SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO
LẦN THỨ 2 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
NGÀY 18.11.2018
"Kẻ nghèo này
kêu lên và Chúa đã nhậm lời” (Tv 34,7)
1. "Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhậm lời” (Tv 34,7). Lúc này
đây, những lời trên của Vịnh Gia cũng trở thành những lời của chúng ta trong
lúc chúng ta đang được kêu gọi hãy tiếp cận với những hoàn cảnh đau khổ và bị
loại trừ khác nhau mà rất nhiều anh chị em đang phải sống trong đó, tức những
người mà chúng ta quen mô tả họ bằng một khái niệm chung là “nghèo”. Trái lại, những điều kiện sống ấy
không hề xa lạ gì đối với tác giả của những lời Thánh Vịnh nêu trên. Ông đã trực
tiếp trải qua sự nghèo túng đó, nhưng ông biến nó thành một ca khúc ngợi khen
và tạ ơn đối với Thiên Chúa. Ngày hôm nay, Thánh Vịnh này cũng tạo điều kiện
cho chúng ta – những người đang được vây quanh bởi rất nhiều những hình thức
nghèo túng khác nhau – hiểu được, ai là những người nghèo thực sự, để hướng cái
nhìn của chúng ta về họ, chúng ta được kêu gọi hãy lắng nghe tiếng thét gào của
họ và nhận ra những nỗi khốn cùng cũng như những nhu cầu của họ.
Chúng ta được nói cho biết một cách đặc biệt rằng,
Thiên Chúa lắng nghe những người nghèo kêu lên cùng Ngài, và Ngài chính là nơi
trú ẩn tốt nhất cho những ai tìm nơi ẩn náu bên Ngài với một con bị đập vỡ bởi
nỗi sầu muộn, bởi sự cô đơn và bởi việc bị loại trừ. Ngài lắng nghe những người
mà phẩm giá của họ đang bị chà đạp dưới chân, nhưng họ có khả năng hướng cái
nhìn lên cao để đón nhận ánh sáng và niềm ủi an. Ngài lắng nghe những người
đang bị bách hại bởi những kẻ nhân danh một nền công lý sai quấy, bị áp bức bởi
những biện pháp chính trị mà chúng không xứng với danh xưng đó, và bị gây hoảng
loạn bởi bạo lực; nhưng họ biết rằng, mình đang có ơn cứu độ trong Thiên Chúa.
Điều phát xuất từ lời cầu nguyện này chính là cảm giác về việc hoàn toàn bị bỏ
rơi, và đặc biệt là sự tín thác vào một người Cha, Đấng lắng nghe và đón nhận.
Đồng cảm với những lời ấy, chúng ta có thể hiểu được một cách sâu xa hơn điều
mà Chúa Giê-su đã công bố thành một mối phúc: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!” (Mt
5,3).
Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, nhưng dựa
vào kinh nghiệm duy nhất và trong nhiều mối liên hệ, hoàn toàn nhưng không và hầu
như không thể diễn tả được, người ta sẽ cảm thấy được niềm mong ước muốn chia sẻ
nó với người khác, đặc biệt là với những người nghèo túng, bị xô đẩy và bị loại
trừ, giống như tác giả Thánh Vịnh. Trong thực tế, không ai được phép cảm thấy
mình bị loại trừ bởi Tình yêu của Thiên Chúa Cha, đặc biệt là trong một thế giới
mà nó thường nâng sự giầu sang lên thành mục đích chính, và tự nhốt mình lại
trong chính mình.
