SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2010

Thiết lập sự hiệp thông Giáo hội là chìa khoá của truyền giáo

Anh chị em thân mến,

Tháng mười, cùng với việc tổ chức Ngày Thế giới Truyền giáo, cống hiến cho các Cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, các Dòng tu, các Phong trào Giáo hội, và cho toàn thể Dân Chúa, một cơ hội để canh tân sự dấn thân loan báo Tin Mừng, và đem đến cho các hoạt động mục vụ một sức mạnh truyền giáo rộng lớn hơn. Biến cố hàng năm này mời gọi chúng ta sống một cách mãnh liệt những khoảnh khắc phụng vụ và giáo lý, bác ái và văn hoá, qua đó, Chúa Giêsu Kitô triệu tập chúng ta đến bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, để thưởng nếm hồng ân là sự hiện diện của Người, để được đào luyện trong trường học của Người và để sống mật thiết hơn với Người, Đấng là Thầy và là Chúa. Chính Ngài nói với chúng ta: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21). Chỉ xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Tình yêu Chúa, Đấng biến đổi cuộc đời, chúng ta mới có thể sống trong sự hiệp thông với Người và với nhau, trao cho anh em một chứng từ đáng tin cậy, và là lý do về niềm hy vọng chúng ta đang mong chờ (x. 1Pr 3, 15). Một đức tin trưởng thành, có khả năng tín thác hoàn toàn vào Chúa với tâm tình con thảo, được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện, bằng suy chiêm Lời Chúa và học hỏi các chân lý đức tin, đó chính là điều kiện để có thể đẩy mạnh chủ nghĩa nhân đạo mới, được thiết lập dựa trên Tin Mừng của Chúa Giêsu. 

Hơn nữa, tại nhiều quốc gia, các hoạt động khác nhau của Giáo hội được diễn ra vào tháng 10, sau kỳ nghỉ hè, và Giáo hội mời gọi chúng ta hãy học nơi Đức Maria qua việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chiêm ngắm kế hoạch yêu thương của Chúa Cha dành cho nhân loại, để yêu mến Mẹ như Chúa yêu Mẹ. Đây chẳng phải là ý nghĩa của việc truyền giáo sao?

Quả thật, Chúa Cha mời gọi chúng ta trở nên những người con được Người yêu trong Con yêu dấu của Người, và nhận ra rằng tất cả chúng ta là anh chị em ở trong Người, là Hồng ân cứu độ cho nhân loại đã bị chia rẽ bởi sự bất hoà và tội lỗi, và là Đấng Mạc khải dung nhan đích thực của Thiên Chúa, Đấng “đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

Trong Tin Mừng Gioan, một số người Hy Lạp đã đến Giêrusalem để hành hương vào dịp lễ Vượt Qua đã xin ông Philiphê: “Chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu” (Ga 12, 21). Lời này cũng vang lên trong tâm hồn chúng ta trong tháng mười này, nhắc nhở chúng ta phải dấn thân thế nào và nhiệm vụ loan báo Tin Mừng thuộc về toàn thể Hội Thánh mà “tự bản chất là truyền giáo” (Sắc lệnh Truyền giáo, số 2); và còn mời gọi chúng ta trở thành những người cổ võ cuộc sống mới, thực hành các mối tương quan đích thực trong cộng đoàn được xây dựng trên nền tảng Tin Mừng. Trong một xã hội đa sắc tộc mà ngày càng xuất hiện những kiểu sống cô độc và thờ ơ đáng lo ngại, các tín hữu phải học cách ban tặng những dấu hiệu của hy vọng và trở nên anh em của mọi người, vun trồng những lý tưởng vĩ đại nhằm biến đổi lịch sử và, không ảo tưởng hão huyền hoặc lo sợ viển vông, phải cố gắng biến hành tinh này thành ngôi nhà của mọi dân tộc.

Cũng như những khách hành hương Hy Lạp hai ngàn năm trước, họ cũng là những con người trong thời đại của chúng ta, có lẽ không phải lúc nào họ cũng ý thức, đòi các tín hữu không chỉ “nói” với Chúa Giêsu, mà còn phải “làm cho họ thấy” Chúa Giêsu, làm rực sáng khuôn mặt của Đấng Cứu Thế nơi mọi ngõ ngách trên mặt đất trước các thế hệ của thiên niên kỷ mới, đặc biệt là trước người trẻ của từng châu lục, những người nhận đặc quyền và những chủ thể của việc loan báo Tin Mừng. Họ phải cảm thấy rằng các Kitô hữu đem lời Chúa Kitô, bởi vì Ngài là chính là Chân lý, và nơi Ngài, họ đã tìm thấy ý nghĩa và sự thật cho đời sống của họ.

Những suy tư này nhắc đến mệnh lệnh truyền giáo mà tất cả những ai đã lãnh nhận phép rửa, và toàn thể Hội Thánh, đã lãnh nhận nhưng không thể chu toàn được nếu không có sự hoán cải sâu sa của cá nhân, cộng đoàn và mục tử. Thật vậy, ý thức về ơn gọi loan báo Tin Mừng thúc đẩy không chỉ từng cá nhân tín hữu, mà còn toàn thể các cộng đoàn Giáo phận và Giáo xứ một cuộc canh tân toàn diện và không ngừng mở ra hơn nữa cho sự hợp tác truyền giáo giữa các Giáo hội, để cổ võ việc loan báo Tin Mừng trong tâm hồn mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá, mỗi chủng tộc và mỗi quốc gia ở khắp nơi. Ý thức này được nuôi dưỡng nhờ hoạt động của các Linh mục “Hồng ân đức tin”, các Tu sĩ, các giáo lý viên và các giáo dân truyền giáo, một cố gắng không ngừng để cổ võ sự hiệp thông Giáo hội, cũng như cả hiện tượng “hội nhập văn hoá” cũng có thể sát nhập vào mô hình hiệp nhất, trong đó Tin Mừng là men tự do và tiến bộ, nguồn mạch của tình huynh đệ, khiêm nhường và bình an (x. Sắc lệnh Truyền giáo, số 8). Thật thế, Giáo hội “ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 1). 

