Mùa chờ đợi
Giê-ru-sa-lem, ngày lễ thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, 3-12-2014
LM Giu-se Nguyễn Công Đoan S.J.
WHĐ (23.11.2020) – “Đang lúc
các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi
những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các
ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”
(Cv 1,11).
Mùa Vọng tức là mùa chờ đợi:
Hòn Vọng Phu là hình tượng người vợ chờ chồng đến hóa thành đá, vì chồng đi
chinh chiến đã không bao giờ trở về: đó là hình tượng bi thảm của chiến tranh,
đó cũng là hình tượng cao đẹp về người phụ nữ Việt Nam.
Mùa Vọng mời chúng ta nhìn
lên trời chờ Chúa đến. Như vậy có phải là làm ngược lại lời của “hai người áo trắng” nói với các môn đệ
và sẽ “hóa đá” như người chinh phụ không?
Trước hết hãy xem “hai người áo trắng” này là ai, và lời nhắc
nhở mang ý nghĩa gì. Trong sách Tin Mừng Lu-ca, khi các phụ nữ ra viếng mộ, “họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi
bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ
hãi, cúi gằm xuống đất, thì hai người kia nói: ‘Sao các bà lại tìm Người Sống ở
giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa nhưng đã chỗi dậy rồi’” (Lc 24,2-4).
Trong trình thuật “Chúa
Giê-su tỏ vinh quang trên núi” thì “có
hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông
Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành
tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,30-31).
Khi Chúa Giê-su tỏ vinh quang
thì Lu-ca nói rõ đó là hai ông Mô-sê
và Elia, đại diện cho “Lề Luật và các Ngôn Sứ”; ở mộ thì Luca không nói là ai, cũng không nói là thiên thần, mà chỉ nói là
hai người đàn ông. Như vậy thì Lu-ca
mời ta liên tưởng tới hai người “rạng ngời
vinh hiển”, tức là Mô-sê và Ê-li-a. Trên đường Emmaus cũng như sau đó
khi đứng giữa các môn đệ, Chúa Giê-su phục sinh sẽ cho họ chìa khóa để
hiểu về Chúa và về sứ mạng của họ, đó là “Lề
Luật và các Ngôn Sứ”. Lúc ấy Chúa đã cho họ biết: Lề Luật, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã loan báo rằng
Người là Đấng Ki-tô thì phải chịu đau khổ để vào trong vinh quang, còn họ “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn
dân…”(Lc 24,44-48).
Bằng kỹ thuật liên kết hình ảnh,
cuốn thứ hai của bộ sách gồm hai cuốn: Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Đồ, gợi
cho ta liên kết hai “người áo trắng”
này với hai người “rạng ngời vinh hiển”
từng đàm đạo với Chúa Giê-su về cuộc xuất hành, rồi hai người “mặc y phục sáng chói” giải nghĩa cho các
phụ nữ khi cuộc xuất hành đã thành công, bây giờ đến nhắc cho các môn đệ nhớ là
“đến phiên họ” ra đi rao giảng đấy, núi Ô-liu có thừa đá rồi, đừng ở đó mà hóa
đá! Nhưng chính lời nhắc nhở này kết hợp với lời Chúa Phục Sinh đã căn dặn, cho
họ hiểu rằng họ phải đi rao giảng vì có một niềm hy vọng: đó là sẽ được thấy
Chúa đi ngược chiều với chuyến đi hôm nay: “Người
sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Chúa Giê-su không phải là
người chinh phụ ra đi “biền biệt nước non”,
cũng không phải người hùng “ra đi không về,
âm vang lời thề”, nhưng là “Đấng
Ki-tô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại” và Chúa đã sống
lại, đã khải hoàn.
Chúa lên trời là kết thúc việc
Chúa đã đến trong thân phận con người nhỏ bé nghèo hèn. Nhưng Chúa không bỏ đi
luôn, mà đi để có thể đến lần nữa “trên đám mây”, trong vinh quang. Giữa hôm
Chúa lên trời và ngày Chúa lại đến là thời gian của sứ mạng. Phải chờ đợi bằng
cách thi hành sứ mạng, loan báo cho mọi người cùng chờ đợi, chứ không phải ở đó
chờ để “hưởng một mình”.
Như vậy suốt lịch sử Giáo Hội,
suốt đời người tín hữu là Mùa Vọng, mùa chờ đợi. Không phải đứng đó mà chờ như
người chinh phụ, Chúa không phải chinh phụ đã ra đi không hẹn ngày về nhưng là
chàng rể sắp đến (x. Mt 25,1-13), nên
phải khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng luôn vì không biết khi nào Chúa đến. Chúa
còn ví mình như người chủ phải đi xa và sẽ trở về: “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một
việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức,
vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy
hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp
anh em đang ngủ” (Mc 13,33-37).
