Suy tư của Đức Hồng Y Tổng trưởng được Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh đăng tải trong những ngày gần đây, có nội dung như sau:

Chúa nhật ngày 24/11, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ và Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận lần thứ 39, với chủ đề “Ai hy vọng vào Chúa thì sẽ bước đi không mệt mỏi” (Is 40, 31). Một khoảnh khắc linh thiêng mạnh mẽ, trở nên phong phú nhờ bài giảng nói đến tâm hồn của người trẻ và tất cả các tín hữu, vạch ra con đường đức tin đích thực, bắt nguồn từ tình yêu và niềm hy vọng cụ thể.

Là linh mục, những lời của Đức Thánh Cha có một tiếng vang đặc biệt trong tôi. Tôi tự hỏi: Ngày nay, trở thành chứng nhân hy vọng có ý nghĩa gì trong một thế giới dường như thường tuyệt vọng, không có giải pháp và lựa chọn thay thế cho sự cứu chuộc?

Chúa Giêsu Vua trị vì trên thập giá

Đức Thánh Cha đã mở đầu bài suy tư của ngài về đoạn Tin Mừng theo phụng vụ Thánh lễ, nói về phiên toà của Chúa Giêsu trước Philatô, điểm nhấn của cuộc khổ nạn. Trong cảnh đầy kịch tính đó, Chúa Giêsu tuyên bố nước Người “không thuộc về thế gian này”. Một câu nghe có vẻ xa vời, nhưng Đức Thánh Cha đã biết đưa trở lại thực tế hàng ngày của chúng ta. Ngài nói: “Vương quốc Chúa Kitô không được xây bằng quyền năng hay sức mạnh, nhưng bằng việc trao ban chính mình và bằng tình yêu”. Hình ảnh của một vị Vua chịu Đóng đinh, tự trở thành tôi tớ vì tình yêu đã vang vọng trong tôi sâu sắc. Tôi nghĩ ngày nay, đón nhận một sứ điệp như vậy điều là rất khó khăn trong một thế giới thường đo lường thành công bằng quyền lực, con số và sự đồng thuận. Ngày nay, thách đố thực sự đối với người trẻ và tất cả những người đã được rửa tội là: nhìn nhận nơi Chúa Kitô một mẫu gương khác về sự vĩ đại, không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng được đặt nền tảng trên sự thật và công lý. Một lời mời gọi đi ngược dòng và từ bỏ lý luận của hình thức bên ngoài, phù du, để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Tình yêu thương cụ thể là chứng tá đến mức tử đạo

Trọng tâm của bài giảng là một lời kêu gọi thực thi bác ái, được hiểu không chỉ là hành động từ thiện nhưng là một lối sống. Đức tin và tình yêu không phải là những ý tưởng trừu tượng, nhưng như Đức Thánh Cha nói, chúng được chuyển thành những cử chỉ cụ thể. Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ cần tham gia vào việc quyên góp hoặc một sự kiện từ thiện nào đó là đủ để lương tâm bình yên. Nhưng cần phải biết vượt lên trên những điều này để biến tình yêu thương thành một hành động thường ngày và liên tục. Đức Thánh Cha khẳng định: “Mọi cử chỉ của tình yêu vô vị lợi sẽ xây dựng vương quốc Thiên Chúa”. Một nói câu đơn giản nhưng mạnh mẽ làm cho tôi nghĩ đến nhiều người trẻ âm thầm làm việc để làm cho thế giới tốt hơn, đôi khi phải trả giá bằng những hy sinh to lớn. Lời kêu gọi này đánh động tôi sâu sắc. Tôi đến từ một vùng đất đã từng trải qua những chia rẽ đau đớn và xung đột sâu sắc, nhưng cũng là một vùng đất có một đức tin kiên vững và không bao giờ mất hy vọng. Ở đây tôi tìm thấy nguồn cảm hứng nơi các vị tử đạo Hàn Quốc, những người nam và nữ thuộc mọi độ tuổi và hoàn cảnh đã sống Tin Mừng đến mức hy sinh cho đến cùng.

Trong thế kỷ XIX, Giáo hội Hàn Quốc đã phải chịu một cuộc bách hại tàn bạo, dẫn đến cái chết của hơn 10.000 Kitô hữu. Trong số này, nổi bật khuôn mặt của Thánh Anrê Kim Taegon, linh mục đầu tiên của Hàn Quốc, đã bị xử tử khi chỉ mới 25 tuổi vì loan báo đức tin. Các vị tử đạo đã làm chứng cho một tình yêu vượt lên trên sợ hãi và đau khổ, trở thành hạt giống của một Giáo hội sống động. Di sản của họ ngày nay là một nguồn sức mạnh cho chúng tôi. Tình yêu được các vị thể hiện không chỉ là một ý tưởng, nhưng là một dấn thân hàng ngày, một chọn lựa triệt để theo Chúa Kitô, ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống. Là một linh mục tôi thấy tình yêu này có thể biến đổi những con tim, xã hội, phong tục và văn hoá.

