NĂM TÁC HẠI CỦA TỘI LỖI

Lm. Ed Broom, OMV

WHĐ (07.12.2023) – Liên quan đến sự nhận thức về tội lỗi, Đức giáo hoàng Piô XII nói rằng: “Tội lỗi của thời đại này là mất đi cảm thức về tội lỗi”. Lời này đã được nói gần 75 năm trước, trong một xã hội nhìn chung vẫn còn đón nhận những giá trị của Kitô Giáo. Đó là thời đại có gần 75% người Công Giáo ở Hoa Kỳ, châu Âu và châu Mỹ Latin thực hành đức tin, ít nhất là bằng cách tham dự Thánh Lễ mỗi ngày Chúa Nhật.

Ngày nay, nhiều người dù được gọi là tín hữu nhưng lại có lương tâm rất chai cứng, lý do là vì họ thủ đắc một nền tảng giáo lý yếu kém. Đã bao nhiêu lần bạn trải qua tình cảnh dưới đây! Bạn gặp gỡ những vị khách vào chiều thứ Bảy, rồi vào đầu giờ chiều (khoảng 16h30) bạn xin phép rời đi. Một trong những vị khách lịch sự hỏi bạn đi đâu. Bạn trả lời: “Tôi đến nhà thờ!” Người ấy hỏi “Tại sao lại là nhà thờ?” Bạn nói “Tôi đến để lãnh nhận bí tích Hoà Giải”. Những vị khách ấy buột miệng: “Tại sao, bạn đã làm gì nên tội?” Dĩ nhiên bạn sẽ trả lời đó là chuyện riêng tư giữa bạn với cha Giải tội và Thiên Chúa. Với phép lịch sự, bạn mời họ đi cùng bạn đến với bí tích Hoà Giải! Thông thường, câu trả lời sau đây sẽ được đưa ra: “Tôi không có tội gì cả. Tôi không cướp ngân hàng hay sát hại ai hết!”

Tình huống trên nói lên rất nhiều thứ! Điểm nổi bật trong cuộc đối thoại trên đó là thực tế có nhiều người Công giáo sống trong nửa thế kỷ qua đã không nhận được một sự đào tạo giáo lý đúng mức. Điều này bao gồm một sự thật đáng buồn rằng lương tâm của những người ấy đã không được huấn luyện tốt, hoặc không đủ mức, hay bị méo mó hoặc thậm chí là không được huấn luyện gì hết.

Khi nhận biết sâu sắc thực tế đáng buồn này của một xã hội trong đó tội mang tính thế kỷ là việc mất đi ý thức về tội, thì thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II – người được tuyển chọn khoảng 20 năm sau ngày qua đời của chân phước Giáo Hoàng Piô XII – đã bắt đầu hành động.

Một trong những Thượng Hội đồng đầu tiên mà Đức Gioan Phaolô II triệu tập là Thượng Hội đồng có chủ đề về tội lỗi, lương tâm, sự đánh mất cảm thức tội lỗi, và lời kêu gọi của Thượng Hội đồng này là hãy trở về với Bí tích Hoà giải, cũng được gọi là Bí tích Thống hối, Giao hòa hay là Bí tích của Lòng Chúa xót thương.

Sau khi Thượng Hội Đồng đã hoàn tất các đề tài nghiên cứu và thâu tập tất cả những phát biểu đóng góp, thì một tông huấn hậu Thượng Hội Đồng được ban hành và phổ biến. Nhan đề chính thức của Tông huấn đó là: Reconciliatio Paenitentia – Hòa giải và Sám hối (ban hành ngày 2 tháng 12 năm 1984).

Như là một khí cụ mang tính lý trí và thần học nhằm nuôi dưỡng một sự nhận thức về tội lỗi, về lương tâm, cũng như là một lời kêu gọi để trở về với sự đón nhận của Bí tích Hòa giải, văn kiện này là một tuyệt tác mang tính văn chương và linh đạo.

Thế nhưng, mục đích của chúng tôi trong bài viết ngắn gọn này không chỉ để làm nổi bật và giải thích cách ngắn gọn thực tại phức tạp của tội lỗi và việc đánh mất cảm thức tội lỗi, nhưng còn nhấn mạnh các tác hại nguy hiểm mà tội lỗi gây ra bên trong con người, trong Hội Thánh, trong xã hội và trong thế giới rộng lớn này.