2. Thánh Vịnh đã đặc điểm hóa thái độ của người nghèo và mối tương quan của
họ với Thiên Chúa bằng ba động từ. Thứ nhất là “kêu gào”. Hoàn cảnh của người nghèo không thể được diễn tả trong một
từ ngữ, nhưng trở thành một tiếng thét gào thấu tới trời cao và đến được với
Thiên Chúa. Tiếng thét gào của người nghèo diễn tả điều gì nếu không phải là nỗi
khổ đau, sự cô đơn, nỗi thất vọng và niềm hy vọng của họ? Chúng ta có thể tự hỏi:
Sẽ là thế nào đây khi tiếng thét gào của người nghèo thấu được tới tôn nhan
Thiên Chúa nhưng lại không thể đến được với đôi tai chúng ta? Liệu điều đó vẫn
có thể làm cho chúng ta trở nên thờ ơ lãnh đạm và bất động được sao? Nhân Ngày
Quốc Tế Vì Người Nghèo này, chúng ta được kêu gọi hãy thực hiện một cuộc kiểm
thảo lương tâm cách nghiêm túc để biết xem, liệu chúng ta có thực sự có khả
năng lắng nghe người nghèo hay không.
Điều mà chúng ta cần để nhận ra giọng nói của
họ, đó là sự thinh lặng để lắng nghe. Nếu chúng ta nói năng quá nhiều thì chúng
ta sẽ không có khả năng để lắng nghe họ nữa. Cha e ngại rằng, nhiều sáng kiến,
thậm chí là rất đáng ca ngợi và hết sức cần thiết, sẽ được đưa ra nhiều hơn nữa
nhưng chỉ nhằm làm hài lòng chính chúng ta hơn là nhắm tới chuyện thực sự đón
nhận tiếng thét gào của người nghèo. Nếu đúng là như vậy, thì vào một thời điểm
nào đó khi những người nghèo muốn cho tiếng thét gào của họ được lắng nghe, thì
sự phản ứng sẽ không còn xác đáng nữa, nó sẽ không còn tương thích để bước vào
trong sự hài hòa với tình trạng của họ nữa. Và như thế, người ta đang bị giam
hãm trong một nền văn hóa mà nó thúc bách người ta tự chiêm ngưỡng bản thân
mình trong gương và lo lắng cho bản thân mình một cách quá mức đến độ tin rằng,
chỉ cần một cử chỉ vô vị lợi thôi cũng sẽ có thể đủ để tự hài lòng mà không hề
có chuyện ép mình phải thực hiện một điều gì đó rõ ràng và cụ thể.
3. Động từ thứ hai là “trả lời”.
Thiên Chúa – Vịnh Gia nói – không chỉ lắng nghe tiếng thét gào của người nghèo,
nhưng còn đáp lại tiếng họ kêu than nữa. Câu trả lời của Ngài – như được chứng
thực trong toàn bộ Thánh Sử - chính là sự tham dự hoàn toàn của Tình Yêu vào với
hoàn cảnh của người nghèo. Và nó sẽ giống hệt như trường hợp của Áp-ra-ham khi
ông bày tỏ với Thiên Chúa nguyện vọng có được một kẻ nối dõi tông đường, dù rằng
cả ông lẫn vợ ông đều đã già cả nhưng vẫn không có con (xc. St 15,1-6). Nó cũng
sẽ xảy ra giống hệt như trường hợp của Mô-sê khi ông đón nhận sự mạc khải về
danh Thiên Chúa và sứ mạng dẫn Dân ra khỏi đất Ai-cập, thông qua một bụi gai bốc
cháy (xc. Xh 3,1-15). Và câu trả lời này đã tự xác định trên toàn bộ quãng đường
của Dân xuyên qua sa mạc: khi Dân cảm thấy bị hành hạ bởi những cơn đói khát
(xc. Xh 16,1-16; 17,1-7), và khi Dân sa vào tai họa tồi tệ nhất, tức bất trung
với Giao Ước và tôn thờ ngẫu tượng (xc. Xh 32,1-14).
