MỘT ĐỊNH NGHĨA CHO SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

Tác giả: Michel Trương

Mục lục

1. Dẫn ý mở đầu. 1

2. Về mặt Etymologie, Gốc từ học. 1

3. Phát biểu Định nghĩa. 4

4. Bản chất Hoạt động Truyền giáo. 5

5. Vấn đề Đối nhân thụ truyền


1. Dẫn ý mở đầu

Trong lúc tìm hiểu hoặc thực hiện điều gì, nhất là thuộc phạm trù quy mô và tri thức, theo thông lệ thì người ta hay xác định ý nghĩa đối với công việc mình đang tiến hành. Sứ vụ Loan báo Tin mừng mặc dù chủ yếu là mang tính Thánh thiêng nhưng phải thi hành ở môi trường nhân sinh và thực tại trần thế, do vậy cũng cần có đôi dòng để minh họa vài nét cơ bản về định nghĩa và bản chất của nó.

Hẳn mọi người giờ đây đã thông suốt, vì tỏ lòng vâng phục Lời nhắn bảo sau cùng của Chúa Kitô trước khi Ngài rời trần thế, mà công cuộc Truyền giáo được xem là một hoạt động để Giáo hội luôn quan tâm thi hành trong suốt quá trình gầy dựng và tồn tại của mình. Thêm điểm quan trọng khác cũng cần nhấn mạnh vào thời điểm hiện nay, khi thực thi Sứ mạng này thì phải có sự Hiệp thông, tức nỗ lực đóng góp trên nhiều khía cạnh từ mọi thành phần trong Giáo Hội, bất luận là Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân.

Do tính hệ trọng và phổ quát của chuyên đề, nên việc phát họa cho ngôn từ biểu trưng và ý nghĩa trọng điểm của Sứ vụ đã khiến trở nên thấy là không kém phần phức tạp. Tuy nhiên, trong nhiều lãnh vực sinh hoạt của con người với đường nét đa dạng, nếu như có khởi sự bước đầu theo đúng cách của nó thì ắt sẽ thâu đạt nhiều thuận lợi hơn ở các giai đoạn tiếp nối, và còn kỳ vọng thỏa đáng đối với yếu tố phát triển nữa. Do vậy, quán triệt được nội dung khái niệm ban đầu và tiến hành theo đúng hướng, còn là cách biểu hiện ý thức về trách nhiệm đối với thế hệ tiếp bước theo sau. Vì nắm được tính hệ trọng của vấn đề, nên Bài viết diễn đạt những ý kiến dưới đây mang tính gợi ý hơn là khẳng định. Mong rằng theo dòng thời gian, có thêm nhiều Vị chuyên trách tâm đắc với lãnh vực Loan báo Tin mừng tại quê hương Việt Nam, sẽ đề xuất quan điểm của mình một cách chuẩn xác hơn cho chủ đề này.

2. Về mặt Etymologie, Gốc từ học

Trước khi trả lời câu hỏi ở Tựa bài viết như một cách phát biểu về định nghĩa, thoạt tiên chúng ta cần tìm hiểu sơ qua nguyên gốc phát sinh ra chữ: Truyền giáo. Trong tiếng Việt, khi nói tới “truyền giáo, truyền đạo, truyền bá Tin mừng, mở mang Nước Chúa v.v...” thì mọi người đều hiểu ý nghĩa của nó. Thế nhưng ở Châu Âu, việc định ra danh gọi cho công việc này thì vấn đề có vẻ rắc rối hơn, thường chúng ta dịch ngôn từ Truyền giáo là bởi chữ “Mission” (của Pháp hay Anh ngữ), thế nhưng từ ngữ Mission không chỉ có nghĩa là Truyền giáo. Thí dụ trong Từ điển Anh Việt do Trung tâm Khoa Học Xã hội và Nhân văn quốc gia; Viện Ngôn ngữ học xuất bản tại Hà nội 1975, chúng ta thấy mục từ "Mission" có 3 nghĩa chính sau đây:

- Công việc của một nhóm người được phái ra nước ngoài, nhất là để làm công tác chính trị, thương mại, ngoại giao v.v...

