MÙA CHAY: CẦU NGUYỆN, CHAY TỊNH VÀ CHO ĐI

Phêrô Phạm Văn Trung,
Ngày 15/02/2021

WHĐ (15.2.2021) – Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành Thứ Tư Lễ Tro, là ngày đầu tiên của Phụng vụ Mùa Chay. Trong mùa này, chúng ta chuẩn bị tinh thần để kỷ niệm thời điểm cao nhất trong đời sống Kitô hữu của chúng ta: Lễ Phục sinh.

Mỗi năm, Lời Chúa dành để suy niệm trong Thứ Tư Lễ Tro đều giống nhau, kêu gọi chúng ta thay đổi cõi lòng và dạy bảo chúng ta về cách thực hành truyền thống của Mùa Chay: cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Những cách thực hành này phải là một phần của đời sống Kitô hữu trong mọi mùa Phụng vụ, nhưng trong Mùa Chay, chúng ta tái cam kết cầu nguyện, ăn chay và bố thí nhiệt tâm hơn.

Ý nghĩa đằng sau của việc dùng tro ghi dấu thánh giá trên trán chúng ta (dấu hiệu phụng vụ của Thứ Tư Lễ Tro) là một bản tóm tắt về đời sống Kitô hữu của chúng ta. Ở một mức độ nào đó, bụi tro nhắc nhở chúng ta về nguồn gốc của chúng ta là từ tro bụi và cái chết đưa chúng ta về tro bụi đúng như lời cầu nguyện khi chúng ta nhận tro: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về với bụi tro”. Tro cũng là dấu hiệu chiến thắng của chúng ta: Thập Giá Chúa Kitô. Trong cái chết và sự phục sinh của mình, Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết. Định mệnh của chúng ta với tư cách là Kitô hữu là đón nhận sự chiến thắng trên sự chết mà Chúa Kitô đã giành lại được cho chúng ta. Chúng ta thừa nhận chiến thắng đó khi chúng ta “Ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng,” là một lời cầu nguyện khác khi chúng ta được xức tro.

Bài Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro là một phần của Bài giảng trên núi. Trong bài giảng này, Chúa Giêsu cảnh báo những người theo Ngài không nên sống chỉ vì cái vẻ bề ngoài. Khi các môn đồ Chúa Giêsu bố thí, cầu nguyện và ăn chay, họ phải làm theo cách để chỉ một mình Thiên Chúa thấy, vì Ngài là Đấng nhìn thấu tấm lòng và biết những gì ẩn giấu.

Cầu nguyện, trở về với cõi lòng.

Khi dạy cho các môn đệ của mình Kinh Lạy Cha như kiểu mẫu cầu nguyện, Chúa Kitô nói:  “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư,cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em. (Mátthêu 6: 5-6).

Mùa chay là mùa cầu nguyện. Trong mùa chay, Hội Thánh mời gọi con cái của mình gia tăng cầu nguyện, trong cõi lòng lặng lẽ thâm trầm của mình, thực hiện lại, và luôn mãi, cuộc tìm gặp Thiên Chúa ngày càng quyết tâm và thân tình hơn, khám phá lại Thiên Chúa là Đấng “thổi sinh khí vào lỗ mũi nó và con người trở thành một loài có sự sống” (Stk 2: 7). Thiên Chúa không chỉ ban sự sống tự nhiên, mà còn sự sống siêu nhiên, nghĩa là được làm con Thiên Chúa, được yêu mến Ngài và được dự phần vào sự sống của chính Ngài “Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Côlôsê 3,10).

