MARIA, THIẾU NỮ SION — MẸ CỦA NHỮNG KẺ TIN
Tác giả: Joseph Ratzinger
WGPNT (08.10.2021) - Chúng
ta hãy bắt đầu với lời chào của Thiên thần dành cho Đức Maria. Đối với Luca,
đây là “hạt nhân” đầu tiên của thánh mẫu học mà chính Thiên Chúa đã muốn giới
thiệu cho chúng ta qua sứ giả của Ngài là Tổng lãnh Thiên thần Gabrien. Nếu dịch
sát nghĩa thì lời chào sẽ như sau: “Mừng vui lên, đầy ân sủng. Thiên Chúa ở
cùng bà” (Lc 1,28). “Mừng vui lên”: Nhận xét đầu tiên là những từ này dường như
không hơn gì công thức chào hỏi thời bấy giờ trong thế giới nói tiếng Hy Lạp,
và truyền thống đã không ngừng dịch từ này là “kính chào”. Nhưng nhìn vào bối cảnh
của Cựu ước, công thức chào hỏi này lại có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Thật vậy,
hãy lưu ý kiểu nói “mừng vui lên” mà Luca sử dụng, đã xuất hiện bốn lần trong Bản
Bảy mươi, và đều là lời loan báo về niềm vui Đấng Thiên Sai (Xp 3,14; Ge 2,21;
Dcr 9,9; Ac 4,21). Lời chào này đánh dấu sự khởi đầu của Tin mừng theo nghĩa chặt;
lời chào bắt đầu với từ “mừng vui”, một niềm vui mới đến từ Thiên Chúa, phá tan
nỗi buồn xưa cũ và miên trường của thế giới. Đức Maria không chỉ đơn thuần được
chào hỏi một cách mơ hồ hoặc dửng dưng; việc Thiên Chúa chào Đức Maria và, qua
Mẹ, Ngài chào dân Israel đang mong đợi và toàn thể nhân loại là một lời kêu mời
hãy vui mừng từ nơi sâu thẳm con người chúng ta. Chúng ta buồn vì tình yêu của
mình ra vô ích, vì sức mạnh lấn át của sự hữu hạn, vì sự chết, đau khổ và giả dối.
Chúng ta buồn vì bị bỏ lại một mình trong một thế giới trái ngược, nơi có những
dấu hiệu bí ẩn về sự tốt lành của Thiên Chúa xuyên qua các khe hở nhưng lại bị
quyền lực bóng tối nghi ngờ cho đó là trách nhiệm hoặc biểu lộ sự bất lực của
Ngài.
“Mừng vui lên” - tại sao Đức Maria lại phải vui mừng trong một
thế giới như vậy? Câu trả lời là: “Thiên Chúa ở cùng bà”. Để hiểu được ý nghĩa
của lời loan báo này, một lần nữa chúng ta phải trở lại với các bản văn Cựu ước
làm nền cho lời loan báo này, đặc biệt là sách ngôn sứ Xôphônia. Những bản văn
này luôn chứa đựng một lời hứa kép với thiếu nữ Sion là hiện thân của Israel:
Thiên Chúa sẽ đến cứu độ, và Ngài sẽ đến cư ngụ nơi cô. Cuộc đối thoại giữa
Thiên thần với Đức Maria lặp lại lời hứa này và như vậy, lời hứa ấy trở nên cụ
thể theo hai cách. Những gì nói về người thiếu nữ Sion trong sách ngôn sứ
Xôphônia giờ đây hướng đến Đức Maria: Mẹ được đồng hóa với thiếu nữ Sion, Mẹ
chính là thiếu nữ Sion. Tương tự, Đức Giêsu, Đấng Mẹ được phép cưu mang, được đồng
hóa với Giavê, Thiên Chúa hằng sống. Khi Đức Giêsu đến thì chính Thiên Chúa đã
đến ngự trong lòng Mẹ. Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ — đây là ý nghĩa tên gọi Giêsu,
do đó nó rõ ràng xuất phát từ cốt lõi của lời hứa. Qua việc miệt mài phân tích
bản văn, René Laurentin đã cho thấy cách Luca chơi chữ tinh tế để đào sâu chủ đề
về sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngay cả những truyền thống ban đầu cũng miêu tả
Thiên Chúa cư ngụ “trong lòng” Israel — trong Hòm bia Giao ước. Việc cư ngụ
“trong lòng” Israel này giờ đây trở nên hoàn toàn hiện thực nơi Đức Trinh nữ
Nazarét. Do đó, chính Đức Maria đã trở thành Hòm bia Giao ước đích thực nơi
Israel, nhờ đó biểu tượng Hòm bia quy tụ một sức mạnh hiện thực không thể tin nổi:
Thiên Chúa mang lấy thân xác con người, đến nỗi thân xác ấy giờ đây trở thành
nơi cư ngụ của Ngài giữa thụ tạo.
