QUY CHẾ HƯỚNG DẪN
VIỆC BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
VÀ XỬ LÝ NHỮNG CÁO BUỘC
LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC LẠM DỤNG TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
VÀ NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
TRONG HỘI THÁNH
PHÁC THẢO
Dựa Theo Luật Áp Dụng Tại Vatican City State, ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2019[1]
Ghi chú: Đây không phải là “dự thảo” nhưng chỉ là “phác thảo” dựa trên tài liệu chính thức của Tòa Thánh, để người đọc có thể hình dung Quy chế hướng dẫn mà các Hội Thánh địa phương có thể khai triển trong hoàn cảnh cụ thể của mình.
Dẫn nhập
Việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị thương tổn là một phần của sứ vụ của Hội Thánh. Nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho tất cả dân Chúa, Hội Thánh xác tín rằng mỗi người có một giá trị nhân phẩm cao trọng do được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa: “Hội Thánh cùng với toàn thể thành viên trong Hội Thánh được mời gọi dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ vị thành niên và bảo đảm sự phát triển nhân bản cũng như phát triển đời sống thiêng liêng xứng với phẩm giá con người, vốn là một phần quan trọng trong giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng.”
A. Giới hạn áp dụng
Bộ Quy chế hướng dẫn và quy tắc ứng xử này được đề ra theo sự chỉ dẫn của Tòa Thánh nhằm bảo đảm việc bảo vệ trẻ và những người dễ bị tổn thương, do đó cần phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt trong đời sống Hội Thánh.
Những quy trình được đưa ra trong Bộ Quy chế này nhằm hướng đến việc bảo đảm và giữ gìn cộng đoàn dân Chúa luôn trong sáng, đồng thời làm nổi bật nhận thức về quyền và nhu cầu chính đáng của trẻ và những người dễ bị thương tổn. Hội Thánh chú ý đến những mối nguy hiểm của sự lạm dụng trẻ dưới mọi hình thức, như tính dục, bạo hành và ngược đãi có thể xảy ra trong môi trường hoạt động của Hội Thánh. Do đó Bộ Quy tắc này cần được áp dụng và tuân thủ và dành cho tất cả các:
- Ban tư vấn của các Giám mục giáo phận, và văn phòng tư pháp của Hội Thánh tại các Giáo phận;
- các Giáo phận, giáo hạt và giáo xứ;
- tất cả các cha tuyên uý, cha linh hướng của các hội đoàn tông đồ giáo dân được lãnh nhận sứ vụ chăm sóc đoàn chiên Chúa;
- tất cả các linh mục, phó tế, và những người làm công tác giáo dục trong Hội Thánh;
- tất cả các thành viên, tu sĩ nam nữ trong các hội dòng và các tu đoàn tông đồ;
- tất cả những ai tham gia hoạt động trong Hội Thánh, trong các cơ sở giáo dục, cơ sở bác ái xã hội trực thuộc Hội Thánh.
B. Ủy Ban chuyên trách (UBCT) thuộc HĐGM về việc bảo vệ trẻ
HĐGM sẽ bầu một Ủy ban chuyên trách (UBCT) việc phòng ngừa lạm dụng và bảo vệ trẻ em. Ủy ban này trực thuộc HĐGM, có trách nhiệm (1) điều phối và đưa vào áp dụng các điều khoản hướng dẫn và tuân thủ cho từng Giáo phận; (2) thúc đẩy việc tôn trọng và nhận thức về quyền và nhu cầu của trẻ và người dễ bị tổn thương; (3) phòng ngừa và bảo vệ trẻ khỏi tất cả những hình thức bạo hành và lạm dụng.
UBCT sẽ phối hợp các hoạt động phòng ngừa và hoạt động huấn luyện dành cho tất cả các thành viên trong Hội Thánh, đặc biệt là những người làm công tác mục vụ. UBCT này cũng được chỉ định để đón nhận và đồng hành với những ai xác nhận rằng mình đã là nạn nhân của sự lạm dụng, lạm dụng tình dục, hoặc lạm dụng thể lý hay bị ngược đãi trong Hội Thánh và không loại trừ gia đình của họ.
