PHỤC SINH NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY

Lm. Giuse Đỗ Duy Châu
Dòng Đức Mẹ Người Nghèo (FVP)

WHĐ (13.4.2020) - Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày thực tế của một nhóm nhỏ nghiện ma túy mà chúng tôi gọi là “Gia đình Phục Sinh”. Nhóm đã được hình thành cách đây 17 năm, từ khóa cai nghiện đầu tiên mà Giáo sư Trần Duy Nhiên gọi là khóa “cai nghiện liều mạng”. Cha An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn, Sr Hồng Quế, Sr Hồng Hà - Dòng Đa Minh Tam Hiệp- ; một số Bác sĩ Đông y và Tây y thực hiện tại Nhà Dòng của chúng tôi trong 7 ngày: Cai nghiện bằng phương pháp tâm linh. 17 năm qua, rất nhiều em đã đến với chúng tôi và đã hồi gia... để lại trong tâm tư của chúng tôi biết bao suy nghĩ về những mảnh đời đau khổ, bất hạnh và thấp thoáng sau các em là các gia đình đã chịu nhiều đau thương, mất mát vì có con em lệ thuộc vào ma túy, vào thế lực của Bóng tối - Sa tan. Những người con hoang đàng của Chúa đang rất cần được yêu thương, thứ tha, nâng đỡ để trở về sống hạnh phúc làm con cái Cha trên trời. Hành trình trở về này rất nhiều cam go, thử thách.

BIỆN PHÁP

Cần thay đổi cách nhìn và quan điểm điều trị

1. Tôn trọng và yêu mến người nghiện coi họ là bệnh nhân hơn là tội nhân, là tệ nạn xã hội, cần phải xa lánh, lên án, loại trừ...

2. Nhìn anh chị em là hình ảnh của Thiên Chúa để chăm sóc và phục vụ. Họ là những người con hoang đàng, được Thiên Chúa yêu thương và Ngài mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài trong việc chữa lành những con chiên lạc, bệnh tật, đau khổ. Chẳng những phải đón “người nghèo mới” này vào nhà mình, mà còn phải đón họ vào lòng mình nữa, phải phục vụ thật tế nhị, vì người càng nghèo thì càng dễ bị tổn thương. Và ai cũng biết, người nghiện là người rất nghèo, nghèo tiền bạc, sức khỏe nhưng nhất là: nghèo nhân cách, nghèo ơn Chúa và khiếm khuyết tâm linh.

3. Cần một sức mạnh thiêng liêng từ Thượng Đế và niềm xác tín mãnh liệt vào quyền năng chữa lành của Đấng Tối Cao, quyền lực trên ma quỷ mới có thể chữa lành bệnh nhân.

4. Cần người đồng hành nâng đỡ. Phải hết sức kiên trì, nhẫn nại với anh em. Dùng tình thương giúp đỡ, động viên nhưng đồng thời cũng hết sức cảnh giác và kiên quyết trước những hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến cả Nhóm.

5. Cần một giải pháp đồng bộ, toàn diện: Kết hợp Lao động - cầu nguyện, giáo dục giá trị - kỹ năng sống, rèn thể chất và các hoạt động bổ trợ. Ngoài việc sử dụng thuốc, người cai nghiện còn phải được giúp gọt giũa, điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách, giải quyết những chấn thương tâm lý, mâu thuẫn nội tâm.

6. Tạo bầu khí gia đình trong Nhóm để họ được sống ấm áp trong tình thương bao dung, hiệp thông, nâng đỡ...

7. Kết hợp với gia đình: ngăn chặn không để bệnh nhân giữ tiền, điện thoại di động, thẻ ATM, Sim điện thoại. hạn chế dần đến bỏ hẳn thuốc lá.

8. Kiểm tra - test theo định kì: Mỗi tuần một lần hoặc đột xuất nếu có hiện tượng nghi vấn.

I. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:

A. Tư vấn ban đầu:

1. Lập phiếu cá nhân - Phân loại - lưu trữ theo dõi.

- Hoàn cảnh gia đình, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

- Trình độ học vấn, những khó khăn.

- Nguyên nhân sử dụng, loại ma túy sử dụng, liều lượng.

