PHÓNG SỰ:
ẢNH HƯỞNG CỦA MẠNG XÃ HỘI ĐỐI VỚI GIỚI
TRẺ
Nhóm
Gia-Đức-Thiêm
WGPSG (12.12.2023) - Ước
mong các Kitô hữu đều sẽ trở nên như người Samari nhân lành, chăm sóc cách hữu
hiệu cho những người bị tổn thương, bầm dập và ngã quỵ bên đường trong thế giới
kỹ thuật số...
I. HIỆN
TRẠNG SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI 1. Buồn
chán, hỗn xược và tự khẳng định 1.
Tâm lý lứa tuổi & thời đại kỹ thuật số 3. Những
mặt tích cực của mạng xã hội |
I. HIỆN TRẠNG
SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI
Hiện nay, với sự phát triển của mạng internet và những phương tiện truyền
thông hiện đại, nhân loại đang cảm thấy tự hào vì thấy mình đã đạt được đỉnh
cao của công nghệ. Những tiện ích của nó mang tới, đang ngày càng đi sâu và chi
phối mọi sinh hoạt đa dạng của con người, giúp họ cảm thấy gần nhau hơn, rút ngắn
khoảng cách địa lý. Tất cả các thông tin cần thiết về mọi vấn đề của cuộc sống
có thể được chia sẻ với nhau một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Nhưng người sử dụng công nghệ truyền thông bao gồm đủ mọi thành phần và
mọi tổ chức đa dạng trong xã hội và trong các tôn giáo: từ các hiệp hội,
đoàn thể, giáo xứ, giáo phận, công ty, xí nghiệp đến những tổ chức thuộc cấp tỉnh
thành, quốc gia, quốc tế, từ những em nhỏ đến cả những người lớn tuổi.
Những phương tiện họ sử dụng cũng rất đa dạng: desktop, laptop,
notebook… và phổ biến nhất vẫn là chiếc điện thoại di động thông minh.
Cần ghi nhận rằng, những người trẻ là thành phần sử dụng mạng xã hội nhiều
hơn cả do sự tiếp cận nhanh lẹ - là những nét đặc trưng của tuổi trẻ trước
những tiến bộ và thành tựu của nhân loại.
Theo nghiên cứu của Trung
tâm Pew (một trung tâm nghiên cứu về nhân khẩu học có tiếng tại USA),
90% các bạn tuổi teen từ 13 đến 17 tuổi đã sử dụng những mạng xã hội. 75% các
em ít nhất đã có một tài khoản riêng trên mạng xã hội, 51% sử dụng mạng xã hội
hằng ngày và 2/3 các em có những thiết bị di động truy cập được internet[1]. Các mạng xã hội phổ biến được các bạn trẻ sử dụng nhiều:
MẠNG XÃ HỘI |
TRẺ EM (8-12 tuổi) |
TUỔI TEEN (13-19 tuổi) |
YOUTUBE |
80 % |
86 % |
FACEBOOK |
26 % |
75 % |
SNAPCHAT |
26 % |
67 % |
INSTAGRAM |
24 % |
70 % |
Đáng chú ý hơn, theo số liệu mới được cập nhật sau đại dịch Covid 19,
đang nổi lên thêm mạng xã hội có tên gọi TikTok, với con số thống kê là 32.5% người dùng từ độ tuổi từ 10-19 tuổi. (theo số liệu của
Công ty phân tích và nghiên cứu thị trường Apptopia của Mỹ)[2]. Và
bất ngờ là, lượng người dùng Tiktok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 trên thế giới,
trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này![3] Chúng
ta không còn xa lạ gì khi TikTok được xem là nền tảng mạng xã hội đang phổ biến
nhất dành cho trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay.
Việc sử dụng Mạng xã hội cách phổ biến khắp nơi như thế đã mang lại những
gì cho nhân loại hôm nay, đặc biệt là cho giới trẻ?
Đây là câu hỏi mà nhóm học viên “Gia - Đức - Thiêm” của lớp Mục
vụ Truyền thông Tổng Quan niên khóa 2023 -2024 đưa ra, để từ đó thực hiện
một phóng sự mang tên “Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ” với
những sự kiện mình đã tận mắt chứng kiến…
II. NHỮNG ĐIỀU
TRÔNG THẤY
1. Buồn chán,
hỗn xược và tự khẳng định
Một cô bé lớp 9 có gương mặt nặng vẻ buồn chán, ít muốn tiếp xúc với người
lạ và thế giới xung quanh vì suốt ngày chỉ biết làm bạn với những BFF (best
friend forever) mà em tìm được trên Facebook.