UBCT sẽ có những người có chuyên môn để có thể đồng hành với nạn nhân và cố vấn cho HĐGM trong việc phòng ngừa cũng như tiếp nhận các khiếu nại, tố giác liên quan đến việc giáo sĩ lạm dụng trong Hội Thánh.
C. Những người làm công tác mục vụ trong Hội Thánh
1. Việc tuyển chọn các ứng viên làm công tác mục vụ trong Hội Thánh cần phải bảo đảm, một cách cụ thể, đó là ứng viên phải trong sáng trong tương quan với trẻ em, thông qua việc điều tra về lịch sử bản thân cũng như phải có cơ sở bảo đảm ứng viên đó không dính đến bất kỳ vụ bê bối hoặc thưa kiện nào trong quá khứ trong khi làm việc với trẻ.
2. Tất cả những người làm công tác mục vụ cần phải được huấn luyện đầy đủ về những nguy cơ liên quan đến sự lạm dụng, lạm dụng tình dục và ngược đãi trẻ em, ngay cả việc cần phải được biết phương pháp phát hiện, phòng ngừa những trường hợp lạm dụng. Họ phải được tham gia vào các chương trình thường huấn tổ chức bởi HĐGM, và có thể tìm đến UBCT để được đồng hành, hướng dẫn khi có nhu cầu.
3. Tất cả những cộng tác viên trong việc mục vụ cũng sẽ được thông báo thường xuyên về những hành vi và thái độ phải có trong việc ứng xử với trẻ em, ngoài ra họ cũng được cho biết những hành vi nào phải tránh và không được phép.
D. Các hoạt động mục vụ
1. Trong các hoạt động mục vụ có liên quan đến trẻ, những người đồng hành với trẻ phải trang bị cho mình những thái độ và tính cách phù hợp. Do đó, trong suốt quá trình diễn ra các hoạt động mục vụ, người làm việc mục vụ cần phải:
- dùng sự khôn ngoan và tôn trọng trong tương quan với trẻ;
- giúp trẻ nhìn thấy những gương tích cực để có thể hướng đến và noi theo;
- luôn luôn được nhìn thấy bởi người khác khi có sự hiện diện của trẻ;
- thông báo ngay lập tức tới người có trách nhiệm khi phát hiện những hành vi có nguy cơ liên quan đến sự lạm dụng;
- tôn trọng ranh giới và thân thể của trẻ;
- thông báo cho cha mẹ và người giám hộ trẻ tất cả những hoạt động được đề nghị để trẻ tham gia và phương cách tổ chức các hoạt động trên;
- cẩn thận và khôn ngoan trong việc liên lạc và tương giao với trẻ, ngay cả khi liên lạc qua email hoặc mạng xã hội.
2. Những người làm công tác mục vụ không được
- gây đau đớn hoặc thương tổn thể lý trẻ bằng bất cứ hình thức nào;
- thiết lập một quan hệ cá nhân, quan hệ riêng với bất cứ một trẻ nào đó;
- đưa trẻ vào trong hoàn cảnh có nguy hiểm liên quan đến tâm lý và thể lý;
- liên lạc và tương quan với trẻ một cách không lành mạnh, có những hành vi không phù hợp hoặc có những hành vi liên quan đến tính dục đối với trẻ;
- đề nghị trẻ giữ bí mật;
- cho riêng một trẻ nào đó quà mà không cho các trẻ khác trong nhóm;
- chụp ảnh hoặc quay phim trẻ mà không có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ;
- xuất bản hoặc đăng trên mạng bao gồm cả mạng xã hội những hình ảnh của trẻ mà người thứ 3 có thể nhận biết được mà không có sự đồng ý của cha mẹ trẻ hoặc người giám hộ.
3. Những hoạt động mục vụ tổ chức cho trẻ phải phù hợp với độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ. Bằng mọi cách có thể, những người làm mục vụ cần phải đặc biệt chú tâm đến việc không để trẻ đi vào (hoặc ở) những nơi kín đáo không có thể nhìn thấy được bởi người khác hoặc không thể kiểm soát được.
4. Những hành vi không phù hợp hoặc những hành vi bắt nạt giữa trẻ cần phải được lưu ý, ngay cả khi có điều đó, cũng không nên có những phản ứng thái quá, mà cần phải đối diện sớm, với sự bình tĩnh, khôn ngoan và thận trọng, đồng thời thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ.