2. Hướng dẫn người nghiện: nếu tiếp tục sử dụng ma túy sẽ đi đến bế tắc, đến những hành vi tiêu cực, bất hợp pháp => Khuyên: Hãy quyết tâm từ bỏ. Yếu tố tự nguyện của bản thân rất quan trọng. Nếu người nghiện bị bắt buộc, họ sẽ tìm cách sử dụng lại, hoặc trốn về, ảnh hưởng tâm lí đối với những người ở lại.

3. Thời gian ở tối thiểu 1 năm: để phục hồi hệ thống não bộ, gọt giũa, điều chỉnh lại nhận thức, hành vi, nhân cách, giải quyết các chấn thương tâm lý, mâu thuẫn nội tâm, trang bị bản lĩnh, và kỹ năng sống; phát hiện các yếu tố nguy cơ và các yếu tố bảo vệ để biết cách vươn lên, xa lánh môi trường xấu, phát huy lợi thế hoàn cảnh bản thân.

4. Đồng thuận sự hỗ trợ của gia đình: Đề nghị gia đình tiếp tục cầu nguyện cho người nghiện. Gia đình nên lên thăm anh em thường xuyên, để họ vẫn duy trì được tình cảm với gia đình.

5. Anh em tự nguyện chấp nhận quy trình, quy định. Bất cứ ai tìm đến và đồng ý với những quy định, chương trình đặt ra đều được tiếp nhận, không phân biệt tôn giáo.

Công tác tư tưởng để người nghiện và gia đình đồng ý theo chương trình đến cùng là một trong những khâu quan trọng nhất. Đó là bước chuẩn bị tinh thần cho người nghiện và có sự chú ý riêng đối với từng người, từng hoàn cảnh cụ thể để điều trị thích hợp. Cai nghiện được gọi là thành công không chỉ nhằm vào mục tiêu người nghiện không tái sử dụng ma túy mà còn đòi hỏi đối tượng phải có một lối sống điều độ, tự quản lý bản thân một cách tốt đẹp và thực hiện thành công sự thay đổi về nhận thức.

B. Cắt cơn 10 ngày:

Giai đoạn cắt cơn 10 ngày để loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể. Về môi trường: phải thật yên tĩnh, càng yên tĩnh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Làm mọi cách đừng để những nguyên nhân bên ngoài quấy nhiễu trong quá trình điều trị. Chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ, trong một hẻm sâu, yên tĩnh... giúp anh em cắt cơn.

1. Giảm đau - an thần: Sử dụng các loại thuốc giảm đau. Giúp anh em ngủ được trong thời gian này để phục hồi sức khỏe. Chỉ nên hỗ trợ thuốc trong vài ngày đầu:

- Với Heroin: Dùng Subutex, Seduxen, Catapressan, Buprenorphine, Diazepam Naltrexon

- Với các loại: ma túy đá, loạn thần: Tramadol, Bổ não, Acetaminophen, Ibuprofen.

2. Bồi dưỡng thể lí - đồng hành: Người bệnh sẽ ăn rất ít trong thời gian này. Chúng tôi cố gắng thuyết phục họ nên ăn hay uống gì đó để có sức. Xuất hiện tình trạng mệt mỏi - cần xoa bóp toàn thân, lấy khăn nhúng nước bình thường để lau khắp cơ thể. Việc làm này giúp giảm nhiệt và làm nhẹ phần nào những bứt rứt, đau đớn.

Sẽ có tình trạng tiêu chảy: cần chuẩn bị một số thuốc điều trị tiêu chảy, cho bệnh nhân uống thật nhiều nước và trong các đồ ăn thức uống nên cho một ít muối để giúp họ giữ nước. Hỗ trợ thêm việc truyền nước biển (truyền muối và đường).

3. Nhóm cầu nguyện cho anh chị em. Trong những lúc này bên cạnh bệnh nhân cần có anh em cầu nguyện, an ủi, sẽ giúp bệnh nhân an tâm hơn. Những anh em cùng cảnh ngộ sẽ có những lời động viên hữu hiệu và thiết thực đối với họ. Sau vài ngày, tình trạng sức khỏe sẽ phục hồi, nhưng cảm giác thèm nhớ ma túy vẫn còn rất mạnh.

C. Điều trị sau cắt cơn:

Sau giai đoạn cắt cơn, anh em sẽ được chuyển qua Nhà sinh hoạt, rộng hơn, sức chứa từ 10-15 anh em. Anh em sống với nhau như trong một gia đình, phân chia công việc, tự dọn dẹp, vệ sinh, nấu nướng...

