2. Linh mục, hiện thân của Chúa Kitô, người dâng hy tế I. LINH MỤC THÁNH HÓA CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI QUA VIỆC CỬ HÀNH CÁC BÍ TÍCH 1. Bí tích Thánh Thể, nguồn ân sủng dưỡng nuôi nhân loại |
DẪN NHẬP
Khi nói đến linh mục, có lẽ dân chúng đã quen với hình ảnh các linh mục giảng dạy, dâng lễ, điều khiển cộng đoàn… Tuy nhiên, giữa bao thị phi của một thế giới và Hội thánh bị nhuốm màu thế tục, việc xác định căn tính, vai trò và sứ mạng của người linh mục lại trở nên cần thiết biết bao. Linh mục là ai? Linh mục có vai trò gì trong Hội thánh? Linh mục thi hành vai trò của mình như thế nào?...
Công đồng Vatican II, ngay trong lời mở đầu của Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis đã khẳng định rằng: “Chức linh mục trong Giáo hội hết sức cao trọng, đó là điều Thánh Công đồng này đã nhiều lần nhắc nhở cho hết mọi người”.
Khởi đi từ những mặc khải trong Cựu ước rồi tới những mặc khải của Tân ước và huấn quyền, chúng ta cùng tìm hiểu căn tính và vai trò của người linh mục trong thế giới hôm nay, từ đó làm sáng lên sứ mạng của người linh mục là thánh hóa con người và thế giới.
I. LINH MỤC LÀ AI?
1. Chức tư tế trong Cựu ước
Từ thuở chưa có đền thờ, cũng chẳng có tư tế chuyên biệt để thờ phượng Đức Chúa, các Tổ phụ thực thi chức tư tế gia đình như đa số các dân tộc chung quanh Israel thời cổ xưa. Quả vậy, sách Sáng Thế cho thấy việc kính thờ Thiên Chúa diễn ra một cách rất tự nhiên. Chẳng hạn, khi Đức Chúa ban cho Tổ phụ Abraham đất Canaan làm sản nghiệp, thì ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa;[1] hoặc khi đến Khéprôn, dòng dõi của ông được chúc phúc và sinh sôi nảy nở nhiều như bụi trên mặt đất, ông vui mừng và dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa.[2] Hơn nữa, ông còn dâng lễ tế với lễ phẩm là chính người con duy nhất của mình – Isaác, theo như ý nguyện của Chúa;[3] và sau này Isaác cũng dựng bàn thờ và kêu cầu danh Đức Chúa.[4]
Cũng nên biết rằng, các dân tộc cổ xưa, và cách riêng dân Israel, ý thức sâu xa về khoảng cách ngàn trùng giữa con người với Thiên Chúa. Làm thế nào một hữu thể hèn yếu và khốn khổ lại có thể đi vào trong mối tương quan với Đấng Ba Lần Thánh?[5] Làm sao có thể gặp gỡ được Người, vì mỗi khi Thiên Chúa tỏ mình ra thì con người cảm thấy kinh hoàng sợ hãi?[6] Vì thế, dân Israel dành riêng ra một chi tộc, chi tộc Lêvi, chi tộc này được thánh hiến để phục vụ Thiên Chúa và chuyển cầu cho dân. Vị tư tế được tách biệt khỏi thế giới phàm trần bằng việc được thánh hiến, việc thánh hiến này chuyển con người vào trong cảnh vực thánh thiêng. Sự thánh hiến này được mô tả chi tiết trong sách Xuất Hành và Lêvi: từ việc tắm rửa theo nghi thức để thanh tẩy khỏi những chung đụng phàm tục đến việc xức dầu để làm cho người ấy thấm nhuần sự thánh thiện; và các y phục đặc biệt diễn tả việc người ấy thuộc thế giới thánh thiêng.[7]
Trong Cựu ước, tư tế là người của thánh điện. Ông là người bảo vệ hòm bia,[8] tiếp đón các tín hữu đến nhà Đức Chúa và chủ toạ các nghi lễ phụng vụ vào các ngày lễ của dân chúng.[9] Hoạt động chính yếu của tư tế là dâng hy tế. Chính trong hy lễ, ông mới biểu lộ trọn vẹn vai trò trung gian. Tư tế tiến dâng Thiên Chúa lễ vật của tín hữu; ông lại truyền đạt cho dân sự chúc phúc của Thiên Chúa, như Môsê đã làm trong hy tế giao ước ở núi Sinai;[10] và chi tộc Lêvi cũng đã làm như thế.[11] Thời hậu lưu đày, các tư tế chu toàn nhiệm vụ này hằng ngày trong hy lễ thường xuyên.[12] Mỗi năm một lần vào ngày lễ Xá Tội (yôm kippur) vị thượng tế biểu lộ vai trò trung gian tối cao của mình, khi dâng lễ cầu khẩn cho toàn dân được tha thứ mọi tội lỗi.[13] Ngoài ra, vị tư tế còn thi hành nghi lễ thánh hiến, xức dầu phong vương, thanh tẩy bệnh nhân phong hủi hoặc thanh tẩy các phụ nữ lâm bồn.[14]
Bên cạnh chức tư tế Lêvi thuộc dòng Aharon theo cha truyền con nối, chúng ta cũng nên ghi nhận ở đây về sự xuất hiện một vị vua và cũng là tư tế, đó là ông Menkixêđê. Tích truyện về ông Menkixêđê thật đột ngột, xen ngang vào chuyện ông Abraham.[15] Ông Menkixêđê được trình bày với hai tư cách: vua thành Salem, nghĩa là thành Giêrusalem, nơi Đức Chúa đã chọn làm nơi hiển trị, như lời Thánh vịnh 76,3: “Chúa đã cắm lều ở Salem, núi Sion là nơi Chúa ngự”; thứ hai, ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đồng hóa với Đức Chúa của ông Abraham tôn thờ, ông là tư tế của Chúa trước khi có thể chế Lêvi; thời bấy giờ, dòng dõi Lêvi chưa đảm nhận chức vụ thánh này. Menkixêđê được truyền thống Công giáo xem như là hình ảnh tiên trưng của vị Thượng tế duy nhất là Đức Kitô.[16]
2. Linh mục, hiện thân của Chúa Kitô, người dâng hy tế
Vai trò trung gian của tất cả tư tế trong Cựu ước đều là hình bóng tiên trưng về Đức Kitô, và sẽ được hoàn tất trọn vẹn trong Người; vì chỉ có Đức Kitô là “Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.”[17]
2.1. Tư tưởng của các Giáo phụ
Theo tư tưởng của các Giáo phụ, linh mục là người trợ giúp giám mục, thi hành mục vụ tại các giáo xứ nhân danh giám mục, ban phát bí tích và thăm viếng giáo dân.
Kỳ mục tách biệt với giám quản
Các bản văn thời các Tông đồ cho thấy cơ cấu tổ chức ban đầu của Hội thánh không có sự phân biệt giữa giám quản và kỳ mục. Cả hai đều có chung một nhiệm vụ chăn dắt và nêu gương cho đoàn chiên (Cv 20,17-28, 1Pr 5,1-4; 1Tm 3,1-7), gắn bó với đạo lý lành mạnh và khuyên nhủ mọi người sống trung thành với giáo lý (x. Tt 1,5-9), bảo vệ đoàn chiên trước những lý thuyết sai lạc (x. 2 & 3 Ga).
