LINH ĐẠO “TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU” (Á THÁNH
ANRÊ PHÚ YÊN)
Lm.
Giuse Trương Đình Hiền
Hội Thánh Việt Nam cũng như toàn thể cộng đoàn Dân Chúa hoàn vũ, không ai
ai có thể phủ nhận điều nầy: TỬ ĐẠO đó chính là con đường, là cách thế tuyệt vời
nhất, vĩ đại nhất để Thầy Giảng Anrê Phú Yên được tôn vinh và ngưỡng mộ, được mến
yêu và học đòi bắt chước. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào cuộc đời, cho dù chỉ là một
cuộc đời đơn sơ, khiêm tốn, chỉ võn vẹn 19 xuân xanh, chúng ta có thể nhận ra
nơi người “thanh niên tân tòng” nầy những nét đẹp tinh thần và nhân bản tuyệt vời
và những gợi ý sâu xa cho cuộc sống đức tin của Dân Chúa, không kém gì những
nhà tu đức, những vị Thánh Tiến sĩ lừng danh của Giáo Hội. Chúng ta có thể mạnh
mẽ xác nhận với nhau rằng: Đã có một “Linh đạo Anrê Phú Yên” ở giữa
lòng Hội Thánh.
Ở giữa lòng Hội Thánh đã từng có một thánh nữ trẻ, Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897), quyết chọn “TÌNH YÊU” như “chìa khoá” mở lối vào cuộc hành trình nên
thánh của mình, như chính thánh nữ đã trình bày trong “Tác phẩm Nhật ký thiêng
liêng của Ngài”[1]:
“Đức ái đã mang lại cho con chìa khóa ơn gọi của
con. Con hiểu rằng nếu Giáo Hội là một thân thể, gồm nhiều chi thể, thì không
thể nào thiếu được cơ phận quan trọng nhất. Giáo Hội có một trái tim và trái
tim ấy được nồng cháy Tình Yêu. Chỉ có Tình yêu mới có thể huy động các chi thể
của Hội Thánh. Nếu Tình yêu tắt lịm thì các tông đồ không còn rao giảng Tin Mừng
nữa, các vị tử đạo sẽ không còn dám đổ máu đào nữa... Con hiểu rằng Tình Yêu
bao gồm tất cả mọi ơn gọi... Lúc đó, trong niềm vui tột đỉnh con thốt lên: Lạy
Chúa Giêsu Tình Yêu của con... con đã tìm được ơn gọi của con, ơn gọi của con
chính là Tình Yêu!” (Thủ
bản B, 3v)[2].
Dĩ nhiên, “Tình Yêu” không là một phát kiến mới của thánh nữ Têrêsa, nhưng
chỉ là một sự đào sâu, khai thác chính suối nguồn của mọi linh đạo, của mọi con
đường nên thánh là kho tàng Lời Chúa, là giáo huấn của Thầy Chí Thánh Giêsu[3],
là Tin Mừng, là giáo huấn của các Thánh Tông Đồ...[4].
Trong buổi đầu Tin Mừng vừa đến với quê hương Việt Nam “đang thời mở cõi”,
đã có một Kitô hữu tân tòng, một Thầy Giảng, cũng đã sống và làm chứng cho “TÌNH
YÊU” bằng một sự “ĐÁP TRẢ” tuyệt vời là chính cuộc “Tử Đạo” oai hùng của mình.
Đó chính là Thầy Giảng Anrê Phú Yên, hoàn tất hiến lễ tình yêu và chiều ngày
26.7.1644 và được Giáo Hội tuyên phong Á Thánh ngày 5.3.2000 mà di chúc thiêng
liêng của ngài còn lưu lại có thể tóm tắt trong một linh đạo mang tên: TÌNH YÊU
ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU:
“Hỡi anh chị em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của
chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ
vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống…”
“Hỡi anh chị em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời
cho đến chết; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến
Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta.”
“Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức
Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”[5].
Để thêm chút hành trang cho cuộc hành trình nên thánh, chúng ta có thể mày
mò tìm kiếm đôi nét đan thanh về Linh đạo nầy mà có lẽ đã ẩn tàng đâu đó trong
một mệnh đề duy nhất: ”TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU”.
I. MỘT TÌNH
YÊU TRUNG THÀNH VỚI CHÚA GIÊSU VÀ VỚI CĂN CƯỚC KITÔ HỮU:
Trung tín” đó chính là sứ điệp, là lời trăn trối cốt yếu và thường xuyên mà
Á Thánh Anrê Phú Yên đã để lại cho chúng ta trong những phút giây cuối cùng của
Ngài, những phút giây Ngài đang đối diện với những cực hình và thử thách, những
phút giây thử thách đã khiến bao người trong chúng ta không đủ sức để trụ vững
và đành ngã lòng phản bội. Câu chuyện tử đạo của các Thánh Phan Viết Huy, Bùi Đức
Thể và Đinh Văn Đạt đã từng nói lên kinh nghiệm đó[6].
