LÒNG GHEN TỊ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Lm. Giuse Đỗ văn Thụy
I. LÒNG GHEN TỊ CỦA CON NGƯỜI
Ghen tị là một cảm xúc phổ
biến như tình yêu hay tức giận, và tất nhiên ghen tị cũng là một cảm xúc mạnh mẽ
như bất cứ đam mê nào khác trong lòng người. Ngày xưa cũng như ngày nay, sự
ghen tị đều làm chúng ta buồn phiền, bất chấp ý hướng hay những nỗ lực tốt lành
mà chúng ta muốn thực hiện để khắc phục sự ghen tị. Trong khi một số người chỉ
cảm nhận sự ghen tị như một cảm xúc nhất thời và chóng qua, thì có những kẻ lại
bị “chế ngự bởi sự ghen tị,” và hậu quả là họ phải đau đớn trầm trọng về mặt
tâm thần, khi sự ghen tị thống trị cuộc sống và tâm thức của họ.[1] Thần học và tâm
lý học Kitô giáo đều cảnh giác chúng ta đừng coi thường sức hủy hoại của lòng
ghen tị. Truyền thống Kitô giáo xem lòng ghen tị như một điều xấu cố hữu, nên
đã xếp lòng ghen tị vào danh sách bảy mối tội đầu.
Các nhà phân tâm học cũng
quan tâm đến lòng ghen tị, vì họ nghĩ rằng lòng ghen tị là nhân tố nằm bên dưới
nhiều vấn đề liên quan đến mối tương quan giữa con người, gây đổ vỡ giữa vợ chồng,
con cái, bạn bè và các quốc gia.
Theo từ điển Webster, ghen
tị là: cảm thấy đau đớn và tức giận khi người khác vui hưởng một lợi lộc, đồng
thời ước ao muốn chiếm đoạt lợi lộc ấy. Các nhà tâm lý bổ túc thêm: và muốn phá
hoại kẻ đang chiếm hữu lợi lộc ấy.[2]
Lòng ghen tị đặt nền tảng
trên ý nghĩ này: Vì của cải có giới hạn, nên một ai đó chiếm hữu quá nhiều, thì
tôi chẳng còn được bao nhiêu. Nếu chúng ta xem xét cảm xúc ghen tị một cách kỹ
lưỡng, chúng ta có thể khám phá được hai điều này. Thứ nhất, lòng ghen tị vừa
biểu lộ nỗi khao khát muốn đón nhận những điều thiện hảo của đời sống, vừa biểu
lộ sự thất vọng vì những điều thiện hảo mà mình đã đón nhận từ cuộc sống. Người
ghen tị cố tước đoạt của người khác những điều họ khao khát. Thứ hai, lòng ghen
tị luôn luôn xuất hiện nơi những người không có lòng biết ơn. Trong khi lòng biết
ơn sản sinh ra tình yêu, lòng ghen tị lại sản sinh ra căm thù. Khi chúng ta nhận
ra lòng ghen tị xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào, thì đó có thể là cơ may
giúp chúng ta được chữa lành và trưởng thành.[3]
Để hiểu rõ một cảm xúc phức
tạp như lòng ghen tị, chúng ta nên biết rằng, cảm xúc ấy bắt nguồn từ ước muốn
hoàn thiện của mình. Bất cứ khi nào chúng ta nhận thấy một điều tốt, chúng ta
cũng bị lôi cuốn bởi điều tốt ấy. Chúng ta khao khát đến gần hay chiếm hữu điều
tốt ấy. Điều tốt ấy có thể là một con người, một đồ vật, một vẻ đẹp hay một đặc
điểm cao quý như hạnh phúc hay lòng quảng đại. Trong thực chất, lòng ghen tị
liên quan đến sự thiện hảo. Lòng ghen tị bắt nguồn từ nỗi khao khát mãnh liệt
muốn chiếm hữu điều thiện và từ nỗi thất vọng sâu xa vì không chiếm được điều
thiện ấy. Lòng ghen tị xâm nhập con tim chúng ta, khi chúng ta không hy vọng
chiếm được những điều tốt mà chúng ta ao ước. Tâm trạng sụp đổ và thất vọng là
mảnh đất mầu mỡ để lòng ghen tị phát triển, vì lòng ghen tị triển nở mỗi khi
chúng ta thiếu niềm hy vọng. Vì thế, chúng ta có thể cảm thấy rất đau đớn khi
người khác thành công, hay cảm thấy hân hoan trong lòng khi người khác thất bại.
Lòng ghen tị sẽ xuất hiện,
khi chúng ta không hiểu rõ giá trị cao sâu của lòng khao khát mà con người phàm
nhân của chúng ta đang trải nghiệm. Là con người, chúng ta mang trong lòng một
sự trống rỗng không ngừng khao khát được lấp đầy. Do đó, thánh Augustinô đã cầu
nguyện như thế này: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và lòng con vẫn
còn thao thức mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.” Qua lời nguyện ấy,
chúng ta thấy rằng con người mang trong lòng một nỗi khao khát thẳm sâu, và vì
thế, họ luôn luôn cảm thấy chưa đầy đủ và cứ thèm muốn nhiều hơn nữa. Chính vì
lòng khao khát vô biên ấy, mà chúng ta hằng ước muốn trở nên viên mãn. Khi
chúng ta không ý thức mà chấp nhận khía cạnh ấy nơi thân phận con người chúng
ta, chúng ta sẽ trở nên người thất vọng và ghen tị. Chúng ta quên rằng, chúng
ta chỉ là những thụ tạo của Thiên Chúa, và chúng ta được dựng nên là để đi tìm
sự viên mãn nơi tình yêu Thiên Chúa. Lòng ghen tị làm chúng ta nghĩ rằng, “giả
như tôi chiếm được điều này hay điều nọ, tôi sẽ trở nên viên mãn.” Nhưng cuối
cùng, kinh nghiệm cho chúng ta thấy mình bắt đầu vỡ mộng và căm ghét chính những
điều mà chúng ta nghĩ là có thể làm cho chúng ta mãn nguyện.
Thay vì chấp nhận những hạn
chế và mất mát như một phần của cuộc sống, kẻ ghen tị nghĩ rằng người khác thì
nhận được nhiều, trong khi họ chẳng nhận được bao nhiêu. Người ghen tị chú ý
quá nhiều đến những gì người khác sở hữu, khiến họ không thể tập trung vào những
gì họ đang cần và đang mong muốn. Khi họ thiếu nhận thức về chính mình, thì
tình trạng đó cản trở họ lãnh trách nhiệm về cuộc đời mình. Họ nghĩ rằng, người
khác phải chịu trách nhiệm về những gì họ đang thiếu, và vì thế mà họ tức giận.
Họ đổ lỗi cho người khác, đó là tác nhân kích hoạt cảm xúc bị ngược đãi và thù
hằn mà họ cho là đúng, khiến họ nghĩ rằng người khác phải trả giá vì đã làm cho
họ cảm thấy tồi tệ. Những cảm xúc đau khổ mà họ cảm nghiệm nơi mình, dần dần trở
thành sự đau khổ do ngươi khác gây ra cho họ. Sự trống vắng và nỗi khao khát của
họ được thay thế bằng sự tức giận và thịnh nộ. Và kẻ nào đang sở hữu những điều
mà họ khao khát, kẻ ấy sẽ trở thành kẻ thù, mà hạnh phúc của kẻ thù thì không
có lợi cho họ.[4]
II. LÒNG GHEN TỊ TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG
ĐOÀN
Cần lưu ý hết sức đến những
hậu quả do lòng ghen tị gây ra trong đời sống cộng đoàn, vì đa số chúng ta đều
sống và làm việc trong nhóm. Các chuyên viên năng động nhóm đều cho rằng, các
cuộc xung đột trong nhóm thường bắt nguồn từ một sự ghen tị trong vô thức tập
thể. Các nhóm ít khi được thành lập bởi những người đồng đều như nhau; những khả
năng phú bẩm không đồng đều là chuyện không thể tránh. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng
ấy không đương nhiên sinh ra lòng ghen tị, nếu mỗi cá nhân cảm thấy đủ an tâm
và tự tin, mà hiểu rõ giá trị của những gì mà mỗi người cống hiến. Trong trường
hợp đó, “chúng ta không buộc phải có hết mọi sự và làm hết mọi việc. Chúng ta
có thể tin tưởng rằng, người khác sẽ cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta
thiếu.” Đó là điều mà Ann và Barry Ulanov, hai nhà phân tâm học theo trường
phái Jung, đã khẳng định trong một tác phẩm nghiên cứu về lòng ghen tị. Họ còn
nói thêm rằng, chúng ta “có thể vui mừng vì tài năng và khả năng của người
khác, bởi vì chúng ta cùng nhau làm nên một khối toàn vẹn và đáng mong ước.”[5]
Sự khác biệt của các cá
nhân có thể là một cơ hội làm giầu cho cộng đoàn, nếu biết liên kết những khác
biệt:
Có khi nào bạn quan sát một
người thợ xây bức tường từ những viên đá tự nhiên có hình dạng khác nhau - viên
có dạng hình chữ nhật, viên hình tam giác và cả những viên không có hình dạng
nhất định. Thế nhưng với sự khéo léo của người thợ, những viên đá khác nhau đó
đã tạo nên một bức tường rất chắc chắn và mang tính mỹ thuật cao.
