ĐẦU NĂM MỚI BÀN VỀ VIỆC LÀM ĐẸP,
PHẪU THUẬT THẨM MỸ:
NHẬN ĐỊNH DƯỚI NHÃN QUAN Y KHOA
VÀ THẦN HỌC LUÂN LÝ CÔNG GIÁO
Bác sĩ Trần Như Ý
Lan, CND
WHĐ (04.01.2022) - Người Kitô hữu với lương tâm trưởng thành, trong biện phân luân lý, cần hiểu biết các khía cạnh của vấn đề hơn là nói ngay việc này có tội hay không có tội. Và, trong sự phức tạp đa diện của đời sống, nhiều khi khó nói rõ là “đen” (có tội) hay “trắng” (không có tội) mà là nó “xam xám”. Bài viết, ước mong thay, giúp người muốn phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) phân định.
1. Christus Vivit và Vẻ Thanh
Xuân của Ba Ngôi Nơi Khuôn Mặt Đức Kitô |
I. VÀI NÉT LỊCH SỬ PTTM
Từ xa xưa, con người luôn quan tâm sắc đẹp,
không ngừng mong ước hoàn thiện bản thân. Có nhiều lập luận cho rằng các thủ
thuật PTTM, phục hồi vết thương hay chỉnh sửa gương mặt đã xuất hiện cách đây
hàng nghìn năm.
Ngày nay, phẫu thuật tạo hình được xem như một
thủ thuật y khoa, thực hiện bởi một bác sĩ (BS) chuyên ngành, nhằm sửa chữa một
bộ phận nào đó trên cơ thể, chẳng hạn một khuyết tật bẩm sinh hoặc di chứng do
tai nạn, chấn thương. Còn PTTM thực hiện trên người bình thường khỏe mạnh, cũng
thường bởi chuyên gia hoặc BS phẫu thuật. Ranh giới giữa phẫu thuật tạo hình và
PTTM ngày một mờ đi.
Sushruta, cha đẻ của phẫu thuật chỉnh hình, đã
sử dụng phương pháp ghép da ở Ấn Độ vào những năm 800 BC. Khoảng năm 30 AC, một
nhà văn chuyên về y học của Rôma, Aulus Cornelius Celsus, đã viết cuốn sách De Medicina, có nói nhiều về phương pháp
phẫu thuật để tái tạo tai, môi và mũi.
Một ca
chỉnh sửa mũi ở giai đoạn đầu tiên (hình internet).
Tiến bộ y khoa tăng tốc trong thế kỷ 19, một
loạt biện pháp phẫu thuật chỉnh hình mang tính đột phá ra đời. Năm 1814, Joseph
Carpue thực hiện thành công ca phẫu thuật cho một sĩ quan quân đội Anh bị mất
mũi. Năm 1818, BS phẫu thuật người Đức, Carl Ferdinand von Graefe, công bố
nghiên cứu về thay đổi hình dạng của mũi (Rhinoplastik).
Năm 1845, Johann Friedrich Dieffenbach viết một văn bản đầy đủ về chỉnh sửa
mũi, gọi là Operative Chirurgie.
Năm 1891, John Roe, BS chuyên khoa tai mũi họng
Hoa Kỳ, đưa ra hình ảnh minh họa về công việc của mình, một phụ nữ trẻ được ông
phẫu thuật cắt bỏ bướu vì lý do thẩm mỹ. Năm sau đó, Robert Weir thử nghiệm
nhưng thất bại với phương pháp ghép mô để dựng lại mũi bị gãy. Một thập kỷ tiếp
theo, James Israel, BS phẫu thuật người Đức, và George Monks tại Mỹ, đã ghép
thành công xương mềm để tái tạo một khiếm khuyết mũi. Thời kỳ chiến tranh thế
giới thứ nhất, số người chết và chấn thương nhiều chưa từng có. Tiến bộ y khoa
trong gây mê và khử trùng, phẫu thuật chỉnh hình cho phép các thương binh hòa
nhập cuộc sống bình thường nhanh hơn.
1. Sao Hollywood tiếp cận PTTM
Marilyn
Monroe trước và sau thực hiện cuộc phẫu thuật chỉnh sửa cằm (hình internet)
PTTM xuất hiện tại kinh đô điện ảnh Hollywood
từ những năm 1920. Tuy nhiên, thời kỳ này có khá nhiều ca phẫu thuật thất bại.
