NHÀ THỜ CHÍNH TÒA BÙI CHU DẤU ẤN GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN MỚI CỦA GIÁO
PHẬN BÙI CHU
Lm. Vinh Sơn Đỗ
Huy Hoàng
Văn phòng Tòa
Giám mục Giáo phận Bùi Chu
WHĐ (11.04.2021) - Để chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hàng
Giáo phẩm Việt Nam (24/11/1960 - 24/11/2020), chúng con xin gửi tới báo Hiệp
Thông bài viết này như một đóng góp nhỏ bé của chúng con, trong tinh thần hiệp
thông cùng các Giáo phận và với tất cả mọi thành phần dân Chúa của Giáo hội
Công giáo tại Việt Nam, dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng, cảm tạ tri ân.
Bài viết này có
3 phần:
1- Phần thứ nhất:
Sơ qua lịch sử Giáo phận Bùi Chu
2- Phần thứ hai:
Lịch sử Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu
3- Phần thứ ba:
Việc tái tạo Nhà thờ Chính tòa như dấu ấn cho giai đoạn phát triển mới của Giáo
phận Bùi Chu.
1. Sơ qua lịch sử Giáo phận Bùi Chu
Trong số 27 Giáo
phận của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, Giáo phận Bùi Chu là Giáo phận có diện
tích nhỏ nhất. Diện tích của Giáo phận Bùi Chu chỉ khoảng 1.350 km2, trên địa
bàn của 6 huyện thuộc tỉnh Nam Định: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa
Hưng, Trực Ninh và Nam Trực. Tuy nhiên, Giáo phận Bùi Chu lại là Giáo phận có số
giáo dân khá cao so với số giáo dân của các Giáo phận khác tại Việt Nam. Theo
con số thống kê năm 2019, số người Công giáo của Giáo phận Bùi Chu đứng thứ tư
sau các Giáo phận Xuân Lộc, Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh và Giáo phận
Ban Mê Thuột. Tỷ lệ người Công giáo tại Giáo phận Bùi Chu chiếm khoảng 32,9% so
với tổng số dân cư trên địa bàn Giáo phận, là một trong những Giáo phận có tỷ lệ
người Công Giáo cao nhất so với tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam, hiện mới chỉ
khoảng 7% (theo Báo cáo thường niên năm 2019 của Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám
mục Việt Nam).
Chúng ta biết rằng,
Tin Mừng đã được loan báo trên quê hương đất nước Việt Nam từ năm 1533. Trong
quyển 26 phần chính biên, ở trang 66 sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục,
soạn thảo do chỉ dụ của vua Tự Đức vào năm 1856, chép sử từ đời Hồng Bàng từ
năm 2789 trước Công nguyên có viết: “Giatô,
dã lục, Lê Trang Tông, Nguyên Hòa nguyên niên, tam nguyệt nhật, Dương nhân
Inêkhu tiềm lai Nam Chân chi Ninh Cường, Quần Anh, Giao Thủy chi Trà Lũ âm dĩ
Giatô đạo truyền giáo”. Dịch nghĩa là: “Đạo Giatô, theo bút ký của tư nhân, đời
Lê Trang Tông, tháng ba năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), có người Tây dương
Inêkhu, lén vào truyền bá đạo Giatô ở làng Ninh Cường và Quần Anh thuộc huyện
Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”[1].
Các địa danh Ninh Cường, Quần Anh (Quần Phương), Trà Lũ (Phú Nhai) đều thuộc về
Giáo phận Bùi Chu.
Giáo phận Bùi
Chu, trước khi là một Giáo phận như ngày hôm nay, đã được hình thành như sau:
- Là một phần của
Địa phận Đàng Ngoài: Địa phận Đàng Ngoài được thành lập từ năm 1659 (ngày
09/9/1659, Đức thánh cha Alexander II (1655-1667), đã ban sắc chỉ Super Cathedram, thành lập hai Địa phận
đầu tiên tại Việt Nam: Địa phận Đàng Trong và Địa phận Đàng Ngoài). Địa phận
Đàng Ngoài với ranh giới từ sông Gianh, gần Quảng Bình, trở ra tới hết Miền Bắc.
- Là một phần của
Địa phận Đông Đàng Ngoài: Địa phận Đông Đàng Ngoài được tách ra từ Địa phận
Đàng Ngoài vào năm 1679 (Đức thánh cha Innocens XI (1676-1689), đã chia Địa phận
Đàng Ngoài thành hai Địa phận: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài). Địa phận
Đông Đàng Ngoài phía tả ngạn của sông Lô và sông Hồng ra tới vịnh Bắc Bộ.
