“NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA KITÔ GIÁO
VIỆT NAM CHO NỀN VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC DÂN TỘC”
Giuse Nguyễn,
Pgs. Ts. Nguyễn Hồng Dương
và các nhà nghiên cứu có tên trong bài
WHĐ (12-06-2020) – Đó là tên của cuộc trưng bày về sách Công giáo do Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, - Cha sở Giáo xứ Tân Sa Châu, kiêm Trưởng ban Văn Hóa Tổng giáo phận Sàigòn – Tp. Hồ Chí Minh, phụ trách Nhà Truyền thống của Tổng giáo phận -, cùng với một số anh chị em tu sĩ và giáo dân, tổ chức tại số 6 Tôn Đức Thắng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 15/01/2019 đến ngày 01/05/2019. Cuộc trưng bày nhằm giới thiệu một số sách, chủ yếu là “sách đạo”, được xuất bản tại Việt Nam trong các thời kỳ khác nhau.
Theo giới thiệu,
có tất cả 1507 đầu sách được trưng bày tại hai phòng ở tầng trệt của Nhà Truyền
thống. Phòng trưng bày bên tay phải Nhà Truyền thống có sức hấp dẫn đặc biệt đối
với khách tham quan, vì tại đây được trưng bày các sách được coi là cổ, được xếp
thành ba chủ đề rõ rệt: Từ điển, Thánh Kinh và sách đạo đức, bằng chữ Nôm và chữ
Quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh.
Tủ sách dành cho
loại Từ điển trưng bày 14 bộ từ điển do các giám mục, linh mục thừa sai và giáo
hữu Công giáo soạn từ năm 1651-1930. Đặc biệt, trong số các từ điển được trưng
bày ở đây, chúng ta thấy có cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895-1896) của Paulus
Huỳnh Tịnh Của, “một kỳ công, làm nền tảng cho các từ điển sau này...” theo
đánh giá của Linh mục Phê-rô Vũ Đình Trác (Linh mục Vũ Đình Trác, Công giáo Việt
Nam, Orange, Cali. USA, trang 61, trích theo Trình Bày những Đóng Góp, trang
2).
30 bộ Kinh Thánh
Cựu Ước, Tân Ước hay Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, trong số này có bộ Kinh Thánh Cứ
Bản Vulgata Q.1 và Q.3 của cố Chính Linh, do Nhà xuất bản Hồng Kông xuất bản
vào các năm 1913 và 1914. Trong số các bộ Kinh Thánh được trưng bày, có bộ Kinh
Thánh Cựu và Tân Ước do Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn dịch, được xuất bản và
phát hành vào một thời kỳ đặc biệt, cuối năm 1976. Chúng tôi xin mạn phép giới
thiệu ở đây đôi hàng về tiểu sử Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn, người dịch bộ
Kinh Thánh Cựu và Tân Ước được xuất bản năm 1976 và được trưng bày tại cuộc giới
thiệu sách này.
Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn (1922-1975), thuộc dòng Chúa Cứu Thế. Ngài sinh tại làng La Phù, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, thuộc giáo phận Hà Nội. Ngài vào dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và thụ phong linh mục năm 1951, du học Rô-ma năm 1952 và học trường Kinh Thánh Giê-ru-sa-lem 4 năm (1952-1956). Về nước, ngài dạy Kinh Thánh tại Học viện dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, đồng thời, dạy Kinh Thánh cho một số dòng tu tại Đà Lạt, làm Giám học Học viện vào những năm đầu của thập niên 60, tử nạn ngày 28.3.1975 tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Công trình lớn nhất
của Cha Giuse là bản dịch Kinh Thánh Cựu và Tân Ước sang tiếng Việt. Bản dịch của
ngài được đón nhận như một trong những bản dịch có tính khoa học cao và đáng
tin cậy. Phần Tân Ước đã được xuất bản trước tại Sàigòn vào cuối những năm
1950, và đã được sửa lại để tái bản. Phần Cựu Ước vừa mới được hoàn thành bản
thảo thì ngài gặp nạn. Học trò của ngài đã thu gom bản thảo, tổ chức dịch các
sách ngài chưa kịp dịch (sách Gióp, Châm Ngôn, tiên tri Ba-rúc), soạn các tiểu
dẫn từ các tư liệu ngài đã chuẩn bị để phục vụ cho việc giảng dạy Kinh Thánh,
và thêm một số ghi chú.
Bản dịch Kinh
Thánh trọn bộ này dày khoảng 3.000 trang (hai phần dẫn nhập Cựu Ước và Tân Ước
88 trang, phần Cựu Ước: 2318 trang, phần Tân Ước: 616 trang) khổ 20cm x 14cm,
được in trên giấy Bible, tức loại giấy vàng, mỏng và dai, thường được dùng để
in sách Kinh Thánh. Đức Tổng Giám mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình chuẩn ấn ngày
12.11.1975, nộp lưu chiểu tháng 12.1976. Bản Kinh Thánh này được in tại Nhà in
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, Tp. Hồ Chí Minh. Được biết, vào thời điểm
này, tại Tp. Hồ Chí Minh, sách còn được in bằng chữ chì, nghĩa là còn phải xếp,
tháo ra, rồi xếp lại từng chữ một. Và đây có thể là bộ Thánh Kinh Cựu và Tân Ước
cuối cùng được in bằng chữ chì ở Việt Nam.
Được biết bộ Kinh
Thánh này của Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn đã được tái bản nhiều lần.
Sách của Ông Jean
Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký chiếm một vị trí đặc biệt trong số sách xưa được
trưng bày. Đa số là sách xuất bản vào những thập niên cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ
XX, trừ những tác phẩm viết về Trương Vĩnh Ký. Chúng ta có thể tìm thấy trong mục
này 18 số (từ tháng 5/1888 đến tháng 10/1889) của Tạp chí Thông loại Khóa
Trình, Miscellanées, được giới thiệu là Tạp chí tư nhân đầu tiên bằng chữ Quốc
ngữ.
Phòng trưng bày
thứ hai, bên tay trái Nhà Truyền thống giới thiệu với chúng ta những sách đạo
được xuất bản vào những thập niên gần đây. Đa số, hơn 2/3 sách được trưng bày
là sách được xuất bản từ năm 2000 trở lại, mới nhất là vào năm 2018.
Cuộc trưng bày
này hẳn sẽ là một đóng góp lớn trong việc làm tăng thêm mối quan tâm của người
xem đối với việc tìm hiểu và bảo vệ những đóng góp của Kitô giáo Việt Nam cho nền
văn hóa và văn học dân tộc.
Để hưởng ứng cuộc
trưng bày này, chúng tôi xin được góp phần giới thiệu ở đây một số tài liệu,
thông tin, - có thể là còn rời rạc và chưa được hệ thống hóa, - liên quan đến
di sản này.
Trong phần này,
chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin liên quan đến “Sách đạo” trong thế kỷ
đầu (TK. XVII) của lịch sử Công giáo ở Việt Nam. Một tài liệu về bộ Kinh Thánh
do Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn dịch và được xuất bản vào một thời điểm đặc
biệt (1976); một số tài liệu về sinh hoạt báo chí, hội họa và xuất bản Công
giáo tại Việt Nam...; một số tài liệu, thông tin... được thu thập dưới đây là
do các tác giả Nguyễn Hồng Dương, Ngô Quốc Đông, Nguyễn Thế Nam, Dương Văn
Biên, ThS. Nguyễn Thị Bích Ngoan, Dương Thùy Linh, Nguyễn Thị Quế Hương, Nguyễn
Xuân Hùng, vốn là những nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Công giáo lâu năm của Viện
Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam cung cấp.
“SÁCH ĐẠO”
TRONG THẾ KỶ ĐẦU
CỦA LỊCH SỬ CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM
Sách Công giáo, -
trong cộng đồng Công giáo, cũng được gọi là “sách đạo”, - đã đóng một vai trò
tương đối quan trọng trong công cuộc loan báo Tin Mừng ở Việt Nam, ngay từ những
buổi đầu, tức vào thế kỷ XVII. Sách đã được đề cập đến một cách khá thường
xuyên trong các tài liệu đương thời của các vị thừa sai. Nhà cầm quyền Việt
Nam, ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài, có lẽ cũng đã hiểu rất rõ tầm quan trọng
này, nên trong số các biện pháp đưa ra nhằm ngăn cấm việc truyền bá Công giáo,
thường có biện pháp tịch thu và đốt sách đạo.
Sách do các vị thừa
sai sử dụng để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo hay sách được sử dụng trong cộng
đoàn Công giáo tại Việt Nam, trong thế kỷ XVII, gồm nhiều loại và từ nhiều nguồn
khác nhau.
a. Từ châu Âu
Đó là loại sách
kinh nguyện, nghi lễ, Kinh Thánh được dùng trong các nghi lễ tôn giáo. Loại
sách này được in bằng chữ La-tinh và thường thấy trong hành trang của các vị thừa
sai, bên cạnh một số đồ đạo khác như ảnh đạo, tràng chuỗi...
b. Từ Trung Quốc
Qua ngả các thừa sai: Một loại sách khác cũng được các tài liệu đương
thời của các thừa sai thường xuyên nhắc đến dưới cái tên gọi chung là “sách
trình bày đạo thánh”. Các tài liệu cũng nói rõ là loại sách này được viết bằng
chữ Hán và thường là được đem từ Trung Quốc sang. Như chúng ta đã biết, trước
khi sang Việt Nam, các cha dòng Tên đã có cả một quá trình dài hoạt động truyền
giáo tại Trung Quốc. Trong quá trình này, một số vị thừa sai, có người rất nổi
tiếng như Linh mục Matteo Ricci, hoạt động truyền giáo tại Trung Quốc từ năm
1583 đến 1610, đã cùng với một số nhà nho theo Công giáo, dịch hoặc biên soạn
những tập sách bằng chữ Hán, trình bày những giáo lý cốt yếu của Công giáo. Thực
vậy, sách tại Trung Quốc, vào thế kỷ XVI - XVII, qua kỹ thuật in bản khắc gỗ,
đã là một phương tiện khá thịnh hành để phổ biến kiến thức và tư tưởng. Các vị
thừa sai cũng đã sớm sử dụng phương tiện này trong hoạt động truyền giáo của
mình. Sách của các ngài biên soạn cũng đã được đưa tới Nhật bản, Triều Tiên,...[1]. Loại
sách này xem ra cũng đã được phổ biến một cách khá rộng rãi tại Việt Nam, nhất
là nơi các thày giảng và một số tín hữu gốc nhà nho. Trong số các thày giảng,
những người đọc được chữ Nho không phải là hiếm. Mặt khác, vào hậu bán thế kỷ
XVII, tại các cơ sở đào tạo ở Đàng Ngoài, các thày giảng, nhất là các lớp trẻ,
đã được học chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh và tiếng
La-tinh. Họ đã không chỉ được khuyến khích mà còn bị bắt buộc phải đọc sách và
đôi khi phải tường trình với các vị thừa sai nội dung sách đã được giao cho đọc[2].
Qua ngả người Việt:
Loại sách đạo bằng tiếng Hán được đưa từ Trung Quốc vào Việt Nam, thực ra,
không chỉ qua ngả các vị thừa sai, mà còn có thể do chính người Việt Nam, không
hẳn là tín hữu Công giáo, đem về. Cha Alexandre de Rhodes đã ghi lại trong tập
Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài sự kiện ngài đã được thấy cuốn sách loại này do một
người đã tham gia đoàn đi sứ Trung Quốc đem về như một món quà quý giá của một
vị thừa sai người Phương Tây ông gặp ở Bắc Kinh đã tặng ông[3].
