MỘT CHIA SẺ VỀ ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG VỚI
GIỚI TRẺ
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu SJ
I. TRÊN ĐƯỜNG VỀ EMMAUS (Lc 24,13-35)
Con đường từ
Giêrusalem về Emmaus dài khoảng 11 cây số. Hai môn đệ của Chúa Giêsu đang trên
đường về nhà của họ. Vì cái chết đau đớn và nhục nhã của Thầy trên thập giá, họ
mất niềm tin, mất hy vọng, trái tim họ trở nên nguội lạnh. Qua trình thuật của
Luca, chúng ta có thể học nơi Đức Giêsu cách đến với tha nhân, đồng hành với họ,
để loan báo Tin Mừng cho họ.
1. Chúa Giêsu đến đúng lúc và trở thành bạn
đồng hành (c. 15)
Ngài đến đúng
lúc, không sớm hơn, không muộn hơn. Đến đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt,
ray rứt về chuyện đã qua. Đến đúng lúc là điều quan trọng, vì sớm quá thì chưa
chín, muộn quá thì chuyện đã hỏng. Ngài “tiến đến gần và cùng đi với họ.” Để
nâng đỡ một người, cần khiêm tốn đi chung với họ, trở nên bạn của họ. Đến gần
và đi chung để gây thiện cảm, để không làm họ sợ. Để đồng hành, cần điều chỉnh
tốc độ: đi nhanh với người đi nhanh, đi chậm với người đi chậm.
2. Chúa Giêsu gợi chuyện (cc. 17-19)
Ngài không cắt đứt,
nhưng muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của hai người: “Các anh vừa đi vừa
trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Đức Giêsu giả vờ không biết khi Ngài hỏi:
“Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (c. 17). Ngài là người
đi bước trước, mở lời trước. Nỗi buồn có thể làm người ta khép lại, vậy đừng chờ
họ đến với mình. Đức Giêsu nhận được một câu trả lời lạnh nhạt, có chút mỉa
mai: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những
chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Nhưng Ngài không vội nản lòng, và
khiêm tốn tiếp tục gợi chuyện: “Chuyện gì vậy?” (c.19). Ngài làm như không biết
để hai ông có cơ hội bày tỏ nỗi đau của mình.
3. Chúa Giêsu lắng nghe (cc. 19-24)
Ngài lắng nghe nỗi
đau của hai ông. Thầy Giêsu của họ là một ngôn sứ đầy uy quyền của Thiên Chúa,
vậy mà Thầy lại bị đóng đinh như một người bị Thiên Chúa nguyền rủa. Đây là điều
các ông không thể nào hiểu nổi, khiến các ông rơi vào thất vọng: “Trước đây
chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng cứu chuộc Ítraen”(c. 21). Hai
ông còn kể chuyện các phụ nữ trong nhóm của họ ra thăm mộ. Nhưng xem ra họ
không tin vào những điều các bà này nói (cc. 22- 23). Mất hy vọng vào Thiên
Chúa, mất niềm tin vào con người. Hai môn đệ đã bày tỏ nỗi lòng cho một người
ngoài cuộc, một người lạ tình cờ gặp trên đường.
Thầy Giêsu không
ngắt lời họ. Ngài thinh lặng lắng nghe để họ cởi mở nói cho hết. Cởi mở là bước
cần thiết để họ lấy lại niềm tin và hy vọng.
4. Chúa Giêsu giải thích, soi sáng bằng
Kinh Thánh (cc. 25-27)
Sau khi đã lắng
nghe, “bấy giờ” Đức Giêsu mới vén mở cho hai ông thấy ý nghĩa của mầu nhiệm đau
khổ mà Thầy các ông phải chịu. Nhờ lắng nghe hai ông tâm sự, Đức Giêsu biết được
đâu là mấu chốt của vấn đề, đâu là nút thắt cần phải gỡ. Và Ngài đã trả lời vào
chính vấn đề hiện nay của họ. Họ bị sốc trước cuộc Thương Khó của Thầy mình,
nên Ngài cho họ thấy đau khổ là nhịp cầu Đức Kitô phải đi qua để vào vinh quang
(c. 28). Đây không phải là một tai họa do con người hay do Thiên Chúa chúc dữ.
Đức Giêsu đã dùng Kinh Thánh để giúp các ông hiểu rằng con đường Thầy các ông
đi nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Sau này, các ông nhớ lại giây phút ấy:
“Dọc đường, khi Người nói chuyện và cắt nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta, trái tim
chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (c. 32). Như thế, Đức Giêsu chẳng những
soi sáng cho trí tuệ để hiểu, Ngài còn làm ấm lại trái tim đã ra nguội lạnh của
hai người. Tình yêu đã trở lại.