- Là một phần của
Địa phận Trung: Địa phận Trung được tách từ Địa phận Đông Đàng Ngoài vào năm
1848 (ngày 05/9/1848, Đức thánh cha Piô IX, đã ban sắc lệnh Apostolatus Officium chia Địa phận Đông
Đàng Ngoài thành hai Địa phận: Địa phận Trung và Địa phận Đông). Lãnh thổ của Địa phận Trung bao gồm một
phần tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và khoảng 2/3 tỉnh Nam Định. Ngày 03/12/1924, Đức
thánh cha Piô XI, đã ban sắc lệnh Ordinarie
Indosinensis, quy định tất cả các Địa phận ở Đông Dương sẽ mang tên tại nơi
định sở của Tòa Giám mục. Từ trước năm 1924, Tòa Giám mục của Địa phận Trung
thường tọa lạc ở làng Bùi Chu hay các làng bên cạnh, nên các tín hữu quen gọi
là Địa phận Bùi Chu.
- Giáo phận Bùi
Chu hiện nay: Ngày 09/3/1936, cũng Đức thánh cha Piô XI, đã ban sắc lệnh Praecipuas inter Apostolicas, tách phần
đất thuộc tả ngạn sông Hồng của Địa phận Trung để thành lập Địa phận Thái Bình.
Từ ngày đó tới nay, địa bàn của Giáo phận Bùi Chu bao gồm 6 huyện của tỉnh Nam
Định như ngày hôm nay.
Cũng nên lưu ý
là trước khi hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập, các Giáo hội địa phương tại
Việt Nam được gọi là các Địa phận. Từ khi Đức Thánh Cha Gioan XXIII, với sắc lệnh
Venerabilium Nostrorum thiết lập hàng
Giáo phẩm tại Việt Nam vào ngày 24/11/1960, các Giáo hội địa phương tại Việt
Nam tức là các Địa phận được nâng lên hàng Giáo phận chính tòa với ba Giáo tỉnh:
Giáo tỉnh Hà Nội, Giáo tỉnh Huế, Giáo tỉnh Sài Gòn.
Giáo phận Bùi
Chu, vì là nơi đón nhận Tin Mừng từ sớm và với số lượng giáo dân đông đảo, nên
trong thời kỳ cấm đạo đã bị bắt bớ và chịu nhiều đau khổ, thử thách. Rất nhiều
tín hữu bị tù đày và bị giết hại. Trong số 117 vị Thánh tử đạo của Giáo hội
Công Giáo tại Việt Nam đã được Đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển
Thánh vào ngày 19/6/1988, có tới 44 vị thuộc về Giáo phận Bùi Chu: 26 vị là người
quê quán Bùi Chu (trong đó có 9 linh mục; 2 thầy giảng và 15 giáo dân), 18 vị
là các thừa sai nước ngoài và các vị sinh ra từ nơi khác, nhưng đã đến phục vụ
và tử đạo tại Giáo phận Bùi Chu (6 Giám mục và 5 linh mục người Tây Ban Nha; 6
linh mục và 1 thầy giảng người Việt).
Trước biến cố di
cư năm 1954, Giáo phận Bùi Chu có khoảng 231.446 tín hữu, 178 linh mục triều,
14 linh mục dòng; có Đại chủng viện Quần Phương (các lớp thần học) với 78 đại
chủng sinh, trường Latinh Ninh Cường (các lớp triết học), trường thử Trung Linh
(Tiểu Chủng viện); một số lớn nữ tu, 103 giáo xứ thuộc 13 giáo hạt với 484 Nhà
thờ lớn nhỏ. Sau hiệp định Genève ngày 20/7/1954 chia đôi đất nước, Đức cha và
phần lớn các linh mục (khoảng 142 linh mục), trong đó có Cha giám đốc, ban giáo
sư Chủng viện, các chủng sinh, các Bề trên và các Hội dòng: Gioan Thiên Chúa, Đồng
Công, Khiết Tâm (thầy giảng Bùi Chu), Mân Côi, Đa Minh, Mến Thánh Giá và Dòng
Kín Cát Minh đã di cư vào miền Nam cùng với khoảng 150.000 giáo dân. Giáo phận
rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cả Giáo phận còn lại khoảng hơn 80.000 tín
hữu, 35 linh mục hầu hết là già yếu, nhiều cha đã về hưu nay phải trở lại coi xứ
cùng với 54 thầy giảng và 90 nữ tu.