Theo Cha
Alexandre de Rhodes, sách bằng chữ Hán được các thừa sai đưa từ Trung Quốc vào
Việt Nam trong thế kỷ XVII không chỉ gồm có sách đạo, mà còn có cả sách khoa học,
không dính líu gì tới đạo, nhưng đã được sử dụng như là phương tiện để các thừa
sai tiếp cận và trình bày về Công giáo với vua, quan. Một trong những cuốn sách
loại này được biết đến là cuốn sách Hình cầu Euclide, “mà một cha ở bên Tàu đã
dịch ra chữ Tàu và có trang trí nhiều hình rất đẹp”[4]. Theo Hồng
Nhuệ thì người dịch ra tiếng Tàu cuốn sách hình học của nhà toán học người Hy Lạp
của thế kỷ thứ ba trước công nguyên này không ai khác là Linh mục Matteo Ricci
cùng với sự cộng tác của một người Trung Hoa và đã ấn hành với nhan đề “Kỷ Hà Nguyên Bản”[5]. Cuốn sách
này đã được Cha Alexandre de Rhodes tặng cho chúa Trịnh Tráng, khi chúa đi đánh
chúa Nguyễn ở Đàng Trong về tới Thanh Hóa. Và trong khi cắt nghĩa cho chúa về nội
dung của cuốn sách này, Cha Alexandre de Rhodes đã từ việc giảng giải về sự vận
chuyển của các tinh tú, đã chuyển qua nói về “Người Thợ toàn năng (Thiên Chúa tạo
dựng)”[6].
Khi các vị thừa
sai người Pháp thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris khởi sự vào Việt Nam truyền
giáo từ thập niên 60 của thế kỷ XVII, thì Siam đã là một nơi dừng chân của các
vị thừa sai trước khi đến Việt Nam. Sách của các vị thừa sai Pháp cũng đã được
chuyển từ Siam vào Đàng Trong và Đàng Ngoài. Sách đạo, cùng với một số đồ đạo
khác, thường gây nhiều lúng túng cho các vị thừa sai khi họ phải tới Việt Nam
dưới cái ‘lốt' của các thương gia, trong những thời kỳ có lệnh cấm đạo. Các
sách đạo này có thể tố giác với nhà cầm quyền Việt Nam về sự hiện diện của vị
thừa sai trên tàu buôn hoặc trong vùng. Tác giả Launay cho chúng ta biết: Hai
thày giảng sang Siam để được thụ phong linh mục, khi từ Siam trở về lại Đàng
Ngoài, có mang theo khoảng 30 cuốn sách cho Đức Cha Deydier đang hoạt động tại
đây dưới cái ‘lốt' của một thương gia, nhưng khi tới cửa khẩu, thấy tình hình
nguy hiểm, hai linh mục mới được thụ phong này đã quẳng tất cả số sách mang
theo xuống sông[7].
Trong thế kỷ XVII
này, ngoài các vị thừa sai dòng Tên từ Macao và các thừa sai người Pháp thuộc Hội
Truyền giáo Nước ngoài Paris từ Siam tới Việt Nam hoạt động truyền giáo, còn có
các thừa sai người Tây Ban Nha thuộc dòng Đa-minh ở Philippines qua. Các nhà thừa
sai này khởi sự tới Việt Nam từ năm 1676 và chắc chắn họ có mang theo một số
sách trong hành trang của mình. Một trong số các nhà thừa sai này là Juan de
Santa Cruz, tới Việt Nam từ 1676 và qua đời tại đây vào năm 1721, đã dịch khá
nhiều sách của thánh Augustinô hay của Luis de Granada[8]. Các loại
sách này chắc chắn phải là do các nhà thừa sai mang theo từ Philippines vào Việt
Nam. Và rất có thể một số được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Thiết tưởng cũng
cần phải nêu lên ở đây ý kiến của một số tác giả, như Nguyễn Khắc Xuyên,
H.Bernard, cho rằng một số nhà thừa sai dòng Tên đã sử dụng cả những sách bằng
tiếng Nhật phiên âm theo mẫu tự La-tinh, trong đó, có bản dịch sách giáo lý,
trong công cuộc truyền giáo và giảng dạy cho những người Nhật tị nạn tại Hội An
vào đầu thế kỷ XVII[9].
2. Sách được biên soạn tại Việt Nam
Nhưng đáng lưu ý
hơn có lẽ là loại sách được soạn hay được dịch ngay tại Việt Nam. Được biết,
ngay từ những buổi giảng đạo đầu tiên, Cha Alexandre de Rhodes đã nhờ người Việt
Nam biên chép.
- các bản kinh
trên giấy để sử dụng trong cộng đồng, cách riêng, trong việc dạy giáo lý cho trẻ
em[10].
- sách giáo lý,
sách kinh... được dịch hay được biên soạn ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ
XVII. Các sách kinh này có cả bản Mười giới răn ở phần cuối[11].
Có thể, các bản
văn này đã được viết bằng chữ Hán và nhất là bằng chữ Nôm. Theo Võ Long Tê thì trong tiền bán thế kỷ XVII, có cả một “phong
trào văn Nôm Công giáo thịnh hành song song với nỗ lực điển chế chữ Quốc ngữ.”[12].
Thanh Lãng cho biết rõ hơn: Chỉ nguyên những sách vở chữ Nôm cộng đồng Công
giáo Việt Nam biên soạn vào thế kỷ XVII mà các tác giả còn cất giữ được, có số
trang lên tới 42.000 trang trong khi đó sách vở biên soạn bằng Quốc ngữ mẫu tự
La-tinh chỉ có khoảng 700 trang[13].
Nhưng với sự phổ biến chữ Quốc ngữ, sách bằng chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh
dĩ nhiên là ngày càng nhiều ...
Tác giả đầu tiên
cần được nói tới là thừa sai Girolamo Majorica, người Ý, dòng Tên, tới truyền
giáo ở Đàng Trong năm 1623, bị trục xuất khỏi đây năm 1629, tới Đàng Ngoài năm
1631 và từ trần tại đây năm 1656. Tác giả đã viết 48 tác phẩm bằng chữ Nôm gồm
văn xuôi và văn vần trong đó có tác phẩm nổi tiếng là cuốn Thiên Chúa Thánh
Giáo Khải Mông, một phóng tác dựa vào
nguyên tác của Robert Bellarmin, gồm “lời tóm lại mọi sự Đức Chúa Giêsu truyền
xướng để cho người ta biết đàng lên Thiên đàng”[14].
Một tác phẩm
khác, được giới thiệu là đã được viết bằng chữ Nôm vào thế kỷ XVII, nhưng nay
chỉ còn bản dịch ra chữ Quốc ngữ được thực hiện vào các thế kỷ sau này, là Sấm
truyền ca của Lữ Y Đoan, một trong những linh mục người Việt Nam đầu tiên. Đây
là tập phỏng dịch năm quyển đầu của bộ Kinh Thánh Cựu Ước, được thực hiện vào
năm 1670[15].
Sách Hán-Nôm Công
giáo quả là khá phong phú về loại thể, cách thức phát hành, từ các sách chép
tay vào loại sớm nhất của Maiorica (Majorica), đến các loại sách kinh, bổn khác
in ở nhiều nhà in Công giáo cả trong và ngoài nước. Số sách này một phần đã được
liệt kê trong Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo của Linh mục Vinh Sơn Nguyễn
Hưng.
Đó là chưa kể những
văn bản Hán Nôm do các nhân vật Công giáo tạo ra với nhiều mục đích khác nhau,
như điều trần (trường hợp Nguyễn Trường Tộ), chuyển ngữ (từ Hán Nôm sang Quốc
ngữ) để phát triển văn hóa (trường hợp Trương Vĩnh Ký, Đức Cha Đa-minh Ma-ri-a
Hồ Ngọc Cẩn),...
Nguyễn Tá Nhí (Viện
Nghiên cứu Hán Nôm) phân Hán Nôm Công giáo làm hai loại là Văn khắc, và Sách
Hán Nôm. Trong đó sách Hán Nôm (được ông chia làm 3 loại):
1/ Sách giảng giải
về đạo Thiên Chúa và sự tích các thánh (Thiên
Chúa Chân Đạo; Lộ Đức Thánh Mẫu; Chân Đạo Tứ Chứng; Tháng Ông Thánh Giuse);
2/ Các sách nói về
sự sống đạo của giáo dân ở các xứ đạo (Sách
Dẫn Đường Nhân Đức; Sách Dẫn Đường Giữ Đạo; Sách Dạy Về Sự Đánh Giặc Thiêng
Liêng; Tháng Cầu Cho Linh Hồn Giải Tội; Ngọc Đồng Hương Ước; Tam Thiên Tự Dịch
Quốc Ngữ);
3/ Các sách ghi lại
quan điểm của nhà Nho đối với đạo Thiên Chúa (Tây Dương Gia Tô Bí Lục; Hội Đồng
Tứ Giáo; Nam Thiên Quốc Ngữ Thực Lục; Thái Tây Tập Ký Tích Lục).
Sách Hán Nôm Công
giáo được lưu trữ ở rất nhiều nơi khác nhau, từ các cơ sở lưu trữ của nhà nước
Việt Nam (như Viện nghiên cứu Hán Nôm[16], Thư viện
Quốc gia[17],...),
trong các cơ sở lưu trữ ở các giáo phận, thư viện dòng[18], trong
các bộ sưu tập cá nhân như Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết (Tp. Hồ Chí Minh),
Nguyễn Hồng Dương (Viện Nghiên cứu Tôn giáo), Lã Minh Hằng, Nguyễn Tuấn Cường
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm),...), trong một số gia đình Công giáo, và hẳn là tại
một số cơ sở lưu trữ ở nước ngoài[19].
Văn khắc Hán Nôm: Chuông đồng, bia đá, ván khắc gồ, chủ yếu lưu giữ
ở nhà thờ Công giáo, hiện còn ở một số nhà thờ như nhà thờ giáo họ (Gh) Thôn
Đông, giáo xứ (Gx) Liên Thủy, Gx Bùi Chu, Gx Bình Hòa... (tỉnh Nam Định); Gx
Hoàng Nguyên, Gx Phùng Khoang, Gh Tri Thủy, Gx Đại Ơn, Gx Bằng Sở... (Tp. Hà Nội);
Gx Đông Xuyên, Gx Hải Phòng,... (Tp. Hải Phòng); Gx Hải Dương (tỉnh Hải Dương);
Đền thánh tử đạo Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu); Gx Phanxicô Xaviê/nhà thờ Cha Tam
(Tp. Hồ Chí Minh),...
Hoành phi, câu đối Hán Nôm trong các nhà thờ như nhà thờ Gx Từ Châu (Thanh
Oai, Hà Nội), Gx Hà Hối (Thanh Trì, Hà Nội), Gh Thôn Đông (Xuân Trường-Nam Định),
mộ Nguyễn Trường Tộ (Nghi Lộc-Nghệ An), Lăng tử đạo Trí Bưu (Quảng Trị), Gx
Truyền Nam (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), mộ Trương Vĩnh Ký (Tp. Hồ Chí Minh),...
