Rescriptum “ex Audentia
SS.mi”
02-8-2018
Trong
buổi yết kiến ngày 11 tháng 5 năm 2018 dành cho Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin
ký tên dưới đây, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã chuẩn y bản dự thảo mới của số
2267 trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, chấp thuận cho bản văn này được dịch
sang các ngôn ngữ khác nhau và đưa vào trong mọi ấn bản của Sách Giáo Lý vừa
nêu.
Án tử
hình
2267. Việc chính quyền hợp pháp
sử dụng án tử hình, sau khi đã xét xử công minh, từ lâu đã được xem như một giải
pháp xứng hợp với tính trầm trọng của một số tội ác, và một phương thế bảo vệ
công ích có thể chấp nhận được, dù rất khắc nghiệt.
Tuy nhiên ngày nay,
chúng ta ngày càng ý thức rằng phẩm giá của con người không bị mất đi ngay cả
sau khi họ đã phạm những tội ác rất trầm trọng. Hơn nữa, một sự hiểu biết mới mẻ
về ý nghĩa của các án phạt hình sự được nhà nước áp dụng đã rõ nét hơn. Sau
cùng, những hệ thống cầm tù hữu hiệu hơn đã được phát triển, bảo đảm quyền an
ninh của công dân, nhưng đồng thời cũng không tước đi cách vĩnh viễn khả năng
hoán cải của phạm nhân.
Vì thế, trong ánh sáng
của Tin Mừng, Giáo hội dạy rằng “án tử hình là không thể chấp nhận vì án phạt
này là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”;[1]
Giáo hội quyết tâm hoạt động nhằm khuyến khích việc loại bỏ án tử hình trên khắp
thế giới.
Vatican, 01.8.2018, Lễ nhớ Thánh An-phong Li-gô-ri
Hồng y Luis F. Ladaria, S.J.
Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin
Bản dịch của UB Giáo Lý Đức Tin
Nguồn: press.vatican.va
[1] Phan-xi-cô, Diễn văn dành cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hóa tổ chức (11-10-2017): L’Osservatore Romano (13-10-2017), 5.
BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN
Thư gửi các giám mục về việc đổi mới số
2267
trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo
về án tử hình
1. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong Diễn văn Dịp Kỷ
Niệm 25 Năm Ngày Ban Hành Tông hiến Fidei
Depositum – với tông hiến này, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã công bố Sách Giáo Lý
Giáo Hội Công Giáo – đã yêu cầu trình bày lại giáo huấn về án tử
hình để phản ánh tốt hơn sự phát triển của đạo lý về vấn đề đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây.[1] Sự phát triển này tập trung chủ yếu vào việc Giáo hội ý thức
rõ ràng hơn về sự kính trọng phải có đối
với sự sống con người. Theo đường hướng này, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II
đã khẳng định: “Ngay cả kẻ sát nhân cũng
không mất đi nhân phẩm của mình, và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này”.[2]
2. Chính trong ánh sáng này, chúng ta hiểu ra
thái độ chống lại án tử hình được trình bày cách rộng rãi hơn bao giờ hết nơi
giáo huấn của các vị mục tử và trong cảm thức của dân Chúa. Thật vậy, nếu như tình hình xã hội và chính
trị trong quá khứ đã khiến cho án tử hình
trở thành cách thế có thể được chấp nhận để bảo
vệ công ích, thì ngày nay sự hiểu biết tăng dần về việc phẩm giá của một người không bị
mất đi ngay cả khi người đó đã phạm
những tội ác trầm trọng nhất, cũng như sự hiểu biết thấu đáo hơn về ý nghĩa của các án phạt hình sự do nhà nước áp đặt, cùng với sự phát triển các hệ thống cầm tù hữu hiệu hơn nhằm bảo đảm an ninh xứng hợp cho người
dân, đã tạo ra một ý thức mới mẻ nhìn nhận án tử hình là không thể chấp nhận, và vì thế yêu cầu loại bỏ án này.
3. Trong sự phát triển này, giáo
huấn trong Thông
điệp Evangelium vitae của Đức Giáo hoàng Gio-an
Phao-lô II có tầm quan trọng lớn lao. Giữa các dấu chỉ hy vọng cho một nền văn hóa mới về sự sống, Đức Thánh Cha đã chỉ ra “sự phản
kháng đang gia tăng của công luận đối với
án tử hình, ngay cả khi hình phạt như thế được
xem là phương thế ‘phòng vệ hợp
pháp’ của xã hội. Thật vậy, xã hội tân tiến có những phương thế chế
ngự tội ác cách hữu hiệu bằng cách làm cho các phạm nhân thành vô hại mà không phải tước đoạt cách vĩnh viễn cơ hội cải hóa của họ”.[3] Sau này, lời dạy trong Thông
điệp Evangelium vitae được
đưa vào trong ấn bản chuẩn (editio
typica) của Sách Giáo Lý
Giáo Hội Công Giáo. Trong
Sách Giáo Lý này, án tử hình không được trình bày như một hình phạt tương xứng với tính trầm trọng của tội ác, nhưng án phạt này có thể được biện minh nếu đó là “biện pháp khả thi
duy nhất để bảo vệ mạng sống con người cách hiệu quả, chống lại kẻ gây hấn”,
dù thật ra “những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải trừ khử phạm
nhân hiện nay là
rất hiếm, nếu không muốn nói là không còn trong thực tế” (số 2267).