Mùa Chay được gọi là Mùa Chay Thánh vì nơi đó Kitô hữu vâng nghe Lời Chúa Kitô trở về với thâm tâm mình, con người đích thực của mình, để luyện tập đi trên con đường nên Thánh, và gặp được Thiên Chúa vì “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa” (1 Côrintô 3: 16). Lời cầu nguyện chân chính diễn ra sâu bên trong căn phòng tâm hồn Kitô hữu. Chính nơi sâu thẳm bên trong cõi lòng mà chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Avila, một trong những tác giả tâm linh vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội, mô tả linh hồn như một lâu đài nơi Chúa ngự. Gặp gỡ Ngài, cầu nguyện với Ngài và giao tiếp với Ngài đòi hỏi chúng ta phải đi vào căn phòng sâu nhất và bên trong cùng lâu đài của tâm hồn chúng ta. Chính nơi đó, nơi cư ngụ sâu thẳm nhất mà sự vinh hiển và vẻ đẹp đầy đủ của Thiên Chúa được tỏ hiện.

Cầu nguyện là gặp gỡ riêng tư với Chúa, trong mọi hoàn cảnh cá nhân đặc thù, vì chính Chúa Kitô đến trần thế này để gặp từng phận người cá vị, như Thánh nữ Catarina thành Siena nói: “Bạn không hiểu sao! Thiên Chúa theo dõi bạn ngày và đêm như thể Ngài có mỗi một việc để làm là bận tâm lo cho bạn”.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: “Chúng ta học biết cầu nguyện vào một số thời gian nhất định, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; Người còn ban Thánh Thần để giúp chúng ta cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày... Thời gian là của Chúa Cha; chúng ta gặp được Người trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay” (số 2659).

Cầu nguyện không phải là một công việc trong những công việc chúng ta phải sắp xếp theo một danh mục cần giải quyết, theo thời gian và nơi chốn. Cầu nguyện tự bản chất là một tâm tình, khi con tim con người hướng về trái tim Thiên Chúa. Như vậy, người Kitô hữu hoàn toàn có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào, chỉ cần “Hãy nâng tâm hồn lên! Chúng con đang hướng về Chúa”. Cầu nguyện không nhất thiết phải sắp xếp nơi chốn và thời gian, trừ những buổi cầu nguyện chung gia đình, nhóm, cộng đoàn…cụ thể. Không thể nghĩ và nói “Mai hoặc lát nữa tôi sẽ cầu nguyện”. Cầu nguyện là việc ai cũng có thể làm, và làm ngay hôm nay, ngay lúc này.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 10/2/2021: “Không có ngày nào tuyệt vời hơn ngày hôm nay chúng ta đang sống. Chúng ta đang sống nhưng luôn nghĩ về tương lai, không đón lấy ngày hôm nay khi nó đến; chúng ta sống trong tưởng tượng, không biết cụ thể thực tại. Hôm nay là thực tại, là cụ thể. Và chúng ta cầu nguyện hôm nay. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta hôm nay. Và chính lời cầu nguyện biến ngày hôm nay thành ân sủng, hay đúng hơn,  nó biến đổi chúng ta: nó xoa dịu sự giận dữ, duy trì tình yêu thương, gia tăng niềm vui, truyền sức mạnh để tha thứ”.[1]

Tất nhiên, cầu nguyện không chỉ là nói hay đọc lời cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh Mân Côi, suy gẫm theo Kinh thánh, hoặc đọc những lời cầu nguyện được soạn hay. Cầu nguyện rốt cuộc là một mối tương quan với Thiên Chúa. Đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng ngự trong chúng ta. Cầu nguyện thật là một hành động yêu thương giữa ta và Người yêu dấu của ta. Đó là sự trao đổi giữa con người: cuộc sống của ta cho Thiên Chúa. Cầu nguyện là một hành động kết hợp và hiệp thông qua đó chúng ta trở nên một với Thiên Chúa và Thiên Chúa trở nên một với chúng ta.

Các nhà thần bí vĩ đại đã dạy chúng ta rằng cầu nguyện có nhiều cấp độ. Chúng ta thường bắt đầu bằng việc đọc kinh, chẳng hạn như kinh Mân Côi rất đẹp. Từ đó chúng ta suy nghĩ, suy niệm và chiêm niệm sâu sắc về những mầu nhiệm của Thiên Chúa và cuộc đời của Ngài. Chúng ta hiểu biết về Thiên Chúa đầy đủ hơn và từng chút một, khám phá ra rằng chúng ta không còn chỉ nghĩ về Thiên Chúa, nhưng chúng ta đang nhìn thẳng vào Ngài.