Câu trả lời của Thiên Chúa cho người nghèo
luôn luôn là một sự can thiệp có tính giải cứu để chữa lành những vết thương
tâm hồn và thân xác, để khôi phục công lý cũng như giúp tái đón nhận cuộc sống
trong phẩm giá. Câu trả lời của Thiên Chúa cũng là một lời kêu gọi dành cho bất
cứ ai tin vào Ngài, hãy hành động trong mức độ bao nhiêu có thể. Ngày Quốc Tế
Vì Người Nghèo muốn trở thành một câu trả lời nho nhỏ mà Giáo hội đang hiện diện
rải rác trên toàn thế giới trao cho những người nghèo thuộc đủ loại đủ cách và
thuộc mọi quốc gia, để họ không nghĩ rằng, tiếng thét gào của họ đã vấp phải những
lỗ tai bị điếc. Có lẽ Ngày Quốc Tế này cũng giống như một giọt nước trong sa mạc
nghèo túng; nhưng Ngày này cũng có thể là một dấu chỉ của sự cảm thông với bất
cứ ai đang gặp cảnh khốn cùng để họ có thể cảm nhận được sự hiện diện tích cực
của một người anh em hay một người chị em. Điều mà người nghèo cần tới không phải
là một hành động tiêu biểu, nhưng là một sự dấn thân cá nhân của bất cứ ai nghe
thấy tiếng thét gào của họ. Mối quan tâm của các tín hữu không thể bị hạn chế
vào một hình thức giúp đỡ nào đó ngay cả khi đó là điều cần thiết và có tính
phòng xa trong khoảnh khắc đầu tiên, nhưng đòi hỏi một “sự quan tâm đầy tình mến” (Thông Điệp Evangelii gaudium, 199) mà nó
tôn trọng người khác với tư cách là những con người và cố gắng giúp họ có được
niềm hạnh phúc.
4. Động từ thứ ba là “giải thoát”.
Người nghèo của Kinh Thánh sống trong niềm xác tín rằng, Thiên Chúa can thiệp
nhằm đưa đến mối lợi cho họ, cũng như để tái trao lại phẩm giá cho họ. Sự nghèo
túng không phải là điều giả tạo, nhưng bị phát sinh từ sự ích kỷ, từ sự kiêu ngạo,
từ sự tham lam và từ sự bất công, cũng như bởi những tệ nạn có từ khi con người
hiện hữu, lẽ dĩ nhiên luôn luôn là do tội lỗi, mà chúng liên lụy đến rất nhiều
người vô tội cũng như sẽ dẫn tới những hệ quả bi ai về mặt xã hội. Hành vi mà
qua đó, Thiên Chúa giải phóng chúng ta, chính là một hành vi cứu độ đối với tất
cả những ai trình bày cho Ngài thấy nỗi sầu buồn cũng như nỗi sợ hãi của mình.
Kiếp giam cầm của sự nghèo túng sẽ bị phá vỡ bởi quyền năng can thiệp của Thiên
Chúa. Rất nhiều Thánh Vịnh đã tường thuật và ca mừng lịch sử cứu độ ấy, tức lịch
sử mà nó tìm thấy sự xác nhận trong cuộc sống cá nhân của những người nghèo. “Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh
miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương
nghe lời cầu cứu” (Tv 22,25). Được phép chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa
chính là một dấu chỉ của tình bằng hữu, của sự gần gũi và ơn cứu độ của Ngài. “Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở, vì
Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn. Con lâm cảnh ngặt nghèo, Ngài lo lắng
chăm nom, chẳng trao nộp thân này vào tay thù địch, nhưng cho con rộng bước
thênh thang” (Tv 31,8-9). Việc giới thiệu cho người nghèo “một không gian có thể sử dụng được” đồng
nghĩa với việc giải thoát họ khỏi “cạm bẫy
của những tên thợ săn” (xc. Tv 91,3), kéo họ ra khỏi những cạm bẫy mà chúng
được dăng trên đường đi của họ, để họ có thể nhanh chóng tiến về phía trước
cũng như có thể nhìn xem thế giới với cặp mắt sáng trong. Ơn cứu độ của Thiên
Chúa tiếp nhận hình thức của việc chìa tay ra cho người nghèo, thể hiện sự đón
nhận, bảo vệ và cho phép họ cảm nhận được tình bằng hữu mà họ đang rất cần. Từ
sự gần gũi cụ thể và có thể cảm nhận được ấy, một con đường giải phóng đích thực
sẽ bắt đầu: “Bất cứ người Ki-tô hữu hay cộng
đoàn nào cũng đều được kêu gọi hãy trở nên những khí cụ của Thiên Chúa nhằm giải
phóng và khích lệ những người nghèo, để họ có thể được hội nhập một cách trọn vẹn
vào với cộng đồng xã hội; điều đó giả thiết rằng, chúng ta phải ngoan ngùy và lắng
nghe cách lưu tâm đến tiếng thét gào của người nghèo, và giúp đỡ họ” (Thông
Điệp Evangelii gaudium, 187).
