Antoine Mekary/ALETEIA
LỄ ĐỨC MẸ FATIMA: “TẤT CẢ THUỘC VỀ MẸ”
Linh mục Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 11/05/2021
WHĐ (11.5.2021) - Ngay sau biến cố mặt trời nhảy múa hay còn
gọi là phép lạ tỏ tường xảy ra tại đồi Cova da Iría, Fatima, Bồ Đào Nha ngày 13
tháng 10 năm 1917, chi tiết về các thị kiến và thông điệp do Đức Trinh Nữ Maria
gửi đến cộng đồng nhân loại lần lượt được các đấng bản quyền trong Hội Thánh lượng
giá và cho phép phổ biến vì lợi ích thiêng liêng của các linh hồn. Nhờ những
thông điệp này, nhân loại có dịp nhận ra sự khẩn thiết của việc hoán cải và cấp
bách cải thiện bản thân để cứu thế giới khỏi cảnh kinh hoàng có nguy cơ xảy đến
và tìm lại được ơn bình an cho chính mình, cho gia đình, cho đất nước và cho cả
thế giới. Đây không chỉ đơn giản là một biến cố 100 năm về trước, mà dường như
đó còn là câu chuyện của chúng ta hôm nay.
Tượng Đức Mẹ Cát Minh theo mô tả của Nữ Tu Lucía, đặt trong nguyện đường
Tu Viện Dòng Cát Minh tại Rôma.
Thế giới hiện nay đang trong tình cảnh hết sức ngặt nghèo, một
lần nữa tiếng vọng Fatima lại có dịp ngân vang. Gần hai năm qua, virút Corona
Vũ Hán không ngừng giáng xuống trên nhân loại những tác động ghê gớm và tổn thất
kinh hoàng trên mọi phương diện. Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với các vị chủ
chăn Hội Thánh đã không ngừng kêu gọi tín hữu khắp nơi cầu nguyện liên lỉ.
Không chỉ khấn nguyện cách thụ động mà còn tích cực làm việc hy sinh, hãm mình,
thực thi bác ái và nhất là sám hối ăn năn. Tháng Năm lại về, ngoài những vũ
khúc dâng hoa rình rang bên ngoài, chúng ta còn được mời gọi làm mới lại lòng
trìu mến thảo hiền của chúng ta đối với Mẹ Maria. Chúng ta cần phải củng cố lại
niềm tin của chúng ta dành cho Mẹ. Mẹ không bao giờ đề chúng ta một mình chèo
chống trong cơn gian nan thử thách và Mẹ vẫn không ngừng hướng dẫn bảo ban
chúng ta. Mẹ đã và đang làm mọi cách để đưa chúng ta đến gần với Chúa Giêsu Con
của Mẹ hơn. Mẹ chỉ cho chúng ta cách nhận biết thánh ý Chúa; và cũng chính Mẹ sẽ
giúp chúng ta bước đi trên đường Chúa muốn để chúng ta có thể đạt đến hạnh phúc
viên mãn. Nói như thánh Louis de Montfort, chóp đỉnh của lòng sùng mộ sẽ thôi
thúc chúng ta dâng hiến bản thân cho Trái Tim Mẹ Maria, và qua Mẹ chúng ta tận
hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Qua Mẹ Maria…
Ngày 13 tháng Chín năm 1949, cha Donald O’Callaghan, Dòng
Cát Minh, vinh hạnh được phỏng vấn nữ tu Lucía là một trong ba thị nhân Fatima
còn sống sót và lúc bấy giờ là Đan Sĩ Dòng Kín Carmel tại Coimbra. Cha Donald
muốn biết thêm rằng trong lần hiện ra sau cùng đó, Đức Mẹ Fatima đã nói với Sơ
những gì về Áo Đức Bà của Dòng Cát Minh. Sơ Lucía cho biết rằng, ngày 13 tháng
10 năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra không chỉ một lần mà những ba lần với diện mạo
dáng vẻ khác nhau. Lần đầu Mẹ xuất hiện với danh hiệu Nữ Vương rất thánh Mân
Côi, lần thứ hai với danh hiệu Đức Mẹ Sầu Bi, và lần thứ ba với diện mạo của Đức
Mẹ Núi Cát Minh. Khác với những lần hiện ra trước đó, lần này Mẹ hiện đến còn
có cả Hài Nhi Giêsu và Thánh Cả Giuse. Sơ Lucía nhấn mạnh chi tiết, ba Đấng
Thánh đã trìu mến đưa tay chúc lành cho nhân loại. Riêng Mẹ Maria thì trong những
lần xuất hiện ngày hôm ấy, Mẹ đã cầm Tràng Chuỗi Mân Côi và mẩu Áo Đức Bà nâu
trên tay.[1]
Nữ đan sĩ còn cho biết, tuy Đức Mẹ đã không nói gì về Áo Đức
Bà nhưng cử chỉ của Mẹ lại nói lên rất nhiều điều. Cầm tấm áo màu nâu gồm có
hai mẩu vải nhỏ trên tay, Mẹ Maria âu yếm nhìn và đưa tấm áo ấy hướng về đám
đông trên dưới 70.000 người đang quy tụ trên đồi Cova da Iría ngày hôm ấy. Mặc
dù chỉ có Sơ Lucia được thấy cảnh tượng nói trên nhưng Sơ xác tín đó là thông
điệp sống động nhất mà Sơ đã từng nhận được từ Mẹ Maria liên quan đến Áo Đức Bà
Cát Minh. Sơ truyền lại thông điệp hành động của Đức Mẹ bằng những lời sau đây:
“Mẹ Maria không những hài lòng với thực hành đạo đức này mà còn mong muốn Áo Đức
Bà ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn nữa.”[2]
Mẹ ước mong sao ngày càng có thêm nhiều người mang lấy Áo Mẹ trên mình như dấu
hiệu hữu hình của việc họ thành tâm tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.