Trong khi đó, rất nhiều người trong chúng ta miệng thì nói “yêu” mà chưa
chắc “yêu thật sự”, như bài thơ tình hài hước dễ thương của Bob Marley:
Em nói em yêu mưa,
Nhưng mỗi lần mưa đến em lại che dù.
Em nói em yêu nắng,
Nhưng mỗi khi nắng lên em lại tìm chỗ trú.
Em nói em yêu gió,
Nhưng mỗi lần gió đến, em lại đóng cửa sổ lại.
Chính vì những điều đó,
Mà anh cảm thấy sợ khi em nói yêu anh.[7]
Nhưng Anrê Phú Yên thì khác. Tình yêu của Ngài dành cho Chúa Giêsu, phải
chăng trước hết là “Một Tình Yêu Trung Tín”.
Chúng ta có thể đọc thấy rõ tư tưởng nầy qua rất nhiều chứng từ còn để lại:
1. Bản Tường Trình của Cha Đắc Lộ gửi cho các Bề
trên ở Macao: Viết
tại Hội An ngày 1.8.1644 (Tức hơn 1 tháng sau cuộc tử đạo của Thầy giảng Anrê):
“ ... Và ông Nghè Bộ than phiền về nhưng câu
trả lời rất thẳng thắn như thế, và nói rằng: “Giả sử anh ta nói với tôi rằng
mình là người nghèo và ở với Cha để có gì mà ăn, thì tôi đã tha thứ và thả anh
ra. Nhưng trái lại, anh đã táo bạo trả lời tôi rằng anh là Kitô hữu, và thờ lạy
Chúa trời đất, và không có gì trên trần gian làm cho anh từ bỏ đạo thánh anh đã
theo, và vì thế anh sẵn sàng hiến mạng sống, chấp nhận mọi hình phạt người ta
muốn giáng xuống cho anh ! Vì vậy, - Ông Nghè Bộ nói – vì anh ta điên đến độ ăn
nói như thế, nên anh phải chết”; ông đã gọi là điên rồ sự Khôn Ngoan chân thực
của Chúa Thánh Linh nói qua miệng Thầy”[8].
2. Biên Bản cuộc điều tra cấp giáo phận (Macao,
12- 1644 đến 2- 1645):
- Nhân chứng II: Francisco de Azevedo Teixeira:
Trước mặt Quan Nghè Bộ, Thầy trả lời: “Tôi tuyên
xưng Đạo Chúa Kitô; tôi là Thầy giảng của Cha Đắc Lộ, và tôi lo việc rửa tội
cho người lương tại nước này, tôi là Kitô hữu từ nhiều năm nay, và tôi sẵn sàng
hiến mạng sống vì Đạo Chúa Kitô mà tôi tuyên xưng”. Và Ông Nghè Bộ bảo Thầy hãy
từ bỏ Đạo Chúa Kitô, Đạo mà Thầy gọi là đạo mới, rồi ông sẽ tha mạng cho Thầy,
nhưng Thầy đáp: “Tôi sẽ không làm điều như thế, và nếu Quan muốn giết tôi, tôi
sẵn sàng trả bằng mạng sống món nợ của tôi đối với Thiên Chúa và là Đấng Tạo
Thành tôi”.
Vị tử đạo vẫn hướng mặt lên trời, ngã về phía bên
phải, miệng vẫn kêu tên Giêsu Maria nhiều lần; và khi Thầy còn ở trong tình trạng
đó, một trong những người lính cầm đao, chém đứt cổ trong lúc vị tử đạo còn sống,
và Thầy tiếp tục kêu tên cực trọng Giêsu Maria, và chính tôi thấy điều này: sau
khi cổ Thầy bị chém lìa, người ta vẫn còn có thể nghe được tên Thánh Giêsu
Maria, trong hơi thở vọt ra với máu.
Và ngoài ra, tôi tuyên bố rằng trước khi bị dẫn tới
nơi tử đạo, trong lúc còn bị giam trong tù, Thầy Anrê đã nói với đông đảo tín hữu
Kitô hiện diện: “Anh chị em hãy can đảm lên và hãy kiên trì, đừng sợ thấy tôi
phải chết. Tôi không chết vì một tội nào đã phạm, nhưng chính vì tôi là Kitô hữu,
và vì tôi dạy Đạo Chúa Kitô. Và tôi trả bằng mạng sống món nợ của tôi đối với
Chúa Giêsu”[9].
- Nhân chứng III: Antonio Pecanha de Mendonca:
“Trước mặt Quan Nghè Bộ, Thầy Anrê đã can đảm
tuyên xưng nhiều lần rằng: “Tôi là Kitô hữu, và tôi luôn sẵn sàng hiến mạng sống
vì Đạo Chúa Kitô”.
... Bấy giờ một đao phủ khác, hay người lính, đến
gần, tay cầm đao, và chém lìa cổ Thầy Anrê, trong khi Thầy luôn cương quyết và
đầy lòng kiên trì, miệng luôn kêu tên Giêsu và Maria, cho đến khi người ta chém
đầu Thầy. Và Thầy vẫn luôn nói rằng mình không chết vì là trộm cắp hay vì đã phạm
một tội ác nào khác, nhưng chỉ vì mình là Kitô hữu. Thầy dùng tiếng Bản xứ để
khuyên các tín hữu Kitô khác hãy vững tin, và đừng sợ vì cái chết của Thầy. Tất
cả những điều đó, tôi đã nghe được, và những người hiện diện đã giải thích cho
tôi điều đó.”[10].