Một game thủ lớp 10 phàn nàn và lớn tiếng khi cha mẹ cắt mạng internet của
em một cách bí mật mà không thông báo trước cho em.
Một học sinh lớp 8 vụng về, học kém trong lớp nhưng lại trở thành ngôi
sao hot nhất Youtube.
2. “Âu yếm”
quá mức
Tại một giáo xứ nọ (xin được giấu tên), trong một lớp giáo lý thuộc tuổi
teen, có 2 bạn nam và nữ quen nhau và dần trở nên “thân thiết” với nhau
lúc nào cũng không biết, trao đổi nhắn tin qua lại, chat với nhau trên mạng.
Chuyện gì đến thì cũng phải xảy đến, hai bạn nhỏ đã có những biểu hiện,
cử chỉ âu yếm vượt qua mức cho phép và đã quan hệ tình dục với nhau khi đang
còn học cấp II.
Giáo lý viên đã nhắc nhở nhiều lần, mời phụ huynh lên làm việc
nhưng hai bạn nhỏ chỉ hạn chế tiếp xúc với nhau một thời gian rất ngắn
và có thái độ trốn tránh chạm mặt với ban giáo lý. Sau đó, mọi việc vẫn tái diễn
như cũ.
Nỗi đau lòng ray rứt đáng nói ở đây là, phụ huynh cô bé cũng nản, không
muốn nói động tới cô nữa và chỉ buông một câu với con của mình: “Tụi mày làm
sao đó thì làm, miễn sao đừng để dính bầu là được!”
3. Hăm dọa
trên mạng
Chuyện xảy ra tại một giáo xứ thuộc một Quận gần trung tâm thành phố
Hồ Chí Minh.
Hai cậu học sinh lớp 8 cùng học chung với nhau. Tuy còn rất nhỏ tuổi,
nhưng Nguyễn Văn A rất lanh lợi, cũng tập tành bán hàng online trên mạng. Cậu
đã chào mời bạn học của mình, là Trần Văn B và B đã đồng ý mua món hàng có giá
trị khá cao so với lứa tuổi học trò. Dĩ nhiên, B không đủ số tiền lớn như vậy để
mua, nên đã xin tiền mẹ. Và mẹ của B không bằng lòng cho con mình mua một món đồ
có giá trị quá cao như vậy, nên từ chối cho tiền B.
Cuộc giao dịch mua bán “chốt đơn” không thành công! A tức giận, đã dùng
mạng xã hội để chửi và hăm dọa B trên các phương tiện truyền thông bằng những
bình luận tàn nhẫn, cay nghiệt, làm cho B bị ám ảnh, tâm lý bị ảnh hưởng, sống
trong tâm trạng nơm nớp lo âu, dẫn đến bị trầm cảm suốt một thời gian dài…
4. Đạo đức nhờ
mạng xã hội
Cô bé Lê Thị H được 9 tuổi. Gia đình của cô bé bao gồm cả ba thế hệ: ông
bà ngoại, ba mẹ và con cái, sống chung một nhà với nhau. Đây là một gia đình đạo
đức mà tất cả thành viên đều là Công giáo.
Với tính hiếu kỳ năng động của trẻ nhỏ, cô bé H cũng thích khám phá thế
giới xung quanh thông qua cái máy tính hoặc điện thoại của ba mẹ. Nhưng dưới sự
giám sát của ông bà ngoại, và sự giáo dục hướng dẫn tận tình của ba mẹ, cô bé
chỉ thích xem phim Cựu ước, Tân ước và các phim kể về cuộc đời của các vị thánh
Kitô giáo.
III. NHẬN ĐỊNH
1. Tâm lý lứa
tuổi & thời đại kỹ thuật số
Những trường hợp trên đây cho thấy mạng xã hội đã tác động rất lớn đến
tâm sinh lý của giới trẻ, mà không phụ thuộc vào chỉ số IQ hay EQ cao hay thấp.
Sự phát triển của tuổi teen với những nét đặc trưng của nó như: muốn tự
thể hiện bản thân, bốc đồng, tâm sinh lý chưa hoàn thiện… là điều rất bình thường.
Và sự bùng nổ của kỹ thuật số đã như một cơ hội đặc biệt để họ
thể hiện sự đang phát triển này.
Ngày nay, 89% trẻ ở độ tuổi dậy thì đã có điện thoại thông minh riêng.