Trước vấn nạn là có nhiều người cho rằng thông điệp Fatima
chủ yếu xoay quanh Kinh Mân Côi mà thôi, Sơ Lucía phản bác ý kiến đó. Sơ xác nhận
rằng Chuỗi Mân Côi và Áo Đức Bà là hai phương thế đạo đức liên kết chặt chẽ với
nhau làm nên một phần không thể thiếu của thông điệp Fatima. Nói cách khác, khi
nhắc đến ba mệnh lệnh Fatima thì không ai có thể không nhắc đến Tràng Hạt Mân
Côi và Áo Đức Bà Cát Minh. Trong thông điệp đầy tình mẫu tử, Đức Maria tha thiết
kêu gọi chúng ta “cải thiện đời sống, siêng năng cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi,
và tận hiến bản thân chúng ta cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ” với ý chỉ cầu nguyện
cho ơn hoán cải toàn thế giới. Cả Tràng Chuỗi Mân Côi và Áo Đức Bà đều là biểu
tượng của một đời sống liên lỉ cầu nguyện, liên lỉ yêu mến và mau mắn thi hành
thánh ý Chúa. Chính sự thật này đã được Sơ Lucía làm chứng trong cuộc phỏng vấn
và được lưu lại trong các ghi chép của Sơ. Ít lâu sau, tức là năm 1950, Đức Piô
XII (là vị Giáo Hoàng đã thánh hiến thế giới cho Mẹ Maria vào năm 1942) đã xác
nhận lời chứng của nữ tu Lucía và truyền dạy rằng “trong những thực hành sùng
kính Đức Maria thì Áo Đức Bà cần phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Thực hành
đạo đức này thực sự đã trở nên rất phổ biến nơi đời sống của các tín hữu và đã
sản sinh ra vô vàn hoa trái hữu ích.”
Chúng ta đón nhận và mang lấy Áo Thánh Mẹ là vì chúng ta nhận
thấy “kỷ vật” này chứa đựng lời hứa bảo trợ của Mẹ dành cho chúng ta. Không phải
vì Mẹ hứa bảo trợ mà chúng ta có quyền ỷ lại vào việc mang Áo Đức Bà hoặc có
tình xem nhẹ ý nghĩa thần học nền tảng của thực hành đạo đức này. Chúng ta
không nên lầm tưởng Áo Đức Bà như một thứ “bùa hộ mệnh”, và không được phép trở
nên biếng nhác chểnh mảng trong việc lo lắng cho phần rỗi của mình và của người
khác. Thánh Phaolô Tông Đồ đã từng lưu ý điều này khi ngài nói: “Anh em hãy biết
run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được
cứu độ” (Phil 2, 12).[3] “Gắng sức lo” ở đây thể hiện
một ý thức trách nhiệm, là thái độ chủ động dâng hiến bản thân cho Chúa để thuộc
trọn về Người và để trở nên khí cụ trong tay Chúa. “Gắng sức lo” ở đây là “Fiat” như Mẹ Maria vẫn hằng “xin vâng”
cho kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa được thành toàn. Theo ý nghĩa này, việc
ngày đêm mang Áo Đức Bà trên mình chính là lời nhắc nhớ cho chúng ta về bổn phận
“gắng sức lo” cho mình và cho người khác.[4]
Chân Phước Titus Brandsma Dòng Cát Minh đã tâm niệm rằng ai mang Áo Thánh Mẹ
thì có bổn phận noi gương bắt chước Mẹ thông truyền sự sống thánh thiêng cho
anh chị em xung quanh.[5] Việc mang Áo Đức Bà không chỉ nói lên mối dây
liên lạc thắm thiết giữa chúng ta và Mẹ Maria mà còn là cam kết “trở nên đồng
hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô” (x. Rm 8:29).