Các tác phẩm sau thời các Tông đồ, như sách Điđakhê, Mục Tử Hermas không đả động gì đến presbyter (kỳ mục). Thư gửi giáo đoàn Côrintô của thánh Clêmentê vẫn dùng hai từ episcopus và presbyter cùng ý nghĩa. Người ta nhận thấy có sự phân biệt rõ ràng hai chức vụ này trong các thư của thánh Inhaxiô Antiokhia. Ba cấp bậc giám mục, linh mục, phó tế thường được liệt kê theo một trật tự không thay đổi, khi thì được đặt ngay ở lời chào đầu thư, khi thì ở cuối thư hoặc được bàn trong nội dung của thư.[18]
Mở đầu thư gửi tín hữu Philađenphia:
Tôi là Inhaxiô cũng gọi là Thêôphôrô, kính gửi Hội thánh của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu Kitô ở Philađenphia thuộc miền Axia […] Tôi kính chào Hội thánh Philađenphia trong máu Đức Giêsu Kitô, Hội thánh này là niềm vui muôn đời và bền vững của tôi, nhất là khi các tín hữu hợp nhất với giám mục, với các kỳ mục và phó tế được chỉ định theo ý của Đức Kitô. Người đã củng cố vững vàng các vị ấy theo ý muốn của Người nhờ Thánh Thần.
Kết thúc thư gửi giáo đoàn Miếtna, thánh nhân viết: “Tôi chào thăm vị giám mục đẹp lòng Thiên Chúa của anh em, chào hàng kỳ mục rất đáng kính, các phó tế, và tất cả, cách riêng cũng như chung…”[19]
Để phân biệt giữa giám mục và linh mục, thánh Êpiphaniô[20] nêu lên sự khác biệt: chỉ có giám mục mới có quyền truyền chức, còn linh mục thì chỉ có thể ban bí tích Thánh tẩy. Linh mục cũng không có quyền chủ toạ, tức lãnh đạo, vì quyền này gắn liền với quyền truyền chức.
Quyền của vị giám mục là sản sinh các cha của Hội thánh (chỉ vì ngài sinh các cha cho Hội thánh); các linh mục không sinh được các cha của Hội thánh, nhưng chỉ sinh được con cái qua thánh tẩy tái sinh. Và làm thế nào linh mục có thể ngồi trên ghế chủ toạ được, khi họ không có quyền đặt tay để truyền chức.
Tác phẩm Truyền Thống Tông Đồ của thánh Híppôlitô cho chúng ta thấy một sự phân biệt cho hai chức vụ này dựa trên lời khẩn cầu Thánh Thần, mà sau này thần học gọi là mô thể của bí tích Truyền chức.
Giám mục nhận lấy chức tư tế cách hoàn hảo để thi hành hai nhiệm vụ quản trị và thánh hoá dân Thiên Chúa, đặc biệt bằng việc dâng hy lễ và tha tội. Trong nghi thức phong chức giám mục, vị chủ phong đọc như sau:
Lạy Cha, Đấng thấu suốt mọi tâm hồn, xin ban cho tôi tớ đây mà Cha đã tuyển chọn làm giám mục, biết chăn dắt đoàn chiên thánh của Cha, thi hành chức tư tế của Cha cách hoàn hảo, đêm ngày phụng sự, không ngừng làm rạng rỡ dung nhan Cha và tiến dâng lễ vật của Hội thánh Cha. Xin ban cho tôi tớ Cha, trong tinh thần tư tế, quyền tha thứ tội lỗi theo lệnh truyền của Cha, phân phát các ân huệ theo lệnh truyền của Cha, tháo cởi và cầm buộc theo quyền bính mà Cha đã ban cho các tông đồ.[21]
Linh mục cũng nhận được cùng một Thần khí, mà Chúa đã thông ban cho giám mục, để trợ giúp cho giám mục. Vì vậy, các nhiệm vụ của vị linh mục không được nhắc đến trong nghi thức như trường hợp phong chức giám mục.
Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, xin nhìn đến tôi tớ Cha đây và ban Thần khí ân sủng và khôn ngoan của bậc kỳ mục để người này có thể giúp đỡ và hướng dẫn Dân Cha với tâm hồn trong sạch, như Cha đã đoái nhìn đến Dân Cha tuyển chọn và truyền cho ông Môsê tuyển chọn những kỳ mục, những người được Cha ban đầy tràn thần khí Cha, mà Cha đã ban cho cộng sự viên của Cha.[22]
Linh mục – Người tuỳ thuộc giám mục
Các lá thư của thánh Inhaxiô không cho thấy nhiều phận vụ của linh mục ngoài việc hiện diện trong các buổi cử hành phụng vụ xung quanh giám mục, nhất là khi cử hành Thánh Thể. Sở dĩ thánh Inhaxiô nhấn mạnh đến điểm này vì nó diễn tả tính cách hiệp thông Hội thánh, vốn là vấn đề rất quan tâm trong các lá thư của ngài. Tuy nhiên, sự hiện diện của linh mục quanh giám mục cũng không loại trừ ý nghĩa làm tăng thêm sự trang trọng, thánh thiêng của các buổi cử hành phụng vụ, cũng như làm tăng thêm quyền bính của giám mục, bởi lẽ thánh Inhaxiô gọi linh mục là “mũ triều thiên của giám mục”. Mặc dù vậy, ở mức độ nào đó, linh mục cũng có những quyền hạn nhất định do giám mục uỷ nhiệm, nhưng quyền hạn này xem ra có nhiều giới hạn vì phải nhận từng lần cho từng công việc. Khi vắng mặt giám mục, và nếu được phép của ngài, linh mục có thể rửa tội, cử hành Thánh Thể và giải tội.
Theo Truyền thống tông đồ, linh mục cũng được phép đặt tay trên đầu ứng viên trong cử hành phong chức linh mục, nhưng chỉ có một mình giám mục đọc lời truyền chức.