5. Cha rất xúc động khi biết rằng, có rất nhiều người nghèo đang được đồng
hóa với Bác-ti-mê mà Tin Mừng theo Thánh Mác-cô đã nói tới (xc. Mc 10,46-52).
Anh mù tên là Bác-ti-mê “ngồi bên vệ đường”
và ăn xin (Mc 10,46), và vì anh đã nghe được rằng, Chúa Giê-su đang đi ngang
qua, nên “anh đã hô to lên”, và anh
kêu cầu: “Lạy con vua Đa-vít xin dủ lòng
thương xót tôi” (Mc 10,47). Tuy nhiên, “nhiều
người lại quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu to hơn” (Mc
10,48). Con Thiên Chúa đã lắng nghe tiếng thét gào của anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Người mù
đáp lại: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy
được!” (Mc 10,51). Đoạn Tin Mừng này đã làm rõ điều mà Thánh Vịnh đã công bố
với tư cách là lời hứa. Bác-ti-mê là một người nghèo, người thiếu những khả
năng căn bản, như thị giác và khả năng lao động. Trong thời đại hôm nay cũng
đang có biết bao nhiêu là những con đường dẫn tới những hình thức thiếu an
toàn! Đó là việc thiếu thốn những phương tiện căn bản của kiếp sống, việc bị loại
trừ khi người ta không còn đủ khả năng hay đủ sức để làm việc nữa, và những
hình thức nô lệ xã hội khác nhau, bất chấp những tiến bộ mà nhân loại đã đạt được…
Trong thời đại hôm nay cũng vẫn đang có biết bao nhiêu là những người nghèo ngồi
bên vệ đường như Bác-ti-mê, và tìm kiếm một sự cảm thông cho hoàn cảnh của
mình! Biết bao nhiêu là con người đang tự hỏi, tại sao mình lại rơi vào đáy vực
thẳm này, và làm thế nào để có thế thoát ra được khỏi đó! Họ mong chờ một ai đó
sẽ đến gần họ và nói với họ: “Cứ yên tâm,
đứng dậy, Ngài gọi anh đấy!” (Mc 10,49).
Thật tiếc, vì sự đời lại thường cho thấy rằng,
những giọng nói mà chúng được lắng nghe, lại là những giọng nói trách mắng và
yêu sách, chúng thường bị chi phối bởi một nỗi sợ trước những người nghèo mà họ
không chỉ bị coi là những kẻ túng quẫn, nhưng cũng còn bị coi là những kẻ mang
đến sự bất an, sự bất ổn, và sự gây rối loạn cho những thói quen hằng ngày nữa,
và vì thế, cũng bị coi là những kẻ đáng bị cự tuyệt và những kẻ cần phải tránh
cho xa. Người ta có khuynh hướng tạo ra một khoảng cách giữa mình và họ, và người
ta không nhận thức được rằng, bằng cách đó, người ta đang giữ khoảng cách với
Chúa Giê-su, Đấng không khước từ họ, nhưng mời họ đi tới với mình và an ủi họ.
Trong trường hợp này, những lời Ngôn Sứ về lối sống của các tín hữu lại vang
lên một cách chính xác là dường nào: “Mở
xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập
tan mọi gông cùm! Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không
nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân” (Is 58,6-7). Hành động
theo cách đó sẽ tạo điều kiện để tội lỗi được thứ tha (xc. 1Pr 4,8), và tạo điều
kiện để công lý được hoạt động, cũng như để Thiên Chúa trả lời và nói: “Này, Ta đây!” (xc. Is 58,9), khi chúng ta
kêu cầu lên Ngài.
