NHẬT KÝ VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG
Bài 3: Hiến Mạng Sống

Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn dịch từ vaticannews.va

WHĐ -- Bài viết thứ ba trong «Nhật ký về cuộc khủng hoảng» của cha Lombardi: Tấm gương của các bác sĩ, y tá, linh mục, của những người dấn thân phục vụ người bệnh, sẵn sàng hiến mạng sống mình, là một bài học mà thời điểm này phải để lại cho chúng ta.

Giữa nỗi đau cùng những bi kịch của tháng ngày này có một thực tế quan trọng gợi lên sự chú ý trong chúng ta, ngay cả khi bao đau khổ chồng chất, là nguồn gốc của sự ngưỡng mộ và – sau cùng – là sự an ủi. Đó là hàng ngũ những người mang lấy trên mình chính hậu quả của đại dịch, thậm chí là cái chết, để cống hiến một cách quảng đại với hết sức lực để phục vụ người khác, cả về thể xác lẫn tinh thần. Thật đáng để gửi trao cho họ một cống hiến chung của lòng biết ơn, chắc chắn không chỉ là lời nói hoa mỹ nhưng rất chân thành, từ tất cả mọi người. Các bác sĩ, y tá, linh mục, tình nguyện viên... Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, số lượng của họ cũng rất cao, không chỉ trong số những người mắc bệnh, mà cả những người hy sinh.

Trong những lúc đau khổ cùng cực, có người hiểu rằng họ được mời gọi bởi thiên hướng nghề nghiệp, hoặc tôn giáo, hoặc cách cá nhân để trải ra chính cuộc sống của mình cho người khác. Họ không trốn tránh rủi ro, không phải vì sự vô trách nhiệm và khinh suất, mà bởi một ý thức của bổn phận được thúc đẩy bởi tình yêu mạnh mẽ hơn nỗi sợ hãi.

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, khoảng 3.000 người đã chết trong vụ tấn công khủng khiếp vào Tòa Tháp Đôi. 343 người trong số này là những lính cứu hỏa tham gia vào các hoạt động cứu hộ. Nghĩa cử anh hùng của họ đã là một trong những sức mạnh tác động hữu hiệu để khuyến khích người dân New York trong việc tái thiết đạo lý và vật chất sau sự phá hủy. Và nếu lính cứu hỏa là những người tiếp cận gần và dễ thấy nhất, thì phải được kể vào đó rất nhiều bác sĩ, y tá, tình nguyện viên trong từng giúp đỡ mau lẹ với tất cả sự quảng đại, không hao phí ngay cả một phút suy nghĩ cho bản thân. Một mẫu gương tuyệt vời. Mà nó có thể tiếp tục lâu dài. Đã bao nhiêu lần trong những trận động đất, lũ lụt hay các thảm họa khác, chúng ta đã chứng kiến những phong trào tuyệt vời của tinh thần đoàn kết tự phát, không vị lợi, không nghĩ đến những vất vả và rủi ro...

Như thế, khi có quá nhiều khổ đau... chúng ta lại có rất nhiều tình yêu thương. Một tình yêu - nếu có thể - sẵn sàng tiêu hao mà không cần tính toán, đến mức trao hiến cả mạng sống. Chúng ta thường ngạc nhiên. Chúng ta thấy những người mà chúng ta xem ra có vẻ  "bình thường" lại thể hiện sự nhân bản và tinh thần cách vĩ đại mà chúng ta đã không biết, không nghi ngờ. Có lẽ chính họ cũng chưa có cách để hiểu được những gì họ có thể cho đi, cho đến khi nỗi đau của người khác, như một thách đố, cho họ thấy họ có thể được kêu gọi làm gì... Có một điều gì đó rất tuyệt vời và huyền nhiệm trong tương quan giữa đau khổ và tình yêu. Dường như nỗi đau là mảnh đất nơi đó tình yêu có thể lớn lên hơn cả những dự kiến và mong đợi của chúng ta, đạt đến đỉnh điểm nơi lý luận và lời nói không còn là gì, mà là một ngọn lửa mạnh mẽ bùng cháy trong tim. Chúng ta đã thấy điều này biết bao lần trong sự cống hiến của vợ chồng và những người thân yêu khi đối diện với những căn bệnh quá đau đớn. Khi ấy, tình yêu trở nên mãnh liệt và lớn lao đến nỗi nó có khả năng biến đổi một biến cố của khổ đau tàn khốc thành câu chuyện tình yêu cao cả. Đau khổ và sự chết nhận được từ đó một ý nghĩa cao cả và hơn cả chờ mong.

Chúa Giêsu nói «Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống». Và Ngài mời gọi chúng ta hiểu cuộc Thương Khó của Ngài trong ánh sáng này và cả chúng ta cũng đi vào sự sống bởi con đường tình này. «Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống» là điều gì đó mà tất cả có thể hiểu như sự thôi thúc, nếu họ chưa hoàn toàn bị lòng ích kỷ làm khô cằn.

Đại dịch, thời gian của đau khổ tột cùng, thời gian của tình yêu lớn lao. Thứ virus dễ lây lan. Nhưng tình yêu cũng có thể lan truyền. Nhiều người con của những người lính cứu hỏa New York chết trong ngày 11 tháng 9, lớn lên, cũng đã muốn trở thành lính cứu hỏa, để dõi theo bố của họ trong một sự phục vụ sẵn sàng hiến mạng sống cho người khác. Tấm gương của các bác sĩ, nam nữ y tá, của các linh mục, những người đã phục vụ người bệnh, sẵn sàng hiến mạng, là một trong những bài học quan trọng nhất mà thời điểm này phải để lại cho chúng ta. Đó chính là linh hồn cao quý của tất cả những bài học khác mà chúng ta sẽ cố gắng học hỏi. Không có điều này, những thứ khác sẽ chẳng có giá trị bao nhiêu.