5. Chúa Giêsu đồng bàn với hai môn đệ
(cc. 28-31)
Đức Giêsu giả vờ
muốn đi xa hơn để họ có tự do mời Ngài. Thật vậy, họ đã bắt đầu thấy thích người
khách lạ này nên nài ép Ngài ở lại với họ, và mời Ngài dùng bữa. Chính lúc Ngài
bẻ bánh, thì mắt họ nhận ra Ngài. Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmaus cũng là
kinh nghiệm của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì thật ra Ngài đang ở
bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở bên, thì Ngài lại biến mất. Nhưng chính lúc Ngài biến
mất, ta lại thấy Ngài ở gần bên. Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không
giữ lại được. Ngài ở lại với ta, ngay cả khi ta không thấy Ngài nữa. Cuối cùng,
hai môn đệ đã lấy lại được niềm tin, yêu, và hy vọng đã mất.
Khi suy niệm đoạn
Tin Mừng nổi tiếng trên đây, chúng ta đã thấy đôi nét của công việc Đồng Hành
Thiêng Liêng, đặc biệt với giới trẻ. Chúa Giêsu phục sinh đã đồng hành, cùng đi
với hai môn đệ theo nghĩa đen, trên con đường từ Giêrusalem về Emmaus. Đây đúng
là một đồng hành thiêng liêng, vì vấn đề được trao đổi có tính thiêng liêng. Hầu
chắc hai môn đệ cũng là người trẻ. Chúa Giêsu là mẫu mực cho những nhà đồng
hành. Các vị đồng hành có thể học tập được nhiều điều nơi Ngài. Tập đến với tha
nhân và cùng đi với họ như một người bạn, tập gợi chuyện cho họ nói, tập lắng
nghe, tập soi sáng vấn đề bằng Lời Chúa, và cùng chia sẻ bữa ăn với họ.
Hôm nay vẫn có
nhiều bạn trẻ đang lê gót về Emmaus. Họ đang buồn và đang cần những người đồng
hành.
II. ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG LÀ GÌ?
Đồng hành thiêng
liêng (spiritual accompaniment) là một lối nói mới thay cho lối nói được dùng
trước đây: linh hướng (spiritual direction). Lối nói mới này cũng phản ánh một
cái nhìn mới. Khi nói đến linh hướng, người ta dễ nghĩ đến chuyện một vị linh
hướng hướng dẫn một người thụ hướng trong đàng thiêng liêng. Khi linh hướng, vị
linh hướng thường được coi là người “thay mặt Thiên Chúa dẫn dắt một tập thể
hay cá nhân ngang qua sự chỉ đạo một chiều, mà ít để ý đến tác động của Thánh
Thần nơi tâm hồn người thụ hướng hay khả năng của người ấy trực tiếp mở ra với
Thánh Thần”[1] Còn
trong đồng hành thiêng liêng, vị đồng hành cũng giúp đỡ một người khác, nhưng
là giúp người đó nhận ra hoạt động của Thiên Chúa trong đời người ấy. Như thế
có thể nói, vai trò của vị đồng hành thu hẹp hơn vì có nhân vật thứ ba hiện diện,
đó là Chúa Thánh Thần. Đây mới là nhân vật chính. Đây mới là “Thầy dạy đích thực
và tối thượng” mà cả vị đồng hành lẫn người được đồng hành đều phải lắng nghe
và vâng phục trên con đường cùng nhau tìm kiếm Ý Thiên Chúa[2]. Đời con
người là một cuộc hành trình dài, Thiên Chúa vẫn ngỏ lời với từng người cách
riêng tư kín đáo trong mọi thời điểm và biến cố. Người đồng hành giúp tôi nhận
ra và đáp lại tiếng Chúa nói riêng với lòng tôi, cũng như giúp tôi thực thi những
đòi hỏi của Chúa.
III. HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG
Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (2013), Đức Thánh
Cha Phanxicô viết về đồng hành như sau: “Trong thế giới chúng ta, các mục tử có
chức thánh và các nhà hoạt động mục vụ khác có thể làm cho hương thơm của một Đức
Kitô gần gũi và cái nhìn thân mật của Ngài trở nên hiện thực. Hội Thánh sẽ phải
khai tâm mọi người – linh mục, tu sĩ và giáo dân – trong “nghệ thuật đồng hành”
này. Nó dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người
khác” (169).