4. Vào nhiều dịp khác, Đức Giáo
hoàng Gio-an Phao-lô II cũng đã can thiệp chống lại án tử hình, bằng
cách cậy dựa vào sự tôn trọng nhân phẩm lẫn những phương thế mà xã hội ngày nay
có được để tự vệ chống lại các tội phạm. Vì thế,
trong Sứ điệp Giáng Sinh 1998, ngài mong ước được thấy trên thế
giới “sự đồng lòng về nhu cầu cần có những biện pháp thích đáng và khẩn cấp… để
chấm dứt án tử hình”.[4] Tháng
sau đó tại Hoa kỳ, ngài nhắc lại, “một dấu chỉ hy vọng là có sự nhận biết tăng dần theo đó phẩm giá của sự sống con người không
bao giờ phải bị tước đi, ngay cả trong trường hợp một ai
đó đã phạm điều dữ trầm trọng. Xã hội tân
tiến có những phương thế tự vệ, mà không phải
tước đoạt cách vĩnh viễn cơ hội cải thiện của các phạm
nhân. Tôi lặp lại lời kêu
gọi đã được đưa ra gần đây vào dịp Giáng Sinh
nhằm tìm kiếm sự đồng tâm cùng nhau chấm dứt án tử hình, một hình phạt vừa tàn bạo lại không cần thiết”.[5]
5. Việc dấn thân nhằm xoá bỏ án tử hình đã được các vị
giáo hoàng sau đó tiếp tục. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI kêu gọi “các vị lãnh đạo
xã hội lưu tâm làm tất cả những gì có thể nhằm loại bỏ án tử hình”.[6] Sau đó ngài tỏ bày ước nguyện trước một nhóm tín hữu rằng “những
cuộc thảo luận của các con sẽ khích lệ các
sáng kiến về lập pháp và chính trị, đang được ngày càng nhiều các quốc gia cổ võ, nhằm loại bỏ án tử hình và
nhằm tiếp tục tạo đà tiến triển trọng yếu trong việc làm cho luật hình sự đồng
thời hòa hợp với phẩm giá các tù nhân
và việc duy trì trật tự công cộng cách hữu hiệu”.[7]
6. Trong cùng một viễn cảnh này, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã khẳng định
lại rằng “ngày nay án tử hình là không thể chấp nhận, dù tội ác của người bị kết
án có trầm trọng đến đâu”.[8] Dù
được thi hành bằng phương tiện nào đi nữa, án tử hình “dẫn đến việc đối xử tàn
ác, phi nhân, và hạ thấp nhân phẩm”.[9] Hơn
nữa, phải chống lại án tử hình “vì sự khiếm khuyết của hệ thống tư pháp tội phạm
được chọn và đối diện với khả năng sai lầm của toà án”.[10]
Chính trong ánh sáng này mà Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã yêu cầu sửa lại lối
trình bày của Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo về án tử
hình, bằng cách khẳng định rằng “dù tội ác đã phạm có trầm trọng đến đâu, án tử
hình là không thể chấp nhận, vì đó là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm
giá của con người”.[11]
7. Việc đổi mới số 2267 trong Sách
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo,
được Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô phê chuẩn, vừa được đặt trong sự tiếp nối với Huấn
quyền trước đó, vừa mang đến một sự tiến triển nhất quán của giáo lý Công giáo.[12] Theo
bước giáo huấn của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong Evangelium Vitae, bản văn mới xác quyết rằng việc kết liễu cuộc đời
của một phạm nhân như sự trừng phạt vì một tội ác là không thể chấp nhận, vì án
phạt này tấn công vào phẩm giá con người, một phẩm giá không bị mất đi ngay cả
sau khi ai đó đã phạm những tội ác trầm trọng nhất. Kết luận này có được nhờ việc
lưu tâm đến sự hiểu biết mới mẻ về những án phạt hình sự được Nhà Nước tân tiến
áp dụng; theo đó, những án phạt hình sự trên hết nhắm đến sự hoán cải và sự hội nhập vào xã hội của
phạm nhân. Cuối cùng, vì xã hội tân tiến sở hữu những hệ thống cầm tù hữu hiệu
hơn, án tử hình, xét như việc bảo vệ đời sống của những người vô tội, trở nên
không cần thiết. Chắc chắn, như Huấn quyền đã luôn dạy và Sách Giáo Lý Giáo Hội Công
Giáo đã khẳng định trong các số 2265 và 2266, công quyền vẫn luôn có
bổn phận phải bảo vệ sự sống của các công dân.