Trong một thời dài không có chủng viện, tới ngày 07/12/2009, Tòa Thánh đã cho phép thành lập Đại chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu. Và tới ngày 09/8/2017, nhà nước Việt Nam chính thức công nhận Đại chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu là Đại chủng viện thứ tám của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Giáo phận Bùi Chu ngày hôm nay có khoảng 417.185 tín hữu, 13 giáo hạt với 209 linh mục triều, 13 linh mục dòng, 175 giáo xứ, 438 giáo họ, 196 chủng sinh, 1051 những người sống đời thánh hiến thuộc các dòng tu và tu hội, 192 dự tu.
2. Lịch sử Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu
Nhà thờ Chính
tòa Bùi Chu được các bậc tiền nhân xây dựng từ năm 1885 dưới thời Đức cha
Venceslao Onate Thuận người Tây Ban Nha coi sóc Giáo phận. Nhà thờ Chính tòa
Bùi Chu với chiều dài 68m, chiều rộng 16m và chiều cao 15m. Nhà thờ có kiến
trúc Baroque Tây Ban Nha, các đường nét hoa văn thể hiện sự hài hòa của kiến
trúc Âu-Á. Tòa chính trên gian cung thánh, hai tòa phụ hai bên, các tòa nhỏ ở
tường hai bên và trên các cột tôn kính các Thánh đều làm bằng gỗ, chạm trổ, sơn
son thiếp vàng. Nổi bật là 18 cột chia thành hai hàng từ trên gian Cung thánh
chạy xuống cuối Nhà thờ. Các cột gỗ lim này đường kính khoảng 60cm, cao 8,9 m,
được đặt trên các bệ đá chạm trổ với hoa văn đẹp và tỉ mỉ. Trần Nhà thờ làm bằng
tre, trát vôi rơm là những nguyên liệu tại địa phương, nhưng được đắp, trát
theo hình Oval ba lá. Các cửa sổ đúc bằng gang có hình thánh giá. Nhà thờ có
hai mái lợp ngói nam, nền Nhà thờ lát đá hoa. Hai tháp chuông cao 31m, trên có
treo 4 quả chuông được đúc tại Pháp.
Tuy nhiên, vì
Nhà thờ có trần, hơn nữa do điều kiện kinh tế vùng nông thôn khó khăn, nên chất
lượng gỗ trên mái Nhà thờ không được tốt lắm. Mái Nhà thờ đã phải sửa chữa nhiều
lần vì dột nước, do nhiều chỗ bị võng xuống. Dưới nền Nhà thờ, phía trên khu vực
hai bên gian Cung thánh, là nơi an táng một số Đức Giám mục đã coi sóc Giáo phận
Bùi Chu: Đức cha Venceslao Onate Thuận (1883 - 1897); Đức cha Pedro Munagorri
Trung (1908 - 1936); Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (1935 - 1948); Đức cha Giuse
Phạm Năng Tĩnh (1960 - 1974); Đức cha Đa Minh Lê Hữu Cung (1975 - 1987); Đức
cha Giuse Vũ Duy Nhất (1979 - 1999); Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, SDB (2001 -
2013). Trong Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu cũng lưu giữ xương của nhiều vị Thánh Tử
đạo và các anh hùng Tử đạo chưa được Giáo hội tuyên phong.
Trải qua thời
gian 135 năm, do ảnh hưởng của khí hậu vùng nhiệt đới ẩm ướt nhiều, nhất là phải
chống chọi với những cơn bão thường xuyên xảy ra, nên Nhà thờ đã xuống cấp nghiêm
trọng. Tường Nhà thờ bị nứt nẻ nhiều chỗ, vôi vữa và gạch mái Nhà thờ cũng bị rớt
xuống. Đặc biệt, nền Nhà thờ đã lún xuống khoảng 70cm. Hai tháp chuông bị
nghiêng về phía trước và về bên trái, không những tách khỏi tường Nhà thờ mà
còn làm nền trong Nhà thờ nơi gần tháp chuông cũng bị nghiêng đi. Dù đã trải
qua hai lần đại tu vào các năm 1974 và 2000, nhưng tình trạng xuống cấp của Nhà
thờ càng ngày càng nghiêm trọng. Sự xuống cấp này thực sự rất nguy hiểm tới
tính mạng của bà con giáo dân hằng ngày tham gia phụng vụ và cả tính mạng của
những người tới hành hương, tham quan nữa, đặc biệt trong những ngày mưa to gió
lớn.
