Ecce Homo, 1871, Antonio Ciseri (1821–1891)
PHILATÔ HAY NGHỆ THUẬT LẪN TRÁNH
Michel Gourgues, O.P.
Collège Universitaire Dominicain, Ottawa
WGPQN (04.03.2024) – Trình thuật Đức Giêsu xuất hiện trước Philatô trong Tin Mừng Gioan dài hơn nhiều so với các Tin Mừng Nhất Lãm. Vị tổng trấn Rôma đi ra đi vào pháp đình nhiều lần để trao đổi với giới thẩm quyền Do Thái và thẩm vấn bị cáo. Không tìm thấy lý do gì để lên án nhà giảng thuyết người Galilê này, ông đã thử nhiều cách để thả ngài ra. Nhưng những đối thủ của Đức Giêsu thậm chí còn xảo quyệt hơn và cuối cùng đã đóng đinh Ngài. Chúng ta có thể thấy được gì từ đoạn văn này và thái độ của Philatô?
Điều gì sẽ xảy ra nếu Philatô không kết án Chúa Giêsu? Chắc hẳn các biến cố sẽ rẽ sang hướng khác. Đức Giêsu sẽ không bị đóng đinh vào tháng 4 năm 30. Có thể sau đó ngài sẽ bị xử tử với hình thức hành hình nào đó giống như Stêphanô phải chịu sau này (Cv 7, 55 - 8, 1). Bất cứ ai đọc câu chuyện Đức Giêsu xuất hiện trước Philatô trong Tin Mừng Thánh Gioan (18, 28 - 19, 16) đều nhanh chóng bị tràn ngập bởi những câu hỏi và giả định như thế này.
Một trình thuật rất cách điệu
Dài gần gấp đôi trình thuật của Marcô (15, 1-15), câu chuyện về phiên tòa xét xử Đức Giêsu của Gioan không đề cập đến sự hiện diện của đám đông ồn ào và kích động trong các phiên bản của ba Tin Mừng khác. Mọi chú ý ở đây đều tập trung vào Đức Giêsu, vị tổng trấn Rôma và các nhà chức trách của Đền thờ Giêrusalem cũng như các đại diện của họ, được gọi chung từ đầu đến cuối là “những người Do Thái”, như thể họ là toàn thể dân tộc.
Rất cách điệu, tình thuật nổi bật nhờ được dàn dựng cẩn thận. Nó được hình thành từ sự chuyển động luân phiên các hành động, giữa bên trong pháp đình, nơi Đức Giêsu xuất hiện trước Philatô, và bên ngoài, nơi quan tổng trấn phải đi ra bốn lần để nghe những kẻ tố cáo đang bận tâm tránh bị ô uế theo nghi thức khi phải bước vào nhà của một người ngoại giáo. Sự ra vô liên tục này tạo nên bảy cảnh: Ba cảnh trước (Ga 18, 29-40) và ba cảnh sau (19, 4-16), và chiếm vị trí trung tâm trình thuật (19, 1-3) là cảnh Đức Giêsu bị đánh đòn và đội mão gai ở bên trong pháp đình.
Trước khi đội mão gai, câu hỏi quyết định: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”
Không chần chừ gì nữa, Philatô bước vào trong pháp đình và bắt đầu thẩm vấn Đức Giêsu (Ga 19, 33-38). Như trong Mc (15, 2), ông đi thẳng vào vấn đề và đặt ngay một câu hỏi duy nhất của một quan chức Đế quốc Rôma, người chịu trách nhiệm đảm bảo sự tôn trọng Pax Romana (nền hòa bình Rôma): “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” (19, 33). Và câu trả lời mà ông ta nhận được, rõ ràng và mạch lạc, lặp lại ba lần “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (19, 36), dường như là đã đủ để ông ta an tâm. “Ta không thấy có căn cứ nào để lên án ông ta”, và ngay lập tức ông loan báo với những kẻ tố cáo, cho họ biết về chiến thuật đầu tiên mà ông nghĩ ra. Thực sự đây là một chiến thuật thông minh. Khi đề nghị thả Đức Giêsu, Philatô làm như vẻ nhìn nhận phần nào mức độ nghiêm trọng của tội ác mà người ta quy tội cho Đức Giêsu. Biện pháp khoan hồng này, được ban hành trong Lễ Vượt Qua của người Do Thái, trên thực tế được áp dụng cho các tội phạm. Nhưng các đối thủ không hiểu như vậy: “Đừng tha nó, mà tha Baraba!” (Ga 18, 40). Baraba ư? Một tên cướp đấy! Đây là tiếng vang duy nhất nơi Tin Mừng Gioan về một tình tiết mà Marcô đã kể đến nhiều (15, 7-11).
