Chi tiết
từ "Cuộc hoán cải trên đường đến Đamát" (1600-01) của Caravaggio
NHỮNG BÀI HỌC MÙA CHAY
TỪ SỰ HOÁN CẢI CỦA THÁNH PHAOLÔ
WHĐ (30.3.2022) - Trong vô số những bài học
Mùa Chay có thể thu thập được từ việc suy ngẫm về sự hoán cải của Thánh Phaolô,
và đặc biệt là hoa trái của sự hoán cải đó thể hiện trong giáo huấn của ngài,
trước hết chúng ta hãy tập trung vào việc ngài nhận mình là người tội lỗi nhất
trong số tất cả các tội nhân, và tiếp đến, với sự trợ giúp của truyền thống lớn
lao trong Hội Thánh, chúng ta sẽ tập trung vào vị trí của đau khổ trong kế hoạch
cứu độ của Thiên Chúa và trong sự hoán cải không ngừng của đời sống Kitô hữu.
Ðức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi,
mà kẻ đầu tiên là tôi. (1Tim 1, 15)
Thánh Phaolô không giới thiệu mọi khẳng định đức
tin mà ngài đưa ra trong lá thư của mình bằng những lời lẽ trang trọng. Chúng
được giới thiệu trước câu vừa được trích dẫn: “Ðây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Ðức Kitô
Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi” (1Tm 1, 15). Lời giới
thiệu này là một bản tóm tắt hiểu ngầm về sứ mệnh của Đức Kitô và Phúc âm mà
Thánh Phaolô đã được sai đi rao giảng. Bản tóm tắt này âm vang lời của chính
Chúa Giêsu: “Tôi không đến để kêu gọi người
công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17); “Tôi đến… để cứu thế gian” (Ga 12, 47).
Thánh Phaolô tuyên bố rằng mình là người tội lỗi
nhất, người đứng đầu trong số những tội nhân, không chỉ 1 lần mà là 2 lần. Và với
lời khẳng định lần thứ hai, ngài đưa ra lý do: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Ðức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng
đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ
tin vào Người, để được sống muôn đời.” (1Tm 1, 16). Thánh Phaolô nhận ra sự
khôn ngoan của Thiên Chúa khi đã chọn ngài, một kẻ bắt bớ Hội thánh của Đức
Kitô, để rao truyền Tin Mừng cho dân Israel và các dân nước. Biết rằng người ta
dễ bị cám dỗ nghĩ rằng mình không có hi vọng được tha thứ, ngài đưa ra một lập
luận chặt chẽ: Nếu Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi, thì Ngài có thể tha thứ
cho tất cả mọi người.
Không có tội lỗi nào tạo thành tội ác lớn đến
mức vượt quá quyền năng tha thứ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô hẳn đã biết rằng
hành động xưng thú tội lỗi đòi hỏi một mức độ sâu thẳm của sự khiêm nhường,
nhưng người ta thường thích bận rộn với những bận tâm trần thế để tránh khoảnh
khắc sự thật trong lương tâm. Hoặc, họ tự thuyết phục mình rằng họ sẽ giải quyết
việc đó sau, nhưng đây là hành động trái ngược với sự khôn ngoan của Vua Đavít:
“Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người,
các ngươi đừng cứng lòng” (Tv 95, 7–8).
Giả như đã có một cuộc tranh luận lớn tại một
trong những trường đại học lớn của thế kỷ XIII, như Đại học Paris, để xem Thánh
Phaolô và Thánh Phêrô trả lời ra sao câu hỏi: Ai là tội nhân lớn nhất? Chắc chắn,
Thánh Phêrô là một trường hợp đáng quan tâm. Nhưng có lẽ trong quá trình tranh
luận của các ngài, điều có thể xảy ra với cả hai vị là tội lỗi gắn liền với tội
nhân đến nỗi bất cứ ai trực diện với nó mà không tự phụ hoặc tìm cách bào chữa,
thì đều tuyên bố rằng mình là tội nhân lớn nhất. Chúng ta thường có khuynh hướng
không cho người khác biết chi tiết nào đó, tưởng tượng ra bất kỳ tình huống giảm
nhẹ nào có thể làm giảm khả năng chịu tội. Nhưng, khi trở về với chính mình,
không có nơi nào để trốn. Trong lương tâm của mình, chúng ta minh bạch với bản
thân, trần trụi và phơi bày trước sự thật là tại một thời điểm nhất định, đơn
giản là tôi đã quyết định gạt Thiên Chúa và chân lý của Ngài sang một bên. Có
điều gì đó mà tôi nhất định nghĩ, hoặc nói, hoặc làm, kể cả khi biết rằng điều
đó là trái với luật của Chúa, tôi vẫn đã tiến tới.
