MÙA “TRÔNG ĐỢI” TRONG NHÃN QUAN CHIÊM NIỆM CÁT
MINH
Giuse Phan Quang Trí, O,Carm.
Rôma, 27/11/2020
WHĐ (28.11.2020) – Bốn tuần trước đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội bước vào
Mùa Vọng vốn được xem là thời gian chuẩn bị. Trong thời gian ân sủng này, dân
Kitô Giáo mặc lấy tâm tình của dân Do Thái xưa là náo nức trông chờ Chúa đến.
Trong Mùa Vọng, các Kitô Hữu được thúc giục chuẩn bị tâm hồn trước là để kỷ niệm
biến cố Con Thiên Chúa hạ sinh làm người tại Bêlem và cư ngụ giữa nhân loại
chúng ta; sau là để hướng lòng về ngày Chúa Kitô giáng lâm lần thứ hai trong
vinh quang của Người.[1] Như thế, để cho Mùa Vọng thực
sự có ý nghĩa đối với chúng ta và để có thể sống tròn đầy hai chiều kích sâu xa
của “mùa trông đợi”, mỗi Kitô hữu hẳn nhiên cần phải thực hiện điều mà chính
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, điều mà Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng
nhấn mạnh: “Anh em hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng” (x. Mc 13, 33 & Mt 24,
44).
Mùa Trông Đợi: Sống Tỉnh Thức
Không chỉ trong ngày Chúa Nhật khai mạc mà đúng
hơn là trong suốt Mùa Vọng, mỗi khi cử hành Thánh Lễ, cộng đồng dân Chúa hướng
tâm hồn lên cùng Chúa Cha trên trời và khẩn khoản nguyện xin rằng: “Lạy Chúa là
Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi
lúc, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu
độ cho chúng con. Khi ngự đến lần thứ nhất, mặc lấy thân xác yếu hèn, [Đức
Kitô] đã thực hiện hồng ân mà Chúa đã dự định từ xưa và mở đường cứu độ đời đời
cho chúng con: để khi Người đến lần thứ hai trong uy linh, nhờ hồng ân bấy giờ
được tỏ hiện, chúng con sẽ lãnh nhận điều Chúa đã hứa, [điều] mà ngày nay chúng
con đang tỉnh thức vững dạ đợi chờ.” (x. “Lời Tiền Tụng Mùa Vọng I”, Sách Lễ Rôma) Thực ra, “tỉnh thức và sẵn
sàng” phải là thái độ sống hàng ngày của mỗi Kitô hữu chúng ta vì chúng ta hoàn
toàn không biết khi nào “niềm hy vọng hồng phúc” ấy xảy đến với chúng ta (x. Mc
13, 33).
Tâm tình “trông đợi” và thái độ “thức tỉnh” là
những điều căn bản mỗi Kitô hữu trưởng thành cần phải có nếu không muốn hành
trình đức tin của họ trở nên vô vị và vô nghĩa. Còn hơn thế nữa, “tỉnh thức và
nhạy bén với Lời Chúa” vốn được đánh giá là những giá trị nền tảng nhất của nền
linh đạo chiêm niệm Cát Minh.[2] Tu sĩ Cát Minh được mời gọi
sống trong sự “tỉnh thức” liên lỉ vì đó là biểu hiện của một tâm hồn khao khát
Thiên Chúa. Điều này không chỉ đúng khi chúng ta nói về căn tính người tu sĩ
Cát Minh, nhưng còn rất đúng khi áp dụng vào đời sống của các thành viên giáo
dân Dòng Ba Cát Minh nữa. Chương 10 Luật Dòng Cát Minh là bằng chứng điển hình
cho thấy tâm tình Mùa Vọng rất gần với truyền thống chiêm niệm của Dòng Cát
Minh, một trong những Dòng Tu cổ kính nhất của Giáo Hội Công Giáo Rôma.[3]
Mùa Trông Đợi: Mến Chuộng Đường Lối Chúa
Trong số 24 chương (hay đúng hơn là 24 điều khoản)
của bản Tu Luật do Thánh Albêtô Thượng Phụ Giêrusalem biên soạn trong khoảng thời
gian 1206 - 1214 và sau đó được Đức Innôcentô IV bổ túc và phê chuẩn năm 1247,
thì chương 10 được xem là “trái tim” của bản luật. Điều luật này nói rõ: “Mỗi
[tu sĩ Cát Minh] sẽ ở trong tu phòng của mình hoặc gần đó, ngày đêm suy niệm luật
Chúa và tỉnh thức cầu nguyện, trừ phi phải chu toàn nghĩa vụ khác.”[4] Với vỏn vẹn vài hàng chữ ngắn