Để bảo tồn và
nâng cấp Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, mấy năm nay Giáo phận đã có nhiều cuộc thảo
luận, lắng nghe ý kiến đóng góp của linh mục đoàn, của những nhà chuyên môn và
của cả bà con giáo dân. Với sự đồng thuận cao, Giáo phận đã quyết định đại tu
nâng cấp Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, trên nguyên tắc giữ lại hình dạng, kiến
trúc và tất cả những di vật có thể giữ lại được. Nâng cao nền Nhà thờ, mở rộng
gian cung thánh, nâng cao hai tháp chuông và sử dụng gỗ với chất lượng tốt hơn
gỗ trước kia. Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu không đạt tiêu chuẩn để được xếp hạng
di sản văn hóa. Ở Việt Nam chỉ có 4 Nhà thờ được xếp hạng di sản văn hóa: Nhà
thờ Chính tòa Hà Nội, Nhà thờ Cửa Bắc Hà Nội, Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (Nhà
thờ đá Ninh Bình) và Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Cũng cần phải nói rằng, về kiến trúc và về xây dựng thì Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu cũng còn kém so với nhiều Nhà thờ trong Giáo phận Bùi Chu: Chẳng hạn, so với Vương cung Thánh đường Phú Nhai, Đền thánh Ninh Cường, Đền thánh Quần Phương, Đền thánh Hưng Nghĩa, Đền thánh Sa Châu, Đền thánh Báo Đáp, Nhà thờ giáo xứ Hai Giáp… Các cấp chính quyền cũng đã xem xét đánh giá và đã chấp thuận, cấp giấy phép cho việc đại tu xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu vào năm 2016. Tuy nhiên, vì phải chuẩn bị những nguyên vật liệu cần thiết, nên tới ngày 07/10/2018, Tòa Giám mục Bùi Chu mới tiến hành khởi công phần mộc và tiếp theo là chuẩn bị việc hạ giải, đại tu xây dựng Nhà thờ.
3. Việc tái tạo Nhà thờ Chính tòa như dấu ấn cho giai đoạn
phát triển mới của Giáo phận Bùi Chu
Nhà thờ Chính
tòa Bùi Chu là một trong những nhà thờ cổ kính của Giáo phận. Sự hiện diện của
Nhà thờ gắn liền với rất nhiều kỷ niệm, biến cố thăng trầm của Giáo phận, nhất
là khi Bùi Chu được kể là một trong những chiếc nôi của Giáo hội Công giáo tại
Việt Nam. Chính vì thế, nhiều người, ngay cả những người không Công giáo cũng
có một cái nhìn trân trọng và quý mến đối với Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Họ
mong muốn hình ảnh của Nhà thờ được tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, được tạo thành
bằng vật chất, tất cả mọi tạo vật, mọi công trình đều phải tuân theo những quy
luật đã được Thiên Chúa an bài trong vũ trụ. Con người có muốn sống đến 200 tuổi
thì cũng không thể được. Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, một khi được xây dựng bởi
những nguyên vật liệu tốt hơn sẽ tồn tại lâu hơn, nhưng cũng phải chấp nhận sự
xói mòn theo thời gian. Hơn nữa, sự xuống cấp nghiêm trọng hiện nay của Nhà thờ
có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người. Việc tái tạo Nhà thờ Chính tòa
Bùi Chu với mong muốn giữ lại hình dáng và kiến trúc cũ, nhưng với nguyên vật
liệu chất lượng tốt hơn, không những làm cho hình ảnh và ký ức về Nhà thờ được
bảo tồn, mà điều quan trọng là đáp ứng nhu cầu mục vụ, phù hợp với sự phát triển
của toàn Giáo phận. Như vậy, việc tái tạo Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu sẽ là một dấu
ấn cho giai đoạn phát triển mới của Giáo phận.
Chuẩn bị cho việc
hạ giải
Ý định tái tạo
Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu giữ được hình dáng và kiến trúc cũ, nhưng được nâng
cao, kích thước có nới rộng thêm theo tỷ lệ bản vẽ thiết kế đã được đưa ra bàn
luận nhiều, để rồi khi đã có sự thống nhất, Giáo phận đề nghị các cấp chính quyền
cấp giấy phép xây dựng. Vì là Nhà thờ Chính tòa, được coi là bộ mặt của cả Giáo
phận, nên đã có nhiều ý kiến đóng góp và nhiều cuộc thảo luận. Giáo phận cũng
đã tham khảo ý kiến của của những nhà chuyên môn về kiến trúc, về xây dựng, nhất
là những người đã đảm nhiệm xây dựng những công trình Nhà thờ, không những
trong Giáo phận mà cả ở các Giáo phận khác. Trong số những giải pháp được đưa
ra, có hai giải pháp chính. Mỗi giải pháp đều có mô hình, được vẽ phóng to và
treo nhiều ngày tại Tòa Giám mục, để nhiều người, nhất là các linh mục trong
Giáo phận đưa ra ý kiến chọn lựa của mình qua việc bỏ phiếu. Hai giải pháp đó
là:
- Giải pháp thứ
nhất: Giữ lại hình dáng và kiến trúc cũ, Nhà thờ vẫn có hai mái, nhưng nâng cấp
theo tỷ lệ về kích thước, về chất lượng với nguyên vật liệu tốt hơn trước kia.
