Phụng tự tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)

[2]



2. Những thích nghi có tính sâu rộng hơn

Về vấn đề thích nghi phụng vụ có tính cách sâu rộng hơn, thì Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có nhiều chỉ thị dè dặt hơn vì nhiều lý do. Ở đây, chúng ta thử đọc lại hai tài liệu của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong quá khứ về vấn đề này.

Trong một bản báo cáo cho Bộ Phụng tự về sinh hoạt phụng vụ sau buổi họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 05-12/01/1972, có đoạn viết về Một số cử chỉ phụng vụ như sau:

Giáo Hội không loại bỏ những gì là chân thật trong các tôn giáo địa phương, cả trong phạm vi phụng vụ. Theo nguyên tắc này và nhân danh HĐGMVN, Ủy ban Giám mục về Phụng vụ, trong thông cáo số 02/71, đề ngày 11-01-1971 [67], đã cho thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý để biết rộng rãi hết sức có thể ý kiến của các linh mục và giáo dân về việc thay thế các cử điệu hiện thời trong phụng vụ bằng những cử điệu khác, mà theo ý kiến và trong thực tế, có thể được coi là phù hợp hơn với các tập tục và thói quen Việt Nam, như cử điệu bái gối được thay thế bằng cử điệu cúi mình sâu, bỏ hôn bàn thờ và Sách lễ, và thế lại bằng cách xá, thay thế giang tay bằng cử điệu chắp tay, ... Trong toàn thể, thì phần đông các câu trả lời (4500 câu trả lời tất cả) không đồng ý việc thay đổi nhanh chóng… Theo một số các thành viên khác, còn phải suy nghĩ thêm nữa, trong lúc các tôn giáo địa phương khác đang bắt chước các cử điệu của chúng ta và trong khi đà tiến hóa của xứ sở đi về việc hiện đại hóa được thực hiện nhanh hơn là chúng ta ngờ được. Đàng khác, một cuộc tổng hợp giữa Tây và Đông còn là một điều đáng mong chờ tại Việt Nam; hơn nữa, có chắc là các cử chỉ ngày nay được coi là thích hợp với phong tục và thói quen Việt Nam có thể diễn tả thích hợp đức tin Kitô giáo của chúng ta cách đặc biệt không? Sau cuộc thảo luận, Đại Hội đã quyết định không thay đổi gì trong lúc này về những cử điệu đang dùng và tiếp tục theo đuổi cuộc nghiên cứu tìm tòi phát khởi từ nhiều năm nay, với lưu ý một đàng về ý nghĩa sâu xa của các nghi thức phụng vụ của chúng ta, và đàng khác về ý nghĩa và giá trị tôn giáo của các cử chỉ và tập tục của xứ sở”. [68]

Ngày 19-10-1992, trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục đã viết về vấn đề Hội nhập văn hóa trong phạm vi phụng vụ, trong mục số 9, với tựa đề Xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin có bản sắc dân tộc hơn:

Ngay từ đầu, cha ông chúng ta đã biết vận dụng những cái hay trong kho tàng văn hóa dân tộc để diễn tả đức tin, diễn tả tương quan của mình với Thiên Chúa: từ âm nhạc, kiến trúc, lễ nghi đến cách tổ chức gia đình, làng xóm xứ đạo. Ngày nay, giao lưu giữa các dân tộc đang làm cho các nền văn hóa ngày càng xích gần nhau và dễ dàng tiếp nhận nhau.

Đi tìm sắc thái văn hóa dân tộc không có nghĩa đơn thuần lấy lại những cái cổ xưa, nhưng làm sao cho tính cách dân tộc được diễn tả trong lời kinh tiếng hát, trong cử hành phụng vụ, trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong suy tư và ngôn ngữ thần học. Công việc này cũng phải được thực hiện trong các dân tộc ít người nữa, sao cho các dân tộc đều giữa được bản sắc của mình trong Hội Thánh.