6. Những người nghèo chính là những người đầu tiên có thể nhận ra sự hiện
diện của Thiên Chúa cũng như có thể làm chứng cho sự gần gũi của Ngài trong cuộc
sống của họ. Thiên Chúa luôn trung tín với lời hứa của Ngài, và ngay cả trong
bóng tối của đêm đen, Ngài cũng không để cho hơi ấm của Tình Yêu và sự an ủi của
Ngài bị thiếu. Tuy nhiên, để thắng vượt tình trạng áp chế của sự nghèo túng thì
điều cần thiết là những người nghèo phải thấy được sự hiện diện của những người
anh chị em mà họ đang chăm lo cho mình, và – trong khi những người nghèo mở những
cánh cửa con tim và cuộc sống của mình ra – những anh chị em đó sẽ cho phép họ
cảm nhận được rằng, họ chính là những người bạn và những thành viên trong gia
đình. Chỉ với cách đó, chúng ta mới có thể “nhận
ra khả năng chữa lành cuộc sống của họ, cũng như đặt họ vào trung tâm điểm của
con đường mà Giáo hội bước đi” (Thông Điệp Evangelii gaudium, 198).
Nhân Ngày Quốc Tế này, chúng ta được mời gọi
hãy để cho những lời Thánh Vịnh được trở nên cụ thể: “Kẻ nghèo hèn được ăn uống thoả thuê” (Tv 22,27). Chúng ta biết rằng,
tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, đại tiệc sẽ diễn ra ngay sau nghi thức dâng lễ vật.
Tại nhiều Giáo phận, đó là một kinh nghiệm đã làm phong phú hóa cho việc cử
hành Ngày Quốc Tế Vì Người Nghèo trong năm vừa qua. Nhiều người đã có được sự ấm
cúng của một căn nhà, đã có được niềm vui của một bữa tiệc, và tình liên đới của
tất cả những người muốn chia sẻ với họ một bữa ăn trong một cách thức đơn sơ
nhưng đầy huynh đệ. Cha muốn rằng, trong năm nay và trong tương lai, Ngày Quốc
Tế này sẽ được cử hành dưới dấu chỉ của niềm vui trước cơ hội cùng được ở bên
nhau: Vào ngày Chúa Nhật, người ta sẽ cầu nguyện chung với nhau cũng như chia sẻ
bữa ăn với nhau trong tình hiệp thông. Đó là một kinh nghiệm dẫn chúng ta quay
về với cộng đoàn Ki-tô hữu nguyên thủy mà Thánh Sử Lu-ca đã tường thuật lại
trong tất cả sự hồn nhiên và đơn sơ của cộng đoàn ấy: "Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng
dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện
không ngừng. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.
Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu"
(Cv 2,42.44-45).
7. Đang có vô vàn những sáng kiến mà cộng đoàn Ki-tô giáo thực hiện mỗi
ngày để đưa ra một dấu chỉ về sự gần gũi cũng như cố gắng nhằm xoa dịu muôn vàn
những hình thức nghèo túng mà chúng ta đang thấy trước mắt. Điều đó thường thành
công trong sự cộng tác với những người khác, mà thực ra, họ được thôi thúc
không phải bởi Đức Tin nhưng bởi tình liên đới với con người, hầu đưa đến một sự
giúp đỡ mà nếu chỉ có mình chúng ta thôi thì điều đó sẽ không thể được hiện thực
hóa. Việc nhìn nhận rằng, sự dấn thân của chúng ta đang bị hạn chế trong một thế
giới mênh mông của sự nghèo túng, và sự dấn thân đó còn quá yếu và không đủ, sẽ
dẫn tới chỗ chìa tay ra với người khác để việc hợp tác lẫn nhau có thể đạt tới
được mục tiêu trong một cách thế hiệu quả hơn. Chúng ta được thôi thúc bởi Đức
Tin và bởi Giới Luật Đức Ái, nhưng chúng ta cũng biết nhìn nhận những hình thức
giúp đỡ và tình liên đới khác mà theo từng phần một, những hình thức ấy cũng
chia sẻ cùng một mục tiêu; nếu chúng ta chỉ lưu tâm tới những gì thích hợp với
mình, tức việc dẫn đưa tất cả về với Thiên Chúa và tới sự thánh thiện. Sự đối
thoại giữa những kinh nghiệm khác nhau và sự khiêm nhượng để thực hiện sự cộng
tác của chúng ta mà không hề có bất cứ một hình thức kiếm tìm danh lợi nào, đó
chính là một câu trả lời xứng hợp và hoàn toàn mang tính Tin Mừng mà chúng ta
có thể thực hiện.
