Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn còn có bút hiệu đầu tiên Sao Trên Rừng, và biệt danh Sơn Núi (từ 1979, sau khi về sống ở Bảo Lộc).
Báo Thanh Niên tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của ông:
“Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18.11.1937 tại Thanh Hải (Ninh Thuận), nhưng quê gốc của ông là ở Thừa Thiên-Huế. Ông làm thơ từ sớm với bút danh Sao Trên Rừng và xuất hiện trong giới văn nghệ sĩ như là một người có kiểu cách khác người. Vì vậy, Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được coi là ba kỳ nhân nổi danh về tài năng và sự quái dị trong làng văn nghệ miền Nam trước 1975, đồng thời cũng là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam trước đây (ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên).
Cuộc đời nhà thơ lưu lạc qua nhiều vùng đất: Phan Rang, Sài Gòn, Thủ Dầu Một - Bình Dương, B’lao – Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học, viết văn, viết báo. Năm 1967, ông lấy bà Nguyễn Thị Phượng bằng đám cưới tổ chức tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) và sinh được 9 người con. Năm 1979, ông cùng gia đình chuyển lên sống trên Phương Bối (Lâm Đồng), chọn cách sống tĩnh tâm với núi rừng”.[1]
Các tác phẩm đã xuất bản: (1) Truyện ngắn, gồm các tập truyện: Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm, 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm, 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm, 1971); (2) Thơ, gồm các tập: Hoa Cô Độc (Mặt Đất, 1965), Bọt Nước (Mặt Đất, 1966), Lời Ru (Mặt Đất, 1966), Đêm Nguyệt Động (An Tiêm, 1967), Vọng (An Tiêm, 1972), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm, 1972), Tịnh Khẩu (An Tiêm, 1973), Du Sỹ Ca (An Tiêm, 1973).
Đặc biệt, trước khi mất, ông còn biết mình vừa được con cái, bạn bè và người hâm mộ thực hiện hai tập thơ: Thơ và Đá – Poetry and Rock – Shi to Ishi (ấn bản Việt-Anh-Nhật, Văn Học Press & Culture Art Education Exchange Resource, 2019) và Chút lời mênh mông (NXB Đà Nẵng & Thư viện Huệ Quang, 2020).
MỘT CÁCH TIẾP CẬN NGUYỄN ĐỨC SƠN: THƠ NHƯ MỘT LỜI NGUYỀN RỦA
Trong Lời Tựa tập thơ Thơ và Đá, thi sĩ-hòa thượng Tuệ Sỹ viết:
“Từ buổi bình minh của nhân loại, thơ là những bản tình ca trong cuộc tình hôn phối chư thiên và nhân loại, từ những nhớ nhung trằn trọc bởi yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Tôi cũng đã đọc thơ Sơn từ những buổi đầu như vậy. Nhưng rồi, cùng với những bước leo thang của chiến tranh tàn bạo; những ngôi sao trên bầu trời thanh bình bỗng chuyển mình thành những cụm hỏa châu, soi sáng hố hầm bom đạn dẫy đầy xác chết. Làm thơ, là làm gì? trong ánh hỏa châu, trong tiếng khóc của bà mẹ mất con, của người vợ mất chồng?
Thơ Sơn, Sao Trên Rừng, biến dạng thành những viên sỏi, những tảng đá vô tri vô cảm, để phạm thánh, để nguyền rủa cả một xã hội mà anh xem là cái chuồng khỉ. Anh xách cái chuồng khỉ ấy, trên những tờ giấy báo nhăn nhó, ném cho tôi mà không nói một lời. Và ra đi.”
Tuệ Sỹ gọi những vần thơ của Nguyễn Đức Sơn thời chiến tranh là “những viên sỏi, những tảng đá vô tri vô cảm, để phạm thánh, để nguyền rủa cả một xã hội mà anh xem là cái chuồng khỉ”.
Đó là sự “biến dạng” của thơ, so với buổi đầu của “những bản tình ca trong cuộc tình hôn phối chư thiên và nhân loại”.
Thơ bị chiến tranh làm biến dạng. Giọng “tình ca” bị thi sĩ ném đi, rồi chuốc vào thơ những lời “nguyền rủa”.