Đây là một việc lớn, cần sự đóng góp của nhiều lãnh vực chuyên môn và phải theo sự chỉ đạo chung để tránh những tùy tiện”.

Trong những năm gần đây đã có những cuộc tọa đàm về vấn đề thờ kính tổ tiên; cuộc tọa đàm về một số vấn đề văn hóa công giáo Việt Nam; những bài viết về hội nhập văn hóa trong việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam. Chúng ta mong rằng những cuộc bàn luận này sẽ giúp ích nhiều cho vấn đề hội nhập văn hóa trong phụng vụ.

Ngoài ra Hội đồng Giám mục cũng cần xác định một số điểm mà Giáo luật đã dành cho các Hội đồng Giám mục xác định rõ hơn cho vùng của mình, như khoản luật 851 & 2 về định chế liên hệ đến việc cử hành bí tích rửa tội; khoản 891 về tuổi lãnh nhận bí tích thêm sức…

3. Những thí nghiệm về nghi thức cử hành Thánh lễ

Vào thời kỳ sau Công đồng Vaticanô II, tại Việt Nam đã có những thí nghiệm để thích nghi các buổi cử hành Thánh lễ theo sắc thái Việt Nam, như ở dòng Biển Đức Thiên An ở Huế, hoặc tại Trung Tâm Đắc Lộ Sài Gòn, buổi cử hành Thánh lễ theo sắc thái dân tộc tại nhà thờ Tân Chí Linh Sài Gòn vào ngày 08-09-1974 [69]. Buổi cử hành thí nghiệm này đã gây nhiều hào hứng, cũng như các phản ứng thuận lợi, không thuận lợi thời đó [70].

4. Lịch phụng vụ và những thích nghi riêng cho Việt Nam

– Năm 1969, Tòa Thánh đã chuẩn ý một số cử hành riêng như sau:

Lễ trọng kính thánh Phanxicô Xaviê, Quan thầy các xứ truyền giáo được mừng vào ngày Chúa nhật liền trước lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ, vì Chúa nhật thứ nhất trong tháng 12 luôn là Mùa Vọng.

Đồng thời cũng cho phép Lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm được cử hành vào Chúa nhật thứ II Mùa Vọng, vì ngày 8 tháng 12 luôn là ngày làm việc [71].

– Ngày 03-06-1988, cho phép đưa lễ thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục và các bạn tử đạo, vào lịch riêng Việt Nam và được mừng với bậc lễ nhớ bắt buộc [72].

– Năm 1990, theo đơn xin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép đem vào lịch chung của Giáo Hội lễ thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các bạn tử đạo, mừng vào ngày 24 tháng 11, với bậc lễ nhớ [73].

Về lịch phụng vụ riêng cho Việt Nam, được Tòa Thánh chuẩn y, thì chưa có, tuy nhiên đã có những quyết định của Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm 1992, về việc cử hành một số lễ như sau:

01-10: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ và tiến sĩ Hội thánh, lễ kính

07-10: Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Lễ kính

24-11: Thánh Anrê Dũng Lạc, và các bạn tử đạo, Lễ kính

03-12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục, Lễ kính

Các ngày cầu mùa (De rogationibus) được chỉ định như sau:

Ngày cầu cho Tổ quốc.

Mồng một Tết Nguyên Đán: cầu bình an cho Năm Mới.

Mồng hai Tết Nguyên Đán: cầu cho Tổ Tiên.

Mồng ba Tết Nguyên Đán: cầu cho công việc làm ăn.

Tết Thiếu nhi.

Các ngày sám hối: thứ sáu trong năm và mùa chay (Giáo luật 1250).

Thứ tư Lễ Tro: Vì theo chu kỳ hai hoặc ba năm thứ tư Lễ Tro thường trùng với các ngày Tết nguyên đán tại Việt Nam, nên Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xin Toà Thánh để có thể dịch nghi lễ làm phép Tro và xức Tro, cũng như ngày ăn chay vào thứ sáu, hoặc thứ bảy sau Lễ Tro. Ngày 26-11-1998, Bộ Phụng tự đã đồng ý cho Hội đồng Giám mục Việt Nam được cử hành lễ làm phép và xức Tro vào thứ sáu, hoặc thứ bảy sau Lễ tro, cũng như việc ăn chay kiêng thịt vào hai ngày trên [74].