E. Sự đồng thuận cần phải có của người giám hộ hoặc phụ huynh
1. Bất cứ một hoạt động mục vụ nào đó mà trẻ tham gia phải có sự đồng thuận bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ. Phụ huynh và người giám hộ cần nhận được đầy đủ thông tin về hoạt động được tổ chức cho trẻ cũng như tên và địa chỉ của những người có trách nhiệm.
2. Phụ huynh và người giám hộ cũng cần xác nhận bằng văn bản cho phép việc chụp hình quay phim trẻ cũng như liên lạc với trẻ qua phương tiện truyền thông: điện thoại, mạng xã hội, facebook...
3. Những sự cho phép hoặc uỷ quyền có chứa những thông tin cá nhân quan trọng của trẻ cũng cần phải được bảo quản và bảo mật.
F. Xử lý những cáo buộc hợp lệ và có chứng cứ về lạm dụng, những lạm dụng tình dục và ngược đãi
1. Những người xác nhận mình là nạn nhân của sự ngược đãi hay lạm dụng tình dục trong môi trường giáo hội, cũng như gia đình của họ, có quyền được đón nhận, lắng nghe và đồng hành. Hội Đồng Giám Mục, một cách trực tiếp hoặc thông qua UBCT, sẽ phải tạo mọi điều kiện để lắng nghe tiếng nói của họ, và hành động để bảo đảm một sự hỗ trợ về thiêng liêng cũng như bảo vệ hình ảnh, danh dự của họ trong sự bảo mật và kín đáo, cũng như những thông tin cá nhân của họ. Một linh mục có đủ năng lực sẽ được chỉ định để đồng hành thiêng liêng với người phạm tội và gia đình của họ.
2. Đối với những người bị hại, Hội Thánh cũng sẽ hỗ trợ về mặt y tế và xã hội, trong đó có việc hỗ trợ trị liệu về tâm lý, cũng như những thông tin cần thiết liên quan đến luật pháp, giúp những người đó tiếp cận các dịch vụ cần thiết về mặt y tế và sức khỏe.
3. Ngoài việc cần phải bảo vệ ấn tín tòa giải tội, những người làm việc mục vụ, những cộng tác viên cũng như tình nguyện viên khi có bất kỳ thông tin gì liên quan đến một trẻ là nạn nhân của lạm dụng, lạm dụng tình dục hoặc ngược đãi, họ cần phải thông báo cho Hội Đồng Giám mục hoặc UBCT về nghi án trên.
4. Tổng đại diện hoặc UBCT sẽ đề nghị người tố giác soạn một thư bằng văn bản và gửi đến văn phòng tư pháp của Giáo phận hoặc ban đại diện tư pháp của Hội Đồng Giám mục. Người thông báo cũng được khuyến khích đứng ra tố giác trực tiếp với văn phòng tư pháp của Giáo phận.
5. Khi bị đơn là một giáo sĩ hoặc thành viên của một hội dòng, thì khi nhận được thông tin trên, Tổng đại diện sẽ thông báo lập tức cho bề trên hợp pháp của bị đơn về vấn đề trên.
6. Một khi thông tin về tội phạm cho thấy rằng có căn cứ, Tổng đại diện sẽ thông báo cho chánh án của giáo phận và sẽ ngưng mọi hoạt động mục vụ của bị đơn.
7. Trong trường hợp có sự từ chối cáo buộc bằng văn bản hoặc có lý do chính đáng do người bị hại đưa ra, hoặc người đại diện luật pháp của người đó từ chối cáo buộc, hoặc có sự từ chối viết văn bản cáo buộc, Tổng đại diện sẽ không chuyển ngay hồ sơ báo cáo lên ban tư pháp để tìm công lý trước khi lắng nghe ý kiến của UBCT, nhưng phải xác tín rằng việc báo cáo là cần thiết để bảo vệ người bị hại cũng như những trẻ em khác có thể bị nguy hại.