Đây là điều mà Kinh thánh gọi là khinh dể, khinh
miệt hoặc khinh thường lời của Thiên Chúa, như Nathan nói với Đavít: “Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Ðức Chúa
mà làm điều dữ trái mắt Người?” (2Sm 12, 9). Trong mọi tội lỗi, đều có sự
khinh miệt đối với lời của Thiên Chúa. Vì chúng ta biết những đòi hỏi cụ thể của
lời Thiên Chúa qua sự phán quyết của lương tâm, nên trong mọi tội lỗi đều có
hành động bạo lực chống lại chân lý theo sự phán quyết của lương tâm. Đây là lý
do tại sao Giáo hội tông truyền hiểu sự cứu độ trong Đức Kitô như là hồng ân của
một lương tâm được thanh tẩy bởi bửu huyết— nghĩa là tình yêu vượt qua — của Đức
Kitô (Dt 9, 9. 14). Hồng ân này được ban tặng qua Bí tích Rửa tội (Dt 10,
20–22; 1Pr 3, 21).
Mùa Chay là mùa chuẩn bị cho Bí tích Rửa tội,
và đối với những người đã được rửa tội, Mùa Chay là thời gian đào sâu các ân sủng
của bí tích rửa tội qua việc xét mình, ăn năn và hoán cải. Bằng cách này, tất cả
các thành viên của Giáo hội làm chứng cho lòng thương xót vượt trội của Thiên
Chúa và tham gia vào sứ mệnh của Thánh Phaolô là làm chứng nhân cụ thể về mức độ
của lòng thương xót, để những người khác có thể được củng cố trong hy vọng khi
họ đối đầu với tội lỗi của chính mình. Dấu Thánh Giá trên trán vào Thứ Tư Lễ
Tro có ý nghĩa và mạnh mẽ biết bao đối với một thế giới bị đánh dấu bằng việc
đánh mất cảm thức về tội lỗi và lương tâm, và do đó bị giam cầm trong tuyệt vọng!
Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những
đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta. (Cv 9,
16)
Thiên Chúa nói những lời trên với Khanania,
người mà Ngài đã chọn để làm phép rửa cho Phaolô. Khanania đắn đo suy nghĩ, khi
thông báo cho Đức Chúa (như thể Ngài cần được thông báo!) về “tất cả những điều ác người ấy đã làm cho các
thánh của Chúa tại Giêrusalem” (Cv 9, 13). Chúa trấn an Khanania rằng tất cả
đều theo kế hoạch của Ngài: "Cứ đi,
vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các
vua chúa và con cái Israel. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất
cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta" (Cv 9, 15–16).
Thật vậy, Thánh Phaolô ý thức sâu sắc về vị
trí của đau khổ và sự chết trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng nhận thức này
chỉ đến sau khi tâm trí ông được đổi mới (Rm 12, 2; Ep 4, 23) bằng đức tin vào
Đức Kitô, vào sứ mệnh của Ngài là cứu độ tội nhân, và vào sự phục sinh của
Ngài. Khi bắt bớ các môn đệ đầu tiên của Đức Kitô, Saulo, một người biệt phái,
cho thấy ông quyết liệt chống lại bất kỳ định nghĩa nào về Đấng Mêsia được hứa
ban mà lại hàm nghĩa rằng sứ mệnh của Ngài phải được hoàn thành qua đau khổ và
cái chết.
Trước khi trở lại, Phaolô rất giống Phêrô, người
bị Chúa Giêsu khiển trách vì suy nghĩ như một người phàm chứ không như Thiên
Chúa. Điều này xảy ra trong bối cảnh Phêrô đáp lại điều mặc khải đầu tiên của
Chúa Giêsu rằng “Người phải đi
Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây
ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21). Sự hiểu biết
này về Đấng Mêsia đau khổ dường như là một trong những giáo huấn chính của Chúa
Phục sinh (x. Lc 24, 7. 26. 46) và là trọng tâm chính của đức tin của Giáo hội
tông truyền (x. Cv 3, 18; 17, 3; 26, 23; 1Pr 1, 11).
Ai có thể hiểu được sự cần thiết thần linh này
về sự đau khổ của Đấng Mêsia? Tội nhân, những người “nhìn thấy trên thập giá một sự phản ánh chính xác của tội lỗi khôn lường
của họ” (Balthasar). Trong đức tin, người ta phải thấy mối tương quan
nhân-quả giữa tội lỗi của chính mình (nguyên nhân) và sự đau khổ của Con Thiên
Chúa (hậu quả). Chìa khóa này mở cánh cửa để hiểu được vị trí của đau khổ trong
chương trình của Thiên Chúa, bởi vì lúc này người ta không còn nhìn vào Thập
giá nữa mà nhìn từ Thập giá, nghĩa là nhìn từ viễn tượng của Chúa Giêsu, với
đôi mắt của Chúa Giêsu, Đấng mà duy mình Ngài biết được sự thật trọn vẹn về tội
lỗi, sự dữ và đau khổ.