Dấn thân vào việc khám phá Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Không có giới hạn và không có kết thúc cho chiều sâu mà Thiên Chúa muốn thu hút chúng ta qua lời cầu nguyện. Cầu nguyện chân chính không bao giờ nhàm chán. Khi khám phá ra lời cầu nguyện đích thực, chúng ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm vô hạn của Thiên Chúa. Và khám phá này vinh quang hơn bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng trong đời.

Đôi khi tưởng chừng như không còn là chúng ta đang sống, nhưng ân sủng đó sống và hoạt động trong chúng ta qua cầu nguyện... Chúng ta yếu đuối, nhưng chúng ta biết cách cầu nguyện: đây là phẩm giá cao nhất của chúng ta. Và khi một lời cầu nguyện theo điều Chúa Giêsu muốn, lời cầu nguyện đó đạt được những điều kỳ diệu.”[2]

Ăn năn sám hối và chay tịnh.

Ăn năn là cốt lõi của cung cách sống Kitô hữu. Trong suốt Mùa Chay, tất cả Kitô hữu  đều trở thành “hối nhân” với tro hình Thánh Giá trên trán, quay về Thánh Giá như một dấu chỉ của sự hòa giải mà Thiên Chúa dành cho mọi loài thọ tạo.

Thánh Augustinô đã kêu lên: “Con sẽ tìm Chúa, bằng cách quay lại cùng Chúa và xin Chúa giúp. Nhưng con sẽ quay lại Chúa với niềm tin vì chân lý về Chúa đã được rao giảng cho con. Chính niềm tin của con, Chúa ban cho qua Chúa Giêsu, là Con Người, và tỏ cho con qua sứ vụ của người rao giảng trung thành, làm cho con quay về Chúa và xin Chúa giúp đỡ”[3].

Những đống tro tàn này ngay từ buổi đầu “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (Sáng thế ký 3:19) kết nối mỗi chúng ta với tất cả thụ tạo và với sự chết của chính chúng ta.

Những suy niệm Thứ Tư Lễ Tro năm nay lại mang một ý nghĩa mới vì đại dịch Côvít. Dấu hiệu của cái chết đang xảy ra xung quanh chúng ta khi đại dịch tiếp tục cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người khác. Virus Corona không chỉ là lời nhắc nhở về tỷ lệ tử vong mà còn là kết quả bởi tội “coi nhẹ và làm ngơ trước khó khăn và đau khổ cả nhân loại” và bởi tội “thiếu quan tâm của chúng ta đối với những người chung quanh”.

Khi tham dự nghi lễ phụng vụ trực tuyến Thứ Tư Lễ Tro năm nay, điều cốt yếu là sống theo các thực hành của Mùa Chay: “tự xét mình và ăn năn tội, cầu nguyện và chay tịnh, hy sinh và làm việc yêu thương”. Chỉ nhớ rằng “chúng ta là cát bụi, và chúng ta sẽ trở về với cát bụi” là chưa đủ. Là những người được ghi dấu là con cái của Thiên Chúa, được lãnh nhận Ơn Cứu Độ tha thứ từ Chúa Kitô, chúng ta lưu tâm đến lời kêu gọi ăn năn: “Hãy trở về”.

Ý nghĩa của việc nhận dấu Thánh giá bằng tro trên trán của chúng ta vào Thứ Tư Lễ Tro là: chúng ta mang nơi mình một dấu hiệu của tội lỗi và sự chết, cùng với niềm hy vọng được thanh tẩy trong nước và ghi ấn tích bằng dầu của lời hứa về sự sống, sự tái sinh và sự giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết trong nghi thức Thánh Tẩy Đêm Vọng Phục Sinh. Vào Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta cảm thấy toàn bộ thân phận nặng nề của con người chúng ta. Đó là một lời nhắc nhở hữu hình thích hợp về thực tế đau buồn, mất mát và sự chết. Ăn năn sám hối là ý thức lại và suy gẫm về tất cả các thực tại nhân sinh tất định đó để đi đến một quyết tâm thay đổi cách sống theo con đường của Chúa Kitô.