Trước những người nghèo, vấn đề không nằm ở chỗ
coi sự can thiệp là điều ưu tiên, đúng hơn, chúng ta có thể nhìn nhận một cách
khiêm tốn rằng, Chúa Thánh Thần chính là Đấng khơi lên những hành động mà chúng
nên trở thành những dấu chỉ cho câu trả lời và cho sự gần gũi của Thiên Chúa.
Ngay sau khi chúng ta tìm ra được một cách thức để gần gũi với những người
nghèo, thì chúng ta sẽ biết rằng, quyền ưu tiên thuộc về Đấng đã mở cặp mắt và
con tim của chúng ta ra cho sự hoán cải. Người nghèo không cần tới sự háo danh,
nhưng cần tới Đức Ái biết ẩn mình và quên đi những điều tốt đẹp mình đã làm. Những
nhân vật chính thực sự chính là Thiên Chúa và những người nghèo. Ai đặt mình
vào trong sự phục vụ, người ấy sẽ trở thành khí cụ trong đôi tay của Thiên Chúa
để làm cho sự hiện diện và ơn cứu độ của Ngài được nhận biết. Thánh Phao-lô đã
nhắc nhớ chúng ta điều đó khi Ngài viết cho các tín hữu Cô-rin-tô đang ganh đua
nhau về những đặc ân và ở đây, họ khát khao trở thành những người được kính trọng
nhất: "Vậy mắt không thể bảo tay:
'Tao không cần đến mày'; đầu cũng không thể bảo hai chân: 'Tao không cần chúng
mày'" (1Cor 12,21). Thánh Tông Đồ đã nêu ra một ý kiến quan trọng, qua
đó Ngài khẳng định rằng, những chi thể của một thân thể, mà xem ra chúng có vẻ
yếu kém nhất, nhưng kỳ thực lại quan trọng nhất (xc. 1Cor 12,22); và "những bộ phận ta coi là tầm thường nhất,
thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho
chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng
Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì
được tôn trọng nhiều hơn" (1 Cor 12,23-24). Trong khi Thánh Nhân đưa
ra một lời chỉ dẫn có tính căn bản về các đặc sủng, thì Ngài cũng đã huấn luyện
cho cộng đoàn biết hành động theo Tin Mừng đối với những chi thể yếu đuối và
nghèo nàn nhất của mình.
Thái độ coi thường và sự đồng cảm giả hình đối
với những người nghèo là điều mà các môn đệ của Chúa Ki-tô cần phải tránh cho
xa; đúng hơn, họ được kêu gọi hãy thể hiện niềm kính trọng đối với những người
nghèo, nhường nhịn họ, và xác tín rằng, họ chính là sự hiện diện đích thực của
Chúa Ki-tô giữa chúng ta. "Mỗi lần
các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các
ngươi đang làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).
8. Ở đây người ta hiểu được lối sống của chúng ta cách xa với lối sống của
thế gian là dường nào, bởi lối sống thế gian luôn tán dương, ùa theo và bắt chước
những kẻ lắm tiền nhiều của và có nhiều quyền lực, trong khí nó lại loại trừ những
người nghèo và coi họ như là rác rưởi và là nỗi ô nhục. Những lời của Thánh
Phao-lô chính là một lời mời gọi thể hiện tình liên đới trong sự hoàn hảo nhất
của Tin Mừng, với những chi thể yếu nhược và ít tài năng nhất của thân thể: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận
cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung”
(1Cor 12,26). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, và cũng với một cách thế tương tự,
Ngài mời gọi chúng ta: “vui với người
vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại,
nhưng ham thích những gì hèn mọn” (Rm 12,15-16). Đó là ơn gọi của người môn
đệ Chúa Ki-tô; lý tưởng mà người môn đệ không ngừng hướng tới, đó chính là việc
càng ngày càng tiếp nhận nhiều hơn nữa về cho mình “những tâm tình và cảm nghĩ của chính Chúa Ki-tô” (xc. Pl 2,5).