Điều này giải thích làm thế nào mà Thánh
Phaolô có thể vui mừng trước sự đau khổ của ngài - bởi vì ngài coi đó là sự
tham dự vào đau khổ cứu độ của Chúa Kitô (Cl 1, 24). Và Thánh Phêrô đã biến nó
thành một nguyên tắc của đời sống Kitô hữu: “Chính vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng lấy
tư tưởng này làm khí giới…” (1Pr 4, 1); “Ðược chia sẻ những đau khổ của Ðức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng
bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ”
(1Pr 4, 13); “Nếu có ai phải chịu khổ vì
danh hiệu Kitô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang
danh hiệu đó” (1Pr 4, 16).
Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không
ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi
có bị nguyền rủa và xa lìa Ðức Kitô, thì tôi cũng cam lòng. (Rm 9, 1–3)
Chắc chắn, Thánh Phaolô đã trải qua những đau
khổ lớn lao về thể xác, thậm chí giống như Ðức Kitô đã trải qua. Nhưng thánh
nhân nói rõ rằng việc ngài thông phần vào sự đau khổ của Ðức Kitô, trên hết mọi
sự là nỗi đau khổ về sự khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là
đau khổ vì gánh lấy đau khổ của các tội nhân, những người mà chính xác bằng việc
phạm tội, đã từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Đó là bước một cách ý thức vào
khoảng trống vắng tình yêu như một hiến lễ dâng lên Thiên Chúa, Đấng lấy làm
hài lòng và được tôn vinh không phải bằng đau khổ đơn thuần, nhưng bằng cách thế
mà những ai nhận biết đường lối của Ngài phải đau khổ.
Hình thức căn bản của đau khổ đối với tội nhân
là sự hối hận của lương tâm. Sự hối hận của lương tâm là sự trừng phạt chính
đáng vì tội lỗi. Nền tảng của nó là sự phán quyết rằng tôi đã sử dụng sai quyền
tự do của mình, vốn dành cho tình yêu có trách nhiệm trong chân lý. Vì yêu bản
thân cách vô trật tự, tôi đã coi thường chân lý của Thiên Chúa. Như lời của
Thánh Augustinô: Yêu bản thân đến mức khinh thường Thiên Chúa. Đó là luận lý của
tội lỗi khi sống ngoài tình yêu của Thiên Chúa vì mọi tội lỗi đều là hành động
không tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa, và sự bất tuân này bắt nguồn từ sự
nghi ngờ và khước từ tình yêu của Ngài. Điều này phù hợp với nguyên tắc được đặt
ra trong sách Khôn Ngoan: “phạm tội làm
sao thì bị phạt làm vậy” (Kn 11,16). Thánh Augustinô đã từng nói như thế
này: “Tình yêu thất thường là hình phạt của
chính nó”.
Khi sự đau khổ này, sự hối hận này của lương
tâm được liên kết bởi đức tin vào Đức Kitô và mầu nhiệm vượt qua của Ngài, khi
nó hàm chứa ý thức về việc phải chịu trách nhiệm về sự đau khổ và cái chết của
Ngài, thì “chúng ta cùng chịu đau khổ với
Người” (Rm 8, 17). Phẩm giá bí tích thanh tẩy của chúng ta là tham gia vào
sự đau khổ của chính Thiên Chúa trước sự dữ của tội lỗi. “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26, 38). Thiên Chúa mạc khải dứt
khoát phản ứng của Ngài đối với tội lỗi trong sự đau khổ và cái chết của Đức
Giêsu Kitô. “Khi Thần chân lý cho phép
lương tâm con người chia sẻ nỗi đau khổ của Chúa Giêsu, thì nỗi đau khổ của
lương tâm trở nên đặc biệt sâu sắc, nhưng cũng đặc biệt cứu độ.
Sau đó,
bằng một hành động ăn năn hoàn hảo, sự hoán cải đích thực của con tim được thực
hiện: đây là ‘sám hối’ theo Phúc âm” (St. Gioan Phaolô
II, Dominum et Vivificantem, 45).