- Nhân chứng IV: Manoel da Fonseca:
Tôi đã thấy Thầy ở trong một ngôi nhà tranh có
lính canh gác, và cổ đeo gông. Thực vậy, trước đó, Thầy đã trả lời với
Quan Nghè Bộ: “Tôi là Kitô hữu, và nếu vì điều này mà tôi đáng bị hình phạt
nào, thì tôi sẵn sàng”.
Trong lúc ấy (khi hành quyết), Thấy Anrê quỳ xuống,
mắt hướng về trời. Điều ấy tôi thấy tận mắt; và tôi đã nghe những người đứng gần
Thầy kể lại rằng Thầy đang kêu tên cực trọng Giêsu và Maria. Bản án được thi
hành, và được tuyên bố, chỉ vì lý do Thầy Anrê là Kitô hữu, chứ không phải vì
Thầy đã phạm một tội ác nào. Và chính Thầy Anrê đã tuyên bố công khai điều đó,
và cả tôi cũng đã nghe Thầy Anrê tuyên bố: “Tôi chết vì là Kitô hữu, chứ không
phải vì tội ác nào đã phạm”[11].
- Nhân chứng VI: Domingos Rodrigues:
Lúc người ta muốn trói Thầy lại, Thầy nói: “Xin đừng
trói tôi, tôi là Kitô hữu và tôi không chối bỏ điều ấy, và vì thế tôi sẽ không
chạy trốn đâu”. Cũng vậy, tôi nghe những người Bồ Đào Nha nói rằng khi bị điệu
tới Kẻ Chàm, trước mặt Quan Nghè Bộ, Thầy Anrê đã công khai tuyên bố trước mặt
quan mình là Kitô hữu và sẵn sàng chịu mọi hình phạt vì điều ấy.
Và trong khi Thầy Anrê vẫn tiếp tục kêu tên cực trọng
Giêsu và Maria... Thầy khuyên bảo những người hiện diện rằng: “Tôi rất vui mừng
và mãn nguyện được chết vì là Kitô hữu; đây không phải là chết, nhưng là được sống
đời đời, và nếu có ai trong anh chị em bị cùng số phận như vậy, thì hãy hết sức
cảm tạ Thiên Chúa, và hãy kiên cường trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng
mà tôi cũng đang tuyên xưng đây”. Thầy Anrê đã bị sát hại chỉ vì Thầy là Kitô hữu,
chứ không phải vì một tội ác nào khác đã phạm; đó là điều mà chính Thầy Anrê đã
tuyên bố công khai, và Thầy cũng nói trước khi chịu chết: “Tôi chết trong tư
cách là Kitô hữu, chứ không phải vì tội ác nào cả”[12].
- Nhân chứng VII: Agostinho da Silva:
Khi (Quan Nghè Bộ) hỏi Thầy xem có phải là Kitô hữu
không, Thầy can đảm tuyên xưng điều đó và nói: “Tôi sẵn sàng nhận mọi hình phạt
người ta muốn giáng cho tôi chỉ vì tôi là Kitô hữu”. Thầy khuyến khích và
khuyên bảo các tín hữu Kitô khác hiện diện: “Anh chị em đừng buồn vì cái chết của
tôi, bởi lẽ tôi không chết vì một tội ác nào đã phạm, nhưng chính vì tôi là
Kitô hữu; và anh chị em hãy kiên cường trong đức tin”[13].
- Nhân chứng XIV: Pero Pinto de Figueiredo:
Trước mặt quan, Thầy đã can đảm tuyên xưng: “Tôi
là Kitô hữu, và lý do này tôi sẵn sàng hiến mạng sống vì Chúa Kitô”. Thầy đã bị
kết án tử hình chỉ vì là Kitô hữu, và vì đã can đảm tuyên xưng mình là Kitô hữu.
Và chính tôi, tôi đã thấy rằng Thầy Anrê hài lòng và tuân phục ý Chúa, chấp nhận
chết vì đức tin thánh và vì Đạo. Và tất cả những điều ấy, chính tôi đã thấy, vì
tôi có mặt lúc đó, và tôi đã nói chuyện với Thầy Anrê trong nhà tù nơi Thầy bị
giam giữ. Thầy bị giết chết bằng những ngọn giáo và bị chém lìa cổ; trong lúc ấy,
Thầy Anrê tiếp tục kêu tên Giêsu và tuyên xưng niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô Chúa
chúng ta cho đến khi chết; và trước đó, Thầy đã khuyên bảo các tín hữu Kitô có
mặt hãy kiên cường trong đức tin.”[14].