- Giải pháp thứ
hai: Xây dựng Nhà thờ với hình dáng và kiến trúc mới, Nhà thờ có bốn mái rộng lớn,
giống như một số Nhà thờ mới xây dựng trong Giáo phận.
Sau khi đã nghe
ý kiến từ nhiều phía, mấy tháng sau các linh mục trong Giáo phận mới tiến hành
bỏ phiếu, lựa chọn giải pháp thực hiện. Kết quả là giải pháp thứ nhất được đa số
các linh mục trong Giáo phận lựa chọn. Sau khi đã thống nhất giải pháp, Tòa Giám
mục cho vẽ bản thiết kế chi tiết và làm đơn đề nghị các cấp chính quyền cho
phép tái tạo xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Ngày 29/12/2016, Sở Xây dựng
Nam Định với giấy phép xây dựng 128, đã cho phép Tòa Giám mục Bùi Chu tái tạo
Nhà thờ Chính tòa theo như đơn đề nghị.
Sau khi đã có giấy
phép xây dựng, Tòa Giám mục đã tiến hành chuẩn bị nguyên vật liệu mà trước hết
phải chuẩn bị một lượng gỗ khá lớn. Gỗ được chọn để xây dựng là gỗ lim
Campuchia, là loại gỗ tốt nhất để xây dựng Nhà thờ trong thời điểm hiện tại.
Khó nhất là phải tìm đủ 24 cột lim, đường kính mỗi cột là 70cm với chiều dài
9,6m (Nhà thờ cũ có 18 cột gỗ lim, đường kính mỗi cột là 60cm và chiều dài là
8,9m) và các xà ngang nối hai hàng cột. Bởi vì các cây gỗ lim không những phải
lớn về kích thước mà phải thẳng và phải đủ về chiều dài, cột và xà không được
chắp nối. Khi đã chuẩn bị được một lượng gỗ tương đối thì phần mộc đã được khởi
công từ ngày 07/10/2018. Các thợ mộc được chọn lựa từ các tổ thợ có tay nghề
cao, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đục hoa văn các công trình Nhà thờ
trong Giáo phận. Các cột Nhà thờ được bào nhẵn, đục đẽo đúng theo kích thước của
bản thiết kế. Đặc biệt các trụ, các câu đầu được đục đẽo hoa văn, theo những đường
nét hoa văn đẹp đã được tuyển chọn tại một số Nhà thờ trong Giáo phận. Hiện
nay, những phần chính yếu về gỗ của Nhà thờ đã được chuẩn bị.
Giáo phận đã có
nhiều cuộc họp của ban xây dựng và ban gỗ, để bàn luận và thống nhất không những
về bản thiết kế chi tiết, mà còn thống nhất về phương cách hạ giải Nhà thờ, bảo
tồn những di vật của Nhà thờ cũ, thống nhất về cách thức khởi công xây dựng Nhà
thờ mới. Để lưu giữ lại hình ảnh Nhà thờ cũ một cách đầy đủ, chi tiết và lâu
dài, theo kỹ số thuật hiện đại ngày hôm nay, Giáo phận đã làm hợp đồng để được
cung cấp phần mềm Tour 3D - 3600, số hóa không gian Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu
vào ngày 13/6/2019. Giáo xứ Chính tòa cũng dựng một Nhà thờ tạm mái tôn. Tất cả
các Thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ Chính tòa trong thời gian công
trình được tiến hành sẽ diễn ra tại Nhà thờ tạm này.
Tiến hành việc hạ
giải
Theo như dự định
Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu sẽ được hạ giải vào ngày 13/5/2019; nhưng phải dời lại,
vì có những thư từ, những đề nghị được gửi tới các cấp chính quyền, cũng như
nhiều ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên mạng
internet. Tôn trọng ý kiến của người khác, để giúp người ta hiểu rõ hơn thực trạng
của Nhà thờ Chính tòa Bùi chu cũng như nhu cầu chính đáng của Giáo phận trong
việc tái tạo Nhà thờ Chính tòa, Tòa Giám mục Bùi Chu đã quyết định ngừng việc hạ
giải để chuyển vào một thời điểm thuận tiện hơn.
