Sức sống của Giáo hội Việt Nam hôm nay là thành quả của gần 500 năm hạt giống Tin Mừng được gieo trồng (từ năm 1533), cũng là thành quả của 400 năm cây đức tin được vun xới và đặt nền móng (năm 1615), của 360 năm Hội Thánh đi vào tổ chức với hai Giáo phận Tông Tòa đầu tiên (năm 1659) và của gần 60 năm Giáo hội độc lập và trưởng thành (năm 1960). Mỗi thời điểm đều được khắc ghi bằng những dấu ấn đặc biệt. Nhưng trong tất cả, Giáo hội Việt Nam đã chia sẻ những bước lịch sử thăng trầm của quê hương và nghiệm rõ hồng ân chan hòa từ Thiên Chúa.
 
I. Thời bảo trợ (1533 – 1659)
 
Năm 1533, theo Khâm định việt sử (33, 6b), chỉ dụ cấm đạo của vua Lê Trang Tôn đã nói đến một thừa sai Tây phương, I-Ni-Khu, lén theo đường biển vào truyền đạo tại làng Ninh Cường và làng Quần Anh, huyện Nam Chân, cùng làng Trà Lũ huyện Giao Chỉ (cả hai nay thuộc Gp. Bùi Chu).

Tiếp theo sau là dấu chân rao giảng của các linh mục dòng Đaminh: Cha Gaspar Da Santa Cruz tại Hà Tiên năm 1550, Cha Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte tại Quảng Nam năm 1588, và Cha Bartôlômêô Ruiz dòng Phanxicô năm 1583.

Đặc biệt là việc gia nhập đạo của công chúa Mai Hoa (Maria Flora) năm 1591, tại Thanh Hóa, do linh mục Ordonez.

Dựa vào gia phả nhà họ Đỗ của thánh linh mục Đỗ Mai Năm, cụ Đỗ Hưng Viễn, người làng Bồng Trung, tỉnh Thanh Hóa, được coi là tín hữu Việt Nam đầu tiên. Cụ đi sứ và được Rửa tội tại Macao thời vua Lê Anh Tông năm 1573.

Năm 1615, tại Cửa Hàn, Quảng Nam, các linh mục dòng Tên, dưới sự điều hành của linh mục Buzomi, đã khai mở một giai đoạn mới trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam qua việc “thích nghi văn hóa”: quan tâm đến phong tục Việt Nam và giảng đạo bằng Tiếng Việt. Các vị có sáng kiến ca vãng Giáng Sinh, cổ võ ba ngày Tết kính Chúa Ba Ngôi, thay cây nêu bằng cây thánh giá, soạn sách giáo lý bằng Tiếng Việt…

Điểm nổi bật của giai đoạn này là việc Cha Đắc Lộ cho xuất bản tại Rôma năm 1651 quyển từ điển Việt - Bồ - La, sách Văn Phạm Tiếng An Nam và cuốn giáo lý song ngữ Việt – La (sách Phép Giảng Tám Ngày).


Sách 
Phép Giảng Tám Ngày (song ngữ) 
 
II. Thời tông tòa (1659 – 1960)
 
Trước những làm dụng của các vua bảo trợ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Tòa Thánh đã lấy lại quyền điều hành việc truyền giáo và thiết lập Bộ Truyền Giáo năm 1622. Tòa Thánh lập ra chức Đại Diện Tông Tòa cho các giám mục đang hoạt động truyền giáo trực thuộc Tòa Thánh.

Ngày 09.09.1659, Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên trên đất Việt và đặt hai Đại Diện Tông Tòa:
      - Giáo phận Đàng Trong: từ sông Gianh trở vào phía Nam do Đức cha Lambert de la Motte phụ trách.
      - Giáo phận Đàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra miền Bắc do Đức cha Phanxicô Pallu phụ trách.
Năm 1668, Đức cha Lambert de la Motte đã truyền chức linh mục cho bốn linh mục Việt Nam tiên khởi tại Thái Lan: Cha Giuse Trang, Cha Luca Bền, Cha Bênêđictô Hiền và Cha Gioan Huệ. Tiếp theo sau, nhiều linh mục Việt Nam cũng được thụ phong (năm 1700 là 43 linh mục; năm 1800 là 119 linh mục).