Cuộc sống cũng vậy. chúng
ta sinh ra và lớn lên chẳng ai giống ai. Mỗi người một tính cách, mỗi người có
một thế mạnh riêng. Cuộc sống, công việc xung quanh ta là bức tranh rộng lớn được
hình thành bởi những con người với những tính cách khác nhau đó. Có người chú ý
đến tổng thể và có người chỉ quan tâm đến chi tiết. Nhiều người rất giỏi trong
việc nghĩ ra các ý tưởng hay thiết lập các kế hoạch vĩ mô nhưng lại không có
cách triển khai, theo đuổi và biến nó thành hiện thực. Ngược lại, số khác có thể
bền bỉ thực hiện mọi kế hoạch đề ra đến cùng. Hiếm có người nào một mình có thể
làm được tất cả.
Chắc chắn sẽ rất thành
công nếu chúng ta biết kết hợp những con người với những tính cách khác nhau đó
để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho tổ chức của mình. Và người giỏi không phải là
người làm tất cả mà là người biết dùng những người giỏi hơn mình để làm những
công việc thích hợp.
Howard Murad là bác sĩ
chuyên khoa da liễu ở Los Angeles. Ông nhận thấy hầu hết các bệnh nhân đều mong
muốn được kết hợp giữa việc điều trị và chăm sóc sắc đẹp. Nhưng ông cũng biết rất
rõ rằng ít có ai trong ngành y có thể giỏi trong cả hai chuyên môn này: “Tôi
quyết định hợp tác với một bác sĩ phẫu thuật, và nếu bệnh nhân của tôi cần đến
một cuộc giải phẫu thẩm mỹ thì đó không còn là việc của tôi nữa”.
Sau hai mươi năm thực hiện
việc điều trị bệnh kết hợp với chăm sóc sắc đẹp, bác sĩ Murad thu được khoảng
60 triệu đô la mỗi năm từ việc bán mỹ phẩm và điều trị theo phương pháp tắm nước
khoáng. Ông nhận xét: “Tôi có được ngày hôm nay có lẽ là do tôi chọn cách làm
việc với những người am tường những điều mà tôi không biết”.[6]
Sự khác biệt của các cá
nhân có thể là một cơ hội làm giầu cho cộng đoàn, nếu biết hợp tác với nhau:
Có hai người đang trong cơn
đói kém do hạn hán thì nhận được đồ bố thí của một ông cụ: một cần câu cá và một
giỏ cá sống. Người thứ nhất chọn giỏ cá, người thứ hai chọn cần câu rồi ai đi
đường nấy.
Người chọn giỏ cá thì kiếm
củi nhóm lửa, rồi ngấu nghiến nướng ăn mà chẳng biết tận hưởng mùi vị thơm ngon
của cá. Nhưng không lâu sau cá hết, anh ta chết đói cạnh cái giỏ không.
Còn người thứ hai thì cầm
cần câu nhịn đói, ráng lê từng bước đi đến bờ sông. Nhưng chưa kịp đến nơi thì
kiệt sức, anh ta gục chết giữa đường.
Lại có hai người đang đói
khác cũng được ông già cho một cái cần câu và một giỏ cá. Nhưng hai người này
không chia tay nhau mà rủ nhau cùng đi tìm dòng sông. Trên đường đi, họ vừa hỗ
trợ, vừa động viên nhau cùng cố gắng, khi mệt mỏi thì bắt ra một con cá nấu
chia nhau ăn. Cuối cùng, họ cũng đến được dòng sông. Từ đó, hai người sống bằng
nghề đánh bắt cá. Mấy năm sau, họ xây nhà, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái, sống
khỏe mạnh và hạnh phúc.[7]
Sự khác biệt của các cá
nhân có thể là một cơ hội làm giàu cho cộng đoàn, nếu biết ý thức trong xã hội
mỗi người có một vai trò khác nhau:
Một nhà khoa học già khá nổi
tiếng và một chàng ca sĩ trẻ gặp nhau trên cùng một chuyến bay. Khi xuống máy
bay, rất nhiều người hâm mộ vây quanh chàng ca sĩ, còn nhà khoa học thì chẳng
ai để ý đến.
Chứng kiến điều này, một
người quen của nhà khoa học bất bình nhưng khi vừa định lên tiếng thì liền bị
nhà khoa học ngăn lại: Ca sĩ thì phục vụ trước mặt công chúng, còn chúng tôi
thì làm việc một cách thầm lặng. Do đó, mọi người tất nhiên sẽ chào đón những
ca sĩ và âm thầm kính trọng chúng tôi. Trước mặt biết bao nhiêu người, các ca
sĩ có thể hát; còn chúng tôi, trước mặt đông người thì làm sao có thể làm thí
nghiệm hay nghiên cứu được? Trong xã hội có rất nhiều người vẫn đang âm thầm phục
vụ cho những người khác, và có thể bạn cũng là một trong số đó. Vấn đề là bạn
hiểu và biết rõ về việc mình đang làm và cảm thấy tự hào chứ không cần đến sự
tán dương của những người xung quanh.[8]
Sự khác biệt nơi mỗi cá
nhân có thể là một nguy cơ cho sự ghen tị đầu độc cộng đoàn:
Nếu các thành viên trong
nhóm thiếu lòng tự trọng, thì chúng ta có thể dự đoán là lòng ghen tị sẽ ngẩng
cao đầu và chĩa vào bất cứ thành viên nào tỏ ra nổi bật vì thành công hay vì
may mắn. Vì thế, những dịp mừng lễ, đám cưới, kỷ niệm và mừng sinh nhật có thể
là cơ hội khiến người ta so đo mà ghen tị. Khi người ta cảm thấy chẳng ai cho
mình điều gì, hay không đối xử với mình một cách đặc biệt, thì họ có thể cảm thấy
rất tức giận khi người khác được đề cao. Lòng ghen tị đầu độc đời sống cộng
đoàn. Khi người ghen tị làm bầu khí cộng đoàn trở nên ô nhiễm vì những cảm xúc
tức giận và ngấm ngầm phá hoại những nỗ lực sống chung và hợp tác, họ gây ảnh
hưởng xấu trên toàn thể đời sống cộng đoàn. Họ có thể gieo vãi mầm mống chia rẽ,
bằng cách loan truyền những tin đồn gây ngờ vực, xúi giục những người khác chống
đối nhau và tạo nên những cuộc đối đầu tay ba.[9]
Sự khác biệt của các cá
nhân có thể là một nguy cơ cho sự ghen tị hủy hoại cộng đoàn:
Để đối phó với những vấn đề
liên quan đến đời sống cộng đoàn, thì đức tin và thiện chí mà thôi thì chưa đủ.
Nếu các thành viên cộng đoàn thiếu những kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột
một cách hữu hiệu, họ sẽ không sao tránh khỏi những thiệt hại do lòng ghen tị
gây ra. Nếu có nhiều người ghen tị trong cộng đoàn, thì đời sống của toàn thể cộng
đoàn có thể bị phá hủy.
Một cách phá hoại phổ biến
là trút tức giận lên đầu một kẻ bung xung: Một cách ý thức hay vô thức, một vài
người thông đồng với nhau mà chỉ định một thành viên làm “người có vấn đề,” rồi
thuyết phục những người khác cũng tin như thế. Khi tìm hiểu các gia đình có “một
đứa con gây ra vấn đề,” các lý thuyết gia về hệ thống đã chứng minh rằng, năng
động “trút giận lên đầu một kẻ bung xung” là một điều hoàn toàn có thật. Khi
nghiên cứu gia đình như một hệ thống, họ có thể tìm thấy những sự liên minh và
xung đột giữa các thành viên trong gia đình.
Khi giúp mỗi thành viên
trong gia đình biết cách bộc lộ các nhu cầu và cảm xúc của mình, họ không cần
phải trút giận lên đầu một kẻ bung xung nữa. Nhưng khi các nhóm bất hòa mà đưa
ra những tiêu chuẩn như “phải tử tế” và “đừng vạch áo cho người ta xem lưng,” họ
ngăn cản các thành viên bày tỏ cảm xúc và bộc lộ sự bất đồng của mình, thì đó
là bước đầu mở đường cho việc trút giận lên đầu kẻ bung xung. Sự kiện đó đã xảy
ra trong một cộng đoàn Kitô hữu nọ, khi họ giải quyết sự xung khắc mà họ không
nhìn nhận, bằng cách trút giận lên đầu một người, mỗi năm một người khác nhau.
Bề ngoài thì họ làm ra vẻ có tinh thần hiệp nhất và hợp tác, nên những người
ngoài cộng đoàn nghĩ rằng họ là một cộng đoàn gương mẫu. Tuy nhiên, sự thật
không chỉ được tỏ lộ qua việc họ trút giận lên đầu một kẻ bung xung, mà còn biểu
hiện qua việc họ không có khả năng phát huy một đời sống cầu nguyện cho có ý
nghĩa, và không thể giao tiếp thân mật với nhau.
Ngoài việc trút giận lên đầu
kẻ bung xung, sự ghen tị trong cộng đoàn có thể biểu hiện qua những hình thức
ít bi thảm hơn. Chẳng hạn như đàm tiếu, tỏ thái độ tiêu cực (đối với bề trên và
các bạn nổi bật), không khích lệ và nâng đỡ nhau. Đó là những hình thức mà các
thành viên trong cộng đoàn thường sử dụng khi họ bộc lộ lòng ghen tị đối với
nhau.
Không có khả năng tiếp nhận
sự trợ giúp hay chân thành tỏ lòng biết ơn đối với các thành viên khác trong
nhóm, cũng có thể là những hình thức che đậy sự ghen tị.
Cuối cùng, sự ghen tị
trong cộng đoàn đôi khi được phản ánh qua việc các thành viên lớn tuổi đối xử
không tốt với các thành viên trẻ tuổi hơn. Quả là điều đau đớn đối với những
người lớn tuổi, khi họ phải chấp nhận những dấu hiệu suy yếu mỗi ngày một gia tăng.