Rồi chiến tranh kết thúc. Nhưng Nguyễn Đức Sơn vẫn “lại lẩn trốn xã hội và vẫn tiếp tục nguyền rủa xã hội trong một thứ chủ nghĩa xã hội không có con người, nói như Trần Đức Thảo sau 20 năm im lặng” và “cả gia đình anh sống bên ngoài xã hội như một bộ lạc tiền sử”.
Đó là cách đọc Nguyễn Đức Sơn của Tuệ Sỹ. Thơ như một “lời nguyền rủa”.
Nguyền rủa và phạm thánh.
Phạm thánh và nguyển rủa, bởi theo Tuệ Sỹ, Nguyễn Đức Sơn bế tắc trước một câu hỏi lớn: Mai sau tắt lửa mặt trời / Chuyện linh hồn với luân hồi có không?
Câu hỏi về “ý nghĩa tồn tại của nhân sinh”.
Vì thế, bạn bè và những người mộ điệu -trong đó có Tuệ Sỹ- đặt cho tập thơ họ cùng nhau xuất bản, như một kỷ niệm tôn vinh ông, nhan đề “Thơ và Đá”.
Tuệ Sỹ giải thích tên gọi ấy:
“Tôi không thể nói gì về thơ Sơn, cũng không thể nói gì về bi kịch tồn sinh ấy. Bởi, đời sống thực của Sơn là những chuỗi nghịch lý của thương và ghét, yêu và hận.
Đọc thơ Sơn, như người điên mất trí nhớ ném từng viên sỏi vào hồ nước để nhìn những đợt sóng lăn tăn. Tôi thật vô cảm với những chữ thơ khô khan như sỏi đá vô tri, tự bộc lộ thơ thành đá, đá thành thơ, hay thơ là đá, đá là thơ. Sỏi đá vô tri thì chìm xuống đáy nước, và những gợn sóng nhấp nhô trên mặt nước gợi hứng cho cảm xúc lãng mạn một cách phù phiếm”.
Quả thật, điều đọng lại của thơ Nguyễn Đức Sơn đối với Tuệ Sỹ là cái “bi kịch tồn sinh”.
Độc giả có thể tìm thấy trong thơ Nguyễn Đức Sơn không ít hình ảnh về cái bi kịch tồn sinh, diễn tả cảm nhận của nhà thơ về điều không thể lý giải về sống và chết, còn và mất. Kể cả luân hồi. Một định luật, theo nhà Phật, không thể tránh khỏi khi còn nghiệp chướng. Nguyễn Đức Sơn cảm thấy đó là bi kịch. Bi kịch của cái không thay đổi. Mãi mãi nguyên vẹn. Sự nguyên vẹn của cái bi kịch, vì không nhận ra cái đang-là cũng chỉ là cái đã-là:
“Mai kia từ giã cõi đời
Đừng nghe
Cái cẳng từng rời cái chân
Cái xa nhập với cái gần
Cái lạ lẫm
Cái thiết thân một rồi
Không có đứng
Không có ngồi
Không trên
Không dưới
Bồi hồi là sao
Không nghiệt ngã
Không ngọt ngào
Trần gian trở lại
Ta chào chính ta”
(tập Thơ và Đá).
Và như thế, thơ là một bi kịch. Đá cũng thế. Hai bi kịch gặp nhau trong một chuyển hóa. Nhập vào nhau. Rồi tách rời. Và, cuối cùng, thành bát ngát bi kịch:
“Ðá hát
Ngàn thâu
Tóc râu
Ta nhịp
Thơ hát
Ðá át
Hồn sa
Bát ngát”
(tập Thơ và Đá).
MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHÁC: THƠ NHƯ MỘT NỖ LỰC SIÊU THOÁT
Tháng Tư 2020, hai tháng trước khi nhà thơ Nguyễn Đức Sơn qua đời, tập thơ Chút lời mênh mông của ông được NXB Đà Nẵng và Thư viện Huệ Quang xuất bản.
Chút lời mênh mông ra đời là do công sức góp nhặt của các con nhà thơ, đặc biệt anh Nguyễn Đức Yên, và nhà thư pháp Hồ Công Khanh, để Nguyễn Đức Sơn gửi tiếng thơ vốn im lặng đã lâu, lại được đến với công chúng văn chương.