Khi truyền chức linh mục, giám mục đặt tay trên đầu ứng viên, các linh mục khác cũng đặt tay, rồi giám mục đọc những lời sau: Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con … [23]
Thánh Pôlycáp trong thư gửi giáo đoàn Philíphê, ngay ở lời chào ngài đã cho thấy các linh mục có vai trò là những cộng sự viên của ngài. Cũng trong lá thư này, chúng ta nhận thấy quan niệm của ngài về nhiệm vụ của linh mục không chỉ giới hạn vào việc hiện diện tại các buổi cử hành phụng vụ, hay cử hành bí tích với sự cho phép của giám mục; linh mục cộng tác nhiều hơn với giám mục trong công tác mục vụ, cũng như có những quyền hạn thường xuyên hơn trong các công việc thăm viếng kẻ đau ốm, khuyên nhủ kẻ lầm lạc, để mắt đến quả phụ và người nghèo, đồng thời lưu tâm đến tổ chức cộng đoàn. Hơn nữa, đời sống gương mẫu phù hợp với giáo huấn cũng là một đòi hỏi quan trọng của chức linh mục. Đoạn trích dưới đây là một điển hình về tác vụ và đời sống linh mục thời các Giáo phụ:
Các kỳ mục hãy nhạy bén với lòng trắc ẩn xót thương mọi người, đưa kẻ lầm lạc trở về, thăm viếng mọi người đau ốm, không bỏ bê cô nhi quả phụ hay người nghèo khó, nhưng luôn chăm lo làm việc lành trước mặt Thiên Chúa và người ta. Đừng bao giờ giận dữ, thiên vị hay phán đoán bất công; hãy tránh xa mọi thứ hà tiện, không vội tin lời tố cáo kẻ khác; đừng quá nghiêm khắc khi xét xử, vì biết rằng tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ với Chúa vì tội.[24]
Theo Luật Lệ Tông Truyền,[25] các nhiệm vụ của linh mục là ban phát bí tích, giảng dạy và chăm sóc Dân Chúa, như được thấy trong lời khẩn cầu chính yếu của nghi thức truyền chức linh mục, được tác giả ghi lại và khẳng định là của thánh Gioan, người môn đệ Chúa yêu. Dĩ nhiên, linh mục đón nhận các nhiệm vụ này không phải một cách độc lập, nhưng nhờ chia sẻ cùng một Thần Khí đã được ban cho giám mục. Vì vậy, ta cũng hiểu linh mục khi thi hành các nhiệm vụ này luôn tuỳ thuộc vào giám mục của mình.
Giờ đây xin cũng nhìn đến tôi tớ Cha, người được đưa vào hàng linh mục do việc tuyển chọn và quyết định của toàn thể giáo sĩ, xin ban tràn đầy Thần Khí ân sủng và dạy dỗ trên tiến chức này, để người giúp đỡ và quản trị dân Cha với tâm hồn trong sạch, cũng như Cha đã nhìn đến Dân Cha tuyển chọn và truyền cho ông Môsê tuyển chọn những kỳ mục để Cha ban đầy tràn thần khí Cha trên họ.
Lạy Cha, giờ đây xin rộng ban và bảo tồn Thần Khí của ân sủng Cha nơi chúng con, để người này, một khi được đầy tràn ơn chữa lành và giảng dạy, có thể hướng dẫn dân Cha với tấm lòng dịu hiền, và chân thành phục vụ Cha với tinh thần trong sạch và tâm hồn sẵn sàng, cũng như hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc Dân Cha, nhờ Đức Kitô, mọi vinh quang, danh dự và tôn thờ thuộc về Cha, và Thánh Thần đến muôn đời. Amen.[26]
Từ thế kỷ IV, sau khi hoàng đế Contantinốp cho Kitô giáo được tự do, các giáo phận phát triển về con số các tín hữu và mở rộng địa bàn. Lý tưởng về một thánh lễ duy nhất chung quanh giám mục như thánh Inhaxiô thường nói giờ đây rất khó thực hiện. Nhu cầu mới xuất hiện, đó là phải thành lập các địa điểm cử hành Thánh Thể khác trong giáo phận, nhưng tất cả đều hướng về trung tâm của sự hiệp nhất, nơi có toà giám mục - sau này là nhà thờ chính toà, nơi đó có Thánh lễ do chính giám mục chủ sự. Các giáo xứ hình thành. Nhiệm vụ cử hành Thánh Thể được trao cho linh mục, cùng với một số bí tích khác. Ngoài ra, giám mục cũng giao cho linh mục những công việc mục vụ khác nữa.
Tại các giáo xứ, vai trò linh mục trở nên rõ nét và phần nào chủ động hơn nhưng vẫn với tư cách là đại diện giám mục. Hằng tuần, các ngài cử hành Thánh lễ và hằng năm cử hành Thánh tẩy. Tuy nhiên, như một dấu chỉ biểu lộ sự hiệp nhất, việc xức dầu thánh cho tân tòng để hoàn tất nghi thức gia nhập Kitô giáo vẫn dành cho giám mục vào những dịp ngài đi kinh lý. Cũng vậy, như một dấu chỉ hướng đến sự hiệp thông, mỗi khi cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính toà, giám mục sẽ gửi một miếng bánh đã được truyền phép để các linh mục bỏ vào chén thánh khi ngài cử hành Thánh Thể tại các giáo xứ lân cận. Truyền thống này cũng giải thích cho lý do tại sao ngày nay trong Thánh lễ, linh mục bẻ một mẩu bánh thánh bỏ vào chén thánh.
Nói chung, thần học thời các Giáo phụ không đề cập nhiều đến chức linh mục. Có lẽ một lý do đơn giản, đó là linh mục tuỳ thuộc hoàn toàn vào giám mục. Mọi phận vụ của linh mục đều do giám mục quyết định. Các phận vụ và quyền hạn của các linh mục chỉ rõ nét và độc lập hơn khi xuất hiện các giáo xứ. Các ngài đôi khi có thể tuỳ nhu cầu của tín hữu mà chủ động hơn trong việc dâng Thánh lễ, chủ toạ phụng vụ, chuẩn bị dự tòng, rửa tội, giải tội, thăm viếng, v.v.. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, linh mục cũng hoàn toàn tuỳ thuộc vào giám mục và phải được phép của giám mục.
2.2. Thần học thời Trung cổ
Vào thời Trung cổ, chức linh mục lại trở thành trọng tâm của những tranh luận thần học. Chức linh mục được gắn với vai trò chính yếu là cử hành Thánh Thể, nhân danh Chúa Kitô. Với thần học thời Trung cổ, lần đầu tiên người ta mới có định nghĩa rõ ràng về bí tích, về con số các bí tích, về mô thể, chất thể của bí tích, về hiệu năng, về quyền ban phát và điều kiện nhận lãnh bí tích. Trong bối cảnh này, bí tích Truyền chức vì thế cũng được chú ý đến rất nhiều. Tuy nhiên, các thần học gia thời kỳ này khi bàn về các Thánh chức và bí tích Truyền chức, phần lớn tập trung vào chức linh mục.
Linh mục – Người có quyền năng thánh hiến Mình và Máu Thánh Chúa
Pierre Lombard, khi đưa ra định nghĩa về bí tích Truyền chức, đã nhấn mạnh đến quyền năng thiêng liêng và chức vụ được trao ban cho người thụ phong.
Điều gì được gọi là Thánh chức? Nếu có ai hỏi Thánh chức là tên gọi cho điều gì thì ta có thể trả lời rằng đó là một thứ dấu ấn, nghĩa là một cái gì đó thánh thiêng qua đó quyền năng và chức vụ thiêng liêng được trao cho người thụ phong. Thánh chức (Ordo vel Gradus) là tên gọi ấn tích thiêng liêng (character spiritualis) khi có ai được trao ban quyền năng.[27]
Trong định nghĩa trên, Pierre Lombard nhấn mạnh đến tính ấn tín của chức thánh, chứ không nói rõ về quyền năng được trao ban là gì. Chính vì vậy, Alexandri Hales[28] sau này đã bổ sung thêm vào định nghĩa đó rằng: qua bí tích Truyền chức, quyền năng thiêng liêng được trao ban nhằm vào việc cử hành Thánh Thể.