Lời chào của Thiên thần — trung tâm của thánh mẫu học không
do trí óc con người phát minh — đã dẫn chúng ta đến nền tảng thần học của thánh
mẫu học này. Đức Maria được đồng hóa với thiếu nữ Sion, với dân tộc là tân
nương của Thiên Chúa. Mọi điều nói về Giáo
hội trong Kinh thánh đều đúng đối với Mẹ, và ngược lại: Giáo hội cũng
được biết một cách cụ thể mình là ai và có ý nghĩa gì khi nhìn vào Đức Maria. Đức
Maria là tấm gương, là thước đo thuần khiết của Giáo hội, bởi vì Đức Maria hoàn
toàn nằm trong tiêu chuẩn của Đức Kitô và Thiên Chúa, Mẹ hoàn toàn là nơi cư ngụ
của Ngài. Thử hỏi có lý do nào khác để Giáo
hội có thể tồn tại ngoài việc trở thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên
thế giới? Thiên Chúa không tương giao với những gì trừu tượng. Ngài là một ngôi
vị, và Giáo hội là một ngôi vị. Mỗi người chúng ta càng trở nên một ngôi vị, một
ngôi vị theo nghĩa là nơi cư ngụ thích hợp cho Thiên Chúa, tức thiếu nữ Sion,
thì chúng ta lại càng trở nên một, chúng ta càng là Giáo hội, và Giáo hội càng
là chính mình.
Theo đó, sự đồng hóa tiên trưng giữa Đức Maria và Sion đưa
chúng ta đến những hiểu biết sâu xa. Cách thức kết nối Cựu ước và Tân ước này
còn hơn cả một cấu trúc lịch sử thú vị, nhờ đó vị thánh sử liên kết lời hứa và
sự thành toàn, đồng thời giải thích lại Cựu ước dưới ánh sáng của những gì xảy
ra nơi Đức Kitô. Chính Đức Maria là Sion, có nghĩa là cuộc sống của Mẹ hoàn toàn
là hiện thân của những gì có nghĩa là “Sion”. Mẹ không kiến tạo một tính cá
nhân tự khép kín mà mối quan tâm chính của nó là tính độc đáo nơi bản ngã riêng
của nó. Mẹ không muốn chỉ là một con người gìn giữ và bảo vệ cái tôi của chính
mình. Mẹ không xem cuộc sống như một kho hàng mà ai nấy đều muốn lấy được càng
nhiều càng tốt cho mình. Như thế, cuộc sống của Mẹ trong sáng với Thiên Chúa,
nơi Thiên Chúa “có thể cư ngụ”. Cuộc sống của Mẹ như thế là nơi dành cho Thiên
Chúa. Cuộc sống của Mẹ nhấn chìm Mẹ vào tiêu chuẩn chung của lịch sử thánh
thiêng, để những gì xuất hiện nơi Mẹ, không phải là bản ngã hạn hẹp và gò bó của
một cá nhân biệt lập, mà là toàn thể Israel đích thực. Sự “đồng hóa tiên trưng”
[giữa thiếu nữ Sion và Đức Maria] này là một thực tại thiêng liêng; đó là một
cuộc sống theo tinh thần của Kinh thánh; bắt nguồn từ niềm tin của các Tổ phụ,
đồng thời mở ra với chiều cao và rộng của những lời hứa sắp đến. Chúng ta đã hiểu
tại sao Kinh thánh nhiều lần so sánh người công chính với cây hút nước hằng sống
vĩnh cửu và chiếc vương miện của người công chính đón nhận và tổng hợp ánh sáng
thiên đàng.
Một lần nữa, chúng ta hãy trở lại với lời chào của Thiên thần.