1. Củng cố, nâng cao phẩm chất đời sống tâm linh:

- Mỗi ngày sẽ có 3 giờ kinh vào sáng, trưa, tối để mọi người cầu nguyện cùng Chúa, dâng lời kinh lên với Mẹ Maria để các Ngài phù trợ, nâng đỡ, chở che.

- Giúp anh em biết cầu nguyện. Đọc - suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

- Các giờ Kinh lễ, chia sẻ Lời Chúa, lần chuỗi Mân côi, giờ Chúa Thương Xót và cầu nguyện giúp các thành viên yêu mến, gắn bó với Chúa; nhận được sức mạnh của Chúa trong cuộc chiến đấu với những cám dỗ, mưu mô xảo quyệt của Satan, đặc biệt nếu họ có một quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, họ sẽ được Ngài trợ lực để chiến thắng đam mê của mình. Tập trung nhìn ngắm gương Đức Giêsu: với sức mạnh tinh thần, chống lại các cám dỗ trong hoang địa để từ đó anh em đặc biệt nỗ lực chiến đấu với ý riêng, để vâng theo ý Chúa Cha. Suy niệm về lòng thương xót của Chúa Cha, các nhân đức đối thần và nhân đức luân lý.

- Xét mình, kiểm điểm lương tâm: để suy xét về những lỗi lầm trong quá khứ để anh em thật sự nhận thấy những tai hại mà họ đã gây ra cho gia đình, hàng xóm và xã hội. Họ cần được giúp đỡ để có một ý thức sâu xa về lầm lỗi của mình. Nhưng quan trọng nhất, đó là họ ý thức đã xúc phạm đến Thiên Chúa là Cha Yêu Thương. Kết thúc xét mình, kiểm điểm lương tâm bằng việc viết ra trên giấy những cam kết. Ý thức này trở thành một thực tế ý nghĩa, khi họ cảm thấy hối lỗi, muốn đón nhận Bí tích Hoà giải và cam kết đổi mới.

2. Lao động hoàn thiện bản thân:

- Kết hợp với các cơ sở sản xuất để kiếm việc lao động, giúp anh em rèn nghị lực, ý chí và tinh thần tự lực cánh sinh.

- Dùng lao động là một phương pháp trị liệu. Đã kiếm cho anh em những công việc như: cạo vỏ điều, thêu tranh chữ thập, làm chuỗi Mân Côi, may mặc, đan ghế mây xuất khẩu, cơ khí... Công việc giúp anh em biết quý trọng đồng tiền, biết tiếc cho những tháng ngày hoang phí trước đây. Điểm mấu chốt của việc giúp cai nghiện thành công là giúp bản thân người nghiện tự tin hòa nhập cộng đồng bằng khả năng của mình. Tùy theo sức khỏe mà có người làm 4->8 tiếng/ngày. Số tiền kiếm được sẽ được gởi hết về cho gia đình giữ giùm, không ai được giữ tiền riêng cho đến khi kết thúc chương trình. Hoặc gửi vào thẻ tiết kiệm chứ không để anh em giữ, vì có tiền trong tay anh em sẽ dễ dàng phạm tội, khi cần gì thì có các thầy trong Dòng đi mua. Anh em cũng có thể dùng tiền kiếm được để trả những khoản nợ trước đây.

3. Tập thiền, Yoga, tập võ, hoạt động thể thao... rèn luyện thể chất

Tập thể dục, thể thao, yoga, thiền định giúp tăng cường sức đề kháng.

- Cộng tác với các Bác sĩ trong việc cung cấp thuốc điều trị cho anh em.

- Tổ chức học võ, đá banh, luyện đàn... để mọi người rèn luyện sức khỏe cũng như giải trí, thư giãn và học cách cân bằng cảm xúc.