Như thế theo Đức
Thánh Cha, vị đồng hành thiêng liêng là những mục tử có chức thánh và những người
làm công tác mục vụ, các tu sĩ và giáo dân. Theo ngài, nét đầu tiên và quan trọng
của vị đồng hành thiêng liêng là sự gần gũi của người đó với Đức Kitô. Vì nếu
không gần gũi với Đức Kitô thì vị đồng hành cũng không thể làm người khác gần
gũi với Đức Kitô được. Vị ấy phải gần đến mức hương thơm của Đức Kitô thấm vào
mình và hồn nhiên tỏa hương thơm ấy đến nỗi người được đồng hành cũng cảm được.
Vị đồng hành phải có kinh nghiệm bắt gặp được cái nhìn thân mật của Đức Kitô
trong cầu nguyện, rồi được ghi dấu sâu đậm và được biến đổi bởi cái nhìn ấy, để
rồi qua cái nhìn của vị đồng hành, người khác bắt gặp được cái nhìn thân mật của
chính Đức Kitô.
Tuy nhiên, có một
đời sống thân thiết và thiết thân với Đức Kitô cũng chưa đủ. Đức Thánh Cha còn
coi đồng hành là một nghệ thuật cần được trau dồi, tập luyện, “nghệ thuật đồng
hành.” Vị đồng hành cần có hiểu biết về tâm lý đầy đủ để nắm được tiến trình
phát triển và trưởng thành của người trẻ. Lắm khi vị đồng hành cũng phải nhìn
nhận giới hạn của mình trước một trường hợp khá nghiêm trọng, để giới thiệu người
bạn trẻ đó cho một vị khác có chuyên môn hơn về tâm lý trị liệu. Ngay cả vị đồng
hành cũng cần được đồng hành và được linh hướng. Vị đồng hành nào mà không ý thức
được Thánh Thần đang làm việc trong đời mình, thì cũng chẳng có khả năng giúp
các bạn trẻ nhận ra hoạt động của Thánh Thần trong đời họ. “Không phải cứ linh
mục hay tu sĩ là có thể đồng hành hay linh hướng một cách phù hợp được. Ai muốn
làm đồng hành hay linh hướng, cần được huấn luyện chuyên nghiệp và đào luyện
liên tục.”[3] Vị đồng
hành cần biết mình, biết khả năng và giới hạn của mình, nhờ đó dễ giúp bạn trẻ
tiến bước trên hành trình đức tin của họ.
IV. ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG KHI NÀO?
Khi nghĩ đến linh
hướng, người ta thường nghĩ đến chuyện vị linh hướng ngồi với người thụ hướng,
trong một chiếc phòng ấm cúng, đôi khi có một ngọn nến cháy lung linh trên bàn.
Đồng hành thiêng liêng với người trẻ không nhất thiết phải theo hình thức đó. Đức
Giêsu đã đồng hành trong thực tế với hai môn đệ Emmaus, khi đi chung với họ mấy
cây số. Thánh Luca nhấn mạnh chuyện Ngài gặp họ “dọc đường” (Lc 24,32.35).
Trong hình thức đơn sơ nhất, đồng hành có thể diễn ra bất cứ nơi nào, lúc nào
thuận tiện, khi nào có cuộc gặp gỡ bề sâu giữa vị đồng hành và người bạn trẻ.
Có khi chỉ qua ít phút trao đổi cũng đủ làm cho vấn đề được soi sáng. Dĩ nhiên
một cuộc gặp gỡ có thể kéo dài lâu giờ, và đôi khi cần có nhiều lần gặp gỡ mới
mong thấy được ý Chúa. Thường cuộc gặp gỡ diễn ra giữa hai người, vị đồng hành
và người bạn trẻ. Nhưng cũng có khi vị đồng hành phải giúp đỡ cho cả một nhóm,
có cùng mối quan tâm thiêng liêng, có cùng mục tiêu phụng sự Chúa và Giáo Hội.
Đồng hành cho một nhóm bạn trẻ là giúp nhóm ấy có tương quan thân thiết với
Chúa Giêsu, trưởng thành trong ba nhân đức tin cậy mến, và trở nên những người
có khả năng làm chứng cho Chúa trong môi trường mình đang sống.
V. LẮNG NGHE TRONG ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG
Như ta thấy trong
trình thuật Emmaus, trước khi Đức Giêsu gỡ rối cho hai môn đệ, Ngài đã chăm chú
lắng nghe họ, không ngắt lời. Lắng nghe là phần không thể thiếu trong đồng hành
thiêng liêng.