- Công việc của một nhóm Giáo sĩ được phái đi để cải giáo dân chúng.

- Nhiệm vụ hoặc bổn phận đặc biệt của một cá nhân hoặc một nhóm phải tiến hành, hay còn gọi là sứ mệnh.

Thực ra, ngay cả trong văn chương Thần học, tiếng “Mission” không phải lúc nào cũng có nghĩa là Truyền giáo. Theo nguyên ngữ La-tinh, “missio” bắt nguồn bởi động từ “mittere” có nghĩa: gửi đi, sai đi, phái đi. Trong Tân ước, tiên vàn nó ám chỉ việc Đức Kitô được Chúa Cha sai đến thế gian, cũng như việc Chúa Kitô Phục sinh sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội; kế đó, nó được áp dụng vào việc Chúa Kitô sai các Tông đồ và Hội thánh đi rao giảng Tin mừng. Có thể nói được là từ đầu cho đến thế kỷ XV, Thần học hiểu tiếng Missio theo nghĩa tổng quát ấy, thí dụ thánh Tôma Aquinô nói tới Missio của Đức Kitô và Missio của Chúa Thánh Thần, nghĩa là việc Chúa Cha sai Đức Kitô và Chúa Thánh Thần đến Cứu chuộc nhân loại.

- Sang thế kỷ XVI - XVII, nghĩa từ Missio bị thu hẹp lại; một đàng, ở vài trường hợp chữ Missio được dùng để chỉ việc giảng cấm phòng đại phúc nơi các Họ đạo, cách riêng ở vùng thôn quê, (thí dụ Dòng do thánh Vincent de Paul lập ra, được gọi là Congregatio Missionis); đàng khác, một số người sử dụng tiếng Missio theo nghĩa gọn như: Mission étrangère, hàm ý việc đi giảng đạo cho các dân tộc ở xứ phương xa (thí dụ Hội Thừa sai Paris: Mission Etrangère de Paris, viết tắt là MEP). Hiểu theo cách này, Missio là một công tác chuyên biệt riêng, chứ không còn là hình thức hoạt động bao trùm trong toàn Giáo Hội nữa. Do người ta thường hiểu theo cách phân bố: từ Missio theo nghĩa rộng chỉ định, cho đối với hoạt động của Hội thánh ở vùng ngoại Đạo; còn Apostolat (việc tông đồ) hay Pastoral (mục vụ) thì chỉ về hoạt động tại nơi đã có nhiều người theo Đạo.

- Lại khoảng từ đầu thế kỷ XVII, Truyền giáo được hiểu là truyền bá Đức tin, nên đã thấy dùng từ “Propagatio Fidei”. Với sự kiện, sau khi Ðức Grêgôriô XV được bầu làm Giáo Hoàng thì rất quan tâm đến việc thiết lập Hàng Giáo sĩ địa phương tại các Xứ truyền giáo, nên vào ngày lễ Ba Vua 06-01-1622, Ngài đã đi đến quyết định thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, tên gọi La-tinh: Sacra Congregatio de Propaganda Fidei. Luôn tiện xin phép được mở ngoặc, “Propaganda” ở đây không có nghĩa “tuyên truyền”, theo như lối được dùng trong Chính trị của thời cận đại, nhưng vào bối cảnh thành lập Bộ này thì động từ “propagare” mang nghĩa: tỏa ra, lan rộng, quảng bá.