4. Sinh hoạt giao lưu, công tác xã hội, hành hương, du lịch. hội nhập cộng đồng

- Học thêm văn hóa

Nhiều em đang là học sinh học hành lỡ dở, khi vào gia đình Phục Sinh lại được tiếp tục đi học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Thăm người già neo đơn, Người khuyết tật, Trung tâm mồ côi... đưa anh em đi thăm những nơi neo đơn, tàn tật để giúp họ biết nhìn xuống thấy nhiều người còn bất hạnh hơn mình; thấy nhiều người còn quá khổ, nhưng họ vẫn sống lạc quan. Từ đó, giúp anh em suy nghĩ: không lẽ gì bản thân mình lại bi quan, chán nản; mời gọi anh em có trách nhiệm hơn đối với tha nhân và cộng đồng. Khuyến khích các anh em không nhiễm HIV hiến máu, gây ý thức biết chia sẻ sự sống Chúa ban để có thể cứu sống một ai đó bị tai nạn bằng túi máu của mình. Cảm nhận được niềm vui của sự cho đi, hi sinh.

- Trang bị thêm những giá trị, kỹ năng sống: giúp mọi người biết kiềm chế cơn nóng giận, tránh xa cám dỗ...

- Nhóm cũng thường xuyên có những chuyến hành hương, dã ngoại. Để củng cố thêm niềm tin vào Thiên Chúa, thắt chặt tình thân, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho từng thành viên, làm cho cuộc sống thêm phong phú và giàu ý nghĩa.


5. Đồng hành, sinh hoạt chia sẻ, góp ý hằng tuần. Người Phụ trách gặp gỡ chung Nhóm Phục Sinh hằng tuần để động viên, nhắc nhở, nâng đỡ. Nhấn mạnh với anh em: Trong quá khứ chỉ vì sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, đó là một trong nhưng nguyên nhân quan trọng dẫn bản thân đi vào con đường nghiện hút. Giờ đây, nếu anh em có một tương quan tốt với tha nhân, giúp sống tình bạn tốt thực sự, khác hẳn với tình bạn giả dối giữa những con nghiện; thấy rõ tình huynh đệ thiêng liêng giữa con cái Thiên Chúa thì sự đòi hỏi dùng thuốc sẽ giảm bớt. Nếu anh em khám phá lại tình yêu thương như sông biển của cha mẹ, hiểu những đau khổ mà cha mẹ và gia đình đã gánh chịu vì chúng ta, anh em sẽ biết làm gì cho cha mẹ được vui lòng. Chúng tôi cùng với các anh em đã và đang vướng vào ma túy cùng liên kết với nhau trong tình yêu và sự nâng đỡ sâu xa trong nội tâm để từ đó giữa ta và những người được ta giúp đỡ sẽ cảm thấy năng lực siêu nhiên luôn tồn tại và đó sẽ là cơ hội để giúp họ vượt qua ma túy. Nhắc anh em không chửi thề, biết tha thứ, đón nhận nhau, hòa giải với nhau, không dùng sức mạnh cơ bắp, biết chu toàn trách nhiệm mỗi ngày...

Sống có trách nhiệm trong Nhóm gia đình Phục Sinh.

- Phòng ăn, giường ngủ cá nhân, tất cả đều cần trật tự và sách sẽ, góp phần phục hồi nhân cách. Hằng ngày, các thành viên trong nhà chia nhau dọn dẹp, nấu ăn, giặt giũ... Họ sống như một gia đình, có trách nhiệm, quan tâm, liên đới với nhau. Đây là mô hình không những giúp chữa lành những vết thương tâm hồn, dễ hòa nhập hơn, mà còn tạo kinh nghiệm cho người cai nghiện trở thành người hướng dẫn hiệu quả cho những thành viên mới. Ngoài ra, khi quay về cuộc sống bình thường, chính họ lại đem những kinh nghiệm và tình thương để giúp những người lỡ vướng mắc thoát khỏi ma túy.

6. Kiểm tra việc sử dụng ma túy định kì

Luôn nhắc nhở phụ huynh khi lên thăm không cho các em tiền, vì có tiền sẽ cám dỗ anh em tìm cách mua ma túy. Kiên quyết với những hiện tượng lén mang ma túy vào sử dụng. Sẽ loại ra khỏi Nhóm những em đã nhắc nhở còn vi phạm, tiến hành kiểm tra định kì hàng tuần và kiểm tra kỹ mỗi lần các em đi phép về thăm nhà sau đó trở lại nhà Phục Sinh. Kiểm tra đột xuất khi có nghi vấn.

