LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
HIỂU VÀ THỰC HÀNH CHO ĐÚNG
Trong
phụng vụ ngày xưa, những người chưa rửa tội chỉ được tham dự phần đầu của
thánh lễ, gọi là phần Tiền thánh lễ hay Lễ dự
tòng. Khi phần công bố Tin Mừng và bài giảng kết thúc, anh chị em dự
tòng được mời ra về. Bấy giờ, toàn thể cộng đoàn mới đứng lên dâng lời cầu
nguyện. Vì thế, những lời nguyện này được mệnh danh là “Lời nguyện tín hữu” (oratio
fidelium), nghĩa là, lời nguyện thuộc về dân tư tế của Chúa chứ không
thuộc về chủ tế, và chỉ những người đã trở thành tín hữu cũng như hiệp thông
hoàn toàn với Giáo hội mới có quyền tham dự. Lời
nguyện tín hữu còn có một số tên gọi khác như: Lời nguyện chung; Lời nguyện
chuyển cầu; Kinh cầu (prière litanique) hay Lời nguyện phổ quát vì trong kinh
nguyện này, các tín hữu thi hành vai trò tư tế phổ quát của mình như một bổn
phận (Ad Gentes, số 36) mà nài xin Thiên Chúa cho mọi người và
cho nhu cầu khắp nơi (1Pr 2, 9; Kh 1, 5-6; Ep 4, 16). |
I.
LỊCH SỬ
Trong
phụng vụ hội đường, có đến 18 lời chúc phúc bao hàm những lời kêu xin cho những
nhu cầu khác nhau của cá nhân và cộng đoàn. Ngay từ rất sớm, những lời cầu
nguyện tương tự như vậy cũng là một thành phần trong phụng vụ của Giáo hội cả
bên Đông phương lẫn Tây phương. Khi nói đến Lời nguyện phổ quát, các giáo phụ
thường trưng dẫn lời của thánh Phaolô chỉ dạy:
Trước
hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho
tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng
ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm
chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng
cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và
nhận biết chân lý (Tm
2,1-4).
Những chứng cớ đầu tiên về Lời
nguyện phổ quát là từ bút tích của Đức Clêmentê I (gởi cho giáo đoàn Côrintô)
và của thánh Justinô tử đạo hồi thế kỷ II. Thánh Justinô cho biết, khoảng năm
150 tại Rôma, khi cử hành Bí tích Thánh Tẩy xong, “tất cả chúng tôi
cùng đứng dậy và đọc những Lời nguyện chung (koinai
euchai)” cầu nguyên cùng Thiên Chúa cho chính chúng tôi... và cho mọi
người khác trên thế giới,…” .[1] Thánh
nhân viết tiếp, sau đó, cộng đoàn mới cử hành Thánh Thể. Những lời nguyện này
quan trọng đến độ các dự tòng không được hiện diện, họ phải ra về sau cử hành
Phụng vụ Lời Chúa. |
Tới
thế kỷ III, nhờ bút tích của thánh Hippôlytô trong cuốn Truyền thống
tông đồ, người ta biết rõ những lời nguyện này là phần dành riêng cho
các tín hữu bởi vì lời nguyện của những người chưa lãnh Bí tích Rửa tội thì
“chưa được tinh tuyền”. Thánh nhân viết: “Giáo lý viên phải đặt
tay trên những người dự tòng. Họ phải cầu nguyện rồi sau đó, mới giải tán
những người này” (Chương 19).[2]
Như
thánh Justinô đã nói, vào thời điểm đó, người dự tòng ra về sau cử hành Lời
Chúa và Lời nguyện tín hữu mang đúng ý nghĩa của từ: là lời nguyện của người
tín hữu, chứ không phải của người còn đang học đạo. Lời nguyện tín hữu là thành
phần của cử hành phụng vụ, kết thúc Phụng vụ Lời Chúa và dẫn vào Phụng vụ Thánh
Thể, là phần chỉ dành cho Kitô hữu. Thực hành này chắc chắn được chứng nhận một
cách mạnh mẽ hồi thế kỷ IV - V trong Constitutiones Apostolorum (AC
8:10-11) và trong các bài viết của các thánh Augustinô, Cyril thành Giêrusalem
và Gioan Kim Khẩu... Các ngài viết rằng trong thánh lễ Chúa nhật, các dự tòng
được cho ra về sau bài giảng với những lời nguyện dành cho dự tòng và công thức
để giải tán họ. Chỉ sau khi giải tán dự tòng, những tín hữu còn lại mới tham