Chúng ta thấy đó: trung thành với Chúa Giêsu, và với “căn cước Kitô hữu”
cho đến chết đó chẳng phải là một linh đạo tuyệt vời sao. Và chúng ta còn thấy
gì nữa trong “Tình yêu đáp trả tình yêu của Ngài”.
II. MỘT TÌNH
YÊU CAN ĐẢM ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ:
Ngôn ngữ của ca dao Việt Nam đã diển tả nét đẹp tuyệt vời của tình yêu
bằng thái độ chấp nhận hy sinh:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua…
Chàng ơi cho thiếp theo cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam,…
Ở giữa lòng Hội Thánh Việt Nam, chúng ta cũng khám ra ra trong tình
yêu của Á Thánh Anrê dành cho Chúa Giêsu và Nhiệm Thể của Ngài đó là “Một
tình yêu can đảm đón nhận thập giá”.
Chúng ta lại trở về với các nhân chứng trong cuộc điều tra phong thánh cho
Ngài:
- Nhân chứng V: Antonio Mendes:
“Thầy Anrê đã trả lời quan một cách rất can đảm: “
Tôi là Kitô hữu, và tôi rất sẵn sàng hiến mạng vì Chúa Kitô”. Và lời tuyên xưng
đức tin này đã làm cho quan nổi giận, ông giam Thầy vào tù với gông mang trên cổ.
Bản án này, Thầy Anrê chấp nhận với nét mặt hân hoan và tươi cười; Thầy nói: “
Tôi rất mãn nguyện vì được trả món nợ của tôi đối với Đức Giêsu Chúa chúng ta”[15].
- Nhân chứng XVIII: Luis de Brito:
Quan Nghè Bộ hỏi xem Thầy Anrê có phải là Kitô hữu
không và Thầy can đảm đáp: “ Vâng, tôi là Kitô hữu và tôi sẵn sàng chết vì Đạo
Chúa Kitô”. Thầy đã bị một người lính dùng những nhát giáo đâm thâu qua và một
người lính khác chém lìa cổ. Trong lúc ấy, Thầy tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi
Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và khuyên bảo các tín hữu Kitô khác hãy kiên cường
giữ vững đức tin”[16].
- Nhân chứng XIV: Pero Pinto de Figueiredo:
Trước mặt quan, Thầy đã can đảm tuyên xưng: “Tôi
là Kitô hữu, và lý do này tôi sẵn sàng hiến mạng sống vì Chúa Kitô”. Thầy đã bị
kết án tử hình chỉ vì là Kitô hữu, và vì đã can đảm tuyên xưng mình là Kitô hữu.
Và chính tôi, tôi đã thấy rằng Thầy Anrê hài lòng và tuân phục ý Chúa, chấp nhận
chết vì đức tin thánh và vì Đạo[17].
Với các nhân chứng vừa nêu, chúng ta đều thấy trong các lời chứng của họ đều
có từ “Can Đảm” khi nhắc đến cuộc tử đạo của Á Thánh Anrê.
Ước gì ngày hôm nay, nhân đức “can đảm” nầy tồn tại và phát triển nơi tất cả
chúng ta, đặc biệt nơi giới trẻ, nơi các gia đình trẻ, nơi các Giáo lý
viên... Bởi chưng, chúng ta đang sống trong một môi trường xã hội mà sự “sợ
hãi” thường xuyên đe dọa và muốn triệt tiêu niềm hy vọng và vui sống. Sợ sinh
nhiều con, sợ mất việc làm, sợ thi rớt, sợ thiếu ăn thiếu mặc, sợ khổ, sở bệnh,
sợ phản bội, sợ bỏ rơi, sợ mất tình, mất của…
Nếu Đức Cố GH G.P II, năm 1978, đã từng hiệu triệu Dân Chúa và nhân loại: ”Anh
chị em đừng sợ”[18],
thì trên 300 năm trước, người thanh niên Việt Nam Anrê Phú Yên cũng đã nói với
chúng ta: ”Anh em hãy can đảm giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu, cho đến hết
hơi, cho đến trọn đời…”. Và để có một “tình yêu can đảm” đó, chắc chắn
Anrê đã luôn sống trong một cung cách ứng xử rất nhân bản, rất tình người. Và
đó chính là nét đặc trưng thứ ba trong “tình yêu đáp trả của Ngài”:
III. MỘT TÌNH
YÊU HIẾU THẢO KHI BIẾT ƠN VÀ ĐÁP TRẢ:
Tình yêu của Anrê Phú Yên dành cho Chúa Giêsu là một tình yêu hiếu
thảo, biết ơn, một tình yêu sẵn sàng đáp trả đến tận cùng. Chúng ta nhận
ra điều đó qua các chứng từ sau:
- Di chúc thiêng liêng sau cùng Của Á Thánh Anrê Phú Yên:
“Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng
ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì
chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống… Anh chị em thấy rõ
tôi đây bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người, hay làm thiệt
hại ai, mà vì tôi đã nhìn nhận Chúa Tể trời đất và Con Một Người xuống thế chịu
chết chuộc tội cho chúng ta. Mọi sự chúng ta có đều do nơi Người. Thế mà người
ta lại muốn tôi xúc phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta
bắt tôi phải chịu, tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời là hình phạt dành cho kẻ từ
chối không tin thờ Chúa Giêsu Kitô là Đức Chúa Trời thật. Hỡi anh chị em, hãy
coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời muốn ban cho anh chị em, phải liệu sao
cho khỏi bị xử phạt đời đời”.