5. Lịch riêng các Giáo phận

Lịch riêng của Giáo phận Vinh và đây là Giáo phận duy nhất tại Việt Nam đã có lịch riêng cho giáo phận được Toà Thánh chuẩn y. Ngày 01-08-1980 [75], Toà Thánh chuẩn y lịch riêng cho Giáo phận Vinh, gồm các lễ sau đây:

18-2: Thánh Phêrô Khanh, linh mục tử đạo, lễ nhớ,

3-3: Cung hiến nhà thờ chánh toà Vinh, tại nhà thờ chánh toà, lễ trọng; tại các nhà thờ khác trong Giáo phận, lễ kính;

15-8: Đức Mẹ hồn và xác lên trời, Quan thầy Giáo phận, lễ trọng;

24-11: Thánh Phêrô Borie, giám mục tử đạo, Thánh Vinh Sơn Điểm và Phêrô Khoa, linh mục tử đạo, lễ nhớ.

Như các yếu tố vừa được ghi lại trên đây, vấn đề lịch chung cho toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam cần được xét lại và soạn một lịch mới. Vì có những lịch được soạn ra trước khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Tự sắc về Các nguyên tắc tổng quát về Năm phụng vụ và lịch chung Rôma, cũng như Huấn dụ về Lịch riêng ban hành năm 1972.

6. Lễ Thánh Quan Thầy

Ngày 14-12-1990, theo đơn xin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Toà Thánh đã chấp nhận việc chọn thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các Bạn tử đạo, làm quan thầy toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam [76].

7. Các phép đặc biệt

Ngày 11-8-1994, theo đơn xin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Toà Thánh đã cho phép được cho rước lễ trên tay [77].

Theo đơn xin của Cáo thỉnh viên vụ Phong thánh cho các Chân phước Tử đạo Việt Nam, Toà Thánh đã cho phép Giáo Hội tại Việt Nam và các cộng đồng công giáo Việt Nam hải ngoại được mừng kính các thánh mới trong vòng một năm kể từ ngày phong thánh [78].

Theo đơn xin của Cáo thỉnh viên vụ Phong Chân Phước cho vị Tôi tớ Chúa Anrê Phú Yên, tử đạo, Toà thánh đã cho phép Giáo phận Đà Nẵng, các cộng đoàn công giáo Việt Nam trong nước và hải ngoại được mừng kính Chân phước mới trong vòng một năm kể từ ngày phong Chân Phước [79].

VI. HUẤN LUYỆN PHỤNG VỤ

Việc huấn luyện phụng vụ là điểm Hiến chế về Phụng vụ nói tới và nhấn mạnh nhiều (x. PV,15-19). Tại Việt Nam ý thức về sự cần thiết của việc huấn luyện này cũng được nêu ra rõ ràng [80]. Môn phụng vụ đã được giảng dạy tại các chủng viện và dòng tu. Tuy nhiên số giáo sư chuyên môn chưa có nhiều, và ít người được gởi đi học chuyên môn về phụng vụ tại các Học viện chuyên về phụng vụ, nhất là từ năm 1975 đến 1994. Việt Nam chưa có các trung tâm cấp quốc gia hay miền dành riêng để huấn luyện phụng vụ. Các khóa bồi dưỡng về phụng vụ cũng ít được tổ chức. Hiện tại, một số Giáo phận tổ chức các khóa huấn luyện cho các thành phần dân Chúa; phụng vụ luôn được kể là một môn học trong chương trình huấn luyện.