gia Lời nguyện tín hữu.[3]
Trong
nhiều bài giảng, thánh Augustinô hay kết thúc bằng cách kêu mời mọi người hướng
về Chúa (Conversi ad Dominum),
tỉ dụ: Hướng về Chúa, chúng ta cầu xin cho chúng ta và cho toàn thể dân
Người đang hiện diện trong nhà của Người đây; Xin Người đoái
thương gìn giữ và bênh đỡ dân Người, nhờ Đức Kitô...[4]
Trước đó, người ta không biết cụ thể cách sắp xếp lời nguyện này thế nào. Nhưng
đến thế kỷ IV, bên Đông phương, lời nguyện này mang hình thức Kinh cầu (litanie)
do một phó tế xướng các ý nguyện, sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn Dân Chúa đáp bằng
một công thức cố định dâng lên Chúa Kitô: Kyrie eleison (Xin
Chúa thương xót chúng con). Khi Kyrie chiếm vị trí vào lúc
khởi đầu thánh lễ, những Lời nguyện chuyển cầu bắt đầu biến mất, có lẽ dưới
triều của Đức Vigilius (537-555).[5]
Theo
ý kiến của Paul De Clerck, vào giữa những năm 250 và 320, bên Tây phương,
sách nghi lễ Rôma ((Ritus Romanus) có chứa 9 Lời nguyện trọng thể mang
hình thức giống như những Lời chuyển cầu trọng thể của thứ Sáu Tuần Thánh
hiện nay. Nguyên thủy, sau mỗi ý nguyện được phó tế loan báo, cộng đoàn sẽ
thinh lặng, và lời nguyện chỉ đơn giản kết thúc bằng viêc thưa “Amen”. Tới
thế kỷ IV, mới thêm vào những lời tóm lược ý nguyện của chủ tế trước mỗi lời
“Amen”. Toàn bộ cấu trúc này sau đó đã được thay đổi bởi Đức Gelasio
(492-496). Khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã soạn ra một kinh nguyện theo dạng
kinh cầu Đông phương và truyền đọc trong cả Giáo hội. Dường như kinh này vay
mượn từ các Giáo hội ở phía bắc Italia trong đó cộng đoàn sẽ đáp lại sau mỗi
ý nguyện bằng điệp khúc “Lạy Chúa,
xin lắng nghe và thương xót chúng con” (Domine, exaudi et
miserere).[6]
Nhưng chỉ một thế kỷ sau, kinh này cũng biến mất luôn, và phải chờ tới Công
đồng Vatican II thì mới được chính thức phục hồi. Nội dung của các lời nguyện
này là cầu cho: Giáo hội, nhà cầm quyền, mọi nhu cầu của nhân loại – trở nên
Lời nguyện chung cổ kính và súc tích nhất của Hội Thánh Rôma hiện nay.[7] |
Cha
A. Nocent đã quả quyết: từ thời thánh Justinô cho tới triều đại của Đức Fêlixê
III (483-492), cấu trúc của phần Phụng vụ Lời Chúa là: Bài đọc Sách Thánh,
Thánh vịnh Đáp ca, bài giảng, Lời nguyện tín hữu.[8]
Từ
thời Đức Grêgôriô Cả (thế kỷ VI), Lời nguyện chung bị quên lãng trong phụng vụ
Rôma, mỗi năm chỉ đọc một lần vào chiều thứ Sáu Thánh. Lý do được các sử gia
như Callewaert và Jungmann đưa ra là vì trong Kinh Tạ Ơn (Lễ quy Roma) cũng đã
có những Lời chuyển cầu cho các nhu cầu của Hội Thánh, vì thế không nên lập lại
ở chỗ khác.[9]
Sách
lễ 1570 cho thấy có dấu vết của những lời nguyện này. Trước khi phần dâng lễ
bắt đầu, chủ tế nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện”, nhưng không có lời
nguyện nào theo sau.[10]
Mãi đến thế kỷ XX, Công đồng Vatican II mới tái lập lời nguyện này trong thánh
lễ. Hiến chế về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II (PV) đã quyết định lấy
lại Lời nguyện phổ quát hay Lời nguyện tín hữu trong
thánh lễ:
Phải
tái lập (restituatur) “Lời nguyện chung” hay “Lời nguyện tín hữu”, sau Phúc Âm
và bài giảng, nhất là những ngày Chúa nhật và lễ buộc, để khi dân chúng
tham dự lời nguyện đó, họ cầu khẩn cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền,
cho những kẻ khốn khổ vì mọi nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người, và cho
phần rỗi của toàn thế giới (PV 53).