“Hỡi anh chị em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời
cho đến chết ; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến
Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”.
“Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức
Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”[19].
- Bản tường trình của Cha Đắc Lộ:
“Người ta cũng nhận xét điều này: Thầy Anrê
nhiệt thành chỉ nghĩ đến một điều: Cầu xin Chúa ban cho mình được ơn lấy tình
yêu đáp trả tình yêu cho đến cùng; vì vậy, Chúa đã muốn rằng qua năm vết
thương, Thầy cũng hiến mạng sống vì tình yêu Chúa, Đấng đã từng bày tỏ tình yêu
vô biên đối với chúng ta qua năm vết thương cực trọng mà Ngài đã muốn chúng được
ghi khắc trong thân xác cực thánh của Ngài.”… “Tôi hết sức mong đợi mọi người
trên thế giới được biết người đầy tớ tuyệt diệu của Chúa, để thúc đẩy họ nhận
biết và yêu mến Đấng bạn trẻ này đã yêu mến đến chịu chết vì Người.”[20].
Nếu ”biết ơn” và ”đáp trả” như là thái độ
hiếu thảo dành cho Thiên Chúa, một thái độ không thể thiếu trong đời sống đức
tin mà Đức Kitô đã từng nhắc nhở: ”Còn chín người kia đâu, sao không thấy
tạ ơn Thiên Chúa…?” (Lc 17,17), thì Á thánh Anrê Phú Yên còn nêu bật
cho chúng ta một thái độ, một nhân đức khác nhắm tới quan hệ người với người, bắt
nguồn từ chính mẫu gương của Thầy Chí Thánh Giêsu khi Người cúi xuống rửa chân
cho các tông đồ.
Vâng, tình yêu đáp trả của Á Thánh Anrê Phú Yên chính là một “tình yêu
khiêm hạ, phục vụ”.
IV. TÌNH
YÊU KHIÊM HẠ KHI DẤN THÂN PHỤC VỤ:
Thật vậy, những giá trị của Tin Mừng, của Tám Mối Phúc Thật đã được Anrê
Phú Yên viết lại bằng chính cuộc sống giữa đời thường, đó là khiêm hạ, khó
nghèo, phục vụ... Chúng ta có thể nhận rõ chiều kích linh đạo trên qua các thuyết
minh sau đây:
- Sắc lệnh của bộ phong thánh tuyên phong chân phúc hay
là Bản tuyên bố về cuộc tử đạo của Tôi tớ Chúa Anrê Thầy giảng
giáo dân (khoảng 1625- 1644):
Thầy đã được nhận vào trong tổ chức của Cha với tư
cách là giáo lý viên (Thầy giảng) và Cha đã giúp Thầy kiên trì trong đức tin.
Ngày 31.07.1643, cùng với một số đồng bạn, Thầy tận hiến đi phục vụ Giáo Hội suốt
đời, tức là nhập tổ chức một số giáo dân chuyên cần đi giúp các Linh mục trong
việc truyền giáo, hay là- trong trường hợp cần thiết, khi không có Linh mục- họ
lo bảo toàn tín ngưỡng của giáo dân và cổ võ người bên lương trở về tòng đạo.
Anrê, Tôi tớ Chúa, tiến bước rất mau trên con đường trọn lành: khiêm tốn, công
minh và bẩm tính sẵn sàng phục vụ tha nhân, nhất là những người đau ốm. Cha Đắc
Lộ, biết rõ Anrê, đã minh chứng: “Tôi có thể quả quyết chưa gặp một tập viên,
hay một tu sĩ nào đã nuôi những tư tưởng cao đẹp và có tâm hồn trong trắng như
thế.”[21].
- LM. DƯƠNG HỮU NHÂN, (ROLAND JACQUES) OMI, Anrê Phú Yên và giáo hội
Việt Nam:
“Một năm sau, Anrê xin được thu nhận vào nhóm các
thầy giảng giáo lý do cha Đắc Lộ mới thành lập. Vì tuổi còn trẻ, cần phải được
hoàn tất chương trình đào tạo, Anrê được gửi gắm cho vị quan thuộc nhóm thầy giảng
tên là Inhaxiô, một người được vị thừa sai tin cậy và là trụ cột của cộng đồng
công giáo còn non trẻ. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học các kinh sách
truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc
thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy.”[22].