- Vào hậu bán thế kỷ XX, nhiều người đòi xét lại vấn đề, bởi vì khi dùng các ngôn từ hàm ý như vậy thì thấy là hạn chế. Nếu chỉ coi “Missio” như một hoạt động rao giảng Phúc âm vào vài dịp biến cố Mục vụ ở các Xứ đạo; hoặc chỉ là việc lãnh sứ mạng đi đến phương trời xa xôi, như thế, là thu hẹp tất cả sự súc tích của ý nghĩa chữ này trong Tân ước. Missio, như đã giải thích, bắt nguồn từ ý định Chúa Cha sai Đức Kitô đến với nhân loại. Hoặc cũng nên xét đến trường hợp nơi một số Dòng đan tu, các Đan sĩ sống khổ hạnh biệt lập cả đời chỉ chuyên cầu nguyện cho công cuộc Truyền giáo, vậy làm sao họ có dịp “Propagare, quảng bá” về Niềm tin gì cho ai. Nói cách khác, dựa trên các quan điểm này thì cần phải tìm ngôn từ nào khá hợp lý hơn để thay thế cho “Missio” và “Propaganda”, khi muốn nói về toàn bộ ý nghĩa Sứ vụ Truyền giáo của Giáo Hội đối với lương dân.

- Với những diễn biến như vậy mà từ sau Công đồng Vatican II một từ ngữ khác đã thấy xuất hiện, đó là Evangelisatio. Thậm chí danh xưng của Bộ Truyền giáo cũng thay đổi tên gọi, từ cách dùng chữ “.... Propaganda Fidei”, thì nay là: “Congregatio pro Gentium Evangelisatione, Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các Dân tộc”. Thế thì riêng từ “Evangelisatio” được hiểu nghĩa như thế nào? Ở Việt nam, có người đã vội dịch “Phúc âm hóa”, thực ra tiếng Evangelisatio nếu chỉ dịch có vậy thì cũng khá hàm hồ. Trong Kinh Thánh chúng ta chỉ gặp mỗi danh từ Evangelium (Phúc âm, Tin vui, Tin mừng, Tin lành), và động từ Evangelisare (rao truyền Tin mừng) mà thôi. Còn danh từ Evangelisatio thì mới ra đời hồi thế kỷ XIX do các Hội Truyền giáo Tin lành bên Hoa Kỳ tạo ra, lúc ban đầu nó có nghĩa là việc rao giảng Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo. Thế nhưng, dần dần từ này được dùng để diễn đạt một cách bao trùm cho tất cả hoạt động của Hội Thánh: Nhằm cải biến những thực tại trần thế cho hợp với tinh thần Phúc âm. Nói đến đây lại nảy sinh vấn đề, nếu hiểu theo nghĩa này, thì công việc theo danh gọi Evangelisatio, không phải chỉ giới hạn tại vùng Truyền giáo nhưng còn mang tính phổ quát trong khắp xã hội, kể cả tại các vùng địa phương đã từng sinh hoạt Đạo nữa. Thí dụ trong Tông huấn "Evangelii Nuntiandi" do Đức Phaolô VI ban hành năm 1975, nói tới việc thực thi công việc Evangelisatio là tiêu chí hành sự trong toàn thể Hội thánh, chứ không phải chỉ liên quan tới hoạt động tại các vùng Truyền giáo.

Vừa rồi chúng ta đã dành khá nhiều thời giờ cho những cuộc tranh biện về phương diện từ ngữ. Sự tranh biện ấy không phải chỉ mang tính cách lý thuyết nhằm tìm hiểu “danh chính ngôn thuận”. Nhưng đàng sau vấn đề ngôn ngữ, thì cũng còn rất nhiều cuộc tranh luận về hướng đi của công cuộc Truyền giáo nữa. Trước Công đồng Vatican II, vào khoảng thập niên 50, cuộc tranh luận chính yếu trong Thần học Công giáo diễn ra giữa hai trường phái Muenster (Đức) và Louvain (Bỉ) về mục tiêu của công cuộc Truyền giáo: Việc Truyền giáo nhằm kêu gọi lương dân trở lại (conversio), hay là lo việc thiết lập tân Giáo hội tại địa phương (plantatio ecclesiae) ? Đến Công đồng Vatican II, thì trong Sắc lệnh Ad Gentes về hoạt động Truyền giáo (số 6), đã kết hợp cả hai mục tiêu: Công cuộc Truyền giáo không chỉ giới hạn vào việc kêu gọi lương dân tin nhận Phúc Âm và lãnh Bí tích Rửa tội, nhưng còn phải tiến tới việc phát triển các Giáo hội địa phương nữa. Công cuộc Truyền giáo tại một địa điểm chỉ có thể coi là chấm dứt bằng việc thành lập ra Hàng giáo phẩm tại địa phương đó, với những cộng đồng Kitô hữu trưởng thành trong Đức tin, khả dĩ còn có thể truyền Đạo nối tiếp cho đồng bào của mình hoặc cho các lương dân vùng kề cận.

