.

Trước cảnh tượng này, “chúng tôi cảm thấy bị dằn vặt bởi ưu tư, bị giằng co giữa hy vọng và lo lắng” (LG số 4), và sự lo lắng đó khiến chúng tôi tự hỏi: nhân loại và vạn vận sẽ sao? Có niềm hy vọng nào cho tương lai, hay đúng hơn, có một tương lai nào dành cho nhân loại? Và tương lai ấy sẽ như thế nào? Câu trả lời của những thắc mắc này phải được lấy ra từ Tin Mừng, vì chúng ta là các tín hữu. Chính Đức Kitô là tương lai của chúng ta, như tôi đã viết trong thông điệp Spe Salvi, Tin Mừng của Người là sứ điệp làm “thay đổi cuộc sống”, đem niềm hy vọng, mở tung cánh cửa đen tối của thời gian và soi sáng tương lai nhân loại và vũ trụ (x. Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, số 2).

Thánh Phaolô hiểu rất rõ rằng: chỉ trong Chúa Kitô, nhân loại mới có thể tìm thấy ơn cứu độ và niềm hy vọng. Do đó, ngài cảm thấy việc truyền giáo cấp bách và khẩn thiết để “công bố lời hứa ban sự sống nơi Đức Giêsu Kitô” (2 Tm 1, 1), “niềm hy vọng của chúng ta” (1 Tm 1, 1), vì hết mọi người có thể được thông phần cùng một gia tài và được tham dự vào lời hứa nhờ Tin Mừng (x. Eph 3, 6). Ngài còn nhận thức rằng: không có Đức Kitô, nhân loại “không có niềm hy vọng và cũng không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Eph 2, 12) – không có niềm hy vọng là bởi vì không có Thiên Chúa” (Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, số 3). Thật vậy, “ai không biết Thiên Chúa, cho dù người ấy có nhiều niềm hy vọng, thì tối hậu cũng chỉ là vô vọng, cũng không có một hy vọng lớn lao nào nâng đỡ toàn bộ đời sống” (Eph 2,12)” (Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, số 27). 

2. Truyền giáo là vấn đề của tình yêu 

Chính vì thế, việc loan báo Chúa Kitô và sứ điệp cứu độ của Người là bổn phận khẩn cấp của tất cả mọi người. “Khốn cho tôi – nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9, 16). Trên đường đi Đa mát, thánh Phaolô đã cảm nghiệm và đã hiểu rằng sự cứu chuộc và truyền giáo là công trình của Thiên Chúa và tình yêu của Người. Tình yêu ấy đã đưa Đức Kitô đến khắp nẻo đường trong Đế quốc Roma như một sứ giả, một tông đồ, người đấu giá, người thầy của Tin Mừng, và tự xưng mình là “sứ giả đang bị xiềng xích” (Eph 6, 20). Tình yêu của Thiên Chúa đã biến ngài trở nên “mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9, 22). Khi nhìn vào kinh nghiệm của thánh Phaolô, chúng ta hiểu hoạt động truyền giáo là đáp trả đối với tình yêu mà Thiên Chúa yêu chúng ta. Tình yêu của Người cứu chúng ta và đưa chúng ta hướng đến sứ vụ đến với muôn dân; chính nghị lực tinh thần có khả năng làm gia tăng sự hài hoà, công bằng, tình hiệp thông giữa những con người, chủng tộc và các dân tộc trong một gia đình nhân loại, mà mọi người đều khao khát (x. Thiên Chúa là tình yêu, số 12). Chính vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Người đã dẫn đưa Giáo hội hướng tới những biên cương của nhân loại và mời gọi các sứ giả Tin Mừng đến uống “nơi nguồn mạch đầu tiên, nguyên thuỷ là chính Đức Giêsu Kitô, từ cạnh sườn được khai mở của Người, tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn trào (x. Thiên Chúa là tình yêu, số 7). Chỉ từ nguồn mạch này, các sứ giả Tin Mừng mới có thể kín múc được sự chăm sóc, dịu dàng, lòng trắc ẩn, tiếp nhận, sẵn sàng, quan tâm tới những vấn đề của con người, và những nhân đức cần thiết khác để các sứ giả Tin Mừng từ bỏ tất cả và dâng hiến hoàn toàn vô điều kiện hầu làm lan toả trên thế giới hương thơm đức ái của Đức Kitô. 

3. Luôn luôn truyền giáo

Trong khi việc truyền giáo đầu tiên vẫn cấp bách và cần thiết ở một số nơi trên thế giới, thì sự khan hiếm các giáo sĩ và thiếu ơn gọi ngày nay đã ảnh hưởng đến các Giáo phận và các Dòng tu. Điều quan trọng cần phải nhắc đó là, mặc dù có những khó khăn ngày càng chồng chất, nhưng lệnh truyền của Đức Kitô về việc đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân vẫn phải luôn ưu tiên hàng đầu. Không có lý do nào có thể biện minh cho sự chểnh mảng hay trì trệ này, bởi vì “mệnh lệnh truyền giáo cho muôn dân tạo thành đời sống và sứ vụ căn bản của Giáo hội” (Loan báo Tin Mừng, số 14). Truyền giáo “vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu và chúng ta phải đem hết tâm lực để phục vụ nó (Sứ vụ Đấng Cứu Độ, số 1). Làm sao chúng ta không nghĩ đến người Macêđônia ở đây, người đã hiện ra trong giấc mơ của Phaolô và la lớn rằng: “Xin hãy sang Macêđonia mà giúp đỡ chúng tôi”. Ngày nay, biết bao người đang chờ chúng ta loan báo Tin Mừng, họ chính là những người đang khao khát hy vọng và tình yêu. Nhiều người cật vấn mình về nhu cầu giúp đỡ này được phát sinh từ nhân loại, họ từ bỏ tất cả vì Chúa Kitô và thông truyền cho con người đức tin và tình yêu đối với Người (x. Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, số 8).

4. Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1 Cor 9, 16)  

Anh chị em thân mến, “Duc in altum!”. Chúng ta hãy lên thuyền ra khơi vào khung trời biển rộng của thế giới, và theo lời mời gọi của Đức Giêsu, chúng ta thả lưới mà không sợ hãi, nhưng vững tin vào sự trợ giúp thường xuyên của Người. Thánh Phaolô còn nhắc nhở chúng ta: việc rao giảng Tin Mừng không phải là lý do khiến chúng ta tự hào (x. 1Cor 9,16), nhưng là một bổn phận và niềm vui. Thưa anh em trong hàng Giám mục, theo gương thánh Phaolô, mỗi người chúng ta cảm thấy mình là “tù nhân của Chúa Kitô, vì anh em dân ngoại” (Eph 3, 1), biết rằng anh em có thể trông cậy vào sức mạnh đến với chúng ta từ Người trong những lúc khó khăn và thử thách. Một Giám mục được thánh hiến không phải chỉ cho Giáo phận mình mà thôi, nhưng còn nhằm cho ơn cứu độ của cả thế giới (x. Sứ vụ Đấng Cứu Độ, số 63). Giống như thánh Tông đồ Phaolô, một Giám mục được mời gọi để hướng tới những người còn xa rời Chúa Kitô hoặc chưa cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Người. Sự dấn thân của một Giám mục là làm cho toàn thể cộng đoàn giáo phận, tuỳ khả năng của mình, gửi các Linh mục và giáo dân đến các Giáo hội địa phương khác để phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng. Bằng cách này, sứ mạng đến với muôn dân trở nên nguyên lý hợp nhất và hội tụ toàn thể hoạt động mục vụ và bác ái. 

Phần các con, anh em Linh mục quý mến, những cộng tác viên hàng đầu của Giám mục, anh em hãy là những Linh mục quảng đại và là những nhà loan báo Tin Mừng nhiệt thành! Nhiều người trong anh em, trong những thập niên gần đây đã đặt chân đến những vùng đất truyền giáo theo thông điệp “Hồng ân đức tin”, mà chúng ta vừa kỷ niệm 50 năm, và với thông điệp này, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, tôi tớ Chúa, Đức Pio XII đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các Giáo hội. Tôi tin rằng, sẽ không thiếu sự thôi thúc truyền giáo này trong các Giáo hội địa phương, dẫu cho việc thiếu giáo sĩ còn gây lo lắng cho các Giáo hội.

Còn các con, hỡi các Tu sĩ nam nữ thân yêu, ơn gọi của các con được ghi dấu bằng một ý nghĩa truyền giáo mạnh mẽ là đem việc rao giảng Tin Mừng cho hết mọi người, nhất là những người còn ở xa, qua việc làm chứng cho Đức Kitô và triệt để sống theo Tin Mừng của Người.

Với các tín hữu giáo dân thân mến, các con được mời gọi tham gia việc truyền bá Tin Mừng trong nhiều lãnh vực khác nhau của xã hội trong hình thức nổi bật hơn cả. Như thế, trước mặt các con, một sân chơi (areopago) phức tạp và đa dạng được mở ra để loan báo Tin Mừng đó là thế giới. Các con hãy làm chứng bằng đời sống, vì tín hữu “thuộc về một xã hội mới, một xã hội là cùng đích của cuộc hành hương chung của họ và được biết trước trên con đường hành hương ấy” (Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, số 4).  

5. Kết luận

Anh chị em thân mến, cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo nhằm khuyến khích mọi người nhận thức về nhu cầu cấp bách để loan báo Tin Mừng. Tôi không thể không ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo về hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Tôi xin cám ơn về sự giúp đỡ mà các Hội Giáo hoàng Truyền giáo dành cho tất cả các cộng đoàn, đặc biệt là những cộng đoàn trẻ. Họ là công cụ vững chắc để làm sinh động và huấn luyện truyền giáo Dân Thiên Chúa, đồng thời nuôi dưỡng sự hiệp thông về nhân sự cũng như phúc lợi giữa các chi thể khác nhau trong cùng một thân thể mầu nhiệm là Đức Kitô. Việc lạc quyên mà trong Ngày Thế giới Truyền giáo được thực hiện ở tất cả các giáo xứ, là dấu hiệu của sự hiệp thông và quan tâm lẫn nhau giữa các Giáo hội. Sau cùng, phải tăng cường cầu nguyện luôn trong dân Chúa vì đó là phương tiện tinh thần không thể thiếu để truyền bá ánh sáng của Chúa Kitô cho mọi dân tộc, “ánh sáng thật” soi chiếu vào “bóng tối của lịch sử” (Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, số 49). Trong khi phó thác cho Chúa công việc tông đồ của các nhà truyền giáo, các Giáo hội khắp nơi trên thế giới và các tín hữu dấn thân trong các hoạt động truyền giáo khác nhau, nhờ lời chuyển cầu của thánh Tông đồ Phaolô và rất thánh Trinh Nữ Maria “Hòm bia giao ước sống động”, Ngôi sao truyền giáo và niềm hy vọng, tôi ban Phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Vatican ngày 11 tháng 5 năm 2008

GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng

WHĐ (01.10.2008)