1. Bối cảnh và Mong Ước.
“Trong bối cảnh của thời hậu hiện đại, chịu ảnh hưởng nặng nề của tục hóa, thường tập chú vào hưởng thụ, qui về mình và chìm sâu trong chủ thuyết tương đối, bản chất và giá trị của gia đình, như nền tảng của xã hội và hình ảnh căn bản của Giáo Hội bị đe dọa nghiêm trọng.
Chúng ta cần nhìn lên Mầu Nhiệm Ba Ngôi là cội nguồn và mẫu gương đích thật của gia đình cũng như quay về Thánh Gia Nadarét. Chính từ đó chúng ta có thể tái khám phá căn tính nguyên thủy của chúng ta, tìm ra cảm hứng và hướng dẫn tìm thấy ánh sáng và quyết định liên quan tới gia đình trong bối cảnh hỗn độn hiện nay.
Dân Chúa nhìn vào các chủ chăn để được bảo vệ, hướng dẫn và khích lệ. Các Giám mục và linh mục cần ý thức các thách đố hiện nay và những giải đáp nhằm tôn vinh phẩm giá của hôn nhân và đời sống gia đình tại Châu Á.
Trong lối nhìn này và với Ơn Chúa, CHÚNG TÔI MONG ƯỚC:
1) Hiểu biết các thách đố hiện tại liên quan đến hôn nhân và đời gia đình,- theo góc nhìn riêng tại Châu Á,- nghịch lại với giáo huấn Kitô giáo chân thật.
2) Tăng cường sức mạnh cho các giám mục và linh mục nhằm củng cố và bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân và đời sống gia đình; và
3) Thúc đẩy các người tham dự nhận diện, khám phá và phác họa những kế hoạch mục vụ nhằm phát huy và tăng sức cho những gia đình Kitô hữu theo gương Thánh gia Nadarét và được nâng đỡ bởi những tương quan theo gương Chúa Ba Ngôi.
(trích dịch Tài Liệu phân phát cho tham dự viên).
2. Thành Phần Tham Dự
Đến tham dự cuộc Hội Học này, có 107 đại diện đến từ 15 quốc gia, gồm 16 giám mục, 25 linh mục, 2 nữ tu, và 64 giáo dân, trong đó có 21 cặp vợ chồng, 8 nam và 8 nữ.
Các tham dự viên đến từ 15 quốc gia sau đây: Ấn Độ (7), Bangladesh (5), Brunei (1), Đại hàn (1), Đài Loan (8), Hồng Kông (2), Malaysia (10), Myanmar (3), Inđônêsia (4), Pakistan (3), Philippines (16), Singapore (3), Sri Lanca (16), Thái Lan (19), Việt Nam (1 linh mục và 1 cặp vợ chồng).
3. Các Đề Tài trình bày tại Hội Nghị.
Để tạo điều kiện cho tiến trình suy nghĩ nhằm đưa ra những giải pháp ứng phó với các thách đố hiện nay đang đe dọa các gia đình tại Chấu Á, Hội Nghị đã lắng nghe các thuyết trình viên trình bày 6 đề tài sau đây:
Bài 1. “ Tìm hiểu hoàn cảnh hiện nay của các Gia đình tại Châu Á. “
Đức Giám mục Mylo Vergara, Giám mục Pasig Philippines, Chủ tịch UB Giáo sĩ của FABC, đã trình bày bản đúc kết Bản Thăm Dò tình trạng các gia đình và mục vụ hiện nay dành cho các gia đình tại Châu Á do Ủy ban Giáo dân và Gia đình thực hiện vào cuối năm 2015.
Bốn mục tiêu của Bản thăm dò này là:
1) Mô tả những thách đố các gia đình trong các giáo phận, quốc gia đang gặp phải.
2) Các chương trình mục vụ nhằm chăm sóc, huấn luyện đức tin và nâng đỡ các gia đình.
3) Nội dung và thời gian các Khóa chuẩn bị hôn nhân.
4) Cách hiểu Mục vụ gia đình ở các nơi.