Tóm lại, Sứ vụ Truyền giáo một khi phải dùng từ ngữ để diễn ý cho tương đối đầy đủ, tức mọi hoạt động nhằm tạo cho tha nhân nhận biết Chúa Kitô và gia nhập Giáo Hội Ngài, thì nó là tập hợp nghĩa từ bởi những chữ: Missio, Propagatio Fidei, Evangelisatio, Conversio và Plantatio; tuy nhiên, vì để cho giản tiện trong lúc trình bày nội dung liên quan đến chuyên đề này, ngày nay thường thấy người ta chỉ dùng một chữ để biểu thị: “Evangelisatio, Loan báo Tin mừng”. Trong trường hợp cần xác định cho cụ thể hơn, nếu muốn nói đến việc những Thừa sai ra đi và hiện diện ở vùng Truyền giáo để lo hoán cải lương dân và gầy dựng một Tân Giáo hội địa phương, thì kể từ ngày ra Thông điệp Redemptoris Missio trở đi, các tác giả hay sử dụng cụm từ: Sứ mạng Truyền giáo Ad Gentes, tiếng Pháp: La mission Ad Gentes (cách lấy chữ Ad Gentes là hàm ý tuân theo tinh thần của Sắc lệnh về Truyền giáo, Công đồng Vatican II), hoặc cũng thấy dùng cụm từ: L' Evangélisation missionnaire. Riêng đối với ngôn từ chỉ về nhân sự, kẻ thi hành Sứ mạng, thì từ xưa đến nay không thấy có sự biến đổi nào mà vẫn giữ luôn một cách gọi, Missionnaire theo tiếng Pháp hoặc tiếng Anh: Missionary, trong tiếng Việt người ta dịch là “Nhà Thừa sai”.

3. Phát biểu Định nghĩa

Sau khi đã bàn về ngôn từ, tới đây chúng ta quay lại với vấn đề, thế thì có cần thiết đặt ra một phát biểu gì đó để định nghĩa vắn gọn, cơ bản cho Truyền giáo không? Một chủ đề, công việc hệ trọng như vậy mà không có câu định nghĩa nào cách riêng để xác định về nó thì xem ra là hơi thiếu sót. Theo điều 786, Bộ Giáo Luật 1983, chúng ta thấy nội dung trong đó được xem gần như là một định nghĩa: “Việc truyền giáo chính danh nhằm thiết lập Giáo Hội giữa các dân tộc và các sắc dân, nơi Giáo Hội chưa bén rễ. Mục tiêu ấy được thực thi cách chính yếu bằng việc Giáo Hội sai những người rao giảng Phúc Âm cho đến khi các tân Giáo Hội được thiết lập toàn vẹn, nghĩa là có đủ nhân lực riêng và phương tiện để tự mình đảm nhiệm công việc truyền bá Phúc Âm.”