… tận hiến cho Chúa
Giêsu.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin
vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một chiến sĩ nhiệt thành trong việc cổ võ
lòng sùng kính Đức Mẹ, đã nhắc đến sứ điệp Tin Mừng này khi ngài long trọng
thánh hiến thế giới hiện đại cho Đức Mẹ Maria ngay sau Thánh lễ ngài cử hành tại
Đền Thánh Fatima cách đây gần 40 năm (13/05/1982). Lời nguyện thánh hiến còn
nói rõ thêm: Chúa Cha yêu mến thế gian như thế nào thì Chúa Con cũng yêu mến
chúng ta như thế. Tình yêu đã thôi thúc Chúa Giêsu thánh hiến chính bản thân
Ngài cho toàn thể nhân loại chúng ta: “Lạy Cha, vì thế gian, con xin thánh hiến
chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (x. Ga 17. 19). Nhờ sự
tự hiến của Chúa Giêsu, chúng ta những môn đệ của Người thời đại hôm nay được mời
gọi xả thân vì ơn cứu độ thế giới. Chúng ta được mời gọi mang vào mình dấu tích
cuộc khổ nạn của Đức Kitô nhằm mang lại ơn ích cho thân mình của Chúa, tức là Hội
Thánh của Người (x. 2 Cr 12, 15; Cl 1, 24). Ý thức rõ ràng và đầy đủ về sứ mạng
này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong tình hiệp thông với các giám mục
khác, đã hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Ngài nài xin Mẹ
giúp các Kitô hữu sống xứng đáng với sứ mạng “xả thân vì thế giới” mà Chúa
Giêsu Con Mẹ đã tín nhiệm trao phó cho Hội Thánh.
Vị thủ lãnh Giáo Hội hoàn vũ khẩn khoản nài xin: “Ôi Trái
Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội! Xin giúp chúng con chiến thắng sự đe dọa của sự dữ là
thứ rất dễ bén rễ trong trái tim của con người ngày nay, và những tác động khôn
lường của chúng đã đè nặng lên thế giới hiện đại của chúng con và dường như còn
chặn đứng cả tương lai của chúng con nữa… Một lần nữa xin hãy để cho tình yêu
vô biên của Mẹ được tỏ hiện trong thế giới hôm nay. Nguyện cho tình yêu ấy chặn
đứng mọi sự dữ và hoán cải lương tâm chúng con.”[6]
Không còn nghi ngờ gì nữa, hành động thánh hiến cho trái tim Mẹ Maria luôn đi
kèm với ước nguyện xin ơn hoán cải, xin ơn ngụp lặn trong tình yêu vô biên của
Chúa Giêsu Kitô. Nhờ tận hiến cho khiết tâm Mẹ Maria, chúng ta được bao bọc và
dìm mình vào đại dương tình yêu của Chúa Giêsu. Để rồi từ đó mọi hành vi và lời
nói của chúng ta sẽ làm chứng cho sự hiện diện từ ái của Chúa trong trần gian
này. Chỉ có lòng thương xót của Chúa mới có sức mạnh chữa lành mọi vết thương,
an ủi mọi ưu phiền và thắng vượt mọi sự dữ.
Có thể nói Thánh Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của Fatima
vì cuộc đời và sứ vụ Tông Tòa Phêrô của ngài gắn liền với thông điệp Fatima.
Ngài không chỉ nêu gương cho các tín hữu về việc liên lỉ cầu nguyện bằng kinh
Mân Côi mà ngài còn là một tín hữu sùng mộ Á Bí Tích Áo Đức Bà một cách đặc biệt.
Kể từ khi được rước Chúa lần đầu cho đến khi lìa thế, thậm chí trong lúc cấp cứu
vì bị ám sát hụt ngày 13 tháng Năm 1981, ngài đã liên tục mang trên mình Áo Đức
Bà Cát Minh với tâm niệm “Totus tuus – Tất
cả thuộc về Mẹ”. Sau khi hồi phục khỏi các vết thương, Đức Gioan Phaolô II
đã viết thư cho cha sở giáo xứ Traspontina -Rôma do các linh mục Dòng Cát Minh
coi sóc để yêu cầu nhận một cỗ Áo Đức Bà mới vì cổ Áo Đức Bà cũ giờ đây đã bị
nhuốm máu. Ước muốn tiếp tục mang Áo Thánh Mẹ và lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày phần
nào nói lên tâm niệm thánh thiện của vị giáo hoàng: Sứ vụ Phêrô của ngài tiếp tục
và mãi mãi được đặt dưới sự chở che chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh.