Bí tích thứ bảy là bí tích Truyền chức linh mục, mà nhiệm vụ chính của người chịu chức là thánh hiến Mình và Máu Chúa, nơi đó biểu thị mối dây hiệp thông của Nhiệm thể bằng đức ái.[29]
Khi bàn đến bí tích Truyền chức trong Bộ Tổng Luận Thần Học, thánh Tôma Aquinô đặc biệt đặt chức linh mục trong mối liên hệ nền tảng với bí tích Thánh Thể.
Bí tích truyền chức nhằm trực tiếp đến bí tích Thánh Thể, là bí tích của mọi bí tích, như Dionysius đã nói. Cũng như các nơi thờ phượng, bàn thờ, chén đĩa, phẩm phục cần phải được thánh hiến, thì các thừa tác viên cũng phải được hiến thánh nhằm đến bí tích Thánh Thể. Sự hiến thánh này là bí tích Truyền chức. Các cấp bậc thánh chức được phân biệt dựa trên mối liên hệ của chức thánh với bí tích Thánh Thể. Vì quyền năng của chức thánh vừa nhằm đến việc thánh hiến chính bí tích Thánh Thể vừa nhằm đến tác vụ có liên quan đến bí tích Thánh Thể. Trong nghi thức truyền chức linh mục, ứng viên nhận lấy chén có rượu và đĩa có bánh, bởi vì linh mục là người nhận lấy quyền năng thánh hiến Mình và Máu Đức Kitô.[30]
Làm rõ hơn sự phân biệt này, thánh Tôma nói đến sự cộng tác của các thừa tác viên trong việc cử thành Thánh Thể. Chức thánh có những hành động càng gần hơn với bí tích Thánh Thể thì càng ở cấp bậc cao hơn. Tưởng cũng nên biết thánh Tôma và phần lớn các nhà kinh viện thời bấy giờ chủ trương có bảy chức thánh liên quan đến bảy hồng ân Chúa Thánh Thần. Chức thánh linh mục nhằm đến thánh hiến Thánh Thể là hành động trổi vượt nhất, và vì thế linh mục ở cấp cao nhất. Trong khi đó, các chức thánh khác nhằm đến sự chuẩn bị cho tín hữu tham dự Thánh Thể, chuẩn bị việc cử hành Thánh Thể, phân phát bí tích Thánh Thể. Phó tế cộng tác vào việc phân phát Thánh Thể, cùng với linh mục. Phụ phó tế cộng tác vào việc chuẩn bị bàn thờ bằng việc mang chén đĩa thánh lên. Các thầy giúp lễ dâng rượu nước. Còn các chức thấp hơn thì giúp vào việc chuẩn bị cho mọi người xứng đáng tham dự Thánh lễ.
Thầy giữ cửa không cho người vô tín thông phần, các dự tòng được các thầy đọc sách giúp khai tâm, cuối cùng, những người tuy đã là tín hữu, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của ma quỷ, được trao cho thầy trừ quỷ.[31]
Như vậy, chức linh mục gắn kết với quyền cử hành Thánh Thể. Quyền năng ấy có được là nhờ hồng ân của bí tích và cùng với ấn tín được khắc ghi, linh mục tham gia vĩnh viễn vào chức tư tế của Đức Kitô. Từ hai trọng tâm này, linh mục được xét như là “trung gian giữa Thiên Chúa và con người”. Về điểm này thánh Tôma viết:
Một đàng, linh mục kéo xuống trên dân các thực tại thần linh, và đàng khác, linh mục dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện của dân, và cách này hay cách khác đền bồi cho Thiên Chúa về các tội lỗi dân đã phạm.[32]
Mặt khác, thánh nhân cũng cẩn trọng phân biệt chỉ “duy mình Đức Kitô mới là Đấng Trung gian hoàn hảo”. Còn linh mục được gọi là “trung gian giữa Thiên Chúa và con người, xét vì họ cộng tác vào việc nối kết con người với Thiên Chúa, theo một cách thức tham dự và phụ thuộc”.[33] Chính vì vậy, linh mục không thể tách biệt với Chúa Kitô Thượng tế trong hành động trung gian của mình, ngài chỉ là “đại diện Chúa Kitô”, hành động nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) mà thôi. Trong mọi hoạt động bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể, vai trò linh mục chỉ là “nguyên nhân dụng cụ” làm cho sự trung gian của Chúa Kitô trở nên hữu hình; Chúa Kitô mới là nguyên nhân hành động chính để “thực tại thần linh”, tức ân sủng cứu độ được đổ xuống trên dân Chúa.
Linh mục – Người mang ấn tín bí tích Truyền chức
Tư tưởng về ấn tín nơi các thừa tác viên có chức thánh đã được đặt ra từ lâu thời các Giáo phụ, khi người ta tranh luận về tính thành sự của nghi thức phong chức do người lạc giáo cử hành. Theo thánh Âu Tinh, việc truyền chức khắc ghi một dấu ấn không thể tẩy xoá nơi người lãnh nhận. Ví dụ một giám mục dù có ly khai khỏi Giáo hội thì truyền chức vẫn thành sự, vì nơi ngài luôn có ấn tín. Đến thời Trung cổ, đề tài ấn tín của bí tích được bàn cách sâu rộng. Khi đưa ra định nghĩa về bí tích, Pierre Lombard đã dùng hai từ signaculum và character để nói về dấu chỉ qua đó hồng ân được trao ban cho người lãnh nhận. Khởi đi từ định nghĩa này, các nhà thần học kinh viện đã bàn rất nhiều về ấn tín của bí tích, tức là sự đóng ấn hay dấu chỉ tồn tại thường xuyên của bí tích nơi người lãnh nhận.
