LỜI NÓI TRONG GIAO TIẾP
(Suy tư Chúa nhật IV Thường Niên B)
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (28.1.2021) – Có lần tôi đến London, được
hai anh chị chở đi chơi với chiếc xe đời mới. Khi trò qua chuyện lại trên tuyến
đường dài, anh thỉnh thoảng chêm vào những từ mà dân mình gọi là “chửi thề, hoặc
nói tiếng Đan Mạch”. Chị tinh ý nhắc anh, anh cũng chợt nhận ra ý chị để hạn chế.
Tuy nhiên vì quen nên lâu lâu anh lại chêm vào. Kiểu như thiếu tiếng “Đan Mạch”
thì tiếng Việt khó diễn đạt hết ý (tôi đoán thế!). Thầm mong anh sớm quên được
tiếng “Đan Mạch” để trong bất kỳ mối tương quan nào, anh nối kết thân tình được
với nhiều người hơn.
Dĩ nhiên
ngôn ngữ là phương tiện trong tương quan để chúng ta hiểu nhau. Phương tiện ấy
chạy thế nào, tác dụng ra sao và khi nào sử dụng là tùy thuộc vào mỗi người.
Càng để ý, học hỏi và thực tập, ngôn từ càng giúp người ấy đến gần với tha nhân
hơn. Ngược lại, những ai ăn nói thô lỗ, ngôn ngữ cọc cằn hay lươn lẹo lấp liếm,
người đời sẽ cười khinh. Có khi khinh ra mặt, cười sau lưng. Khi nói năng vô lối
như thế, chính mình miệng mình cũng bẩn trước, tai mình cũng nghe đầu tiên. Rồi
lâu dần cách nói năng ấy sẽ thành quen, và nó gieo cấy vào tâm hồn người nói
tính khí nóng nảy, bực dọc và hiếu chiến.
Là người
Công giáo, hẳn nhiên mỗi người hãy để cho lời nói của mình nên phương tiện dựng
xây, hàn gắn và chữa lành người khác. Hãy dùng lời tốt đẹp mà trò chuyện với
nhau (1 Tx 4,16-18). Được như thế, đòi hỏi người ấy biết quan sát, tế nhị và lựa
lời mà nói cho đẹp lòng nhau. Đó là lời chân thật, “miệng sẽ ngọt hạt từ tâm”.
(Trịnh Công Sơn). Hạt từ tâm nghĩa là lời nói đẹp, tạo ra sự cảm thông, sự ăn ý
và hiểu biết lẫn nhau. Ăn phải nhai, nói phải nghĩ. Học ăn, học nói, học gói, học
mở.
Tin Mừng
Chúa Nhật 04 thường niên hôm nay (Mc 1,21-28) cho thấy Đức Giêsu là bậc thầy sử
dụng lời để an ủi, nâng đỡ và chữa lành người ta. Chính Ngài là Ngôi Lời hằng sống.
Hôm nay Ngôi Lời đến Ca-phác-na-um là thành phố kinh tế giao thương của nhiều
quốc gia. Dân tứ xứ đổ về đây buôn buôn, bán bán. Vậy mà khi Đức Giêsu cất tiếng
rao giảng trong hội đường, nơi công cộng, ai cũng sửng sốt về lời giảng dạy của
Ngài. Đức Giêsu dùng lời chân thật, trân thành và gần gũi để trò chuyện với người
ta. Hơn hết Ngài lắng nghe bằng trái tim thấu cảm, nói năng bằng tấm lòng người
mục tử. Nhờ đó, người người kéo đến để nghe lời giảng dạy của Ngài.
Thực ra
sức mạnh lời nói của Đức Giêsu là có thể chữa lành. Hôm ở Ca-phác-na-um có một
người bị thần ô uế nhập. Thần này ăn bậy nói bạ, cư xử theo bản năng và khó tạo
dựng tương quan tốt. Nó nói với Đức Giêsu rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt
chúng tôi?” Dĩ nhiên là chuyện này có can dự đến Đức Giêsu, bởi Ngài đến để
giải thoát con người khỏi những điều xấu xa. Với nó, Đức Giêsu là kẻ thù; với Đức
Giêsu, thần ô uế phải ra khỏi con người đang bị nó ám. Từ đây nhờ lời quyền
năng của Đức Giêsu mà người ấy được khỏi bệnh. Hy vọng từ đây anh ta có thể
dùng lời chân thật mà giao tiếp với nhau.