Áo Đức Bà thấm máu của Thánh Gioan Phaolô II đang được lưu giữ nơi sinh
quán của ngài Wadowice, Ba Lan.
Lòng sùng mộ của Thánh Gioan Phaolô II dành cho Đức Mẹ Núi
Cát Minh còn được thể hiện qua việc ngài biên soạn những lời kinh trang trọng
nhất dâng kính Đức Mẹ Áo Nâu. Trong đó, ngài ca ngợi Đức Nữ Trinh Maria Núi Cát
Minh như “Mẹ Niềm Cậy Trông” và là “Ánh Bình Minh đầy hy vọng” báo trước sự xuất
hiện tươi sáng của Vầng Hồng Giêsu Kitô. Nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ Fatima giữa
bao ngổn ngang của mùa dịch, chúng ta hãy mượn lời kinh này mà dâng lên Mẹ
Maria tâm tình tin tưởng sùng mộ của chúng ta đối với tình thương vĩ đại và ơn
che chở hộ phù của Mẹ. Có Mẹ đồng hành, chúng ta không đánh mất niềm trông cậy
mà ngược lại ngày càng tin tưởng vào lòng thương xót hải hà của Cha trên trời:
Kinh Kính Đức Mẹ Cát
Minh
(Trích từ lời thánh hiến
nước Chilê cho Đức Mẹ Cát Minh, 03/04/1987)
Lạy Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh, Mẹ của Niềm Cậy Trông,
xin Mẹ hãy dang rộng tà áo mà che phủ hết các thành thị và thôn xóm, che chở hết
cả mọi người; từ nam, phụ, lão, ấu, cho đến những kẻ ốm đau muộn phiền và trẻ
em cô thế cô thân. Xin Mẹ bảo vệ chở che cho đoàn con cái trung thành lẫn những
con chiên đang lầm đường lạc bước.
Hỡi Ngôi Sao Biển rạng ngời! Hỡi Ánh Bình Minh tươi sáng,
xin dẫn đưa chúng con trên hành trình dương thế đầy lận đận gian truân, để
trong bình an và với tinh thần hòa hợp, chúng con tiến bước trên đường Phúc Âm
Chúa dạy và trên những con đường của thăng tiến, công lý và tự do.
Xin Mẹ hóa giải mọi xung khắc và thay vào đó một tình huynh
đệ thắm thiết chan hòa. Để rồi đây mọi hận thù oán giận sẽ tiêu tan, mọi chia rẽ
và rào cản sẽ được vượt qua, mọi xung đột sẽ sớm được xoa dịu và mọi thương
tích sẽ được chữa lành.
Nguyện xin Mẹ mở lòng cho mọi người thuộc mọi nước mọi dân để họ nhận ra rằng: họ không chỉ có cùng nguồn cội mà còn đang tiến về cùng một đích đến. Ai ai cũng cần phải tôn trọng và quý mến nhau như anh chị em con cùng một Cha, trong Chúa Giêsu Kitô – Đấng Cứu Độ duy nhất, nhờ ơn canh tân của Chúa Thánh Thần, hầu vinh danh một Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh hiển trị muôn đời. Amen.
(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)
[1] Tham khảo Rafael María López Melús, O.Carm, La Virgen de Fatima y el Escapulario del Carmen: Primer Centenario de
las Apariciones 1917-2017, Castellón: ONDA, 2017.
[2] Xem Assuncão Pereira Silva, TOC, “Fátima y la Virgen del Carmelo,” Escapulario del Carmel 1430 (2017), tr.
152-158.
[3] Xem ĐTC Piô XII, Tông Thư Neminem profecto latet gửi Bề Trên Tổng Quyền Dòng Cát Minh hai nhánh O.Carm và OCD, 11/02/1950. Tham khảo bản tiếng Anh: https://scapularconfraternity.weebly.com/letter-of-pope-pius-xii.html, truy cập ngày 11.5.2021.
[4] Nghi thức làm phép và trao Áo Đức Bà ghi rõ: “Người lãnh
nhận Áo Đức Bà sẽ chuyên tâm dấn thân phục vụ Đức Maria vì lợi ích của toàn thể
Giáo Hội.”
[5] Xem Titus Brandsma, O.Carm., Báo cáo trong Hội Thảo Thánh Mẫu Học Tongerloo, 08/1939, trích trong Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Gia Đình Cát Minh Quốc Tế dịp KN 750 năm Áo Đức Bà, 25/03/2001, #4, Tham khảo bản tiếng Anh: http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/2001/march/documents/hf_jp-ii_spe_20010326_ordine-carmelo.html, truy cập ngày 11.5.2021.
[6] Xem bản Tiếng Anh trên L’Osservatore Romano, số ra ngày 24/05/1982.