Các nhà thần học Công giáo thời Trung cổ đều cho rằng linh mục, qua bí tích Truyền chức, nhận lãnh một ấn tín không thể tẩy xoá được. Thánh Tôma bàn về ấn tín của bí tích Truyền chức khởi đi từ chức tư tế của Chúa Kitô và xét như là sự tham dự vĩnh viễn vào chức tư tế của Chúa Kitô. Tuy nhiên, có hai vấn đề tranh luận nhiều giữa các nhà thần học là cấp bậc chức thánh nào có ghi ấn tín và trong nghi thức truyền chức, đâu là dấu chỉ ấn tín được khắc ghi. Về điểm thứ nhất, có ba ý kiến được đưa ra: ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ có chức linh mục mới ghi ấn tín; ý kiến thứ hai cho rằng chỉ có chức lớn, tức linh mục và phó tế, mới ghi ấn tín; ý kiến thứ ba cho rằng tất cả mọi cấp bậc đều được ghi ấn tín. Phần đông các nhà thần học kinh viện, tiêu biểu các thầy trò Alexandri Heles và thánh Bônaventura, thánh Anbetô và thánh Tôma, đều nghiêng về ý kiến thứ ba. Nếu mỗi cấp bậc của chức thánh được ghi ấn tín, thì hệ quả là người đã lãnh nhận chức thánh rồi thì không thể được tái ban. Mặc dù mỗi chức thánh đều có ấn tín, nhưng không nhất thiết phải nhận lãnh các chức nhỏ trước rồi mới nhận lãnh chức lớn hơn. Thánh Tôma lập luận rằng:
Trong Hội thánh tiên khởi, có những người được phong chức linh mục mà trước đó không cần phải lãnh nhận các chức nhỏ, nhưng các linh mục này vẫn có thể thi hành tất cả các chức năng của các chức nhỏ vì quyền thấp hơn đã được bao hàm trong quyền cao hơn.[34]
Vấn đề tranh luận thứ hai liên quan đến ấn tín được ghi khi nào trong khi cử hành nghi thức truyền chức. Ở đây ta chỉ đề cập đến việc truyền chức linh mục, chứ không bàn đến các cấp bậc khác. Phần đông các nhà thần học kinh viện xét đến việc trao ban đối tượng như hành động chính yếu qua đó nói lên quyền thánh chức được trao ban. Đối với việc truyền chức linh mục, khi trao chén có rượu và đĩa có bánh nói lên quyền thánh hiến Thánh Thể, thì cũng chính là lúc ấn tín được ghi. Ta hãy xem thánh Tôma trình bày lập trường này trong bộ Tổng luận của ngài:
Việc trao ban quyền hành được thực hiện bằng việc trao cho tiến chức đồ vật liên quan đến hành động riêng của họ. Và vì hành động chính yếu của linh mục là thánh hiến Mình và Máu thánh Đức Kitô, nên ấn tín linh mục được khắc khi vào chính lúc trao chén cùng với mô thể quy định của lời đọc kèm theo.[35]
Tuy nhiên, cũng có những lập trường khác coi việc đặt tay, hoặc cùng với lời đọc kèm theo, là dấu chỉ trao ban ấn tín nơi linh mục, cũng như phó tế. Tiêu biểu cho lập trường này là Alexandri Heles và sau này thánh Bônaventura cũng có cùng một quan điểm với thầy của mình. Thế nhưng cũng có chỗ thánh Bônaventura đồng ý rằng việc trao chén thánh là nghi thức chính yếu của việc truyền chức linh mục, khi ấy ấn tín được khắc ghi.
2.3. Thời Cận và hiện đại
Nhằm đối phó với thần học Cải Cách, Công đồng Trentô đưa ra giáo lý về các chức thánh, trong đó linh mục ở bậc cao nhất trong bảy chức thánh. Từ Công đồng Vatican II đến nay, thần học về tác vụ linh mục được khai triển theo nhãn quan vừa quy chiếu vào Đức Kitô, là khuôn mẫu cho căn tính và sứ vụ của linh mục, vừa quy chiếu vào Giáo hội, trong đó linh mục được kêu gọi, tuyển chọn và được sai đi cho ơn cứu độ của dân Chúa và của toàn thể nhân loại.
Linh mục – “Alter Christus”
Chính vì xét như là một sự tham dự vào vai trò trung gian của Đức Kitô và hành động nhân danh Đức Kitô mà thần học kinh viện và nhất là các suy tư sau Công đồng Trentô gọi linh mục là ‘Alter Christus’ để nhấn mạnh đến sự cao trọng của chức thánh này. Sau đây là vài đoạn chính trích từ bài giảng của thánh Gioan Maria Vianey về bí tích Truyền chức:
Các con thân mến, hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về bí tích Truyền Chức Thánh. Bí tích này mới nghe tưởng chừng như không liên hệ gì đến ai cả, nhưng lại là bí tích liên hệ đến hết mọi người. Bí tích này nâng người ta lên đến Thiên Chúa. Cao cả thay chức vụ linh mục! Với bí tích này, linh mục được giữ vai trò của Thiên Chúa, được nắm giữ mọi quyền phép của Thiên Chúa.
[…]
Thánh Bênađô nói tất cả mọi sự đều đến với chúng ta qua Mẹ Maria; và chúng ta cũng có thể nói rằng tất cả mọi sự: hạnh phúc, ân sủng, và những phúc lộc từ trời đều đến với chúng ta qua linh mục. Nếu chúng ta không có bí tích Truyền Chức Thánh, chúng ta sẽ không có Chúa Giêsu Thánh Thể. Ai đặt Chúa trong Nhà Tạm? Linh mục. Ai đón nhận linh hồn chúng ta vào đời sống đức tin? Linh mục. Ai nuôi dưỡng, tăng sức mạnh cho linh hồn trên đường đời lữ thứ này? Linh mục. Ai chuẩn bị linh hồn trong giờ lâm tử trước khi ra trước mặt Chúa? Linh mục, luôn luôn là Linh mục. Và nếu linh hồn chết trong tội, mất đi sự sống thần linh của Thiên Chúa, ai sẽ làm cho nó sống lại, ai đem lại sự bình an và niềm vui cho linh hồn? Cũng là linh mục. Các con không thể nào nhận được phúc lành nào mà không cần đến linh mục.
[...]
Sau Thiên Chúa, linh mục là cao cả nhất. Cứ bỏ một giáo xứ hai mươi năm vắng bóng linh mục mà xem; người ta sẽ thờ lạy các tà thần ngay. Sẽ không có thánh lễ, không có Chúa trong Nhà Tạm, vậy người ta sẽ làm gì ở nhà thờ? Lúc đó người ta sẽ nói: thôi cứ ở nhà cầu nguyện vậy! Khi người ta muốn hủy diệt đạo thánh Chúa, họ chỉ cần tấn công các linh mục, vì họ biết rằng không có linh mục thì không có đạo giáo.
Linh mục – Tư tế nhị phẩm
Công đồng Vatican II có ba tài liệu đề cập đến chức linh mục : Hiến chế Lumen Gentium, chương II, bàn về phẩm trật, cách riêng số 28; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (về tác vụ và đời sống linh mục) và quan trọng nhất là Sắc lệnh Optatam Totius (về đào tạo linh mục).
Thiên chức linh mục hết sức cao trọng, nhưng để sống trọn vẹn thiên chức và ơn gọi linh mục lại là một thách đố không hề nhỏ. Chức linh mục là sự tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, nhằm phục vụ Hội thánh.
Người linh mục được định hình căn tính trong tương quan với Chúa Kitô và với Hội thánh. Trong tương quan với Chúa Kitô, người linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa, trong tương quan với Hội thánh, người linh mục được sai đi thi hành sứ vụ. Quả vậy, Chúa Kitô, “là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36); toàn thể Hội thánh, được tham dự vào sự thánh hiến và sứ vụ của Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh tẩy, làm thành dân tư tế, ngôn sứ và vương giả (chức tư tế cộng đồng); linh mục, thành phần của Hội thánh, được tham dự vào sự thánh hiến và sứ vụ của Chúa Kitô nhờ bí tích Truyền chức, phục vụ dân Thiên Chúa trong nhiệm vụ thánh hoá, rao giảng, quản trị, với tư cách là đại diện Chúa Kitô. Qua tay các linh mục và nhờ quyền năng Thánh Thần, Chúa Kitô Thượng tế không ngừng hiện tại hoá ân sủng cứu độ của Người nơi các bí tích Thánh tẩy, Hoà giải, Xức dầu Bệnh nhân, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.[36]
Sau Công đồng Vatican II, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo bàn đến chức linh mục trong phần bí tích Truyền chức thánh ở rải rác trong các số từ 1534 đến 1600. Qua các số này, hình ảnh linh mục được phác họa rõ nét: được trao ban nhờ bí tích Truyền chức thánh (1538), linh mục lãnh nhận chức tư tế thừa tác nhị phẩm (1562) nhằm đến việc phục vụ dân Thiên Chúa (1551); tuy tuỳ thuộc vào các giám mục trong việc thực thi năng quyền (1564, 1567), linh mục thi hành chức tư tế thừa tác nhân danh Chúa Kitô (1548-51) để rao giảng, ban phát bí tích và cai quản Thân Thể Người (1563-1566) và nhân danh toàn thể Hội thánh dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện và hy tế Thánh Thể (1552-53).