Sưu tầm, nghiên cứu
Hán Nôm Công giáo chính là một sự bổ sung cần thiết cho những nghiên cứu về lịch
sử, ngôn ngữ Công giáo hiện nay, chúng cũng đưa đến những thông tin về đời sống
tôn giáo của người Công giáo Việt Nam, cũng như tính chất tự phát của việc hội
nhập văn hóa của Công giáo vào dòng chảy chung của văn hóa dân tộc Việt Nam.
b. Sách bằng chữ Quốc ngữ theo mẫu tự
La-tinh
Trong số các tác
phẩm được biên soạn bằng chữ Quốc ngữ
trong thế kỷ XVII này, trước tiên phải kể đến cuốn Phép giảng tám ngày của Cha Alexandre de Rhodes. Cuốn sách này, tuy
được in và xuất bản tại Rô-ma cùng với cuốn từ điển Việt-Bồ-La của cùng tác giả
vào năm 1651 nhưng hẳn là đã được khởi sự với sự cộng tác của một số thày giảng.
Đây là một bộ sách khá đồ sộ, xuất bản song ngữ, La ngữ và Việt ngữ, gồm các
bài giáo lý Công giáo.
Các nhà thừa sai
người Pháp thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris cũng rất quan tâm tới việc soạn
sách đạo để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo của mình và công việc giáo dục các
thày giảng, những người Việt Nam cộng tác trực tiếp với các nhà thừa sai trong
công cuộc truyền giáo và điều khiển cộng đồng các tín hữu. Theo tư liệu để lại
thì hai Giám mục Deydier và Bourges, trong số những nhà thừa sai của Hội đầu
tiên tới Việt Nam vào giữa thế kỷ XVII, đã soạn trên 40 tác phẩm “bằng tiếng Đàng Ngoài”[20].
Và vẫn theo tài liệu này thì hai trong số các tác phẩm nói trên đã được các tín
hữu Đàng Ngoài đọc đi đọc lại. Về nội dung và công dụng của hai cuốn sách này,
tư liệu viết: “Cuốn thứ nhất gồm 14 bài
suy niệm về tứ chung của con người, về tình thương của Thiên Chúa đối với tạo
vật của Người và nhiều chủ đề tương tự khác. Chúng ta có thể nói được rằng đây
là cuốn “cẩm nang” của người Kitô hữu Đàng Ngoài, họ có trong tay ngày đêm”[21]. Cuốn
thứ hai, dành cho các linh mục, chứa đựng những
giải đáp cho các vấn nạn lương tâm các linh mục thường gặp trong hoạt động của
các ngài.
Đức Cha Deydier
còn là một thừa sai có mối quan tâm đặc biệt tới việc đào tạo các thày giảng.
Liền sau khi tới Việt Nam, Đức Cha đã cho triệu tập các thày giảng và khởi đầu
công việc huấn luyện họ. Ngài đã soạn cuốn sách nhỏ để dùng vào việc huấn luyện
này. Sách gồm 15 chương bàn về lối sống cũng như phận vụ của các thày giảng.
Theo như tài liệu cho biết thì cuốn sách này khởi đầu đã được soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha và Đức Cha Deydier hy vọng
“sớm dịch ra ngôn ngữ của họ để có thể sử dụng như kim chỉ nam”[22]. Vị
thừa sai người Pháp này vốn là người giỏi tiếng Bồ Đào Nha[23]. Khi vừa
tới Siam, ngài đã được mời giảng cho người Bồ. Nếu đây không phải là cuốn sách
có sẵn bằng tiếng Bồ, thì phải chăng chính ngài đã soạn bằng tiếng Bồ, vì biết
rằng có nhiều thày giảng biết tiếng Bồ? Sách do Đức Cha Deydier soạn đã được
giao cho các thày giảng chép tay và giữ lấy để học hỏi.
Trong số các tác
phẩm về đạo được các tài liệu đương thời nói tới, còn phải kể đến các thư gọi
là “thư chung” do Đức Giám mục viết và gửi cho từng cộng đồng tín hữu. Các bức
thư này sẽ được đưa ra đọc cho mọi người cùng nghe mỗi khi các tín hữu trong cộng
đồng hội họp nhau. “Thư chung” này có thể thay thế sự hiện diện của Đức Giám mục
nhất là khi họ bị cấm hoạt động. Nội dung của các “thư chung” này thường là “những
lời khuyên bảo thiêng liêng trích trong Phúc Âm hay ngày lễ các thánh trong tuần”
để hỗ trợ tinh thần các tín hữu trong các cuộc cấm cách[24]. Điều có
thể làm người ta ngạc nhiên là ngay vào thời kỳ đầu này, cộng đồng các tín hữu
đã có lịch riêng “ghi nhớ các ngày lễ và
ngày chay trong năm”[25].
Cuốn lịch này đã do chính tay các tín hữu biên soạn ra và “các thày giảng đem đi in ở kinh thành rồi phát cho khắp xứ”[26].
Sự kiện này do Cha Alexandre de Rhodes ghi lại khi ngài đang hoạt động tại Đàng
Ngoài, tức vào khoảng thời gian giữa các năm 1627 và 1630, nghĩa là rất sớm,
ngay buổi đầu của công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài. Chắc chắn đây mới chỉ
là một cuốn lịch sơ sài với số “in” ra chắc cũng không nhiều, nhưng việc soạn
và phổ biến cuốn lịch này đã cho chúng ta thấy việc cử hành các ngày lễ trong đạo
chiếm một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt của các cộng đồng Công giáo
ngay từ khi mới được thành lập tại Việt Nam.
Tài liệu của các
nhà thừa sai cũng còn cho thấy là nhiều người Việt Nam, sau khi gia nhập Công
giáo, cũng đã biên soạn những tác phẩm hay bản văn có nội dung đạo và các tác
phẩm này cũng được phổ biến không kém phần rộng rãi. Trước hết phải kể tới một nữ tác giả, được giới thiệu là con gái
của người em gái (hay chị) của chúa Đàng Ngoài, tức Trịnh Tráng, có tên Thánh
là Ca-ta-ri-na. Con gái của bà Ca-ta-ri-na này đã soạn bằng thơ “tất cả lịch sử
giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Ki-tô giáng thế, cuộc đời, sự thương
khó, phục sinh và lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối bài thơ một đoạn tường
thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Phúc âm”[27].
Tài liệu đã không quên nói thêm về việc tác phẩm này được đón nhận và sử dụng
trong cộng đồng Công giáo như thế nào: “Tác
phẩm này rất có ích vì không những giáo dân tân tòng ngâm nga trong nhà, nơi
thành thị cũng như chốn thôn quê...’”[28]
Rất tiếc là tác phẩm này nay không còn tìm ra được nữa. Đây có lẽ là một
bài văn và điều đáng lưu ý là tác phẩm này đã trình bày giáo lý dưới khía cạnh
lịch sử cứu độ như được trình bày trong Kinh Thánh.
Lịch sử truyền
giáo cũng cho chúng ta thấy là các nhà thừa sai người Tây Ban Nha của dòng
Đa-minh đầu tiên tới truyền giáo tại Việt Nam, cũng đã bỏ nhiều công sức để dịch
hoặc biên soạn các sách đạo để sử dụng trong cộng đồng các tín hữu. Lịch sử này
còn ghi lại nhan đề của một số tác phẩm do các Linh mục Juan de Santa Cruz, hoạt
động gần 50 năm (1676-1721) tại Đàng Ngoài, Raymundo Lezoli, người Ý, tới Phố
Hiến năm 1681 và qua đời tại Đàng Ngoài năm 1706, dịch và biên soạn. Tổng cộng
có tới 15 đầu sách[29].
Trong những điều
kiện “in ấn” của Việt Nam vào thế kỷ XVII, trình độ của đa số các tín hữu Công
giáo, những khó khăn do các sắc lệnh cấm đoán của các chúa Đàng Trong và Đàng
Ngoài gây nên, các loại sách đạo này hẳn đã không được phổ biến rộng rãi lắm. Một
số do các nhà thừa sai mang theo để sử dụng riêng, để tặng, để làm tài liệu giảng
dạy và đào tạo. Tầng lớp thứ hai sử dụng sách tương đối quan trọng là đội ngũ
các thày giảng, một số tín hữu “học thức”. Đối với số đông các tín hữu khác, phổ
biến nhất là nghe đọc sách. Các tín hữu có thói quen họp nhau hàng tuần. Chương
trình của các buổi họp này đều có mục đọc và nghe đọc sách, nhất là khi không
có linh mục để cử hành Thánh lễ. Cũng có khi một cuốn sách được đọc đi đọc lại
đến độ tín hữu có thể thuộc lòng. Do đó, có thể nói, sách đạo, trong thế kỷ
XVII, về “văn bản” thì có lẽ được phổ biến hạn hẹp, nhưng về “nội dung” thì có
thể là đã được phổ biến rộng rãi tới toàn thể tín hữu.
Rất tiếc là ngày
nay, một phần lớn của loại sách này chỉ còn được biết đến qua tài liệu. Khí hậu,
những đợt truy quét... đã hủy hoại một phần, phần khác bị phân tán. Các nhà thừa
sai đương thời cũng đã tỏ ra thấy rõ nguy cơ của sự mất mát này nên đã tìm cách
gửi một số ra nước ngoài. Nhưng không phải lúc nào họ cũng gặp may mắn. Có lần,
họ đã nhờ người cầm qua Siam gần 40 bản sao các đầu sách được đánh giá là chính
yếu để được lưu giữ,
Cách trình bày đạo,
giáo lý của các tập sách đạo này, đối với chúng ta ngày nay, sau gần bốn trăm
năm, có thể là đã không còn thích hợp, đã lỗi thời. Nhưng chúng ta cũng vẫn
không thể không đặt ra câu hỏi: Các cuốn “sách đạo” này, - chắc chắn là chỉ có
một số ít ỏi còn “sống sót” - vẫn còn hữu ích đối với chúng ta ngày nay và thế
hệ tín hữu mai sau, do đó đáng được Giáo hội quan tâm và khẩn thiết tìm cách
lưu giữ?
Ở miền Nam Việt
Nam trước đây, các nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề Văn học Công giáo từ khá
sớm, thể hiện qua một số công trình nghiên cứu của Võ Long Tê, Thanh Lãng,...
Trong đó, Cuốn I, sách Lịch Sử Văn Học
Công Giáo Việt Nam [30]của
Võ Long Tê có thể được coi là nỗ lực lớn đầu tiên trong việc tập hợp các thư tịch
được gọi chung dưới tên gọi Văn học Công
giáo Việt Nam. Sách gồm hai phần: Phần mở đầu: Khái luận về văn hóa Công
giáo Việt Nam; phần thứ nhất: Văn học Công giáo Việt Nam phát sinh - Thời kỳ thứ
nhất (Từ khởi thủy đến giữa thế kỷ XVII). Tác giả công trình này giới thiệu văn học gồm nhiều môn như lý luận văn học,
phê bình văn học và lịch sử văn học. Tuy nhiên, sách mới chỉ tập hợp được
các thư tịch tính đến thế kỷ 17.
