I. Di dân ngày càng trở nên điều bình thường vì nhu cầu cuộc sống và công ăn việc làm, xin Đức Cha cho biết Giáo Hội Việt Nam đang dấn thân thế nào cho hiện tượng xã hội này.

Về việc Giáo Hội Việt Nam đang dấn thân thế nào cho Mục vụ Di dân (MVDD), tôi xin nói 2 điểm:

1) Tổ chức MVDD của HĐGMVN

2) Những sinh hoạt của UB MVDD

1. Trước hết, về Tổ chức MVDD

Từ năm 1990, làn sóng di dân nội địa của Việt Nam tăng lên theo cấp số nhân.

Năm 2001, thành lập Ủy ban Bác ái Xã hội do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan làm chủ tịch (nhiệm kỳ 2001-2005). Ủy ban này đặc trách vấn đề di dân.

Năm 2006, thành lập “Tiểu ban lo cho người di dân” trực thuộc “Ủy Ban Giáo dân” (chứ không trực thuộc Ủy Ban Bác ái Xã hội nữa).

Năm 2007, Tiểu ban này được đổi thành “Ủy ban Giám mục lo cho người di dân” do Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn làm chủ tịch (nhiệm kỳ 2007-2013).

Riêng tại Saigon, từ năm 2003, Ban Mục Vụ Di Dân đã được thành lập để đáp ứng nhu cầu mục vụ di dân tại các khu công nghiệp lớn như Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Vĩnh Lộc, Sóng Thần, Tân Tạo...

Ngoài ra, nhiều giáo phận khác cũng đã cắt cử các linh mục đặc trách để đồng hành với anh chị em di dân thuộc giáo phận mình đang làm ăn sinh sống xa nhà.

Sau Hội nghị Quốc tế về Di Dân tại Malaysia tháng 12/2007, Tòa Tổng Giám mục Saigon đã thành lập ‘Ban Mục Vụ Di Dân' bao gồm:

1) Mục vụ di dân nội địa;

2) Mục vụ di dân cho người Việt ra nước ngoài làm việc;

3) Mục vụ di dân cho người nước ngoài tại Sài Gòn

- Hiện nay, tại Sài Gòn đã hình thành các nhóm mục vụ ngoại kiều theo ngôn ngữ: Anh, Pháp, Ý, Đức, Hàn, Trung, Nhật...với các thánh lễ và sinh hoạt mục vụ thường xuyên theo nhóm, và chính thức bổ nhiệm linh mục đại diện giám mục đặc trách ngoại kiều (tháng 06.2016).

- Tại Hà Nội, từ năm 1999, đã có các Thánh lễ tiếng Anh và Pháp tại nhà thờ Cửa Bắc, và các lớp giáo lý dành cho con em ngoại kiều.

- Ngoài ra, một số Giáo hội bạn như Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Nhật... cũng đã gởi các linh mục bản xứ tới phục vụ cho cộng đoàn của họ tại Việt Nam.

Như vậy, Ủy Ban Mục Vụ Di Dân của HĐGMVN đã được chính thức thành lập:

Nhiệm kỳ 2007-2013: Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn là chủ tịch

Nhiệm kỳ 2013-2016: Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh là chủ tịch

Nhiệm kỳ 2016-2019: Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng là chủ tịch

Hiện nay, tôi cùng với Ban Thường vụ của UB MVDD tiếp tục:

- Hoàn thành Văn bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân đã được HĐGMVN phê chuẩn cho thử nghiệm (tháng 10/2017);

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức MVDD, đặt VP Di Dân tại trụ sở HĐGMVN;

- Tái cơ cấu trang web MVDD;

- Lập VP Mục vụ cho ngoại kiều tại Tòa Tổng Giám Mục Saigon.

2. Những sinh hoạt của UB Di Dân

UBDD đã cố gắng tìm ra nhiều phương cách thích hợp chăm lo đời sống cho người di dân, với 2 điểm: (1) về mục vụ tôn giáo; và (2) về mục vụ bác ác xã hội.

1) Trước hết về Mục vụ tôn giáo

- Tổ chức các buổi đọc kinh tối tại các phòng trọ theo khu vực.

- Hằng năm tổ chức Lễ Bổn Mạng cho các anh chị em di dân vào Chúa Nhật Truyền Giáo.

- Các khóa Giáo Lý Hôn Nhân và Dự Tòng cho các anh chị em di dân.

- Các buổi học hỏi về gia đình, về đời sống đức tin, về văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Di Dân.

- Tĩnh tâm Mùa Vọng và Mùa Chay cho anh chị em di dân.

- Tư vấn đời sống thiêng liêng cho các bạn trẻ di dân gặp khó khăn.