Nếu họ không biết chấp nhận những sự mất mát không sao tránh được, thì sự tức
giận của họ sẽ tạo nên một sự ghen tị giữa người già và người trẻ, khiến họ
không thể vui hưởng những điều tốt lành mà họ trao ban cho nhau. Vì cảm thấy
mình bị lường gạt, nên một vài người lớn tuổi tỏ ra khó chịu với những người trẻ,
khi người trẻ thụ hưởng những điều mà họ không bao giờ có được.
Trong đời sống gia đình,
cha mẹ cũng có thể phải đối phó với những cảm xúc ghen tị đối với con cái, khi
họ thấy con cái có được những lợi thế, mà khi họ còn trẻ, họ đã không có. Đây
là một điều nghịch lý: Trên bình diện ý thức thì cha mẹ muốn con cái có được mọi
thứ, nhưng trên bình diện vô thức thì họ lại bực bội vì con cái có quá nhiều thứ.[10]
III. PHƯƠNG THẾ CHỮA TRỊ LÒNG GHEN
TỊ CỦA CON NGƯỜI
1. Chữa trị lòng ghen tị bằng
phương thế tự nhiên
a) Những
cách ngụy trang của lòng ghen tị
Những cơ chế tự vệ như phủ
nhận và tri thức hóa,[11] là những hình thức tự vệ mà
vô thức sử dụng để tránh né những cảm nghĩ đau đớn và tâm trạng khó chịu. Con
người sử dụng nhiều hình thức tự vệ để chống lại cảm xúc ghen tị. Trong tác phẩm
kinh điển về lòng ghen tị, bà Klein cho rằng những hình thức tự vệ thì khá nhiều,
nên chúng ta không thể liệt kê tất cả được. Những hình thức tự vệ ấy có mục
đích giúp chúng ta tránh khỏi đau khổ và khuynh hướng trả đũa, mà lòng ghen tị
có thể khơi dậy nơi chúng ta. Chúng ta thường sử dụng những hình thức tự vệ phổ
biến nhất, mặc dầu chúng ta không nghĩ rằng đó là những cách ngụy trang của
lòng ghen tị.[12]
Lý tưởng hóa
Chúng ta thường ghen tị với
những người chúng ta yêu mến và ngưỡng mộ, nhất là khi họ tỏ vẻ mình có được mọi
sự và những điều mà chúng ta không có. Khi chúng ta lý tưởng hóa những kẻ ấy và
tài năng của họ, thì đó có thể là một nỗ lực nhằm hạn chế lòng ghen tị của
chúng ta. Tuy nhiên, nếu lòng ghen tị quá mạnh mẽ, thì sớm hay muộn việc đánh
giá ấy cũng biến thành sự căm ghét, bởi vì nó làm cho chúng ta cảm thấy thấp
kém.
Đánh giá thấp
Đánh giá thấp là một hình
thức tự vệ khác nhằm tránh né lòng ghen tị. Người ta thường đưa ra hai ví dụ
sau đây để minh họa cho hình thức tự vệ này:
Thứ nhất
là thái độ “chê nho xanh,”[13] nhằm coi nhẹ những thất bại
của mình (dù sao thì giải thưởng ấy chẳng có giá trị gì!)
Thứ hai
là bày tỏ một sự thật hiển nhiên như “người giàu có nhiều tiền bạc, nhưng tiền
bạc đâu mua được hạnh phúc!” Một khi chúng ta đánh giá thấp một điều gì đó, cảm
nghĩ ghen tị của mình cũng biến mất. Chắc hẳn là chúng ta có thể đánh giá thấp
bất cứ điều gì hay bất cứ ai được xem là lý tưởng. Sớm hay muộn thì việc lý tưởng
hóa ấy cũng đưa đến việc vỡ mộng. Cơ chế lý tưởng hóa bị sụp đổ nhanh hay chậm
là tùy cường độ của lòng ghen tị ẩn khuất bên dưới. Khi người ta tương giao
thân thiết với kẻ này, rồi lại đoạn giao mà tìm cách tương giao với kẻ khác, vì
xu hướng phá hoại và đánh giá thấp chi phối mọi tương giao thân thiết của mình,
thì tâm trạng vỡ mộng và thất vọng của họ cứ lặp đi lặp lại.[14]
Bối rối
Gắn liền với lòng ghen tị
là cảm xúc thất vọng vì không đạt được điều mình hằng khao khát nhất. Nếu chìm
đắm trong những sự phù phiếm, chúng ta có thể cảm thấy rất khó khăn khi chọn lựa,
ngay cả những vấn đề hệ trọng như ơn gọi, nghề nghiệp, và những chuyện vụn vặt
như chọn thực đơn ở nhà hàng. Lối suy nghĩ thiếu quyết đoán và minh bạch khiến
chúng ta không thể lấy quyết định, đôi khi bắt nguồn từ lòng ghen tị và thất vọng
vì không đạt được điều chúng ta muốn. Sự bối rối đưa đến tình trạng bất động và
đình hoãn, có thể là một cách thức tự vệ nhằm tránh né hay chống lại sự ghen tị.[15]
Coi thường bản
thân
Coi thường bản thân hay
thiếu lòng tự trọng là một cách thức khác để tránh né cảm xúc ghen tị. Coi thường
bản thân là đặc điểm nổi bật của những người dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Việc
coi thường bản thân có thể đưa đến hậu quả là chúng ta không bao giờ có thể
phát huy những tài năng của mình một cách mỹ mãn, hay chỉ xuất hiện trong những
trường hợp nhất định như khi chúng ta phải đối đầu với một người quan trọng.
Hành động tháo lui và từ chối cạnh tranh có thể là một cách thức tránh né những
cảm xúc đau đớn do lòng ghen tị gây ra. Tuy nhiên, khi trốn tránh như vậy,
chúng ta phải trả một giá đắt, là đánh mất cơ hội quý giá để phát huy tài năng
của mình và gặt hái thành công.
Tham lam
Tham lam có thể là một
cách thức tự vệ tinh vi chống lại lòng ghen tị. Phát xuất từ sự thiếu thốn cùng
cực trong thời thơ ấu, lòng ghen tị đưa tới tình trạng bất lực vì không bao giờ
cảm thấy mãn nguyện. Những ai phải chịu đau khổ như thế thì nghĩ rằng: “Tôi có
được gì và tôi có là gì, hẳn không bao giờ đủ!” Cảm nghĩ túng thiếu có thể thúc
bách họ thèm muốn hay chiếm hữu tất cả những gì họ có thể chiếm hữu, bất luận
là của cải vật chất hay của cải tinh thần. Bị thôi thúc bởi lòng tham không
đáy, họ quan tâm đến việc “chiếm hữu” và “vượt thắng kẻ khác” để tránh né lòng
ghen tị. Khuynh hướng cầu toàn và chuyên môn hóa có thể là những biểu hiện của
xu hướng tránh né ghen tị, khi người ta đuổi theo những thành công và thành tựu
để làm cho mình được yên lòng.[16]
Khoe khoang
Khi người ta khoe khoang
thành công và tài sản của mình để kích thích lòng ghen tị nơi người khác, thì
đó cũng là một cách đảo ngược tâm trạng ghen tị mà mình đang trải nghiệm. Khi
người ta muốn làm cho người khác trở thành kẻ ghen tị và chiến bại, thì thái độ
ấy vừa biểu lộ sự thù hằn, vừa biểu lộ sự bất lực sâu xa, vốn là đặc điểm trong
thế giới nội tâm của kẻ ghen tị. Thái độ tự tôn hay xu hướng khoe khoang tài sản
của mình là mặt nạ quen thuộc của lòng ghen tị.
Căm thù và dửng
dưng
Để chống lại lòng ghen tị,
người ta còn sử dụng một hình thức tự vệ khác, là dập tắt cảm xúc yêu thương và
ôm ấp cảm xúc căm thù. Kẻ ghen tị tỏ ra bối rối trước một mớ cảm xúc lẫn lộn giữa
yêu thương, thù ghét và ghen tị, mà hậu quả là những cảm xúc ấy sẽ xuất hiện trong
các mối tương quan thân thiết của mình và họ không thể chịu đựng được những cảm
xúc mâu thuẫn như thế. Để tránh né sự xung đột giữa các cảm xúc mâu thuẫn trong
nội tâm, họ có thể phủ nhận cảm xúc yêu thương, bằng cách biểu lộ sự căm thù một
cách công khai, hay tỏ vẻ dửng dưng. Kìm nén cảm xúc ấm áp và những biểu hiện của
lòng nhân ái là một hình thức trả thù tinh vi đối với những kẻ mà chúng ta ghen
tị.
Thoái lui
Một biến thể khác của cơ
chế tự vệ là cắt đứt quan hệ với người khác. Một sự độc lập thái quá thường che
giấu nỗi sợ ghen tị và chống lại lòng ghen tị của mình, bằng cách tránh né những
kinh nghiệm có thể làm phát sinh lòng ghen tị cũng như lòng biết ơn. Nếu chủ thể
không có khả năng xin người khác giúp đỡ hay đón nhận sự giúp đỡ của người khác,
thì đôi khi đó là dấu chỉ của lòng ghen tị, bởi vì khẳng định sự độc lập quá mức
có thể là từ chối nhìn nhận sự thành công của người khác.