Trong cuốn Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam[31] của
Nguyễn Hồng Dương, nhắc đến hai tài liệu khác bàn về văn học Công giáo: bài viết
“Nhìn Qua những Chặng Đường Thi Ca Công Giáo” của Phạm Đình Khiêm, in trong kỷ
yếu Một số vấn đề văn hóa Công giáo Việt
Nam từ khởi thuỷ đến đầu thế kỷ XX, Huế 10-2000; và công trình Về sách báo của các tác giả Công giáo (thế kỷ
XVII-XIX) do Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh thực hiện 1993.
Ngoài ra, xu hướng
tập hợp các sáng tác văn học, những di cảo... của người Công giáo cũng đang được
thúc đẩy thực hiện, tiêu biểu cho xu hướng này là sự ra đời những công trình của
Linh mục Trương Bá Cần[32], Lê
Đình Bảng[33],
Linh mục Trăng Thập Tự[34], Du
Tử Lê[35]...
Văn học Công giáo
là mảng chủ đề quan trọng khi nghiên cứu về Công giáo. Ở Việt Nam, văn học Công
giáo, nếu mở rộng hết lớp nghĩa của khái niệm văn học, bao gồm cả thư từ, các
bài viết, các ấn phẩm,... tái hiện cả những sinh hoạt thường nhật của Công giáo
lẫn những suy tư sâu sắc liên quan đến đời sống đức tin, thần học Công giáo,...
Tuy nhiên, ranh giới giữa văn hóa Công giáo và văn hóa phi Công giáo rất mong
manh, và có lẽ cũng cần có những nghiên cứu, trao đổi để có thể đi đến những kết
luận về việc có cần thiết phải tách bạch triệt để văn hóa Công giáo ra làm một
mảng riêng trong nền văn hóa chung của dân tộc.
Các vấn đề khác như: Thánh nhạc, nếp sống đạo,... cho đến những cuốn từ điển do người Công giáo
biên soạn, đúc rút từ quá trình học tiếng Việt, với mục đích thúc đẩy việc học
tiếng Việt phục vụ cho nhu cầu truyền giáo cũng đã có được một số người quan
tâm tìm hiểu, công bố. Đáng chú ý là những công trình nghiên cứu về thánh nhạc
Việt Nam thông qua ca đoàn Lê Bảo Tịnh[36]; về nếp sống
đạo của người Công giáo Việt Nam thông qua nghi lễ và lối sống Công giáo Việt
Nam[37]...
Ngoài ra, trong lịch
sử truyền giáo vào Việt Nam, khá nhiều nhà thừa sai, giáo sĩ Công giáo đã biên
soạn từ điển để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt Nam, phục vụ cho công
việc truyền giáo... Ngày nay, trong số những cuốn từ điển này vẫn còn một số cuốn
được lưu giữ và xuất bản, như cuốn Từ điển
Annam-Lusitan- Latinh (thường gọi là Từ
điển Việt-Bồ-La) của Cha Alexandre de Rhodes, do Viện Khoa học Xã hội tại
Tp. Hồ Chí Minh ấn hành (năm 1991); cuốn Dictionarium
Anamitico-Latinum của J. L. Taberd cũng được xuất bản (năm 1994)... Việc tập
hợp một bộ sưu tập từ điển Công giáo cũng sẽ là một đóng góp lớn cho nền học
thuật Việt Nam, cho nền ngữ học nước nhà.
Báo chí Công giáo: Theo cuốn Lịch
Sử Báo Chí Việt Nam 1865-1945, “Đầu thế kỷ, nhất là ở Sàigòn, nhiều tờ báo
nổi tiếng từ cuối thế kỷ XIX như Gia Định Báo, Nhật Trình Nam Kỳ, Nông Cổ Mín
Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn... đều do người Công giáo làm chủ bút. Một trong hai nhà
in đầu tiên xuất hiện ở Sàigòn từ 1862 là nhà in Tân Định, do địa phận Sàigòn
quản lý.
Bên cạnh những
cây bút báo chí nổi tiếng như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu...
còn phải kể đến nhân vật “cha Vàng”, người quản lý báo chí có tài, giỏi cả Nho
học và Tây học, lại biết cách tân nghề báo chuyên nghiệp, bên cạnh Linh mục
Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng (trị sự), Linh mục Liễu (kỹ thuật in), Linh mục
Hồ Tâm Đắc (sửa bài)... mới có thể có được tờ báo tôn giáo đầu tiên như tờ Nam
Kỳ Địa Phận”[38].
Cũng theo sách Lịch Sử Báo Chí Việt Nam 1865-1945[39],
tính đến năm 1945, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 20 tờ báo Công giáo,
chia làm hai loại là: Loại chính thức của Giáo hội, và loại của các đoàn thể,
các dòng tu các địa phương.
- Loại chính thức
của Giáo hội có một số tờ như: Thánh Thể Báo, Tuần Báo Bắc Kỳ, Trung Hòa Nhật
Báo, Công Giáo Đồng Thinh, Công Giáo Tiến Hành, Nam Kỳ Địa Phận, Dân Thanh,
Công Giáo Nam Thanh,...
- Loại của các
đoàn thể, các dòng tu các địa phương có một số tờ như: Tạp chí Sacerdos Indonensis (1927, địa phận
Vinh), tạp chí Đức Bà Hằng Cứu Giúp
(1929, Hà Nội), các tuần báo như Văn Côi (Nam
Định), Vì Chúa (1936, Huế) và Vì Chúa nguyệt san (1939, Sàigòn), Đa Minh (của Đức Cha Đa-minh Ma-ri-a Hồ
Ngọc Cẩn, Bùi Chu), Hy Vọng (Dòng
Đa-minh, Hải Phòng, 1937), Lời Thăm Các
Thầy Giảng (1932, Quy Nhơn)...
Vì nhiều lý do
khác nhau, không có kho lưu trữ nào của Việt Nam lưu giữ đầy đủ các số báo này,
do đó, việc thúc đẩy sưu tầm, nghiên cứu về chúng là rất cần thiết, để có thể
cho ra được một hình ảnh tổng thể đầy đủ hơn về lịch sử báo chí Việt Nam, những
vấn đề (nhiều mặt) mà báo chí Công giáo nêu ra, từ đó có được cái nhìn toàn diện
hơn về lịch sử Công giáo Việt Nam, vai trò tiên phong của báo chí Công giáo
trong lịch sử báo chí Việt Nam.
a. Danh sách các tờ báo Công giáo Việt Nam tại một số cơ sở lưu trữ tại
Việt Nam:
THÁNH GIÁO TUẦN BÁO BẮC KỲ (Semaine Religieuse du Tonkin), tuần báo, có mục
đích truyền giáo, in tại Imprimerie Tonkinoise, từ 1920-1923.
LỜI THĂM CÁC THẦY GIẢNG (Paroles des Missionnaires), Nguyệt san, liên lạc,
huấn đức. Quy Nhơn. Từ 1922 đến 1943.
CÔNG GIÁO ĐỒNG THANH (La voix commune des missions Catholiques), Nhật
báo. Thông tin liên lạc. Imprimerie A. Portail (Saigon). Từ 1927 đến 1930.
SACERDOS INDONENSIS Nguyệt san. Tư liệu học tập. Imprimerie de Quy
Nhơn (Huế). Từ 1927 đến 1943.
THÁNH KINH BÁO (Bulletins de la mission Évangélique), Nguyệt san. Truyền giáo. Hà Nội,
từ 1931 đến 1943.
THÁNH THỂ BÁO, Nguyệt san của Hội các ngày, ca chầu Mình Thánh (Hà Nội). Truyền bá
lòng sùng kính phép Thánh Thể. Từ 1933 đến 1937.
NGHĨA BINH THÁNH THỂ, Tạp chí 92 tháng 1 kỳ, G. Labourdais (Hà Nội).
Thông tin, liên lạc, tu đức. Từ 1934 đến 1943.
CÔNG GIÁO NAM THÀNH, Nguyệt san. R.P. Vaquier. Thông tin liên lạc.
Nam Định. Từ 1935-1937.
ĐỨC BÀ HẰNG CỨU GIÚP Nguyệt san, G. Michaud, dòng Chúa Cứu Thế, Hà Nội.
Truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: (Bộ I), từ 1935-1943. Bộ II: ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP, Hà Nội, từ 1949 đến
1954. Bộ III: Sàigòn, từ 1954 đến 1975.
CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH, Tuần báo, do ông Đoàn Công Chánh, Tân Định –
Sàigòn. Thông tin liên lạc. Từ 1936 đến 1938.
ĐƯỜNG NGAY, Tuần báo, do R. P. Dolaine, Vinh. Huấn đức. Từ 1936 đến 1937.
VÌ CHÚA, Tuần báo, do ông
Võ Văn Am. Thông tin. Huế. Từ 1936 đến 1944.
VÌ CHÚA, Nguyệt san, do
Linh mục J.M. Thích. Huế. Văn hóa Công giáo. Từ 1939 đến 1942.
VĂN CÔI TẠP CHÍ, Nguyệt san, Nhà chung Thánh Albert, Nam Định. Cổ
vũ việc lần hạt kính Đức Mẹ. Từ 1937 đến 1944.
HÀNH ĐỘNG, Tuần báo, do Trần Ngọc Ban, Bênh vực Thiên Chúa và quê hương, Hà Nội,
1940.
CHIẾN SĨ, Bán nguyệt san, Hà Nội, Phục vụ Thanh niên Công giáo ở thôn quê. Từ
1941 đến 1944.
CON CHIÊN, Tuần báo, do Nguyễn Văn Bền, Sàigòn, Truyền giáo, 1941.
HƯỚNG ĐẠO CÔNG GIÁO, Nguyệt san, do Nguyễn Đức Tiến, Hà Nội, Thông
tin liên lạc của liên đoàn F.I.A.S. 1942.
THÁI HÒA, Nguyệt san, do
Phan Huy Đức, Sàigòn, Văn hóa Công giáo, 1946.
NHÀ THỜ ĐỨC BÀ, Nguyệt san, do Seminel, Sàigòn, Thông tin liên lạc, Từ 1948-1949.
TÔNG ĐỒ, Bán nguyệt san,
do Paulus Bình, Carolo Nhơn, Sàigòn, Truyền bá Phúc Âm, Từ 1948 đến 1961.
SAO SÁNG, Tuần báo, do
Giáo hoàng Học viện Albertô, O.P., Nam Định, Văn hóa, Văn nghệ Công giáo, Từ
1950 đến 1953.
THỜI MỚI, Nguyệt san, do
các Linh mục Lâm Quang Trọng, Trần Đức Huân, Bùi Chu. Thông tin nghị luận. Từ
1950 đến 1954.
TIẾNG KÊU, Nguyệt san, giáo phận Phát Diệm. Thông tin liên lạc. Từ 1950 đến
1954.
ĐƯỜNG SỐNG, Tuần báo do Linh mục Võ Thanh, Sàigòn. Thông tin nghị luận. Từ 1954
đến 1957,
SAO VIỆT, Nguyệt san, do
Bách Huyền, Sàigòn. Nghị luận. Từ 1955 đến 1956.
CHÍNH NGHĨA, Tuần báo, do Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo, Hà Nội. Thông tin liên lạc.
Từ 1955 đến 1985.
THÔNG CẢM, Nguyệt san, do Liên đoàn Sinh viên Công giáo, Sàigòn. Thông tin liên
lạc. Từ 1956 đến 1962.
VIỆT TIẾN, Nguyệt san, do Linh mục Thanh Lãng, Sàigòn. Văn hóa nghị luận. Từ
1958 đến 1959.