Cái nhìn hướng đến Đại hội Giới trẻ Thế giới 2027

Khi nghĩ về giới trẻ và Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được tổ chức vào năm 2027 tại Hàn Quốc, tôi cảm thấy một niềm vui lớn. Hướng đến các bạn trẻ, Đức Thánh Cha gọi họ là “hiện tại của Chúa”. Những lời này nhắc nhở rằng những người trẻ không chỉ là tương lai, nhưng là hiện tại của Giáo hội đang xây dựng và làm nên lịch sử. Tôi chắc chắn rằng Đại hội Giới trẻ Thế giới lần tới cũng sẽ là một cơ hội đặc biệt cho Giáo hội hoàn vũ.

Tôi sẽ không bao giờ quên cảm xúc vào cuối Đại hội Giới trẻ ở Lisbon, nơi công bố đất nước của tôi sẽ là địa điểm tiếp theo. Tôi đã xúc động đến rơi nước mắt. Đây sẽ là lần thứ hai Đại hội Giới trẻ Thế giới được tổ chức ở châu Á, sau Manila năm 1995, và tôi tin rằng nó sẽ mang theo một thông điệp mạnh mẽ về sự hiệp nhất và hy vọng. Bằng một cách nào đó và trong nhiều dịp tôi đã có thể chạm vào bằng chính đôi tay những lợi ích của việc những người trẻ gặp nhau dưới cái nhìn yêu thương của Đấng bị đóng đinh và Đức Trinh Nữ Maria. Tôi tin tưởng rằng từ hôm nay, cũng như những Đại hội trước, nhiều ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến có thể phát triển. Tôi nghĩ về Ngày Giới trẻ châu Á năm 2014 với Đức Thánh Cha Phanxicô: một làn gió của niềm hy vọng mới, của tình huynh đệ đích thực và của cuộc sống mới trong đức tin.

Ước mơ hoà bình

Ước mơ của tôi, trong dịp Đại hội 2027, như tôi vẫn thường chia sẻ là một chuỗi hoà bình có thể đạt được dọc theo đường biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngay trên cái gọi là ranh giới vĩ tuyến 38, hình dung hình ảnh hàng ngàn bạn trẻ cùng nắm tay nhau làm chứng cho dấn thân hoà giải, không chỉ cho bán đảo nhưng còn cho cả thế giới. Đó là một ước mơ táo bạo, nhưng tôi tin chắc rằng, với ơn Chúa, không có gì là không thể. Hàn Quốc là vùng đất của các vị tử đạo và của niềm hy vọng, và Đại hội Giới trẻ 2027 sẽ là một thời điểm để canh tân đức tin và dấn thân Kitô giáo. Các vị tử đạo dạy chúng ta rằng sống Tin Mừng có nghĩa là đặt Chúa vào trung tâm, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Sự trung thành của họ đối với đức tin, mặc dù bách hại, nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu và lòng thương xót không phải là sự yếu đuối, nhưng là sức mạnh. Đó là sức mạnh để tha thứ, yêu thương vô điều kiện, để xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Và những người mơ ước hòa bình dấn thân đạt được, can đảm xoa dịu mọi chia rẽ và bất hòa.

“Là chính mình trong thế giới kỹ thuật số”

“Các bạn trẻ đừng để mình bị lừa dối bởi ánh hào quang của thế gian”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong một bài giảng đặc biệt về sùng bái mạng xã hội và những gì bên ngoài. Ngài khuyến khích các bạn trẻ không trang điểm linh hồn mình để dưới mắt người khác dường như có vẻ tốt hơn. Chúng ta đang sống trong một thời đại, trong đó những công nghệ mới, đặc biệt mạng xã hội thúc đẩy xây dựng một hình ảnh chính mình thường xa thực tế. Tuy nhiên Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng giá trị của một người không được đo lường bằng những lượt “like” hoặc “view”, nhưng bằng khả năng yêu thương và phục vụ. Một lời kêu gọi hướng đến tất cả mọi người. Tôi tự hỏi: Đã bao lần tôi cũng đã từng tìm cách tỏ ra có vẻ tốt hơn như chính tôi là? Đã bao lần tôi đã để cho những nhận xét của người khác ảnh hưởng đến những chọn lựa của mình? Cần phải nhìn vào bên trong và tái khám phá ra vẻ đẹp của chính mình, không đeo mặt nạ. Và còn nữa, nghĩ về những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo đang có một sự tăng tốc quy mô lớn phải chất vấn chúng ta và chúng ta phải biết những công cụ này đang cách mạng hoá cách làm việc, xử lý thông tin, có thể đưa chúng ta, phỏng chiếu chúng ta ra ngoài chính mình, loại bỏ chính mình.