Trong Hội thánh, linh mục được truyền chức để trở nên tư tế nhị phấm, hiến dâng lễ tế Đức Kitô lên Thiên Chúa trong mỗi lần cử hành thánh lễ. Có thể nói, chức linh mục gắn liền với hy tế Thánh Thể; cùng một trật, linh mục thi hành lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
II. LINH MỤC THÁNH HÓA CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI QUA VIỆC CỬ HÀNH CÁC BÍ TÍCH
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giáo lý số 57 với chủ đề: “Các linh mục thánh hóa qua các bí tich”, đã dạy rằng:
[…] người ta không bao giờ có thể nghi ngờ rằng đối với các linh mục giảng dạy và rao giảng, ngay cả ở mức độ học thuật và uyên bác nhất, luôn phải giữ mục đích phục vụ thừa tác vụ thánh hóa qua các bí tích.
Trong mọi trường hợp, nhiệm vụ quan trọng của việc thánh hóa được giao phó cho các linh mục không thể được chất vấn. Họ có thể thực thi sứ vụ này trên tất cả trong tác vụ thờ phượng và các bí tích.[37]
Trong các bí tích Đức Giêsu đã lập, ngoài tầm quan trọng của phép Rửa, bí tích Thánh Thể và Hòa Giải cần thiết hơn cả cho phần rỗi của Dân Chúa. Chúng ta lưu tâm đặc biệt đến hai bí tích này.
1. Bí tích Thánh Thể, nguồn ân sủng dưỡng nuôi nhân loại
Lúc Đức Giêsu truyền lặp lại những cử chỉ và lời nói của mình “cho tới khi Người lại đến,”[38] Người đòi hỏi không những phải nhớ đến Người và những gì Người đã làm, nhưng còn muốn các Tông đồ và những người kế nhiệm phải cử hành phụng vụ tưởng niệm cuộc sống, cái chết, việc phục sinh và lên trời về với Chúa Cha của Người; việc làm này không phải chỉ để nhớ đến Đức Giêsu, nhưng còn là ca tụng tình thương của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu và hiến tế thập giá của Người, Thiên Chúa đã ban cho con người ơn cứu độ.
Ngay từ đầu, Hội thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh của Chúa. Sách Công Vụ Tông Đồ tường trình về Hội thánh ở Giêrusalem như sau:
Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện không ngừng…, ngày ngày siêng năng tới đền thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.[39]
Đặc biệt các Kitô hữu họp nhau để “Bẻ Bánh”[40] vào “ngày thứ nhất trong tuần,” nghĩa là Chúa nhật, ngày Chúa phục sinh. Sách thánh không cho thấy cụ thể nghi lễ Bẻ Bánh diễn tiến thế nào, nhưng chúng ta có thể xem đây là những thánh lễ thuở ban đầu Giáo hội đã xác tín và long trọng cử hành. Đó chính là nguồn mạch và sức sống của Giáo hội thời sơ khai.
Quả vậy, sách Công Vụ Tông Đồ cũng cho chúng ta thấy Giáo hội tiên khởi chuyên cần hội họp bẻ bánh.[41] Chính việc Bẻ bánh và chuyên cần này đã xây dựng Hội thánh tiên khởi. Như vậy, ngay từ đầu, việc cử hành Thánh Thể đã đi vào trọng tâm việc phụng vụ của Giáo hội. Khi cử hành Bí tích này, biến cố Đức Giêsu chịu chết và phục sinh lại được hiện tại hóa, mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu đã là nền tảng cho sự hiện hữu của Giáo hội, Giáo hội trước hết là “Giáo hội phục sinh”, Giáo hội là cộng đoàn quy tụ, Giáo hội là cử hành Thánh Thể, Giáo hội là Agapê, là đức ái… trong những ý nghĩa này, chúng ta rút ra mối tương quan khắng khít giữa Thánh Thể và Giáo hội.
Khi tìm hiểu mối tương quan giữa Thánh Thể và Giáo hội, chúng ta nêu ra một trong những quan niệm rộng rãi nhất về Thánh Thể có khả năng diễn tả tất cả vẻ phong phú mà Giáo hội đã nhận thấy nơi Thánh Thể, đó là quan niệm được cha Henri de Lubac tóm tắt trong cái được gọi là “thần học của các Giáo phụ về Thánh Thể: Thánh Thể làm nên Giáo hội”.[42]
Việc cử hành thánh lễ, hay cử hành Thánh Thể có nhiều ý nghĩa, nhưng điều hiển nhiên nhất, thánh lễ là một cuộc hội họp của dân Chúa.[43] Theo nghĩa này, đích thật “Thánh Thể làm nên Giáo hội”, vì Giáo hội chính là sự tụ họp Dân Chúa.
Thánh Cyprianô nhấn mạnh chiều kích Hội thánh của Thánh Thể: bánh và rượu không những là biểu tượng của Mình và Máu thánh Đức Giêsu, mà còn là biểu tượng của Hội thánh. Nhờ kết hiệp với Đức Giêsu, các tín hữu được liên kết thành một thân thể, giống như một tấm bánh từ nhiều hạt lúa và một chén rượu từ nhiều trái nho.[44]
Thánh Âu Tinh cũng quan niệm Hội thánh là thân thể Đức Giêsu. Do đó, tuy vẫn tin rằng Bánh và Rượu thánh thực sự là Mình và Máu Đức Giêsu, nhưng thánh nhân muốn các tín hữu chú trọng đến sự hiện diện của Đức Giêsu nơi các chi thể của Người, nhằm cổ võ tinh thần đoàn kết, yêu thương như là điều kiện cử hành thánh lễ và như công hiệu của bí tích.[45]
Như vậy, đặc điểm chung của Thánh Thể và Giáo hội là sự quy tụ, hiệp thông, và đức ái. Việc tập họp cử hành Bẻ Bánh và tạ ơn đã trở thành điều ưu tiên của Giáo hội. Như thế, Giáo hội “duy nhất, thánh thiện, Công giáo và Tông truyền” biểu lộ căn tính của mình không ở đâu rõ nét cho bằng lúc cử hành Thánh Thể hay tạ ơn.[46]
Như chúng ta đã nói ở trên, Chúa nhật là ngày Giáo hội tụ họp để cử hành Thánh Thể, và như vậy, Thánh Thể giữ vị trí trung tâm của ngày này, và Thánh Thể cũng chính là trung tâm cho cộng đoàn cử hành biến cố Vượt qua của Đức Giêsu. Là Kitô hữu, tức là chúng ta thuộc về Giáo hội, và thuộc về Giáo hội có nghĩa là tham dự vào ngày cử hành Chúa sống lại để Bẻ Bánh và Tạ ơn. Như vậy, việc chúng ta thuộc về Giáo hội được thể hiện qua việc chúng ta tham dự vào cộng đoàn cử hành Thánh Thể. Trong ý nghĩa này, chúng ta lại thấy rõ hơn một chút “Thánh Thể làm nên Giáo hội.”
