NGHỆ THUẬT GIÁO DỤC CON CÁI

Lm. Giuse Đặng Chí Lĩnh

WGPSG (15.8.2020) – Giáo dục là nghệ thuật dẫn đưa và thúc đẩy tiềm năng của cá nhân. Người làm công tác giáo dục tương tự công việc của một người hộ sinh, nghĩa là giúp trẻ sinh ra và có cuộc sống tự lập. Vì là một nghệ thuật, thế nên giáo dục không giống kiểu công thức có sẵn như mì ăn liền và có giá trị cho mọi trường hợp được.

Trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là hướng dẫn từng bước để chúng sống tự lập. Cha mẹ không chỉ dạy dỗ, hướng dẫn, đồng hành với con cái, mà còn phải giúp chúng biết chịu trách nhiệm về những nhu cầu cá nhân và biết tự giáo dục.

I. Vai trò của các mô hình giáo dục tính tự lập

Cách thức giáo dục con cái –có thể tạo thuận lợi hoặc cản trở sự tự lập – sẽ đưa đến những kết quả khác nhau trong tiến trình phát triển và hạnh phúc của chúng.  

Có rất nhiều cách để mô tả hành vi của cha mẹ đối với con cái. Ở đây chúng ta nói đến hai khía cạnh quan trọng trong cách hành xử của cha mẹ:

- Những đòi hỏi của cha mẹ (demandingness): đó là những điều mà cha mẹ yêu cầu con cái phải cư xử đúng mực và sống có trách nhiệm tương ứng với lứa tuổi của chúng, những quy tắc chính đáng phải tuân thủ trong đời sống hằng ngày về các sinh hoạt, giờ giấc, ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, sống đạo.

- Những đáp ứng của cha mẹ (responsiveness): đó là những hỗ trợ, nâng đỡ về mặt tinh thần lẫn vật chất của cha mẹ trước những đòi hỏi chính đáng của con cái.

Từ hai khía cạnh trên trong cách giáo dục của cha mẹ, chúng ta có bốn mô hình giáo dục sau:

1. Uy tín: cả hai khía cạnh đều ở mức cao

Cha mẹ có uy tín vừa đầy tình thương nhưng cũng rất cương nghị. Họ xác định những chuẩn mực tương xứng với lứa tuổi của con cái và buộc chúng phải nghiêm túc tuân thủ. Họ giúp con cái phát triển sự tự lập và tự quyết nhưng họ vẫn đảm đương trách nhiệm cuối cùng về hành vi của con cái. Cha mẹ cùng giải quyết với con cái những khó khăn, trao đổi và giải thích cho chúng những vấn đề liên quan đến kỷ luật. Cha mẹ thiết lập những kỷ cương cần tuân thủ, nhưng không phải là những luật lệ cứng ngắc, mà phải uyển chuyển và hướng đến việc thảo luận, đối thoại cách cởi mở và chân thành. Ngoài ra, các quy tắc phải được giải thích và thực thi trong bầu không khí của sự gắn kết, yêu thương và công bằng. Tình thân gia đình, sự nâng đỡ, khích lệ về tinh thần lẫn việc chu cấp những đòi hỏi thiết yếu và chính đáng của con cái sẽ giúp chúng biết tự chủ và sống có trách nhiệm.

2. Độc đoán: cha mẹ đòi hỏi con cái nhiều (khía cạnh thứ nhất ở mức cao), nhưng lại không quan tâm và đáp ứng đúng mức những nhu cầu chính đáng của chúng (khía cạnh thứ hai ở mức thấp).