Vì chỉ có 9 bản trả lời từ 15 quốc gia thành viên, cho nên bản trình bày chỉ mang tính cách thông tin.
a. Bảy thách đố lớn nhất tại Châu Á:
Đó là: Hôn nhân hỗn hợp và khác đạo, khó khăn và tranh chấp trong gia đình, nhu cầu giáo lý và huấn luyện đức tin cho cha mẹ và con cái, nghèo đói, di dân, thiếu cầu nguyện hay thực hành đức tin, tương quan trong gia đình giảm sút,
Ngoài ra, một số nơi phải đối phó với những vấn đề riêng, như ở Malaysia,các gia đình đơn thân gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy con cái; tại Việt Nam có tình trạng phá thai và những khó khăn về mặt văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị; ở Ấn Độ và Đông Malaysia có tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện hút...
b. Những gợi ý nhằm củng cố mục vụ gia đình trong các cộng đoàn.
Mục vụ gia đình được hiểu như một phần việc không thể thiếu của Giáo Hội, bao gồm sứ mạng chăm sóc, hướng dẫn, nuôi dưỡng và đồng hành nhằm giúp các gia đình sống ơn gọi nên thánh. Vì thế, để đẩy mạnh công tác mục vụ, các bản trả lời đưa ra các gợi ý sau đây:
- Nhu cầu tăng cường việc huấn luyện và khả năng thiết kế những chương trình dành cho các vợ chồng và gia đình ( như huấn luyện các giá trị, giáo lý, chương trình hậu hôn nhân, chữa lành, đào tạo tác viên gia đình, tham vấn.
- Nhu cầu tiếp cận các gia đình đang gặp khó khăn, kể cả những gia đình không còn sống đạo.
- Cần phát triển các phong trào Thánh Linh, thiết lập các tổ chăm sóc gia đình tại giáo xứ, gia tăng con số linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân phục vụ các gia đình.
- Tổ chức những hoạt động cầu nguyện, đọc Lời Chúa, chia sẻ kinh Thánh...
- Để giúp các gia đình chia sẻ trách nhiệm loan báo Tin Mừng và hoạt động hữu hiệu, các bản trả lời nhấn mạnh đến các điểm sau đây: đào luyện thêm linh mục hoạt động trong lãnh vực mục vụ gia đình, thành lập học viện đào tạo tông đồ giáo dân, giáo lý cho người lớn, giáo xứ đẩy mạnh các chương trình và hoạt động đưa giáo dân tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, thăm viếng và đồng hành với các gia đình, mở rộng tương quan với các gia đình thuộc các tôn giáo khác, thiết lập các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, hổ trợ các thừa sai về mặt tài chánh...và cần “Hoán cải con tim”...
Bài 2. “Viễn ảnh mục vụ dành cho các gia đình tại Châu Á trước các thách đố hiện nay, dưới ánh sáng của hai Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua”.
Nếu bài thuyết trình đầu tiên được gợi ý như là việc XEM hiện trạng của các gia đình tại Châu Á, thì Linh Mục Francis Gustillo SDB trình bày bài thuyết trình thứ hai này như là việc XÉT về bản chất của gia đình ở góc độ thần học.
Dưới ánh sáng của Thần học về Thân Xác đã được Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 khai triển, vốn luôn ẩn hiện trong nội dung của hai Thượng Hội Đồng, người ta có thể nhìn bản chất của gia đình từ bên dưới, - ở góc độ nhân học- và từ bên trên – từ Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ở góc độ nhân học, hai chương đầu của sách Sáng thế nêu rõ 3 khẳng định đặc thù về con người:
(1) tính chất duy nhất của con người giữa muôn tạo vật do được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh mình: con người có khả năng cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng ( x. Thánh vịnh 8, 6-9).
(2) Nhân loại, là thụ tạo mang tính duy nhất, song được dựng nên là nam và nữ, không chỉ được mời gọi nên một với nhau, nhưng còn là bình đẳng và đồng phẩm giá; ( Sáng thế 2, 23-24).
(3) Họ “trần truồng” nhưng không xấu hổ ( Sáng thế 2,25): không trang phục, không thành tích cũng không của cải. Thái độ không- xấu -hổ -khi- trần-truồng cho thấy giá trị của họ ở chỗ họ là ai, chứ không hệ tại họ có gì.