2) Kế đến về Mục vụ bác ái xã hội

- Các khóa học nhân bản, kỹ năng sống; các lớp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho các bạn trẻ di dân.

- Các khóa học về cách phòng chống lạm dụng tình dục nơi các phòng trọ.

- Các trại hè cấp liên xứ vào các dịp lễ lớn.

- Các buổi gặp gỡ đồng hương di dân theo từng miền hằng năm.

- Tổ chức các chuyến đi bác ái từ thiện xã hội.

- Phòng khám chữa bệnh miễn phí; cung cấp nước sạch; các lớp học miễn phí cho con em di dân nghèo.

II. Văn kiện hướng dẫn mục vụ di dân đã được hoàn thành và công bố năm 2017, xin Đức Cha cho biết việc triển khai và thực hiện Văn kiện này như thế nào?

1. Tóm tắt vài nét hình thành Văn kiện Hướng dẫn mục vụ di dân

Tháng 01.2010, tại Hội nghị Di Dân Toàn Quốc lần I, các linh mục đặc trách di dân đề nghị cần có một tài liệu Hướng dẫn Mục Vụ Di Dân thống nhất trên toàn quốc.

Tháng 11.2010, trong Đại Hội Dân Chúa, UB Di Dân đã trình bày nhu cầu cấp thiết này.

Tháng 04.2011, trong Phúc trình gửi HĐGMVN, UB Di Dân xin thực hiện Cẩm Nang Mục Vụ Di Dân.

Tháng 10.2015, Hội nghị Di Dân Toàn Quốc tại Thanh Hóa hình thành Bản dự thảo 1.

Tháng 08.2016, Hội nghị Di Dân Toàn Quốc tại Thanh Hóa, hình thành Bản dự thảo 2.

Bản dự thảo 2 được quý Đức Cha và quý Cha chuyên viên góp ý điều chỉnh:

- Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Gp Bà Rịa

- Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Gp Bà Rịa

- Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Gp Saigon

- Đức cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Gp Đà Lạt

- Cha Gioan Bùi Thái Sơn, Đại diện Tư Pháp Gp Saigon

- Cha G.B. Lê Ngọc Dũng, Đại diện Tư Pháp Gp Nha Trang

- Cha G.B Đậu Quang Luật, OFM, Chuyên viên Giáo luật

UB Di Dân tiếp tục lắng nghe và đúc ý kiến từ các linh mục đặc trách di dân thuộc 3 Giáo tỉnh.

Tháng 10/2017, Bản dự thảo 3 đã hoàn thành, được HĐGMVN phê duyệt, cho phép áp dụng thử nghiệm 2 năm.

Ngày 01.11.2017, Đức Cha Chủ Tịch UBMVDD chính thức gởi thông báo trên toàn quốc về việc áp dụng Bản Hướng Dẫn Mục Vụ Di Dân này.

2. Về lượng giá sơ bộ:

Sau khi thông tin chính thức về việc áp dụng Bản Hướng Dẫn Mục Vụ Di Dân, Ban Mục Vụ Di Dân của 26 giáo phận đã phổ biến 6.000 bản cho các linh mục giáo phận vào dịp thường huấn. Đồng thời văn bản này cũng được phổ biến trên trang web của UBMVDD.

Sau đó, Ban MVDD các giáo phận cũng đã gởi những ý kiến đóng góp về việc áp dụng văn bản Hướng dẫn Mục vụ Di Dân.

Tiếp đến, để triển khai định hướng mục vụ rao giảng Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông xã hội, UB Di Dân đã đề nghị Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng Nhóm nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) thiết kế một ứng dụng (app) trên smartphone để thực hiện khảo sát thực trạng di dân tại Sài Gòn.

Ứng dụng này liên kết với trang web ican.com.vn, nơi cung cấp thông tin về sức khỏe, giáo dục, an sinh xã hội, các tổ chức hỗ trợ, tư vấn pháp luật...

Ban Mục Vụ Di Dân các giáo phận đang quan tâm và phổ biến trang web ican.com.vn đến các anh chị em di dân.

Cuối cùng, dự kiến vào dịp Hội nghị Di Dân Toàn Quốc sẽ tổ chức vào tháng 5/2019 sắp tới, UB Di Dân sẽ lắng nghe trực tiếp ý kiến đóng góp một lần nữa của các linh mục, dòng tu đặc trách di dân. Với những đóng góp này, văn bản Hướng dẫn Mục Vụ Di Dân sẽ được hoàn thành sau 2 năm thử nghiệm, và sẽ trình HĐGMVN phê duyệt chính thức trong phiên họp kỳ II vào tháng 10/2019 sắp tới.