Trong một xã hội hoặc là phủ nhận thực tại của tội lỗi, hoặc là giản lược tội lỗi đến mức tối thiểu như một điều vô nghĩa, thì thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không hề ngần ngại trong việc đi sâu vào những tác hại nguy hiểm của tội lỗi.

Vì thế, bài viết này sẽ đơn giản tập trung vào một khía cạnh then chốt của tội lỗi, đó là những tác hại chết người của nó; không chỉ được nhìn trong ánh nhìn của thế gian mà còn trong ánh nhìn của Thiên Chúa. Vị Thánh Giáo Hoàng đã liệt kê năm tác hại của tội lỗi mà chúng ta sẽ giải thích cách ngắn gọn và trật tự. Mỗi tội lỗi kéo theo nó năm tác hại sau: (1) Tác hại đến Thiên Chúa, (2) Tác hại đến xã hội, (3) Tác hại đến bản thân, (4) Tác hại về Giáo hội, và (5) Tác hại đến thế giới thụ tạo. Chúng ta sẽ tiến hành giải thích từng điều trên.

Năm tác hại mà mỗi tội lỗi gây ra – từ bên trong đến bên ngoài

1. Tác hại đến Thiên Chúa

Mỗi khi chúng ta quyết định phạm tội, dù trong tư tưởng, lời nói hay việc làm hoặc thậm chí là trong những thiếu sót, thì ngay lập tức có một sự xúc phạm trực tiếp đối với Thiên Chúa. Điều này phải được nhấn mạnh: trước hết và trên hết, mỗi tội lỗi mắc phạm là một sự xúc phạm tự bản chất đối với Thiên Chúa. Ngài là Đấng bị xúc phạm chính yếu và trước tiên. Ý tưởng thực hành được rút ra từ điều này là: Mỗi khi chúng ta ngước mắt và chiêm ngắm Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, và đang đổ từng giọt Máu thánh của Người, thì chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giêsu thật sự đau đớn trong cuộc khổ nạn và chịu chết vì tội lỗi của bạn và tôi. Sách giáo lý Baltimore khắc hoạ một bé trai đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá với 3 ký tự của từ TỘI được viết trên lưng áo của mình – một sự khắc hoạ rất tượng hình và dễ hiểu.

2. Tác hại đến xã hội

Sau khi Cain giết em trai Abel của mình vì sự ghen tỵ, ích kỷ, giận hờn và ghen ghét, Cain đã thốt lên một câu hỏi thách thức: “Chẳng lẽ con là người giữ em con hay sao? Và câu trả lời rõ ràng là PHẢI! Thật vậy, như Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta phải sợ hãi và run rẩy để nỗ lực đạt được ơn cứu độ. Mặt khác, Chúa Giêsu nhiều lần dạy rằng chúng ta nên tận tình chăm sóc cho anh chị em mình. Hãy nhớ dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10, 25-37). Hãy nhớ những việc “thương xác bảy mối”: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người rách rưới ăn mặc, chuộc kẻ làm tôi, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết (Mt 25, 31-45). Những điều tốt lành chúng ta làm hoặc không làm cho những người lân cận của chúng ta là chúng ta đang làm hoặc không làm cho Chúa Giêsu.

3. Tác hại đến bản thân

Tội lỗi của chúng ta không chỉ làm buồn lòng Chúa, và gây tổn thương cho anh chị em xung quanh mà còn phương hại đến chính bản thân chúng ta. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định việc phạm trọng tội có thể được xem như một sự tự tử về mặt luân lý. Thật vậy, mỗi khi chúng ta tự quyết định phạm một tội trọng, đó thực sự là một hình thức tự tử luân lý. Tắt một lời, những tác hại đó luôn độc hại và nguy hiểm chết người. Bằng việc phạm một tội trọng, chất độc tội lỗi sẽ làm ô nhơ toàn bộ con người đó tự trong bản chất. Hãy suy nghĩ về những tác hại khác sau đây của tội trọng: bị xa rời Thiên Chúa mãi mãi và mất các ân sủng thánh hoá của Ngài, bị mất tình bạn hữu với Ngài, tâm trí bị nhấn chìm trong bóng tối và ý chí bị suy yếu. Chưa hết, vẫn còn những tác hại khác nơi người phạm tội trọng, đó là: một nỗi buồn chán thấm nhập toàn bộ con người; sự bình an tan biến; mất khả năng đón nhận Bí tích Thánh Thể; và tội có thể biến thành một thói quen xấu được lặp đi lặp lại. Điều tệ hại nhất là nếu một người chết trong tình trạng phạm tội trọng, họ sẽ mất linh hồn đời đời. Thật là hết sức quan trọng khi chúng ta suy niệm những tác hại của tội lỗi trong đời sống cá nhân của mình hầu để ăn năn về các tội trọng mình đã phạm, đồng thời chạy đến với Bí tích Hòa Giải sớm nhất có thể, và nhờ đó mà được trở lại trong mối tương quan thân thiết với Thiên Chúa.