Như vậy, Giáo hội mong ước ít là Lời nguyện chung được thực hiện
vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc (PV 53). Để thi hành nghiêm chỉnh quyết định
này, Bộ Nghi lễ, với sự cộng tác của Hội đồng thực thi Hiến chế về Phụng vụ
Thánh, ngày 26-09-1964, đã ban hành Huấn thị Inter oecumenici (IOE 56), và năm 1966 đã xuất bản cuốn
các Lời nguyện tín hữu mẫu dưới tựa đề là De oratione communi seu fidelium. Ngày nay, Lời nguyện tín hữu đã được
chính thức ghi vào Nghi thức thánh lễ của Sách lễ Rôma công bố ngày 03-04-1969.
II. CẤU TRÚC
A. Phần thứ I
Vị chủ tế hướng dẫn cộng đoàn
chú ý đến Lời nguyện tín hữu và liên kết lời nguyện này với mầu nhiệm đang cử
hành, với ngày lễ, hoặc mùa phụng vụ, hay với một vài khía cạnh đặc biệt của
Lời Chúa vừa được công bố.
B. Phần thứ II
Thầy phó tế hoặc nếu thầy vắng
mặt, một thừa tác viên khác xướng một chuỗi những những ý nguyện với lời thưa
của cộng đoàn sau mỗi ý nguyện.
C. Phần thứ III
Cầu nguyện bằng cách thinh lặng
ngắn rồi vị chủ tế hướng về Thiên Chúa, tóm tắt và nài xin Chúa thương chấp
nhận lời cầu của cộng đoàn, kết thúc cộng đoàn thưa Amen.
III. NỘI DUNG
Để có thể thành Lời nguyện phổ quát hay Lời nguyện chung, Quy chế Tổng quát Sách lễ
Rôma (QCSL) [2002. số 70 đòi phải hướng các ý nguyện vào 4 đối tượng sau:
A. Cho các nhu cầu của Hội Thánh
hoàn vũ
Chẳng hạn cầu cho sự hiệp nhất
các Kitô hữu, ơn gọi linh mục, tu sĩ; công việc truyền giáo và các xứ truyền
giáo; cầu cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các mục tử trong Hội Thánh, tu sĩ,
các người dự tòng...
B. Cho các người trong chính quyền
và cho toàn thế giới được cứu độ
Bao gồm những lời cầu cho công
lý và hòa bình, những vấn đề xã hội, các vị lãnh đạo chính quyền, giới công
nhân, nông dân, những người không nhà ở, cho cuộc bầu cử, cho thời tiết thuận
hòa, mùa gặt tươi tốt, phát triển đất nước, cứu vãn nền kinh tế khỏi khủng
hoảng..:
Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng
lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua Chúa và
tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật
đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ
chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1 Tm 2.1-4).
C. Cho các người đang gặp bất cứ khó
khăn nào
Chẳng hạn như cho các bệnh
nhân, những người nghèo đói, những người thất nghiệp, những người mù chữ, bị bỏ
rơi, tù đày, di dân, đang hấp hối... Ngoài đau khổ thể xác, con người còn có
những nỗi khổ trong tâm hồn, vì thế nên cầu cho cả những anh chị em đang bị
khủng hoảng về luân lý, những người mất đức tin, người tuyệt vọng…
D. Cho cộng đoàn địa phương
Cộng đoàn địa phương là môi
trường sống cụ thể và thiết thân đối với người tín hữu. Ý nguyện này gắn với
đời sống cộng đoàn và những thành viên thuộc cộng đoàn, chẳng hạn như cầu cho
các thanh niên nam nữ sắp kết hôn, những thầy sắp chịu chức thánh, những em
đang dọn mình xưng tội, rước lễ lần đầu hay lãnh nhận Bí tích Thêm sức, những
người mới qua đời... Dĩ nhiên cũng phải cầu nguyện cho những người đang hiện
hiện trong cộng đoàn phụng vụ.