Sau câu
chuyện trên đây, những người chứng kiến bàn ra tán vào. Họ chưa thấy vậy bao giờ:
“Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm
quyền.” Đó là uy quyền của Đức Giêsu xuất phát từ Thiên Chúa. Ai lắng nghe
và thực thi lời của Ngài, người ấy cũng sẽ được cứu độ; người ấy không để cho
những thứ ô uế, bẩn tưởi đi vào tâm trí mình. Khi đó, lời nói của mình sẽ đẹp
vô cùng, sẽ có sức biến đổi chính mình và tha nhân.
Không biết
tự bao giờ người ta hình thành “văn hóa chửi”. Thật tội nghiệp cho chữ văn hóa
khi phải bị ghép chung với thành phần chửi mắng. Chửi bới, la mắng và nguyền rủa
bằng lời chưa sướng mồm, đã miệng, người ta còn đưa lên mạng. Khối người xúm
vào tiếp tục ném đá, chia sẻ những lời khiếm nhã ấy. Vậy là tiếng dữ lan xa đồn
rộng. Tiếc là văn hóa ấy là thứ virus làm băng hoại tế bào tự trọng và lịch sự
của nhiều người. Hệ quả là tình người, tình bạn và tình yêu bị bào mòn bởi thứ
“văn hóa chửi” này. Đã đến lúc chúng ta chia tay với thứ “văn hóa” rẻ tiền này.
Với người
Công giáo, chúng ta có thầy Giêsu để học được lời hay lẽ phải. Ngài chính là
khuôn mẫu để chúng ta bắt chước. Đơn giản nơi Đức Giêsu luôn có lời nói chân thật.
Sự thật sẽ giải phóng chúng ta. Thôi thì chúng ta chưa dẹp được văn hóa chửi,
thì thay vào đó, chúng ta tập văn hóa lịch sự: từ lời nói cho đến cử chỉ, từ
suy nghĩ cho đến hành động. Hãy để Đức Giêsu dẫn ta đi trên con đường tập lối sống
văn minh này.
Nếu lật
lại những trang Kinh Thánh, chúng ta dễ dàng thấy biết bao lời giảng dạy của
Ngài, biết bao phép lạ Ngài làm, biết bao con người được cứu độ. Mỗi lời nói của
Ngài đều mang tính dựng xây, thiết lập tương quan. Mỗi bài học của Ngài đều cho
người ta niềm vui, sự sống và bình an. Chẳng hạn trong câu chuyện trên đây, chắc
chắn Đức Giêsu luôn loại trừ thần xấu xa. Chúng muốn ám hại con người, đặt vào
suy nghĩ, môi miệng người ta những lời chua chát. Từ đó có tranh giành thù hận
và chiến tranh. Ngược lại Đức Giêsu gieo lời yêu thương, nói lời an ủi và khơi
dậy lòng nhân ái nơi mỗi con người. Từ đó, người ta tìm được bình an, kiến tạo
được hạnh phúc và xây dựng được hòa bình. Đó là hai phương trời cách biệt; tùy
chúng ta chọn bước vào con đường nào.
Lạy Chúa Giêsu, khi bực tức người ta dễ chửi bới. Họ
chửi xong rồi bới. Trong xã hội chúng con còn nhiều người thích dùng lời nói mà
xúc phạm la mắng nhau. Đó là thảm họa cho xã hội. Xin giúp mỗi người chúng con
trở nên dễ thương trong lời nói, dễ mến trong giao tiếp và dễ yêu trong các mối
tương quan. Được như thế chúng con đang làm theo lời dạy của Ngài. Tuy có khó
khăn, nhưng chúng con sẽ để ý tập, tập và tập. Đến một ngày, hy vọng chúng con
nên người lịch sử, văn minh và nên người con ngoan của Chúa. Amen.