Mary Pickford, ngôi sao kịch câm, sau khi nâng mặt trong những năm đầu 1930 đã
bị biến chứng và gần như không thể mỉm cười. Nhiều ngôi sao thuộc “Thế hệ vàng”
của Hollywood cũng chọn “dao kéo” để hoàn thiện diện mạo. Năm 1949, Marilyn
Monroe sau khi không được nhận các vai diễn, đã đồng ý chỉnh sửa cằm. Chỉ một
thời gian ngắn sau, cô được tham gia The
Asphalt Jungle và trở thành một trong những ngôi sao lớn nhất Hollywood.
Không chỉ các ngôi sao nữ, nhiều nam diễn viên cũng chọn PTTM để mong sự nghiệp
phát triển hơn. Burt Lancaster và Gary Cooper căng da mặt, Dean Martin nâng
mũi, John Wayne cắt mí mắt...
2. PTTM giai đoạn hiện đại
Lịch sử hiện đại của PTTM bắt đầu vào những
năm 1960 và 1970. Giai đoạn này có nhiều phát triển khoa học quan trọng.
Silicone là chất mới được xem như yếu tố quan trọng trong thẩm mỹ. Năm 1962, BS
Thomas Cronin thử nghiệm thiết bị cấy ghép vú mới, được làm từ silicone. Trong
thập kỷ tiếp theo, silicone được phát triển, không chỉ sử dụng cho vú mà cho
nhiều bộ phận khác trên cơ thể như mặt, mông. Tuy nhiên, silicone để lại nhiều
di chứng không nhỏ cho những người sử dụng chúng. Trong những năm gần đây, khám
siêu âm cho các bệnh nhân nâng vú bằng silicone, tôi thấy biến chứng thường gặp
là silicone từ vú phát tán khắp mặt và thành ngực khiến vừa mất thẩm mỹ vừa gây
đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.
Trong những năm 1980, các tiến bộ hiện đại đã
đem đến bước phát triển kinh ngạc cho PTTM. Các BS PTTM và những người ủng hộ
đã tăng cường thay đổi nhận thức của công chúng về phương pháp làm đẹp này. Xu
hướng gần đây nhất được sử dụng là thẩm mỹ không xâm lấn (không đụng dao kéo)
nhằm giảm các dấu hiệu lão hóa. Biện pháp phổ biến được sử dụng là tiêm các chất
làm đầy hoặc botox dưới da. Sự kỳ thị mà người ta dành cho PTTM những ngày đầu
đã được điều chỉnh theo một hướng khác. PTTM trở nên dễ tiếp cận và phổ biến.[1]
Theo thống kê của Hội PTTM Hoa Kỳ, Brazil là nước đứng đầu thế giới về số ca thẩm
mỹ trong năm 2013 với 1,491, 721 ca. Hoa Kỳ đứng thứ hai với 1,452, 356 ca.[2]
3. Một số tai biến của PTTM
Trong y khoa, đã là phẫu thuật chắc chắn có
nguy cơ tai biến nhất định, khó lường trước và phụ thuộc rất nhiều yếu tố như
kinh nghiệm của phẫu thuật viên, kỹ thuật được thực hiện hoàn hảo hay không vì
có thể động chạm làm tổn thương các tổ chức kế cận như mạch máu, thần kinh...
có thể gây chảy máu ồ ạt, thậm chí đe dọa tính mạng của người làm PTTM. BS Lê
Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam (VN) cho biết: “Trong
ngành y thì tai biến, biến chứng chắc chắn sẽ xảy ra, nếu một bác sĩ nào đó nói
rằng không bao giờ gây ra biến chứng cho người bệnh thì có hai việc một là anh
nói láo hai là anh không làm gì cả”.[3]
Hàng ngày, báo chí vẫn đưa tin một số tai biến
nặng nề do PTTM. Ở đây chỉ đơn cử
vài trường hợp. Thẩm Thúy Hằng, nữ diễn viên thập niên 60 của thế kỷ trước, từng
được mệnh danh đẹp nhất Sài Gòn, nhan sắc bà khiến bao người mơ ước. Vì muốn
kéo dài nhan sắc thời hoàng kim mà Thẩm Thúy Hằng đã lạm dụng PTTM và trở thành
thảm họa dao kéo. Những ngày tháng về sau, bà luôn buồn phiền và xấu hổ vì
gương mặt bị tàn phá. Bà không muốn ra ngoài hay gặp gỡ ai. Bà cho biết: “Tôi
không còn nghĩ đến quá khứ nữa. Tôi đã mang tất cả những hình ảnh của ngày xưa
ra đốt hết. Bây giờ tôi không còn tấm ảnh nào. Trong nhà tôi cũng không để
gương soi. Cuộc đời là cõi tạm mà. Thân thể rồi cũng tan biến, vật chất khi
mình chết cũng không mang theo được”.