Sau đó, bởi vì nghe theo lời dụ dỗ của Con Rắn, con người muốn hoàn toàn tự do, không muốn đặt mình dưới quyền của Thiên Chúa nhưng muốn trở thành “thiên chúa”và họ đã rơi vào tình trang “đáng xấu hổ’. Trong hoàn cảnh sa ngã, tan nát, Thiên Chúa đã mạc khải tình yêu vô biên của Ngài khi phái Con Một xuống trần gian, chia sẻ thân phận làm người, nghèo khó và vác lấy gánh nặng của tội lỗi, để canh tân loài người và đưa loài người trở về với Kế hoạch nguyên thủy: Ngài không chỉ để người nam và người nữ nên một với nhau mà còn đưa họ nên một với Thiên Chúa.
Ở góc độ thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sự hiệp nhất trong Ba Ngôi là nguồn gốc và gương mẫu cho sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân.
Loài người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, được kêu gọi không chỉ chia sẻ với nhau cuộc sống dưới đất nhưng còn chia sẻ sự sống thần linh của Đấng là Cội Nguồn của họ. Chúa Giêsu Kitô khi chia sẻ thân phận làm người của chúng ta đã trao ban lại cho loài người thiên tính.
Tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa là sự hiệp thông giữa các Ngôi vị được thể hiện qua việc hoàn toàn trao thân và hiến mình trọn vẹn cho nhau theo cách riêng của mỗi Ngôi vị.(xem Gioan 15,13). Vợ chồng được kêu gọi là hình ảnh và trở nên giống tình yêu trút bỏ mình hoàn toàn và trao thân trọn vẹn cho nhau giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Cũng thế, sự kết hợp bất khả phân ly giữa vợ chồng sẽ phản ánh sự hiệp nhất bất khả phân ly nơi Ba Ngôi cũng như tình yêu chung thủy của Thiên Chúa đối với nhân loại được bày tỏ nơi Con Thiên Chúa làm người.
Nhìn từ góc độ Giáo Hội học.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô đã bày tỏ tình yêu đến tận cùng của mình cho các môn đệ (xem Gioan 13,2a). Đây là bước khởi đầu của việc mạc khải trọn vẹn tình yêu trút bỏ mình Chúa dành cho Giáo Hội Như người nữ trong kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, Giáo Hội xuất phát từ cạnh sườn bị đâm thâu của Phu Quân, là Con Chiên. Là Hiền Thê của Chúa Kitô từ nay Giáo Hội sẽ sinh ra những người con cho Thiên Chúa và xã hội từ cung lòng bí tích thánh tẩy. Nhưng các người con này đến từ những cha mẹ là Kitô hữu. Họ nhìn nhận sự sống là quà tặng Thiên Chúa ban cho, là thiêng thánh, cao trọng và có phẩm giá riêng. Vì thế, chính do chứng tá của các đôi vợ chồng Kitô hữu mà kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa được thực hiện trong lịch sử nhân loại ngày nay. Người ta có thể tìm thấy ở đâu thứ tình yêu trút bỏ và hy sinh bản thân nếu không phải ở nơi Hôn Nhân Thánh và trong đời sống gia đình.
Bài 3. Gia Đình và Việc Loan Báo Tin Mừng
Theo Cha Francis Gustillo, bài này có thể được xem như phần Hành Động, sau khi Xem tình trạng các gia đình và Xét bản chất của gia đình. Ông Frank Padilla là Sáng lập viên Cộng đoàn Gia Đình Cùng Theo Chúa và cũng là thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo dân qua nhiệm kỳ thứ hai. Trong bài nói chuyện, ông Frank đã nêu lên tình trạng tăm tối và những đe dọa khủng khiếp các gia đình đang trải qua. Vì thế, đối với Mục vụ gia đình hiện nay không gì quan trọng hơn bảo vệ các gia đình bằng cách đưa họ đến với Vị Mục Tử Tối Cao của mình, là Chúa Giêsu Kitô. Gốc rễ của vấn đề là thiếu vắng một niềm tin sống động vào Chúa Kitô, Ngài không còn có vị trí trung tâm của nhiều gia đình Công giáo. Dựa vào giáo huấn của Thánh Phaolô, đặc biệt trong hai Thư gởi tín hữu Côlôse và Êphêsô, Giáo hội cần ưu tiên đưa các gia đình đến Gặp Chúa Kitô, để Sống Chúa Kitô và Chia Sẻ Chúa Kitô.