Báo chuyên về phụng vụ không có. Báo Phụng Vụ phát hành số 1, tháng 12 năm 1970, xuất bản 2 tháng một lần. Cho tới tháng 10 năm 1971, đã cho xuất bản được 6 số và con số độc giả là 3000. Từ năm 1975 báo này không còn xuất bản nữa. Báo Linh mục Nguyệt san (Sacerdos), báo Nhà Chúa cũng không còn.

VII. ỦY BAN PHỤNG TỰ

Ngày 24-1-1968, Ủy ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã được chính thức thành lập. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh và chính trị, Ủy ban đã không thể làm được gì nhiều ở cấp quốc gia. Ủy ban này hoạt động tích cực cho việc dịch thuật các Sách phụng vụ sang tiếng Việt, giúp Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam và các Giám mục trong các vấn đề phụng vụ. Ủy ban cũng cho xuất bản một nguyệt san mang tên Phụng Vụ. Ủy ban này tiếp tục hoạt động trong suốt thời gian từ năm 1975 tới nay, với các vị Chủ tịch Ủy ban: Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên, Giám mục Phú Cường; Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, Giám mục Phó Long Xuyên; Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Đà Lạt; Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Giám mục Cần Thơ; Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh; Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Phú Cường. Trong cuộc họp đại Hội thường niên tháng 10-2000, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chấp thuận Bản quy chế của Ủy ban này. Hiện nay, Ủy ban dành đa số thời gian cho việc dịch thuật các sách phụng vụ.

Khoảng hơn mười năm gần đây, mỗi Giáo phận có ủy ban phụng tự, hoặc ít nữa là có một linh mục đặc trách về lãnh vực này.

VIII. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

Ngay từ sau khi ban hành Hiến chế Phụng vụ, Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam đã có những sáng kiến để thực hiện việc canh tân phụng vụ tại Việt Nam theo như chỉ thị của Công đồng Vaticanô II và các văn kiện của Tòa Thánh được công bố sau đó.

Các bản dịch Tiếng Việt được ghi lại trên đây là một minh chứng cho hoạt động tích cực của Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam và từ 1980 của Hội đồng Giám mục của tất cả Việt Nam trong lãnh vực phụng vụ, trong việc canh tân phụng vụ theo Công đồng Vaticanô II.

Ngoài ra còn có các thư nói về việc canh tân phụng vụ đã được công bố, thư ngày 01-08-1964, ngày 01-04-1965, ngày 27-09-1965, và thư chung ngày 19-10-1992. Một số bản tường trình hằng năm cho Tòa Thánh về việc thực thi công cuộc canh tân phụng vụ cũng là những hoạt động tích cực của Hội đồng Giám mục Việt Nam: bản báo cáo cho Bộ Phụng tự về sinh hoạt phụng vụ sau cuộc họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 05-12/01/1972 [81]. Chúng ta đọc lại hai bản tường trình của Hội đồng Giám mục gởi sang Tòa Thánh [82]. Các bản tường trình này cho thấy các điểm chính sau đây:

– Xác định các phần phụng vụ được dùng tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa, một số tiếng của các Dân tộc thiểu số;

– việc đồng tế được áp dụng ngay;

– thiết lập Ủy ban Giám mục về Phụng vụ;

– sự hứng khởi của tín hữu Việt Nam tiếp nhận việc canh tân phụng vụ, tham gia với sự tích cực và ý thức; các linh mục mau mắn thi hành các chỉ thị có liên hệ đến việc này.

– Các điểm tiêu cực được ghi nhận như sau: chưa áp dụng đồng đều các chỉ thị về việc canh tân phụng vụ, từ đó giáo hữu có hoang mang và bị lạc lõng;

– tín hữu chưa hiểu rõ các ý nghĩa thay đổi trong phụng vụ;

– trong một số cộng đoàn dòng tu, các bản văn phụng vụ chính thức do Hội đồng Giám mục chấp thuận và được Tòa Thánh chuẩn y đã không được sử dụng, đôi khi còn tự ý thay đổi.

