PHỎNG VẤN CHUYÊN GIA TÒA THÁNH VỀ
ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN VỚI HỒI GIÁO: ĐỐI THOẠI HAY CÔNG BỐ?
WHĐ (5.8.2021) - Đức
Thánh Cha Phanxicô Phanxicô đã tăng cường các nỗ lực của Giáo hội Công giáo hướng
tới đối thoại liên tôn giáo kể từ khi ngài nắm cương vị thủ lãnh Giáo Hội vào
năm 2013.
Và để thực hiện điều
này, Đức Thánh Cha đã chủ đích chọn đến thăm một số quốc gia nơi đa số người
dân theo đạo Hồi giáo.
Nhưng một số tín hữu
cảm thấy lo ngại về hạn từ “đối thoại” và cho rằng những người theo Chúa Kitô
nên tập trung nhiều hơn vào việc công bố niềm tin của họ cho những người theo
các tín ngưỡng khác.
Đức ông François
Bousquet, một thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và cũng là một cố vấn
tại Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, khẳng rằng cả hai cách tiếp cận
đều cần thiết.
Vị linh mục 73 tuổi
người Pháp này là cựu giám đốc Viện Khoa học và Thần học các Tôn giáo (ISTR) tại
Đại Học Công giáo Paris.
Gần đây, ngài đã
hoàn thành vài năm với tư cách quản xứ giáo xứ Saint-Louis-des-Français, một
giáo xứ của người Pháp ở Rome (2013-2020).
Trong cuộc phỏng vấn
độc quyền này với phóng viên Mélinée Le Priol của thời báo La Croix, Đức ông
Bousquet giải thích cách tiếp cận của Giáo hội đối với người Hồi giáo đã thay đổi
như thế nào trong tiến trình lịch sử.
Phóng viên: Song song với nỗ lực của Giáo hội
trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn, còn có các nhóm Công giáo, chẳng hạn
như Jésus Le Messie và Dòng Thừa sai Lòng Thương Xót, đặc biệt cố gắng cải đạo
người Hồi giáo. Ngài nhận xét về những sáng kiến này như thế nào?
Đức ông François Bousquet: Việc
công bố về Chúa Kitô chỉ có thể được thực hiện trong tinh thần đối thoại.
Với tôi, đến với
nhau mà dùng loa phóng thanh để tuyên bố sự thật “của bạn” mà không đoái hoài đến
người đối thoại của bạn dường như mâu thuẫn và thậm chí phản tác dụng.
Tuy nhiên, một
trong những cám dỗ ngày nay là việc tin rằng chúng ta sở hữu chân lý.
Theo tôi, người ta
nên đặt bản thân mình dưới chân lý, ý thức rằng điều chân lý luôn vĩ đại hơn điều
mà chúng ta nhận thức được về chân lý.
Cá nhân tôi thấy thật
khó hiểu với những người mơ ước cải đạo người Hồi giáo theo cách làm một cuộc
thập tự chinh mới.
Phô diễn “uy quyền”
của Đức Ki-tô như một sự thống trị là một điều không giống như những gì Chúa
Giê-su làm trong các sách Phúc âm.
Đức Kitô không tự
xưng về mình, nhưng luôn rao giảng về Nước Thiên Chúa.
Đối thoại và loan
báo được trình bày về phương diện thần học như thế nào?
Vào năm 1991, chỉ
ba mươi năm trước, Thánh bộ Truyền giáo cho các Dân tộc và Hội đồng Giáo hoàng
về Đối thoại Liên tôn đã cùng nhau soạn thảo một tài liệu có tên là Đối thoại
và Công bố.
Tài liệu này khẳng
định rằng hai thái độ này không phải là không tương thích, nhưng chúng cũng
không thể hoán đổi cho nhau.
Đây là hai yếu tố
then chốt của sứ mệnh Phúc âm hóa của Giáo hội (số.77-78).
Đối thoại đòi hỏi sự
quân bình, xác tín tôn giáo và cởi mở với chân lý (số. 47-50).
Sự Công bố, là một
trong nhiều phương diện của việc loan báo Tin Mừng, bao gồm việc trình bày một
cách rõ ràng Tin mừng về sự cứu rỗi trong Chúa Giê-Su Ki-tô.
Quan điểm của Giáo
hội đối với người Hồi giáo đã phát triển như thế nào trong suốt tiến trình lịch
sử?
Than ôi, lịch sử
quan hệ giữa Ki-tô hữu và người Hồi giáo đầy rẫy những cuộc chiến tranh, hiểu lầm
và trả thù.
Chúng ta có chung một
ký ức nặng nề và mâu thuẫn.
Vì các tôn giáo của
chúng ta đều mang tính truyền giáo và theo chủ nghĩa phổ quát – nghĩa là đều
coi mình mang lại điều tốt cho toàn thể nhân loại – “Ki-tô giáo” và “Hồi giáo”
đã đối đầu trong nhiều thế kỷ. Một vĩ nhân hòa giải như Thánh Phanxicô là rất
hiếm.
Nhưng Công đồng
Vatican II (1962-1965) đã đặt đối thoại trở lại trọng tâm của đức tin Kitô
giáo.
Theo ý kiến của
tôi, điều này là do hơn 2.000 giám mục từ năm châu lục đã qui tụ lại trong Công
đồng đó.
Tất cả họ đều thấy
lo ngại, sau một thế kỷ chiến tranh vô nghĩa và sau đó là phi thực dân hóa, nên
rất coi trọng đối thoại vì hòa bình.
Ngài sẽ đưa ra lời
khuyên nào cho những Kitô hữu muốn trải nghiệm một cuộc gặp gỡ với người Hồi
giáo?
Trước hết, hãy
khiêm nhường, không tỏ ra hống hách.
Sau đó, hãy tôn trọng
sự tự do của người kia và tìm hiểu điều tốt nhất trong mối quan hệ của người ấy
với Thiên Chúa.
Đối với những người
theo đạo Hồi, có lý do để bị ấn tượng bởi chất lượng triệt để của mối quan hệ của
họ với Đấng siêu việt (Thiên Chúa luôn “vĩ đại hơn”), cũng như bằng chứng xã hội
về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của họ (qua lời cầu
nguyện hàng ngày).
Tất nhiên, người ta
không nên sợ hãi khi khẳng định mình là một Ki-tô hữu, nhưng tham gia vào một
cuộc tranh luận Ki-tô học và Ba ngôi đối với tôi dường như không phải là giải
pháp đúng đắn khi đối thoại với một người Hồi giáo – trừ khi người kia đã
nghiên cứu truyền thống Ki-tô giáo để chứng thực tính duy nhất của Chúa – vì cuộc
đối thoại sẽ bị chặn ngay từ đầu.
Cuối cùng, tôi tin rằng cuộc đối thoại của lòng bác ái, với sự quan tâm chia sẻ đến người nghèo và những người thấp cổ bé họng trong xã hội, sẽ nói lên ngay lập tức và tạo nên một cuộc gặp gỡ có kết quả.
Duc Trung Vu, CSsR (Theo La
Croix)