4. Tác hại đến Giáo hội

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã công bố tông thư về Giáo hội với nhan đề: Mater et Magistra – Hiền mẫu và tôn sư. Hai nhiệm vụ căn bản của Giáo hội là trở nên Mẹ của chúng ta trong phẩm trật và nhiệm cục ân sủng, cũng như trở nên Thầy dạy Chân lý. Thật đáng buồn khi nói rằng tội lỗi của chúng ta không chỉ làm phiền lòng Thiên Chúa, gây phương hại đến tha nhân và chính mình mà còn ảnh hướng đến Giáo hội là Mẹ và Thầy dạy của chúng ta. Có vô vàn những thí dụ về cách thức những thành viên trong Giáo hội do bởi tội lỗi của họ mà đã gây ra những thương tích không thể sửa chữa. Có lẽ hai trong số những trường hợp rõ ràng và hiển nhiên nhất là nơi hành động của một vị vua và một vị linh mục dòng Âu tinh: Vua Henry VIII và Linh mục Martin Luther. Do bởi những hành động của hai con người sống trong những thời kỳ gần nhau này, Giáo hội hoàn vũ đã phải gánh chịu những thương tổn không thể chữa nổi. Giáo hội Công giáo của Anh quốc gần như chuyển từ Công giáo sang Anh giáo chỉ trong một đêm – Giáo hội Anh giáo được điều hành bởi chính vị vua này. Sau đó, trong một Giáo hội Công giáo Đức cứng rắn, Luther đã là nguyên nhân đưa đến sự chia rẽ Giáo hội ấy ra làm hai – phần phía Bắc trở thành Tin Lành và phần phía Nam đa số vẫn ở lại Công giáo. Trong cách thức ấy mà tội lỗi của chúng ta hoàn toàn có thể phương hại đến Giáo hội, là Mẹ và Thầy của chúng ta.

5. Tác hại của tội lỗi đối với thế giới thụ tạo

Tác hại cuối cùng của tội lỗi, như được giải thích bởi Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, được gọi là tác hại đối với thế giới thụ tạo. Không chỉ phương hại đến tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân trong xã hội, với chính mình, cũng như với Giáo hội, mà tội lỗi còn phương hại đến thế giới mà chúng ta đang sống. Đây là tác hại liên quan đến thế giới thụ tạo. Có lẽ cách tốt nhất để mô tả tác hại này của tội lỗi là qua việc nghĩ về tác hại của chiến tranh, và của các cuộc xung đột trên toàn thế giới. Đức Mẹ khi hiện ra tại Fatima đã nói rằng chiến tranh là kết quả của tội lỗi. Đang khi ở giữa thế chiến I, Mẹ cảnh báo thế giới rằng nếu con người không dừng việc phạm tội và bắt đầu thực hành cầu nguyện nhiều hơn, thì một cuộc chiến khủng khiếp hơn nữa sẽ bùng nổ. Thật vậy, điều đó đã thành hiện thực – Thế chiến II đã xảy ra. Tác hại của tội lỗi đối với thế giới thụ tạo dẫn đến việc tàn phá và huỷ hoại thiên nhiên. Do bởi các cuộc chiến, biết bao thảm họa thiên nhiên đã xảy ra: thú vật bị tiêu diệt, các nguồn nước bị ô nhiễm, cây xanh, thực vật và các cánh rừng bị phá huỷ. Thậm chí các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bởi vì bom nguyên tử và các loại vũ khí hạt nhân mà bộ gen trong tất cả cá thể của nhiều loài đã bị tổn hại.

Xin cho tất cả chúng ta luôn quyết tâm thực hiện một nỗ lực lâu bền để huấn luyện lương tâm mình trong ánh sáng của Lời Chúa và của Huấn quyền, đồng thời biết sống theo lương tâm ấy. Xin cho sự thánh thiện, gương sáng và sự khôn ngoan của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn là sự chỉ dẫn chúng ta hướng về Ánh Sáng Vinh Phúc muôn đời trên Thiên Quốc!

Quang Sáng
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (04.04.2023)