NGÀY THÁNH HÓA CÁC LINH MỤC

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

WGPMT (13.06.2023) – Ngày 11/06/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Lazzaro You Heung-Sik, Giám mục Giáo phận Daejeon, Hàn Quốc, làm  Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ. Sau đó, ngày 27/08/2022, Đức Thánh Cha đã nâng ngài lên hàng Hồng y. Đức hồng y Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ đến từ châu Á, châu lục đông dân nhất, đang phát triển mạnh mẽ nhất, cũng là cái nôi của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Từ bối cảnh đó, ngài đề nghị mô hình nào cho đời sống linh mục?


Đức hồng y Lazzaro You Heung-Sik

Đức hồng y Bộ trưởng nói đến ba tiếng gọi quan trọng trong đời sống linh mục.

1.Tiếng gọi sống đời môn đệ

Cùng với anh chị em tín hữu trong Hội Thánh, linh mục trước hết phải là môn đệ của Chúa như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Chúng ta đừng quên rằng mỗi ơn gọi đặc thù, kể cả chức thánh, đều là sự hoàn thiện Bí tích Rửa Tội… Vẫn luôn có cơn cám dỗ sống chức linh mục mà không có Phép Rửa, nói cách khác, quên rằng ơn gọi đầu tiên của chúng ta là nên thánh” (17/02/2022). Chính vì thế, trong trách nhiệm chủ chăn, có lúc linh mục đi trước dẫn đường, có lúc lại đi đằng sau và có lúc đi giữa đoàn chiên. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình là người có vị thế khác mọi người, tách khỏi đoàn chiên, dẫn đường cho đoàn chiên. Đó là nguy cơ của giáo sĩ trị.

Để sống điều này, Đức hồng y Lazzaro chia sẻ với các linh mục: “Chúng ta phải thường xuyên tự hỏi: tôi có sống nghèo như Chúa Giêsu, không gắn bó với của cải và tiện nghi vật chất không? Tôi có sống thanh khiết như Ngài, luôn trong sáng trong mọi mối tương quan không? Tôi có vâng theo kế hoạch của Chúa Cha không, hay tôi chỉ muốn theo những kế hoạch và sở thích cá nhân của mình?”

2. Tiếng gọi phục vụ

Đức hồng y Bộ trưởng chia sẻ rằng từ hồi còn là chủng sinh, ngài đã có ấn tượng đặc biệt với hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Vì thế ngài tâm đắc lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Trong Hội Thánh, không có ai được nâng lên cao hơn những người khác. Trái lại, mỗi người cần hạ mình xuống để phục vụ anh chị em mình… Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ. Đừng bao giờ quên điều này! Đối với người môn đệ Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi, quyền bính duy nhất là quyền bính để phục vụ, quyền lực duy nhất là quyền lực của thập giá” (Diễn văn kỷ niệm 50 năm Thượng hội đồng giám mục thế giới). Ý thức và cố gắng sống điều này sẽ giúp các linh mục tránh xa thứ giáo sĩ trị vốn đã gây quá nhiều điều tệ hại cho Hội Thánh.

Xa hơn nữa, phục vụ Dân Chúa còn là biết khám phá và trân trọng những tài năng hiện diện trong Dân Chúa và mời gọi họ cộng tác. Sẽ tốt đẹp biết bao nếu linh mục nhận ra nơi giáo dân những khả năng chuyên môn, tính sáng tạo và sự tận tụy, và khuyến khích họ phát huy những tài năng đó, không những cho Hội Thánh mà còn cho cả xã hội.

3. Tiếng gọi hiệp hành

Đức hồng y Bộ trưởng bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng cô đơn của nhiều linh mục. Trong giai đoạn đào tạo ở chủng viện, anh em sống chung với nhau, đến khi làm linh mục rồi, mỗi người một nhiệm vụ và có nguy cơ sống cô độc. Ngài ghi nhận rằng chúng ta thường nói đến linh mục ở số ít đang khi Công đồng luôn nói ở số nhiều. Linh mục không đơn độc nhưng cùng với Giám mục và các linh mục khác, làm thành linh mục đoàn. Cũng thế, các Giám mục làm thành Giám mục đoàn. Như thế, tính cộng đoàn gắn liền với căn tính linh mục.

Linh mục sống độc thân vì Nước Trời không có nghĩa là sống cô độc, nhưng là cùng với anh em mình. Chúng ta từ khước niềm vui có gia đình riêng như những người khác, để hình thành và phục vụ một gia đình rộng lớn hơn, là gia đình của con cái Thiên Chúa, ở đó mọi người là anh chị em với nhau. Nhưng “làm sao chúng ta có thể nói về Thiên Chúa như là hiệp thông, làm sao chúng ta có thể là những người phục vụ và xây dựng Hội Thánh hiệp thông nếu chính chúng ta không sống hiệp thông với Giám mục, với anh em linh mục, và với toàn thể Dân Chúa?”

Tiếng gọi sống đời môn đệ, tiếng gọi phục vụ, tiếng gọi hiệp hành: ba tiếng gọi ấy vừa là lời mời gọi vừa là lời chất vấn mỗi linh mục trong đời sống cá nhân cũng như khi thi hành tác vụ. Chân thành đối diện với lời chất vấn ấy mỗi ngày là cách thế để chúng ta đáp lại lời mời gọi nên thánh như Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” (Ga 17,16-17). 

*Có thể đọc toàn bài của Đức hồng y Bộ trưởng tại www.clerus.va, “Which Church? What Kind of a Priest? What Kind of Formation? Reflections on Priestly Formation in an Epochal Change”.

Nguồn: giaophanmytho.net