Trong một buổi lễ cử hành đặc
biệt nào đó, như trong thánh lễ với nghi thức Thêm sức, Hôn phối, An táng, thì
thứ tự ý nguyện có thể dành ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó. Tuy nhiên,
không bao giờ được bỏ hoàn toàn những ý nguyện phổ quát, bởi vì đây là Lời
nguyện chung (QCSL 70-71). Ví dụ: Lời nguyện tín hữu trong thánh lễ an táng như
sau: i. Cầu cho người quá cố; ii. Cầu cho gia đình, những người săn
sóc; iii. Cầu theo ý chung (người
bệnh, người đang hiện diện, những người mất đức tin); iv. Cầu cho cộng đoàn.[11]
IV. THỰC HÀNH
A. Thực hành nên làm
·
Trước
đây, Lời nguyện tín hữu có thể được sử dụng cách hữu ích trong các ngày thường,
và chỉ buộc trong thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc mà thôi. Tuy nhiên,
các tài liệu gần đây nhất không có sự phân biệt rõ giữa các ngày lễ trọng và
ngày thường, nhưng chỉ mô tả cấu trúc Lời nguyện tín hữu. Điều này cho phép sử
dụng Lời nguyện trong mọi dịp thích hợp, mà không đưa ra việc buộc.[12] Dầu
vậy, với những lý do thần học và nhất là nhằm biểu lộ và giúp cho việc tham gia
tích cực của tín hữu vào thánh lễ, nên dâng Lời nguyện tín hữu mỗi ngày trong
thánh lễ có giáo dân tham dự tuy đôi khi chủ tế phải đọc tất cả: dẫn nhập + các
ý nguyện + lời nguyện kết (PV 53; QCSL 36, 69).[13] Nhờ
vậy, tránh được tình trạng đưa một lô ý nguyện [chẳng hạn cầu cho các linh hồn.
vào giữa Kinh nguyện Thánh Thể.
·
Hình
thức lời nguyện phải thay đổi và thích nghi hết sức có thể với mỗi buổi cử
hành.
·
Nên
dùng những câu vắn gọn, đơn giản, rõ ràng, chia thành nhiều ý nguyện hơn là dồn
nhiều ý nguyện vào trong một câu để mọi thành viên của cộng đoàn phụng vụ có
thể hiểu một cách dễ dàng những gì họ đang cầu xin (QCSL 71).
·
Nên
dựa vào và liên kết với những gì vừa diễn ra trước đó, tức các Bài đọc Sách
Thánh, bài giảng và tình hình thực tế để chuẩn bị bản văn Lời nguyện tín hữu
cho mỗi buổi cử hành hơn là sử dụng những bản văn có sẵn.[14] Tuy
sẽ vất vả hơn, nhưng Lời nguyện chung này sẽ trung thực hơn và mang tính giáo
dục đức tin hơn vì gắn với những mối quan tâm hay biến cố của cộng đoàn, của
thế giới hơn.[15]
·
Nên
chọn một ngôn thức nhất định để mở đầu các ý nguyện, ví dụ: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho…”;
“Chúng ta hãy hiệp ý cầu xin Chúa cho...”; “Chúng ta hãy cầu nguyện cho…”; hoặc
“…Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho…”... vì đây là việc loan báo các “ý nguyện” (intentio) nhằm nói với cộng đoàn chứ
không phải là những lời “cầu nguyện” thưa lên với Chúa (oratio).