Thánh Thể làm nên Giáo hội còn chính là việc Thánh Thể xây dựng nhiệm thể Giáo hội và làm cho Dân Kitô được tăng trưởng. Sống Thánh Thể là sống sự hiệp thông trong Giáo hội và Giáo hội như là hồng ân Thiên Chúa.[47] Giáo hội là Nhiệm thể, có Đức Giêsu là đầu; do vậy, chúng ta không thể thuộc về Đức Kitô nếu không thuộc về Giáo hội. Như vậy, sẽ thực sự là mâu thuẫn khi tách Đức Giêsu ra khỏi Nhiệm thể của Người là Giáo hội. Hay nói cách khác, Thánh Thể làm nên Giáo hội được hiểu theo nghĩa rộng.
Thánh Âu Tinh trong bài giảng 272, đã trình bày một cách tuyệt vời về mối tương quan giữa thân thể Đức Giêsu mà chúng ta nhận lãnh một cách bí tích và thân thể Giáo hội của Chúa Kitô mà chúng ta trở thành khi hiệp lễ:
Bạn muốn hiểu thân thể Chúa Kitô là gì không? Bạn hãy nghe thánh Công đồng nói với các tín hữu: “Anh chị em là thân thể Chúa Kitô, và là các chi thể của Người” (1Cr 12,27). Vậy nếu anh chị em là thân thể của Chúa Kitô và là chi thể của Người thì chính mầu nhiệm của anh chị em đang ngự trị trên bàn tiệc của Chúa. Anh chị em lãnh nhận mầu nhiệm của mình, anh chị em thưa Amen để đáp lại lời nói của bản thân anh chị em, và lời đáp này nói lên sự chấp nhận của anh chị em. Bạn nghe nói: “Mình Thánh Chúa Kitô” và bạn hãy là chi thể của Chúa Kitô, để lời thưa Amen của bạn là chân thật.[48]
Như vậy, Thánh Thể làm nên thân thể Chúa Kitô tức là làm nên Giáo hội. Hơn nữa, Thánh Thể còn là thần lương nuôi dưỡng Giáo hội, làm cho Giáo hội ngày càng tăng trưởng. Các Giáo phụ diễn tả điều này với tư tưởng: Thánh Thể là sự cứu rỗi của Giáo hội và là sự hiệp nhất của Giáo hội. Qua bí tích Thánh Thể mọi tín hữu không những được hiệp nhất với Thiên Chúa mà còn được nên một với nhau trong Hội thánh của Người.
Thánh Thể nuôi dưỡng đức ái của Giáo hội, bởi chính Thánh Thể là một bài học yêu thương tuyệt hảo nhất, yêu thương đến tột cùng, trao ban đến tận cùng.
Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu trở thành một thực thể sống động, hiệp thông, liên kết trong đức ái, làm nên một thân thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là đầu. Đó chính là Giáo hội của Đức Giêsu, Giáo hội được khai sinh từ ngày lễ Ngũ tuần, được khai sinh từ bàn tiệc Thánh Thể. “Thánh Thể làm nên Giáo hội” là như thế. Lời kinh tạ ơn III, một lần nữa cho chúng ta thêm phần xác tín: “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Giêsu.”
Tắt một lời, qua Bí tích Thánh Thể, các linh mục có bổn phận thực thi lời trăng trối tái diễn hy lễ ơn cứu độ mà Đức Kitô đã trao lại để thánh hóa nhân loại:
“Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Hơn nữa, các ngài có bổn phận “dâng của lễ hy tế lên Thiên Chúa thay cho tất cả các tín hữu, người còn sống cũng như kẻ đã qua đời, dâng lên Thiên Chúa của lễ đền tội cho tất cả mọi người, và để nhận được từ Thiên Chúa những ơn ích thiêng liêng và trần thế.” … Qua thánh lễ, linh mục là chủ tế, cùng với dân người, ngài thánh hóa thế gian qua Đức Kitô và thờ lạy Thiên Chúa Cha qua Đức Kitô.[49]
2. Bí tích Hòa giải, nguồn ân sủng chữa lành
Hội thánh khai sinh như một Dân tư tế. Chính vì vậy, chức tư tế thừa tác cần thiết như khí cụ phục vụ cho chức tư tế duy nhất của Đức Kitô để ơn ích cứu độ có thể được thông chuyển cho Dân tư tế nhờ các bí tích. Thánh Phaolô cho chúng ta những chỉ dẫn để hiểu về chức tư tế thừa tác khi nói “chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1). Mầu nhiệm ở đây được hiểu là mầu nhiệm Thập giá và ân sủng phát sinh từ Thập giá (x. 1Cr 2,1-2).
Đức Giêsu trao quyền cho Nhóm Mười Hai thi hành chức tư tế thừa tác. Các ông hành động nhân danh Đức Kitô Thượng tế. Trong các tác vụ của mình, có tác vụ tha thứ tội lỗi. Theo bản văn Mátthêu, quyền “cầm buộc và tháo cởi trước hết được trao cho thánh Phêrô ở chương 16, câu 19, thì cũng được trao cho các Tông đồ khác ở chương 18, câu 18. Tuy nhiên bản văn được đặt trong bối cảnh bài giảng về Giáo hội, chứ không nói rõ Đức Giêsu đã trao quyền tha tội cho các Tông đồ khác, như trường hợp của thánh Phêrô: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18,18).
Thánh Gioan thì lại đặt sự kiện này trong bối cảnh vào lúc Chúa Giêsu phục sinh sai phái các Tông đồ ra đi:
“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,23).
Bắt nguồn từ nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, trải qua dòng lịch sử cứu độ,[50] bí tích Hòa Giải là hành vi cứu chuộc của Chúa Kitô, được thực hiện trong chính cuộc Vượt qua của Người. Như vậy, bí tích Hòa Giải chính là sáng kiến của Thiên Chúa.
Thực vậy, Hội thánh mang sứ mạng phục vụ công cuộc hòa giải mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, qua mầu nhiệm Vượt qua của Người. Chính khi loan báo mầu nhiệm hòa giải của Thiên Chúa, Hội thánh cũng loan báo những hậu quả khốc hại của tội lỗi. Tội lỗi gây ra sự chia rẽ bất hòa giữa con người với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với vũ trụ.[51] Dẫu cho như thế, Thiên Chúa là Cha, một người Cha không ngừng yêu thương đứa con lầm lạc, và sẵn sàng chạy ra “ôm cổ anh ta mà hôn lấy hôn để” (Lc 15,20) khi thấy anh ta trở về nhà. Thiên Chúa luôn “trung tín với tình yêu”, cho dù con người bất trung, phản bội; Người chờ đợi, đi tìm đứa con ngay tại nơi mà nó bị giam hãm bởi sự cô đơn, chia rẽ, và kêu gọi nó trở về nhà.[52]
Qua bí tích Hòa Giải, Giáo hội loan báo cho các tội nhân Lời yêu thương, sứ điệp hòa giải và ban ơn tha tội. Sứ điệp này đánh động và thay đổi chiều sâu tâm hồn của họ; giúp họ gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn, củng cố đức tin và niềm hy vọng vào lòng xót thương của Người. Chính Thiên Chúa thúc đẩy tội nhân bày tỏ lòng hoán cải và khao khát được giao hòa qua việc xin lãnh nhận bí tích. Cuối cùng, qua dấu chỉ bí tích, Thiên Chúa ban cho hối nhân ơn hòa giải trọn vẹn, chấp nhận cho họ trở về sống thân mật với Người, nhờ hiệp thông với Đức Kitô và Giáo hội.
