WHĐ (18.01.2024) – Với chủ đề “Khôi phục niềm tin” (Rebuilding Trust), Hội nghị thường niên lần thứ
54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) diễn ra từ ngày 15-19. 01. 2024 tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ có hơn 200
phiên họp về các vấn đề từ tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng đến khủng
hoảng khí hậu và quản trị công nghệ. Năm nay, Hội nghị chào
đón khoảng 3.000 tham dự viên đến từ 120 quốc gia bao gồm một số
nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các tổ chức quốc tế lớn và 1000 công ty đối
tác của Diễn đàn, chuyên gia, doanh nhân xã hội và giới truyền thông. Nhân dịp
này, Đức Thánh Cha đã gửi tới Diễn đàn một Sứ điệp do Đức Hồng Y Peter Turkson
tuyên đọc vào thứ Ba ngày 16.01.
Được thành lập vào năm 1971 như một tổ chức phi lợi nhuận
có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới thu hút sự tham gia của các nhà
lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa và các lãnh vực khác của xã hội để định
hình các chương trình nghị sự toàn cầu, khu vực và ngành kinh doanh.
Tập trung vào
sự chính trực về mặt đạo đức và trí tuệ qua việc tiếp cận mạng lưới và các chuyên gia, Diễn đàn nỗ lực thể hiện tinh thần khởi
nghiệp vì công ích toàn cầu đồng thời duy trì các tiêu chuẩn quản trị cao nhất nhằm đưa ra quyết định mang tính chiến
lược đối với các vấn đề cấp thiết nhất của thế giới.
Sau đây là nội
dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI TỚI HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI DAVOS 2024
Davos-Klosters (Thụy Sĩ), ngày 15-19 tháng 01 năm 2024
Kính gửi ngài Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh bất ổn
quốc tế rất đáng lo ngại. Diễn đàn của quý vị, nhằm hướng dẫn và tăng cường ý
chí chính trị và hợp tác hỗ tương, mang lại cơ hội quan trọng cho cam kết của nhiều bên liên quan trong việc khám phá những cách thức
sáng tạo và hiệu quả để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi hy vọng rằng các
cuộc thảo luận của quý vị sẽ tính đến nhu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy sự gắn kết
xã hội, tình huynh đệ và hòa giải giữa các nhóm, cộng đồng, và quốc gia, nhằm đáp ứng những
thách đố mà chúng ta đang gặp phải.
Thật không may, khi nhìn quanh, chúng ta thấy một thế
giới ngày càng bị giằng xé, trong đó hàng triệu người - đàn ông, phụ nữ, cha, mẹ,
trẻ em - những gương mặt mà chúng ta phần lớn không biết, vẫn tiếp tục đau khổ, nhất là do ảnh
hưởng của các cuộc xung đột kéo dài và các cuộc chiến tranh hiện nay. Những đau khổ này càng
trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là “các cuộc chiến tranh hiện đại không
còn chỉ diễn ra trên những chiến trường được xác định rõ ràng, cũng như không
còn chỉ liên quan đến binh lính. Trong bối cảnh mà sự phân biệt giữa các mục
tiêu quân sự và dân sự dường như không còn được tôn trọng nữa, thì không có cuộc xung đột nào mà không kết thúc bằng cách tấn công
bừa bãi vào dân thường” (Diễn văn dành cho thành viên Ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh, ngày 08.01.2024).
Nền hòa bình mà các dân tộc trên thế giới khao khát
không gì khác hơn là hoa trái của công lý (x. Is 32,17). Do đó, hòa bình đòi hỏi
không chỉ đơn thuần gạt bỏ các công cụ chiến tranh mà còn phải giải quyết những bất công vốn là
căn nguyên của xung đột. Trong số những vấn đề quan trọng nhất này, trước hết là nạn đói, hiện vẫn tiếp tục
hoành hành khắp các khu vực trên thế giới, trong khi ở những nơi khác lại có sự lãng phí
thực phẩm qui mô lớn. Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tiếp tục làm giàu cho một số ít người
trong khi khiến toàn bộ dân cư, vốn là những người lẽ ra được hưởng
lợi tự nhiên từ các tài nguyên này, rơi vào cảnh khốn cùng và nghèo đói. Chúng ta cũng không thể bỏ qua tình
trạng bóc lột tràn lan những người
nam, nữ và trẻ em, những
người bị buộc phải làm việc với mức lương rẻ mạt, bị tước đoạt những triển vọng thực sự để phát triển cá nhân và nghề nghiệp.