Để đi đến đó, về mặt thực hành, người Kitô hữu được mời gọi thực hành chay tịnh. Chay tịnh không chỉ nói đến việc “ăn uống” thuần túy theo nghĩa chữ “ăn chay”, và không chỉ vào ngày Thứ Tư Lễ Tro hay Thứ Sáu Tuần Thánh. Điều cốt tủy là mọi tín hữu được kêu mời “từ bỏ một điều gì đó cả tinh thần lẫn vật chất ” như là hãm mình: làm chủ những ham muốn vốn vô trật tự của mình, hy sinh: từ bỏ những nhu cầu kể cả chính đáng, trong mùa Chay, để quyết tâm hơn trở về “cõi lòng” và hướng về những điều “cao cả” hơn những quan tâm phàm trần.

Có câu chuyện vui kể rằng: Ngày thứ Sáu mùa Chay kiêng thịt, một thanh niên khỏe mạnh vào quán ăn. Người tiếp viên tới hỏi: “Thưa ông dùng chi?” Ông khách nói: “Cho tôi đĩa cá sấu?” – “Xin lỗi, chúng tôi không có.” – “Cho tôi đĩa cá voi?” – “Xin lỗi, chúng tôi không có.” – “Cho tôi đĩa cá mập”. – “Xin lỗi, chúng tôi cũng không có.” – “Tiệm gì lạ vậy, Chúa ơi, xin Chúa chứng giám, hôm nay con đành phải ăn thịt”. Thế rồi anh gọi tiếp: “Thôi, cho tôi một đĩa thịt beef steak và một chai whisky”. Làm dấu Thánh giá nguệch ngoạc xong, anh ta ăn uống tỉnh bơ, và cảm thấy lương tâm yên ổn hơn khi nào hết! Đây thật không đúng tinh thần mùa Chay!

Sách Giáo Lý Công Giáo, số 1809 viết: “Đức tiết độ giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng chừng mực những của cải trần thế. Tiết độ giúp ý chí làm chủ các bản năng và kềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng. Người tiết độ hướng các thèm muốn giác quan về điều thiện và luôn thận trọng, "không chiều theo những đam mê của lòng mình" ( Hc 5,2). Cựu Ước thường khen ngợi đức tiết độ: "Con đừng buông theo các tham vọng của con, nhưng hãy kềm chế các dục vọng" (Hc 18,30). Tân Ước gọi tiết độ là "chừng mực" hay "điều độ", chúng ta phải sống "chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này" ( Tt 2,12).

Thánh Augustinô dạy: “Sống tốt lành không gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực mình. Chúng ta dành cho Người một tình yêu trọn vẹn (nhờ tiết độ), không gì lay chuyển nổi (nhờ can đảm), chỉ vâng phục một mình Người (nhờ công bình), luôn tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẫy của mưu mô và gian dối (nhờ khôn ngoan)"[4].

Trao ban, bố thí và sống công bình.

Tro xuất hiện trong Kinh thánh thời Do Thái như một dấu hiệu của sự than khóc và ăn năn, nhưng tiên tri Isaia nhắc dân chúng rằng những thực hành như vậy chính là lời kêu gọi sống sao cho công bình, và ngày hôm nay lời kêu gọi đó càng khẩn thiết hơn:

“Chúng nói : "Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy,
chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay ?"
Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi,
vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. 

Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã,
để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.
Chính ngày các ngươi muốn ăn chay
để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm,
thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. 

Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng
trong ngày con người phải thực hành khổ chế ?
Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau,
nằm trên vải thô và tro bụi,
phải chăng như thế mà gọi là ăn chay
trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA ? 

Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao :
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? 

Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?” (Isaia 58: 5-6). 

Các thành viên của cộng đoàn Kitô giáo sơ khai được mời gọi làm việc bác ái giúp người nghèo “Sau nhiều năm, tôi về Giêrusalem để đem tiền cứu trợ cho dân tộc tôi và để dâng lễ phẩm lên Thiên Chúa” (Cv 9,36 ; 24,17) và họ nhận được phần thưởng từ Chúa Phục Sinh “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngườiPhần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Ngài, còn các thứ kia, Ngài sẽ thêm cho. "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Ngài cho anh em”. (Luca 11,41; 12,33), “Lời cầu nguyện và việc cứu trợ của ông đã thấu toà Thiên Chúa khiến Ngài nhớ đến ông” (Cv 10.4-3) . Trong thực tế, hoạt động từ thiện như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, và cho kẻ rách rưới áo quần thường được coi là một trách nhiệm quan trọng phải thực hiện của một Kitô hữu:

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Ngài sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê Ngài sẽ cho chiên đứng bên phải Ngài, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”.  Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? " Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”. Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? " Bấy giờ Ngài sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy ." Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mátthêu 25,31-46).

Chúa muốn gì ở tôi Mùa Chay này? Thật dễ dàng để bắt đầu Mùa Chay với những cam kết hời hợt, chẳng hạn như từ bỏ một món ăn yêu thích hoặc làm một việc tốt lành nào đó. Một số người chọn sử dụng Mùa Chay như một thời gian kiêng ăn để có được sức khỏe tốt hơn, và những người khác quyết định dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách thánh hoặc các thực hành thiêng liêng khác. Tất cả những điều này đều tốt và hữu ích. Nhưng tôi có biết chắc mong muốn sâu sắc nhất của Thiên Chúa trong Mùa Chay Thánh này là gì không?

Cha John Fuellenbach, dòng Ngôi Lời, sau nhiều năm dạy thần học, giảng tĩnh tâm, và làm linh hướng, chia sẻ rằng: “Thật khó cho nhiều người khám phá ra hình ảnh họ đang có trong đầu về vị Thiên Chúa đang điều khiển và định hướng đời sống họ. Cũng thật khó để họ loại bỏ hình ảnh sai lạc để tạo cho mình một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa do Chúa Kitô mạc khải cho”.

Quyết tâm, dốc lòng.

Mùa Chay là cơ may để khám phá ra rằng Thiên Chúa không chỉ là một Thiên  Chúa “ở ngoài kia” xa xôi trên Thiên đàng. Ngài là một Thiên Chúa gần gũi và thân thiết hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Mùa Chay là thời điểm, hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm, người Kitô hữu phải quyết tâm, dốc lòng cố gắng thực hiện cuộc hành trình hướng nội để khám phá Nơi Trú Ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh.

Lạy Thiên Chúa của con, con dâng chính mình con cho Chúa trong Mùa Chay Thánh này. Xin hãy thu hút con để con có thể biết đến Chúa nhiều hơn. Xin hãy tỏ ra cho con sự hiện diện thần linh của Chúa. Xin hãy ngự nơi sâu thẳm cõi lòng con, lôi kéo con về với chính Chúa, để con loại bỏ hình ảnh sai lạc về Chúa và có hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa do Chúa Kitô mạc khải cho.

Lạy Thiên Chúa xót thương, xin cho Mùa Chay này của con củng cố tình yêu và lòng sùng kính của con qua việc khám phá ra ân huệ cầu nguyện chân chính, sám hối chân thành, yêu thương chân thật. Lạy Chúa, con tin cậy nơi Chúa. Amen.



[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, đã dẫn trên

[3] Thánh Augustinô, Confession – Tự thú, số 39

[4] Thánh Augustinô, Những thói quen của Hội Thánh Công Giáo 1,25,46