Thẩm
Thúy Hằng hiện tại và ngày xưa (hình internet)
Năm 2006, một bệnh nhân nữ đã tử vong tại
phòng khám đa khoa của BS L.B.H (nguyên BS tại Bệnh viện Bình Dân, thành phố Hồ
Chí Minh) khi đang phẫu thuật thay hai túi ngực bị biến dạng mà bà đã đặt 5 năm
trước đó, gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Cuối năm 2007 bà N.T.H.N từ Mỹ
về VN thay túi ngực. Sau nhiều lần chỉnh sửa thất bại, nhiễm trùng mưng mủ, những
đau đớn, vết sẹo xấu, tỉ lệ thương tật 16% do mất núm vú, kiện cáo nhiều ngày,
đối với bà N. là không gì bù đắp được![5]
Có người tử vong sau phẫu thuật căng da mặt. Một nữ nhân viên ngân hàng 27 tuổi
bị mù sau khi tiêm filler nâng mũi 1 triệu đồng/lần.[6]
Trong khoa tôi làm việc, có cô y tá nâng mũi, nhưng bị biến chứng phải chỉnh sửa
nhiều lần, nay mũi hầu như luôn đỏ và đau. Từ một người khỏe mạnh, cô ấy tự chuốc
vào người cái phiền toái và trở thành bệnh nhân thường xuyên của BS Tai mũi họng!
Đơn giản như PTTM cắt mí mắt, có người bị sẹo lồi và sau đó mắt không thể nhắm
kín! Và còn nhiều nữa, bạn đọc có thể tìm vô số câu chuyện biến chứng PTTM trên
truyền thông.
II. ĐỊNH NGHĨA VỀ “VẺ ĐẸP”
Tiêu chuẩn của vẻ đẹp, nhất là vẻ đẹp phái nữ
đã thay đổi qua nhiều thời kỳ khác nhau: từ vẻ dịu dàng, e lệ, “mình hạc sương
mai”, đến vẻ đẹp khỏe mạnh, năng động, cởi mở. Thời nay, không biết bao nhiêu
cuộc thi sắc đẹp đã được tổ chức dựa trên những tiêu chuẩn về cơ thể, hay tỷ lệ
các nét trên khuôn mặt, tài năng, trí tuệ… Những thông tin và hình ảnh quảng
cáo của nhiều cơ sở làm đẹp, một cách vô thức, đang hình thành trong tâm trí
đám đông những “hình mẫu” về vẻ đẹp phụ nữ.
Một số bạn trẻ hiện đại có quan niệm rất cởi mở
về vẻ đẹp. Họ cho rằng mỗi người đều sở hữu một vẻ đẹp riêng, có sức cuốn hút
riêng. Vẻ đẹp còn toát ra từ hành động đẹp, sự quan tâm đến con người và môi
trường, từ quan điểm sống và phong thái riêng của mỗi người. Thật khó dùng tiêu
chuẩn để miêu tả. Với những phụ nữ trưởng thành, quan niệm về vẻ đẹp mang sắc
thái riêng. Khi đã có gia đình và công việc, vẻ đẹp của người phụ nữ phụ thuộc
rất nhiều vào trạng thái tinh thần của họ. Nếu có công việc ổn định, điều kiện
kinh tế tốt, gia đình hạnh phúc, thì ở họ toát lên vẻ đẹp của sự tự tin, thư
thái. Ngược lại, nếu công việc không ổn định, kinh tế khó khăn, thì người có vẻ
bên ngoài đẹp đến mấy cũng chóng già nua.[7]
Tổ tiên VN xếp vẻ đẹp hình thể bên ngoài là một
trong bốn nét làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ: công, dung, ngôn, hạnh. Người
xưa rất thâm thúy xếp nét đẹp tinh thần lên trên vẻ đẹp hình thể “cái nết đánh
chết cái đẹp”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Thật vậy, nét đẹp tinh thần tồn tại với
thời gian, còn vẻ đẹp bên ngoài theo quy luật vật chất sẽ tàn phai theo năm
tháng.