Đức Maria được gọi là “đầy ân sủng”. Từ ân sủng trong tiếng Hy Lạp (charis) xuất phát từ cùng một căn nguyên
với các từ vui mừng và hân hoan (chara, chairein). Do đó, với một hình thức
khác, một lần nữa chúng ta lại thấy cùng một bối cảnh mà sự so sánh trước đó với
Cựu ước đã dẫn dắt chúng ta. Niềm vui đến từ ân sủng. Ai ở trong tình trạng ân
sủng có thể vui mừng với niềm vui sâu xa, không ngớt. Đồng thời, ân sủng là niềm
vui. Ân sủng là gì? Câu hỏi này tự thôi thúc bản văn của chúng ta. Tâm thức tôn
giáo của chúng ta đã cụ thể hóa khái niệm này quá nhiều; nó xem ân sủng như một
thứ gì đó siêu nhiên mà chúng ta mang trong tâm hồn. Vì chúng ta biết rất ít,
hoặc chẳng biết gì về ân sủng, nên nó dần trở nên không còn thích hợp với chúng
ta nữa, một hạn từ trống rỗng thuộc về biệt ngữ của Kitô giáo, dường như chẳng
còn liên hệ gì với thực tại cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thật ra, ân sủng
là một thuật ngữ có tính tương quan: nó không khẳng định điều gì đó về Tôi, mà
là điều gì đó về mối liên hệ giữa Tôi và Bạn, giữa Thiên Chúa và con người. Do
đó, “đầy ân sủng” cũng có thể được dịch là: “Bạn đầy tràn Thánh Thần; cuộc sống
của bạn được kết nối mật thiết với Thiên Chúa”. Peter Lombard, tác giả của cuốn
thủ bản thần học phổ quát vào khoảng ba thế kỷ thời Trung cổ, đã đưa ra luận điểm
rằng ân sủng đồng nhất với tình yêu nhưng tình yêu “là Thánh Thần”. Ân sủng
theo nghĩa thích hợp và sâu sắc nhất của từ này không phải là một điều gì đó đến
từ Thiên Chúa; nhưng là chính Thiên Chúa. Cứu chuộc có nghĩa là Thiên Chúa,
hành động như Thiên Chúa thực sự, ban cho chúng ta không gì khác hơn là chính
Ngài. Quà tặng của Thiên Chúa là chính Ngài - Đấng với tư cách là Thánh Thần,
hiệp thông với chúng ta. Do đó, một lần nữa “đầy ân sủng” có nghĩa là Đức Maria
là một con người hoàn toàn mở ra, một người đã hoàn toàn mở rộng chính mình, một
người đã đặt mình vào tay Thiên Chúa một cách mạnh dạn, vô thời hạn và không sợ
hãi cho số phận của mình. Có nghĩa là Mẹ sống hoàn toàn bởi và trong mối tương
quan với Thiên Chúa. Mẹ là người lắng nghe và cầu nguyện, có tâm trí và linh hồn
sinh động theo những cách thế đa dạng mà Thiên Chúa hằng sống âm thầm mời gọi Mẹ.
Mẹ là người cầu nguyện và hoàn toàn vươn ra để gặp gỡ Thiên Chúa; do đó, Mẹ là
một người đang yêu, có chiều rộng và đại lượng của tình yêu đích thực, nhưng
cũng có sức mạnh phân định chính xác và sự sẵn sàng chịu đựng của tình yêu.
Luca làm tràn ngập sự kiện này bằng ánh sáng của một vòng mô
típ khác. Luca đã tinh tế xây dựng một sự song song giữa Ápraham, cha của những
người tin, và Đức Maria, mẹ của những người tin. Ở trong tình trạng ân sủng có
nghĩa là ở trong tư cách là một tín hữu. Đức tin bao gồm sự kiên định, tín thác
và hiến dâng, nhưng cũng có sự mù tối. Khi mối tương quan của con người với
Thiên Chúa, tức là tâm hồn sẵn sàng mở ra cho Ngài, được mô tả như là “đức
tin”, thì từ “đức tin” này thực sự diễn tả rằng khoảng cách vô biên giữa Đấng Tạo
hóa và thụ tạo không bị xóa nhòa trong mối tương quan giữa Tôi ‘nhân loại’ với
Bạn ‘thần linh’. Điều này có nghĩa là mô hình “đối tác”, vốn đã trở nên rất
thân thiết với chúng ta, bị phá vỡ khi nói về Thiên Chúa, vì mô hình đó không
thể diễn tả đầy đủ sự uy nghiêm và hoạt động ẩn giấu của Thiên Chúa. Đó chính
xác là người đã được mở ra hoàn toàn cho Thiên Chúa, chấp nhận sự khác biệt và
ý muốn ẩn kín của Ngài, vốn có thể xuyên qua ý muốn của chúng ta như một thanh
gươm. Sự song song giữa Đức Maria và Ápraham bắt đầu nơi niềm vui của đứa con
được hứa ban, nhưng tiếp tục cho đến tận giờ khắc đen tối khi Mẹ phải lên núi
Môria, tức là cho đến khi Đức Kitô chịu đóng đinh. Tuy nhiên, sự tương đồng
không kết thúc ở đó; nhưng còn mở rộng đến phép lạ giải cứu Isaac — sự Phục
sinh của Đức Giêsu Kitô. Ápraham, cha của lòng tin — tước hiệu này mô tả vị trí
độc nhất của vị tổ phụ trong niềm tin của Israel và của Giáo hội. Nhưng chẳng
phải là tuyệt vời khi — không có bất kỳ sự hủy bỏ nào đối với vị thế đặc biệt của
Ápraham — người “Mẹ của những kẻ
tin” giờ đây đang đứng tại khởi điểm của một dân tộc mới và rằng đức tin của
chúng ta hết lần này đến lần khác nhận được thước đo và con đường đức tin từ
hình ảnh thuần khiết và cao đẹp của Mẹ hay sao?
Phêrô Bùi Đức Trịnh
chuyển ngữ từ sách: Joseph Ratzinger and Hans Urs von Balthasar, Mary the Church at the Source,
translated by Adrian Walker (San Francisco: Ignatius Press, 2005)
Nguồn: giaophannhatrang.org