IX. KẾT LUẬN

Nhìn lại 50 năm sinh hoạt phụng vụ tại Việt Nam, hay áp dụng công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, chúng ta nhận thấy một số điểm sau đây:

– Việt Nam đã rất hứng khởi tiếp nhận công cuộc canh tân này.

– Hội đồng Giám mục đã cố gắng đáp ứng cho công cuộc canh tân này qua việc dịch thuật, cổ võ cử hành phụng vụ xứng đang với việc tham gia tích cực và ý thức.

– Về dịch thuật, chắc chắn phải dịch các phần, các sách phụng vụ còn thiếu. Cũng còn cần hoàn thiện các bản dịch với các từ thần học phụng vụ dần dần được xác định, hợp với nhu cầu phụng vụ.

– Các sách phụng vụ thường có những khoản thích nghi dành cho Hội đồng Giám mục. Những khoản này cần được nghiên cứu cùng với việc hội nhập văn hóa.

– Việc huấn luyện phụng vụ cần được lưu tâm nhiều hơn.

– Giúp dân chúng hiểu được mối liên hệ giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân.

Phụng vụ là “tột đỉnh và nguồn suối ơn thánh” như Công đồng Vaticanô II nói (x. PV 10); hoặc như nước giếng trong lành mà mọi người tới kín múc để được sống (kiểu nói đơn sơ của Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23). Giáo Hội tại Việt Nam đã cố gắng làm cho việc cử hành phụng vụ đạt tới chóp đỉnh này và trở nên nguồn ơn cho các tín hữu. Các nỗ lực đóng góp của mọi người thật cần thiết để cổ võ một nền phụng vụ thánh và tôn thờ xứng đáng dâng lên Thiên Chúa, cũng như đem lại ơn cứu độ cho mọi người.

–––––––––––––––––––––––––––

[67] GM. GIUSE PHẠM VĂN THIÊN, «Thông cáo số 02/71 của Ủy ban Giám mục về Phụng vụ», trong Phụng Vụ 2 (1971), 30-32. Những vấn đề này đã được đưa ra thảo luận trong phiên họp Ủy ban Phụng vụ và Truyền thông Xã hội cấp toàn quốc ngày 5-4-1971, tại Trung tâm Công giáo Việt Nam: x. Phụng Vụ 3 (1971) 38-42.

[68] X. Notitiae 9 (1973) 73.

[69] GM. PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH, «Ban phép cho thí nghiệm một lần Thánh lễ và Thánh ca độc đáo Việt Nam tại Nhà thờ Tân Chí Linh», trong Phụng Vụ 24 (1974) 8-9.

[70] NGƯỜI DỰ LỄ, «Nhận định về cuộc trình diễn Thánh lễ và Thánh ca độc đáo Việt Nam tại Tân Chí Linh», trong Phụng Vụ 24 (1974) 39-45.

[71] Sắc lệnh số Prot. 1353/69, ngày 16-10-1069, x. Notitiae 6 (1970) 61.

[72] Sắc lệnh số Prot. CD 630/88, x. Notitiae 24 (1988) 475.

[73] X. Notitiae 25 (1989).

[74] Sắc lệnh số Prot. 2407/98L, x. Notitiae 35 (2000) 32.

[75] Sắc lệnh số Prot. CD 1421/80.

[76] Sắc lệnh số Prot. CD 878/90, x. Notitiae 26 (1990) 710.

[77] Sắc lệnh số Prot. CD 1574/94/L, x. Notitiae 30 (1994) 543.

[78] Sắc lệnh số Prot. CD 215/88, 27-01-1988, x. Notitiae 24 (1988) 209.

[79] Sắc lệnh số Prot. CD 251/88, 27-01-1988, x. Notitiae 24 (1988) 209.

[80] X. Báo cáo gởi Tòa Thánh, năm 1965, x. Notitiae 1 (1965) 299-300.

[81] X. Notitiae 9 (1972) 73.

[82] X. Notitiae 3 (1965) 299-300 và Notitiae 4 (1966) 265-266.

.. 15