WHĐ (01.12.2023) – Hôm 28.11.2023, tại Bộ Ngoại giao Ý ở Roma, đã diễn ra Đại hội dành cho các Thành viên của Tổ chức Luật Phát triển Quốc tế (IDLO- International Development Law
Organization) nhân kỷ niệm 40
năm thành lập. Vào dịp này, Đức
giáo hoàng Phanxicô đã gửi tới Đại hội một sứ điệp. Sau đây là nội dung sứ điệp của Đức
Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI CÁC THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI
CỦA TỔ CHỨC LUẬT
PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ
Thưa Bà Tổng
Giám đốc,
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa Quý vị,
và quý Đại biểu,
Tôi vui mừng nhận lời mời của Bà Tổng Giám đốc, thay mặt cho Tổ chức Luật Phát triển Quốc tế
(IDLO), để phát biểu tại Đại hội dành cho các Thành viên nhân kỷ niệm 40 năm thành lập. Tôi xin gửi
lời chào thân ái đến tất cả các tham dự viên Đại hội quan trọng
này, nguyện xin cho các cuộc thảo luận của quý vị sẽ mang lại thành quả trong việc củng cố mối liên kết giữa các
dân tộc, bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, và bảo vệ quyền lợi của những người mà phẩm giá của họ bị xâm phạm.
Trong 4 thập niên, Tổ chức liên chính phủ đã cống hiến hết
mình cho việc thúc đẩy pháp quyền nhằm hướng tới hòa bình và phát triển
bền vững, khuyến khích những sáng kiến
khác nhau hầu đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được công lý, đặc
biệt là những người thiệt thòi nhất trong xã hội. Tuân thủ nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, ngăn ngừa sự tùy tiện,
nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm
bảo tính minh bạch, thúc đẩy sự tham gia công bằng vào tiến trình ra quyết định, việc bảo vệ nguyên tắc chắc chắn về mặt pháp lý và tôn trọng thủ tục tố
tụng hợp pháp, cả từ quan điểm nội dung lẫn thủ tục, đều là những giá trị và
tiêu chí không thể thiếu, xuất phát từ khái niệm chung về pháp quyền và nếu được
thực hiện sẽ có sức mạnh dẫn tới việc thực thi công lý. Và điều đáng ghi nhớ là, công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được sự hòa hợp xã hội và tình
huynh đệ phổ quát mà chúng ta rất cần ngày nay. Đó cũng là đức tính cần thiết để xây dựng một thế giới
trong đó các xung đột chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình, không có
quyền của kẻ mạnh nhất chiếm ưu thế mà
là sức mạnh của pháp luật.
Thật không may là
chúng ta còn lâu mới đạt được mục tiêu này. Trong tình hình phức tạp và thách đố mà chúng ta đang trải qua, bị
tàn phá bởi những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có liên quan với nhau, người
ta nhận thấy một cách đau đớn sự gia tăng của các cuộc đụng độ bạo lực, những
tác động ngày càng nguy hại của biến đổi khí hậu, tham nhũng và bất bình đẳng.
Do đó, việc ủng hộ công lý lấy con người làm trung tâm nhằm củng cố các xã hội
hòa bình, công bằng và hòa nhập là
điều cấp bách hơn bao giờ hết.
Pháp quyền không bao giờ có một ngoại lệ, dù là tối
thiểu, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Lý do là vì pháp quyền nhằm mục đích phục vụ con người và bảo vệ nhân phẩm, và điều này không cho phép có ngoại
lệ. Đây là một nguyên tắc. Tuy nhiên, không chỉ các cuộc khủng hoảng mới gây ra
mối đe dọa đối với các quyền tự do và pháp quyền trong các nền dân chủ. Thực
ra, một quan niệm sai lầm về con người đang ngày
càng trở nên phổ biến, một quan niệm vốn làm
suy yếu chính sự bảo vệ con người và
dần dần mở ra cánh cửa cho những lạm dụng nghiêm trọng dưới vẻ bề ngoài của điều thiện.
Thật vậy, chỉ có luật pháp mới có thể tạo thành điều kiện
tiên quyết không thể thiếu cho việc thực thi bất kỳ quyền lực nào, và điều này
có nghĩa là các cơ quan chính phủ có trách nhiệm phải đảm bảo sự tôn trọng pháp
quyền, bất kể lợi ích chính trị thống trị. Khi luật pháp dựa trên các giá
trị phổ quát, chẳng hạn như tôn trọng con người và bảo vệ công ích, thì pháp quyền sẽ vững mạnh, người
dân được tiếp cận công lý và xã hội sẽ
ổn định và thịnh vượng hơn. Ngược lại, nếu không có hòa bình và công lý thì chẳng
có thách đố nào kể trên có thể giải quyết được. Chúng ta đừng quên rằng “Mọi
sự đều liên kết với nhau. Vì
thế, sự chăm sóc
môi trường đòi buộc một tình yêu chân thành đối với con người và một
sự dấn thân kiên vững đối với các vấn đề xã hội” (Thông điệp Laudato si', số 91).