Trước cơn sóng thần của sự dữ đang ập trên toàn thế giới, mọi người Công giáo, kể cả cha mẹ và con cháu, cần gặp được Chúa Kitô, để sống thân thiết với Ngài là vị thầy và người bạn của mình, như những người môn đệ đích thật theo đuổi con đường nên thánh. Để được như vậy, Giáo Hội phải ra đi mạnh dạn Chia Sẻ Chúa Kitô cho các gia đình.
Bài 4. Những điều Gia đình mong đợi nơi các Giám mục, Linh Mục và tác viên mục vụ Gia đình trong cộng đoàn giáo xứ.
Bài này do hai ông bà Chan Chee Seung và Francisca Cheun trình bày.
Là giáo dân sống tại Hồng Kông và đã làm việc trong mục vụ gia đình giao phận từ nhiều thập niên qua, hai ông bà đã nêu lên những mong ước của các gia đình qua chứng từ của 4 gia cảnh khó khăn: Gia đình tự bế, gia đình ly dị, gia đình được xác nhân là hôn nhân vô hiệu, gia đình mắc nạn cờ bạc.
Đây là những tình huống khó khăn thường xảy ra khiến các gia đình khó gặp được Chúa Kitô:
- Gia đình không mở ra cho Thiên Chúa và để Chúa ở với mình trong cuộc sống hàng ngày.
- Gia đình thiếu tình yêu và nâng đỡ ngăn cản các thành viên gặp được Chúa Kitô, như chúng ta vẫn tin: Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.
- Thành viên trong gia đình thiếu sự giáo dục và hướng dẫn về giáo huấn của Chúa Kitô.
- Các đôi vợ chồng không được học biết đầy đủ về ý nghĩa của hôn nhân và tương quan giữa hôn nhân với Thiên Chúa.
- Gia đình như giáo hội tại gia không nhận được sự nâng đỡ cần thiết.
Và có thể nêu lên một số nguyên nhân gây ra tình trạng trên:
- Giáo hội - giáo phận - không có khả năng giúp đỡ các gia đình khi họ gặp khó khăn.
- Việc huấn luyện tác viên mục vụ không đáp ứng đủ nhu cầu của các gia đình tận cơ sở. Các tác viên mục vụ ít khi tiếp cận với các gia đình không thường xuyên tích cực tham gia sinh hoạt giáo xứ.
- Khi gặp khủng hoảng đức tin, người ta có thể cảm thấy bị bỏ rơi và trống rỗng, và có thể mất đi khả năng yêu thương.
- Hướng dẫn và luyện tập về mặt đời sống thiêng liêng không được đề cao; mối tương giao với Thiên Chúa không sâu sắc và riêng tư, cho nên khó nghiệm được sự lớn lên trong gia đình.
- Các đôi vợ chồng không sống giáo huấn của Chúa Kitô và giá trị Tin Mừng dễ gặp khó khăn hơn trong đời sống gia đình.
Bài 5. Chăm sóc các Gia đình qua cấu trúc mục vụ giáo phận, giáo xứ và các cộng đoàn Kitô hữu cơ bản, do LM Cajetan Menezes, Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Gia Đình Mumbai, Ấn Độ trình bày. Lời kết luận bài thuyết trình nêu rõ mục đích việc chăm sóc các gia đình:
“Gia đình cần đến Giáo Hội và Giáo Hội cần đến các gia đình để có thể hiện diện giữa lòng cuộc sống và trong môi trường đời sống thời đại chúng ta. Nếu không có các giáo hội tại gia, Giáo Hội bị xa rời khỏi thực tại cụ thể của cuộc sống. Chỉ nhờ các gia đình mà Giáo Hội mới có thể hiện diện tại gia đình, là nơi sống của con người. Vì thế, hiểu ra gia đình là giáo hội tại gia, thật cốt yếu cho tương lai của Giáo Hội và cho công cuộc Tân phúc âm hóa. Gia đình là những sứ giả đầu tiên và tốt nhất của Tin Mừng Gia đình. Họ là con đường đầu tiên mà Giáo Hội phải đi”.
Vậy mục vụ gia đình cần phải hành động như thế nào?