·
Vị
trí để loan báo các ý nguyện tốt nhất là tại giảng đài. Luật cho phép nêu ý
nguyện ở một nơi khác thích hợp, nhưng tốt nhất là ở trong cung thánh hay sát
cung thánh mà cộng đoàn có thể thấy được (QCSL 71).[16]
·
Theo
lịch sử và truyền thống, nếu có thầy phó tế hiện diện, thầy là một chọn lựa ưu
tiên để xướng tất cả ý nguyện (intentio -
QCSL 94, 171, 177). Nếu thầy phó tế không hiện diện, tốt nhất các ý nguyện chỉ
do một người khác xướng lên (thầy có tác vụ đọc sách, ca
viên, độc viên hay một giáo dân khác) hoặc trong một số trường hợp thì mỗi người xướng một ý nguyện
(QCSL 99, 138, 197) nhưng không được hiểu họ là những đại diện dâng lời cầu
nguyện.[17] Người
loan báo ý nguyện nên tiếp tục đứng tại chỗ cho đến khi chủ tế đọc xong lời
nguyện kết thúc và cộng đoàn thưa “Amen”.[18] Trước
khi rời khỏi cung thánh, người xướng các ý nguyện nên cúi sâu chào bàn thờ (Lễ
nghi Giám mục, số 72).
·
Như
vẫn được thực hành nhiều lần trong mỗi thánh lễ [trước các lời nguyện nhập lễ,
lời nguyện tiến lễ và lời nguyện hiệp lễ., linh mục dâng lễ sẽ mời gọi “Chúng ta dâng lời cầu nguyện…” hoặc “Anh chị em hãy cầu nguyện…” (QCSL 54, 77, 89). Còn
khi kết thúc mỗi ý nguyện, người xướng không phải là đại diện dâng lời cầu
nguyện, nên sẽ sử dụng câu mời gọi cộng đoàn khác với vị chủ tế một chút, chẳng
hạn như “…Chúng ta
cầu xin Chúa”
hoặc “Chúng ta
cùng hiệp ý cầu nguyện”;
tránh dùng câu “Chúng
con cầu xin Chúa”
vì đây là lời kêu mời cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện theo một “ý nguyện” vừa được
xướng lên chứ không phải thưa lên với Chúa (oratio).[19]
- Sau lời mời gọi cộng đoàn cầu nguyện, mọi người có thể hát
đáp lại, hoặc đọc một lời đáp quen thuộc, hoặc im lặng một lúc (QCSL 71).[20] Để tránh tình
trạng mọi người chỉ có một câu đáp duy nhất “Xin Chúa nhậm lời chúng con” sau mỗi ý nguyện
trong mọi thánh lễ, có thể đa dạng hóa lời đáp cho phù hợp với tính chất
ngày lễ hay mùa lễ bằng cách trình chiếu lên màn hình một lời đáp khác để
mọi người có thể hát hay đọc theo. Chẳng hạn những lời sau đây:
i.
Muôn
lạy Chúa, xin mau phù trợ;
ii.
Cha
hết lòng yêu thương chúng con, xin nhận lời chúng con cầu nguyện;
iii.
Chúa
là tình thương, xin cho chúng con được nghiệm thấy tình thương Chúa;
iv.
Lạy
Chúa, xin chúc lành và thánh hóa chúng con;
v.
Lạy
Chúa, xin nhìn đến chúng con;
vi.
Lạy
Chúa, xin rủ lòng thương xót chúng con;
vii.
Để
nên lời ngợi ca cho hiển vinh danh Ngài, để nên lời ngợi ca cho hiển vinh danh
Ngài...[21]
·
Ý
nguyện cuối cùng nên hướng tới những anh chị em đã qua đời và đề cập đến những
người mà thánh lễ được dâng để cầu nguyện cho họ.
·
Trước
khi đọc lời nguyện kết thúc, chủ tế có thể dành ra ít giây thinh lặng cho mỗi
người đưa ra những ý nguyện riêng của mình.[22]
B. Thực hành nên tránh
· Đừng
cầu nguyện cho những ý
tưởng
trừu tượng như sự công chính, sự
công bằng, nhân quyền…, nhưng tốt hơn, hãy dùng những hình ảnh cụ thể và cầu
nguyện cho những con người cụ thể, ví dụ “cho những con người bị đau khổ vì bị bách hại hay đối xử bất
công”; “cho những người đang chiến đấu cho
công bằng xã hội”...[23]
· Không
nên tìm cách gói ghém vào trong một ý nguyện tất cả một giáo thuyết, một bài
học, ví dụ như “Giáo
hội học của Vatican II là Giáo hội học hiệp thông, xin Chúa cho mọi thành phần
Dân Chúa biết yêu mến tinh thần hiệp thông”.[24]
· Nên
tránh rơi vào cái bẫy sử dụng Lời nguyện tín hữu như một bài giảng ngắn về luân
lý, bài hướng dẫn đời sống Kitô hữu, chứa đựng ngôn từ mang tính chính trị hay
như một bản cáo trạng, ví dụ “xin cho những người giầu có không còn ích kỷ, nhưng biết
chia sẻ với người nghèo”.