Đức Thánh Cha đã
trình bày về lắng nghe như sau: “Chúng ta cần phát triển nghệ thuật lắng nghe,
chứ không chỉ là nghe suông. Khi giao tiếp, lắng nghe là mở lòng để có được sự
gần gũi mà thiếu nó thì không thể có sự gặp gỡ thiêng liêng. Lắng nghe giúp
chúng ta tìm ra cử chỉ và lời nói thích hợp để chứng tỏ chúng ta không chỉ là
những khách qua đường. Chỉ khi có thái độ lắng nghe với lòng tôn trọng và cảm
thông, chúng ta mới có thể bước vào con đường tăng trưởng đích thực và đánh thức
một khát vọng về lý tưởng Kitô giáo: ước muốn đáp lại trọn vẹn tình yêu của
Thiên Chúa và làm cho những gì Ngài đã gieo trong cuộc đời chúng ta sinh hoa kết
quả.” (Niềm Vui Tin Mừng, 171). Như
thế Đức Thánh Cha đã coi lắng nghe là một nghệ thuật. Để nắm được nghệ thuật
này, ngài đòi vị đồng hành phải mở lòng, chứ không chỉ mở tai. Mở lòng để có thể
nghe được những điều mà tai không nghe được, những điều nằm phía sau hay phía
dưới điều người kia nói. Ngài còn cho thấy hai thái độ cần có khi lắng nghe, đó
là lòng tôn trọng và cảm thông. Tôn trọng vì biết những gì mình đang nghe là những
điều thánh thiêng, thấy Thiên Chúa đang chạm vào chỗ sâu thẳm của lòng người,
chờ mong người ấy mở ra và đáp lại. Đức Thánh Cha đã diễn tả thái độ tôn trọng
như sau: “chúng ta cần biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người
khác” (Niềm Vui Tin Mừng 169). Thông
cảm vì biết con người có những giới hạn về nhiều mặt, mỗi người có những giới hạn
riêng, nên không vội vã xét đoán hay kết án. Vì hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, vị
đồng hành phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của người đối diện, để thực sự hiểu
hết được câu chuyện đời người ấy. Bây giờ người ta dùng lối nói “lắng nghe thấu
cảm” (empathetic listening) để diễn tả lối lắng nghe này.
Có người chia ra
ba loại lắng nghe.
1. LOẠI LẮNG NGHE THỨ NHẤT là chú tâm vào
những gì giới trẻ nói để tìm ra những vấn đề của họ, những nhu cầu của họ, những
mối bận tâm của họ. Có những bạn trẻ
mất đức tin vì không ai gỡ cho mình một khúc mắc đã có từ lâu. Đức tin vẫn cần
sự ưng thuận của trí khôn nữa.
Lắng nghe là cách
thức để khám phá những câu hỏi của người trẻ, mà chúng ta có thể trả lời với
giáo huấn của Giáo Hội. Theo tôi, loại lắng nghe thứ nhất này không phải là
không quan trọng, thậm chí đây là điều thường xảy ra. Nhiều người trẻ đến với vị
đồng hành mà họ tin tưởng vì họ đang gặp vấn đề mà tự họ không giải quyết được.
Có những vấn đề về đức tin, thí dụ về cách cầu nguyện, về bùa ngải, về một người
bị quỷ ám, về làm sao biết được ý Chúa, đặc biệt trong việc chọn lựa ơn gọi. Có
những vấn đề về luân lý, thí dụ như vấn đề quan hệ trước hôn nhân, thủ dâm, đồng
tính… Cũng có cả những vấn đề có vẻ đời thường, thí dụ như chọn người bạn đời,
chọn việc làm, giải quyết vấn đề trong gia đình… Người đồng hành được nghe những
điều làm người trẻ nặng lòng. Có thể là một vấn đề rất khó giải quyết, những
cũng có thể là một vấn đề quá đơn sơ và dễ dàng. Trong loại lắng nghe thứ nhất
này, người bạn trẻ có vẻ thụ động để lắng nghe lời giải đáp từ người đồng hành.
Họ sẽ sung sướng khi thấy vấn đề của mình được giải quyết ổn thỏa, nhận được
ánh sáng để hiểu rõ hơn, hay thấy lương tâm thanh thản hơn trước chuyện đã qua.
Cũng phải cho thấy giáo huấn của Chúa Giêsu hay của Giáo hội không phải là một
áp đặt vô lý trên tự do con người, nhưng nhằm bảo vệ cho con người khỏi những
trói buộc của tội lỗi.