8. Trong trường hợp nằm trong thẩm quyền của mình và không ảnh hưởng đến các cuộc điều tra được tiến hành trong tố tụng dân sự, Tổng đại diện thực hiện một cách cá nhân hoặc thông qua một linh mục là chuyên gia trong thủ tục điều tra và có sự khôn ngoan trong phân định sẽ tiến hành điều tra trước theo Điều 1717 của Bộ Giáo luật. Cuộc điều tra được tiến hành như một ưu tiên.
9. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, bề trên Bản quyền cũng có thể uỷ nhiệm thẩm quyền điều tra này thay cho Tổng Đại Diện.
10. Trong quá trình tố tụng, một khi đã xác định được hành vi phạm tội, tính tổng quan về tội đó và tuổi của người bị hại, và những ảnh hưởng liên quan đến bí tích, các tài liệu về chứng cứ sẽ được thu thập bao gồm những lời khai và bằng chứng từ nhiều nguồn và nơi chốn khác nhau. Tổng đại diện cũng có thể tự mình sử dụng các bản khai, lời khai, tài liệu và báo cáo chuyên gia thu thập tại toà án dân sự, cũng như bất kỳ phán quyết hoặc quyết định nào liên quan đến vấn đề điều tra của các cơ quan tài phán của Nhà nước. Để kết thúc việc này, Tổng đại diện cũng có thể đình chỉ các thủ tục tố tụng trong khi chờ đợi các kết luận điều tra dân sự.
11. Trong tiến trình điều tra cần phải chú ý đến:
a. làm việc để mang đến sự chữa lành cho từng cá nhân liên quan;
b. không chậm trễ trong việc thu thập lời khai của người bị hại và theo các thủ tục phù hợp với mục đích;
c. hướng dẫn người bị hại tìm đến dịch vụ hỗ trợ về đồng hành và để được chữa lành;
d. giải thích cho người bị hại biết về quyền họ có là gì và cách để khẳng định chúng, bao gồm khả năng cung cấp bằng chứng và yêu cầu được lắng nghe, một cách trực tiếp hoặc thông qua một bên trung gian;
e. thông báo cho người bị hại, nếu được yêu cầu, về kết quả của các giai đoạn riêng lẻ của quá trình tố tụng;
f. khuyến khích người bị hại tìm đến nơi tư vấn và hỗ trợ pháp lý trong dân sự;
g. bảo vệ người bị hại và gia đình họ trước những sự hăm doạ và trả thù.
h. bảo vệ hình ảnh và đời sống riêng tư, cũng như bảo mật các thông tin cá nhân của người bị hại.
12. Sự giả định vô tội phải luôn luôn được đảm bảo, và bảo vệ danh tiếng của nghi phạm. Trừ khi có những lý do nghiêm trọng ngược lại, nghi phạm sẽ được thông báo kịp thời về những lời buộc tội chống lại mình, để đương sự có thể tự bảo vệ mình trước những cáo buộc. Đương sự cũng được khuyến khích tìm đến sự trợ giúp tư vấn về pháp luật dân sự và tư pháp. Và cũng sẽ được giới thiệu tìm đến sự hỗ trợ về thiêng liêng và tâm lý.
13. Trong trường hợp có lý do để tin rằng các hành vi phạm tội có thể được lặp lại, các biện pháp phòng ngừa thích hợp cần được thực hiện không chậm trễ.
14. Nếu cuộc điều tra cho thấy khả năng của tội phạm, Tổng đại diện đệ trình vụ án cho thẩm quyền cao hơn đã được chỉ định. Trong trường hợp ngược lại, Tổng Đại diện sẽ ban hành một quyết định nêu rõ lý do và kết quả. Sau đó tất cả các hồ sơ sẽ được lưu trữ trong văn khố xác nhận các bước đã làm và lý do đưa ra phán quyết cuối cùng.
15. Bất cứ ai bị tuyên bố phạm một trong những tội ác liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em và người dễ bị tổn thương, sẽ bị loại khỏi tác vụ của mình. Người đó cũng sẽ được hỗ trợ cần thiết để phục hồi về mặt tâm lý và thiêng liêng, cũng như sẽ được giúp cho hội nhập trở lại với xã hội.
Thực hiện: Lm. GB Phương Đình Toại
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 113 (Tháng 7 & 8 năm 2019)
________
[1] http://www.vatican.va/resources/resources_protezioneminori-lineeguida_20190326_it.html