THANH TRÚC, Nguyệt san, do Linh mục Phanxico Xavie Nguyễn Hữu Tấn, Sàigòn. Thông
tin. Từ 1959 đến 1960.
THẲNG TIẾN, Tuần báo, do Linh mục Phan Văn Thăm, Sàigòn. Thông tin. Từ 1957 đến
1972.
ĐỨC MẸ LA VANG (Bộ I và II), Nguyệt san, do các Linh mục Trần Văn Tường, Nguyễn Kim
Bính, Trung tâm Công giáo Huế. Cổ động lòng kính mến Đức Mẹ. 1958-1966
TRÁI TIM ĐỨC MẸ, Nguyệt san, do Linh mục Phanxico Assisi Nguyễn Minh Đăng, dòng Đồng
Công, Thủ Đức. Cổ vũ việc phạt tạ Trái tim Đức Mẹ. Từ 1960 đến 1963.
TRÁCH NHIỆM, Tuần báo, do Linh mục Thanh Lãng và ông Lê Thành Trị, Sàigòn. Nghị
luận. 1960.
ĐẮC LỘ, Đặc san, Câu lạc
bộ Sinh viên Đắc Lộ, Sàigòn. Thông tin liên lạc. Từ 1961 đến 1962.
LEGIO MARIAE, Nguyệt san, do Linh mục Phạm Văn Thiên, Sàigòn. Huấn đức. Từ 1961 đến
1964.
TINH THẦN, Nguyệt san, do Nha Tuyên úy Công giáo, Sàigòn. Thông tin. Từ 1962 đến
1973.
THÁNH NGHIỆP, Nguyệt san, do Linh mục Trịnh Công Trọng, Trung tâm Công giáo, Vĩnh
Long. Huấn đức. 1962.
UT UNUM SINT, Nguyệt san, giáo phận Nha Trang. Thông tin. 1959.
THỰC HÀNH, Nguyệt san, giáo phận Cần Thơ. Thông tin. 1960.
TRÁI TIM, Tạp chí, Quy Nhơn - Đà Nẵng. Huấn đức. 1960.
HLABAR TOBANG (song ngữ Việt - Thượng), Nguyệt san, do Linh mục Antôn Đen (dân tộc
Bahnar), giáo phận Kontum. Truyền giáo. 1960.
ĐỒNG THÁP, Nguyệt san, giáo phận Mỹ Tho. Thông tin. 1961.
TIN VUI, Nguyệt san, do
Linh mục Hoàng Trọng Tiến, dòng Phanxicô. Truyền giáo. Từ 1963 đến 1964.
LỬA MẾN, Nguyệt san, do
Linh mục Phạm Tuấn Trí, nhà thờ Kiến Hòa. Truyền giáo. 1963.
PHỤNG VỤ, tạp chí, do Ủy ban Thánh nhạc Giáo phận Sàigòn. Nghiên cứu phụng vụ.
Từ 1970 đến 1974.
XÂY DỰNG, Nhật báo, do Linh mục Nguyễn Quang Lãm, Sàigòn. Thông tin nghị luận.
Từ 1964 đến 1973.
HÒA BÌNH, Nhật báo, do
Linh mục Trần Du, Sàigòn. Thông tin nghị luận. Từ 1972 đến 1973.
THẲNG TIẾN, Nhật báo, do Linh mục Phan Văn Thăm, Sàigòn. Thông tin nghị luận. Từ
1972 đến 1973.
NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM, Tuần báo, Cơ quan Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt
Nam, xuất bản tại Hà Nội, từ 1985.
b. Tờ tuần báo Nam Kỳ Địa Phận
Nam Kỳ Địa Phận
là tuần báo Công giáo, phát hành tại Sàigòn vào ngày thứ Năm hàng tuần. Báo in
tại nhà in Imprimerie de la Mission
(Nhà in Tân Định), tồn tại được 37 năm (1908-1945). Số đầu tiên đề ngày 26 Novembre (tháng 11) và “3 tháng 11 năm Mậu Thân”. Lúc này thì tại
Nam Kỳ, ngày tháng bằng tiếng Pháp cũng như ngày âm lịch vẫn còn được thông dụng
nơi đông đảo người dân, nên các số báo đều có ghi tháng bằng tiếng Pháp kèm
theo ngày tháng âm lịch. Bìa tờ báo còn có ghi mấy từ tiếng Pháp “Semaine Religieuse”, có thể được dịch
là tuần tôn giáo hay một cách rộng hơn thời
sự tôn giáo trong tuần. Đôi khi tờ báo đăng cả bài viết bằng tiếng Pháp, đặc
biệt là thư hay thông báo của giám mục. Trong số độc giả của Nam Kỳ Địa Phận hẳn
có cả người Pháp, ít là các vị thừa sai người Pháp.
Mỗi số báo có 16
trang không kể các trang được ghi là supplément
du N.K.Đ.P. (phụ trang), có khi tới sáu hay tám trang để đăng quảng cáo hay
“lời rao cần kíp” của báo. Số trang
được đánh liên tục cho tới hết năm báo. Trang đầu của số đầu năm 1908 được ghi
số 1 và trang cuối của số cuối năm này được đánh số 935. Khổ bát chữ trung bình
là 10x20. Sau mỗi năm, báo lại có in mục lục các mục được đề cập đến trong các
số báo của cả năm, rất tiện cho việc tra cứu hay theo dõi một loạt bài. Trong mục
lục của năm thứ nhất, người ta đếm được cả thảy 15 mục.
Báo chủ yếu được
bán cho độc giả dài hạn. Nam Kỳ Địa Phận có
khoảng 2.000 độc giả. Cách tiếp thị của tờ báo xem ra cũng khá độc đáo và hiện
đại. Tòa báo gửi không hai số báo đầu tiên cho “người ta xem thử. Ai đồng ý thì đem 3$ đến gửi cha sở mua giùm. Nếu
không tới cha sở thì gửi thẳng về báo mandat.” Giá báo được đề ngay nơi bìa
một: “Mua trót 12 tháng là 3$00[40], từng
số là 0$06”.
Giá báo này được
giữ nguyên cho tới năm 1943, nghĩa là trong suốt 35 năm báo. Cuối năm 1943, báo
thông báo tăng giá báo lên 5$ một năm hay 3$/sáu tháng. Giá mỗi số là 15 xu.
Trong mục “Kính cáo độc giả”, tờ báo
cắt nghĩa lý do của việc tăng giá báo này: Vì
tình thế hiện thời, vật liệu và giấy mực mỗi ngày mỗi khan kiệt mắt mớ quá lẽ.
Dầu bổn báo đã xoay xở đủ cách cũng không phương thế nào tránh khỏi với số phận
chung của các báo hiện tại. Nên bắt đầu từ 1944, báo NKĐP tăng mỗi năm: 5$00. 6
tháng: 3$00, mỗi số 15 xu. Nhà nước và ngoại quốc gấp 2”... (số 1793,
tr.652). Cũng vì tình hình khó khăn và nhất là tình trạng khan hiếm giấy này mà
vào đầu năm 1945, Nam Kỳ Địa Phận bắt đầu xuất bản một tháng hai kỳ, mồng 1 và
15 mỗi tháng. Nhưng cả với các biện pháp tăng giá báo và bớt số báo, tờ báo
cũng chỉ cầm cự nổi tới tháng 3 năm 1945. Số cuối cùng là số 1849, đề 1 mars 1945 (16.1.annam).
Đây là một tờ báo
của địa phận. Nơi bìa báo người ta thấy có in huy hiệu của tòa giám mục. Tờ báo
cho biết Nam Kỳ Địa Phận “được kiến tạo”
do Giám mục Luciano Mossard với mục đích “để
cho con nhà Annam thông phần đạo, ngoan việc đời.” Một tờ báo muốn giúp cho
đọc giả có đạo hiểu rõ giáo lý để rồi sống giáo lý đó trong cuộc sống thường
ngày. Thực vậy, để chuẩn bị cho ra đời tờ Nam
Kỳ Địa Phận này, tháng 8.1908, Giám mục Địa phận ra thư chung khẳng định: “Nhật trình ấy lập ra chẳng phải cho đặng tế
lợi cho Nhà Chung, một có ý gieo tin lành trong người Hội Thánh, có ý cho gia đạo
mọi người, mọi nơi đều đặng nhờ ích lợi cho phần hồn phần xác mọi bề.”[41]
Chủ đích của tờ
báo này được thể hiện một cách cụ thể qua việc tờ báo chú trọng vào các mục Đạo lý, Phong hóa, Bá nghệ, Bát học và Văn
tín. Cổ vũ việc học: “Trường hay thầy
giỏi”. Cổ vũ phong hóa, tức việc phu
tử, bằng hữu, hiếu thảo, tín ngãi, nhân nghĩa. Cổ vũ cho có nghề nghiệp, biết
liên kết với nhau. Điểm qua mục lục của năm thứ nhất, người ta được biết, NKĐP
đã đề cập tới 15 mục như sau 1) Tòa Thánh 2) Châu tri Đức Giám mục Sàigòn, 3) Lời
Thánh Kinh, 4) Đạo lý, 5) Hạnh các thánh, sự tích phép lạ, những gương lành, và
sự tích các cha đã qua đời, 6) Phong hóa, 7) Thương Mại, canh nông, chư nghiệp,
8) Cách nuôi súc vật, tạp chế đồ gia dụng, và những điều cần nên biết, 9) Thiên
văn, bát vật, 10) Thi phú, ca tụng và bài cung tặng, 11) Tục ngữ, phương ngôn
và chữ nho, 12) Thai đố, câu đáp và cửu qui, 13) Chuyện giải buồn, 14) Chư quốc
tân văn, 15) Các bài thuốc. Như thế 5 mục có tính thuần đạo và 10 mục đề cập tới việc đời.
Là một tờ báo
phát hành một tuần một lần và liên tục trong suốt 37 năm, vào một thời báo chí
tương đối còn ít ỏi, dĩ nhiên là so với bây giờ, với các nội dung như được
trình bày sơ qua trên đây, Nam Kỳ Địa Phận
có thể được coi là một tài liệu lịch sử quý báu, đặc biệt là đối với một lịch sử
tạm quên những biến cố ngoạn mục để chú trọng tới đời thường, tạm quên những
nhân vật tiêu biểu để chú ý đến đám đông... Ở Nam Kỳ Địa Phận, chúng ta có thể bắt gặp những lối sống đạo hay cử
hành nghi lễ của các cộng đồng Kitô hữu tại thành phố Sàigòn cũng như tại các
vùng xa, vùng sâu của vùng đất Nam Bộ, việc hình thành các cộng đồng tín hữu,
những ưu tư và vui mừng của một họ đạo, những món ăn tinh thần được chế biến một
cách công phu qua những câu chuyện, những vần thơ, hay những cuộc tranh luận.