Chỉ trích thiếu
xây dựng
Ngồi lê đôi mách, nói xấu
sau lưng kẻ khác, và những cách thức hạ nhục người khác như thế, là những hình
thức biểu lộ sự ghen tị rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Kẻ ghen tị thì
cảm thấy không vui khi người khác được hạnh phúc, nhưng lại cảm thấy hài lòng
và hân hoan khi kẻ khác gặp điều bất hạnh. Làm mất uy tín hay bôi nhọ thanh
danh của kẻ khác được xem là biểu hiện của lòng ghen tị.[17]
b) Chữa
trị bằng phương thế tự nhiên
Hãy nhìn nhận những
thành công đến với người khác từ sự nỗ lực của họ
Hãy nhìn nhận những thành
công, những may mắn đến với người khác từ sự nỗ lực của họ. Đó là thành quả họ
đáng nhận được. Chỉ nghĩ như vậy, bạn mới xóa tan cảm giác tiêu cực trong lòng
bạn. Đừng bao giờ tỏ ra ghen tị với thành công của người khác, bởi vì để có được
nó họ đã dốc hết sức mình cho nó. Bạn hãy cổ vũ họ, khuyến khích và công nhận
thành công của người khác. Như thế, bạn sẽ có thêm động lực để phấn đấu.[18]
Học cái hay của
người khác
Khi Hasan - một nhà hiền
triết Hồi Giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: “Thưa ngài, xin ngài cho tôi biết
ai là thầy ngài? Ai là người đã truyền cho ngài những kiến thức uyên bác đến vậy?”.
Hasan mỉm cười: Những người
thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng
tháng, hàng năm. Điều đó quá dài vì thời gian của ta còn rất ít.
Nhưng ta có thể kể ra đây ba người thầy trong số những vị ấy.
Người đầu tiên là một tên
ăn trộm. Một lần, sau khi lạc giữa sa mạc, ta tìm đến được một khu làng, trời
đã rất khuya, mọi nhà đều đóng cửa ngủ cả. Đi mãi, cuối cùng tình cờ ta bắt gặp
một người đàn ông đang hì hục khoét vách. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở
đâu, ông ta trả lời: “Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân. Nhưng ông
có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên ăn trộm”.
Quá khát và mệt mỏi, ta
quyết định theo người đàn ông đó về chỗ trú chân, không một chút chần chừ. Ta
đã nán lại đấy hẳn một tháng! Mỗi đêm, trước khi đi, người đàn ông ấy đều lặp lại
câu nói quen thuộc: “Tôi đi làm đây, ông ở nhà cầu nguyện cho tôi nhé!”. Lần
nào người đó trở về, đáp lại ánh mắt tò mò của ta, vẫn là câu trả lời: “Hôm nay
chẳng ăn trộm được gì cả, nhưng ngày mai tôi sẽ làm được. Có thể lắm chứ”.
Bỏ qua chuyện xét đoán việc
làm bất chính của người đàn ông kia, rõ ràng ông ta cũng rất đáng nể vì niềm
tin mạnh mẽ của mình phải không? Đã có lúc ta trải qua giai đoạn vô cùng bế tắc,
trí óc liên tục suy ngẫm nhưng chẳng ngộ ra được một chân lý nào. Điều đó khiến
ta rơi vào tâm trạng tuyệt vọng đến mức nghĩ rằng mình nên chấm dứt tất cả những
tìm kiếm vô nghĩa này. Nhưng ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên ăn trộm, kẻ hằng
đêm vẫn quả quyết: “Ngày mai tôi sẽ làm được. Có thể lắm chứ!”.
Người thầy thứ hai của ta
là một con chó - đừng vội cười nhé anh bạn. Lần đó, khi ta đang đi dọc bờ sông
thì một con chó xuất hiện. Nó đang khát nước. Nhưng vừa nhìn xuống dòng nước,
nó liền hoảng sợ bỏ chạy. Chắc chắn nó đang nhầm tưởng cái bóng của mình là một
con chó khác. Có lẽ quá khát nên chạy được một đoạn, con chó đáng thương lại
quay trở lại. Mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất.
Ta nhận ra rằng, cũng như con vật kia, phần lớn nỗi sợ hãi trong con người
chúng ta đều do tưởng tượng mà nên. Vì vậy, phải biết lấy hành động để chiến thắng
nỗi sợ của bản thân.
Người thầy cuối cùng của
ta là một đứa bé. Lần nọ, ta đến một thành phố lớn và thấy một đứa bé cầm trên
tay ngọn nến đã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: “Con tự thắp cây
nến này phải không?”. Đứa bé đáp: “Thưa phải”. Đoạn ta hỏi: “Lúc nãy ta còn thấy
cây nến chưa được thắp nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết
ánh sáng từ đâu đến không?”.
Đứa bé cười to, thổi phụt
ngọn nến và nói: “Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi
đâu?”.
Cái tôi ngạo nghễ của ta
hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm
ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó trở đi, ta không bao giờ còn dám tự hào về
kiến thức của mình.
Đúng là có thể nói ta
không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học
trò. Ta xem vạn vật là thầy. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây, ngọn cỏ
đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy, vì ta có hàng triệu triệu
người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là
phải luôn sẵn sàng làm một người học trò và phải biết học hỏi ngay từ những điều
bình thường, từ những con người giản dị nhất.[19]
Phát huy sở trường
Tiến sĩ Don Clinfton, một
nhà tâm lý học hành vi đã trở nên nổi tiếng vì câu chuyện có ý nghĩa sau:
Đã có thời kỳ, các loài động
vật quyết định phải làm một điều gì đó có ý nghĩa để giải quyết các vấn đề đặt
ra trong thế giới mới này. Chúng đã tổ chức ra một trường học và thực hiện một
chương trình giảng dạy bao gồm các môn học như chạy, leo trèo, bơi và bay. Để tạo
điều kiện dễ dàng cho các môn học.
Vịt tỏ ra xuất sắc trong
môn bơi. Trên thực tế, nó còn bơi tốt hơn cả giáo viên hướng dẫn. Tuy nhiên Vịt
lại chỉ vừa đủ điểm để thi đỗ trong môn bay, còn môn chạy thì rất kém. Do chạy
chậm, Vịt đành phải bỏ môn bơi và ở lại trường sau giờ học để tập chạy. Điều đó
làm cho đôi chân Vịt bị mòn đi nhanh chóng khiến cho nó chỉ đứng vị trí trung
bình trong môn bơi. Tuy nhiên, với vị trí trung bình cũng là quá đủ, bởi vậy,
không một ai trừ Vịt lại lo ngại về điều này.
Thỏ bắt đầu với vị trí số
2 trong môn chạy, tuy nhiên, sau đó, bệnh co giật cơ bắp chân đã tiến triển với
một mức độ đáng lo ngại do Thỏ phải hoá trang quá nhiều trong môn bơi.
Sóc là người đứng đầu
trong môn leo trèo, song nó lại có thành tích đáng thất vọng trong lớp bởi vì
thầy giáo đã bắt nó phải xuất phát từ dưới đất lên chứ không phải từ trên ngọn
cây xuống. Sóc đã trở thành “chú ngựa ngốc nghếch” do cố quá sức và bởi vậy chỉ
được xếp loại “C” trong môn leo trèo và loại “D” trong môn chạy.
Chim đại bàng là một đứa
trẻ ngỗ nghịch và đã bị phạt nặng do không chịu nghe lời. Trong lớp leo trèo,
nó đánh bại tất cả những học sinh khác để leo lên ngọn cây, nhưng cứ khăng
khăng đòi sử dụng đôi cánh của mình để bay lên đó.
Bài học rõ ràng rút ra từ
câu chuyện này thật giản dị. Mỗi loài vật đều có những khả năng riêng mà tại đó
nó tỏ ra xuất sắc nhất, trừ khi nó bị yêu cầu hay buộc phải tuân theo một khuôn
mẫu khác không thích hợp đối với nó. Khi điều này xảy ra, sự thất vọng, nản chí
hay thậm chí tội lỗi sẽ dẫn đến sự tầm thường trong tất cả các hoạt động hay sự
thất bại hoàn toàn. Con Vịt dù sao vẫn là con Vịt và chỉ là con Vịt mà thôi. Vịt
được sinh ra để bơi chứ không phải để chạy, hay leo trèo, vốn không phải là sở
trường của nó. Do đó, việc nghĩ rằng Vịt chỉ có thể bơi hay bay sẽ giải quyết
được khó khăn của Sóc. Chim Đại Bàng là những sinh vật đẹp trên bầu trời chứ
không phải trong một cuộc chạy đua chân đất. Trong những cuộc đua đó, Thỏ sẽ
luôn luôn là người chiến thắng trừ khi Đại Bàng bị đói.
Điều đúng với các loài vật
trong rừng cũng đúng với tất cả chúng ta. Mỗi người đều có thể làm một việc gì
đó rất tốt. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp cho họ làm được nhiều điều mà họ có
thể làm tốt. Nguyên tắc quản lý cần phải tuân theo là phát huy sở trường và thế
mạnh của từng cá nhân và làm cho các thiếu sót, hạn chế không ảnh hưởng đến
công việc đang tiến hành.[20]
Chuyển từ tiêu cực
sang tích cực
Khi những ý nghĩ ghen tị
xuất hiện, bạn hãy chuyển hướng những ý nghĩ tiêu cực sang một bên và hướng đến
những điều mới mẻ khác.
Ông vua xe hơi Henry Ford
từng kể lại rằng: Tất cả những gì ông ta có được ngày nay là xuất phát từ một
chuyện nhỏ xảy ra ở một nhà hàng ăn. Ngày trước, ông chỉ là một anh công nhân sửa
chữa xe. Một lần, sau khi lĩnh lương tháng, ông rất vui sướng, bèn quyết định tới
một nhà hàng cao cấp mà mình đã mong ước được đến từ lâu.
Nhưng ông đã ngồi trong
phòng ăn tới gần 15 phút mà không có nhân viên phục vụ nào đến chào hỏi ông cả.