Sự giễu cợt nhục nhã
Chiến lược này thất bại thì tìm chiến thuật khác. Philatô đã quyết định đánh đòn Đức Giêsu, một hình phạt sỉ nhục đến mức luật pháp Rôma cấm đánh đập công dân Rôma (Cv 22, 24-25). Sau đó, ông vẫn nhắc lại: “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 19, 4). Như vậy, trong mắt ông ta, việc đánh đòn đã như một hình phạt vượt quá tầm nghiêm trọng của điều ác mà Đức Giêsu đã phạm. Đặc biệt là hình phạt còn kèm theo việc đội mão gai, một cách chế nhạo kẻ huyênh hoang là người vừa tuyên bố: “Chính ngài nói đó, tôi là vua” (18, 37) như một cách giải thích rằng “Nước [của ta] không phải ở đây”.
Tất cả chỉ là lãng công vô ích, phải nói lên điều đó. Những kẻ tố cáo không có ý định lùi bước. Khi nhìn thấy Chúa Giêsu trong bộ trang phục lố lăng là áo choàng đỏ và vương miện gai, “các thượng tế và lính canh hét lên: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19, 6)
Tiếp đến là đầu hang
Cho đến lúc này, Philatô vẫn hoàn toàn nhất quán. Cuộc phỏng vấn với Đức Giêsu đã thuyết phục ông ta rằng ngài là người vô tội, người mà Đế quốc không có gì phải sợ hãi từ quan điểm chính trị. Và ông lại lần thứ ba: “Về phần ta, ta thấy không có lý do gì để lên án người ấy” (Ga 19, 6). Philatô nhất quán vì ngay từ đầu ông ta đã tuân thủ nghiêm ngặt những gì thuộc thẩm quyền chính trị của mình. Ông cũng không đếm xỉa gì đến lời cáo tội mới có nội dung thần học, do những người tố cáo đưa ra, như một tiếng vang vọng từ trình thuật nhất lãm (Mc 14, 62-64 [1]) khi Đức Giêsu xuất hiện trước Thượng hội đồng Sanhédrin: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19, 7).
Theo Marcô (14, 27) và Matthêô (26, 31), khi đang cùng các môn đệ đi đến vườn Ghếtsêmani, Đức Giêsu đã nói với họ những lời này: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác”. Còn Thánh Gioan đặt một lời tương tự ở cuối diễn văn từ biệt: “Này đến giờ - và giờ ấy đã đến rồi - anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả” (Ga 16, 32).
Từ đấy trở đi, việc Philatô lên án Đức Giêsu chẳng qua chỉ là một ký ức đáng buồn. Bản thân Philatô cũng chỉ là một con người yếu đuối, giống như bao người khác. Và công thức tuyên xưng đức tin của người Kitô hữu vẫn còn gợi lại ký ức ấy đến hai ngàn năm sau: “Ngài chịu đóng đinh vì chúng ta dưới thời quan Phôngxiô Philatô” (Tín biểu Nicaea-Constantinople).
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: Parabole, Mars 2023, Vol XXXIX, N o 1, tr. 4-6
Nguồn: gpquinhon.org