Pháp quyền có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc
giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu bằng việc canh tân lòng tin và tính hợp pháp trong
quản trị công, chống lại sự bất bình đẳng, thúc đẩy phúc lợi của người dân, cổ võ việc bảo vệ các quyền cơ bản của
họ, khuyến khích sự tham gia cách xứng hợp của họ vào tiến trình ra quyết định và tạo điều kiện thuận lợi
cho việc phát triển luật pháp và chính sách đáp ứng nhu cầu thực sự của họ, từ
đó góp phần tạo ra một thế giới trong đó tất cả mọi người đều được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng.
Tôi hoan nghênh sự dấn thân của IDLO trong việc thúc đẩy công bằng khí hậu và cải thiện
quản lý đất đai cũng như sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là lộ
trình dẫn đến một thế giới công bằng và hòa bình hơn.
Biến đổi khí hậu là một vấn
đề công bằng giữa các thế hệ. Sự xuống cấp của hành tinh không chỉ ngăn cản sự
chung sống hòa bình và hoà hợp trong
hiện tại, mà còn làm suy yếu
đáng kể sự tiến bộ toàn diện của các thế hệ tương lai. “Không còn nghi ngờ
gì nữa, tác động của
biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gây tổn hại đến đời sống của nhiều người và nhiều gia đình. Chúng
ta sẽ cảm nhận được những tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cung ứng việc làm, khả
năng tiếp cận nguồn tài
nguyên, nhà ở, tình trạng di cư bắt buộc, v.v.” (Tông huấn Laudate
Deum, 2). Công lý, nhân quyền, công bằng và bình đẳng về cơ bản có mối liên
hệ mật thiết với các nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu. Bằng việc áp
dụng cách tiếp cận dựa trên công bằng vào hành động vì khí hậu, chúng ta có thể
đưa ra những đáp ứng toàn bộ, toàn diện và công bằng.
Tham nhũng làm xói mòn chính nền tảng của xã hội. Bằng việc
chuyển hướng nguồn lực và cơ hội khỏi những người cần chúng nhất, tham nhũng
làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có. Đây là lý do tại sao cần phải
thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm khuyến khích tính minh bạch,
trách nhiệm giải trình và liêm chính hơn ở mọi nơi, nhờ đó đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một xã hội
công bằng và đạo đức. Chính thời thơ ấu là nơi gieo mầm những hạt giống liêm chính, trung thực và nhận thức
đạo đức, thúc đẩy một xã hội trong đó nạn tham nhũng không tìm được mảnh đất
màu mỡ để bén rễ.
Cuối cùng, điều cần thiết là tiếp tục thực hiện các bước để
tiếp cận những người nghèo nhất, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và những người dễ bị tổn thương
nhất, vốn là những người thường
không có ai lên tiếng thay cho họ và là những người thấy mình bị từ chối và loại
trừ. Chúng ta phải đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là phụ nữ, người dân bản địa, và giới trẻ, là những người
đang cố gắng để đảm bảo rằng các đề
xuất của họ tìm được không gian và tiếng nói trong hiện tại để có thể tự tin hướng
về tương lai.
Thưa quý vị, tôi đoan chắc
rằng những cuộc gặp gỡ, chẳng
hạn như Đại hội này, nhằm đảm bảo rằng
các hệ thống tư pháp vốn đề cao tính
ưu việt của phẩm giá con người so với
bất kỳ loại quyền lợi hoặc biện minh
nào khác sẽ tiếp tục được củng cố trong thời đại chúng ta. Vì chính nghĩa
cao cả này, Tòa Thánh - trung thành với lời của Đức Kitô: “Phúc thay ai khát khao nên
người công chính; Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5, 6.9) - sát cánh
cùng tất cả những ai đấu tranh để củng cố pháp quyền, nhân quyền,
và công bằng xã hội, hầu những nỗ lực của họ mở ra những lộ trình hy vọng mới
hướng tới một tương lai của sự liên
đới, công bằng và thanh bình hơn cho tất cả các quốc gia trên trái đất.
Thành Vatican, ngày 28 tháng 11 năm 2023
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp,
OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va