* Một phần của bài phỏng vấn này đã được đăng trên trang tin Việt ngữ của Đài Radio Vatican (Tháng 3, năm 2019)

III. Đây là một vấn đề lớn không dễ để có một sự hợp tác đồng bộ, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân thuộc HĐGM, xin Đức Cha cho biết về những bước cụ thể đã làm được mang tính cộng tác liên giáo phận giữa các bên: Đại diện Giáo hội nơi đi và nơi đến cùng với sự hợp tác của chính đương sự di dân, và có thể có bên dân sự nữa.

Mục vụ Di dân là một vấn đề lớn đòi có một sự hợp tác đồng bộ về nhiều mặt. Ở đây, tôi xin nói 2 điểm:

a) Điểm thứ nhất, ở cấp HĐGM, hình thành chương trình “Ca- Di-Truyền” (nghĩa là phối hợp ba Ủy ban: Caritas, Di Dân và Truyền Giáo). Ba Giám Mục chủ tịch của các ban Ủy Ban này (Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, UB Caritas; Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, UB Di Dân; và Đức cha Alphonsô Nguyễn Hữu Long, UB Truyền giáo) đã gặp gỡ và thống nhất liên kết để thực hiện việc Loan Báo Tin Mừng.

b) Tiếp đến, Mục vụ Di dân bao gồm 2 khía cạnh lớn: là tôn giáo và xã hội. Tại Việt Nam, Mục vụ Di dân chỉ tập trung được nhiều vào khía cạnh tôn giáo (lo cho đời sống thiêng liêng, bí tích, đạo đức...); còn khía cạnh xã hội, như công đoàn, công ăn việc làm, những an toàn xã hội. hoàn toàn thuộc về Nhà Nước.Về khía cạnh xã hội, Giáo Hội chỉ lo được một việc là “bác ái từ thiện” qua Ban Caritas.

Chính vì thế, văn kiện Hướng dẫn Mục Vụ Di Dân chú trọng về khía cạnh tôn giáo. Văn kiện này giúp cả GH nơi đi và GH nơi đến có được sự phối hợp dễ dàng để chăm lo cách hiệu quả nhất cho đời sống tâm linh của anh chị em di dân (gia nhập vào một giáo xứ, học giáo lý, lãnh nhận các bí tích, phức tạp nhất là Hôn Phối.).

Hiện nay, Mục vụ Di dân tại VN cũng đang cố gắng thực hiện 4 công việc do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất để lo cho di dân, đó là: “đón tiếp - bảo vệ - phát triển - hội nhập”.

III. Một cách cụ thể tại Tổng giáo phận Sài Gòn, xin Đức Cha cho biết về ưu tư và kỳ vọng của Đức Cha cho đời sống đức tin của người di dân. Thách đố lớn nhất về phương diện mục vụ là gì?

Hiện nay, Saigon có 8 triệu cư dân, trong đó có 700 ngàn người công giáo. Ngoài ra có thêm 5 triệu di dân nội địa từ các thành phố khác đến Sàigòn để sinh sống, làm việc và học tập. Trong số 5 triệu di dân này, có hơn 300 ngàn di dân Công giáo. Như vậy, Sài Gòn có 13 triệu dân, trong đó có hơn 1 triệu Công giáo, chiếm 7,6%.

Để đón tiếp hơn 5 triệu di dân nhập cư này, Thành phố đang được mở rộng ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Riêng về Giáo phận, để đón tiếp 300 ngàn di dân Công giáo, Giáo phận Sài Gòn dự tính thành lập 50 giáo điểm, mỗi giáo điểm sẽ đón tiếp khoảng 6.000 di dân Công giáo.

Hiện nay, sau 3 năm, Giáo phận đã mua được 22 miếng đất, để thành lập 22 giáo điểm (trong tương lai sẽ trở thành những giáo xứ). Trong số 22 giáo điểm này, 10 giáo điểm đã được dâng lễ thường xuyên; 2 giáo điểm được dâng lễ vào những dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Tết; còn lại 10 giáo điểm đang trong tiến trình hình thành. Nghĩa là sau khi đã mua được đất, phải làm thủ tục với Chính quyền, để được cho phép tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại đây, được xây dựng nhà nguyện, tổ chức các lớp giáo lý, những sinh hoạt đoàn thể, v.v...

Ngoài ra, thách đố lớn nhất về phương diện mục vụ là “có nhân sự và đào tạo nhân sự” gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân; đồng thời việc phối hợp giữa các thành phần trong giáo phận để chăm lo cho việc truyền giáo, cách riêng cho anh chị em di dân. Ví dụ:

- Gởi các linh mục đến phụ trách các giáo điểm.

- Phối hợp với các dòng tu và các đoàn thể tông đồ giáo dân để phát triển các giáo điểm.