Cuối cùng cũng có một người miễn cưỡng tới bên bàn, hỏi ông cần gọi gì. Henry
Ford rối rít gật đầu nhưng chỉ thấy người phục vụ tỏ vẻ khó chịu, quẳng thực
đơn lên bàn một cách thô lỗ. Henry Ford vừa mở thực đơn xem thì nghe thấy người
phục vụ nói giọng khinh miệt: “Không cần xem kỹ quá đâu, anh chỉ cần xem phần
bên phải (ý chỉ giá tiền) thôi, phần bên trái chỉ là tên món ăn, không cần phí
công làm gì!”
Henry Ford ngẩng đầu lên.
Bắt gặp vẻ mặt đầy khinh miệt của người phục vụ, ông rất phẫn nộ. Ông định gọi
ngay món ăn đắt nhất nhưng nhớ ra trong túi chỉ có vài đồng lương ít ỏi, nên
đành phải nén cơn giận lại để chỉ gọi món hamburger.
Người phục vụ “hứ” một tiếng,
ngạo mạn nhận lại thực đơn từ tay Henry Ford. Tuy không nói nhưng vẻ mặt anh ta
đã cho Henry Ford thấy rõ anh ta nghĩ gì: “Tôi biết mà, một tên nghèo kiết như
thế này, chẳng qua cũng chỉ ăn hamburger
là cùng!”
Sau khi người phục vụ đi
khỏi, Henry Ford ngồi im lặng suy nghĩ: Tại sao mình chỉ có thể ăn món mà mình
ăn được chứ không thể ăn những gì mình muốn?
Ngay lúc ấy, Henry Ford đã
hạ quyết tâm sẽ trở thành một nhân vật lớn trong xã hội. Cuối cùng, từ một anh
công nhân sửa xe bình thường, Henry Ford đã trở thành một ông vua xe hơi nổi tiếng
thế giới.[21]
Chuyên tâm vào
công việc và cuộc sống của mỗi người
Hãy xác định lại những giá
trị cuộc sống đối với bạn, khi bạn đã có một đích nhắm, bạn sẽ không bị phân
tán bởi những đích nhắm của người khác. Chuyên tâm vào công việc và cuộc sống của
mình sẽ giúp bạn nhận ra được những giá trị đích thực mà bạn cần cho cuộc sống.
Đừng lãng phí thời gian ghen tị với những thứ không hợp với mình.
Người sáng lập ra tập đoàn
quản lý quốc tế của Mỹ (IMG), chuyên gia quản lý hàng đầu thế giới, kể về một
người bạn đã giúp anh nhận ra nhiều điều hay trong cuộc sống. Anh bạn này là
nhân viên bán hàng cực kỳ tài giỏi, bạn mà bước chân vào cửa hàng có anh đứng
bán thì khó lòng thoát khỏi những lời nói đầy ma lực của anh ta. Anh sẽ nói cho
đến khi tiền trong túi bạn phải bò ra mới thôi.
Mọi người ai cũng công nhận
anh ta có năng khiếu thiên bẩm trong lĩnh vực bán hàng, anh cũng tự biết thế.
Nhưng anh lại không muốn mọi người chỉ nhìn nhận mình như một người bán hàng giỏi.
Anh muốn chứng tỏ bản thân anh cũng chẳng thua ai trong các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, thực tế thì anh
chỉ có sở trường về bán hàng, đối với những lĩnh vực như cách thức tổ chức, đầu
tư tiền bạc, quản lý nhân viên anh không thông thạo gì mấy.
Người như thế có thể trở
thành giám đốc bán hàng số một của công ty, nhưng tuyệt đối không thể là nhà
doanh nghiệp được. Một bậc thầy về khả năng ăn nói, nhưng lại là doanh nhân hạng
bét! Suốt mười năm ròng, anh không ngừng cố gắng tạo dựng sự nghiệp cho riêng
mình: Liên tục mở công ty nhưng cũng liên tục đóng cửa!
Vì sao nên nỗi? Ấy là vì
anh đã không nhìn nhận đúng về bản thân mình và người khác. Theo quan điểm của
anh, bán hàng là công việc rất đơn giản, ai cũng làm được, nên khi mở công ty,
anh giao cho người khác trách nhiệm bán hàng, còn mình thì chuyển sang làm quản
lý. Đó chính là sai lầm chết người, vì thực ra anh là một quản lý tồi, trong
khi chẳng có nhân viên nào bán hàng hiệu quả như anh. Cuối cùng, sự phân công bất
hợp lý khiến cho không ai trong công ty phát huy được sở trường của mình, kể cả
anh.
Nào ai có thể toàn diện về
mọi mặt, vì thế đừng mong cầu sự hoàn mỹ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải
nhận biết và cố gắng phát huy sở trường của mình đến cùng, giảm thiểu thiệt hại
ở mức thấp nhất. Nếu cứ nhằm điểm yếu mà ra sức khai thác, bỏ luôn sở trường vốn
có, bạn sẽ mất đi nhiều cơ hội tốt. Cuối cùng, bạn sẽ trở thành một cái bóng mờ
nhạt, không có gì nổi trội cả.
Có sở trường quả là may mắn,
nhưng bỏ qua mà không dùng đến thì có cũng như không![22]
Hãy trân trọng bản
thân
Hãy yêu thương và trân trọng
bản thân, khi bạn yêu thương bản thân mình bạn sẽ thấy không ai có thể bằng
mình. Yêu bản thân chính là cách bạn đối phó hiệu quả nhất với sự ghen tị. Sự
ghen tị chỉ mang lại cho bạn sự tự ti và chán nản. Đừng đem những cảm xúc đó đến
với mình. Hãy cho mình cơ hội được tỏa sáng với chính khả năng và phẩm chất của
mình.
Chúng ta thường để sự ghen
tị lấn át đi những điều tốt đẹp khác, đừng bao giờ để những sai lầm đáng tiếc xảy
ra bạn nhé! Hãy sống là chính mình để thấy rằng mình là vô giá.[23]
“Trong mắt người khác, bạn
tuyệt vời theo cách riêng của mình bởi vẻ đẹp thật sự luôn xuất phát từ tâm hồn
và tính cách của bạn ” với câu chuyện như sau:
Cô có phải là người mẫu
không?”
Ngón tay ông vừa nhẹ nhàng
miết lên vết sẹo trên má tôi vừa hỏi. Vị bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ này hơn tôi
khoảng mười lăm tuổi. Vẻ nam tính cộng với ánh mắt như biết nói của ông làm tôi
cảm thấy ấm áp và tin cậy. Ông ta đang đùa với tôi ư? Tôi thầm hỏi và tìm kiếm
trên gương mặt của ông chút dấu hiệu của sự chế nhạo. Không một ai có thể nhầm
lẫn tôi với một người mẫu được. Tôi rất xấu! vết sẹo trên má tôi minh chứng cho
điều đó.
Tai nạn xảy ra năm tôi học
lớp bốn. Và hậu quả để lại là một vết sẹo kéo dài từ gò má xuống tận cằm trên
khuôn mặt của tôi. Chưa hết, vài tuần sau tai nạn, tôi đi khám mắt và phát hiện
mình bị cận thị nặng. Vậy là ngoài vết sẹo, trên mặt tôi còn chễm chệ một cặp
kính dày cộp, trên đầu lại thêm mớ tóc quăn lộn xộn. Từ đó trở đi, tôi không
dám nhìn vào gương và không ngừng mặc cảm về vẻ bên ngoài của mình. Mỗi lần gia
đình tôi xem chương trình thi sắc đẹp hoặc tuyển chọn “người mẫu tài năng” trên
truyền hình, tôi đều nhốt mình trong phòng khóc tấm tức.
Cuối cùng, tôi cũng quyết
định nếu như không thể xinh đẹp thì ít ra tôi cũng phải duyên dáng và biết
trang điểm. Tôi bắt đầu học cách làm đẹp, mặc trang phục phù hợp với vóc dáng của
mình, thay đổi kiểu tóc, đeo kính sát tròng. Tôi làm mọi cách để vượt qua sự mặc
cảm đó. Và hôm nay, tôi đến đây để chuẩn bị cho một cuộc phẫu thuật xóa đi vết
sẹo xấu xí kia - vết sẹo đứng giữa quá khứ và cuộc sống mới của tôi.
- Dĩ nhiên, tôi không phải
là một người mẫu. - Tôi trả lời ông bác sĩ bằng một giọng nói pha chút bực tức.
Vị bác sĩ phẫu thuật im lặng
khoanh tay trước ngực và nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Vậy tại sao cô phải quá
lo lắng về vết sẹo như thế? Nếu không có lý do gì liên quan đến nghề nghiệp của
cô thì tôi sẽ không xóa nó. Điều gì đã đưa cô đến đây thế?
Bất giác tôi đưa tay sờ
lên vết sẹo, khung cảnh trước mắt tôi bỗng trở nên nhạt nhòa. Tôi thấy ông bác
sĩ như là đại diện của tất cả những người tôi từng gặp. Những người bạn gái
nhìn tôi thương cảm, dù họ đã ý tứ tránh đề cập đến vấn đề nhan sắc. Cũng rất
ít chàng trai mời tôi khiêu vũ trong những buổi dạ hội. Những cuộc hẹn
hò lác đác và không đi đến đâu hồi đại học. Vết sẹo đã khẳng định sự thật rằng:
tôi rất xấu. Mắt tôi chợt ngân ngấn nước.
Vị bác sĩ dường như cảm nhận
được suy nghĩ của tôi, kéo ghế đến và ngồi xuống trước mặt tôi. Giọng nói trầm ấm
và dịu dàng của ông lại vang lên:
- Cô có biết tôi đã nhìn
thấy gì không? Trước mặt tôi đây là một người phụ nữ xinh đẹp, không phải là
người hoàn hảo, nhưng là một người xinh đẹp. Cô không nhớ Lauren Hutton có hai
răng cửa bị hở, Elizabeth Taylor có một cái sẹo trên trán sao?