Thật vậy, hối nhân chỉ có thể gặp gỡ được Thiên Chúa nơi Đức Kitô tử nạn và phục sinh. Nơi thập giá Đức Kitô, ơn giao hòa của Thiên Chúa được ban cho nhân loại một lần duy nhất. Bởi thế, mỗi khi cử hành bí tích nói chung, và cách riêng bí tích Hòa Giải, là Hội thánh cử hành cuộc Vượt qua của Đức Kitô, nhờ đó con người đón nhận được ơn tha thứ, được ban cho sự sống mới. Chính mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, sự chiến thắng tội lỗi và hoàn tất cánh chung của Người, vẫn hiện diện cách huyền nhiệm nơi Giáo hội là bí tích của Người.
KẾT LUẬN
Chức linh mục rất cao quý, vai trò linh mục rất quan trọng, nhưng con người linh mục lại rất mỏng giòn, yếu đuối, như thánh Phaolô đã diễn tả bảo ngọc đựng trong bình sành (Xc. 2 Cr 4,1-16). Chính vì vậy, một khi xác định căn tính của mình, người linh mục được mời gọi gắn bó hơn với Chúa Kitô, yêu mến Lời Chúa, siêng năng cầu nguyện và qua việc cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải, linh mục thánh hóa chính bản thân mình và thánh hóa nhân loại. Nhờ ơn thánh Chúa, linh mục ngày càng trở nên giống Chúa Kitô hơn và nhờ việc cần mẫn thi hành thừa tác vụ của mình, linh mục giúp dân Chúa mỗi ngày nên thánh thiện hơn.
Thật vậy, trong sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dạy rằng Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho các ơn gọi hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa. Ngài mời gọi các mục tử hãy kín múc ở nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, cùng với việc năng lui tới với Lời Chúa và các bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể, nhờ đó các mục tử có thể sống tình yêu đối với tha nhân, thánh hóa nhân loại, đồng thời học biết khám phá khuôn mặt đích thật của Chúa Kitô (x. Mt 25, 31-46).[53]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)
_______
[1] Xc. St 12,7.
[2] Xc. St 13,18.
[3] Xc. St 22.
[4] Xc. St 26,25.
[5] Xc. Đnl 4,24; Dt 12,29.
[6] Xc. Is 6,5; Xh 20,18-19
[7] Xc. Xh 29; Lv 9.
[8] Xc. 1Sm 1-4; 2Sm 15,24-29.
[9] Xc. Lv 23,11. 20.
[10] Xc. Xh 24,4-8.
[11] Xc. Đnl 33,10.
[12] Xc. Xh 29,38-42.
[13] Xc. Lv 16; Hc 50,5-21.
[14] Xc. 1V 1,39; 2V 11,12; Lv 12,6tt; 14.
[15] Xc. St 14,18-20.
[16] Xc. Dt 5,10; 6,20.
[17] 1Tm 2,5.
[18] Xc. Các thư Philađenphia, đầu thư; Miếtna, ch. 7 và 12; Tralét, ch. 2 và 7; Pôlycáp, ch. 6; v.v.
[19] Thư Philađenphia, ch. 12.
[20] Giám mục của Salamis (Hy Lạp) khoảng cuối thế kỷ IV, được cả cả Giáo hội Đông và Tây phương coi là Giáo phụ, nổi tiếng với tác phẩm chống lạc giáo đồ sộ Panarion, trong đó 80 nhóm lạc giáo được liệt kê.
[21] Híppôlitô, Truyền Thống Tông Đồ, ch. 3.
[22] Híppôlitô, Truyền Thống Tông Đồ, ch. 6.
[23] Ibid., ch. 7, 1.
[24] Híppôlitô, Truyền Thống Tông Đồ, ch. 6.
[25] Constitutiones Apostolorum được biên soạn vào khoảng thế kỷ IV, không rõ tác giả, thu thập các lề luật phụng tự và giáo luật cổ, được chia thành tám tập.
[26] Luật Lệ Tông Truyền, VIII, 3.
[27] Günter Koch, Bí tích học qua các tác giả. dg. Nguyễn Văn Hoà, Sài Gòn: 2004, tr. 580.
[28] Tu sĩ dòng Phan Sinh thuộc vào thế hệ đầu tiên, là thầy của thánh Bônaventura.
[29] Trích lại từ Pierre-Marie Gy, O.P., “Sự tiến triển trong suy tư thần học của thánh Tôma về bí tích Truyền chức,” Giao Lưu, số 15: tr. 60.
[30] St. Thomas Aq., Summa Theologica, III, q. 65, a.2
[31] St. Thomas Aq., Summa Theologica, III, q. 65, a.2
[32] Ibid., III, q. 22, a.1.
[33] Ibid., III, q. 26, a.1.
[34] St. Thomas Aq., Summa Theologica, III, q. 35, a.5
[35] Ibid., III, q. 37, a.5
[36] Xc. Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 2 và 5.
[37] Số 2 và số 3, Bài giáo lý số 57. https://catechesis.net/tgh-gioan-phaolo-ii-bai-57-cac-linh-muc-thanh-hoa-qua-cac-bi-tich/
[38] Xc. 1Cr 11,26.
[39] Cv 2,42.46.
[40] Cv 20,7.
[41] Xc. Cv 2,42-47; 4,32-35; 5,12-16.
[42] Câu này viết đầy đủ phải là: “Thánh Thể làm nên Giáo hội và Giáo hội làm nên Thánh Thể.” Xc. Phaolô Bùi Văn Đọc & Giuse Võ Đức Minh, Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 1999, tr. 367.
[43] Xc. Cv 2,42,46; 28,7; 1Cr 11,17.18.20.33.34.
[44] Xc. Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập 4, tr. 693.
[45] Ibid. tr. 694.
[46] Xc. Phaolô Bùi Văn Đọc & Giuse Võ Đức Minh, Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể; tr. 371.
[47] Ibid., tr. 374.
[48] Ibid., tr. 375-376.
[49] Toát Yếu Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1322-1323, 1409
[50] Lịch sử cứu độ cũng là lịch sử hòa giải: Thiên Chúa là Cha, đã hòa giải thế giới với mình trong Đức Giêsu, Con Một của Người, nhờ đó nhân loại trở thành một gia đình được hòa giải (Gioan Phaolô II, Tông huấn Hòa giải và Thống hối, số 4).
[51] Gioan Phaolô II, Tông huấn Hòa giải và Thống hối, số 15.
[52] Ibid., số 10.
[53] Xc. https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/02/14/su-diep-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-cac-on-goi-2012/