7. Cách điều hành: Có 1 Linh mục phụ trách và có thầy phụ tá theo sát các em. Bên cạnh đó, có các bác sĩ hỗ trợ về mặt y tế, thuốc men; các linh mục, nữ tu giúp thêm phần tâm linh; các cộng sự viên khác giúp các mảng: Giáo dục kỹ năng sống, dạy võ, dạy đàn, tìm công việc lao động cho các em_ Mọi người đều cộng tác trên tinh thần tự nguyện, yêu thương, vô vị lợi.

II. MÔ HÌNH CAI NGHIỆN:

III. HIỆU QUẢ:

Nhìn lại 17 năm qua, chúng tôi vui vì đã đem nhiều người con hoang đàng về với Chúa, giúp họ biết cầu nguyện và nhận thức rõ kẻ thù chính là Satan và nguy cơ tái nghiện là môi trường xã hội không lành mạnh. Một số anh em lương dân tin vào Đức Ki-tô, đón nhận phép rửa và trở thành người Ki-tô hữu. Nhiều đôi thanh niên nam nữ nghiện đón nhận bí tích hôn phối trở thành những gia đình hạnh phúc. Và con cái của họ được chúng tôi rửa tội cho. Có người nghiện đã được Chúa kêu gọi dâng mình cho Chúa trong đời sống thánh hiến. Nhiều em cai nghiện trở về cộng đồng trở thành tình nguyện viên đã tác động tích cực đến bạn bè giúp họ từ bỏ con đường ma túy.

Có dịp trò chuyện cùng những bà mẹ có con cai nghiện trở về mới thấy hạnh phúc giờ đây đang ngày một chiếm chỗ cho những khổ đau ngày trước, những đêm mất ngủ canh cánh nỗi lo cho con nay được đổi thành những nụ cười mãn nguyện. Vì với họ, đứa con tưởng đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

Có người hỏi tôi tỉ lệ cai nghiện thành công là bao nhiêu? Cha có chắc chắn các em sau một năm ở với cha sẽ bỏ hẳn ma túy không? Tôi trả lời là: “tôi không biết”. Bởi vì còn lệ thuộc nhiều yếu tố: sự tự do triệt để theo Chúa của anh em và các hoàn cảnh khách quan bên ngoài. Nhưng tôi tin, trong thời điểm hiện nay, cai nghiện ma túy bằng phương pháp tâm linh và một số liệu pháp hỗ trợ khác là phương pháp cai nghiện tốt nhất và triệt để nhất. Các anh em có thể còn yếu đuối, còn vài lần vấp ngã nhưng anh em đã biết anh em tin vào ai, cần chạy đến nhờ sức mạnh của ai để vượt qua những cám dỗ. Chính điều đó sẽ giúp anh em phấn đấu vượt qua khó khăn và không bao giờ tuyệt vọng...

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn luôn đồng hành với anh em, điện thoại thăm hỏi. Và sẵn sàng giúp đỡ khi anh em cần đến mình. Chúng tôi duy trì 1 tháng gặp anh em đã hồi gia trong thành phố HCM 1 lần và 3 tháng gặp chung anh em các tỉnh thành khác 1 lần; để chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ cuộc sống, nâng đỡ nhau trong cuộc chiến chống lại ma túy này. Và một trong số những anh em này, chúng tôi sẽ đào luyện thành những cộng tác viên tích cực giúp cai nghiện ma túy trong tương lai.

Nhiều anh em nghiện ma túy và nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng: đã nghiện ma túy thì không bao giờ bỏ được, nhưng chúng ta cần xác tín:

THIÊN CHÚA CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU MÀ THẾ GIAN NGHĨ RẰNG KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC!

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng từng mời gọi chúng ta: “Hãy quan tâm đến bao nhiêu anh chị em bị tước đoạt phẩm giá, ước gì tiếng kêu của họ trở thành tiếng kêu của chúng ta và cùng nhau chúng ta có thể phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng, lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ”.

XIN: CẢM NHẬN ĐƯỢC LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT HÃY TÌM ĐẾN VỚI NHỮNG ANH CHỊ EM BẤT HẠNH, TỘI LỖI ĐỂ YÊU THƯƠNG ĐƯA HỌ TRỞ VỀ VỚI THIÊN CHÚA, CHỮA LÀNH NHỮNG NỖI ĐAU TRONG TÂM HỒN HỌ. ĐEM LẠI CHO HỌ VÀ GIA ĐÌNH NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC KHI CÓ CHÚA Ở CÙNG.

 Trích từ Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 109 (tháng 11 & 12 năm 2018)