BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh
(13.04.20
06)

“ANH EM ĐÃ SẠCH, NHƯNG KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐÂU!”

WHĐ (14.04.2006)Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cử hành Lễ Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh ngày 13.03.2006 tại Thánh Đường John Lateran. Trong bài giảng, ngài giải thích về tình yêu thanh tẩy của Thiên Chúa và sự từ chối của con người qua câu lời Chúa: “Anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của ngài:

Anh em trong hàng giám mục và linh mục thân mến,
Anh chị em thân mến,

“Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1).

Thiên Chúa yêu con người - thụ tạo của Ngài; Ngài thậm chí còn yêu con người ngay cả khi con người sa ngã và Ngài không bỏ mặc con người. Ngài yêu con người đến cùng. Tình yêu của Ngài thúc đẩy Ngài yêu đến cùng, đến tận cùng: Ngài đã hạ mình, trút bỏ vinh quang thần tính của Ngài.

Ngài cởi bỏ bộ trang phục vinh quang thần tính của mình và khoác lên mình bộ trang phục nô lệ. Ngài đã xuống đến mức tận cùng trong sự thấp hèn sa ngã của chúng ta. Ngài quỳ trước chúng ta và làm cho chúng ta công việc phục vụ của một người nô lệ: Ngài rửa đôi bàn chân bẩn thỉu của chúng ta để chúng ta được nhận vào bàn tiệc của Ngài và được xứng đáng ngồi cùng bàn với Ngài - điều mà tự mình, chúng ta không thể và sẽ không bao giờ làm được.

Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa xa xôi, quá xa vời đến mức không bận tâm đến những chuyện vặt vãnh của chúng ta. Vì Thiên Chúa là vĩ đại nên Ngài có thể quan tâm đến những việc nhỏ nhặt. Vì Ngài là vĩ đại nên linh hồn của con người, cũng như chính con người, được tạo dựng bởi tình yêu vĩnh cửu, không phải là điều nhỏ nhặt mà là điều vĩ đại và xứng đáng với tình yêu của Ngài.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là một sức mạnh rực sáng mà chúng ta buộc phải rút lui trốn tránh vì kinh hãi. Nhưng đó còn là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh có sức thanh tẩy và chữa lành.

Thiên Chúa hạ mình và trở thành nô lệ, Ngài rửa chân cho chúng ta để chúng ta được đến bàn tiệc của Ngài. Ở đây, toàn bộ mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô được thể hiện. Trong đó, ý nghĩa của sự cứu chuộc trở nên rõ ràng. Cái chậu mà Ngài rửa sạch chúng ta là tình yêu của Ngài, sẵn sàng đối mặt với cái chết. Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh thanh tẩy, rửa sạch bụi bẩn khỏi chúng ta và nâng chúng ta lên địa vị cao cả của Thiên Chúa.

Cái chậu thanh tẩy chúng ta là chính Thiên Chúa, Đấng hiến thân cho chúng ta không chút dè dặt - đến tận vực thẳm đau khổ và cái chết của Ngài. Ngài không ngừng là tình yêu thanh tẩy chúng ta; nơi các bí tích thanh tẩy - Rửa tội và Giải tội - Ngài liên tục quỳ dưới chân chúng ta và thực hiện cho chúng ta việc phục vụ của một người nô lệ, việc phục vụ thanh tẩy, làm cho chúng ta có khả năng phục vụ Thiên Chúa.

Tình yêu của Thiên Chúa là vô tận, nó thực sự đi đến tận cùng.

Chúa nói: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13:10). Câu này cho thấy món quà thanh tẩy tuyệt vời mà Ngài ban cho chúng ta. Bởi vì Ngài muốn ngồi cùng bàn với chúng ta, trở thành lương thực của chúng ta nên Ngài trao món quà thanh tẩy cho chúng ta. “Nhưng không phải tất cả đâu” - mầu nhiệm từ chối vẫn tồn tại, điều này trở nên rõ ràng qua hành động của Giuđa, vào chính Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu hiến thân. Điều này sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tình yêu của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng con người có thể đặt ra giới hạn cho tình yêu đó.

“Anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”: Điều gì làm cho con người trở nên ô uế?

Đó chính là sự từ chối tình yêu, không muốn được yêu, hay không được yêu. Đó là niềm kiêu ngạo tin rằng họ không cần bất kỳ sự thanh tẩy nào, họ khép kín trước sự tốt lành cứu rỗi của Thiên Chúa. Đó là sự kiêu ngạo không muốn thừa nhận hay không nhận ra rằng chúng ta đang rất cần được thanh tẩy.

Nơi Giuđa, chúng ta thấy bản chất của sự từ chối này rõ ràng hơn. Giuđa đánh giá Chúa Giêsu theo tiêu chuẩn quyền lực và thành công. Đối với ông, chỉ có quyền lực và thành công là có thật; tình yêu không được tính đến. Và ông lại tham lam: tiền bạc quan thì trọng hơn sự hiệp thông với Chúa Giêsu, quan trọng hơn Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.

Do đó, ông cũng trở thành một kẻ nói dối, chơi trò hai mặt và đoạn tuyệt với sự thật; một người sống trong sự lừa dối và do đó đánh mất ý thức về sự thật tối cao, về Thiên Chúa. Bằng cách này, Giuđa trở nên chai đá và không có khả năng hoán cải, không còn tin tưởng vào sự trở lại như Đứa Con Hoang Đàng, và ông đã từ bỏ cuộc sống.

“Anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”. Hôm nay, Thiên Chúa cảnh báo chúng ta về sự tự mãn đặt ra giới hạn cho tình yêu vô hạn của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta bắt chước sự khiêm nhường của Ngài, hãy dấn thân theo điều đó, hãy để mình được “thấm nhập” bởi điều đó.

Dù chúng ta có cảm thấy mất mát, thì Ngài vẫn mời gọi chúng ta hãy trở về nhà, hãy để lòng nhân lành thanh tẩy của Ngài nâng đỡ chúng ta và giúp chúng ta có thể ngồi cùng bàn với Ngài, Thiên Chúa của chúng ta.

Chúng ta hãy thêm lời cuối cùng vào đoạn Tin Mừng đầy ý nghĩa này: “Vì Thầy đã nêu gương cho anh em” (Ga 13:15); “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13:14). “Rửa chân cho nhau” bao gồm những gì? Nó thực sự có nghĩa là gì?

Việc rửa chân là mọi việc lành mình làm cho người khác - đặc biệt cho những người đau khổ và những người bị coi là không có giá trị gì.

Chúa kêu gọi chúng ta làm việc rửa chân này: hãy hạ mình xuống, học sự khiêm nhường và lòng can đảm của sự tốt lành, cũng như sẵn sàng chấp nhận sự từ chối, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào sự tốt lành và kiên trì trong việc đó.

Nhưng còn có một khía cạnh khác sâu sắc hơn. Chúa tẩy sạch vết bẩn khỏi chúng ta bằng sức mạnh thanh tẩy của lòng nhân hậu của Ngài. Rửa chân cho nhau trước hết có nghĩa là tha thứ cho nhau một cách không mệt mỏi, cùng nhau bắt đầu lại từ đầu, cho dù điều đó có vẻ vô nghĩa đến đâu. Nó có nghĩa là thanh tẩy lẫn nhau bằng cách chịu đựng lẫn nhau và khoan dung với nhau; thanh tẩy lẫn nhau là trao ban cho nhau sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa và dẫn nhau vào Bí tích tình yêu của Thiên Chúa.

Chúa thanh tẩy chúng ta, và vì lý do này, chúng ta mới có thể dám đến gần bàn tiệc của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho tất cả chúng ta ân sủng để một ngày nào đó, chúng ta có thể trở thành khách mời mãi mãi trong tiệc cưới vĩnh cửu. Amen!

Văn Việt
Chuyển ngữ từ: vatican.va