Để có thể trả lời
những vấn đề làm người trẻ bận tâm, những vấn đề thuộc đủ mọi lãnh vực, có tính
thiêng liêng nhiều hay ít, vị đồng hành phải là người có kiến thức sâu rộng về
nhiều mặt: về thần học, Kinh Thánh, về truyền thống linh đạo trong Giáo Hội, về
tâm lý… Đức tin của bạn trẻ có thể bị rơi vào khủng hoảng chỉ vì không thấy
Thiên Chúa là đấng toàn năng trước sự dữ đang xảy ra. Thiên Chúa cũng bị coi là
Thiên Chúa vô cảm, không biết yêu thương, khi người trẻ hay gia đình của họ gặp
nhiều thử thách quá sức chịu đựng. Như thế người đồng hành phải cho họ thấy
khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, một Thiên Chúa tôn trọng tự do con người, một
Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa tốt, một Thiên Chúa cho phép
Xatan ảnh hưởng trên con người (SGLCG 760). Thập giá của Đức Giêsu, Con Thiên
Chúa, là sự dữ lớn nhất mà Thiên Chúa cho phép xảy ra, để trao ban ơn cứu độ của
Ngài qua cái chết thảm khốc của người Con Một. Nơi đây, tưởng như Thiên Chúa chịu
thua lòng độc ác của loài người tội lỗi, tưởng như tử thần có khả năng nuốt chửng
Đấng ban sự sống, Đấng là Sự Sống. Nơi đây tưởng như Thiên Chúa vắng mặt, thinh
lặng hay khoanh tay. Nhưng chính qua thập giá Chúa Giêsu, Thiên Chúa cho thấy một
Tình Yêu lớn lao (Ga 3,16), tình yêu mạnh hơn cái chết, khi cho Đức Giêsu được
phục sinh. Mầu nhiệm thập giá giải quyết được nhiều khúc mắc trong đời sống đức
tin của người trẻ. Hiểu biết về Kinh Thánh cũng cần cho vị đồng hành, vì thi
thoảng có những câu lời Chúa đặt vấn đề cho bạn trẻ khiến họ bối rối. Vị đồng
hành không cần phải có chuyên môn Kinh Thánh, nhưng phải có đủ khả năng để cho
thấy câu lời Chúa đó nằm trong bối cảnh nào, được viết theo thể văn nào, nên thực
sự nó mang ý nghĩa gì và phải áp dụng ra sao. Thí dụ như lời khuyên đưa má ra
sau khi bị tát, hay phải yêu kẻ thù…
Hơn nữa, vị đồng
hành còn phải thông thạo những vấn đề mà giới trẻ ngày nay đang đối diện, những
điều làm họ say mê, và những điều bị họ coi là không hợp thời, những cám dỗ
đang lôi kéo họ, và những lý do khiến họ rời xa Chúa và Giáo Hội. Những hiểu biết
rành rẽ về người trẻ của vị đồng hành sẽ giúp cho cuộc đối thoại dễ dàng hơn.
Không thể đồng hành với người trẻ nếu không biết khá rõ về vấn đề đồng tính, ngừa
thai, phá thai, thủ dâm, phim sex, oral sex hay quan hệ trước hôn nhân; về hậu
quả của chúng và về lý do tại sao Giáo Hội cấm đoán chúng.
2. LOẠI LẮNG NGHE THỨ HAI là nghe xem người
trẻ nghĩ gì về Giáo Hội để biết Giáo Hội phải thay đổi như thế nào.
Có những người trẻ
muốn được đồng hành để giải quyết những vấn đề của mình, nhưng cũng có một số
ít người trẻ thao thức về sứ mạng của Giáo Hội. Họ thấy Giáo Hội có những bất
toàn hay bất cập, chậm chạp trong việc đối diện và giải quyết những vấn đề cấp
bách. Họ biết Giáo Hội có những vị lãnh đạo bất xứng, những lạm dụng về tiền bạc
hay thân xác, những chia rẽ và bè phái, những quan liêu trong cách phục vụ, những
chạy đua về tiếng tăm, vật chất, hưởng thụ… Không nên coi những người này là
thành phần nổi loạn, chống đối Giáo Hội. Trái lại, vị đồng hành có thể nhận ra
họ là những người mang nặng mối ưu tư về Giáo hội và nóng lòng muốn đóng góp phần
của mình. Chấp nhận đối thoại thẳng thắn và tích cực lắng nghe, vị đồng hành có
thể tìm thấy một người trẻ tích cực cộng tác với mình trên con đường canh tân bộ
mặt Giáo Hội hay giúp Giáo Hội ứng phó với một tình huống khó khăn chưa từng thấy.
Khiêm tốn lắng nghe một bạn trẻ, dù ý kiến người đó còn non nớt, nông cạn hay
phiến diện, vị đồng hành cho thấy thái độ của Giáo Hội: đón nhận đóng góp của bất
cứ ai có thiện chí với lòng biết ơn. Tinh thần sáng tạo của người trẻ, nhất là
người trẻ trí thức, sẽ giúp cho Giáo Hội giữ được vẻ tươi mới, hợp thời, và khiến
Giáo Hội hấp dẫn những người trẻ khác.