- LM. PHAOLO MOLINARI S.J, Thỉnh nguyện viên án phong chân phước
cho Thầy Anrê:
“Khi để ý tới những điều đó, ta sẽ không ngạc
nhiên khi đọc thấy một số nhân chứng kể lại trong cuộc Điều Tra về sự tử đạo của
Thầy Anrê. Một số nhân chứng ấy đã ba lần gặp Thầy Anrê trong nhà của cha Đắc Lộ,
nhân dịp họ du hành đến Đàng Trong; vì thế, họ có thể quan sát cách thức Thầy
phục vụ cộng đoàn ở Hội An ; lòng nhiệt thành xả thân của Thầy, với tất cả lòng
trung thành và hăng say, trong việc giảng dạy đức tin Kitô cũng như trong việc
cử hành phụng tự của nhóm các tín hữu. Rồi chính Thầy cũng được nhiều người biết
đến như một tín hữu Kitô siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối và Thánh Thể.”[23] …
Trong một thế giới mà “chủ nghĩa cá nhân” và cuộc sống bon chen ích kỷ đã
trở thành như một qui luật ứng xử thông thường, thì “tình yêu khiêm hạ
phục vụ” của Á Thánh Anrê Phú Yên hôm nay vẫn sáng lên như “viên ngọc
quí”, như đuốc sáng, như sao mai soi rọi cho muôn người, cho tất cả chúng ta.
Và chúng ta cũng biết rằng: “cách cho luôn quí hơn của cho”, cách phục vụ vẫn
có giá trị hơn hành vi phục vụ cho dù nhỏ hay to, nhiều hay ít. Và cái cách mà
Á Thánh Anrê Phú Yên chọn lựa để phục vụ anh chị em chính là “NIỀM VUI”. Và như
thế, chúng ta lại khám ra ra: Tình yêu đáp trả của Anrê dành cho Chúa Giêsu và
anh chị em mình là:
V. MỘT TÌNH
YÊU VUI TƯƠI:
Vui tươi được làm con Chúa, vui tươi phục vụ anh em, cộng đoàn, vui tươi cử
hành phụng vụ và nhất là vui tươi bước ra pháp trường để hiến dâng mạng sống vì
tình yêu...
- Nhân chứng I: João de Rezende de Figueiroa:
“Vì thế, Quan đã tuyên án tại Kẻ Chàm, và Thầy
Anrê hân hoan chấp nhận. Chính tôi thấy Thầy Anrê và tôi đã nói chuyện với Thầy
tại nơi giam giữ. Tôi làm chứng rằng Thầy rất hài lòng vì tin người ta mang tới
cho Thầy về việc Thầy phải chết. Khi lý hình tháo gỡ gông ra khỏi cổ, Thầy Anrê
tuyên bố: “Tôi chết rất sung sướng, bởi lẽ tôi hiến mạng sống vì Đấng đã ban mạng
sống cho tôi; và tất cả mọi người nên biết rằng tôi không chết như một tên trộm,
cũng không phải vì tội ác nào cả, nhưng chỉ vì tôi là Kitô hữu”[24].
- GM. COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT, SJ, Theo dấu chân người:
“Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt,
vui khi bị hành hình. Anh không phải là một triết gia lạnh lùng trước sự sống
và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu.
Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo,
anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thánh giá. Đức Kitô đã phục sinh: đó
là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn
thân với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng
nhân của niềm hy vọng. Những lời cuối cùng từ miệng anh, từ lòng anh, là Chúa
Giêsu. Tôi hiểu hết. Đó là trái tim của anh.
Nhìn mọi sự nhạt nhòa đi, tôi thấy anh nổi bật, ít
là trong lòng tôi, giữa những người trẻ đã bước theo Đức Giêsu đến cùng: Tôma
Thiện, Anrê Trông, Giuse Tuân... Và cả những Luy Gonzaga, những Têrêsa Hài Đồng
nữa.”[25].
Trên mọi nẻo đường phục vụ hôm nay, cần thiết biết bao những niềm vui, những
nụ cười như Á Thánh Anrê Phú Yên để xoa dịu đi bao nỗi nhọc nhằn, để xóa tan đi
bao nhiêu sầu oán, để đẩy lùi bao nhiêu ghen ghét giận hờn…
Niềm vui của thánh Giáo hoàng G.P. II, của mẹ thánh Têrêxa Calcutta… phải
chăng cũng “sắp hàng” trong con đường “đáp trả tình yêu” với niềm vui của Anrê
Phú Yên như thế !
Và chính từ TÌNH YÊU VUI TƯƠI đó, một sức mạnh, một nghị lực
mới được trao ban để Anrê Phú Yên có được “một tình yêu loan báo Tin mừng”, một
tình yêu nỗ lực truyền giáo.
VI. MỘT TÌNH
YÊU LOAN BÁO TIN MỪNG:
Một tình yêu đích thực dành cho Chúa Giêsu luôn luôn phải dẫn tới hành vi
loan báo, truyền giáo. Quả thật “tình yêu Chúa Kitô đã thôi thúc Anrê Phú Yên”,
như đã thúc bách những Tông Đồ của thuở ban đầu khai sinh Giáo Hội mà Thánh
Phaolô đã từng cảm nhận: ”Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2
Cr 5,14).