Chúa chỉ vào nhiệm vụ người
giữ cửa như là mẫu mực cho mọi người: tỉnh thức, sẵn sàng. Trong Tin Mừng Lu-ca, sự đối chiếu giữa người giữ cửa (Lc 12,35-37) với người quản gia (Lc 12,42-48) giúp ta hiểu canh thức
nghĩa là gì: “Phúc cho đầy tớ ấy (người
giữ cửa) khi chủ về mà thấy đang tỉnh thức”
(Lc 12,37) – Phúc cho đầy tớ ấy (quản gia) khi
chủ về mà thấy đang làm như vậy” (Lc
12,43) (phân phát lương thực cho người
trong nhà). Mỗi người mỗi việc, chủ chỉ cần thấy mỗi người đang làm việc chủ đã
trao cho mình, cũng như thấy người giữ cửa tỉnh thức, nghe chủ gõ cửa là mở liền.
Chúa không đòi phải “tăng gia sản xuất” vì Chúa rất giàu sang, người quản gia
chỉ việc phân phát, không cần làm thêm. Chúa không phải là cán bộ “hợp tác xã”
thời chiến tranh, được nông dân miền Bắc hí họa: “Một người làm việc bằng hai,
để cho cán bộ mua đài mua xa; một người làm việc bằng ba, để cho cán bộ xây nhà
xây sân”; Chúa cũng không đòi làm quá sức mình như nông hội miền Bắc với khẩu
hiệu “nghiêng đồng tát nước ra sông”, “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”, vì
nông hội có tham vọng “thay trời làm mưa”, thậm chí muốn làm ông trời luôn “Thằng
trời hãy xuống làm dân, để cho nông hội đứng lên làm trời”. Chúa là Chúa, là Đấng
nuôi cá biển chim trời, mặc đẹp cho cả hoa dại ngoài đồng (x. Mt 6,25-34). Chúa là “Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu
cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất
chính” (Mt 5,45) Chúa chỉ muốn mỗi người làm theo ý
Chúa: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy:
‘Lạy Chúa, lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ có ai thi hành ý
muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Chúa đòi mọi người phải “canh
thức” hay “tỉnh thức” nghĩa là gì?
Nghĩa là NHỚ và hành động
theo căn tính của mình: tôi là ai, tôi từ đâu đến và tôi đi đâu. Người bệnh
“alzheimer” bị mất trí nhớ, không còn biết mình là ai, không biết mình từ đâu đến
và không biết mình đi đâu. Quên một trong ba yếu tố này, hay không hành động
theo một trong ba yếu tố này là đánh mất chính mình.
Để giải thích thuyết luân hồi
và trả lời thắc mắc: “Tại sao tôi không
nhớ kiếp trước tôi là ai”, câu trả lời bình dân là trước khi nhập kiếp trên
cõi dương thì trong cõi âm tôi đã bị cho uống thuốc lú, làm cho tôi quên mình
là ai. Vậy ra thuốc lú âm phủ cũng chưa công hiệu 100%, vì còn có người nhớ được
là mình đã bị cho uống thuốc lú!
Thực tế cuộc đời có rất nhiều
thứ thuốc lú ngay trong kiếp tôi đang sống, chẳng cần phải xuống âm phủ mới mua
được và cũng chẳng cần ai bắt uống. Chính tôi đi tìm thuốc lú trong cuộc sống
trên dương gian, càng uống càng nghiền và hiệu quả của nó thì đạt 100% vì không
còn nhớ được là mình đã uống thuốc lú đấy!
Chúa Giê-su đã liệt kê một số
thuốc lú trong dụ ngôn hạt giống: “Hạt giống
là Lời Thiên Chúa. Những kẻ bên vệ đường là những kẻ đã nghe, nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi
lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì
vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử
thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị
những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết
ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.”(Lc 8,11-14). Trước khi bị nộp vào tay người đời, Chúa Giê-su còn
căn dặn môn đệ: “Anh em phải đề phòng, chớ
để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một
chiếc lưới chụp xuống đầu anh em” (Lc
21,34).
Ngoài những thuốc lú trong
“thiên nhiên” mà Chúa Giê-su liệt kê, còn có nhiều thứ thuốc lú được bào chế
tinh vi, và được phân phát trên các
phương tiện truyền thông của thời bấm nút này.
Thuốc lú nào cũng có hiệu lực
và cũng có thể hóa giải nếu ta muốn.
Quên là bước đầu để lạc đường
và nhớ lại là bước đầu để thấy đường về.