III. QUAN ĐIỂM Y KHOA VỀ PTTM
Trước tiên chúng ta cần lưu ý: PTTM không phải
là việc chữa bệnh. Trên tạp chí Annals of Surgery, BS PTTM John Davis đã đưa ra
minh họa để phân biệt như sau: Sự khác biệt giữa một ca mổ bụng (chẳng hạn cắt
khối ung thư ruột) và ca mổ PTTM (như gọt cằm) là gì? Ca mổ bụng là điều trị cần
thiết cho sức khỏe, thậm chí cứu sống bệnh nhân, còn ca mổ PTTM thì không thiết
yếu mà chỉ là một kỹ thuật làm đẹp. Do đó có thể nói rằng, một cách chặt chẽ,
PTTM không thuộc phạm trù của y khoa, tuy thường do BS thực hiện.
Còn giải phẫu chỉnh hình (reconstructive
surgery) giúp tái tạo những cơ phận bị tổn thương ở bệnh nhân là một can thiệp
y khoa, chẳng hạn phẫu thuật tạo hình mặt cho bệnh nhân bị tạt acid, bị hỏa hoạn,
giúp người bệnh có thể trở về cuộc sống bình thường. PTTM có mục tiêu đơn giản
là làm đẹp (theo ý muốn của người đó, chứ chưa chắc là đẹp theo một tiêu chuẩn
nào đó); trong khi mục tiêu của y khoa là phòng ngừa, chữa lành bệnh tật, giảm
đau, chăm sóc, cứu mạng sống bệnh nhân. BS C. Siebert, một chuyên
viên thẩm mỹ nổi tiếng , phát biểu: “Thật kinh ngạc khi chúng ta được mổ xẻ
trên những người bình thường. Ý tưởng được mổ trên người hoàn toàn bình thường
quả là một đặc quyền khó tin”.[8]
IV. TÍNH LUÂN LÝ CỦA PTTM TRÊN QUAN ĐIỂM THẦN HỌC LUÂN LÝ
1. Christus Vivit và Vẻ Thanh Xuân của Ba Ngôi Nơi Khuôn Mặt Đức Kitô
. . .
Hướng Đến Một Nền Thần Học Thẩm Mỹ
Thiên Chúa (TC) là Chân, Thiện, Mỹ. Đức Thánh
Cha (ĐTC) Phanxicô đã gửi Chương IV của Christus
Vivit (CV) như “Một thông điệp lớn cho mọi người trẻ”. Ngài mở ra cho người
trẻ một cái nhìn mới về Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu Tuyệt Mỹ. Ngài muốn dẫn
dòng suy tư của giới trẻ cũng như toàn thể Giáo Hội hướng đến một điều mà chúng
ta có thể gọi là “một nền thần học về thẩm mỹ”, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha,
Con và Thánh Thần.
Trong trình thuật tạo dựng (St 1,1-4a), thành
ngữ: “TC thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” được dùng sáu lần.
Trình thuật về công trình sáng tạo mạc khải cho chúng ta về TC, là Đấng Sáng Tạo
vẻ đẹp, nhưng Ngài cũng chính là Đấng thưởng thức, trân trọng và yêu mến sự
toàn mỹ. Mọi sự tốt đẹp đều xuất phát từ TC và chia sẻ chính vẻ đẹp vô biên của
Ngài, nhưng duy nhất chỉ có con người được mang lấy hình ảnh TC (St 1,27). Mang
hình ảnh của TC là mang chính vẻ tuyệt mỹ khôn lường của Ngài. Vẻ đẹp chúng ta
được chia sẻ với TC, chính chúng không nhìn thấy và không tát cạn được bằng lý
trí và giác quan hạn hẹp nhân loại, nhưng TC, Đấng tạo thành chúng ta, Ngài biết.
