Linh mục ra việc đền tội dựa theo tiêu chuẩn nào?
LINH MỤC RA VIỆC ĐỀN TỘI DỰA THEO TIÊU CHUẨN
NÀO?
Linh mục Gianni Cioli
WGPQN (15.03.2023) - Tôi
muốn hỏi một điều luôn khiến tôi thắc mắc: khi bạn đi xưng tội, có tiêu chuẩn
nào, theo đó, các tội đã phạm tương ứng với một số việc đền tội nhất định? Các
linh mục giải tội giải quyết như thế nào?
Linh mục Gianni Cioli, giáo sư thần học luân lý, trả lời:
Câu trả lời có thế giá cho câu hỏi này có thể được lấy ra từ điều mà
Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Tông huấn Hòa giải và Sám hối, hậu Thượng Hội Đồng năm 1984. Theo ngài, việc sám hối giao
cho các hối nhân, còn được gọi là “việc đền tội”: “Chắc hẳn đây không
phải là cái giá phải trả để được tha tội và xá giải: không có một giá nhân loại
nào sánh được với thành quả mà Chúa Kitô đã đạt được nhờ máu châu báu của Người.
Những việc đền tội […] muốn biểu lộ các ý nghĩa: Chúng là dấu chỉ của điều mà
người tín hữu, trong bí tích, đã cam kết với Thiên Chúa, là họ sẽ bắt đầu cuộc
đời mới (vì thế, những việc đền tội không chỉ dừng lại ở một vài kinh đọc thuộc
lòng nhưng cần phải là những việc làm cụ thể như thờ phượng, bác ái, xót thương
và bồi thường). Những việc đền tội bao gồm một ý tưởng là hối nhân có khả năng
kết hợp sự khổ chế thể xác và tinh thần của mình – dù tự ý đặt ra hoặc ít là chấp
nhận – với cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, Đấng đã mang lại ơn tha thứ cho họ. Những
việc đền tội nhắc lại rằng ngay cả sau khi đã được tha thứ, ở trong hối nhân vẫn
còn có một miền tăm tối là hậu quả do những vết thương tội lỗi, do sự thiếu sót
tình yêu khi sám hối; do sự suy nhược của các quan năng tinh thần. Đó là miền
mà cội rễ nhiễm độc của tội lỗi vẫn hoành hành, vì thế cần phải luôn luôn kháng
cự bằng sự khổ chế và sám hối” (số 31).
Việc này cũng có thể được soi sáng khi trích dẫn lời dạy của Thánh Giám mục Florentine Antonino Pierozzi (+ 1459), đã minh định trong khảo luận tâm linh “Làm việc để sống tốt”, (Opera a ben vive), được ngài viết bằng tiếng bản địa từ khoảng năm 1450 đến 1454: “Muốn đạt được chút hương vị nào đó của Thiên Chúa, điều đầu tiên chúng ta phải làm sau khi xưng tội là diệt trừ tận căn mọi gốc rễ của các tật xấu và tội lỗi”. Do đó, kitô hữu không thể hoàn thành việc xưng tội của mình, mà không đọc một số kinh do cha giải tội đòi buộc và không học cách sửa đổi cuộc sống của mình” (Thánh Antonino TGM Florence, “Làm việc để sống tốt”, Florence 1858, trang 34-35).
TGM Antonino đề cập đến lời dạy của Raymond di Penafort, trong tác phẩm quan trọng và đòi hỏi khắt khe nhất của mình, Summa Theologiae, được viết bằng tiếng Latin khoảng năm 1440-1459, liên quan đến việc đền tội mà cha giải tội đòi buộc, ngài cũng đưa ra một số tiêu chuẩn rõ ràng về cách thức, đối với các tội cụ thể cho việc đền tội phải tương ứng như thế nào: “Trước hết, cha giải tội phải chú ý đến điều này, để loại bỏ các nguyên nhân và dịp tội [...] một lần nữa, việc đền tội được đưa ra thông qua việc chống lại những điều ác đã phạm, [...] với kiêu căng là những việc làm khiêm tốn, với ích kỷ là việc làm bố thí, với mê ăn uống là chay tịnh, bởi vì những điều trái ngược được chữa lành bằng những thứ trái ngược […] Tương tự như vậy, nếu ai đó sao lãng trong việc lắng nghe lời Chúa, […] thì người đó có thể bị buộc phải nghe một số bài giảng nhất định” (Phần. III, tit. 17, chương 20).
Theo tôi, đây là những cân nhắc hoàn toàn có giá trị cho thời đại chúng ta và nó giúp chúng ta hiểu cách đền tội do cha giải tội ủy thác cho hối nhân phải được lồng vào khuynh hướng của người Kitô hữu để sám hối như một nhân đức, nghĩa là với một lối sống hướng tới việc hoán cải vĩnh viễn và chân thành, để tránh nguy cơ biến việc xưng tội thành sự tự lừa dối hoặc, có lẽ, để giải tỏa tâm lý, hay đơn thuần là một phương pháp trị liệu, dẫn tới một thực hành hợp lệ về mặt hình thức mà không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Quay trở lại câu hỏi cụ thể về “việc đền tội” tương xứng với các tội đã xưng, và cách các cha giải tội giải quyết trong vấn đề này, tôi muốn nói rằng, thật không may, không phải lúc nào cha giải tội cũng dễ dàng xác định việc đền tội một cách khách quan tương xứng với các tội, đồng thời không quá nặng nề và khó khăn đối với hối nhân. Vì vậy, có lẽ, các ngài thường rút gọn thành các công thức cầu nguyện tiêu chuẩn để không bị nhầm lẫn.
Cách đây không lâu, tôi đã gợi ý để giải quyết vấn đề này một cách khả thi, đó là: “Cha giải tội và hối nhân có thể cùng nhau tìm cách cho việc đền tội thích hợp, hoặc trong cuộc đối thoại, họ có thể tập trung vào hành trình cá nhân thích hợp nhất cho một cuộc hoán cải đích thực, trọn vẹn, và vào cử chỉ có thể diễn tả điều đó cách thực tế nhất có liên quan đến câu chuyện của hối nhân và những nỗ lực đạo đức thực sự của họ. Điều quan trọng là, vào cuối buổi xưng tội, xác định một mục tiêu có thể đạt được, một con đường hợp lý dẫn đến mục tiêu, xác định các phương tiện sẵn có và tốt nhất có thể để giải quyết con đường đó”.
G. Võ Tá Hoàng
Chuyển ngữ từ: toscanaoggi.it
Nguồn: gpquinhon.org
- Diễn văn của Đức Thánh Cha trong giờ cầu nguyện cùng Đức Mẹ với hàng giáo sĩ giáo phận Marseille ( 23/09/2023)
- Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ, và các nhân viên mục vụ ( 02/09/2023)
- Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? ( 01/09/2023)
- Chân dung Linh mục ( 25/08/2023)
- Bản Ghi Nhớ dịp thường huấn linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn năm 2023 ( 24/08/2023)
- Hãy trân trọng bài giảng ( 10/08/2023)
- Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma ( 09/08/2023)
- Bài giảng của Đức Thánh Cha trong giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh Bồ Đào Nha ( 03/08/2023)
- Đức Hồng Y Parolin: “Giám Mục hy sinh mạng sống vì đoàn chiên” ( 16/07/2023)
- Người mục tử phục vụ Dân Chúa theo tinh thần hiệp hành ( 14/07/2023)