Sự hiệp thông Giáo hội phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, nhờ lời rao giảng của Giáo hội, đã đến với con người và tạo sự hiệp thông với chính Người, và nhờ đó, hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (x. 1Ga 1, 3). Chúa Kitô đã thiết lập một tương quan mới giữa con người và Thiên Chúa. “Chính Người mạc khải cho chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8), và Người dạy chúng ta biết rằng luật căn bản để kiện toàn con người, và do đó để cải biến thế giới, là điều răn mới về tình yêu. Vậy, đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người, và nỗ lực thiết lập tình huynh đệ đại đồng không bao giờ luống công” (Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 38).

Giáo hội trở nên “hiệp thông” khởi đi từ Thánh Thể, trong đó Chúa Kitô, hiện diện trong hình bánh và rượu, cùng với hiến lễ tình yêu, thiết lập Giáo hội như thân thể Ngài, kết hợp chúng ta với Thiên Chúa duy nhất và Ba ngôi, và ở giữa chúng ta (x. 1Cor 10, 16tt). Trong tông huấn “Bí tích tình yêu” tôi đã viết: “Tình yêu chúng ta cử hành trong Bí tích không phải là một điều gì đó chúng ta có thể giữ cho riêng mình. Bởi chính bản chất của nó, tình yêu đòi được chia sẻ với mọi người. Điều mà thế giới cần chính là tình yêu của Thiên Chúa, thế giới cần gặp Chúa Kitô và tin vào Người” (Tông huấn Bí tích tình yêu, số 84). Chính vì lý do này, Thánh Thể không chỉ là suối nguồn và là chóp đỉnh đời sống của Giáo hội, mà còn là sứ mạng của Hội Thánh: “Một Giáo hội thật sự sống Thánh Thể là một Giáo hội truyền giáo” (Tông huấn Bí tích tình yêu, số 84), có khả năng đưa mọi người tới sự hiệp thông với Thiên Chúa, và công bố với niềm xác tín rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi cũng loan báo cho anh em, để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1, 3).

Anh chị em thân mến, Ngày Thế giới Truyền giáo mở rộng tầm nhìn của con tim chúng ta về không gian bao la của sứ vụ, tất cả chúng ta phải cảm thấy mình đóng vai trò chủ chốt trong sự dấn thân của Giáo hội để loan báo Tin Mừng. Việc thúc đẩy truyền giáo luôn là dấu chỉ của sự sống đối với các Giáo hội của chúng ta. (x. Sứ điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ, số 2) và sự cộng tác của họ chính là bằng chứng hùng hồn về sự hiệp nhất, huynh đệ và liên đới, đem lại sự tín nhiệm cho những người loan báo về Tình yêu cứu độ!

Vì vậy, tôi mời gọi mọi người cầu nguyện và, bất chấp những khó khăn về tài chính, trợ giúp huynh đệ và cụ thể cho các Giáo hội trẻ. Cử chỉ yêu thương và chia sẻ này, mà tôi rất biết ơn các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, sẽ sắp xếp để phân phát, hỗ trợ cho việc đào tạo các Linh mục, chủng sinh và các giáo lý viên ở những miền truyền giáo xa xôi và khích lệ cho các cộng đoàn Giáo hội trẻ. 

Để kết thúc sứ điệp hàng năm cho Ngày Thế giới Truyền giáo, tôi muốn diễn tả tình cảm đặc biệt và lòng biết ơn đặc biệt tới các nhà truyền giáo nam nữ, những chứng nhân cho Triều đại Nước Thiên Chúa ở những miền xa xôi và khó khăn nhất, ngay cả bằng cuộc sống thường xuyên của mình. Họ là những người tiên phong trong việc loan báo Tin Mừng, là bạn hữu, gần gũi và nâng đỡ mỗi tín hữu. “Ai hiến dâng vui vẻ, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9, 7), Ngài đổ tràn tinh thần nhiệt thành và niềm vui sâu sắc trên họ.

Như lời thưa “xin vâng” của Đức Maria, mọi đáp trả quảng đại của Cộng đoàn Giáo hội đối với lời mời gọi của Chúa vì tình yêu đối với anh em sẽ nảy sinh tình mẫu tử tông đồ và Giáo hội (x. Gal 4,4.19.26), làm cho chúng ta ngạc nhiên bởi mầu nhiệm Thiên Chúa tình yêu, Đấng “khi đến thời viên mãn, sẽ sai Con Một của Người, sinh bởi một người phụ nữ” (Gal 4,4), sẽ ban đức tin và lòng can đảm cho các tông đồ mới. Sự đáp trả như thế sẽ mang lại cho những người tin khả năng “vui mừng trong hy vọng” (Rm 12, 12) trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn cho “toàn thể nhân loại hợp thành một Dân Chúa duy nhất, được liên kết trong cùng một thân thể của Đức Kitô, và xây dựng thành ngôi đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần” (Sắc lệnh Truyền giáo, số 7).

Vatican ngày 6 tháng 2 năm 2010

GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng

WHĐ (19.10.2010)