Qua các mục quảng cáo ở báo, người ta biết được từ những thập niên đầu thế kỷ,
các tín đồ có thể xem “phim đạo tại nhà:
Cuộc đời Chúa Giêsu”. (NKĐP. 1929) Dĩ nhiên không phải là phim video, và
không phải nhà nào cũng có cái thuận lợi này. Nghe nhạc đạo vào một số dịp
trong năm: “Tới dịp lễ Sinh Nhật! Dĩa Diển
Khí của hiệu ODÉON ca ngợi Đức Bà và Đức Chúa Giêsu (Đức Cha cho phép) của bọn
đồng nhi nữ ở Hạng Thông Tây hát, rất thanh tao! Rõ ràng! và lớn tiếng. Bán sỉ
và bán lẻ tại hãng...” Hay một đĩa hát khác, hiệu Beka “Chị em ơi, hãy mua những dĩa hát kinh hiệu Beka mà hát cho trẻ em nó
nghe, vì dĩa này ca hát kinh ngày lễ rất rõ ràng êm tai vừa ý mọi người. Hãy viết
thư hỏi mục lục tại hãng Sté Indochinoise d'Importation”. Hay kéo nhau đi
xem hát tuồng đạo.
Tuồng Công giáo tại
Nam bộ là một sáng kiến nhằm mục đích “giúp
vui, bổ ích về mặt đạo, tránh cho tín đồ khỏi lui tới vui chơi trong những chỗ
bất hạp ý Thánh giáo”. Các ban diễn tuồng và những vở tuồng ban trình diễn:
Ban Đức Hoàng Hội với các vở Thương Khó, các thánh trẻ Vitô, Eutakiô, thánh
Minh, Giuse, Sinh nhật Chúa Giêsu, Gioan Baotixita. Ban này thường diễn tại các
họ đạo Gia Định, Tân Định, Bà Rịa, Cầu Kho. Ban Thiện Hòa Anh ở Tân Định với
các vở Nghĩa Chúa ơn vua, Mối hận vô tâm, Anh Tuấn. Ban Công Thanh Ban với các
vở Sébastianô tử đạo, Thánh Alêxù tu hành hãm xác. Năm 1923, phong trào diễn tuồng
lại nổi lên khi Linh mục Gioan Baotixita Tòng tái diễn tuồng Thương Khó tại Bà
Rịa và Tân Định.
Qua Nam Kỳ Địa Phận, chúng ta được chứng kiến những
cuộc rước kiệu có kèn tây (Fanfare) và có cả nhạc bát cấu, nhạc song hỉ, trống gióng ba, nhạc ngũ âm trồi giọng thổ,
cờ ngũ sắc, cửa tam quan (NKĐP, năm 1931, trang 660) và được biết kiệu của
nhà thờ Tân Định được làm từ Phát Diệm và áo lễ cũng vậy. Nam Kỳ Địa Phận có thể cung cấp cho nhà viết sử những yếu tố để tìm
hiểu về lịch sử các họ đạo, và cũng là những điểm định cư xưa của Nam Bộ, như họ
Bàu Bèo, họ Thủ Ngữ, họ Trà Ôn, họ Cầu Kho, họ Tha La, họ Cầu Ngang... Qua tiểu
sử của một số linh mục hay họ đạo, người ta có thể biết được gốc gác của một bộ
phận tín đồ tại đồng bằng Nam Bộ, và của cư dân Nam bộ nói chung. Chẳng hạn “hạnh tích cha Thomas Nguyễn Vi Sâm Kể: Cha
sinh năm 1850 tại họ Cái Nhum (Chợ Lách). Gốc ông nội của Thomas ở Nghệ An. Ông
này sinh 13 người con. Có 3 người làm linh mục về địa phận Nghệ An. Còn ông già
của Thomas thì vô Nam Kỳ mua bán làm ăn và lo đôi bạn trong này” (NKĐP. Năm
1929, trang 471).
Hầu như mỗi số,
và trong suốt mấy chục năm báo, tờ báo đều thông tin cho độc giả về giá lúa “được chở tới cân tại nhà máy Chợ Lớn, một tạ
(68 kilô), hôm nay là 2$93 chiêm.” Giá ấy có thay đổi vào thời điểm báo được
in. Nam Kỳ Địa Phận số 4, giá ấy là
2$48 chiêm. Số 5, cùng giá. Số 6, giá là 2$52 chiêm. Số 7, giá là 2$35 chiêm. Số
8, giá là 2$28 chiêm. Số 9, giá là 2$25 chiêm. Số 10, giá là 2$20 chiêm. Số
tháng giêng năm 1945, giá một tạ gạo (68kilô), gạo số một, tức gồm 25% tấm, là
7$, gạo số 2 là 6$73 chiêm, gạo số 3 là 6$52 chiêm và lúa để súc vật ăn là
6$42, vân vân. Với những thông tin thường xuyên về giá lúa như thấy trên đây, cộng
với những thông tin rải rác về giá cả khác như giá một cuốn sách đạo, đóng bìa
là 0$80, không đóng bìa là 0$60, một cuốn sách đạo khác có đóng bìa, giá 0$60
và không đóng bìa, giá chỉ 0$40, tiền phạt người lãnh thơ không có cò là 8
chiêm, tiền công tại đất Sàigòn (năm
1908) mỗi ngày vô ít là năm cắt sắp lên,
một tháng 15 đồng cầm bỏ; song nghỉ thử vài tuần thì đã có thấy tạm quơ.”
(NKĐP. Năm 1908, trang 25). Những thông tin loại này hẳn là quý báu không chỉ đối
với người viết sử.
Rất may mắn là tư
liệu lịch sử này hiện nay không thuộc loại hiếm. Nhiều nơi, nhiều người còn giữ
được cả bộ.
7. Nhà in, Nhà xuất bản và Cửa hàng sách Công
giáo tại Sàigòn trước năm 1975
Nói đến sách vở,
báo chí Công giáo, chúng ta không thể không nhắc đến hoạt động của Nhà in, Nhà
xuất bản và Cửa hàng sách Công giáo.
a. Nhà in
Tập Danh sách các
Ấn Phẩm Trưng Bày cho biết về nhà in Tân Định (Imprimerie de la Mission Sàigòn
Tân Định) là nhà in Công giáo đầu tiên và là một trong hai nhà in đầu tiên ở Việt
Nam, đó là nhà in của Chính phủ Pháp (in tờ Gia Định Báo 1865) và nhà in Tân Định
1865. Nhà in Tân Định đã hoạt động tới năm 1975, tức 110 năm.
Nhà in Tân Định
do linh mục thừa sai Éveillard (18 -1883) thành lập vào tại khu nhà thờ Tân Định
hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu về sách vở, đặc biệt cho các trường đang được mở
tại các giáo xứ. Với nguồn tài chính của riêng linh mục, hai hay ba ngàn quan
Pháp khi ấy, linh mục đã đưa được một dàn máy in, chữ in và giấy từ Pháp vào
Sàigòn. Nhà in ban đầu được đặt tại Chủng viện (đường Tôn Đức Thắng hiện nay).
Những người thợ in đầu tiên là hai trẻ mồ côi do trường Nhà Trắng gần đó cung cấp,
tuổi từ 13 đến 15 để được đào tạo. Số thợ tăng lên dần và khi nhà in được đưa về
khu nhà thờ Tân Định, số thợ đã lên đến 30. Nhà in Tân Định chuyên in sách bổn,
sách học cho trường, các thứ tự điển, sách Phúc Âm, Kinh Thánh Cựu và Tân Ước,
sách Kinh và cả một tủ sách tu đức, đa số được dịch từ các tác phẩm nối tiếng của
châu Âu... Đây là một trong những cơ sở in ấn sớm nhất tại Sàigòn.
Cùng với một số
nhà in Công giáo khác, như Làng Sông, Ninh Phú, Kẻ Sở, Kẻ Sặt. - nhà in Tân Định
đã không chỉ in các sách đạo, mà còn cả các sách về giáo dục đạo đức. Ngoài ra,
chúng ta còn có nhà in Phúc Nhai - Bùi Chu, từ năm 1865 đã in bộ Tập Dụng Thần
Công, sách linh thao, của Đức Cha Emmanuel Hòa.
b. Nhà xuất bản
Nhà xuất bản Chân
Lý, đường Trần Bình Trọng, Chợ Lớn, do Linh mục Nguyễn Tri An, dòng Đa Minh chủ
xướng; Nhà xuất bản Chân Thiện Mỹ, Phú Nhuận, do nhà văn Vũ Công chủ xướng; Nhà
xuất bản Đa Minh, đường Bùi Chu cũ do ông Lê Quang Đạt phụ trách; Nhà xuất bản
Hiện Tại, đặt tại Nguyễn Tri Phương, do các Linh mục Vũ Hải Thiện và Mậu Hải phụ
trách; Nhà xuất bản Ra Khơi, đặt tại đường Bùi Thị Xuân, do các linh mục gốc
giáo phận Bùi Chu phụ trách; Nhà xuất bản Thánh Gia, tại đường Bùi Thị Xuân, do
Đinh Xuân Phức phụ trách; Nhà xuất bản Thánh Tâm đường Chi Lăng cũ do Linh mục
Trần Văn Bình chủ xướng.
c. Các hiệu sách
Các hiệu sách lớn
gồm có: hiệu sách Liên Châu, tại số 3 Công trường Hoà Bình, nay là Công xã
Paris, Sàigòn. Hiệu sách này được coi là hiệu sách Công giáo lớn nhất bán đủ
sách báo Công giáo trong nước và ngoại quốc. Hiệu sách Phúc Hải, Phú Nhuận; hiệu
sách Tân Định, cạnh nhà thờ Tân Định, đường Hai Bà Trưng, bán sách ngoại quốc
và Việt ngữ, ảnh tượng, đồ thờ.
Nhà sách Đức Mẹ Hằng
Cứu Giúp, thuộc dòng Chúa Cứu Thế, nằm trong khuôn viên nhà thờ dòng Chúa Cứu
Thế, 38 Kỳ Đồng, (quận Ba, Tp. Hồ Chí Minh hiện nay). Người sáng lập nhà sách
này là Linh mục Hồng Phúc, dòng Chúa Cứu Thế. Nhà sách này đã tồn tại tới nay xấp
xỉ một nửa thế kỷ, gần như cùng lúc với ngôi nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhà
sách khi ấy là một phần của hoạt động xuất bản, báo chí của dòng Chúa Cứu Thế gồm
nhà xuất bản, tủ sách Cứu Thế Tùng Thư, nhà in, tòa soạn báo Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp, báo Tuổi Hoa. Nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bán sách báo Công giáo bằng
tiếng Việt và tiếng nước ngoài, tranh ảnh, tượng và đồ thờ.
8. Hội họa công giáo
Cuộc trưng bày
sách vở Công giáo cũng gợi lại cho chúng ta cuộc triển lãm mỹ thuật dân tộc và
mỹ thuật tôn giáo có tên gọi Như Thầy Yêu
Thương, được tổ chức cũng tại Nhà Truyền thống Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh,
nhân ngày mừng Đức tân Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, ngày 8 tháng 12
năm 2003. Cuộc triển lãm này đã giới thiệu 38 bức họa, có chủ đề đạo, đời của
nhiều tác giả khác nhau.