gọn nhưng chương 10 chứa đựng thông điệp vô cùng lớn lao. Nó đề cập đến “cầu
nguyện” như giá trị nền tảng nhất trong toàn bộ nền linh đạo Cát Minh. Có giả
thuyết cho rằng, khoản luật này xuất xứ từ nguyện vọng của các ẩn sĩ Cát Minh
tiên khởi. Những vị này, trước khi đến gặp thánh Albêtô, đã chuẩn bị trước một
bản thảo gồm những điều họ mong muốn sẽ thực hiện nhằm theo đuổi lý tưởng
“trung thành theo gương Chúa Giêsu Kitô – vivere
in obsequio Jesu Christi” (Tu Luật
Thánh Albêtô, Ch.2). Cho dù chúng ta không thể xác nhận giả thuyết này đúng
hay sai, nhưng dựa vào đặc tính của bản văn, chúng ta dễ dàng nhận ra vai trò
và đóng góp của Đấng soạn luật thể hiện trong điều khoản quan trọng này.[5]
Thánh Albêtô vốn am tường Kinh Thánh, đã khéo
léo kết hợp ý tứ của 2 đoạn sách thánh tách biệt nhau để tạo nên một điều luật
cô động giúp thể hiện đầy đủ nét đặc trưng của cái gọi “con đường Carmel”:
Thánh Vịnh 1 trong Cựu Ước và Thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông Đồ trong Tân Ước.
Đọc lại hai đoạn sách thánh vừa nhắc đến, chúng ta khám phá ra cách thức người
Cát Minh sống Mùa Trông Đợi.
Mùa Trông Đợi: Xây Nhà Trên Đá
Người Cát Minh hiểu rằng “luật Chúa” và “cầu
nguyện” không đơn thuần là bản văn, là câu chữ hay lời nói. “Suy niệm Luật
Chúa” mang một ý nghĩa sâu xa hơn việc đọc và học thuộc lòng giới luật của Chúa
rất nhiều. Đối với người Cát Minh, “suy gẫm Luật Chúa” là khao khát sống theo
đường lối Chúa truyền ban. “Cầu nguyện liên lỉ” đối với họ là “sống tương
quan”, là dành hết con người họ cho việc thực thi đường lối Chúa. Họ ham thích
đường lối Thiên Chúa đến độ nhẩm đi nhắc lại để tránh không lãng quên Thiên
Chúa một giây một phút nào trong cuộc đời họ. Như một hệ quả tất yếu, người Cát
Minh thần tượng đường lối Chúa đến độ họ không muốn giữ riêng cho bản thân. Ngược
lại họ loan truyền hiệu quả tích cực của việc tuân giữ huấn lệnh Chúa cho nhiều
người biết hầu có thêm nhiều người cũng tiến bước theo đường lối Chúa:
Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
nhưng vui thú với lề luật Chúa,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành. (Tv 1, 1-3)
Hơn nữa, anh chị em Cát Minh được chỉ thị để suy
gẫm đường lối Thiên Chúa cả đêm lẫn ngày vì đó là cách hữu hiệu nhất để họ nhận
ra đâu là điều Chúa muốn. Trên hành trình tiến bước theo đường lối thánh thiện ấy,
nhờ “suy đi gẫm lại” hay nói cách khác nhờ “sống chung” với Lời Chúa mà người
Cát Minh mới có thể kết hợp được với Đấng mà họ kiếm tìm trong đời sống cầu
nguyện. Lắng nghe không chưa đủ, nhờ suy gẫm Lời ấy, người Cát Minh được soi
sáng và thúc đẩy biến niềm cảm kích thiêng liêng thành hành động xác thực. Họ
được Lời Chúa biến đổi. Tâm tình đi đôi với hành động, họ trở nên những người
khôn ngoan biết xây nhà trên nền đá vững chắc. “Thật thế, trong quá khứ anh em
đã sống theo sở thích dân ngoại: dâm ô, mê đắm, nhậu nhẹt, say sưa, chè chén,
tin vơ thờ quấy, như vậy là quá đủ rồi… Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi.
Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được” (1 Pr 4, 3
& 7). Qua những lời khuyên chân thành này, Thánh Phêrô Tông Đồ dùng chính
kinh nghiệm vấp ngã của bản thân ngài để kêu gọi tất cả chúng ta, không chỉ anh
chị em Cát Minh, từ bỏ quá khứ, tập trung vào hiện tại và chuẩn bị cho tương
lai. Chẳng phải đây cũng là ba chiều kích thần học gắn liền với Mùa Vọng đấy
sao?