3. LOẠI LẮNG NGHE THỨ BA mà Thầy Alois, tu viện trưởng cộng đoàn Taizé ở
Pháp đang thực hành, rất gần với điều chúng ta đã nói đến trên đây về đồng hành
thiêng liêng.
Tu viện Taizé ở
Burgundy nổi tiếng vì thu hút những người trẻ, kể cả những người không bao giờ
đi nhà thờ. Thầy Alois giải thích rằng những người làm việc ở Taizé là những
người biết lắng nghe người trẻ để khám phá ra nơi Thánh Linh đang hoạt động
trong cuộc đời họ, ngay cả trong cuộc đời những người không coi mình là tín hữu.
Công việc của những người lắng nghe này là không áp đặt ý tưởng của họ lên giới
trẻ, mà là giúp các bạn trẻ thấy sự hiện diện của Thánh Thần trong cuộc đời họ.
Thầy Alois xác tín rằng nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì nơi nào có tình yêu và
lòng trắc ẩn, nơi nào có khát khao công lý và sự hòa giải, thì Thiên Chúa hiện
diện ở đó, ngay cả trong những người chưa được rửa tội. Alois tin rằng những
người trẻ đã tràn đầy Thánh Thần rồi. Họ chỉ cần chúng ta giúp đỡ để nhận ra điều
đó thôi.
Lối đồng hành
trên đây của Taizé nhấn mạnh đến việc vị đồng hành không hướng dẫn người trẻ đi
tìm ý Chúa ở ngoài cuộc đời của họ, nhưng hướng dẫn họ tìm ý Chúa trong cuộc đời
của họ. Không quay ra, nhưng quay vào trong lòng mình. Điều này giả thiết là
Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động trong cuộc đời mỗi bạn trẻ, bất chấp họ là
ai, họ có phải là kitô hữu không, hay có phải là kitô hữu ngoan đạo hay không.
Đồng hành là giúp họ nhận ra sự hiện diện và hoạt động ấy, dù còn mờ nhạt và
kín đáo. Khi người trẻ khám phá ra điều đó, họ sẽ ngỡ ngàng và reo vui, vì bấy
lâu họ tưởng đời họ là mảnh đất bỏ hoang, cằn cỗi, không người canh tác. Họ
ngây ngất khi vị đồng hành cho thấy Thánh Thần hay Thiên Chúa đã có mặt cả
trong lúc họ cô độc hay tự cô lập mình, đã tế nhị nâng đỡ họ cả trong lúc họ tưởng
mình phải một mình chèo chống. Giúp bạn trẻ nhìn lại đời mình, thấy đời mình dưới
một ánh sáng mới, thấy Thánh Thần luôn đồng hành với mình: đó là việc của người
đồng hành. Để làm được việc đó, vị đồng hành cần có nhiều kinh nghiệm thiêng
liêng, có khi là kinh nghiệm của chính cuộc đời mình. Như Simôn và người môn đệ
Chúa yêu ra thăm mộ, dù ngôi mộ tối tăm u ám, họ vẫn nhìn thấy tấm khăn che đầu
được xếp gọn gàng và được để sang một bên. Chỉ cần một chi tiết nhỏ trong cuộc
đời đầy vấp ngã của người bạn trẻ, cũng đủ làm sáng lên tất cả những gì tưởng
như là đổ vỡ hoàn toàn. Vị đồng hành phải là người nhận ra cái biến cố tưởng
như vô nghĩa đó, cái may mắn tình cờ đó, cái cố gắng nhỏ nhoi đó của tình yêu
khi lòng đã muốn buông xuôi, đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa, từ đó
giúp bạn trẻ thấy chẳng có gì phải thất vọng hay tuyệt vọng. Cơ hội để làm lại
vẫn còn. Niềm tin không bị mất…
Nhà văn Antoine
de Saint-Exupéry có viết: “Đừng đi trước tôi, tôi không đi theo đâu. Đừng đi
sau tôi, tôi không dẫn đường đâu. Hãy đi bên tôi và là bạn của tôi.” Vị đồng
hành thật là một người bạn, bạn đường của người bạn trẻ, dù vẫn là người thầy.