Hiện nay, nhiều tác giả khi phát biểu định nghĩa, bởi các yếu tố này nọ đa dạng phức tạp mà tùy lập trường riêng của mỗi người, họ xác định từng ý nghĩa mang nét đặc thù khác nhau, ví dụ tác giả D. A. Mc Gravran, người Tin lành, định nghĩa Sứ mạng truyền giáo là: “Sự nghiệp chuyên biệt nhắm tới việc tuyên báo Tin mừng của Ðức Giêsu Kitô, cùng thuyết phục mọi người trở thành môn đồ của Ngài và trở nên thành viên tận tâm tận lực trong Giáo hội Ngài.” Theo chiều hướng đó, cùng với một số quan niệm nơi những Vị nghiên cứu thuộc chuyên đề này trong Giáo hội, giờ đây chúng ta có thể cùng nhau tạm chấp nhận cách phát biểu như dưới đây. Hy vọng nhờ đó mà về sau, khi trình bày hoặc phân tích sâu rộng thêm những vấn đề khác liên quan đến Truyền giáo, người ta cảm thấy nội dung các chủ đề đưa ra sẽ được dựa trên một cơ sở ý niệm thuần nhất hơn.

Truyền giáo là nỗ lực hoạt động của mọi thành phần Kitô hữu, sau khi tự bản thân họ nhận thức được chân giá trị của Niềm tin nơi ánh sáng đạo lý Kitô giáo và muốn thông đạt những gì đã được lãnh nhận do Hồng ân Đức tin quý báu ấy. Đồng thời cũng ý thức việc phải vâng phục lệnh truyền của Chúa Kitô trước khi Ngài về Trời trong Mt 28, 19 và Mc 16, 15. Những người này tìm cách trao truyền Niềm tin đó cho tha nhân để cùng nhau chung hưởng nguồn ân phúc từ lòng thương yêu Chúa Cha, Ơn cứu độ của Chúa Con và bước đi bằng đời sống Thánh hóa trong Chúa Thánh Thần.

Bởi định nghĩa trên mà người ta thường hay chú trọng đến một định đề, để từ đó khởi phát cho mọi định hướng nhằm phục vụ hoạt động Truyền giáo: “Nemo Dat Quod Non Habet, Không ai cho cái mình không có”. Kẻ muốn dấn thân hoạt động vì Truyền giáo thì trước đó họ phải là người Kitô hữu đã có Niềm tin khá mãnh liệt và thể hiện chí hướng thực hành tích cực sống theo khuôn mẫu Phúc Âm. Ngoài ra với ý nghĩa của cụm từ: Chứng nhân Tin mừng, cũng là tiêu chí trong việc rèn luyện đức tính cần có của những ai tận hiến vì Sứ vụ này.

4. Bản chất Hoạt động Truyền giáo

Cách chung đối với các nhà Truyền giáo chân chính, Sứ vụ này không phải là một hoạt động để biểu thị kỹ năng nơi con người theo kiểu phát biểu: Tôi có khiếu thuyết giảng, hoặc có biệt tài phục vụ để lôi kéo kẻ khác đến với Thiên Chúa. Nhưng cơ yếu đây là một việc làm xuất phát từ thái độ đáp lại Tiếng gọi của Tình yêu, tất nhiên tình yêu nơi Thiên Chúa. Nó chính là yếu tố cốt lõi và đồng hành xuyên suốt với những ai đang trong quá trình thực thi Sứ vụ Loan báo Tin mừng: “Chính mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh trong sự hiệp thông của Thiên Chúa, vì thế chúng ta không thể tự mình đạt được sự sung mãn hoặc tự cứu mình. Từ trung tâm của Tin Mừng, chúng ta nhận ra sự kết nối mật thiết giữa việc Loan báo Tin mừng và thăng tiến con người, mà nhất thiết phải được diễn tả và phát triển trong mọi hoạt động truyền giáo. Việc chấp nhận lời công bố ban đầu, mời chúng ta đến để được Thiên Chúa yêu thương và yêu lại Ngài với tình yêu mà Ngài thông truyền cho chúng ta, gây ra trong cuộc sống và hành động của chúng ta một đáp trả đầu tiên và cơ bản: mong muốn, tìm kiếm và quan tâm đến hạnh phúc của những người khác.” (Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 178).