Những chứng từ sau đây đã nói lên chiều kích đó nơi linh đạo Á Thánh Anrê
Phú Yên:
- SẮC LỆNH CỦA BỘ PHONG THÁNH, TUYÊN PHONG CHÂN PHÚC hay là BẢN TUYÊN BỐ VỀ
CUỘC TỬ ĐẠO CỦA TÔI TỚ CHÚA ANRÊ Thầy giảng giáo dân ( khoảng 1625 - 1644):
“Vì Thầy khẩn khoản van xin, và nhờ uy tín người mẹ,
một tín hữu ngoan đạo, Thầy đã được nhận vào trong tổ chức của Cha với tư cách
là giáo lý viên (Thầy giảng) và Cha đã giúp Thầy kiên trì trong đức tin. Ngày
31.07.1643, cùng với một số đồng bạn, Thầy tận hiến đi phục vụ Giáo Hội suốt đời,
tức là nhập tổ chức một số giáo dân chuyên cần đi giúp các Linh mục trong việc
truyền giáo, hay là- trong trường hợp cần thiết, khi không có Linh mục- họ lo bảo
toàn tín ngưỡng của giáo dân và cổ võ người bên lương trở về tòng đạo. Anrê, Tôi
tớ Chúa, tiến bước rất mau trên con đường trọn lành : khiêm tốn, công minh và bẩm
tính sẵn sàng phục vụ tha nhân, nhất là những người đau ốm. Cha Đắc Lộ, biết rõ
Anrê, đã minh chứng: “Tôi có thể quả quyết chưa gặp một tập viên, hay một tu sĩ
nào đã nuôi những tư tưởng cao đẹp và có tâm hồn trong trắng như thế.”[26].
- BẢN TƯỜNG TRÌNH CỦA CHA ĐẮC LỘ:
“Thầy bước đi giữa toán lính, người thì mang giáo,
người khác mang đao; và trên đường đi, Thầy Anrê phúc lộc lên tiếng dạy dỗ họ
và chỉ cho họ con đường về Quê Trời. Tới nơi xử hồng phúc, Thầy Anrê tốt lành
quì ngay gối xuống; Thầy chào từ giã các tín hữu, đồng thời khuyên bảo họ hãy
trung thành với Thiên Chúa và tín thác trong niềm tin, “để bảo toàn tình bạn với
Chúa cho đến hơi thở cuối cùng và cho tới muôn đời”; đó cũng là những lời Thầy
lập đi lập lại nhiều lần.”[27].
LỜI KẾT:
Hội Thánh là một vườn hoa muôn hương muôn sắc. Trong cuộc hành đức tin của
Dân Chúa suốt 2000 năm đã ghi dấu bao nhiêu chứng từ sống động về đức tin, đức
cậy, đức mến, về tình yêu dành cho Chúa Kitô, về những giá trị của Tin Mừng được
khắc họa bằng chính cuộc sống của bao thế hệ Thánh Nhân.
Chúng ta hãnh diện ở giữa lòng Hội Thánh Việt Nam, cũng đã có bao nhiêu người
con ưu tú đã góp phần làm cho vườn hoa Giáo Hội thêm sắc thêm hương, trong đó,
Á Thánh Anrê Phú Yên đã nổi bật lên như một vì sao sáng. Để cảm nhận một cách
sâu sắc chân lý nầy, và cũng để một lần nữa thắp nén hương tưởng niệm “Người Chứng
Thứ Nhất” của Hội Thánh Việt Nam, Anrê Phú Yên anh hùng, chúng ta có thể
ngâm với nhau bài thơ “Bất Diệt”:
Có những trái tim muôn đời vẫn đập,
Vẫn sáng qua bao thế kỷ mịt mù.
Dù mưa đông hay gió lạnh chiều thu,
Dòng máu thắm nhịp đều theo tiếng thở.
Có những bước chân muôn đời ghi nhớ,
Núi không quên và sông vẫn nhắc hoài.
Bước ngày xưa về đỗ lại hôm nay
Cho quán vắng sáng lên niềm hy vọng
Có những ánh sao muôn đời vẫn sáng
Đêm qua đêm thức mãi hẹn người về.
Sao gọi ai bừng tỉnh giữa cơn mê
Khăn gói bước lên đường theo dấu cũ.
Có những ý thơ đã đi vào tuyệt đối,
Thơ kết bằng muôn giọt máu tin yêu.
Lời thơ vang theo tiếng nhạc dặt dìu,
Đang vẫy gọi hồn ai theo lý tưởng.
Vâng, tất cả đã trở thành thần tượng,
Những con người sống trọn nghĩa Chứng Nhân,
Đem máu tim đền đáp nghĩa thiên ân,
Viết khúc nhạc tình yêu bằng hy tế.
Những người ấy qua muôn ngàn thế hệ,
Vẫn sáng lên như tinh đẩu rạng ngời.