Ông ngừng lại đưa cho tôi
một cái gương nhỏ rồi tiếp tục:
- Bất cứ người phụ nữ nào,
dù nổi tiếng, cũng đều có một khuyết điểm nào đó, và sự khiếm khuyết đó khiến
cho vẻ đẹp càng nổi bật vì nó minh chứng rằng cô ấy cũng là một con người.
Ông đẩy chiếc ghế ra và đứng
lên.
- Tôi sẽ không làm gì với
vết sẹo này. Đừng để cho ai đó lừa dối cô chỉ bởi gương mặt. Cô đã tuyệt vời
theo cách riêng của mình. Vẻ đẹp thật sự xuất phát từ tâm hồn. Tin
tôi đi.
Sau đó ông bước ra ngoài,
để tôi một mình trong căn phòng. Tôi nhìn lại khuôn mặt mình trong gương như ngắm
nhìn một người khác. Và bỗng nhiên, tôi cảm nhận được một vẻ đẹp riêng - một vẻ
đẹp mà bấy lâu nay, vì quá quan tâm đến vết sẹo nên tôi đã không nhận ra.
Khi thay đổi cách nhìn nhận
bản thân, tôi đã khiến những người khác cũng thay đổi cách nhìn của họ về tôi.
Vị bác sĩ không xóa đi vết sẹo trên gương mặt tôi, nhưng ông đã xóa được vết sẹo
từ lâu đã ăn sâu trong suy nghĩ của tôi.[24]
Không nản lòng
trước thất bại
Cánh cửa này đóng lại,
cánh cửa khác mở ra: Nhà văn Mỹ Roberto Sheller, trong tác phẩm “Niềm tin” đã
ghi lại câu chuyện dưới đây:
Trong số bạn bè của ông,
có một nữ nhân viên đánh máy tên là Bachinia Hayda. Người phụ nữ này không may
bị bệnh hoại thư nên phải cắt bỏ một số ngón tay. Khi ông đến thăm Hayda ở bệnh
viện, chị tâm sự: “Tôi đang rất băn khoăn là nếu tôi không thể đánh máy được nữa
thì tôi sẽ làm được việc gì đây?”
Sheller động viên bạn:
- Tôi tin chắc rằng, mỗi
khi một cánh cửa này đóng lại thì nhất định sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cơ hội
nhất định sẽ đến với bạn thôi. Chị nói: “Có lẽ tôi phải chuyển hướng tìm một
công việc khác”.
Sau đó khoảng hai tháng,
sau khi ra viện, Hayda đến thăm Sheller và nói với ông:
- Đúng như lần trước anh
đã nói, một cánh cửa đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cấp trên của tôi cần một
người có khả năng phân tích giá thành. Sau khi đọc lại hồ sơ lưu trữ nhân sự,
cho rằng có lẽ tôi có năng lực làm công việc này, ông đề nghị tôi đảm nhận công
việc này và trả lương cao hơn lương đánh máy.
Sau này chị đã trở thành
người thành công trong công việc phân tích giá thành.
Trong cuộc đời khó tránh
khỏi có lúc bạn bị rơi xuống đáy hình sin,
lúc này ta nên đối phó như thế nào? Thực ra Thượng Đế rất công bằng, bất kỳ một
người nào trong cuộc đời cũng có thời kỳ thăng và thời kỳ trầm. Thượng Đế đóng
cánh cửa này thì đồng thời sẽ mở cánh cửa khác đối với bạn. Cho nên, cho dù có
lúc gặp vận đen thì bạn cũng chớ nản lòng và đừng đánh mất niềm tin.[25]
Đừng dại dột làm
tổn thương người khác
Đừng dại dột làm tổn
thương người khác vì làm tổn thương người khác là làm tổn thương chính mình: Một
con chuột nhắt hoành hành trên chiếc tàu biển. Ngày nào nó cũng cắn phá thức ăn
và quần áo của thợ thuyền. Đám thợ khó chịu nên tìm cách đánh bẫy nó. Thấy vậy,
nó đục một cái lỗ dưới đáy thuyền để làm chỗ trú thân cho mình.
Và kết cục thì không cần
nghĩ cũng biết. Con chuột không ngờ là khi đục đáy thuyền, nó không những hại
thuyền mà cùng hại luôn cả mình.
Trong mối quan hệ với mọi
người, đừng bao giờ nghĩ kế hăm hại người khác, bởi hại người tức là hại mình.[26]
Không ngồi lê
đôi mách
Thử nhìn vào tương quan
con người trong cuộc sống hằng ngày, ta thấy, đã bao lần ta nói lời nguyền rủa
lẫn nhau. Nhiều khi ta đã tạo ra một dạng thức ma lực tồi tệ nhất với nhau, đó
chính là ngồi lê đôi mách, tán gẫu, nói chuyện tầm phào.
Ngồi lê đôi mách là thứ ma
lực tồi tệ nhất, vì nó hoàn toàn độc hại. Trong thực tế, có lúc bạn bắt gặp nhiều
người lớn túm tụm nói chuyện tầm phào với nhau, thoải mái đưa ra nhận xét này nọ
về người này người kia. Thậm chí, họ còn bàn tán xôn xao về cả những người mà họ
chưa hề quen biết. Song song với những phê phán mà họ đưa ra là các chất độc hại
cảm xúc (ác cảm). Và bạn nghiễm nhiên học đòi cách tán gẫu tầm phào đó trong
giao tiếp. Ngồi lê đôi mách trở thành một thỏa thuận của bạn!
Ngồi lê đôi mách là một dạng
thức giao tiếp khá phổ biến trong cộng đồng xã hội. Qua ngồi lê đôi mách, người
ta cảm thấy gần gũi nhau. Vì, qua ngồi lê đôi mách, họ bỗng tìm gặp được người
cũng tồi tệ như họ. Và điều đó làm họ vui thú. Thành thực mà nói, có hiện tượng
rất oái oăm là: Ta đau khổ, ta muốn người khác cùng đau khổ giống ta. Ta tìm đồng
minh, tìm người cùng cảnh ngộ. Giả như ta không tìm được đồng minh đau khổ, thì
ta sẽ bằng nhiều cách lôi kéo người khác, gây cho người khác đau khổ như ta.
Như thế ta mới bằng lòng! Nói cách khác, trong địa ngục, những người đau khổ
không muốn cô đơn một mình. Oái oăm là thế đó! Nỗi sợ hãi và đau khổ là một thực
trạng trong bối cảnh cuộc sống nhân loại trên hành tinh này.
Tâm trí con người một góc
độ nào đó cũng hệt như chiếc máy vi tính: chuyện ngồi lê đôi mách có thể được
ví như một con virus máy tính. Virus máy tính là một thứ ngôn ngữ tương
tự các ngôn ngữ khác đều được viết ra, nhưng ngôn ngữ này được mã hóa và có nội
dung độc hại. Mã này xâm nhập vào chương trình máy tính hầu như ngay lúc bạn ít
lưu ý đến nó nhất. Khi mã này đã xâm nhập máy tính, thì máy tính không còn hoạt
động ổn định nữa, hoặc tệ hơn có khi máy tính chẳng còn hoạt động được chút nào
nữa, bởi vì các mật mã virus này đã xáo trộn các dữ liệu thông tin, gây ra sự
xung đột giữa các dữ liệu thông tin với nhau, làm cho máy tính không thể phân định
được và do đó, máy tính ngưng hoạt động.[27]
Không rỉ tai
Những người xung quanh thường
thích lái suy nghĩ cũng như hành động của bạn theo ý họ muốn. Khi đó, bạn sẽ dễ
bị xao lãng và đi lệch so với những dự định, những ý tưởng ban đầu của mình, và
cứ thế, bạn sẽ trở thành một bản sao, một cái bóng của họ.
Mary được nhận vào làm việc
tại một công ty sản xuất bia ở vị trí nhân viên tiếp thị. Ngày đầu tiên đến
công ty, cô phấn chấn, hồ hởi với rất nhiều dự định cho con đường sự nghiệp tại
đây. Dù sao thì cô cũng là một ứng viên xuất sắc và đã vượt qua nhiều đối thủ.
Ngoài kiến thức cùng kinh
nghiệm làm việc đã có, Mary còn là một nhân viên có tư cách đạo đức tốt được cấp
trên tín nhiệm.
Một số nhân viên lâu năm
có tính bảo thủ và trì trệ trong bộ phận đã tỏ ra không mấy vui trước những kết
quả nho nhỏ của cô. Họ rỉ tai cô bằng những lời bóng gió xa xôi, rằng ở đây nếu
muốn tồn tại lâu thì phải biết nghe lời và phục tùng họ. Họ nói xa nói gần, thì
thầm to nhỏ và khuyên cô không nên tốn công sức để cống hiến cho một công ty
“không biết điều với nhân viên”, rằng mọi cố gắng của Mary khi làm thêm ngoài
giờ sẽ chẳng bao giờ được cấp trên tính đến.
Ban đầu, Mary cũng cảm thấy
hơi nản vì phải chứng kiến những thói quan liêu vô trách nhiệm của đồng nghiệp.
Dần dần, Mary trở nên lười biếng hơn. Đồng nghiệp ở các bộ phận khác cũng không
còn thấy cô năng nổ trong công việc nữa. Cô trở thành một con người khác hẳn, bằng
lòng và an phận với những gì mình có. Cho đến một ngày, ban giám đốc buộc cô phải
chuyển sang một bộ phận khác với mức lương thấp hơn vì đã không cố gắng trong
công việc. Lúc bấy giờ, Mary mới hiểu ra rằng trong suốt một thời gian dài, cô
đã a dua cùng đám nhân viên xấu để rồi trở thành cái bóng của chính họ.
