Người trẻ và thế giới ảo

06/12/2022


NGƯỜI TRẺ VÀ THẾ GIỚI ẢO

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

WGPMT (05-12-2022) - “Tôi hay nói với các bạn sinh viên của mình, các bạn đang mất quá nhiều thời gian cho thế giới ảo mà quên đi những giá trị thật, những tình cảm thật sự của mình. Tôi cũng biết là rất khó nhưng nếu được, các bạn hãy dành thời gian để làm điều gì đó có ích thay vì mất nhiều tiếng mỗi ngày để vùi đầu vào thế giới ảo để giải trí. Những khoảng thời gian tuổi trẻ nếu mất đi vì những giá trị ảo thì quá uổng phí. Các bạn nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện cho mình thành thạo một kĩ năng nào đó, một ngoại ngữ nào đó… Như vậy tuổi trẻ của các bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều, các bạn sẽ không nuối tiếc về sau”. Trên đây là tâm tình của Giáo sư Lê Văn Cảnh, phó hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM, mới được phong hàm giáo sư (x. Tuổi Trẻ Chủ nhật 04/12/2022).

Lời khuyên của Giáo sư Cảnh làm tôi nhớ tới những bài thuyết trình tại Hội nghị của Bộ Truyền thông của Tòa Thánh tại Rôma, về Mạng xã hội và Trí tuệ nhân tạo. Tiến sĩ Felicia Wu Song trình bày đề tài Tin Mừng trong thế giới kỹ thuật số: tiếng gọi chiêm niệm. Bà chia sẻ chính kinh nghiệm bản thân bà trước đây thấy mạng xã hội rất hữu ích nên thường xuyên sử dụng. Sau đó bà dần cảm thấy việc vào mạng xã hội đã chi phối thời gian và việc nghiên cứu của mình quá nhiều nên tìm cách giảm bớt lại. Khi được hỏi là bà có nói với các sinh viên của mình điều đó không và các bạn sinh viên phản ứng ra sao, bà cho biết cách đây 10 năm, sinh viên phản ứng mạnh trước những đề nghị của bà, nhưng hiện nay phản ứng ấy không còn nhiều vì chính các bạn sinh viên cũng thấy những tác hại của mạng xã hội nếu các bạn lệ thuộc vào đó. Bà cũng đặt vấn đề là hiện nay khi thấy những tác hại của mạng xã hội, nhiều người tìm đến các trung tâm thiền định (Zen), vậy Kitô hữu chúng ta có những nơi tương tự như thế chăng?

Một giáo sư khác, tiến sĩ Derrick De Kerckhove, thuyết trình về Mối tương quan giữa Hội Thánh và ngôn ngữ trong bối cảnh thế giới kỹ thuật số. Ông cho thấy những phát triển về ngôn ngữ trong từng giai đoạn lịch sử đã tác động trên tư duy và đời sống tinh thần của con người rất nhiều. Từ thời phát minh ra máy in đến gần đây, người ta tiếp cận tư tưởng chủ yếu qua sách báo. Đọc sách đưa người ta vào tâm thế hướng nội nhiều hơn, có thể dừng lại bất cứ lúc nào để cảm nhận và suy ngẫm điều mình đang đọc. Nhưng đến thời kỹ thuật số, tâm trí con người ngập tràn những thông tin, hình ảnh và âm thanh, thay đổi không ngừng từng giây từng phút. Thực tế đó làm cho con người hướng ngoại nhiều hơn hướng nội và đương nhiên tác động rất lớn trên đời sống tinh thần. Ở giai đoạn trước, Hội Thánh đã có những đáp ứng kịp thời, còn trong thế giới kỹ thuật số, Hội Thánh có thể làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu?

Những lời khuyên trên không phải là những lời khuyên của những người làm việc trong lãnh vực tôn giáo như tôi, nhưng từ các giáo sư trong các ngành khoa học tự nhiên. Không biết các bạn trẻ có mấy quan tâm? Và không chỉ các bạn trẻ mà thôi nhưng ngay cả các bậc phụ huynh, liệu chúng ta có quan tâm đến thực tế này trong đời sống con cái mình và có những hướng dẫn phù hợp chăng?

Nguồn: giaophanmytho.net (05.12.2022)

LỊCH PHỤNG VỤ