Nhà Truyền thống
Văn hóa và Đức tin của Tổng giáo phận Sàigòn hiện còn lưu giữ được một số bức
hoạ có đề tài Công giáo của một số hoạ sĩ Công giáo và không Công giáo. Chúng
ta có thể kể ra đây một số các bức hoạ này: Dưới
Chân Chúa (Tôn Thất Văn), Đức Mẹ
(Lê Văn Bình), Mẹ Con (Tạ Tỵ), Đức Mẹ Bế Con (Tố Phượng), Đức Mẹ Ban Ơn (Bùi Kỉnh), Bước Đường Lưu Lạc (Nguyễn Rỉ), Trừu Mến (Tố Oanh), Đức Mẹ Việt Nam (Nguyễn Thi), Giáng
Sinh (Văn Thọ) Thánh Tử Đạo Anê Lê Thị
Thành (Trần Ngọc Thu), Dưới Chân Thập
Giá (Nguyễn Thủy), Trong Vòng Tay Mẹ (Nguyễn
Thân), Tìm Chốn An Bình (Quan Tho), Tình Mẫu Tử (Tố Phượng), Giáng Sinh (Nguyễn Siên), Hiển Linh (Nguyễn Phước), Chúa Sai Sứ Đồ (Thành Lễ), Chiêm Ngưỡng (Trần Hà), Xin Vâng Ý Cha (Phạm Văn Hạng), Sứ Thần và Trinh Nữ (Nguyễn Phước), Thánh Giá và Tình Yêu (Phạm Văn Hạng), Mẹ Thiên Chúa (Nghiễm ĐS), Nữ Vương Hòa Bình (Lê Văn Đệ).
Một điểm đáng lưu
ý là tuyệt đại đa số các bức hoạ còn giữ lại được tại Nhà Truyền thống có đề
tài Công giáo đều lấy Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu làm đề tài trọng tâm. Trong số
các đề tài được chọn này, hai cảnh trong cuộc đời của Đức Mẹ Maria và của Chúa
Giêsu được lưu tâm hơn cả là cảnh Giáng Sinh và cảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh
trên thập giá.
Nói đến hội họa
Công giáo Việt Nam không thể không nói đến một họa sĩ nổi tiếng: Họa sĩ Lê Văn
Đệ (1906-1966), sinh tại Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, con của một vị quan Đốc phủ sứ,
học tại Taberd Sàigòn. Tốt nghiệp trung học, ông được hội SAMIPIC Chợ Quán cấp
học bổng theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương do danh họa Victor
Tardieu vận động thành lập tại Hà Nội năm 1925, đậu thủ khoa khóa đầu tiên năm
1930. Ông tiếp tục nhận được học bổng theo học tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ
thuật Paris, lúc này, ông 25 tuổi. Kế đó, ông được học bổng đi nghiên cứu tại
Roma và Athens (Hy Lạp), những chiếc nôi nghệ thuật của thế giới.
Lê Văn Đệ tham
gia triển lãm Báo chí Công giáo thế giới tại viện Vatican, Roma, năm 1936,
chung với các nhà mỹ thuật danh tiếng của 30 quốc gia tham dự. Tác phẩm dự thi
của ông đoạt giải nhất. Sau cuộc triển lãm này, ông được Vatican mời tham gia
trang hoàng điện Vatican, khu vực Đông dương và luôn cả vùng Đông Nam Á, Thái
Bình dương trong điện Vatican. Ông làm việc liên tục trong bốn tháng, mỗi ngày
13 tiếng đồng hồ và phụ trách vẽ sơn, chạm trổ trong điện Vatican, điều khiển
11 kỹ sư và 20 thợ chuyên môn. Ông được Đức Thánh Cha trao tặng ‘Giáo hoàng bội
tinh'.
Ngày 1.6.1936, tại
nhà nguyện Đại học Truyền giáo Roma, Lê Văn Đệ nhận phép Thánh tẩy và Thêm sức,
lấy tên thánh là Celso- Lêô Lê Văn Đệ. Năm 1937, ông còn phụ trách phần nghệ
thuật của Toà thánh Vatican tham gia cuộc Triển lãm Quốc tế tại Paris. Năm
1939, Lê Văn Đệ trở về Việt Nam, lập gia đình, sống và làm việc tại Sàigòn. Năm
1950, ông làm trưởng đoàn nghệ sĩ Việt Nam tham dự cuộc triển lãm quốc tế Mỹ
thuật Công giáo tại Vatican nhân dịp ‘Năm thánh'. Ông cũng đã là người vận động
sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định sau đổi
tên là trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sàigòn. Ông qua đời tại Sàigòn ngày
16.3.1966, an táng tại nghĩa trang Thoại Ngọc Hầu, sau năm 1975, được cải táng
đưa về quê Mỏ Cày, Bến Tre.
Sự nghiệp sáng
tác của ông gồm có: Người Đàn Bà Chải Tóc
(1928), Đi Chùa Hương (1928), Bến Sông Hồng (1928), Bà Thầy Bói, tranh sơn dầu (1928, hiện
đang được trưng bày ở viện bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg, Paris), Người Đàn Bà Đọc Sách, tranh lụa (1930),
Thiếu Nữ Bên Cầu Ao, tranh lụa (1945,
hiện trưng bày trong trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội), Rèm Thưa, tham gia triển lãm Hội chợ Sàigòn), La Famille (Gia đình) tranh sơn dầu, giải nhì hội họa, hội nghệ sĩ
Quốc gia Pháp tổ chức, hiện trưng bày trong viện bảo tàng Luxembourg, Paris.
Tranh tôn giáo của ông gồm có: Tình Mẫu Tử
(Mater Amabilis), hiện trưng bày trong viện bảo tàng Mỹ thuật bộ Truyền giáo
Vatican, Roma, Thánh Mađalêna Dưới Chân
Thánh Giá, bích họa, hiện ở viện bảo tàng Bộ Truyền giáo Vatican, Roma, Thánh Mẫu và Chúa Hài đồng, tranh lụa,
hiện trưng bày ở bảo tàng Aix-la-Chapelle (Pháp), Tán Dương Đức Mẹ (1937), Truyền
Bá Đức Tin (1937), Hài Nhi và Mẹ Người
(1950), Nước Cha Trị Đến (1950).
Nữ Vương Hòa Bình là bức họa cuối cùng của họa sĩ Lê Văn Đệ trước
ngày từ trần. Bức họa còn ở diện phác thảo chì than và phấn trắng trên giấy
can, ông thực hiện nhân dịp lễ khánh thành nhà thờ Đồng Tiến, Sàigòn, năm 1966.
Bức tranh đã được trưng bày tại nhà thờ Đồng Tiến vào dịp lễ khánh thành và hiện
được lưu giữ tại Nhà Truyền thống Văn hóa và Đức tin thuộc Tổng giáo phận
Sàigòn, số 6 Tôn Đức Thắng, quận I.
9. Sổ rửa tội, giấy bằng khoán, hương ước ...
Qua khảo sát ở một
số giáo xứ trên toàn quốc, các nhà nghiên cứu đã có dịp được thấy những loại
văn bản, sổ sách cổ của Công giáo, như các cuốn sổ Rửa tội bằng chữ La-tinh khởi
đầu từ năm 1875 và kéo dài cho tới ngày nay, chẳng hạn, tại các giáo xứ, đặc biệt
tại miền Nam Việt Nam như Thành Triệu, Bò Ót, Năng Gù, Mỹ Luông, Cù Lao Giêng,
Lái Thiêu, các bản Hương Ước, đặc biệt tại đồng bằng Sông Hồng...
10. Việc trưng bày và lưu giữ các hiện vật của
Công giáo
Các hiện vật Công
giáo chủ yếu được sưu tập và tập trung tại các nhà thờ hoặc đại chủng viện. Tuy
nhiên, không phải tất cả các cơ sở Công giáo đều thành lập được bảo tàng hay phòng
lưu niệm. Theo chúng tôi, hai địa điểm đáng chú ý nhất là Đại chủng viện Thánh
Giuse ở Tp. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Nhà thờ gỗ ở Tp. Kon Tum.
Đại chủng viện
Thánh Giuse rất chú ý đến các di sản Công giáo, với điểm nhấn quan trọng trong
trưng bày là biểu tượng “con thuyền và chiếc mỏ neo”, tạo nên sự liên tưởng đến
phương tiện đưa các nhà truyền giáo tới Việt Nam; bên cạnh đó là những hiện vật
liên quan đến các vị tử vì đạo, những người Công giáo bị chết trong các cuộc bạo
hành vào thời kỳ cấm đạo[42].
Bảo tàng Nhà thờ
gỗ ở Tp. Kon Tum trưng bày những hiện vật về lịch sử truyền giáo lên Tây Nguyên
và quá trình hội nhập Công giáo với văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên nói
chung và Kon Tum nói riêng.
Ở miền Bắc cũng
có một số tòa giám mục và nhà thờ có phòng lưu niệm hoặc phòng truyền thống có
trưng bày tượng, ấn phẩm và hiện vật liên quan đến văn hóa Công giáo của địa
phương. Như tỉnh Nam Định có nhà thờ Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường)
khánh thành bảo tàng năm 2007; nhà thờ Phú Nhai (xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường)
năm 1957 đã có phòng lưu niệm, đến năm 2007 thì xây dựng phòng bảo tàng, 2 tầng,
khánh thành năm 2008; nhà thờ xứ Lục Thủy (huyện Xuân Trường, Nam Định), nhà thờ
Sở Kiện (Thanh Liêm, Hà Nam) có phòng lưu niệm từ trước năm 1945, do các linh mục
người Pháp xây dựng...
Ngoài ra, theo chỗ
chúng tôi được biết, trong quá khứ, cũng đã có không ít các cuộc trưng bày hay
triển lãm mỹ thuật dân tộc và mỹ thuật tôn giáo, đã được tổ chức để giới thiệu
một cách rộng rãi các di sản này cho quần chúng, như cuộc triển lãm có tên gọi Như Thầy Yêu Thương, đã đề cập ở trên,
hay cuộc trưng bày “Sống Trong Bí Tích -
Văn Hóa Công Giáo Đương Đại Việt Nam” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, từ
tháng 12 năm 2008 đến tháng 5 năm 2009, do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực
hiện. Bài “Hành Trình Đi Đến Cuộc Trưng Bày Sống Trong Bí Tích-Văn Hóa Công
Giáo Đương Đại Việt Nam” của tập thể tác giả Nguyễn Văn Huy, Vũ Thị Hà, Vũ Thị
Thanh Tâm in trong Các Công Trình Nghiên
Cứu của Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam, tập VII, trang 174 - 209, đã trình
bày về hành trình nhiều năm trời của chương trình tập hợp và giới thiệu các hiện
vật thể hiện đời sống tôn giáo của người Công giáo Việt Nam.
Bên cạnh đó, một
số cuốn sách như Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam của Đỗ Quang Chính[43], Dấu Ấn 350 Năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
do Hội đồng Giám mục Việt Nam biên soạn[44]... cũng
góp phần giới thiệu về một vài khía cạnh của văn hóa Công giáo, trong đó có những
di sản Công giáo có giá trị...
Những ấn phẩm, những
cuộc trưng bày là cần thiết, và trong tương lai cần tiếp tục được phát huy,
trong đó không thể không nhắc đến vai trò điều phối của Giáo hội Công giáo Việt
Nam, và sự chung tay một cách tích cực, thiện chí từ các nhà khoa học trong và ngoài
Giáo hội.
ĐỀ XUẤT
MỘT SỐ HƯỚNG SƯU TẦM,
NGHIÊN CỨU DI SẢN
VĂN HÓA CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Trong quá trình
phát triển của mình, Công giáo vừa là chủ thể, vừa là lực tác động thúc đẩy sự
xuất hiện của nhiều di sản văn hóa mà cho đến nay, theo sự tàn phá của thời
gian, chúng đã hoặc đang có nguy cơ mất đi. Việc bảo tồn di sản văn hóa Công
giáo gặp nhiều khó khăn do những nhu cầu của đời sống hiện đại chưa cho phép tập
trung để lưu giữ một cách hiệu quả các di sản văn hóa, các văn bản cổ này trong
môi trường nóng ẩm, hoặc những biến thiên của lịch sử khiến nhiều di sản Công
giáo bị thất lạc, phá hủy...