Linh mục Cajetan Menenzes đề cập tới một số việc làm ưu tiên sau đây nếu muốn “bày tỏ một tình yêu đặc biết đối với gia đình” như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi khi kết luận Tông huấn Familiaris Consortio:
Mục vụ gia đình
1) cần thấy rõ các giá trị và sức mạnh của gia đình trong ơn gọi và sứ mạng riêng của mình và phải giúp các gia đình biết và thực hiện bốn bổn phận của mình như Tông huấn về Gia đình xác định.
2) phải xác định được những sự dữ và những nguy hiểm đang đe dọa các gia đình để giúp họ thắng vượt.
3) phải nổ lực tạo nên cho gia đình một môi trường thuận lợi để phát triển.
4) Muốn được như thế, trong mọi hoạt động, các linh mục, tu sĩ và tác viên mục vụ phải luôn luôn nêu cao “viễn ảnh về gia đình” (Family Perspective) trong mọi hoạt động và kế hoạch để giúp các gia đình thể hiện được “Niềm Hoan lạc của Tình Yêu” trong sứ mạng riêng của mình.
5) Vì vậy, cần ưu tiên xây dựng một cấu trúc mục vụ ở cấp giáo phận và tại mỗi giáo xứ phải thiết lập những tổ phục vụ gia đình của giáo xứ (“Parish family Cells) hầu có thể tiếp cận được mọi gia đình tại chính nơi họ sinh sống và đang gặp khó khăn. Các tổ phục vụ nắm vững “viễn ảnh gia đình” có trách nhiệm xây dựng và củng cố các giáo hội tại gia.. Vai trò chính của họ là thiết lập một mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức, đoàn thể và phong trào trong giáo xứ và phối hợp các hoạt động chăm sóc, huấn luyện, họp mừng, đồng hành, tham vấn...Cũng trong tinh thần đó, những cộng đoàn cơ bản hay cộng đoàn Kitô hữu nhỏ là một phương thế hết sức quan trọng và cần thiết về lâu về dài. Là nền tảng của giáo xứ và tế bào căn bản của xã hội
Bài 6. Linh Đạo Gia Đình, yếu tố căn bản trong chăm sóc mục vụ.
Đức TGM Patrick D.Rozario là Chủ tịch UB Giáo dân và Gia đình và Tổng Giám mục Dacca, Bangladesh.
Tiếp nối các bài thuyết trình ở trên, Đức Cha Patrick chia sẻ hai nội dung chính:
a. Linh đạo của các gia đình, theo Tông huấn Amoris Laetitia.
b. Chăm sóc các gia đình dựa trên Linh đạo của hôn nhân và gia đình.
Linh đạo của hôn nhân và gia đình theo Chương 9 của Tông huấn Amoris Laetitia.
1) Nền tảng của linh đạo gia đình chính là sự hiện diện của Thiên Chúa –Ba Ngôi hiệp thông trong Tình Yêu – trong trái tim của người nam và người nữ. Sự hiệp thông trong gia đình là một con đường chân thật để nên thánh và trưởng thành thiêng liêng mỗi ngày. (Tông huấn 314-316).
2) Cuộc sống gia đình của những người môn đệ Chúa Giêsu luôn mang dấu ấn của mầu nhiệm Vượt Qua (“cùng chịu khổ, chịu đóng đinh chịu chết và phục sinh với Chúa Kitô”). Điều này bao gồm việc gia đình cầu nguyện mỗi ngày với nhau và họp mừng mầu nhiệm giao ước mới trong Thánh Lễ Chúa Nhật.( Tông huấn 317-318)
3) Linh đạo của một tình yêu tự do và hoàn toàn thuộc về người kia: trao thân cho người kia;” chịu đựng lẫn nhau, cùng lớn lên với nhau cho đến tuổi già, và như thế phản ánh chính sự trung thành của Thiên Chúa”.
4) Linh đạo của Lòng Thương xót: chăm sóc, ủi an và mưu tìm hạnh phúc cho người khác. Thiên Chúa kêu gọi các gia đình cưu mang sự sống và chăm sóc sự sống. Trong gia đình mọi con người được nhìn với con mắt của Thiên Chúa và được nhìn thấy có Chúa Giêsu trong mình. Vì khi là một giáo hội tại gia, gia đình trở nên một tế bào mang sức sống để biến đổi Giáo Hội và xã hội loài người.