Viết Lời Tựa cho Chút lời mênh mông là đại đức Thích Không Hạnh (Thư viện Huệ Quang). Mở đầu, người viết tựa, vốn là tu sĩ Phật Giáo, cảm thấy phải có đôi lời trần tình khi hạ bút viết về những dòng thơ rất “trần tục” này:
“Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông”.
Lời trần tình thật thà, và … đáo để. Đáo để nhưng… dễ thương và đặc sắc. Bởi Thích Không Hạnh muốn giới thiệu một thơ Nguyễn Đức Sơn không chấp nhận một kiểu đọc dễ dãi, dừng lại trên bề mặt của chữ nghĩa. Bởi, nếu chỉ chuyên chú, bận tâm tỉa tót phần chữ nghĩa, Nguyễn Đức Sơn đã chẳng “bao phen phèo phọt lộn nhào/ thiết tha một thuở đi vào trần gian” (bài Vào đề, Chút lời mênh mông[2]). Nhà thơ muốn cảm cho được cái uyên nguyên sâu thẳm của hiện thực bày phơi trước mắt mình. Chính cái uyên nguyên sâu thẳm này, đã khiến người đọc phải tự chỉnh đốn, như Thích Không Hạnh:
“cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông”.
Thơ Nguyễn Đức Sơn thách đố công chúng văn học, hoặc nói như Tuệ Sỹ, đó là một tiếng nói “phạm thánh”. Sự thách đố này là do Nguyễn Đức Sơn muốn mở một lối đi riêng cho thi ca của ông. Lối đi khác biệt với những con đường, kể cả đại lộ, của việc tiếp nhận văn chương theo lối “phản ánh luận” hẹp hòi, xơ cứng, đơn điệu và máy móc.
Thích Không Hạnh cho rằng “Thơ ông (tức Nguyễn Đức Sơn) ngập tràn ý thức siêu thoát. Trong cái mạch sâu thẳm bất tận ấy, tục tĩu, dâm tục chỉ là đối tượng phù hợp nhất làm lằn ranh giữa hai bờ chân tục”.
Nói “dâm tục chỉ là đối tượng phù hợp nhất làm lằn ranh giữa hai bờ chân tục” không hẳn người viết Lời Tựa muốn biện minh cho Nguyễn Đức Sơn, dù cũng có phần như thế, mà chủ yếu muốn nhằm đến việc giới thiệu nét đặc sắc, và đóng góp lớn nhất của nhà thơ này trong thi ca hiện đại Việt Nam. Đóng góp cho việc nới rộng không gian của cảm hứng thi ca. Thi ca không chỉ là cách thức con người biểu đạt những xúc cảm và nhận thức, mà còn là phương cách con người sử dụng để giãi bày những khắc khoải về bản thân mình trong tương quan với thế giới vô hình, siêu việt.
Bởi thế, dù trước mặt nhà thơ là một thực tại bình thường -thậm chí tầm thường, quen thuộc - đến mức mòn nhẵn, và nhếch nhác -khó gợi cảm hứng thẩm mỹ, vẫn có thể mở ra một ngẫm nghĩ bất ngờ, và… gây hấn:
“Nắm tay lật úp đi con
Co chân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây”
(Nhìn con tập lật)
Giúp con tập lật, người cha thấy trước mắt con là cả một “đời sống”. Nhưng không phải thứ đời sống của những hạn định và khuôn khổ của cộng đồng, tập thể, đã thành quy ước và giáo điều, mà là cuộc sống của những “mất thăng bằng”. Không muốn con giữ thăng bằng, mà dạy con “tập cho quen mất thăng bằng”.
Đó là một lời gây hấn của Nguyễn Đức Sơn.
Sự gây hấn của một con người không bằng lòng với những nếp quen và lối mòn trên đường đi tìm sự thật. Sự thật không xuất hiện trong phẳng lặng và cân bằng. Nó chỉ xuất hiện trên những nẻo đường gập ghềnh, cam go của những thử thách và tranh đấu. Tranh đấu với chính mình để bước vào sự “mất thăng bằng”, dám làm xô lệch cả những hệ thống kiên cố, ngự trị rất uy nghi và lạnh lùng trong tâm thức và xác tín của con người.