Tới ngày
16/7/2020, nhân ngày Lễ Đức Mẹ núi Cát Minh, nghi lễ hạ giải đã được thực hiện
và ngay trong ngày hôm đó bà con giáo dân và tổ thợ đảm nhận việc hạ giải đã tiến
hành tháo dỡ các cửa sổ, lật dỡ các viên đá hoa trong Nhà thờ (các chuông trên
cây tháp, các tòa và các ảnh tượng trong Nhà thờ đã được cẩn thận đem xuống từ
trước). Những ngày sau đó tổ thợ hạ giải đã hợp đồng cùng với các máy cẩu cẩn
thận tiến hành dỡ ngói và phần gỗ trên mái đưa về nơi quy định để bảo quản. Phần
quan trọng nhất của việc hạ giải là việc đưa các xà và hạ các cột Nhà thờ xuống.
Vấn đề không những phải bảo đảm an toàn vì các xà và các cột nặng khi rớt xuống
có thể gây tai nạn, nhưng còn phải giữ lại được các mộng và phần đục đẽo ở đầu
các xà và đầu các cột. Toàn bộ phần gỗ của Nhà thờ, các bồng đá kê các chân cột
và các cửa sổ bằng gang đã được tháo dỡ cẩn thận, được vận chuyển về nơi bảo quản.
Khi hạ giải Nhà
thờ, phần mộ của các Đức Giám mục cũng được che chắn cẩn thận để những bia đá
có khắc chữ trên phần mộ không bị sứt mẻ. Theo dự tính, các bia đá này sẽ được
nâng cao lên tới mặt của nền Nhà thờ mới, phần mộ phía dưới được bảo quản
nguyên vẹn. Việc cuối cùng của phần hạ giải là hạ giải hai tháp chuông. Các tượng
hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở hai tòa phụ hai bên, cũng như tượng Chúa
Giêsu làm Vua ở tòa giữa mặt tiền Nhà thờ được cẩn thận hạ xuống. Các tượng này
mặc dù được làm bằng đất nung, nhưng đã được đắp cẩn thận nên còn chắc chắn và
khá đẹp. Riêng phần tòa và tượng Chúa Giêsu đã được tách ra để hạ xuống cả khối.
Tất cả vôi vữa Nhà thờ cũ được vận chuyển ra kết hợp làm mặt bằng cho quảng trường
Nhà thờ Chính tòa mới.
Việc tái tạo Nhà
thờ Chính tòa như dấu ấn cho giai đoạn phát triển mới của Giáo phận Bùi Chu
Trước khi đi vào
trình bày những đôi nét về việc tái tạo Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, sau khi việc
hạ giải được hoàn thành, chúng ta có thể đưa ra một nhận định chung: Nhà thờ
Chính tòa Bùi Chu cũ là hình ảnh cho Giáo phận Bùi Chu, một Giáo phận có chiều
dài lịch sử, vui mừng vì được đón nhận đức tin từ sớm, nhiệt thành sống đạo và
anh dũng làm chứng cho Chúa. Theo năm tháng, Nhà thờ cũ đã xuống cấp, nhưng những
hình ảnh đẹp đẽ đó không hề mất đi. Trái lại, với việc tái tạo Nhà thờ mới, việc
giữ lại hình dáng và kiến trúc cũ, sẽ làm cho những hình ảnh đẹp đẽ về Nhà thờ
cũ được bảo tồn, lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau, nhưng trong một giai đoạn
lịch sử mới của Giáo phận.
- Nhà thờ Chính
tòa Bùi Chu mới sẽ được xây dựng trên nền Nhà thờ cũ, nhưng chiều dài thiết kế
là 72,5m, chiều rộng 18m, chiều cao 18,2m. Hai tháp chuông cao 34,5m. So với
Nhà thờ cũ, Nhà thờ mới nhìn bề ngoài sẽ có cùng hình dáng và kiến trúc, nhưng
chiều kích lớn hơn một chút.
- Nền Nhà thờ sẽ
được nâng cao 1,5m so với nền hiện tại. Sân Nhà thờ sẽ được nâng cao 40cm so với
sân hiện tại. Móng Nhà thờ được xây bằng đá, gian cung thánh được ép cọc nhồi,
được xử lý cách đặc biệt để bảo vệ nguyên vẹn phần mộ của các Đức Giám mục. Nền
Nhà thờ cũng sẽ được lát đá hoa, gian cung thánh lát gỗ.