Trong trường hợp này, nên viết “xin cho những anh em nghèo khổ gặp được những tấm lòng quảng
đại”.[25]
· Lời
dẫn của chủ tế vào Lời nguyện tín hữu và những lời của người xướng nhằm loan
báo các ý nguyện (intentio) là nhằm nói với cộng đoàn chứ
không phải lời “cầu nguyện” thưa lên với Chúa (oratio). Do đó, phải sử dụng đại danh
từ “chúng ta” chứ không phải “chúng con”. Điều này có nghĩa là phải tránh những
câu như “Lạy
Chúa,?”; “Xin ban cho chúng con…”; “…Xin
Chúa cho chúng con…”
“…Chúng con xin cảm tạ Chúa”...
· Các
ý nguyện là nhằm gợi lên những thỉnh nguyện. Do vậy, nên tránh biến ý nguyện
thành lời chúc tụng, tạ ơn hay thống hối.
· Do
không phải là người đại diện dâng lời cầu nguyện mà chỉ là xướng các ý nguyện,[26]
xướng viên Lời nguyện tín hữu sẽ trình bày các ý nguyện [từ đầu đến cuối. chỉ với
cung giọng đọc mà thôi ngoại trừ câu mời gọi cộng đoàn “…Chúng ta [cùng. cầu xin Chúa” hoặc “Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện”… khi kết thúc ý nguyện nếu
như muốn cho cộng đoàn có thể dễ dàng đáp “Xin Chúa nhậm lời chúng con” bằng việc hát hay ngâm
tụng trong trường hợp không có đàn. Vì thế phải tránh xướng ý nguyện [hoặc cả
câu hoặc nửa câu như nhiều nơi vẫn có thói quen thực hành. theo cung giọng cầu
nguyện, ngân nga như vị chủ tế khi ngài dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh
Thể, SSS
[2] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 153.
[5] Xc. Cabié, “The Eucharist” trong A. G. Martimort (ed.), The Church at Prayer (Collegeville, Minnesota: The
Liturgical Press, 1992), 2: 73.
[6] Xc. John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 2012), 143.
[11] Về Lời nguyện tín hữu trong dịp
lễ cưới có thể coi trong “Những mẫu lời nguyện chung” (Nghi thức Cử hành Hôn
nhân, số 251-252).
[12] Xc. Edward McNamara, “Lời nguyện
tín hữu có là bắt buộc trong thánh lễ ngày thường hoặc thánh lễ an táng không?”
từ Zenit.org (11-03-2014).
[13] Xc. Joseph DeGrocco, A
Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago:
Liturgy Training Publication, 2011), 48; Xc. Johannes H. Emminghaus,
The Eucharist - Essence, Form, Celebration, 154.
[14] Xc. Mục lục các Bài đọc trong thánh lễ “Ordo Lectionum Missae”
(Vatican
City: Typis Polyglottis Vaticanis, 1981), số 43.
[15] Xc. Lawrence E. Mick,
Worshiping Well (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 55.
[16] Xc. Mục lục các Bài đọc trong
thánh lễ, số 31; Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on
the General Instruction of the Roman Missal, 52.
[22] Xc. Edward McNamara, “Ad-libbing
the Prayers of the Faithful” trong A Zenit Daily
Dispatch (20 JULY 2004).
[23] Xc. Lm. Ant Nguyễn Đức Khiết,
“Lời nguyện cho mọi người: ý nghĩa và cách soạn thảo”, từ
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Phungvu/01SoanLoiNguyenGD.htm
[25] Xc. Adolf Adam, The Eucharist Celebration: The Source and
Summit of Faith, trans.
Robert C. Schultz (Collegeville,
Minnesota: A Pueblo Book/ The
Liturgical Press, 1994), 50.
[26] Xc. Mục lục các Bài đọc trong
thánh lễ, số 30.