Như đuốc thiêng bừng sáng khắp muôn nơi,
Những người ấy, CHỨNG NHÂN, muôn đời bất diệt…
Nguồn:gpquinhon.org (30.07.2023)
[1] LM TRẦN ĐỨC ANH, OP, Thánh Têrêxa Hài đồng và con đường thơ ấu thiêng liêng: các tác phẩm của thanh nữ Têrêxa Hài đồng: “Ngày 30 tháng 9 năm 1898, tức là đúng một năm sau khi Chị Têrêxa qua đời, Mẹ Agnès Chúa Giêsu và Mẹ Marie Gonzague đã cho ấn hành theo thông lệ một thư luân lưu về nữ tu quá cố và gửi tới tất cả các đan viện kín Camêlô. Chỉ khác một điều là bức thư này dày tới 476 trang. Tác phẩm đó mang tựa đề “Truyện một tâm hồn” và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Cuốn sách này được Mẹ Agnès soạn lại dựa trên 3 thủ bản A, B, C. Mãi tới năm 1956, cha Francois de Sante Marie mới trình bày bản phê bình, gồm các nguyên bản với phần dẫn nhập và chú thích.
- Thủ bản A là tác phẩm được
Têrêxa viết ra theo lời yêu cầu của Mẹ Agnès để kể lại những năm đầu tiên trong
cuộc đời thánh nữ. “Truyện mùa xuân của một bông hoa trắng nhỏ”, do Têrêxa dùng
những giờ phút rảnh rỗi giữa công việc và kinh nguyện để viết lại.
- Thủ bản B được Thánh Nữ Têrêxa kết
thúc vào trung tuần tháng 9 năm 1896: Trong một cuộc tĩnh tâm trong cô tịch,
Têrêxa nhận được lá thư của chị Marie Thánh Tâm xin Têrêxa chia sẻ những ánh
sáng thiêng liêng đã nhận được trong cuộc tĩnh tâm ấy. Ngay ngày hôm ấy,
13-9-1896, Têrêxa trả lời cho chị Marie, thông báo cho chị kinh nguyện dài mà
Têrêxa đã viết ngày 8-9-1896 trước đó để kỷ niệm ngày khấn dòng, đồng thời kèm
theo một thư dài. Thư này cùng với kinh nguyện vừa nói họp thành điều mà người
ta gọi là “Thủ Bản B”. Trong thủ bản này Têrêxa cũng kể lại một giấc mơ và mô tả
các mong ước, các ơn gọi mà Têrêxa ước mong được sống.
- Thủ bản C do Têrêxa viết ra
trong những tháng trước khi qua đời và lần này chị cũng viết vì đức vâng lời. Sứ
mạng huynh đệ mà Têrêxa mô tả chính là một chứng tá sâu xa về đặc sủng Camêlô
do Thánh Nữ Têrêxa Avila đã đề xướng khi cải tổ dòng Camêlo.
[3] Ga 15,12-13: “Đây là điều răn của Thầy:
Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương
nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
[5] NHIỀU TÁC GIẢ, CHỦ BIÊN:
LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Rực
sáng một vì sao (Tài liệu tổng hợp về Á Thánh Anrê Phú Yên),
nxb Tôn giáo 2006, tr. 4. (Xem thêm: Positio super
Martyrio, vol. Ii, Rapport de la commission historique et appendices sumarrium, Romae, 1998, p. 17-18, notes 24,25,26).
[6] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
VIỆT NAM, GIÁM MỤC PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM Chủ
biên, Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nxb Tôn Giáo 2018, tr. 123.
[7] BOB MARLEY: Nguyên tác: “You said you love rain, but you use umbrella
to walk under it. You said you love sun, but you seek shade when it is shining.
You said you love wind, but when it comes you close your window. That’s why I’m
scared when you say you love me”
[8] NHIỀU TÁC GIẢ, CHỦ BIÊN: LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Rực sáng một vì sao, sđd, tr. 148 (Xem thêm: Positio super martyrio… (sđd) phần tiếng Pháp: traduit
du portugais et annoté par Roland Jacques, p. 74).
[18] ĐGH GIOAN-PHAOLÔ II, Bài giảng thánh lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng
cử hành trước thềm Đền thờ thánh Phêrô ngày 22.10.1978: “Anh chị
em đừng sợ hãi. Hãy mở cửa, còn hơn thế nữa hãy mở toang cửa cho Chúa
Kitô! Hãy mở các biên giới các quốc gia, các hệ thống kinh tế cũng
như chính trị, các lãnh vực rộng lớn của nền văn hoá, văn minh, và của sự
phát triển cho quyền năng cứu rỗi của Ngài! Đừng sợ hãi! Chúa Kitô biết “cái gì
trong con người” Chỉ có Ngài biết điều đó! Ngày nay con người thường không biết
mình mang cái gì bên trong, trong tận sâu thăm tâm hồn, trong con tim của mình.
Vì thế nó thường không chắc chắn về cuộc sống của mình trên trái đất này. Nó bị
xâm chiếm bởi nghi ngờ biến thành tuyệt vọng. Vì vậy xin anh chị em cho phép -
tôi xin, tôi nài nỉ anh chị em với lòng khiêm tốn và sự tin tưởng - hãy
cho phép Chúa Kitô nói với con người. Chỉ có Ngài có các lời của sự sống, vâng,
của sự sống vĩnh cửu.”
[27] Sđd, tr. 157