Mặt khác, nhiều
di sản văn hóa cả vật thể[45] và
phi vật thể[46]
Công giáo Việt Nam hoặc có liên quan trực tiếp đến Công giáo Việt Nam không những
không được đa phần người Công giáo biết đến, mà vị trí, vai trò của chúng trong
văn hóa Việt Nam cũng chưa thực sự được định vị một cách chính xác.
Đứng trước những
di sản văn hóa Công giáo khá phong phú và quý giá như được phác họa qua trên
đây, đồng thời trước đòi hỏi lưu giữ các di sản này trong những điều kiện an
toàn, nghiên cứu và tìm hiểu các di sản này, chúng tôi xin đề xuất một chương
trình sưu tầm, nghiên cứu về di sản văn hóa Công giáo Việt Nam, với một số mục
tiêu cụ thể bước đầu như sau:
1. Nhận diện tổng thể văn hóa Công giáo Việt Nam.
2. Sưu tầm, số hóa,
ghi âm, quay phim, quét số hóa 3D, lưu trữ bằng những phương pháp hiện đại các di sản văn hóa Công giáo vật thể và phi vật
thể của Việt Nam.
3. Thiết lập một số cơ sở thu thập, lưu giữ
4. Tập trung nghiên cứu một số vấn đề văn hóa Công
giáo được xem là có tính ứng dụng cao, có vai trò, vị trí đối với văn hóa Việt Nam
trong lịch sử, hoặc có thể khai thác trong hiện tại và tương lai, phục vụ cho
những mục đích phát triển kinh tế-xã hội, có tác động thúc đẩy sự phát triển tốt
đẹp của đời sống giáo dân, thúc đẩy sự gắn bó, đoàn kết dân tộc và hội nhập văn
hóa quốc tế, có vai trò giới thiệu hình ảnh của một Việt Nam đa dạng và có bản
sắc ra thế giới.
5. Chỉ ra những vấn đề có tính phương pháp luận về ảnh
hưởng qua lại giữa văn hóa Công giáo với văn hóa Việt Nam, dự báo xu hướng phát
triển của văn hóa Công giáo, đưa ra một số giải pháp, chương trình để tiếp tục
thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa Công giáo Việt Nam.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 111 (tháng 3 & 4 năm 2019)
[1] Coi Jacques Gernet, Chine et
Christianisme, la première confrontation, ed, Gallimard Paris, 1982, tr. 16
[3] Alexandre de Rhodes, sđd, trang 116-117.
Trong phần ghi chú, dịch giả Hồng Nhuệ còn giả thiết rằng đây có thể là cuốn
“Thiên Chúa thực nghĩa” của Linh mục M.Ricci. Nhưng cũng có thể là cuốn ‘Thiên
Chúa thực lục' của Minh Kiên (1584).
[8] Linh mục Vinh Sơn Bùi Đức
Sinh, dòng Đaminh trên đất Việt, in lần thứ hai, Sàigòn, 1993, quyển 1, trang
47.
[9] Nguyễn Khắc Xuyên, Cathechismus
in octo dies divisus, Phép giảng 8 ngày, Tp. Hồ Chí Minh, 1993, trong XII và
H.Bernard, Pour la comprehension de l'Indochine et de l'Occident, Hanoi 1939,
trang19, do Nguyễn Đình Đầu trích dẫn trong tham luận nhan đề “About the relationship
between the Japanese and Vietnamese people on the helds of trade and evangelization at Faifo - Phố Hiến in the early 17th century, đọc tại đại
học Sophia, Tokyo, tháng 9.1994.
[12] Võ Long Tê, Thiên Chúa Thánh giáo khải
mông, in trong tập Về Sách Báo Của Tác Giả Công Giáo (thế kỷ XVII-XIX), trường
Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 1993, trang 26.
[13] Thanh Lãng, Thử thiết lập hồ
sơ về hai người con gái: Một con của Phật, một con của Chúa, in trong tập Về
Sách Báo Của Tác Giả Công Giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 14.
[16] Có thể kể đến các sách như:
1.
Bản kinh tụng đọc toàn niên, Đức Cha Phanxicô Minh (Pháp) soạn. Đông Kí Hội
Đường chuẩn thuật in năm 1897. 1 bản in, 192 trang, 24 x 15, 1 tựa, 1 mục lục.
2.
Chân đạo tứ chứng, 1 bản in (bộ: 4Q),
226 trang, 26 x 15, 1 tựa, 1 yếu dẫn.
3.
Chân đạo yếu lý, Đức Cha Côrôlô Khiêm
(Pháp) biên soạn và đưa in năm 1864. 1 bản in, 266 trang, 26 x 14, 1 mục lục.
4.
Hội đồng tứ giáo, 2 bản in, có chữ
Hán. Chủ giáo Nhược Sắt Chiêu in, 72 trang, 25 x 14.
5.
Lộ Đức Thánh Mẫu, Đức Cha Phêrô Maria
Lương thuật. In lại lần thứ hai, năm 1911. 1 bản in, 382 trang, 20.6 x 13.4, 1
tựa, 1 lời phân bua, 1 mục lục.
6.
Ngâm lễ trọng mùa Phục sinh đến tháng
bảy, (Những điều ngắm trong các ngày lễ trọng (Quyển chi nhất), 2 bản viết, 202 trang, 25 x 16,8, chữ Nôm.
7.
Sách dẫn đường giữ đạo, 1 bản in, 476 trang, 21 x 13, 1 tựa, 1 mục lục.
8.
Sách truyện các Thánh (Q.12), 1 bản in, 236 trang, 20.5 x 13.5, có mục lục.
9.
Sách dẫn đường nhân đức, 1 bản in, 448 trang, 27 x 15, 1 tựa, 1 mục lục.
10. Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng, 1 bản in, 324 trang, 26 x 15, 1 tựa, 1 mục lục.
11. Thiên Chúa giáo tứ tự kinh văn, 1 bản viết, 56 trang, 29 x 16.
12. Thuật tích việc nước Nam, Linh mục Đặng Đức Tuấn soạn, 1 bản viết, 56 trang, 31 x 22.
13. Tháng cầu cho các linh hồn nơi lửa giải tội, Đức Cha Phêrô Maria Đông biên soạn. Nhà Ninh
Phúc Đường in năm 1896. 1 bản in, 328 trang, 21 x 13, có lời nói đầu, 1 mục lục.
14. Thiên Chúa chân đạo dẫn giải toàn thư, Soạn tại nhà thờ làng Trà Lũ, trấn Sơn Nam,
năm Lê Cảnh Hưng 38 (1777). Trần Nguyên Phu dịch ra Hán văn. Hối Trai Đặng Cư
Sĩ hiệu duyệt. 1 bản viết (2 T), 406 trang, 28 x 14, 1 tựa, 1 mục lục.
15. Thiên Chúa Thánh giáo hối tội kinh, Jeronimo Maiorica thuật. 1 bản viết, 108
trang, 25.5 x 17, chữ Nôm.
16. Thiên Chúa Thánh giáo khải mông, 1 bản viết, 158 trang, 25.9 x 17, chữ Nôm.
17. Thiên Chúa Thánh giáo nhật khoá, Khắc in lại tại Gia Định năm Bính Dần
(1886). 1 bản in, 170 trang, 22.5 x 14.5, 1 tựa, toàn chữ Nôm.
18. Thiên Chúa Thánh Mẫu, Jeronijmo Maijorica biên soạn. 1 bản viết, 1 tựa,1 mục lục.
19. Ngọc Đồng hương ước, Trần Đình Nguyên, Nguyễn Tín Thi , Ngô Văn Đạo biên tập năm Duy Tân 7 (1913), ngoài ra còn nhiều văn bia, hương ước...
[17] Có thể kể đến các sách như:
1. Sách truyện các thánh toát yếu,
in năm Khải Định 1897, 286 trang
2. Sách giảng sự thương khó Đức
Chúa Giêsu, Ninh Bình Phát diệm tổng đường tàng bản, 1863. Quyển 7, quyển 8.
3. Sách các ngày lễ giải quanh
năm đọc trong vụ, Chữ Nôm, 220 trang
4. Sách an ủi kẻ liệt, Chữ Nôm,
in năm 1924, 492 trang
5. Thánh giáo yếu lý, Đức Cha
Alexandre Thành san thuật, Bản chữ Nôm của Phát Diệm tổng đường tàng bản, in
năm 1925, 152 trang, kích thước 27x15cm.
6. Tam thập nhất điều tư lượng,
Đức Cha Phúc (Pablô) san thuật. In tại Ninh Bình năm 1869, 102 trang
Số sách kể trên đã được số hóa dưới sự tài trợ của Hoa Kỳ.
[19] Số sách Hán Nôm Công giáo lưu
trữ tại Pháp được thống kê trong cuốn Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội
thừa sai Ba-Lê (Inventaire des ouvrages en Hán Nôm conservés aux Mission
Étrangères), Églises d'Asie série histoire. Hiện chưa có ấn phẩm chính thức nào
công bố về các sách Hán Nôm Công giáo lưu trữ tại các nước khác.
[31] Nguyễn Hồng Dương, Công Giáo
trong Văn Hóa Việt Nam, Tái bản lần thứ 1, năm 2013, Nxb Văn hóa Thông tin.
[32] Linh mục Trương Bá Cần
(2002), Nguyễn Trường Tộ: Con Người & Di Thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
[36] Nguyễn Khắc Xuyên (1992), Tiến
Trình Thánh Nhạc Việt Nam Qua Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo
Tp. Hồ Chí Minh.
[37] Nguyễn Hồng Dương (2002),
Nghi Lễ và Lối Sống Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.
[38] Đỗ Quang Hưng (chủ biên,
2000), Lịch Sử Báo Chí Việt Nam 1865-1945, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, trang
184.
[39] Đỗ Quang Hưng (chủ biên,
2000), Lịch Sử Báo Chí Việt Nam 1865-1945, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, trang
186-187.
[40] Tính theo giá lúa, vẫn do Nam
Kỳ Địa phận cung cấp (số 2), thì một năm báo đắt hơn một tạ lúa (68ký) được chở
tới nhà máy Chợ Lớn một chút. Giá một tạ lúa ở đây, vào thời điểm này là 2$93.
[42] Nguyễn Văn Huy, Vũ Thị Hà, Vũ
Thị Thanh Tâm (2008), “Hành Trình Đi Đến Cuộc Trưng Bày Sống trong Bí Tích-Văn
Hóa Công Giáo Đương Đại Việt Nam” in trong Các Công Trình Nghiên Cứu của Bảo
Tàng Dân Tộc Học Việt Nam, tập VII, trang 174-209.
[43] Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính
(2008), Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo.
[44] Hội đồng Giám mục Việt Nam
(2010), Dấu Ấn 350 Năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Nxb Phương Đông.
[46] Một thực hành tôn giáo mang
tính địa phương/bản địa, chẳng hạn như vãn, ngắm, các thực hành tôn kính người
quá cố,...