Làm sao chấp nhận được trong thế giới ngày nay lại vẫn còn có những người bị chết đói, bị bóc lột, bị ép buộc mù chữ, thiếu sự chăm sóc y
tế cơ bản, và không có nơi cư trú?
Tiến trình toàn cầu hóa, vốn minh chứng rõ ràng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa
các quốc gia và các dân tộc trên thế giới, do đó có một chiều kích đạo đức cơ bản, phải được
thể hiện trong các cuộc thảo luận về kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo nhằm
định hình tương lai của cộng đồng quốc tế. Trong một thế giới ngày càng bị đe dọa
bởi bạo lực, xâm lược và phân mảnh, điều cần thiết là các quốc gia và doanh nghiệp phải liên kết để thúc đẩy các mô hình toàn cầu hóa
có tầm nhìn xa và đúng đắn về mặt đạo đức, mà về bản chất, phải đặt việc theo
đuổi quyền lực và lợi ích cá nhân, dù là chính trị hay kinh tế, vào ích chung của gia đình nhân loại, ưu
tiên cho người nghèo, người thiếu thốn và người ở trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương nhất.
Về phần mình, thế giới kinh doanh và tài chính hiện
đang vận hành trong bối cảnh kinh tế ngày càng rộng lớn hơn, trong đó các quốc
gia có năng lực hạn chế trong việc quản lý những thay đổi nhanh chóng trong quan hệ kinh tế và tài
chính quốc tế. Tình trạng này đòi hỏi chính các doanh nghiệp ngày càng được hướng
dẫn không chỉ bằng việc tìm kiếm lợi nhuận hợp lý mà còn bằng các tiêu chuẩn đạo
đức cao cả, đặc biệt đối với các nước
kém phát triển, những nước không nên phó mặc cho các hệ thống tài chính bất
công hoặc cho vay nặng lãi. Một cách tiếp cận có tầm nhìn xa đối với những vấn
đề này sẽ mang tính quyết định trong việc đạt được mục tiêu phát triển toàn diện
nhân loại trong tình liên đới. Sự phát triển đích thực phải mang tính toàn cầu,
được chia sẻ bởi tất cả các quốc gia và mọi nơi trên thế giới, nếu không, nó sẽ thụt lùi ngay cả ở những
khu vực cho đến nay vẫn được đặc trưng bởi sự tiến bộ không ngừng.
Đồng thời, cần phải có hành động chính trị quốc tế rõ ràng, để thông qua việc áp dụng các biện
pháp phối hợp, có thể theo đuổi một cách hiệu quả các mục tiêu hòa bình toàn cầu
và phát triển đích thực. Đặc biệt,
điều quan trọng là các cơ cấu liên chính phủ phải có khả năng thực hiện một
cách hiệu quả chức năng kiểm soát và hướng dẫn của mình trong lĩnh vực kinh tế,
vì việc đạt được công ích là một mục tiêu nằm ngoài tầm với của từng quốc gia, ngay cả
những quốc gia chiếm ưu thế về quyền lực, của cải, và sức mạnh chính trị. Các tổ chức
quốc tế cũng gặp phải thách đố trong việc bảo đảm đạt được sự bình đẳng vốn là nền tảng cho quyền của tất
cả mọi người được tham gia vào tiến trình phát triển toàn diện, với sự tôn trọng
xứng hợp đối với những khác biệt
chính đáng.
Vì vậy, tôi hy vọng rằng các tham dự viên Diễn đàn năm nay nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mỗi người trong
cuộc chiến chống nghèo đói, đạt được sự phát triển toàn diện cho tất cả anh chị
em của chúng ta, và trong việc tìm kiếm sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc. Đây là thách đố lớn mà thời điểm hiện
tại đặt ra trước mắt chúng ta. Và nếu, trong tiến trình theo đuổi những mục tiêu này, “thời đại của chúng ta
dường như đang có dấu hiệu thoái trào nhất định” thì cũng đúng là “mỗi thế hệ mới phải tiếp tục
những nỗ lực và thành tựu của các thế hệ tiền nhân, đồng thời đặt mục tiêu của
mình cao hơn nữa… Điều thiện hảo, cùng với tình yêu thương, công lý và tình liên đới, không
thể đạt được một lần cho mãi mãi; chúng phải được thực chinh phục mỗi ngày một
hơn” (Tông huấn Laudate Deum, 34).
Với những tâm tình này, tôi cầu xin những lời chúc tốt đẹp cho các
cuộc thảo luận của Diễn đàn, và tôi nài xin mọi phúc lành tuôn đổ dồi dào trên
tất cả các tham dự viên Hội nghị.
Từ Vatican, ngày 15 tháng 01 năm 2024
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (17. 01. 2024)