Trẻ lớn lên cùng với Instagram và Facebook. Trẻ thực hiện các bài nghiên cứu dựa
vào Google. Họ tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần trên các diễn đàn dành cho thanh
thiếu niên. Khi có những tâm sự thầm kín không biết tỏ bày cùng ai, các em lên
mạng, thoải mái bộc lộ trên group, hội, nhóm chat. Thậm chí họ cũng dễ dàng nói
tiếng “yêu”, gọi bạn đối tác là “ông xã, bà xã” một cách tùy tiện trên các mạng
xã hội một cách công khai và “quốc dân”.
Điều nguy hiểm là, trên mạng có những thông tin tốt, nhưng những thông
tin xấu cũng tràn lan trên mạng. Chúng có thể làm cho những trẻ em đang còn ở độ
tuổi cắp sách đến trường thích thú đồng tình với cái ác, để rồi sẵn sàng làm điều
ác, vì cái ác đã được truyền thông trình bày một cách hấp dẫn. Những thông tin
xấu lại thường “giật gân” và cuốn hút các em thích xem hơn là những thông tin tốt
lành.
2. Mối bận tâm của phụ
huynh
Những tác động tiêu cực như những trường hợp vừa nói đến trên đây khiến
phụ huynh phải lo lắng.
Không lo lắng sao được khi thấy các bạn trẻ lúc nào
cũng dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh, Ipad, máy tính, không chỉ trong
giờ rảnh, mà cả trong giờ học, trong giờ đáng lý phải ngủ nghỉ.
Không hoang mang sao được khi các bạn trẻ đua đòi chạy
theo việc sở hữu những thiết bị cảm ứng hiện đại nhất với nhiều chức năng để
truy cập internet một cách dễ dàng, nhanh chóng và cảm thấy bối rối khi
con thu mình trong phòng hay một chỗ nào đó với những phương tiện này, mà chẳng
để ý hay quan tâm đến ai khác.
Không bất lực sao được khi những giao tiếp của các bạn
trẻ với những bạn bè hoặc thậm chí cả những người lạ trên mạng mà không có sự đồng
hành hay cho phép của những người có trách nhiệm. Các bậc cha mẹ cảm thấy thực
sự khổ tâm khi chứng kiến những tình huống bị động như thế!
Các phụ huynh cũng đã trăn trở, cũng đã đưa ra những biện pháp, cũng đã
tìm cách đặt ra những quy tắc để khống chế các em như: quy định về thời gian sử
dụng các công nghệ, hoặc đặt ra các phương thức nhằm hạn chế sự lạm dụng sử dụng
mạng, hoặc cắt đứt liên lạc mạng xã hội, muốn tách biệt các em với thế
giới ảo, nhưng xem ra cũng không hiệu quả lắm. Các bạn nhỏ cũng cố tìm cách
lách được, để rồi cuối cùng, các bậc làm cha làm mẹ phải đi đến sự thỏa
hiệp hoặc mắt nhắm mắt mở làm ngơ cho xong, do còn phải lo cơm áo gạo
tiền.
3. Những mặt tích cực của mạng
xã hội
Mạng xã hội đã tạo cho các em một sân chơi bình đẳng trên phương diện
tương tác rộng, cho phép các em biết tạo danh tính trực tuyến, giao tiếp với những
người khác, làm quen kết bạn mới, tạo lập mối quan hệ tương giao online với
nhau. Việc kết bạn này không bị hạn hẹp về địa lý và không gian, có thể mở rộng
tới những bạn bè khắp năm châu.
Các bạn trẻ biết thiết lập và xây dựng mạng xã hội cho riêng mình. Các mạng
lưới thông tin này có thể cung cấp cho các em sự hỗ trợ có giá trị tinh thần, đặc
biệt là giúp đỡ những người bị loại trừ, bị khuyết tật hoặc bị bệnh mãn
tính, giúp hình thành các kỹ năng phát triển và hoàn thiện bản thân mình
trong giai đoạn trưởng thành. Các em cũng sử dụng mạng xã hội để giải trí
và thể hiện bản thân, tự khẳng định mình. Có một nghiên cứu khác cho thấy, các
bạn trẻ thuộc lứa tuổi teen nếu thường diễn đạt bản thân, biết đối thoại và
trình bày quan điểm của mình trên mạng, thì cũng có được lối “tư duy lập luận
sáng sủa hơn nhiều”![4]
Nói cách khác, các bạn trẻ đó có những lối diễn tả ý tưởng rõ ràng,
trong sáng hơn về bản thân. Và việc nhận biết bản thân này cũng giúp các em có
được một đời sống tâm lý tốt hơn các bạn khác cùng trang lứa.