Chúng ta đều biết thói
quen xấu dễ lây lan như một căn bệnh truyền nhiễm và chúng ta rất dễ bị lây nhiễm
những hành vi tiêu cực từ những người xung quanh. Người có bản lĩnh sẽ tránh được
ảnh hưởng của những thói xấu ấy, đồng thời cảm hóa để những người xung quanh trở
nên tốt hơn. Tự tin, bản lĩnh là những yếu tố quan trọng để bạn luôn là chính
mình chứ không phải là bản sao cá tính của người khác.[28]
Không chỉ trích
Nếu bạn muốn người ta oán
tới chết thì hãy dùng những lời chỉ trích cay độc. Còn nếu không thì bạn hãy
nên nhớ rằng: loài người không phải luôn luôn có lý trí. Họ hành động, suy nghĩ
theo tình cảm, thành kiến, lòng tự ái mà lòng kiêu căng của con người như một
kho thuốc súng vốn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và gieo tai hại vô cùng.
Bí quyết của sự thành công
trong cư xử của Benjamin Franklin là không bao giờ chỉ trích một ai hết và chỉ
thành thực ca tụng những điều hay của kẻ khác và có lòng tự chủ mạnh mẽ.
Carley nói: “Muốn xét độ
lượng của ai thì chỉ cần xem cách xử sự của người đó với kẻ dưới”.
Vậy đáng lẽ phải buộc tội,
chỉ trích một ai đó thì ta hãy cố gắng hiểu họ, tìm nguyên nhân những hành vi của
họ. Đó là nguồn gốc của cảm tình, khoan dung và hoà nhã.[29]
Không nói hành
nói xấu
Một vị cao tăng đang trên
đường ngao du truyền giảng Phật Pháp cho chúng sinh thì gặp phải một anh chàng
không có niềm tin vào Phật. Liên tục mấy ngày đường, người đó luôn bám theo tìm
cách sỉ nhục vị cao tăng kia.
Cuối cùng, vị cao tăng
quay lại hỏi:
- Nếu có người tặng cho
anh một món quà, nhưng anh lại từ chối, như thế món quà đó sẽ thuộc về ai?
Anh ta mau mắn đáp:
- Tất nhiên là thuộc về
người tặng món quà ấy.
Vị cao tăng bật cười, nói
tiếp:
- Vậy nếu suốt mấy ngày
qua, tôi không để tâm đến lời mắng chửi của anh thì có phải tự anh đang hứng lấy
chúng không! Người kia im lặng, đành cúi đầu bỏ đi.[30]
Phương thế tự nhiên để chữa trị thói ghen tị
Tóm lại, chúng ta không để
tâm lý ghen tị khống chế sinh ra chán nản, buồn phiền. Càng không được ghen tị
làm điều dại dột tổn thương đến người mà mình ghen ghét. Hãy nhanh chóng tự thể
hiện mình, giải quyết “rác rưởi” trong lòng, lựa chọn phương thức hành động
đúng đắn, cao thượng, có lý có tình, đó là phương cách tốt nhất để có thể xóa
đi tâm lý ghen tị, vui hưởng cuộc sống.[31]
2. Chữa trị lòng ghen tị bằng
phương thế siêu nhiên
a) Tình
trạng phóng chiếu
Người ghen tị thì từ chối
lời mời gọi phát huy những tiềm năng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Vì họ bận tâm
đến những điều họ không có và bị ám ảnh bởi những gì người khác đang có cho nên
họ không thấy được những gì mình đang có. Họ không nhận ra những tài năng độc
đáo của mình, và như thế, họ đánh mất những tài năng ấy. Những điều có thể làm
cho họ trở nên vững vàng và giúp họ ý thức bản thân lại rơi vào bóng tối, đó
chính là nhà kho tinh thần chứa đựng mọi khía cạnh trong nhân cách mà họ không
thừa nhận. Bởi vì những gì nằm trong bóng tối thì được phóng chiếu sang người
khác, người ghen tị có thể thấy những tiềm năng mà mình phủ nhận được phản ảnh
nơi những người chung quanh. Đó là lý do khiến họ tức giận mà nghĩ rằng, người
khác đang chiếm hữu những gì thuộc về họ. Nói theo tâm lý học, thì đúng là người
ghen tị đã phóng chiếu những điều đó sang người khác mà mình không ý thức, chứ
không phải người khác đã tước đoạt thứ gì của họ. Sau đây là hai ví dụ có thể
minh họa cho tiến trình đó. Một phụ nữ đi dự buổi liên hoan của khoa cùng với một
người bạn. Trong buổi tiệc, bà cảm thấy tủi thân khi nhìn thấy cô bạn thoải mái
và hoạt bát, khiến cho những người khác dễ dàng đến với cô. Trong khi đó, bà thấy
mình lẻ loi, e thẹn, thiếu tự nhiên, lo sợ và ước mong sao cho mình được thoải
mái hơn. Đôi khi bà tức giận vì cô bạn luôn luôn được mọi người chú ý. Bà phê
phán cô là người vô cảm và ích kỷ. Tuy nhiên, tận thâm tâm thì bà biết mình
đang ghen tị và không muốn cho đi bất cứ thứ gì là của mình. Câu chuyện trên
đây không muốn dạy người phụ nữ cô đơn ấy phải bắt chước cô bạn hướng ngoại của
mình, nhưng bà cần phải khám phá được nỗi sợ hãi vô thức của mình, vì đó là
nguyên nhân cản trở bà đến với người khác như bà thầm mong ước.
Ví dụ thứ hai liên quan đến
những người bị ám ảnh quá mức về tài sản của người khác. Một thương gia khá
thành đạt đã ghen tị với người láng giềng, vì người này có một cơ sở kinh doanh
lớn hơn cơ sở của ông và mới sắm một chiếc xe Mercedes sang trọng hơn xe của ông.
Ông cảm thấy thua kém người láng giềng, vì người này có nhiều tài sản và thế lực
hơn ông. Trở thành một người chồng và một người cha tốt không phải là điều quan
trọng, vì ông nghĩ rằng tiền bạc và thế lực mới là thước đo giá trị của một người
đàn ông. Trong những năm qua, vì ông quá nhấn mạnh đến tiền bạc và thế lực như
biểu tượng của giá trị, cho nên ông đã không quý trọng đời sống gia đình, mà
trước đây ông xem là giá trị ưu tiên và nguồn mạch của hạnh phúc. Ông đánh mất
những điều trước đây đã mang lại cho ông sự mãn nguyện và niềm vui. Để khắc phục
lòng ghen tị, ông phải phục hồi những giá trị nội tâm quan trọng nhất đối với
ông.
Kẻ ghen tị có thể bị mắc bẫy
trong vòng xoáy hằn học, bởi vì những người chung quanh có thể làm cho lòng tự
trọng của kẻ ấy càng trở nên nghèo nàn. Khi chúng ta tiếp xúc với những người
thiếu lòng quý trọng bản thân, chúng ta cũng không coi trọng họ. Khi họ tự coi
rẻ bản thân, thì hành động đó không những làm chúng ta nhận thức méo mó về họ,
mà còn biến họ thành một người bạn nghèo nàn. Sự bất hạnh của họ có thể khiến
chúng ta cảm thấy có lỗi và hối hận, như thể chúng ta không có quyền được sống
hạnh phúc hay tự hào về những thành quả mà chúng ta gặt hái được. Cũng có thể
là chúng ta không cảm thấy thoải mái khi ở gần họ, bởi vì họ nhìn chúng ta với
con mắt thèm thuồng.[32]
b) Lòng
ghen tị và đời sống tâm linh
Trong khi tâm lý học và
văn học cung cấp cho chúng ta những khám phá đáng giá về bản chất và năng động
của lòng ghen tị, thì quan điểm tâm linh cũng đưa ra một số triển vọng để chữa
trị lòng ghen tị. Đứng trên bình diện tâm linh, lòng ghen tị là biểu thị của việc
không chấp nhận thân phận con người, nhất là sự hữu hạn của mình xét như một thụ
tạo. Khi người ghen tị quan tâm đến những gì kẻ khác sở hữu mà mình không có,
chúng ta có thể thấy rằng, họ thích cuộc sống của người khác hơn cuộc sống của
mình. Từ chối bản thân là “giáng một quả đấm vào mặt tinh thần, vốn là trung
tâm của sự toàn vẹn và là yếu tố làm cho chúng ta trở nên con người duy nhất và
độc đáo. Chúng ta không sẵn sàng đặt niềm tin vào con người mình... chúng ta chạy
trốn bản thân... và tránh né những điều được ban tặng cho mình, bằng cách quan
tâm đến những gì chúng ta không có.”[33]
Trong khi một ít người
trong chúng ta chỉ cảm thấy khó chấp nhận bản thân, còn kẻ ghen tị thì cảm thấy
không thể chấp nhận bản thân. Sự hữu hạn, bất toàn và bất túc là những kinh
nghiệm mà kẻ ghen tị không sao chịu đựng nổi, vì họ cảm thấy mình chẳng là gì
khi họ chưa có được mọi sự. Trên bình diện tâm linh, sự thất bại của kẻ ghen tị
là ở chỗ họ cự tuyệt bản thân, và vì thế mà họ cũng cự tuyệt cả Thiên Chúa, là
Đấng dựng nên chúng ta như những con người độc nhất, ngay cả số tóc trên đầu
chúng ta. Nhà thần học Johannes Metz cho rằng, “...chấp nhận bản thân là nền tảng
của đức tin Kitô Giáo. Tuân phục Thiên Chúa bắt đầu với việc chân thành chấp nhận
chính mình; và xa lánh Thiên Chúa cũng bắt đầu với việc xa lánh chính mình.”[34]
Satan được coi như một
nguyên mẫu của sự ghen tị, vì Satan đã không thể chấp nhận vị trí thụ tạo của
mình trong trật tự tạo thành. Satan không thể chấp nhận vị trí của mình là thụ
tạo chứ không phải là Thiên Chúa, cho nên Satan đã quay lưng chống lại Thiên
Chúa, bằng cách dựng nên một vương quốc riêng mà Satan có thể trị vì. Milton đã
diễn giải như thế trong tác phẩm Paradise
Lost, qua đó ông tuyên bố rằng, sự nổi loạn vì lòng ghen tị đã đi vào thế
gian là do Satan mà ra:
Satan đội
lốt mãng xà,
Ôm lòng
ghen tị, gian tà khôn nguôi,
Âm mưu
lôi kéo loài người,
Eva mắc
bẫy, loài người hư vong
(Q. I, dòng 34).