Bài Tôi có biết được diễn đạt theo phong cách ngôn ngữ giao tiếp đời sống. Không thuộc ngôn phong nghệ thuật. Không phải thơ. Mà vẫn cứ thơ:
“Tôi có biết nhiều thiền sư
Rất được lòng quần chúng
Nhờ liên hệ tưởng xa mà gần
Với đủ các loại súng”
Chất thơ trong thi ảnh Nguyễn Đức Sơn không phải là kết quả của gọt giũa chữ nghĩa, mà ở khám phá cái “vô hình” trong “hữu hình”. Sự khám phá này khiến độc giả phải lìa bỏ thói quen dừng lại ở phạm vi “khả giác”, để cùng nhà thơ đi vào cái mông lung mà rất thật, cái mơ hồ mà khó lòng buông ra.
Đó là cuộc vượt thoát khỏi thế giới khả giác, tiến vào uyên nguyên vô hình.
Quả thật, bài Tôi có biết không dừng ở phạm vi tái hiện hiện thực - hiện thực nhà tu dính dáng chính trị- mà đặt độc giả vào thế phải xem lại “lòng quần chúng”. Chính những cõi lòng này, chứ
chưa phải các thiền sư, đang tìm đến sức mạnh các loại súng. Còn các thiền sư, trước khi dính vào chuyện súng ống sát sinh, đã chăm chú việc tham sinh rồi. Thiền sư và quần chúng, dưới mắt Nguyễn Đức Sơn, là một điển hình của những tương quan cấu kết, buộc ràng khó tháo gỡ.
Phải chăng mối tương quan ấy (và mọi tương quan khác trong nhân thế) đã trở thành tiêu điểm trong mối ưu tư của Nguyễn Đức Sơn. Ưu tư và khắc khoải về siêu thoát.
Ý thức mình bị cột trong những mối dây khó gỡ, đặc biệt những mối dây gắn liền với tồn sinh (trong đó có dâm và tục), nên việc vượt thoát để vươn tới được cái Đẹp đích thực, đạt đến niềm hoan lạc vô biên, trong ngần, quả là một thách đố cam go, bất tận.
Vì thế, thơ Nguyễn Đức Sơn, bên dưới ngôn từ “dâm tục”, là một nỗ lực bền bỉ diễn tả khát khao siêu thoát.
Ngập tràn ý thức siêu thoát, theo cách nói của Thích Không Hạnh, quả là một nét đặc sắc của thơ Nguyễn Đức Sơn.
Đọc bài Cảm thán, mới hay cái “ý thức siêu thoát” ấy, ngờ đâu đã đưa nhà thơ đạt đến tâm thế an nhiên giữa cuộc đời, dù thơ của ông, có những tiếng nói “nguyền rủa” (nói như Tuệ Sỹ), và “sự dâm tục quá nhiều” (nói như Thích Không Hạnh):
“Sướng quá đời ta tuổi sắp già
Bao nhiêu học thuyết bước đều qua
Nay về dắt bóng chơi am vắng
Ấu trĩ vườn trăng một tiếng gà”.
Am vắng, vườn trăng, tiếng gà. Cuộc sống thật thanh bạch, giản dị. Vậy là đủ để cảm thán. Và đủ để thấy siêu thoát giữa một thế giới hằng ngày đều biết vẫn còn “nghe đời đau quặn trong thai” (Tiếng ru em).
LẠI MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHÁC…
Vậy đó, Nguyễn Đức Sơn là một nỗ lực siêu thoát khi khắc khoải tìm kiếm cái Đẹp thường hằng, bất biến, bất diệt.
Và khi tìm kiếm, không chỉ trong ý thức, mà còn hành động -việc dắt díu vợ con lên Bảo Lộc sống giữa núi rừng, xa hẳn thế giới con người, để tìm giải đáp cho cuộc nhân sinh bi kịch-, Nguyễn Đức Sơn, đã thấy cái mong manh của sự sống.