Mùa Trông Đợi: Mùa Gặp Gỡ
Thánh Bênarđô, Viện Phụ (1090-1153), đã đưa ra 3
lối hiểu tuy khác biệt nhưng bổ túc cho nhau về mầu nhiệm Chúa Kitô giáng lâm,
mầu nhiệm chính yếu mà Giáo Hội vẫn sốt sáng cử hành mỗi khi bước vào Mùa Vọng.
Có ba lần Chúa đến. Lần thứ ba ở giữa hai lần kia. Hai lần kia thật là
rõ ràng, còn lần thứ ba ở giữa thì không. Lần đầu, Người xuất hiện trên mặt đất
và ở với người phàm, như chính Người quả quyết, họ đã thấy và ghét Người. Còn lần
cuối, mọi xác phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng
ta và chúng sẽ nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu. Lần giữa thì ẩn khuất,
chỉ có những ai được tuyển chọn mới thấy Người trong lòng mình, và linh hồn những
người ấy được cứu độ. Vậy lần đầu, Người đến mang xác phàm và phận mỏng manh; lần
giữa, Người đến với thần khí và sức mạnh; còn lần cuối, Người đến trong vinh
quang và oai hùng.[6]
Xét về phương diện quá khứ, chúng ta hồi tưởng lại
biến cố Ngôi Lời hạ sinh từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria nơi máng cỏ Bêlem cách
đây hơn 2000 năm. Xét về phương diện tương lai, chúng ta trông đợi ngày thế mạt,
ngày Con Người “uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến” để “tập hợp những kẻ
được Người tuyển chọn từ bốn phương trời lại” (x. Mt 24, 30 & 25, 31). Xét
về phương diện hiện tại, chúng ta sống trong sự chăm sóc ân cần của Chúa, nói
theo Thánh Viện Phụ Bênarđô thì đây là khoảng thời gian Thiên Chúa “cho chúng
ta được nghỉ ngơi và an ủi.”[7] Nhắc đến nghỉ ngơi, chúng ta
nhớ ngay đến hình ảnh cõi lòng thâm sâu, nơi mà trong truyền thống tu đức vẫn
được xem là “chốn đi về” của mỗi người. Riêng đối với truyền thống Cát Minh,
tâm hồn còn được nói đến như một ngôi “mật thất riêng tư” nơi chúng ta gặp gỡ Đấng
chúng ta hằng khao khát kiếm tìm.
Mùa Trông Đợi: Tìm Về Tu Phòng Nội Tâm
Chương 10 Luật Thánh Albêtô nói đến “tu phòng”,
nơi người Cát Minh sẽ chìm đắm trong chiêm niệm và sự hiện diện trìu mến của
Thiên Chúa. Chắc hẳn anh chị em Cát Minh tại thế và cả anh chị em tín hữu thông
thường khác sẽ thắc mắc tự hỏi không biết “tu phòng” của họ ở đâu khi mà họ
không sống trong tu viện như các tu sĩ Dòng Cát Minh. Khúc mắc này nhanh chóng
được giải đáp khi chúng ta đọc sách “Lâu Đài Nội Tâm” của Thánh Nữ Têrêxa
Giêsu, nhà thần bí Thế kỷ XVI. Thánh Tiến Sĩ nói cho chúng ta biết tâm hồn của
mỗi người chính là “tu phòng,” là lâu đài huyền nhiệm nơi Thiên Chúa hằng chờ
mong để gặp gỡ chúng ta. Nhà thần bí Dòng Cát Minh còn cảnh báo chúng ta rằng
hành trình “tìm về nội tâm” không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Thực tế,
để đến được nơi “hẹn hò” chúng ta phải chiến đấu không ngừng hầu vượt qua nhiều
gai chông trắc trở. Nếu như tu phòng của các ẩn sĩ trung cổ là hang động trên
núi hay lều tranh giữa sa mạc hoang vu, nơi họ phải đối diện với rắn rết, bọ cạp,
thú dữ và thời tiết khắc nghiệt… thì hành trình chúng ta tìm đến gặp gỡ Thiên
Chúa ngày hôm nay trong cô tịch và nguyện cầu cũng sẽ là những chặng đường đòi
hỏi chúng ta phải chiến đấu chống trả lại dục vọng, tính ích kỷ, thói kiêu ngạo,
lòng hận thù và cả sự chán nản nữa. Hành trình tiến sâu vào mật thất trung tâm
của Lâu Đài Nội Tâm cũng là hành trình Mùa Vọng của mỗi người chúng ta. Vì
chúng ta biết chắc chắn đích đến là cuộc gặp gỡ giữa chúng ta và Ngôi Lời Thiên
Chúa nên hành trình này đong đầy hy vọng. Chúng ta cũng biết rằng để đạt đến
đích điểm đó chúng ta phải tự giải thoát chính mình khỏi tất cả mọi ràng buộc
thế gian, do đó hành trình này là hành trình “sẵn sàng”. Càng dân thân trên
hành trình này chúng ta càng thấy mình mong manh dễ vấp ngã, do đó chúng ta
càng khiêm tốn cầu cứu ơn Chúa qua sự trợ giúp của các Thánh, điều này nhắc cho
chúng ta biết “thức tỉnh” luôn mãi trên hành trình Mùa Vọng của đời mình.