Vào tháng 02.1670, Đức cha Lambert de la Motte cùng với 3 vị thừa sai và 9 linh mục Việt Nam Đàng Ngoài đã họp Công Đồng đầu tiên trên đất Việt tại Phố Hiến, Hưng Yên.

Trước hiểm họa thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn có sự phân hóa sâu sắc giữa phái chủ chiến và phái chủ hòa. Trong bối cảnh phức tạp ấy, Nhà Nguyễn đã ban hành nhiều chỉ dụ cấm đạo từ năm 1833 – 1861.

Từ năm 1862, khi vua Tự Đức tuyên bố ngưng cấm đạo, các dòng tu và chủng viện được thành lập khắp nơi.

Trong bối cảnh khó khăn do chỉ dụ cấm đạo, niềm tin Kitô hữu được thanh luyện và số lượng người Kitô vẫn tiếp tục gia tăng (từ 320.000 năm 1800 lên 426.000 năm 1855). Trong số những người đổ máu đào minh chứng cho niềm tin, 117 vị đã được suy tôn chân phước trong 4 đợt: 64 vị năm 1900, 8 vị năm 1906, 20 vị năm 1909 và 25 vị năm 1951.

Ngày 11.06.1933, Giáo hội Việt Nam có Đức Giám mục tiên khởi, Đức cha Gioan Baotixia Nguyễn Bá Tòng.


Chân dung Thánh Tử Đạo Việt Nam
 
III. Giáo hội Công Giáo Việt Nam thời trưởng thành
 
Việc chọn Đức Giám mục địa phương vốn là mong ước của Thánh Bộ Truyền Giáo kể từ Huấn thị năm 1659. Sau đó, Đức Giáo hoàng XIII thúc đẩy công việc này nhanh hơn bằng việc thiết lập các tòa khâm sứ, với công tác trước mắt là chọn người địa phương lên chức giám mục.

Qua Tông hiến Venerabilium Nostrorum, ngày 24.11.1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII tuyên bố thành lập 3 giáo tỉnh tại Việt Nam: Hà Nội, Huế và Sài Gòn, cùng bổ nhiệm các giám mục chính tòa nơi mỗi giáo phận. Đứng đầu ba giáo tỉnh là ba vị Tổng Giám mục. Từ đây, các giáo phận tông tòa tại Việt Nam chuyển sang giáo phận chính tòa.

Lúc này, Giáo hội Việt Nam có 20 giáo phận: giáo tỉnh Hà Nội có 10 giáo phận, giáo tỉnh Huế có 4 giáo phận và giáo tỉnh Sài Gòn có 6 giáo phận. Số tín hữu là 2.096.540 người trên 29,2 triệu dân (chiếm 7,17%) với 1.914 linh mục, 5.789 nam nữ tu sĩ và 1.530 chủng sinh.

Tính đến ngày 13/10/2017, Giáo hội Việt Nam có 26 giáo phận, 121 giám mục (trong và ngoài nước). Theo báo cáo của các giáo phận tính đến ngày 31/12/2016, Giáo hội Việt Nam có 5.482 linh mục, 25.034 tu sĩ nam nữ và 6.812.954 tín hữu Công giáo. 
 

Đại hội Thánh Mẫu La Vang tại Huế năm 2017

IV. Lời kết
 
Nhìn lại lịch sử gần 500 truyền giáo trên đất Việt, người tín hữu Việt Nam xin cất cao lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Khi nhìn về quá khứ với cặp mắt đức tin, chúng ta nhận ra Thiên Chúa hằng hiện diện và đồng hành với Giáo hội Việt Nam trong từng bước đi, dù khi thành công hay thất bại, dù lúc chan hòa ánh sáng hay chìm trong bóng tối.

Xin cùng nhắc nhở với nhau: đức tin chúng ta lãnh nhận được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu đào của các vị tiền nhân. Vì thế, chúng ta cần hết sức trân trọng, gìn giữ và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời.
 
Trích từ tác phẩm Lược Sử Giáo Hội Việt Nam -
Dấu Ấn 350 Năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Nhà Xuất Bản Đông Phương, 2010
Tác giả: Lm. Phanxicô Đào Trung Hiệu, OP