9. Một lời nói mang đến niềm hy vọng sẽ trở thành một kết thúc tự nhiên mà
Đức Tin hướng tới. Những người nghèo chính là những người luôn đặt sự thờ ơ
lãnh đạm của chúng ta thành nghi vấn với câu hỏi: đâu là hoa trái của một đời sống
quá an nhiên tự tại và bị ràng buộc vào thời hiện tại như thế? Tiếng thét gào của
người nghèo cũng là một tiếng kêu của niềm hy vọng, mà với tiếng kêu ấy, người
nghèo biểu thị niềm xác tín rằng, họ sẽ được giải thoát. Đó là niềm hy vọng được
đặt nền móng trong Tình Yêu của Thiên Chúa, Đấng không hề bỏ rơi bất cứ người
nào tín thác vào Ngài, trong cơn khốn cùng (xc. Rm 8,31-39). Trong tác phẩm Con
Đường Trọn Lành của mình, Thánh Tê-rê-sa Avila viết rằng: “Nghèo khó là một sự thiện bao hàm trong mình tất cả mọi sự thiện hảo của
thế giới; nó là một tài sản vĩ đại thuộc về ông chủ; tôi xin nói, đối với những
ai không chiếm hữu bất cứ điều gì từ những tài sản thế gian, thì sự nghèo khó sẽ
có nghĩa là sở hữu tất cả mọi tài sản của thế giới” (2.5). Trong mức độ mà
chúng ta có khả năng biện phân sự thiện đích thực, thì chúng ta cũng sẽ trở nên
giầu có trước mặt Thiên Chúa, và trở nên khôn ngoan trước chúng ta và trước người
khác với mức độ bấy nhiêu. Cũng vậy: trong mức độ mà người ta có khả năng trao
cho tài sản vật chất của mình ý nghĩa đích thực và chân thật của chúng, thì người
ta cũng sẽ phát triển trong nhân tính và có khả năng chia sẻ với mức độ bấy nhiêu.
10. Cha mời gọi những anh em trong chức Giám mục, Linh mục và đặc biệt là
các Phó tế, mà họ được đặt tay để phục vụ người nghèo (xc. Cv 6,1-7), cùng với
những người sống đời Thánh Hiến, và các Giáo dân nam nữ, tức những người đang
làm cho câu trả lời của Giáo hội trước tiếng thét gào của người nghèo trở nên cụ
thể trong các Giáo xứ, các hiệp hội cũng như trong các phong trào, hãy sống
Ngày Quốc Tế này với tư cách là một khoảnh khắc được ưu tiên để tái loan báo
Tin Mừng. Những người nghèo đang rao giảng Tin Mừng cho chúng ta, bằng cách
giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp của Tin Mừng mỗi ngày. Chúng ta đừng để cho cơ
hội ân sủng này bị húc vào những lỗ tai bị điếc. Nhân Ngày này, chúng ta muốn
nhận thấy rằng, tất cả chúng ta đều thể hiện trách nhiệm đối với những người
nghèo, để - trong khi chúng ta chìa cánh tay ra cho nhau – thì cuộc gặp gỡ có
tính giải phóng sẽ được hiện thực hóa, mà cuộc gặp gỡ đó sẽ củng cố Đức Tin, sẽ
làm cho Đức Ái được thêm mạnh mẽ, sẽ tạo cho niềm hy vọng chắc chắn có được khả
năng tiếp tục tiến bước trên con đường đi đến cùng Thiên Chúa, Đấng đang đến.
Từ
Vatican ngày 13 tháng 06 năm 2018
Nhân
ngày kính nhớ Thánh An-tôn Padua
PHAN-XI-CÔ
Chuyển ngữ: Lm.
Đaminh Thiệu O.Cist
Nguồn: simonhoadalat.com