VI. MỤC ĐÍCH CỦA ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG
Nếu vị đồng hành
chấp nhận dành thì giờ để đồng hành với bạn trẻ, và nếu người bạn trẻ cũng có ý
muốn gặp gỡ vị đồng hành, hẳn cả hai đều hướng đến một mục tiêu nào đó. Dù cuộc
gặp gỡ như thế nào đi nữa, mục tiêu vẫn là làm sao khám phá ra ý Chúa cho cuộc
đời người bạn trẻ và giúp họ hạnh phúc sống theo ý Chúa. Mỗi bạn trẻ có một
hoàn cảnh riêng, một ơn gọi riêng từ Thiên Chúa. Chỉ khi chọn đúng điều Chúa muốn,
người đó mới được hạnh phúc thật sự. Nếu tôi phải đồng hành với một bạn trẻ đồng
tính, làm sao tôi giúp bạn ấy đón nhận khuynh hướng tính dục của mình? Làm sao
tôi giúp bạn ấy cắt đứt với những tương quan không phù hợp trước đây? Và hơn nữa,
làm sao tôi cho thấy bạn ấy hoàn toàn có khả năng là một người Công giáo tốt
lành, hạnh phúc và triển nở ngay khi bạn ấy vẫn là người đồng tính.
Vị đồng hành là
người bạn đường có nhiệm vụ đi chung và giúp người bạn trẻ nhận ra những dấu hiệu
cho thấy ý Chúa. Vị đồng hành không áp đặt ý của mình lên người bạn trẻ, nhưng
tôn trọng những suy nghĩ và tình cảm của người bạn này. Như thế vị đồng hành cần
có thái độ “bình tâm” (indifference) như lối nói của thánh I-nha-xi-ô trong
Linh Thao. Bình tâm ở đây không phải là bình tĩnh hay lãnh đạm lạnh lùng, mà là
thái độ khiêm tốn của người đang tìm kiếm chứ chưa tìm thấy. Chính vì thế bình
tâm là tạm thời không nghiêng hơn về chọn lựa nào cả. Một trong những nguy hiểm
của vị đồng hành là vội vã cho rằng mình đã thấy hướng đi cho người bạn trẻ rồi,
không cần phải tìm kiếm thêm nữa. Như thế vị đồng hành quên rằng mình vẫn đang
trong hành trình cùng tìm kiếm với người bạn trẻ này. Đồng hành là lắng nghe những
chuyển động âm thầm của Thánh Linh đang tác động nơi tâm hồn người bạn trẻ. Có
khi người đồng hành đành phải bỏ đi ý nghĩ của mình sau khi lắng nghe người trẻ,
đơn giản là vì, qua cuộc trò chuyện, họ cảm nhận tác động của Thánh Linh lôi cuốn
mãnh liệt một người trẻ bước theo con đường rất riêng tư, ít người đi.
Vị đồng hành và
người bạn trẻ cùng nhau tìm ý Chúa. Người bạn trẻ kể cho vị đồng hành nghe những
biến cố đã và đang xảy ra trong đời mình, cũng như những chuyển động nội tâm của
mình, nói theo kiểu của Linh Thao là những “an ủi” hay “sầu khổ”. Vị đồng hành
lắng nghe, cảm thông, và cùng với người bạn trẻ “phân định” xem đâu là tác động
của Thiên Chúa hay Ác thần. Vị đồng hành phải là người có kinh nghiệm về phân định
(discernment), thậm chí nhạy bén trong việc nhận ra cả chuyện quỷ dữ giả dạng
thần lành, lôi kéo người ta đi theo con đường của nó, trông có vẻ rộng và tốt,
nhưng cuối cùng lại dẫn đến diệt vong (Mt 7,13-14). Để có kinh nghiệm về phân định,
vị đồng hành cần nắm vững các nguyên tắc, nhưng cũng cần trải qua những kinh
nghiệm thương đau nơi chính bản thân mình. Thánh I-nha-xi-ô chỉ đưa ra những
nguyên tắc để phân định xem đâu là tác động của Chúa, đâu là cám dỗ của quỷ,
sau khi chính Ngài đã có nhiều kinh nghiệm cá nhân về việc bị ma quỷ đánh lừa,
được kể trong sách Tự Thuật.[4]
Đồng hành thiêng
liêng là một tiến trình huấn luyện cần thiết giúp người trẻ trưởng thành trong
đời sống kitô. Người trẻ bước vào đời, sống đức tin của mình với bao câu hỏi và
thắc mắc mà tự mình không sao trả lời được, với bao cám dỗ và vấp ngã thấy khó
tự mình đứng lên. Có được một người đồng hành với mình, hiểu mình, gần gũi mình
như một người bạn, giỏi hơn mình như một người thầy: đây thật là một ơn phúc.