Kết: Sẵn Sàng và Tỉnh Thức
Hành
trình Mùa Trông Đợi của dân thánh Chúa được đánh dấu bởi “sự tỉnh thức và sẵn
sàng”. Đối với người Cát Minh, mỗi giây phút trong hành trình tiến về đỉnh Cát
Minh cũng chính là mỗi giây phút sống tâm tình Mùa Vọng. Nói cách khác, để
thăng tiến trên đàng nhân đức, anh chị em Cát Minh nói riêng, các Kitô hữu nói
chung, cần ý thức rằng mỗi giây phút trong đời họ phải đong đầy ý nghĩa của Mùa
Trông Đợi: Luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Chúng ta tiến bước trên hành trình đức
tin và biến nó thành hành trình tiến gần về phía Thiên Chúa. Hành trình này được
thúc đẩy bởi tình mến và sẽ kết thúc cũng trong tình mến. Chúng ta được trang bị
khí giới sẵn sàng chống trả mọi thử thách nhờ bám vào “huấn lệnh Chúa”. Thánh
Bênarđô đảm bảo với anh chị em Cát Minh và với mỗi người chúng ta rằng khi
chúng ta “ngày đêm suy gẫm luật Chúa và tỉnh thức cầu nguyện” chúng ta sẽ được
Lời Chúa nuôi dưỡng và giữ gìn an toàn. “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.
Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy” (Ga
14, 23). Chúa Con cùng với Chúa Cha sẽ mãi luôn hiện diện và chúc phúc cho những
tâm hồn đặt nền móng vững chãi trên Lời và Huấn Lệnh của Thiên Chúa (x. Mt 7,
24-27).
Lạy Chúa, con
dâng lời ca tụng,
thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
Con vui thú với mệnh lệnh của Ngài
và hết lòng yêu mến.
Mệnh lệnh Ngài, con giơ tay đón nhận,
thánh chỉ Ngài, con sẽ gẫm suy.
Con cảm thấy lời Ngài đã hứa
ngọt ngào hơn mật ong trong miệng.
Con thành người sáng suốt nhờ huấn lệnh Ngài ban,
nên con ghét mọi đường nẻo gian tà.
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi. (Tv 119:
12, 47-48, 103-105)
[1] Xem Thánh Syrilô, Giám mục Giêrusalem,
“Bài Giảng về Hai Cuộc Giáng Lâm của Chúa Kitô”, bản dịch nhóm CGKPV trích Bài Đọc II Kinh Sách Chúa Nhật I Mùa
Vọng.
[2] Xem John Malley, O.Carm., “Các Giá Trị
Nền Tảng của Linh Đạo Cát Minh”, Tài Liệu
Tổng Kết Hội Thảo Quốc Tế Dòng Ba Cát Minh, Sassone, 2006, Rôma: Edizioni
Carmelitane, 2007, tr.28.
[3] Dòng Cát Minh xuất phát từ một nhóm ẩn sĩ
trên núi Carmel từ đầu Thế Kỷ XIII. Nhận bản Luật Dòng tiên khởi trong khoảng
1206-1214.
[4] Tham khảo bản dịch Việt Ngữ Tu Luật Dòng
Cát Minh: https://dongcatminh.org/luat-dong/, truy cập 27/11/2020.
[5] Xem Patrick T. McMahon, O.Carm., Khuôn Mẫu Sống (A Pattern for Life), Rôma:
Edizioni Carmelitane, 2007, tr.121.
[6] Thánh
Bênarđô, Sermo 5, In Adventu Domini, 1-3: Opera Omnia, Edit. Cisterc. 4 [1966],
188-190. Bản dịch Việt Ngữ do nhóm CGKPV, Bài Đọc II Kinh Sách, Thứ Tư Tuần I
Mùa Vọng.
[7] Ibid.