Hình Đức Thánh Cha được tiếp đón tại Phủ Doãn Tông Tòa Mông Cổ ngày 01.09.2023.
Ở MÔNG CỔ,
ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ GẶP GIÁO HỘI LÝ TƯỞNG CỦA MÌNH
Trong chuyến tông du Mông Cổ, từ ngày 31/8 - 4/9/2023,
Đức Phanxicô không ngừng khích lệ cộng đồng Công giáo nhỏ bé của đất nước –
chưa đến 1.400 tín hữu trên 3,3 triệu dân.
Tất cả họ quy tụ để chụp một bức ảnh gia đình,
trông gần giống như một cảnh trong phim. Khi rời nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô
và Thánh Phaolô ở Ulan Bator, Thứ Bảy tuần này, ngày 2 tháng 9, những người
Công giáo của một trong những cộng đồng nhỏ nhất trên thế giới xếp thành đội
danh dự xung quanh Đức Giáo hoàng, cùng với Đức Hồng y Giorgio Marengo, vị Giám
mục duy nhất của đất nước. Đức Phanxicô vừa nói chuyến trước mặt họ, trong nhà
thờ theo hình dáng một chiếc lều của người Mông Cổ, nhưng giờ đây chính họ là
những người hét lên không muốn dừng lại: “Viva Papa!”
Một số người có mặt dường như vẫn chưa tin, rưng
rưng nước mắt. Có vẻ như toàn bộ Giáo hội Mông Cổ đều ở đó. Hầu như tất cả 25
linh mục có mặt ở đất nước này, nơi nhiệt độ có thể lên tới -40 độ vào mùa
đông, và vài chục nữ tu, tất cả đều đang truyền giáo ở quốc gia Trung Á chỉ có
một số ít người Công giáo này: chưa đến 1.400 tín hữu trong tổng số 3,3 triệu
dân.
“Sự nhỏ bé không phải là vấn đề mà là một cơ
may”
Trong chuyến tông du lịch sử tới Mông Cổ, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã gặp được điều mà ngài đã nhiều lần miêu tả là một hình thức
Giáo hội lý tưởng. Một Giáo hội ở các vùng ngoại vi của thế giới, như ngài đánh
giá cao, ở một đất nước mà người Công giáo chỉ chiếm một thiểu số nhỏ bé. Ngài
nói với họ rằng con số không thành vấn đề. Trước sự hiện diện của các giáo sĩ,
tu sĩ và nhân viên mục vụ, ngài nói: “Sự nhỏ bé không phải là vấn đề mà là một
cơ may”. Ngài tin chắc rằng chúng ta nhận thức được trung tâm tốt hơn từ những
vùng ngoại vi: “Đúng vậy, Thiên Chúa yêu thích sự nhỏ bé và thích hoàn thành
những điều to lớn thông qua sự nhỏ bé.”
Trong Giáo hội được thành lập dựa trên lòng bác
ái này, nơi có những nhà truyền giáo đầu tiên chăm sóc trẻ mồ côi, người bệnh
và mở nhà cho người khuyết tật, đạo Công giáo đã phát triển bằng cách áp dụng “phong
cách phục vụ mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”, Đức Phanxicô nhận xét vài giờ
trước khi ngài rời khỏi đất nước vào sáng thứ Hai 4/9/2023.
Khi khánh thành “Nhà Lòng Thương Xót”, một trung
tâm bác ái do Giáo hội Công giáo điều hành ở Ulan Bator, Đức Thánh Cha ca ngợi
nhân đức của những người thực hiện trong đất nước này một “sự phục vụ hoàn
toàn nhưng không và vô vị lợi, mà mọi người tự do quyết định mang lại cho những
người nghèo túng: không phải trên cơ sở bù trừ tài chính hay bất kỳ hình thức đền
đáp cá nhân nào, mà xuất phát từ tình yêu thuần khiết dành cho người lân cận của
mình.”
Không chiêu dụ tín đồ hay óc chinh phục
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong chuyến viếng
thăm của mình: Giáo hội này, mà Ngài so sánh với “cộng đồng Kitô giáo nguyên thủy”
vào thời đó đã thực hiện “những lời của Chúa Giêsu”, không thể phát triển thông
qua việc chiêu dụ tín đồ. Một ý thức hệ mà ngài luôn kịch liệt bác bỏ. Ngài khẳng
định rằng đó cũng không phải vấn đề sử dụng các công việc xã hội với đầu óc
chinh phục.
Do đó, vào sáng thứ Hai 4/9/2023, Đức Thánh Cha
muốn “phá vỡ một huyền thoại (…) theo đó Giáo hội Công giáo, vốn nổi bật trên
toàn thế giới vì sự dấn thân to lớn đối với các công việc thăng tiến xã hội,
đang thực hiện tất cả những điều này bằng cách chiêu dụ tín đồ, như thể việc
chăm sóc cho những người khác là một hình thức xác tín để thu hút ‘về phía mình’.