Hẳn nhiên phải chờ mạc khải của Đức Kitô, Người
Con chí ái của Chúa Cha, nhân loại mới biết được Thiên Chúa Cha yêu sự đẹp nên
sáng tạo và gìn giữ sự đẹp như thế nào: “Hãy
ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm
lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomon, dù
vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài
đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì
huống hồ là anh em” (Mt 6, 28-30).
Khi yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược
đãi mình, các môn đệ của Đức Kitô phản ảnh chính sự tốt lành và tình yêu toàn hảo
của Cha. TC cho chúng ta biết rằng Người thấy nơi chúng ta một vẻ đẹp mà không
ai khác có thể thấy: “Vì trước mắt
Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43, 4). Trước
tình yêu không cùng của Thiên Chúa là nguồn mạch của chân, thiện, mỹ, ĐTC cũng
nhắc nhở các bạn trẻ đừng bao giờ quên họ là chính là công trình không thể thay
thế được của Đấng Tuyệt Mỹ: Đối với Người, các bạn có giá trị; các bạn đáng kể.
Các bạn quan trọng đối với Người, vì các bạn là công trình của bàn tay Người (CV 115).
Một vẻ đẹp thần linh khác là “Chúa Kitô cứu
các bạn”, ơn cứu độ trong Đức Kitô, (CV
118). ĐTC muốn các bạn trẻ đọc Phúc Âm để gặp gỡ Đấng mà vẻ đẹp siêu phàm của
Ngài đã được tác giả Thánh Vịnh trước đó cả ngàn năm mô tả: “Giữa thế nhân, ngài
vô song tuyệt mỹ, nét duyên tươi thắm nở môi ngài” (Tv 45,1-2). Thánh Phaolô nhìn thấy vẻ đẹp của Thập Giá và say mê
Đấng Chịu Đóng Đinh (x. 1Cr 1,18-25)
đến nỗi vị thánh thốt lên: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức
Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con
TC, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi (Gl 2,20).
Để cảm nghiệm được hết vẻ đẹp của Thập Giá cứu
độ, theo ĐTC, các bạn trẻ phải dành thời giờ và tạo cho mình khả năng để đọc
“câu chuyện tình” (CV 120) mà Tình Yêu Cứu Độ của Đức Kitô đã viết nên. Đoạn kết
của câu chuyện tình này là sự tha thứ và sự cứu rỗi trở thành một món quà nhưng
không. Sự hy sinh của Đức Kitô trên thập giá lớn đến nỗi chúng ta không bao giờ
có thể đền đáp, mà chỉ có thể tiếp nhận với lòng biết ơn vô tận và niềm vui của
trái tim được yêu thương (x. CV 121). Chính Thập Giá Đức Kitô cho người trẻ thấy
giá trị và vẻ đẹp của họ. Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện bất cứ nơi nào Chúa
Cha và Chúa Con hiện diện, tràn đầy trái tim Chúa Kitô phục sinh sẽ tràn qua cuộc
sống của các bạn trẻ. Chúa Thánh Thần sẽ kéo các bạn trẻ sâu hơn vào trái tim của
Chúa Kitô, để họ có thể lớn lên trong tình yêu, cuộc sống và quyền năng của Người
(CV 131).[9]
2. Phân định
Trước hết cần nhìn nhận mặt tích cực của PTTM.
Phương pháp làm đẹp này đã giúp một số người “đổi đời” như nghệ sĩ, diễn viên
nhận được nhiều show diễn giá trị hơn, các cô gái tự tin hơn khi có được vẻ đẹp
hoàn hảo hơn, thậm chí cứu vãn hạnh phúc gia đình khi lôi kéo được ông chồng
ngoại tình trở về… Ngoài ra, PTTM đang cố gắng đáp ứng sự khiếm khuyết cảm xúc,
cảm thấy rất khó chịu về chính bản thân mình bằng những phương pháp y khoa để
tìm kiếm sự chấp nhận từ người khác hay thu hút sự chú ý.
Tuy nhiên, một tài liệu mới của Vatican đã lên
án PTTM phụ nữ, gọi đó là “một tấn kích đối với căn tính phụ nữ.” Tài liệu này
được hình thành do một nhóm phụ nữ cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa.