Cha mẹ độc đoán thường chỉ đưa ra mệnh lệnh và kỷ luật phải tuân thủ. Họ không thích trao đổi, thảo luận bởi vì họ cho rằng con cái cần chấp nhận vô điều kiện các chuẩn mực bất biến của họ. Những bậc cha mẹ theo phương cách giáo dục này không khuyến khích mà lại giới hạn tính tự lập của con cái. Trong các gia đình độc tài, nơi mà các quy tắc được thực thi một cách cứng nhắc, và rất hiếm khi có sự giải thích hay điều chỉnh, dễ xảy ra những khó khăn, nhất là trong giai đoạn con cái đến tuổi vị thành niên. Cha mẹ độc đoán nghĩ rằng việc con cái không lệ thuộc vào họ là dấu hiệu sự nổi loạn và thiếu tôn trọng người lớn, và họ sẽ tìm cách ngăn cản tính độc lập của chúng. Thay vì khuyến khích sự tự lập, cha mẹ độc tài vô tình có thể giữ sự phụ thuộc của con, không cho phép chúng học cách tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về việc mình làm. Trong trường hợp con cái ở ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ kèm với việc thiếu tình thương của cha mẹ, trẻ ở tuổi vị thành niên có thể công khai nổi loạn chống lại cha mẹ hòng khẳng định sự độc lập của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, các cuộc nổi loạn không phải là dấu hiệu của sự độc lập thực sự về mặt tình cảm, mà chỉ là một cuộc dấu chỉ cho thấy sự thất vọng của tuổi vị thành niên trước sự cứng nhắc quá mức và thiếu hiểu biết của cha mẹ.

3. Nhu nhược và nuông chiều: ngược với mô hình thứ hai, nghĩa là cha mẹ ít đưa ra những đòi hỏi (khía cạnh thứ nhất ở mức thấp), nhưng bày tỏ tình thương và sự nuông chiều thái quá (khía cạnh thứ hai ở mức cao)

Cha mẹ theo mô hình này biểu lộ sự nhân nhượng và thụ động đối với vấn đề kỷ luật. Họ chỉ đòi hỏi con cái vài thứ lặt vặt và cho chúng tự do hành động như chúng muốn. Họ nghĩ rằng sự kiểm soát là một trở ngại cho việc tự do hành động, và như thế sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của con cái nói chung. Thay vì lưu tâm đến hành vi của con cái, họ lại xem mình như nguồn tài nguyên mà con cái có thể khai thác tùy thích.

4. Dửng dưng: cả hai khía cạnh đều ở mức thấp  

Cha mẹ thờ ơ với bổn phận nhằm giảm bớt thời gian và công sức cho những tương tác với con cái; trong những trường hợp cực đoan, họ bỏ bê chúng. Cha mẹ biết rất ít về đời sống và các hoạt động của con mình, ít quan tâm đến những trải nghiệm của chúng ở trường và với bạn bè, ít khi nói chuyện với chúng và hiếm khi để tâm đến các quan điểm của chúng khi chúng phải quyết định điều gì đó. Những bậc cha mẹ theo mô hình này thường quy hướng mọi sự về mình, và tổ chức gia đình trước hết chỉ cho nhu cầu và lợi ích bản thân.

Trong những gia đình theo mô hình thứ ba và thứ tư nảy sinh những vấn đề khác biệt so với các gia đình độc tài (mô hình thứ hai). Mô hình ba và bốn cho thấy cha mẹ không hướng dẫn đúng mức con cái khiến chúng không có được những chuẩn mực cho hành vi.

Bốn mô hình giáo dục nêu trên đưa đến các kết quả khác nhau về sự phát triển tâm lý của trẻ. Con cái có bố mẹ theo mô hình uy tín dễ thích ứng về mặt tâm lý xã hội, sống có trách nhiệm, tự tin, thích nghi, sáng tạo, ham thích học hỏi, có kỹ năng xã hội tốt hơn và thành công hơn ở trường học so với các bạn đồng trang lứa mà được giáo dục theo các mô hình khác. Ngoài ra các trẻ này thường cảm thấy hạnh phúc, có đời sống tâm lý ổn định, và chúng cảm thấy hài lòng với những mối quan hệ trong gia đình.