Việc đồng hành trước hết giúp người trẻ giữ vững đức tin giữa những sóng gió của
lạc thuyết, sau nữa làm đức tin ấy mạnh mẽ và phát triển đến tột cùng. Nếu vị đồng
hành là một người say mê Giêsu và có đời sống gương mẫu, thì chắc chắn người trẻ
ấy sẽ trưởng thành trong ơn gọi kitô và có khả năng làm chứng về đức tin của
mình trong mọi môi trường sống. Nhờ quen quay vào trong để nhận ra con người nội
tâm, quen có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa một cách cá vị, và nhờ quen với việc
phân định để tìm ý Chúa, người bạn trẻ sau này có thể đứng vững và dễ dàng tìm
thấy cách thức mình phải sống đức tin trong hoàn cảnh riêng của mình, dù khó
khăn đến đâu.
Vị đồng hành là một
người bạn gần gũi và hiểu được những sâu kín của lòng người bạn trẻ, nên có thể
nảy sinh tình cảm giữa hai người. Không phải ai cũng bắt chước được tình bạn
linh hướng giữa thánh Phanxicô và thánh nữ Clara, hay thánh Têrêsa và thánh
Gioan Thánh Giá. Chính vì thế vị đồng hành cần giữ khoảng cách và thường xuyên
xét mình để nhận ra những thay đổi nơi tình cảm của mình, và có thể cả nơi tình
cảm nơi người bạn trẻ. Cha De Guibert, S.J. khuyên: “Nếu vì tình cảm mà vị linh
hướng cảm thấy ngại tiếp tục đồng hành, thì hãy tìm cơ hội để chuyển đương sự đến
một vị linh hướng khác.” Bầu khí của cuộc gặp gỡ giữa vị đồng hành và người bạn
trẻ phải là bầu khí thiêng liêng, đáng tin cậy, và an toàn.
KẾT: Đồng hành với giới
trẻ là việc mục vụ quan trọng. Để có một thế hệ kitô hữu trẻ trung, trưởng
thành, năng động, không thể nào không có bóng dáng của những vị đồng hành đứng
phía sau. Nhu cầu có những vị đồng hành cho giới trẻ là nhu cầu có thực và khẩn
trương, nếu không chúng ta sẽ chỉ lôi kéo được một lớp trẻ đông đảo, với những
sinh hoạt vui vẻ ồn ào bên ngoài, nhưng lại thiếu sự sâu lắng bên trong để tĩnh
lặng mà gặp Đấng Vô Hình. Mặt khác, có được một vị đồng hành tốt lại không phải
là chuyện dễ dàng. Đồng hành là một ơn gọi, một “nghệ thuật” như lời Đức Thánh
Cha Phanxicô nói. Cần phải “khai tâm”, phải tốn công huấn luyện các vị đồng
hành. Các linh mục, tu sĩ là những người dễ có được nền huấn luyện cần thiết để
trở nên một vị đồng hành: đời sống thiêng liêng, nhân bản; kiến thức thần học,
Kinh Thánh, tâm lý và cả kinh nghiệm trong việc sống với giới trẻ, biết sử dụng
ngôn ngữ của họ. Giáo dân cũng có thể đồng hành với người trẻ, miễn là hội đủ
những điều kiện cần thiết. Dù là ai đi nữa, vị đồng hành cũng phải là người kết
hiệp sâu xa với Thiên Chúa, nhạy bén với tác động nhỏ của Thánh Linh, có phán
đoán chín chắn và quân bình, có sự khiêm tốn dễ thương để hạ mình tiếp xúc với
người trẻ, dám dành thời giờ để lắng nghe chuyện tưởng như không quan trọng.
Làm thế nào để
duy trì sức sống của Giáo Hội? Cần thế hệ trẻ. Nếu chúng ta để giới trẻ bơ vơ,
nếu họ không thấy ai đáng tin để họ có thể tâm sự và đặt câu hỏi, mong một câu
trả lời, nếu họ không thấy ai coi họ là quý và dám dành giờ ngồi bên họ… thì
tương lai của Giáo Hội sẽ là những nhà thờ vắng bóng người trẻ, xa lạ với đức
tin và lạnh lùng với giáo sĩ. Chỉ mong Giáo Hội Việt Nam, nhờ ơn Chúa nhà thờ
và hội đoàn vẫn còn thu hút người trẻ, biết nắm lấy cơ hội đang có, để đồng
hành với người trẻ hôm nay.
WHĐ (17.8.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 118 (tháng 5 & 6 năm 2020)
[1] Trương Thanh Tùng, “Việc Phân
Định của Vị Linh Hướng trong Đồng Hành và Trợ Giúp Phân Định,” trong Phân Định Thiêng Liêng, Tạp chí Linh Đạo
I-Nhã (nxb Đồng Nai, 2019) 279.
[3] Một tài liệu chưa xuất bản của
Julio Giulietti, S.J. “Ai dám dạy dỗ, thì không bao giờ tránh học hỏi”
(Quicumque audet docere, numquam desistat discere).