Bàn luận triễn khai một cách giản dị, nếu muốn cảm nhận được Tình yêu nơi Thiên Chúa ở buổi ban đầu, thì dựa theo Phúc Âm, chúng ta có thể liên tưởng đến 6 điển cứ sau:

- Coi trọng Lề luật, Giới răn: Ga 14, 15

- Kết hợp với Phép Thánh thể: Ga 13,1

- Bác ái với tha nhân: Ga 15, 12

- Biết hy sinh, quên mình: Ga 15, 13

- Tâm tình tri ân, cảm tạ: Lc 17, 18

- Thái độ sám hối: Lc 7, 47

Rồi từ đó, thường xuyên thực hành gắn bó các điều ấy vào trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng khi đạt tới lòng hăng say vì Tình yêu mà hiến mình cho Sứ mạng Truyền giáo, thì đó quả là một Hồng ân đặc biệt do Ơn Trên ban cho. Kẻ ra đi rao truyền Lời Hồng Phúc, thì sẽ vì Tình yêu ấy mà sẵn sàng đón nhận dấn bước vào Con đường Thập giá. Không như vậy, thì chưa thể nói lên đúng bản chất của Nhà Truyền giáo.

Với quan niệm, khi muốn cống hiến cho việc Truyền giáo là bởi sự tự do lựa chọn của con người nhưng thành quả thế nào là do Ý định nơi Thiên Chúa, phải trở thành mấu chốt của vấn đề : “Ðôi khi những nỗ lực của chúng ta dường như không đem lại một kết quả nào, nhưng việc Truyền giáo không phải là một thương vụ hoặc một kế hoạch kinh doanh, thậm chí nó cũng không là một tổ chức nhân đạo, không phải là một buổi trình diễn để đếm xem có bao nhiêu người tham dự nhờ việc tuyên truyền của chúng ta; nó là một điều gì đó sâu xa hơn nhiều, vượt ra ngoài tất cả mọi đo lường. Có lẽ Chúa dùng sự dấn thân của chúng ta để đổ phúc lành xuống một nơi nào khác trên thế giới mà chúng ta sẽ không bao giờ đi đến. Chúa Thánh Thần hoạt động như Ngài muốn, khi nào Ngài muốn và ở nơi nào thì tùy ý Ngài; chúng ta tận tâm hy sinh nhưng không mong thấy kết quả tỏ tường. Chúng ta chỉ cần biết rằng việc hiến thân của mình là điều cần thiết.” (Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 279).

Cách suy nghĩ như trên, đôi khi trở thành một thách thức lớn đối với những ai gánh vác trọng trách thiêng liêng này. Họ cần luôn ý thức rằng, Ơn gọi chu toàn bổn phận theo Thánh Ý Thiên Chúa thì phải lấn át được nỗi tham vọng về sự phô diễn cái kết quả đầy ngoạn mục của bản thân mình. Để tránh phải rơi vào lệch hướng, người đảm trách Sứ mạng nên luôn xác định mục tiêu tối thượng của công việc là, đi theo con đường mà Công đồng Vatican II đã vạch rõ: “Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc Truyền giáo ….. Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt, mà còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất, để Chúa được tôn vinh, ma quỷ bị xấu hổ và con người được hạnh phúc. Vì thế, mọi hoạt động truyền giáo đều phải hướng về sự Viên mãn Cánh chung ” (Sắc lệnh Ad Gentes, số 9)

Song song với câu phát biểu định nghĩa, những ý niệm về bản chất hành sự của kẻ Được Sai Đi như vừa nêu trên, cũng đóng vai trò quan trọng không ít để cấu thành ý nghĩa chính yếu cho Sứ vụ Truyền giáo.