- Tường Nhà thờ
sẽ được xây bằng gạch, các tòa chính, tòa phụ, bàn lễ sẽ được làm mới bằng gỗ tốt,
với hoa văn và sơn son thiếp vàng như nhiều Nhà thờ trong Giáo phận.
- Nhà thờ mới
cũng có hai mái được lợp ngói nam, nhưng vì phần gỗ phía trên tốt, nên không
làm trần như Nhà thờ cũ. Chính điều này sẽ làm cho không gian phía trong Nhà thờ
rộng và thoáng mát hơn.
- Tất cả khung cửa,
cánh cửa, ghế ngồi, bàn quỳ trong Nhà thờ cũng sẽ được làm mới bằng gỗ lim. Các
bồng đá kê các cột trong Nhà thờ mới cũng được làm theo mẫu của Nhà thờ cũ,
nhưng kích thước lớn hơn một chút. Tất cả gỗ, những gì quý giá và những gì còn
sử dụng được của Nhà thờ cũ, sẽ được sử dụng để dựng một nhà nguyện ở một vị
trí khác gần Tòa Giám mục.
Thay lời kết
Thiên Chúa hiện
diện qua thời gian và lịch sử của nhân loại. Chính Chúa Giêsu đã đến cứu chuộc
nhân loại vào một thời gian nhất định. Người đã đi vào trong thời gian và lịch
sử của nhân loại để cứu chuộc chúng ta. Nhắc tới một số điểm về lịch của Giáo
phận Bùi Chu, về ngôi Nhà thờ Chính tòa, chúng con cũng muốn nhắc tới những ân
sủng mà Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo phận qua thời gian dài gần 5 thế kỷ với
lòng yêu mến sâu xa và chân thành. Tuy nhiên, những ân sủng mà Thiên Chúa
thương ban cần phải được con người đón nhận, làm cho nảy sinh hoa trái đem lại
ơn ích cho những người khác. Đó chính là việc xây dựng Giáo hội địa phương,
giúp mọi người nhận biết Chúa Giêsu Kitô và đón nhận ơn cứu độ của Người. Chính
vì thế khi nhắc tới lịch sử của Giáo phận Bùi Chu, nhắc tới ngôi Nhà thờ Chính
tòa, chúng con cũng muốn bày tỏ lòng tri cảm mến đối với các vị thừa sai, các bậc
tiền nhân. Những người đã đem Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô tới mảnh đất Bùi Chu
thân yêu, những người đã làm cho Tin Mừng được bén rễ sâu vào tâm hồn các tín hữu
Công Giáo tại Bùi Chu với bao công khó nhọc, với mồ hôi, nước mắt và cả bằng
máu đào.
Việc tái tạo Nhà
thờ Chính tòa Bùi Chu thực sự là một dấu ấn tốt đẹp cho giai đoạn phát triển mới
của Giáo phận. Đây cũng chính là việc làm cần thiết và ý nghĩa của Giáo phận,
qua đó mọi thành phần dân Chúa tại Bùi Chu bày tỏ lòng cảm tạ những hồng ân mà
Thiên Chúa đã thương ban qua thời gian, tri ân các vị thừa sai và các bậc tiền
nhân đã gắng công xây dựng Giáo phận Bùi Chu. Và sau cùng, việc tái tạo và nâng
cấp Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu theo kiến trúc cũ cũng muốn nói tới tính kế thừa,
bảo tồn và phát huy gia sản mà các bậc tiền nhân đã để lại. Điều đó cũng muốn
nói tới một chân lý là thời gian, mọi sự đều biến đổi và có thể qua đi, nhưng
Thiên Chúa và tình yêu của Người đối với con người thì không thể qua đi.
PHỤ LỤC
Diễn tiến sự việc
chung quanh vấn đề truyền thông trên mạng Internet
Sự việc khởi đi
từ lá thư kêu gọi “giải cứu” Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu của ông Martin Rama người
Uruguay. Ông là cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là giám đốc dự án của trung
tâm phát triển đô thị bền vững thuộc viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông
đã gửi thư tới các cấp chính quyền từ Trung ương tới lãnh đạo tỉnh Nam Định. Tiếp
theo là “đơn đề nghị cứu xét”, kiến nghị tạm dừng phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu của
nhóm hơn 20 kiến trúc sư, gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ Trưởng bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ Tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định. Và tiếp theo
là những bài viết trên mạng, với nhiều ý kiến và cách nhìn khác nhau về việc đại
tu xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu.