Vì thế, bên cạnh những nỗ lực phát huy tính tự ý thức bản thân của các
em, cha mẹ cũng nên có sự quan tâm đúng mực, đồng hành cùng con trong “thế
giới kỹ thuật số”, là điều kiện tiên quyết rất quan trọng không thể thiếu.
Đừng để mặc con lạc loài hay cảm thấy chơi vơi trước
mạng xã hội. Cần bảo vệ con và cộng đồng trước các nguy cơ có hại đang ngày
càng gia tăng trên các mạng xã hội.
IV. KẾT LUẬN
Ngày nay, khi cần biết bất cứ thông tin dữ liệu gì, mọi người đều có thể
search hỏi Google một cách nhanh chóng. Ông “Gật gù” này có cả một kho kiến thức
để giải đáp mọi thắc mắc của con người, hiếm khi thấy ông lắc đầu từ chối.
Và gần đây, nhân loại đang làm quen với ứng dụng công nghệ hiện đại “Trí
tuệ nhân tạo” (viết tắt AI) vào các lĩnh vực công nghiệp và trong cuộc
sống đời thường. Nó đã là “trend” trong cách xử lý và ứng dụng công nghệ, nhưng
lại cũng đang trở thành mối lo ngại lớn lao về những nguy cơ khủng khiếp có thể
có, phát sinh từ việc lạm dụng AI cho những ý đồ xấu.
Trước những lo ngại này, nếu có một gia đình an toàn cho các em, nơi con
cái muốn chia sẻ với cha mẹ nhiều điều, và được hướng dẫn những kỹ năng sử dụng
Internet tương thích, từ đó đưa ra phương án giáo dục thích hợp, thì hy vọng những
độc hại trên mạng xã hội sẽ không thể xâm hại được tới con trẻ.
Để kết thúc bài phóng sự, xin trích dẫn một câu hỏi của một thanh niên
thế hệ 9X, đặt ra cho mẹ của mình: “Mẹ ơi, con nhờ AI nói lời cầu nguyện
với Chúa thay cho con được không?”[5] Người mẹ vẫn
còn đang băn khoăn, e ngại cho lối suy nghĩ của con mình, và vẫn để ngỏ câu trả
lời…
Câu hỏi này cho thấy đã xuất hiện những hiện tượng ỷ lại, lười
suy nghĩ đặc biệt nơi thế hệ trẻ - là thế hệ tiếp cận nhanh nhất với
tiến bộ công nghệ. Liệu rằng trong tương lai, con cái chúng ta có nhờ “AI” cầu
nguyện thay cho mình, lo luôn cả phần hồn cho mình không? Các bạn nhỏ sẽ ít dần
thời gian tâm tình với Chúa, cầu nguyện cùng với Chúa bằng cảm xúc thật của
con người.
Như vậy, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, liệu rằng
chúng ta có nắm bắt kịp xu hướng của thời đại để sẵn sàng trả lời một cách tự
tin cho giới trẻ về những câu hỏi tương tự như thế chưa? Các Kitô hữu đã chuẩn
bị cho mình hòa nhập với sự phát triển công nghệ thời đại mới, để có thể đưa ra
những hướng dẫn về lối sống Đức tin của người Kitô giáo, cho thế hệ tương lai của
chúng ta sau này chưa?
Năm tới (năm 2024), chủ đề cho sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội
được Đức Thánh Cha chọn là: “Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ của trái tim: để đạt
được sự giao tiếp trọn vẹn của con người”. Hy vọng rằng, chúng
ta sẽ nhận được Huấn từ của vị Cha chung một cách cụ thể nhất, chỉ đường cho
chúng ta biết nên làm gì cho thích ứng với cuộc sống hiện đại này, sống sao cho
xứng là con cái dân Chúa.
Ước mong các Kitô hữu đều sẽ trở nên như người Samari nhân lành, chăm
sóc cách hữu hiệu cho những người bị tổn thương, bầm dập và ngã quỵ bên đường
trong thế giới kỹ thuật số, khi hướng tới sự hiện diện tròn đầy
như văn kiện “Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội” mà Bộ Truyền thông vừa
phát hành năm nay.
Nguồn: tgpsaigon.net (12.12.2023)