NGƯỜI TRẺ TRONG TƯƠNG QUAN HUYNH ĐỆ VỚI ANH CHỊ EM TRONG NHÀ
Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai,
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long
Anh chị em thân mến, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai
đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng
hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục
vụ lần VII, sẽ nói về Người trẻ trong tương quan huynh đệ với anh chị em trong
nhà được trích trong các Tông Huấn Familiaris Consortio và Amoris Laetitia.
Tương quan huynh đệ là gì? Tương quan nầy để làm gì? Giúp
nhau sống tốt về nhiều phương diện.
Tương quan huynh đệ là những
gì liên quan tình nghĩa đến anh chị em trong một gia đình. Vượt qua phạm vi gia
đình thì tình huynh đệ là những gì liên quan đến những người khác mà Chúa dạy
chúng ta xem như là anh em. Trong những bối cảnh nầy, chúng ta cần chia sẻ với
nhau, chúng ta cần tương trợ lẫn nhau, giúp nhau tiến tới về phương diện vật chất
lẫn tinh thần.
I. Tình huynh đệ
trong Kinh Thánh.
Đọc qua Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, các nhà chuyên môn đã
liệt kê cho chúng ta ít nhiều đoạn Kinh Thánh nói về tình huynh đệ mà chúng ta
không thể nói hết ở đây.
Trong thời Cựu ước, sách Sáng thế ký chương 13 kể chuyện Ông
Áp-ram và ông Lót chia tay. Bác và cháu rất thương yêu nhau, nhưng cũng có những
xích mích nhỏ giữa hai gia đình, nên đành chia tay, trong sự thương mến, câu
nói thật cảm động của ông Abram với ông Lót: “Sao cho đừng có chuyện tranh chấp
giữa bác và cháu, giữa người chăn súc vật của bác và người chăn súc vật của
cháu. Vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau!” (Stk 13, 8).
Đến thời Tân ước, Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ của Ngài phải
biết yêu thương nhau, ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào. Cho dù rất khó thực
hiện trong cái nhìn và trong sự giới hạn của con người, nhưng tình huynh đệ đậm
đà thắm thiết mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình cần phải đạt đủ chuẩn như
sau:
- “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con”
- “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng
vì bạn hữu mình” (Ga 15, 12-13). Xin Chúa giúp chúng ta là những môn đệ của
Chúa. (Có thể tham khảo thêm Stk 4, 1-16: Cain và Aben ; Stk 29-31: Ra-khen và
Lê-a; Stk 25-36: Gia-cop và Ê-xau ; Stk 37-50: Giu-se và các anh em…; Lc 10,
38-42: Mác-ta và Ma-ri-a ; Lc 15, 11-32: Hai con trai…)
II. Trong Hội Thánh:
Tình huynh đệ trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Hội Thánh hằng kêu gọi chúng ta, các thành phần dân Chúa sống
đức ái, sống tình hiếu thảo, sống tình huynh đệ với nhau. Văn hóa truyền thống
xã hội dạy về nhân nghĩa đối với nhau, thì GLHTCG 2219 cũng nhấn mạnh: “Lòng hiếu
thảo củng cố sự hài hòa trong toàn bộ đời sống gia đình, ảnh hưởng cả đến các
tương quan giữa anh chị em. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ làm rạng rỡ bầu khí
gia đình”.
III. Các Tông Huấn:
Tình huynh đệ trong các Văn kiện.
Khởi sự bằng tình yêu gia đình. Gia đình đã sinh ra những
anh chị em trẻ. Chính trong gia đình mà các anh chị em trẻ lần đầu tiên thực tập
các đức tính xã hội, các đức tính đó sẽ là linh hồn cho mọi sinh hoạt và sự
phát triển xã hội. Anh chị em trẻ trong nhà biết yêu thương nhau, biết hiếu thảo
với cha mẹ ông bà, biết hiệp thông và chia sẻ: kính trọng, công bằng, ý thức đối
thoại, tương trợ, sẵn sàng phục vụ vô vị lợi thì sẽ đóng góp tốt, sống tốt cho
xã hội và đặc biệt là với Giáo Hội mà đại diện là trong một Họ Đạo… (x.
Familiaris Consortio số 18, 42- 43).
Tại sao chúng ta, các người trẻ phải sống tình huynh đệ?
Nguyên tắc đầu tiên và trổi vượt trên những nguyên tắc khác: Kính trọng thương
yêu anh chị em với nhau, bởi vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa. Tông Huấn
Familiaris Consortio số 64 diễn tả: “Được lệnh truyền mới của tình yêu sinh động
và nâng đỡ, gia đình Ki-tô hữu tiếp đón, kính trọng, phục vụ mọi người, luôn
luôn nhìn mọi người trong phẩm giá của họ như những ngôi vị và như con cái
Thiên Chúa” (Familiaris Consortio số 64).
Sống tình huynh đệ để làm gì?
- Tình huynh đệ giúp nhau, hướng
dẫn nhau sống tốt về các giá trị chính yếu của đời người, sống tốt các nhân đức,
các lãnh vực khác nhau. Mọi thành phần trong gia đình đều cần đến nhau, giống
như các chi thể trong cùng một thân thể “Tất cả mọi thành phần trong gia đình,
mỗi người theo ơn riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để ngày này
sang ngày khác tiếp tục xây dựng sự hiệp thông giữa các ngôi vị” (Familiaris
Consortio số 21).
- Vượt xa tính khí ích kỷ, tình
huynh đệ còn muốn mỗi người nhận được ơn cứu rỗi, bởi vì không phải chỉ một
mình tôi được cứu rỗi, nhưng những người khác cũng cần được cứu rỗi: “Do đó,
không những họ “nhận được” tình yêu của Đức Ki-tô để trở nên một cộng đồng “được
cứu rỗi”, mà còn được mời gọi “truyền đạt” cho anh chị em của họ chính tình yêu
của Đức Ki-tô, để như thế họ trở nên một cộng đồng, “cứu rỗi” người khác”
(Familiaris Consortio số 49).
Thực hiện tình huynh đệ bằng cách nào? Chúng ta xin giản lược
vấn đề này. Trong cuộc giao tiếp hằng ngày, tình huynh đệ được thực hiện trong
ba động từ: Làm ơn, Cám ơn, và Xin lỗi, vì lẽ khi đối thoại với nhau mà “im lặng
sẽ gây nên sự ngột ngạt, đôi khi ngay trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa
cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em với nhau”. Ngược lại, những lời phù hợp,
được nói lên đúng lúc, sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu hằng ngày” (Amoris
Laetitia số 133).
Nhưng, dù thế nào đi nữa, tất cả mọi người trẻ chúng ta là
anh em với nhau, chúng ta là những môn đệ, những người cùng một niềm tin vào
Chúa, thì: “nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức
Giê-su Ki-tô... Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do,
đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gal 3,
26-29). Ước gì cuộc sống được như vậy.
Chúng ta, các người trẻ cũng không quên Mẹ Maria, mẫu gương
tình huynh đệ mà Mẹ đã sống, đặc biệt là sống với bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng
với Mẹ. Mẹ đến viếng thăm “ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về
nhà” (Lc 1, 56). Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúng ta nguyện xin Chúa ban
ơn giúp chúng ta, đặc biệt là những người trẻ sống tình huynh đệ cách chân
thành, để mọi người được hạnh phúc và bình an của Chúa trong thời gian dịch bệnh
Covid-19 đang hoành hành thế giới chúng ta.
Nguồn: giaophanvinhlong.net