Đây là sự đau khổ do ý Thiên Chúa mà Thánh
Phaolô viết: “thì nay tôi lại vui mừng,
không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu phiền đó đã làm
cho anh em hối cải. Thật thế, anh em đã phải ưu phiền do ý Thiên Chúa… Quả vậy,
nỗi ưu phiền do ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ” (2 Cr
7, 9–10). Sự đau buồn đạo đức của lương tâm này là yếu tố trung tâm của sự trừng
phạt chính đáng đối với tội lỗi. Nó xuất phát từ chính bản chất của tội lỗi, và
chúng ta phải cố gắng để chấp nhận sự đau buồn như một ân sủng (GLCG, 1472–73).
Làm như vậy là biến đổi hình phạt vì tội lỗi thành hành động chuộc tội. Bởi vì,
khi sự trừng phạt tội lỗi được đón nhận với ý thức tự do, cụ thể là hiểu biết vị
trí của hình phạt trong kế hoạch của Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn trong
Chúa Giêsu Kitô, thì điều đó trở nên thoả đáng. Đức tin và đức ái biến hình phạt
thành sự đền tạ — dự phần vào sự đền tạ của chính Chúa Giêsu Kitô.
Và với điều này, chúng ta có thể hiểu lời khẳng
định gây sửng sốt của Thánh Phaolô: “Tôi
vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải
chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức” (Cl 1, 24). Tin rằng nỗi buồn
vì tội lỗi là một ân sủng và là một bước cần thiết để ăn năn và hoán cải có
nghĩa là chúng ta có thể coi đó như là một điều tốt lành. Tiếp nối Thánh
Augustinô, Thánh Tôma dạy rằng “một người
có thể không hài lòng khi phạm tội, và lấy làm vui về sự không hài lòng của
mình cùng với hy vọng được tha thứ, để nỗi buồn của anh ta là một vấn đề vui mừng.
Do đó, Augustinô nói “Hối nhân phải luôn đau buồn và vui mừng trước sự đau buồn
của mình” (ST III, Q. 84, a. 9, ad 2).
Dưới ánh sáng này, chúng ta hiểu Sách Giáo lý
khi dạy về “sự đau khổ và buồn phiền hữu
ích được các Giáo phụ gọi là nỗi
thống khổ của tâm hồn, sự cắn rứt của trái tim” (GLCG, 1431) vốn đồng hành
với nẻo đường hoán cải thường xuyên của người Kitô hữu. Đặc biệt trong Mùa Chay, chúng ta đón nhận những
gì Thiên Chúa đã mạc khải nơi Đức Kitô và qua Thánh Phaolô về nỗi ưu phiền do ý
Thiên Chúa và sự đau buồn thánh thiện hoặc sự hối hận về tội lỗi, như được phát
triển cách đặc biệt trong truyền thống tâm linh Đông phương:
“Nỗi ưu
buồn do ý Thiên Chúa” và những thứ tương đương của nó sẽ là biểu hiện cao
nhất của niềm vui như dưới đây: karopoion
penthos. Mối phúc Phúc âm được thực hiện trong thế giới này: "Phúc cho [những ai than khóc], vì họ sẽ được
an ủi". “Than khóc” giờ đây
sẽ tương đương với niềm an ủi, thậm chí còn hơn thế nữa, với niềm hạnh phúc [x.
Irénée Hausherr, Penthos. Học thuyết về sự ăn năn trong Kitô giáo Đông phương
(Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, Inc., 1982), 23].
Mùa Chay là mùa của nỗi đau khổ thần linh, mùa
tham dự vào đau khổ của Chúa Kitô và cũng tham dự vào niềm vui đang ở trước mặt
Người, và vì niềm vui ấy Người đã cam chịu khổ hình thập giá (Dt 12, 2), nhờ đó
hoàn thành sự cần thiết mầu nhiệm của đau khổ và sự chết trong kế hoạch yêu
thương của Thiên Chúa để cứu thế giới khỏi tội lỗi, thoả mãn tình yêu của Thiên
Chúa bằng cách tự mình gánh lấy hình phạt chính đáng của tội lỗi thế gian.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa
Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ
từ: Catholic World Report 19. 3. 2022
[1] Douglas Bushman nổi tiếng với tư cách là giám đốc
trước đây của Viện Thần học Mục vụ tại Đại học Ave Maria và Đại học Dallas và với
các khóa học về Giáo hội học, Tu đức Công giáo, John Paul II, Vatican II, Thần
học Mục vụ và Tân Phúc âm hóa. Ông là tác giả cuốn Theology of Renewal for His Church: The Logic of Vatican II’s Renewal
in Paul VI’s Encyclical Ecclesiam Suam, and Its Reception in John Paul II and Benedict XVI (Wipf and
Stock, sắp xuất bản).