Trong dụ ngôn nổi tiếng của Lc 15,11-32, đứa con hoang đàng quên rằng
cha nó còn sống nên đòi phần gia tài để ra đi, làm như thể cha nó đã chết. Đến
khi lâm cảnh cùng quẫn, đói rách, “bấy giờ
anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo
thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha…’”. Đang
khi đó thì người anh ở nhà cũng uống phải thuốc lú, quên mình là con đang sống
với cha và quên luôn đứa em: “Lúc ấy người
con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca
nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời:
‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe’.
Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu
trả lời cha: ‘Ông coi, đã bao nhiêu năm trời tôi hầu hạ ông, và chẳng khi nào
trái lệnh, thế mà chưa bao giờ ông cho lấy được một con dê con, để tôi ăn mừng
với bạn bè của tôi. Còn thằng con của ông đó, sau khi đã nuốt hết của cải của
ông với bọn đĩ điếm, nay trở về thì ông lại giết bê béo ăn mừng’”. [Tôi mạn
phép thay đổi cách xưng hô trong bản dịch lời con cả này]. Người cha âu yếm dỗ
dành, tìm lời giúp anh ta nhớ lại người đang nói với anh là cha của anh ta và
“thằng con của ông ngồi kia” là em của anh ta đấy…
Chuyện bỏ lửng vì không biết
lời lẽ của người cha có giải được thuốc lú của sự tự mãn, ghen tương kia hay
không.
Đứa con hoang đàng nhớ đến
“ông chủ tốt bụng” dưới mái nhà xưa đã quay về, và vòng tay âu yếm của ông đủ
làm cho anh ta hồi phục trí nhớ, nhận ra người đang ôm mình trong lòng là cha của
mình.
Trong câu chuyện ông Phê-rô
chối Thầy rồi khóc lóc thảm thiết (theo Lc
22,54-62) ta cũng nhận thấy hai yếu tố quên và nhớ này. Chuyện bắt đầu từ
chỗ buồn thành ra buồn ngủ, quên cả lời Chúa vừa bảo “hãy tỉnh thức mà cầu nguyện”. Khi Chúa
đánh thức dậy để chứng kiến người ta tới bắt Chúa thì lại quên mình là môn đệ
nên tuốt gươm chém. Mon men đi theo, và muốn vào tận trong sân nhà Thượng Tế để
xem số phận Thầy ra sao, nhưng mới chạm ánh mắt dao cau của cô nữ tỳ thì đã
quên lời thề hứa “sẵn sàng vào tù hoặc chết
với Thầy” và chối gọn như miếng cau trên cơi trầu: “Tôi không biết ông ấy”. Rồi
trước cặp mắt tò mò của một gã vô danh tiểu tốt, ông chối luôn cả nhóm bạn thân
tín nhất. Cuối cùng với lời khích bác của một kẻ vô danh khác thì ông quên cả
mình là người Ga-li-lê. Sợ hãi là thứ thuốc lú cực mạnh đấy. Nhưng với ánh mắt
nhân từ khoan dung tha thứ, Chúa quay lại nhìn ông. Ánh mắt của Chúa xuyên được
cả bóng đêm để bắt gặp được ông, có sức hóa giải ánh mắt dao cau của cô tớ gái,
ánh mắt tò mò của hai tên tiểu tốt vô danh. Ánh mắt của Chúa giải lú cho ông: “Ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: ‘Hôm nay,
gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần’. Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết”.
Thuốc lú nào tinh vi và hiệu quả nhất ngày nay?
Năm 1981, Nhà Nước đem tôi về
Sở Công An để nuôi vì sợ để tôi ở ngoài thì tôi “tuyên truyền phản cách mạng”.
Một hôm ông Trưởng Phòng Chấp Pháp, tên là NVD, chìa ra trước mặt tôi văn bản của
Tổng Hội Dòng Tên 31 (1965) về “sứ mạng của
Dòng Tên hôm nay”, trong đó nói rằng sứ mạng của Dòng Tên hôm nay là chống
lại chủ nghĩa vô thần. Ông đắc thắng chỉ vào mặt tôi rồi vỗ ngực: “Các anh chống chủ nghĩa vô thần tức là chống
chúng tôi chứ gì nữa!?” Tôi lễ phép trả lời: “Thưa ông, có phải chỉ có cộng sản các ông là vô thần thôi sao? Có nhiều
thứ vô thần trên thế giới lắm. Các ông tự nhận là vô thần nhưng các ông lại
thúc đẩy chúng tôi đào sâu đức tin. Chủ nghĩa vô thần thực dụng của tư bản mới
thật sự đáng sợ đối với người tin Chúa và cả đối với chế độ cộng sản nữa đấy:
nó không thèm nhắc đến Thiên Chúa và nó cho người ta mọi thứ để không nghĩ,
không nhớ tới Thiên Chúa nữa cơ; và như vậy nó cũng có khả năng làm cho người
ta quên mọi chủ nghĩa, mọi lý tưởng. Nó đẻ ra chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ:
hưởng thụ bằng cách tiêu thụ; muốn tiêu thụ thì phải có tiền bằng bất cứ giá
nào. Đó mới là thứ chủ nghĩa vô thần mà chúng tôi phải chống kịch liệt.”