Ví dụ, ở Hàn Quốc, mức độ số hóa xã hội rất cao, mạng 5G, việc sử dụng ảnh ba chiều và việc áp dụng trí tuệ nhân tạo đang mở rộng trong mọi lĩnh vực của xã hội. Nhiều thách đố và cơ hội nảy sinh đặc biệt đối với những người trẻ đam mê những cái mới. Trí tuệ nhân tạo là một công cụ mạnh mẽ có thể khuếch đại trí thông minh của con người, nhưng nó không được thay thế con người và cần có sự phân định đạo đức. Đúng hơn, đó là một cơ hội có thể thúc đẩy phúc lợi cho con người, đặc biệt chú ý đến người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Vì vậy, những thành tựu của công nghệ và khoa học phải phục vụ nhân loại và luôn hướng tới sự tiến bộ của nhân loại, mà không làm mất nhân tính và đánh lừa thực tại con người.

Một Giáo hội hiệp hành trẻ và bước đi trong Năm thánh

Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chúng ta sống hành trình thượng hội đồng, một hành trình lắng nghe nhau và hiệp thông. Tinh thần này chắc chắn sẽ là trung tâm của Đại hội 2027, nơi các bạn trẻ sẽ được khuyến khích trở thành “môn đệ-truyền giáo”, những người mang niềm vui của Tin Mừng. Chúng ta đang sống trong một thời đại thay đổi nhanh chóng, thách đố thói quen và sự chắc chắn của chúng ta. Nhưng chính trong bối cảnh này mà Tin Mừng có thể thể hiện như một la bàn, một hướng dẫn chắc chắn để đối diện với những thách đố của thời đại. Với tất cả những người trẻ trên thế giới, tôi muốn cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy đứng dậy, chúng ta hãy lên đường!”, chúng ta hãy bắt đầu một cuộc hành trình, như những người hành hương hy vọng và những nghệ nhân của hòa bình. Tình yêu Thiên Chúa là vô biên và kêu gọi chúng ta sống một cuộc sống trọn vẹn, tràn đầy niềm vui và ý nghĩa.

Cũng trong buổi đọc kinh Truyền Tin, Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua, khi chào đón những người trẻ Hàn Quốc đã nhận Thánh giá Đại hội Giới trẻ, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc hành trình hướng tới sự kiện năm 2027, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến việc phong chân phước cho hai vị tử đạo Tây Ban Nha ở Barcelona và tuyên bố phong thánh cho Chân phước Carlo Acutis và Chân phước Pier Giorgio Frassati trong bối cảnh các sự kiện Năm Thánh sắp tới. Các vị tử đạo và các thánh là dấu chỉ đẹp nhất về sự thực tế của đức tin, một lý do nữa cho sự tin tưởng và khích lệ người trẻ và cho Giáo hội. Tại các cửa Năm Thánh, với chủ đề là “Những người hành hương của hy vọng”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người trẻ sống “Năm Thánh không chỉ như một sự kiện, mà còn là một cuộc hành trình”, một hành trình của đức tin và dấn thân, của sự hoán cải và liên đới.

Một trong những hoa trái mà chúng ta hy vọng từ Năm Thánh sẽ là sự nở rộ của nhiều ơn gọi linh mục, phó tế và dấn thân của nhiều người trẻ cho sự phát triển của Nước Chúa.

Với giọng của người cha, Đức Thánh Cha hướng về người trẻ, thúc giục không để mình bị cướp đi hy vọng, một lời mời gọi đi thẳng vào trái tim vì lịch sử không nằm trong tay của những kẻ bạo lực hay chuyên chế, nhưng được hướng dẫn bởi sự phán xét của Thiên Chúa. Hy vọng Kitô giáo không phải là một ảo tưởng, nhưng là một sự chắc chắn bắt nguồn từ sự phục sinh.

Khi rời Đền thờ Thánh Phêrô, tôi cảm thấy biết ơn những lời của Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta sống đích thực, đặt tình yêu vào trung tâm của cuộc sống và không bao giờ mất hy vọng. Điều thực sự quan trọng là sống để phục vụ, yêu thương và xây dựng một tương lai hòa bình và công lý. Cuối cùng, đây là ý nghĩa thực sự của Nước Chúa Kitô, một vương quốc sống động và âm thầm đã hiện diện giữa chúng ta.

Nguồn: vaticannews.va/vi