Thi ca của ông, dù đắm đuối trước dâm tục, cũng phải trầm ngâm trước mong manh của đời người:
“Lang thang ra suối một chiều
Mắt thong dong đếm rất nhiều hoa trôi
Chợt qua một sát na thôi
Thấy trong nước cuốn có tôi và người”
(Cuối thu một mình bên đầm nước cũ)
Và thở dài trước thời gian đang bào mòn tất cả những kiên cố, vững vàng. Tiếng hát của ca đoàn nhà thờ về bất tử tinh thần, vẫn không cứu vãn được gỗ đá nhà thờ đang tàn lụi âm thầm theo thời gian, bởi quy luật nghiệt ngã của vật chất:
“Những ca đoàn
Với những thánh ca cổ say sưa hát
Chẳng lẽ hoàn toàn
Không hay biết gì về nhà thờ
Đang đổ nát
Dù mù tịt về những nguyên tử nghiệp sát
Đừng bao trùm trời cao bát ngát”
(Những ca đoàn)
Bài Ta với mây là một lời tuyên xưng giản dị, mà lôi cuốn và thuyết phục lạ lùng:
“Ta tới đây
Khác với mây
Là ở lại”
Một lạ thường trong mạch thơ Nguyễn Đức Sơn. Tìm siêu thoát mà lại quay về. Quay về nhưng đã siêu thoát. Bởi nhẹ bổng và thênh thang. Như mây. Nhưng khác hẳn mây. Bởi ở lại mặt đất, phiêu bồng giữa trần gian.
Bài Trăng và mộng nối tiếp khúc rẽ lạ thường vừa nêu ấy:
“Thôi trăng
Đừng vào thăm ta
Mộng đã chín ngoài xa
Vạn dặm”
Mộng đã chín. Những ước ao và khắc khoải đã tìm được lời đáp chăng?
Có lẽ thế.
Bài Ứ đối đãi chan chứa niềm vui của người vừa tìm được lời giải đáp:
“Không nhờ những gáo nước lạnh
Từ mọi phía
Tạt rất mạnh
Vào những háo hức của đời ta
Thì đêm ra đứng trước gò ma
Làm sao ta thấy được hết cái bao la
Của trời đất
Để ngàn năm
Vui ngất”.
Vâng, bài thơ như một đúc kết sớm cho tập thơ Chút lời mênh mông.
Bởi trong bài Ứ đối đãi này, người đọc có thể thấy một Nguyễn Đức Sơn dự cảm về lẽ “đối đãi” của cuộc đời. Cuộc đời hữu hạn như một hình ảnh thu nhỏ, một dự báo về cái bao la của ngàn năm.
Không biết có phải vì thế, những người thực hiện tập thơ đã đưa bài Chút lời mênh mông đặt ở cuối tập, và chọn tên bài thơ làm nhan đề cho cả tập.
Một cách làm ý nghĩa.
Bởi đã cho thấy thơ Nguyễn Đức Sơn là một hành trình đi tìm “Sao Trên Rừng” (một bút hiệu của Nguyễn Đức Sơn) và cuối cùng đã thấy sao nơi chính mình, dù mình không phải sao, nhưng lấp lánh ánh sáng của sao. Sao của ý thức và khát vọng siêu thoát.
Vì thế, Chút lời mênh mông, bài thơ cuối tập thơ, chứa đựng dự cảm ấy.
Dự cảm khi thân xác trở về tro bụi, thì lời sẽ ở lại. Dù chỉ chút lời:
“Một mai cha chết đừng chôn
Ngại chưa xuất kịp chút hồn thiết tha
Cái gì cha nói chưa ra
Biết đâu còn sót trong da máu này
Tuy nhiên đừng để lâu ngày
Đốt ngay lập tức là hay nhất đời
Con mang tro bụi xa vời
Gửi cho thiên địa chút lời mênh mông”.
*
Chút lời của Nguyễn Đức Sơn quả là mênh mông.
Bởi ông đã gửi vào thi ca những khắc khoải mênh mông, trùm lên nhiều chiều kích của hiện thực bi đát cuộc sống con người.
Ông đã từng gọi hiện thực bi kịch ấy là “Buổi chiều chết trên cây thánh giá” (Bài “Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh”), và thiết tha tìm cõi mênh mông, bằng chút lời mênh mông.
Bây giờ, Nguyễn Đức Sơn – Sao Trên Rừng – Sơn Núi, như một cánh chim đã bay đi, khuất vào bóng núi. Bóng mênh mông của núi.
Khổng Thành Ngọc
Tháng Bảy 2020
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 120 (Tháng 09 & 10 năm 2020)
______
[1] https://thanhnien.vn/van-hoa/gia-biet-nha-tho-ky-di-nguyen-duc-son-1236507.htm
[2] Từ đây, những trích dẫn đều từ Chút lời mênh mông (KTN)