Cũng vì những
thư đề nghị và những ý kiến như vừa nói trên, các cấp chính quyền từ Trung ương
tới địa phương đã tới tận nơi để xem xét hiện trạng của Nhà thờ Chính tòa Bùi
Chu. Đây cũng là dịp để nhiều người, nhất là những người có thiện chí, thấy rõ
hơn tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của Nhà thờ. Chính điều này giúp nhiều
người hiểu sự việc một cách đúng đắn hơn, truyền thông cũng dịu trở lại. Tòa
Giám mục Bùi Chu đã tiếp đón các phái đoàn Trung ương: Ban Tôn giáo chính phủ,
Cục Anh ninh nội địa, Cục Di sản Văn hóa, Hội kiến trúc từ Hà Nội… Các phái
đoàn địa phương của tỉnh Nam định và huyện Xuân Trường: Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân
dân, Công an tỉnh Nam Định, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân, Công an huyện Xuân Trường.
Ngoài ra, Tòa Giám mục cũng tiếp các vị khách nước ngoài đi cùng các phái đoàn
tới thăm và xem xét hiện trạng của Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu: Ông Michael Croft
trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam và phái đoàn; ông Giorgio
Aliberti Đại sứ Liên minh Âu châu (EU) tại Việt Nam và phái đoàn.
Chính ông Martin
Rama cũng đã xuống Tòa Giám mục để khảo sát thực trạng Nhà thờ Chính tòa Bùi
Chu (Khi viết lá thư kêu gọi “giải cứu” thì ông chưa tới thăm Nhà thờ). Ông
không phải là người Công giáo, nhưng có thiện chí trong việc đưa ra các giải
pháp để bảo tồn Nhà thờ. Tuy nhiên, thật khó đối với ông khi phải hình dung giữa
việc bảo tồn Nhà thờ để tham quan như một di tích lịch sử và việc phải sử dụng
Nhà thờ Chính tòa trong việc cử hành phụng vụ hằng ngày, không những đối với
giáo dân giáo xứ Chính tòa, mà nhiều khi phải cử hành đại lễ: Lễ Cha Thánh Đa
Minh bổn mạng đệ nhị của Giáo phận, các Lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, các Lễ truyền
chức..., hay những sinh hoạt mục vụ mang tầm mức toàn Giáo phận: Sinh hoạt giới
trẻ, giáo lý viên, sinh hoạt của sinh viên, các bà mẹ Công giáo, huynh đoàn
giáo dân Đa Minh... của toàn Giáo phận.
Một vài nhận định
Qua việc khảo
sát trực tiếp Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, qua trao đổi với Tòa Giám mục, các
phái đoàn từ Trung ương tới địa phương cũng như những người có thiện chí đều có
chung những nhận định cơ bản sau:
- Có nhiều thông
tin sai lạc về công trình Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Nhiều người lầm tưởng đó
là Nhà thờ đá Phát Diệm (thuộc Giáo phận Phát Diệm) hay Vương cung Thánh đường
Phú Nhai (thuộc Giáo phận Bùi Chu), khi nói rằng đó là di sản văn hóa và đẹp nhất
Nam Định hay Nhà thờ đã được xếp hạng di sản văn hóa cần phải được bảo tồn.
- Nhà thờ Chính
tòa Bùi Chu đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt nền Nhà thờ bị lún xuống khoảng
70cm, hai cây tháp bị nghiêng, gây nguy hiểm tới tính mạng bà con giáo dân tham
gia phụng vụ hằng ngày và cả tính mạng những khách tham quan.
- Việc tái tạo
Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu đã được bàn hỏi, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về phương diện
chuyên môn. Về phía nhà nước, các cấp chính quyền cũng đã xem xét và đã cấp giấy
phép xây dựng cho công trình.
- Ban đầu Giáo
phận đã ấn định hạ giải Nhà thờ Chính tòa vào ngày 13/5/2019. Tuy nhiên, do có
nhiều người chưa hiểu và có nhiều ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyền
thông, nên Giáo phận đã cho hoãn lại ngày hạ giải. Điều đó muốn nói lên sự tôn
trọng của Giáo phận trước các ý kiến đóng góp của người khác. Tuy nhiên, vì
tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của Nhà thờ có thể gây nguy hiểm tới tính mạng
con người, và theo nhu cầu phải có nơi phượng tự của Giáo phận, nên Giáo phận
đã sắp xếp ngày hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu vào ngày 16/7/2020.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)