Tài liệu cảnh báo “phẫu thuật thẩm mỹ không xuất phát từ nhu cầu cần được điều
trị y khoa có thể là một tấn kích đối với bản sắc nữ tính. Nó cho thấy một sự từ
chối cơ thể đến mức phủ nhận những ‘hương vị’ lẽ ra phải được tôn trọng trong
cuộc sống”. Những chỉ trích về PTTM là một phần trong một phân tích rộng hơn về
những thách thức mà người phụ nữ hiện đại phải đối diện trong Giáo Hội và xã hội.
Tờ Christian Post ghi nhận rằng tài liệu về
PTTM của Tòa Thánh được đưa ra trùng hợp với tuyên bố của siêu người mẫu
Andressa Urach của Brazil, người đã quả quyết là sửa sắc đẹp là một tội lỗi. Cô
Andressa Urach, xướng ngôn viên của nhiều chương trình truyền hình Brazil nói với
tờ Daily Mail là cô đã từng vượt qua lằn ranh giữa sự sống và sự chết do PTTM,
và gặp gỡ Chúa. Andressa Urach nói thật khó chống lại trào lưu “nghiện” sửa sắc
đẹp của phụ nữ ở Brazil nhưng cô sẽ chiến đấu chống lại não trạng này đến hơi
thở cuối cùng.[10]
Kinh thánh không có đề cập cụ thể đến việc
PTTM. Tuy nhiên, PTTM biến đổi cơ thể của một người mạnh khỏe bình thường tỏ ra
trái với tự nhiên, và luôn có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, cả về mặt thể xác lẫn
tâm lý. Không ai được cho phép bản thân mình bị đặt trước nguy cơ thậm chí tử
vong mà trước tiên không có sự nghiên cứu kỹ càng về mọi khả thể.
Cần phải nhận định rõ mục tiêu khi muốn PTTM.
Có nhiều người thân thể bị biến dạng, do bẩm sinh hay vì tai nạn như hở hàm ếch…thì
việc mà họ muốn được sửa chữa các khuyết tật là hữu lý. Việc này thuộc phạm trù
phẫu thuật chỉnh hình và được chấp nhận về luân lý.
PTTM thường được thực hiện nhất bao gồm đặt
túi ngực, hút mỡ bụng, căng da mặt, căng da mắt, bơm mông/nâng mông và những bộ
phận khác của cơ thể, tiêm botox hay filler, cắt mí mắt, sửa mũi, sửa mặt. Thật
ra nhiều người căng da mặt sau đó gương mặt căng đơ, mất biểu cảm tự nhiên. Khoảng
hai triệu người trải qua các PTTM như thế hàng năm, tốn tiền, hy sinh thời gian
và sự thoải mái. Khi lòng tự tôn thúc đẩy một người chịu đựng phẫu thuật, thì
người đó trở nên thần tượng chính mình. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta không được
kiêu ngạo hay tự cao tự đại (Pl 2,3-3) và cũng không tìm cách hấp dẫn thể lý
lôi cuốn người khác (I Tm 2,9). Một vấn đề liên quan nữa đó là chi phí PTTM rất
đắt. Phải cân nhắc thận trọng trước những nhu cầu kinh tế của gia đình, của tha
nhân với bao nhiêu người nghèo đói. Hai năm đại dịch COVID-19 dạy cho chúng ta
bài học thực tế biết điều gì là chính yếu của cuộc sống, nhất là đối với Kitô hữu.
Kinh Thánh cũng nói cho chúng ta biết rằng chúng ta cần phải sử dụng một cách
khôn ngoan tiền của mà TC đã giao phó cho chúng ta (Cn 11,24-25; Lc 16,10-12).
“Duyên là giả dối, sắc lại hư không. Nhưng người
nữ nào kính sợ Đức Chúa Trời sẽ được khen ngợi” (Cn 31,30). Ngay cả những ca
PTTM thành công cũng không thể ngăn chặn được tác động của thời gian, đó là sự
lão hóa. Các phần thân thể được nâng lên rồi cũng sẽ xệ xuống lại, và các bộ phận
đã được kéo căng ra rồi thì cũng sẽ nhăn lại.[11]
Vì vậy, một mặt, chúng ta không xem nhẹ sự khiếm
khuyết cảm xúc, cảm thấy khó chịu về một đặc điểm hình thể của chính bản thân
mình, một mặt chúng ta phải phân định cẩn trọng trước khi chọn PTTM. Trong y
khoa không ai có thể bảo đảm chắc chắn các thủ thuật dù nhỏ là sẽ không có tai
biến, như đã nói ở trên. Trên hết mọi sự chúng ta hãy lo trau giồi vẻ đẹp nội
tâm, và nâng cao các tài năng đóng góp cho đời, chăm sóc gia đình con cái, tạo
cho mình sự tự tin và tự trọng. Đó mới là nét đẹp chính đáng và lâu bền. Thánh
Phêrô đã khuyên nhủ: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã
bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người
nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền
hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1Pr 3, 3-4).