Nếu ông NVD còn trên cõi đời
này thì chắc ông có thể kiểm tra tận tai tận mắt câu trả lời của tôi trong thực
tế, khỏi cần sai trinh sát đi dò la đâu xa, vì thuốc lú này rất phổ biến ở Việt
Nam rồi, và tôi có thể khoe với ông là tôi đã kể cho bạn bè năm châu bốn bể
nghe cuộc đối thoại này, khi giảng trước công chúng, khi trả lời phỏng vấn cũng
như khi nói chuyện riêng tư, ai cũng gật gù đắc ý. Tôi đọc cho ông nghe bài vè
này (tôi học được ở trại giam của Sở Công An đấy) để cho thấy thuốc lú này có
hình dáng gọn và màu sắc đẹp lắm và nhất là hiệu quả tuyệt vời:
Vè Đồng tiền
Ôi Đồng tiền
Là tiên là phật
Là sức bật của con người
Là tiếng cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của người già
Là cái đà của danh vọng
Là cái lọng để che thân,
Lá cán cân của công lý.
Ôi đồng tiền ! Hết ý !
Hồi ông NVD đối thoại với tôi, ông cũng thích nói tới những chuyện bê bối trong Hội Thánh, tôi đã nói với ông rằng điều đó có gì lạ đâu, vì chúng tôi cũng là người đang sống trên dương gian mà ! Chúa Giê-su tuyển chọn mười hai người làm nòng cốt, nền tảng để xây dựng Hội Thánh, thế mà một ông bán chúa, mười ông bỏ Chúa, ông đứng đầu thì chối Chúa nhanh hơn gà gáy, còn Chúa thì đi xuống âm ty. Ấy thế mà Hội Thánh đã có hai ngàn năm lịch sử, dù qua bao thăng trầm, vì chúng tôi có hơn gì mười hai người kia đâu: vẫn có người bán Chúa, có người bỏ Chúa, có người chối Chúa dài dài. Ngày nay tôi có thể nói với ông là Thuốc Lú này có sức thâm nhập kinh khủng, nó lọt vào nhà, cả nhà thờ, như bụi lọt khe cửa. Ông có biết là Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô vừa lên làm Giáo Hoàng đã phải lo ngay việc cải tổ Tòa Thánh Vatican và cách riêng hệ thống «tài chánh» trong Tòa Thánh Vatican để ngăn chặn nó, và ngài vẫn đang nỗ lực loại trừ «hội chứng thế gian» trong Vatican đấy. Ông có biết tại sao không ? Tại vì Chúa Giê-su đang sống, mộ của Người bỏ trống và Người vẫn ở với chúng tôi mỗi ngày đấy. Nếu ông còn trên dương gian thì ông cũng không cần «lo cháy nhà hàng xóm».
Chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa
hưởng thụ là thứ thuốc lú tinh vi nhất, gây nghiện mau nhất và hiệu quả nhất.
Nó làm cho người ta quên mình là ai, từ đâu đến và đi đâu. Chúa Giê-su cũng đã
gọi tên cúng cơm của nó là «chè chén say
sưa, lo lắng sự đời». Các ông gọi là «hủ hóa» đấy.
Đừng hóa đá như người chinh
phụ, cũng đừng uống thuốc lú để không còn biết mình là ai và đang chờ ai. Có
bao nhiêu chuyện những con chó trung thành có thể làm thí dụ: có con khi chủ đi
vắng thì nó không ăn [tôi đã có một con như thế] ; có con theo chủ vô bệnh
viện, chủ chết rồi nó không chịu rời bệnh viện ; có con bị bỏ lại ở phi
trường, nó ở đó chờ chủ mỗi ngày, không chịu đi đâu… mà cũng chẳng ai có thuốc
lú để làm cho nó quên được chủ của nó !
Muốn chờ đợi thì «hãy canh thức ». Chúa dặn kỹ là
«mọi người» (Mc 13,37) chứ không cho «cử đại diện» đâu. Cứ tin tưởng, vì thánh
Phao-lô khẳng định là chúng ta được trang bị đầy đủ để chờ đợi:
«Trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa là Đấng trung hành, Người đã kêu gọi đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. »