Ngoài ra, Đức Giám mục Patrick còn ghi chú thêm 4 nét khác:
a. Mỗi thành viên gia đình, qua bí tích Thánh tẩy và Thêm Sức, cần trải nghiệm ơn gọi trở nên môn đệ thân tín của Thầy Giêsu.
b. Là một giáo hội tại gia, mọi người trong gia đình cũng có trách nhiệm chăm sóc nhau theo gương Mục Tử Giêsu.
c. Chứng kiến đủ thứ đau khổ và thách đố trong các gia đình hiện nay, cần lưu ý đến linh đạo của cuộc sống từng ngày, chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô vác thập giá.
d. Linh đạo gia đình không thể thiếu hồng ân bí tích Hòa Giải, giúp người ta hoán cải, cảm nghiệm tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa và niềm vui được thứ tha và giao hòa.
Chăm sóc mục vụ theo Linh đạo của Hôn Nhân và Gia đình.
Một điểm mới tuyệt đối của Tông Huấn đó là Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến việc thay đổi thái độ mục vụ và những đường lối chăm sóc mục vụ, cần phải dựa trên giáo huấn căn bản về gia đình. Sau đây là những điều cần được chú trọng:
1) Ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu của mỗi Kitô hữu phải là một kinh nghiệm sống nhờ việc huấn luyện, qua đó họ cảm nghiệm được tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Điều này cần có được trước khi chọn lựa bậc sống của mình.
2) Hôn nhân và Gia đình là một Ơn gọi đến từ Thiên Chúa, cũng như ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ.
3) Cần phải được chuẩn bị, xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị kề cận để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Các bước chuẩn bị trong mục vụ là đồng hành để biện phân và lấy quyết định, qua việc học hỏi giáo lý chia sẻ nhóm. tỉnh tâm...
4) Cử hành hôn lễ và các cuộc họp mừng của Gia đình cần phải là những kinh nghiệm thiêng liêng, mang tính cầu nguyện để sống mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa với loài người và giữa những con người với nhau.
5) Điều quan trọng nhất trong hôn nhân đó là Tình Yêu. Lớn lên, được củng cố và đào sâu tình yêu vợ chồng và gia đình là điểu kiện không thể thiếu để sống trung thành và hiến thân cho nhau. Mục vụ gia đình cần quan tâm tạo nhiều cơ hội để các gia đinh gặp gỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm, nâng đỡ nhau và dấn thân loan báo Tin Mừng nhờ khuyến khích tham gia các đoàn thể, hiệp hội gia đình...
6) Đồng hành với những ai đang sống trong các tinh trạng bất hợp luật. để hướng dẫn sống tình yêu qua từng bước tiệm tiến, biện phân ý muốn của Chúa trong Thần Khí, củng cố tình yêu vợ chồng, giúp chữa lành vết thương và đề phòng những gãy đổ có thể xảy ra.
7) Chăm sóc cần đến việc thăm viếng và cầu nguyện.
Các gia đình cần cảm nghệm được sự gần gũi, hiệp thông chia sẻ buồn vui của các chủ chăn. Thăm viếng mục vụ kết thúc với cầu nguyện. Chăm sóc mục vụ cần đến cầu nguyện để nhận ra sự hiện diện trung thành của Thiên Chúaở đây. Và hồng ân Thiên Chúa ban cho qua cầu nguyện thật vô vàn.
8) Linh đạo riêng cho các hôn nhân hỗn hợp.
Các cuộc hôn nhân hỗn hợp cần được chăm sóc cách riêng vì kinh nghiệm thiêng liêng của họ từ những câu chuyện sống là một kho báu cho Giáo Hội, rất hữu ích cho sứ mạng loan báo tin mừng.
4. Các Sinh Hoạt Trong Hội Học.
Cuộc Hội Học này là một biến cố lịch sử của FABC, vì đây là lần đầu tiên hai Ủy Ban Giáo Sĩ và Giáo dân & Gia Đình của FABC hợp tác với nhau, để học hỏi và cùng nhau trao đổi về đề tài số một trong Hội thánh hiện nay, vừa qua đã là chủ đề của hai Thượng Hội Đồng được tổ chức liên tiếp trong 2 năm 2014 và2015.