8. Tất cả những điều này cho thấy rằng lối trình bày mới của số 2267
trong Sách Giáo Lý diễn đạt sự tiến
triển chân chính của đạo lý, vốn không mâu thuẫn với những lời dạy trước đây của
Huấn quyền. Thực thế, những lời dạy này có thể được giải thích trong ánh sáng
trách nhiệm hàng đầu của công quyền là bảo vệ công ích, giữa bối cảnh xã hội
trong đó những án phạt hình sự đã được hiểu cách khác, và đã được thi hành trong
những điều kiện mà việc bảo đảm rằng phạm nhân không thể lặp lại tội ác của
mình còn khó khăn hơn [so với ngày nay].
9. Việc đổi mới này xác quyết rằng sự hiểu biết về tính không thể chấp
nhận của án tử hình tiến triển dần “trong ánh sáng của Tin Mừng”.[13]
Thực tế, Tin Mừng giúp hiểu hơn trật tự tạo thành mà Con Thiên Chúa đã đảm nhận,
thanh luyện và làm cho viên thành. Tin Mừng cũng mời gọi chúng ta hướng đến lòng
thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng ban cho mỗi người thời gian để
hoán cải bản thân.
Việc đổi mới số 2267 trong Sách
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo muốn
mang lại sinh lực cho phong trào hướng đến một cam kết dứt khoát ủng hộ một tâm
thức nhìn nhận phẩm giá sự sống của mọi người, và khuyến khích tạo ra những điều
kiện cho phép việc loại bỏ án tử hình nơi nào án phạt này vẫn còn hiệu lực,
trong tinh thần đối thoại kính trọng với công quyền.
Thư này đã được thông qua trong Khoá họp Thường kỳ của Bộ Giáo Lý
Đức Tin vào ngày 13 tháng 6 năm 2018, được Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô chuẩn y và
ban lệnh phát hành vào ngày 28 tháng 6 năm 2018, trong buổi triều yết dành cho
vị Thư ký của Bộ Giáo Lý Đức Tin với chữ ký dưới đây.
Rô-ma, từ Văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 01 tháng 8 năm 2018
Dịp lễ nhớ Thánh An-phong Li-gô-ri
Hồng y Luis F. Ladaria, S.J.
Tổng trưởng
+
Giacomo Morandi
Tổng
Giám mục Hiệu tòa Cerveteri
Thư ký
Bản dịch của UB Giáo Lý Đức Tin
Nguồn: press.vatican.va
[1] X. Phan-xi-cô,
Diễn văn dành cho các tham dự viên
cuộc gặp gỡ do Hội đồng Giáo
Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hóa tổ chức (11-10-2017):
L’Osservatore Romano (13-10-2017),
4.
[4]
Gio-an Phao-lô II, Sứ điệp Urbi et Orbi của Đức
Giáo hoàng Gio-an
Phao-lô II: Giáng
sinh 1998 (25-12-1998), s. 5: Insegnamenti
XXI, 2 (1998), 1348.
[5] Id., Bài Giảng tại Trans World Dome
of St. Louis (27-01-1999):
Insegnamenti XXII,1 (1999), 269; x. Bài giảng lễ tại Basilica of Nuestra Señora de Guadalupe in Mexico City (23-01-1999): “Phải chấm dứt việc nại đến án tử hình cách không cần thiết”: Insegnamenti XXII,1 (1999),
123.
[6] Bê-nê-đic-tô
XVI, Tông huấn Hậu Thượng Hội
Đồng
Africæ munus (19-11-2011),
s. 83: AAS 104 (2012), 276.
[8] Phan-xi-cô, Thư gởi
Chủ tịch Uỷ Ban Quốc Tế chống Án Tử Hình (20-3-2015): L'Osservatore Romano (20-21/3/2015), 7.
[11] Phan-xi-cô,
Diễn văn dành cho các
tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng
Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân
Phúc Âm Hóa tổ chức (11-10-2017): L’Osservatore Romano
(13-10-2017),
5.
[12] X. Vincent of Lérins, Commonitorium,
cap. 23: PL 50, 667-669. Về vấn đề án tử hình, khi nghiên cứu các khoản luật
của Thập Giới, Uỷ ban Giáo Hoàng về Thánh
Kinh đã nói về “sự tinh tế” thuộc những quan điểm luân lý của Giáo hội: “Theo
dòng lịch sử và sự phát triển văn minh, Giáo hội nhờ suy niệm Thánh kinh, cũng
đã làm cho tinh tế hơn quan điểm luân lý của mình về án tử hình và chiến tranh;
hiện nay quan điểm ấy ngày càng trở nên tuyệt đối. Cơ sở cho quan điểm dường
như triệt để này luôn là nền tảng nhân học, [nghĩa là] phẩm giá nền tảng của
nhân vị, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (Thánh kinh và luân lý: Nguồn gốc Thánh kinh của đạo đức Ki-tô giáo,
2008, số 98).