- Chăm lo mục vụ đòi hỏi phải quan tâm đến cả những khó khăn về cuộc sống của người giáo dân. Điều này cần có sự phối hợp thật lớn, bao gồm nhiều cấp độ và lãnh vực, gồm cả việc liên hệ với Chính quyền các cấp.

IV. Hiện nay có rất nhiều lao động trẻ đi nước ngoài để học hành và mưu sinh, Ủy ban Mục vụ Di dân và các vị chủ chăn có thể đồng hành với các tín hữu xa quê này thế nào?

- UBMVDD VN cũng đã liên hệ với UB Di Dân của HĐGM các nước như Hàn Quốc, Nhật, Malaysia, Đài Loan, Campuchia, Thái Lan..., nơi có các di dân Việt Nam đến làm việc và học tập. Mục đích liên hệ giữa UB Di Dân giữa 2 nước Việt Nam và nước bạn, là giúp các anh chị em di dân Việt Nam được ổn định và hội nhập vào GH nơi đến.Tôi và cha Tổng Thư ký UBMVDD đã trực tiếp đến thăm UB Di Dân Nhật Bản, Hàn Quốc... để có những trao đổi cụ thể.

- Đại hội Di Dân Việt Nam Toàn Quốc vừa qua vào tháng 9/2018, cũng đã mời đại diện của UB Di Dân Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi Luật Tân, Pháp, Đức, Ý, đại diện nhóm ngôn ngữ tiếng Anh... đến tham dự. Trong đại hội này, dựa trên nền tảng của văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Di dân, mọi người đã bàn thảo và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giúp đỡ anh chị em di dân.

- Hằng năm, UB Di Dân cũng gửi các linh mục vào Mùa Vọng- Giáng Sinh, Mùa Chay-Phục Sinh, đến các cộng đoàn di dân VN tại hải ngoại, để thăm viếng, tư vấn, dâng lễ, giải tội.

Về việc kết hôn với người nước ngoài, đang được UB Di Dân quan tâm giúp đỡ; đặc biệt với sự hỗ trợ của các Tu sĩ Việt Nam có cộng đoàn ở nước ngoài, qua việc tư vấn, dạy giáo lý...

- UB Di Dân đang cố gắng thành lập những Văn phòng Di Dân tại các nước dưới sự đồng ý và thống nhất của UB Di Dân giữa 2 nước. Hiện nay đang hình thành Văn phòng Di Dân Việt Nam tại Tokyo (Nhật Bản). Vào tháng 3/2019 này, UB Di Dân của Nhật Bản có mời Việt Nam sang tham dự Đại hội Di dân để chính thức thành lập VPDD này.

V. Nếu được, xin Đức Cha cho biết kế hoạch lâu dài mang tính chiến lược hay viễn cảnh của Ủy ban Mục vụ Di dân.

Về kế hoạch lâu dài mang tính chiến lược hay viễn cảnh của Ủy ban Mục vụ Di dân, có thể tóm gọn trong 3 điểm chính: Thông tin, Nhân sự, và Phối hợp

(1) Trước hết về thông tin

- Điều quan trọng nhất là phải biết được thực trạng di dân nhằm có những kế hoạch mục vụ thích ứng.

Ví dụ: cần nắm bắt tình hình thực tế của anh chị em di dân (như nơi ăn ở, làm việc, nhu cầu...) từ đó sẽ có những chương trình cụ thể.

- Bên cạnh đó, anh chị em di dân cũng cần biết những thông tin tôn giáo và xã hội nơi đến nhằm giúp họ dễ dàng ổn định và hội nhập cuộc sống.

Trang web mucvudidan.com của UBMVDD cần cập nhật liên tục để cung cấp những thông tin chính xác và cần thiết.

(2) Đào tạo nhân sự

Cần có những nhân sự được đào tạo để làm việc tại VP Di Dân tại Việt Nam thuộc cấp giáo phận, cấp HĐGM, và tại VP Di Dân hải ngoại.

(3) Phối hợp để phục vụ mỗi ngày tốt hơn

a) Tại Việt Nam:

- Cấp HĐGMVN, phối hợp chương trình “Ca-Di-Truyền” của 3 ủy ban Caritas, Di dân và Truyền giáo.

- Cấp giáo phận, phối hợp giữa Ban MV Di dân và các Dòng tu, các giáo xứ, các đoàn thể tông đồ giáo dân.

b) Tại hải ngoại:

Phối hợp 2 UB Di Dân thuộc HĐGM của 2 quốc gia: cần có những người đại diện chính thức của 2 quốc gia, nhằm giúp những anh chị em di dân hội nhập vào môi trường GH nơi đến, hướng đến 4 mục tiêu: “đón tiếp - bảo vệ - phát triển - hội nhập”.

Nguồn: vaticannews.va/vi