Nét đặc biệt được mọi người nghiệm thấy và chia sẻ đó là “Niềm vui anh chị em sống chung một nhà”, qua các sinh hoạt chung sau đây:
- Cử hành phụng vụ: Thánh Lễ và các Giờ Kinh Phụng vụ mỗi ngày.
- 6 buổi thuyết trình của Giám mục, Linh mục và Giáo dân
- 3 buổi hội thảo: 2 buổi theo Miền và 1 buổi chung. Tất cả có 5 Miền. Việt Nam cùng với Inđônêsia, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông họp thành một Miền. Một buổi họp theo từng nước để bàn kế hoạch địa phương và trình bày chung sau đó.
- các bữa ăn chung (mỗi ngày có 3 bữa ăn chính và 2 bửa phụ). Ăn đứng và tùy nghi sử dụng mọi thứ luôn có sẵn tại phòng cơm 24/24.
- một buổi chiếu phim về gia đình và những buổi dạo chơi, mua sắm tự do hay tắm biển.
5. Kế Hoạch của Nhóm Việt Nam.
Nhóm đại biểu Việt Nam (gồm có LM Giuse Hoàng Nhọc Dũng và AC Gioan-Phêrô Tạ Dình Vui &Martina Phạm Phi Phượng), dựa trên 3 gợi ý của ban Tổ Chức, đã đưa ra các đề nghị sau đây với UBMVGĐ Việt Nam:
1) Các yếu tố cần đưa vào Mục Vụ Gia Đình trong tương lai:
- Chúng ta cần trình bày và phổ biến “Viễn Ảnh Gia Đình” (Family Perspective) cho tất cả các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân hoạt động trong các giáo phận và giáo xứ.
- Tông đồ Gia đình và Loan báo Tin Mừng cho Gia đình phải kề vai sát cánh với nhau.
- Gây dựng các Cộng Đoàn Kitô hữu Nhỏ (SCC) để hổ trợ các gia đình tại địa bàn sống.
2) Những cần việc làm trước mắt và lâu dài về sau.
2.1 Trong thời gian trước mắt:
- Khích lệ tất cả 26 giáo phận hoàn chỉnh các ban mục vụ gia đình và đào luyện thêm nhiều giáo dân làm việc chung với các giáo sĩ.
- Kêu gọi các đoàn thể hiệp hội, phong trào tham gia cộng tác vào việc Tông đồ Gia đình để lo cho các gia đình trong giáo xứ mình.
- Phổ biến nội dung cuộc Hội Học này cho các Ban Mục vụ Gia đình giáo phận.
2.2 Về lâu về dài.
- Tổ chức học hỏi Tông huấn Amoris Laetitia, trước tiên cho các linh mục và giáo dân hoạt động trong mục vụ gia đình.
- Thành lập các cơ cấu mục vụ trong mỗi giáo xứ.
- Đổi mới mọi tài liệu huấn luyện sử dụng cho các khóa Chuẩn bị hôn nhân giúp đào sâu Ơn gọi và Sứ mạng của Hôn nhân và gia đình cũng như soạn những tài liệu dành cho các khóa học tập hậu hôn nhân ( bao gồm các chương trình Làm cha mẹ có trách nhiệm, giáo dục con cái, Linh đạo Gia đình...)
3) Những nội dung khác có ý nghĩa cho Mục Vụ Gia đình, nhận được từ Hội Nghị này.
3.1 Các suy tư thần học của LM Francis Gustillo vê Gia Đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, nền tảng cho mục vụ gia đình.
3.2 Ba yếu tố của việc chăm sóc mục vụ:
- Đồng hành với từng gia đình.
- Gây dựng c ác Cộng Đoàn Kitô hữu Nhỏ và các cơ cấu phục vụ khác nhau trong giáo xứ cộng tác với Mục vụ Gia đình.
- Kết nối các gia đình trở nên tác nhân trong công cuộc LBTM Mới ( Sống và Chia sẻ Chúa Kitô).
3.3 Liên lạc với các UB Mục Vụ thuộc các Giáo hội khác nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tài liệu, nhân sự...
Hua Hin 19.5.2016
Sài gòn 13.6.2016
Gioan Phêrô Tạ Đình Vui & Martina Phạm Phi Phượng.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 93 (Tháng 7 & 8 năm 2016)