5. Vấn đề Đối nhân thụ truyền

Truyền giáo là trao truyền, như vậy cũng cần đặt vấn đề xem xét đối tượng thụ truyền ? Từ đó mọi hoạt động này mới phản ánh đúng với danh gọi Truyền giáo. Xin được đưa ra thí dụ làm trưng dẫn, có vị Giáo sĩ nọ cống hiến một bài thuyết giảng xuất sắc về đề tài Tình yêu Thiên Chúa và Ơn cứu độ, rồi đến một người sống Đạo nguội lạnh, vì ấn tượng và cảm xúc khi nghe bài giảng nên sau đó đã thay đổi đời sống, kẻ ấy trở nên đạo đức thánh thiện hơn. Với hình ảnh giả định vừa nêu, người ta có thể coi đó là thành quả đối với công việc Chăm sóc Mục vụ; nhưng nếu cũng cùng hoàn cảnh, nội dung bài giảng ấy, người nghe lại là một kẻ ngoại Đạo, mà từ đó họ tìm hiểu thêm Giáo lý và nhận Phép Rửa vào Đạo, thì lúc này kết cuộc việc làm của vị Giáo sĩ ấy được gọi là Truyền giáo.

Tất nhiên, sống đời Chứng nhân, thực thi bác ái, công bố Lời Chúa giữa muôn dân theo sự soi dẫn của Phúc Âm là một đòi hỏi đối với tất cả mọi Kitô hữu, nhưng thi hành những việc đó nơi dân ngoại nhằm lôi cuốn họ nhận biết Chúa thì mới thể hiện đúng với danh gọi Truyền giáo. Tuy nhiên, gần đây người ta còn quan tâm đến chủ đề “Tái truyền giảng Tin Mừng” cho những thành phần mà, ở một số nơi, hầu như suốt đời họ chỉ đến Nhà thờ có 3 lần: Rửa tội, Hôn Phối và làm Phép xác. Để khiến cho những đối tượng này trở lại với Giáo Hội như một tín đồ Công giáo bình thường, thì gọi đó là “Chăm sóc Mục vụ” hay “Truyền giáo”? Câu trả lời gợi ý, nếu đã dùng từ “Tái truyền giảng...” thì nên gọi là Truyền giáo, nhưng đó là ở một hình thái hoạt động chuyên biệt khác. Do đấy, cách dùng từ diễn tả cho nỗ lực này đã thấy xuất hiện chữ: Nova Evangelisatio hay còn song hành bởi từ: Re-evangelization.

Chúng ta không thể phát biểu theo cách phân đôi: Ôi gọi sao cũng được, miễn là đem tha nhân đến gần với Chúa hơn là tốt rồi. Cần lưu ý rằng, Nhà Truyền giáo luôn đi kèm với chức năng của một Thừa tác viên (dù có hay không có Chức thánh, dựa theo số 15 & 73, Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI), vì vậy đã tạo thành cách gọi các Nhà truyền giáo là những vị Thừa sai: Thừa tác viên + Được sai đi, (căn cứ theo ý diễn đạt trong số 71, Thông điệp Redemptoris Missio). Nhờ tính năng Thừa tác, mà khi những Nhà hoạt động gánh lấy trọng trách Loan truyền Ơn cứu độ, thì họ sẽ có được Sức phù trợ để đạt tới tư chất và phẩm hạnh tất yếu, nhờ vậy, mới có thể đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi đặc thù và mới mong hoàn thành tốt đẹp mục tiêu của Sứ vụ.

Ngày nay, ngoài đối tượng dân ngoại ở những vùng ánh sáng văn minh chưa chi phối gì nhiều đến đời sống sinh hoạt của họ, người ta còn đặt vấn đề Truyền giáo nơi đô thị, trong bối cảnh mà Vị thừa sai còn ở mức kém hiểu biết hoặc có địa vị khá thấp hèn so với kẻ thụ truyền mục tiêu. Đó chưa kể đến những vấn đề phức tạp liên quan khác cũng đang được bàn luận gay go như: Đối thoại Đại kết, Liên tôn, Hội nhập văn hóa v.v..., Quả thật, hơn khi nào hết, Sứ mạng Truyền giáo giờ đây phải tự khẳng định về mình một cách thật tỏ tường và đa dạng đến như vậy.

WHĐ (8.8.2021)