Trẻ có cha mẹ độc đoán thường sống phụ thuộc, thụ động, ít thích ứng về mặt xã hội, kém tự tin và ít ham thích học hỏi.

Còn các em có bố mẹ nuông chiều thì kém trưởng thành, sống thiếu trách nhiệm, thích sống tuân thủ hơn là giữ các vị trí lãnh đạo.

Con cái của cha mẹ dửng dưng thường bốc đồng và nhiều khả năng sau này chúng sẽ tham gia vào các hành vi nguy cơ (tình dục bừa bãi, rượu chè, ma túy, phạm pháp).

II. Tại sao mô hình uy tín có tính ưu việt?

Trước hết, mô hình này mang lại cho trẻ một sự cân bằng tối ưu giữa kiểm soát và được phép, mang lại cho chúng tính độc lập, cung cấp cho chúng cơ hội để phát triển khả năng tự quyết và đồng thời cung cấp các tiêu chuẩn, giới hạn rạch ròi và những hướng dẫn khi chúng cần đến. Chúng có được sự tự lập theo kiểu tiệm tiến, và điều này giúp chúng tự tin và tự quyết. Mô hình này cũng thúc đẩy sự phát triển các kỹ năng và tăng cường khả năng đề kháng những ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm những căng thẳng và những ảnh hưởng xấu của bạn bè.

Kế đến, các bậc cha mẹ theo mô hình này đối thoại nhiều với con cái, thế nên chúng phát triển tốt về mặt trí tuệ là cơ sở của sự trưởng thành về tâm lý xã hội. Các cuộc thảo luận trong gia đình, việc giải thích các quyết định, quy tắc và kỳ vọng từ phía người lớn giúp trẻ hiểu được hệ thống xã hội và quan hệ xã hội.

Thứ ba, vì mô hình uy tín dựa trên mối quan hệ yêu thương, cho nên con cái sẽ gắn bó với cha mẹ và lưu tâm đến những bận tâm của cha mẹ. Điều này tạo điều kiện cho những ảnh hưởng tốt của cha mẹ trên con cái về những giá trị cũng như cách ứng xử.

Cha mẹ uy tín có trách nhiệm đối với con cái, biết cách hướng dẫn và đồng hành với chúng. Họ rất nhạy cảm với nhu cầu của con cái, nhưng họ cũng tính đến khả năng của họ trong việc giải quyết những nhu cầu chính đáng của con cái. Họ khuyến khích con cái trao đổi về những đòi hỏi của chúng. Họ thảo luận với chúng về những lối hành xử trong những tình huống khác nhau. Họ cũng đánh giá cao và khuyến khích sự phát triển của một ý chí tự chủ của con cái, đưa ra những quy tắc về trách nhiệm tương xứng với từng lứa tuổi, và hướng chúng đến việc tự rèn luyện kỷ luật bản thân.

Tóm lại, trong lãnh vực giáo dục nói chung, mô hình uy tín thích hợp hơn các mô hình khác. Mô hình này giúp con cái và người thụ huấn nói chung phát triển tư duy phê phán, sự tự tin, tự chủ, và cảm thấy hạnh phúc. Mô hình này cho phép người ta có được cách hành xử trưởng thành và đúng mực trong những tình huống khác nhau của cuộc sống.

Nguồn: WGPSG

SÁCH THAM KHẢO

CICOGNANI E. – B. ZANI, Genitori e adolescenti, Roma, Carocci, 2003.

MAIOLO G., L’occhio del genitore. L’attenzione ai bisogni psicologici dei figli, Trento, Erickson, 2000.

MAIOLO G., Adolescenze spinose. Come comunicare senza fare (e farsi) del male, Trento, Erickson, 2002.

PALMONARI A., Gli adolescenti, Bologna, il Mulino, 2001.

RENAUD H. – J. P. GAGNÉ, Essere genitore. Avviamento alla professione, Milano, San Paolo, 2003.