Không,” ngài nói tiếp, “các Kitô hữu nhận ra những người nghèo túng
và làm mọi điều có thể để xoa dịu nỗi đau khổ của họ bởi vì họ nhìn thấy Chúa
Giêsu, Con Thiên Chúa, và nơi Người phẩm giá của mỗi người.”
Ở đây, không cần phải cảnh báo chống lại chủ
nghĩa giáo sĩ trị, vốn đã bị Đức Phanxicô lên án trên toàn thế giới, đặc biệt
là đối với các cộng đồng Công giáo ở phương Tây, mà ngài cho là thường hướng về
chính họ, bị ám ảnh bởi việc mất ảnh hưởng và bị ăn mòn bởi các cuộc tranh
giành quyền lực. Trong chuyến tông du này, những lời của Đức Thánh Cha giống
như lời của một người đang hỗ trợ một cộng đồng nhỏ, xa cách nhưng trung thành.
“Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục con đường
hiệu quả và có lợi này cho người dân Mông Cổ yêu quý,” ngài mời
gọi trong nhà thờ chính tòa, trước khi nói tiếp: “Hãy luôn gần gũi với mọi
người, bằng cách quan tâm đến họ cách cá nhân, học ngôn ngữ của họ, tôn trọng
và yêu mến nền văn hóa của họ, đừng để mình bị cám dỗ bởi những xác tín trần tục.”
Xa Rôma
Trái lại, Đức Thánh Cha cảnh báo họ chống lại sự
kiệt sức, và chống lại nguy cơ coi sự hiện diện của họ là “một chuỗi các
hành động phải trả, mà cuối cùng sẽ không mang lại điều gì khác ngoài sự mệt
mỏi và cảm giác thất đoạt”. Ngược lại, ngài khuyên, “bằng cách
tiếp xúc với khuôn mặt của Chúa Kitô, bằng cách tìm hiểu Người trong Thánh Kinh
và bằng việc chiêm ngưỡng Người trong thinh lặng thờ phượng trước Nhà tạm, anh
chị em sẽ nhận ra Người trên khuôn mặt của những người mà anh chị em phục vụ”.
Mọi thứ ở Mông Cổ đều nhắc nhở ngài rằng ngài đã
xa Rôma. Kể cả khi, nhiều lần, ngài thấy mình trình bày Giáo hội Công giáo, một
cách đơn giản, với các nhà hoạt động chính trị, những người rõ ràng biết rất ít
về Giáo hội. “Giáo hội Công giáo, một tổ chức cổ xưa và phổ biến rộng rãi ở
hầu hết các quốc gia, làm chứng cho một truyền thống tâm linh cao quý và hiệu
quả, vốn đã góp phần vào sự phát triển của toàn thể các quốc gia trong nhiều
lĩnh vực của đời sống con người, của khoa học và văn học, từ nghệ thuật đến
chính trị,” ngài đã nhấn mạnh như thế trong bài phát biểu đầu tiên của mình
vào sáng thứ Bảy tại Dinh tổng thống, trước mặt các nhà lãnh đạo đất nước.
Tình cảm của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Giáo
hội Mông Cổ nhỏ bé cũng được cụ thể hóa trong chuyến viếng thăm kéo dài bốn
ngày này, qua sự hiện diện thường xuyên của Đức Hồng y Marengo ở bên cạnh ngài.
Phủ doãn Tông Tòa Ulan Bator, vị giám mục duy nhất ở đất nước này thậm chí
không có một giáo phận nào, được thăng chức vào năm ngoái với tư cách là Hồng y
trẻ nhất của Giáo hội Công giáo, là một trong những kiến trúc sư chính của việc
thành lập Giáo hội trong khu vực.
“Nhà truyền giáo thực sự là người đến và chết
trên mảnh đất của mình,” vị Hồng y rất trẻ 49 tuổi đã nhấn mạnh, người đã đến
vào tháng 5 năm ngoái để sở hữu nhà thờ Thánh Giuđa Tông đồ, ở Rôma, nơi mà
ngài được bổ nhiệm làm cha sở một cách biểu tượng. Trước mặt các tín hữu người
Ý của giáo xứ nằm ở một quận ngoại ô thủ đô nước Ý này, vị Hồng y người Mông Cổ
đầu tiên đã nói về số phận của các cộng đồng xa Vatican nhất.
Ngài nói: “Họ làm nên hương vị của Giáo hội
Công giáo”. Một hương vị mà Đức Giáo hoàng muốn tận dụng và ngài đã mang về
Rôma vào thứ Hai, 4/9/2023. Có lẽ chưa bao giờ Vatican dường như xa với ngài
như trong bốn ngày ngài ở đất nước của Thành Cát Tư Hãn.
Tý Linh
(theo Loup
Besmond de Senneville, ở Ulan Bator, nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (04.09.2023)