Bên cạnh khả thể một số biến chứng gây phiền
toái cho đời sống của người PTTM, việc PTTM cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong. Do
đó xét theo luân lý Công giáo, từ một góc độ có thể coi việc PTTM là tự đặt
mình vào nguy cơ tử vong, đây là một lỗi nặng, bởi không ai được phép đặt mạng
sống mình vào sự nguy hiểm ngoài việc để bảo vệ mạng sống của chính mình hay bảo
vệ công ích chính đáng. Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy: “Mỗi người chịu trách
nhiệm về sự sống của mình trước mặt Thiên Chúa là Đấng đã ban sự sống cho mình.
Chính Ngài vẫn là Chủ tể tối thượng của sự sống. Chúng ta buộc phải đón nhận sự
sống với lòng biết ơn và gìn giữ sự sống để tôn vinh Ngài và để cứu độ linh hồn
chúng ta. Chúng ta là những người quản lý chứ không phải những ông chủ của sự sống
mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta. Chúng ta không có quyền định đoạt về sự
sống” (GLHTCG số 2280); “Luật luân lý cấm đặt một người nào đó vào chỗ nguy tử
nếu không có lý do nghiêm trọng” (GLHTCG số 2269).
[1] Thùy Liên, “Lịch sử hình thành phẫu thuật thẩm
mỹ”, <https://vnexpress.net/lich-su-hinh-thanh-phau-thuat-tham-my-2954519.html>
(22/2/2014)
[2] Đặng Tự Do, “Vatican “tấn công” phẫu thuật thẩm
mỹ, siêu người mẫu Brazil quả quyết sửa sắc đẹp là một tội lỗi”, <http://vietcatholicnews.org/News/Home/Article/133934>,
(30/1/2015)
[3] “Người Công giáo có
được phép giải phẫu thẩm mỹ không?”, <http://www.tinmung.net/hoi%20dap/hoidapindex.htm>.
[4] Theo Nguyên Bảo (Tổng hợp) (Dân Việt), “Người đàn bà đẹp nhất Sài
Gòn và sự tàn phá kinh hoàng của phẫu thuật thẩm mỹ”, <https://www.24h.com.vn/bi-quyet-lam-dep/nguoi-dan-ba-dep-nhat-sai-gon-va-su-tan-pha-kinh-hoang-cua-phau-thuat-tham-my-c673a988758.html>,
(8/9/2018).
[6] “Nữ nhân viên ngân hàng 27 tuổi mù trở lại
sau khi tiêm filler nâng mũi 1 triệu/lần”, (1/10/2020)
[7] Bảo Bình, “Định nghĩa vẻ đẹp trong thế kỷ
21”, <https://thanhnien.vn/dinh-nghia-ve-dep-trong-the-ky-21-post1047802.html>,
(19/3/2021).
[8] “Người Công giáo có
được phép giải phẫu thẩm mỹ không?” <http://www.tinmung.net/hoi%20dap/hoidapindex.htm>
[9] Lm Phao lô Ý, “Christus Vivit và Vẻ Thanh
Xuân của Ba Ngôi Nơi Khuôn Mặt Đức Kitô”, <https://gpquinhon.org/q/thuong-huan/christus-vivit-va-ve-thanh-xuan-cua-ba-ngoi-noi-khuon-mat-duc-kito-2171.html>,
(19/9/2019).
[10] Đặng Tự Do, “Vatican “tấn công” phẫu thuật thẩm
mỹ, siêu người mẫu Brazil quả quyết sửa sắc đẹp là một tội lỗi”, <http://vietcatholicnews.org/News/Home/Article/133934>,
(30/1/2015).
[11] “Kinh thánh nói gì về việc một Cơ Đốc nhân giải
phẫu thẩm mỹ/phẫu thuật tạo hình?” <https://www.gotquestions.org/Viet/phau-my.html>.