Lòng ghen tị cũng là
nguyên nhân sinh ra sự uể oải và lười biếng. Khi từ chối bản chất mà Thiên Chúa
ban tặng, kẻ ghen tị lãng quên trách nhiệm phát huy các tài năng của mình. Hễ
ai đã miệt mài năm tháng để phát huy một tài năng hay cải thiện một kỹ năng của
mình, kẻ ấy đã biết giữ kỷ luật. Nếu muốn phát huy những ân ban và trau dồi tài
năng một cách nghiêm túc, để chuẩn bị thi hành một nghề nghiệp phù hợp với tiềm
năng của mình, người ta phải làm việc chăm chỉ. Lòng ghen tị có thể cản trở
chúng ta nhận diện và phát huy tối đa những tiềm năng Thiên Chúa ban tặng cho
chúng ta, thế mà đó lại là những yếu tố giúp chúng ta có được sự toàn vẹn mà
chúng ta khao khát.[35]
c) Biến
đổi lòng ghen tị bằng phương thế siêu nhiên
Mặc dầu chúng ta cần phải
phân tích để biết nguyên nhân tâm lý của lòng ghen tị, nhưng để chữa trị lòng
ghen tị thì chúng ta phải xem xét dưới chiều kích thiêng liêng. Tự cốt lõi,
lòng ghen tị phá hoại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với chính
mình và với tha nhân. Xét như một hành động quyết liệt không muốn chấp nhận
chính mình, lòng ghen tị là một tội. Satan là nguyên mẫu của sự ghen tị, vì
Satan không thể chấp nhận chính mình. Không bằng lòng với tình trạng của mình,
Satan đã để cho lòng ghen tị thúc đẩy mình đoạn tuyệt với Thiên Chúa. Khi từ chối
thân phận thụ tạo và cố giành cho được địa vị Thiên Chúa, điều ấy đã tạo nên một
thái độ mà Satan không muốn đối diện và thay đổi.
Để chữa trị lòng ghen tị,
thì điều thiết yếu là phải thay đổi thái độ.
- Thứ
nhất, phải biết bản chất của lòng ghen tị - một hành vi tội lỗi và hủy hoại đời
sống tâm linh, mà chúng ta cần phải hoán cải.
- Thứ
hai, chúng ta chỉ có thể được giải thoát khỏi lòng ghen tị, khi chúng ta nhận
thức rằng, các Kitô hữu chúng ta được dựng nên là để khao khát luôn mãi, cho đến
khi Thiên Chúa trở nên tất cả của chúng ta trong thành đô Giêrusalem trên trời.
Linh đạo toàn diện mời gọi chúng ta xem sự nghèo khó, mà chúng ta trải nghiệm
trong tư cách là thụ tạo, không như một sự trống rỗng tiêu cực đáng thất vọng,
mà là một khoảng trống phong phú dành cho Thiên Chúa, vì chỉ mình Người mới có
thể làm cho con người được mãn nguyện.
- Thứ
ba, chúng ta cần phải nỗ lực tìm hiểu những hoàn cảnh đưa tới sự ghen tị. Chỉ
khi nào chúng ta nhận ra tác động của ghen tị trong đời sống mình, chúng ta mới
có khả năng thoát khỏi những ảnh hưởng độc hại của lòng ghen tị. Đối với một số
người trong chúng ta thì chỉ cần thay đổi tầm nhìn, để tập chú vào những tài
năng và thiện hảo mà chúng ta đang có. Vì lòng ghen tị là sự ngưỡng mộ chua
cay, cho nên chúng ta có thể khắc phục lòng ghen tị một cách đơn giản, bằng
cách đánh thức khả năng ngạc nhiên và thưởng ngoạn của mình. Tuy nhiên, đối với
những người mà lòng ghen tị bắt nguồn sâu xa và vững chắc từ thời thơ ấu túng
thiếu trầm trọng, thì cần phải chạy đến nhà tâm lý trị liệu.
- Cuối
cùng, giống như người phụ nữ đi tìm đồng xu bị mất trong Tin Mừng Luca (Lc
15,8-10), họ cần phải quyết tâm tìm kiếm bên trong nội tâm những điều mà họ đã
đánh mất.
d) Lòng
ghen tị có thể là một chất xúc tác giúp biến đổi
Khi những nhu cầu và ước
muốn thầm kín được nhìn nhận, lòng ghen tị có thể hướng tầm nhìn của chúng ta về
sự thiện mà chúng ta khao khát. Qua dòng xoáy của những cảm xúc ghen tị, nếu
chúng ta biết phát hiện ra những nhu cầu mà mình khao khát được đáp ứng, thì đó
là bước quyết định giúp chúng ta khám phá được ân sủng tiềm tàng trong kinh
nghiệm ấy. Nhìn nhận những điều chúng ta đang cần một cách chính xác, đó là yếu
tố giúp chúng ta tập trung nỗ lực vào những hành động tích cực và có tính xây dựng.
Ghen tị có thể là một thông điệp rất hữu ích mà chúng ta cần lắng tai nghe. Hổ
thẹn thì đưa đến phủ nhận, và phủ nhận thì làm cho thông điệp ấy trở nên lu mờ.
Khi chúng ta xem lòng ghen tị như một nỗi khao khát sự toàn vẹn, bấy giờ chúng
ta có thể lấy lòng thương cảm và tình yêu mà đối xử với chính mình. Khi chúng
ta tha thứ cho lòng ghen tị của mình, chúng ta bắt đầu thấy được sự tốt lành của
chúng ta, và như thế mà chúng ta có thể biến đổi lòng ghen tị của mình. Thiên
Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta, khi chúng ta bắt đầu quý trọng những điều thiện hảo
mà chúng ta đã có, cho dù chúng ta không có được mọi điều thiện hảo mà con người
có thể sở hữu. Bấy giờ chúng ta sẽ nhận thức rằng: Quả thực là Thiên Chúa đã độ
lượng với chúng ta. Chúng ta càng có nhiều kinh nghiệm về sự thiện hảo, chúng
ta càng có lòng biết ơn, và lòng ghen tị sẽ bắt đầu tan biến.
Vì lòng biết ơn và lòng
ghen tị không thể đi đôi với nhau, cho nên để giải thoát cõi lòng mình khỏi sự
ghen tị, thì chúng ta phải đem lòng biết ơn mà thay thế cho lòng ghen tị. Một
trong những mục tiêu của đời sống cầu nguyện là nhắc chúng ta nhớ đến lòng từ
bi bao la của Thiên Chúa và quý trọng những điều tốt lành mà chúng ta đã lãnh
nhận. Cầu nguyện thúc đẩy chúng ta chìm sâu vào huyền nhiệm ân sủng. Qua đời sống
cầu nguyện, chúng ta mở lòng đón nhận sự phong nhiêu của Thiên Chúa, và chính
nơi đây mà chúng ta nhận thấy rằng, sự trống rỗng là một ân ban chứ không phải
là tai họa, bởi vì Thiên Chúa lấp đầy sự trống rỗng ấy bằng tình yêu của Ngài.
Chúng ta càng túng thiếu, thì chúng càng cần đến Thiên Chúa. Và với thái độ
khiêm hạ, chúng ta bắt đầu nhận ra những quà tặng và ân sủng mà Thiên Chúa đã đổ
xuống cả cuộc đời chúng ta.
Thỉnh thoảng chúng ta nghiệm
thấy rằng, những khi chúng ta ít chờ đợi nhất, thì đó lại là lúc chúng ta đón
nhận được những ân sủng mà chúng ta hằng khao khát. Thậm chí những nỗi đau và mất
mát cũng trở thành ân ban, khi chúng ta ý thức là mình không bị bỏ rơi, ngay cả
khi chúng ta ruồng bỏ chính mình. Khi lòng biết ơn trở thành một lối sống,
chúng ta có thể làm hòa với lòng ghen tị của mình, không biện minh mà cũng
không phớt lờ, nhưng nhìn nhận nó là một phần của con người chúng ta. Bấy giờ,
chúng ta có thể cất tiếng cầu nguyện như tác giả Thánh vịnh 139: “Tạng phủ con,
chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng
nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!” (Tv 139,13-14).[36]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 81 (Tháng 3 &
4 năm 2014)
[11] Về cơ chế tự vệ, có thể tham khảo Cencini
và Manenti, Tâm lý và huấn luyện, dg.
Nguyễn ngọc Kính (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2011), trg. 397-473 (ND).
[19] Lê Lai Theo Internet Nhiều tác
giả, First News tổng hợp và thực hiện, Hạt giống tâm hồn: câu chuyện cuộc sống
trg.65-68.
[29] Trích từ “Đắc Nhân Tâm” - Dale
Carnegie trong Nguyễn văn Hải, Biết tin vào chính mình trg. 140.
[36] Wikie AU và Norren Cannon, sđd., trg.171-173.